Popular Posts

Sunday, May 13, 2012

Cư dân mạng Trung Quốc dùng kiểu "nói lóng" để luồn lách sự kiểm duyệt

TRUNG QUỐC - Bài đăng : Thứ bảy 12 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 12 Tháng Năm 2012

Cư dân mạng Trung Quốc dùng kiểu "nói lóng" để luồn lách sự kiểm duyệt

Một cửa hàng cung cấp dịch vụ internet tại Bắc Kinh (Reuters)

Một cửa hàng cung cấp dịch vụ internet tại Bắc Kinh (Reuters)

Minh Anh  RFI

Để luồn lách sự kiểm duyệt thông tin chặt chẽ của chính quyền Bắc Kinh, các cư dân mạng tại Trung Quốc đã sáng tạo ra một kiểu mã ngôn ngữ nhờ vào sự đa dạng thanh điệu trong Hoa ngữ, nên tạo ra hiện tượng đồng âm, để có thể đề cập đến các chủ đề nhạy cảm. Đề tài này đã được tờ phụ san văn hóa của báo Le Monde phản ánh qua bài viết : "Mạng Internet, thật là khó hiểu !"

Câu chuyện bắt đầu từ việc một Hoa kiều sống tại Pháp không thể nào giải mã được nội dung một câu chuyện do một người bạn trong nước gởi qua mạng Internet. Một câu chuyện hiện đang được lan truyền rất rộng rãi trong nước. Vấn đề là mọi nét chữ và các từ đều rất quen thuộc, nhưng anh Hoa Kiều này không tài nào hiểu được ý nghĩa đoạn văn.

Mô phỏng theo các nhân vật rối Teletubbies trong một bộ phim truyền hình nhiều tập giành cho trẻ em nổi tiếng tại Anh, câu chuyện « cuộc chiến của các con rối Teletubbies chống lại giáo chủ Không (Kong)», kể về cuộc chiến của các con rối, dưới sự hỗ trợ của Kumho, một thương hiệu vỏ xe ô-tô Hàn Quốc, chống lại các loại mì ăn liền « Giáo chủ Không ». Các chú rối và đồng minh phá vỡ thành công mưu toan của Giáo chủ Không nhằm áp đặt món lẩu Trùng Khánh lên thị trường. Xuất hiện trong câu chuyện trên còn có các thương hiệu khác như nước uống Vương Lão Cát và bột giặt Tide. 

Le Monde giải thích, Teletubbie và Kumho được dùng để ám chỉ hai nhà lãnh đạo chính hiện nay là ông Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) và ông Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao). Theo phiên âm sang tiếng Hoa, Teletubbies được phiên thành chữ ‘bảo’ (bao), nghĩa là « kho báu ». Còn chữ Kumho có chứa đựng các nét tự « hu » (Hồ) và « jin » (Kim). Teletubbies và Kumho phải đối đầu với Giáo chủ Không – chính là ông Chu Vĩnh Khang. Cả ba người này đều là thành viên của Ban Thường vụ Chính trị - trung tâm quyền lực, mà chín ghế thành viên sẽ được đề cử mới lại vào tháng 10 năm nay nhân Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18.

Theo câu chuyện Teletubbies, cư dân mạng Trung Quốc ám chỉ đến việc ông Chu Vĩnh Khang muốn đề bạt người của mình là Bạc Hy Lai, con trai của một nhà cách mạng lão thành và là nhân vật số 1 của tỉnh Trùng Khánh (được mô tả trong Teletubbies là « lẩu Trùng Khánh ») đối mặt với nhân vật số 1 trong tương lai – Tập Cận Bình (Xi Jinping) – được mệnh danh là bột giặt Tide – viết theo tiếng Hoa là Taizi xiyifen – nghĩa là « bột giặt tẩy sạch các vết bẩn ». Tuy nhiên, qua thay thế vài nét tự tinh tế, thuật ngữ này cũng có thể hiểu là « hoàng tử Tập » tức Tập Cận Bình.

Chính mưu toan chạy trốn của Vương Lập Quân (trong câu chuyện tưởng tượng là Vương Lão Cát) - cánh tay mặt của Bí thư tỉnh Trùng Khánh vào Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô (chính là nhân vật Coca-cola trong Teletubbies) đã dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của Bạc Hy Lai.

Câu chuyện kết thúc với lời kết như sau : « Lẩu Trùng Khánh muốn xâm nhập thị trường bằng mọi giá, nhưng chỉ có ứng viên duy nhất có thể mà thôi và ai cũng thấy rõ đó chính là bột giặt Tide ».

Chỉ trong vòng có vài ngày, câu chuyện Teletubbies và giáo chủ Không đã lan truyền rộng rãi trên Net Trung Quốc. Nhờ vào câu chuyện này, mà cư dân mạng có thể đề cập một chủ đề chính trị nhạy cảm vốn không có chỗ đứng trên các trang báo chính thống. Theo nhận xét của Severine Arsène, chuyên gia về Internet Trung Quốc, cách thức sử dụng này không có gì là mới mẻ. Cách sử dụng ngôn ngữ mã hóa này đã từng được các nô lệ sử dụng trong thời kỳ chế độ nô lệ. 

Điều đáng chú ý là hiện tượng này đã được các thế hệ mới, được gọi là « thế hệ sau 80 » dùng đến nhiều nhất. Đây chính là thế hệ sinh sau năm 1980, những giới trẻ thành thị mang tinh thần chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn những bậc anh chị đi trước, là môn đồ của công nghệ mới và là thế hệ không ngần ngại thổ lộ tâm tư của mình trên các trang blog, các diễn đàn và các tiểu blog.

Tuy nhiên, theo nhận định của báo Le Monde, sự trỗi dậy của một nền văn hóa phản kháng cũng chưa hẳn là tín hiệu của một sự cảnh báo triệt để cho đảng Cộng sản Trung Quốc. Khác với các nhà đối lập như Ngải Vị Vị hay như Lưu Hiểu Ba phản đối công khai chế độ thường là đối tượng của các vụ trấn áp (bắt giam hay quản thúc tại gia), « thế hệ sau năm 80 » phần đông vẫn theo chủ nghĩa chính thống.

Họ thích mỉa mai cách « tuyên truyền của thế hệ cha anh » nhưng sẵn sàng thích nghi với các dự án của các nhà lãnh đạo ủng hộ cải cách, những người cấp tiến nhất. Theo Johan Lagerkvist, chuyên gia về Trung Quốc, những « viên chức công nghệ” này muốn dựa vào các công nghệ mới để thiết lập một “cách điều hành tốt” dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. 

Tại Thái Lan, đời mang màu đỏ

Cũng theo báo Le Monde, hiện đang có rất nhiều « ngôi làng theo phe Áo đỏ » xuất hiện tại Thái Lan, nhất là tại các vùng nông thôn nghèo nằm ở phía Đông Bắc. Theo nhận định của tờ báo sự gia tăng các « ngôi làng áo đỏ » ngày càng nhiều thể hiện sự bất bình của một bộ phận đông nông dân nghèo trước tầng lớp giàu có tại Bangkok và nhiều thành phố lớn. 

Tác giả nhắc lại rằng, màu đỏ chính là tín hiệu của sự nổi dậy, nhưng nó cũng không phải là màu sắc của cách mạng cũng như là màu của máu. Thế nhưng, vào năm 2006, khi ông Thaksin bị quân đội lật đổ, thì người ta lại mong muốn đấy chính là màu của cách mạng và màu đỏ đó cũng là màu của máu, khi phong trào phản kháng của phe Áo đỏ bị quân đội đàn áp làm thiệt mạng 91 người và hàng ngàn người bị thương. 

Theo Le Monde, dù rằng đảng Pheu Thái đã giành được thắng lợi sau đợt tổng tuyển cử hồi tháng 7/2011, và Yingluck Shinawatra, em gái cựu Thủ tướng Thái Lan bị lật đổ Thaksin Shinawatra, được bầu làm Thủ tướng, nhưng những người Áo đỏ vẫn tiếp tục phong trào phản kháng chống lại hệ thống xã hội vẫn do tầng lớp ưu tú thống trị. 

Le Monde nhận xét, chẳng có gì là đáng ngạc nhiên khi mà tại vùng nông thôn phía Đông-Bắc, lại phủ toàn một màu đỏ. Bởi lẽ, người nông dân tại khu vực này phải canh tác trên những cánh đồng chua, ít màu mỡ hơn so với những vùng còn lại của đất nước.

Đối với những người nông dân ở đây, ông Thaksin – cựu thủ tướng Thái Lan, vẫn là một người anh hùng do các chính sách xã hội của ông đề ra, tập trung chủ yếu vào việc phát triển các quỹ vi tín dụng và cấp vốn vay với lãi suất ưu đãi. Theo thống kê của ngân hàng Thế giới, giữa năm 2001 và 2005, thu nhập bình quân đầu người trong vùng đã tăng lên 46%. 

Thế thì những người Áo đỏ ở đây họ mong đợi điều gì ? Theo lời thuật lại của một nhân chứng tại làng Mong Khai, thuật ngữ « làng của những người Áo đỏ » chẳng làm cho cuộc sống của họ thay đổi. Nhưng « đấy đơn giản chỉ là các thể hiện của ý nguyện về sự công bằng và dân chủ ». Họ mong muốn những người có liên đới đến vụ thảm sát 19/5/2010 phải bị trừng phạt. 

Bởi lẽ, mối bận tâm hàng đầu của phe Áo đỏ, chính là « phẩm cách ». Mục tiêu của họ chính là « giới quý tộc ». Nghĩa là, các thành viên của liên minh thần thánh giữa quân đội, hoàng gia và chính phủ. 

Tuy nhiên, phong trào phản kháng này cũng đang bị chia rẽ, không chỉ ở cấp độ địa phương mà còn ở cấp độ quốc gia. Nhiều người bắt đầu có bất đồng chính kiến với phe cầm quyền, hiện do em gái của ông Thaksin lãnh đạo. Những người này cho rằng, một số đại biểu trong đảng cầm quyền đã không lắng nghe mốibận tâm của người dân nghèo. Họ cũng cho rằng bà Yingluck Shinawatra đã đưa ra quá nhiều thỏa hiệp với các thể chế cao hơn ; mà nói đúng ra chính là quân đội và hoàng gia.

Le Monde nhận xét rằng làn sóng phản đối này thể hiện tiếng nói mới của người nông dân. Một hiện tượng được cho là không thể nào nghĩ đến cách đây 10 năm. 

Dân số Nhật Bản : ngày càng già đi 

Liên quan đến lãnh vực đời sống, mục « Câu chuyện trong ngày » trên phụ san báo Le Figaro có một thông tin khá khôi hài. Theo tờ báo, lượng tã quần được bán ra tại Nhật Bản thể hiện cho thấy cấu trúc dân số tại Nhật Bản. 

Thông thường, sự thịnh vượng của nhà sản xuất tã quần trong một quốc gia chứng minh cùng lúc cho thấy mức sống của người dân – vì tã sử dụng một lần thể hiện nền tiêu thụ của một quốc gia giàu và sức mạnh dân số. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, lại có một xu hướng khác đi.

Lần đầu tiên trong lịch sử nhà sản xuất tã lớn nhất Nhật Bản, nhãn hiệu Unicharm, lượng bán của loại tã dành cho người lớn đã vượt qua mặt loại tã dành cho trẻ em trong năm qua. Điều này cho thấy, tỷ lệ người trên 65 tuổi tại Nhật Bản cao nhất trên thế giới : chiếm 23,3% dân số cả nước.

Nếu như tỷ lệ sinh con ở phụ nữ vẫn thấp (1,39 trẻ cho một phụ nữ) thì số người già sẽ chiếm đến 40% dân số trong vòng 50 năm tới.

Từ các dự đoán này, các nhà sản xuất và cung cấp tã lớn tại Nhật Bản được huy động cho giới khách hàng này. Theo họ, đây sẽ là « động lực tiêu thụ » chính. Le Figaro nhận định, hiện tượng « papy-boom » không chỉ có ở xứ Mặt trời mọc, mà ngay cả tại Trung Quốc. Hiện tại, nếu như số người trên 65 tuổi tại đất nước Vạn Lý Trường Thành này chỉ chiếm chưa tới 9% dân số thì trong vòng mười năm nữa sẽ có tới 26 triệu đầu bạc. Một thị trường mà nhà sản xuất Nhật Bản Unicharm muốn tấn công ngay tức thì.

 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List