Popular Posts

Tuesday, June 11, 2013

Chuyện vui: hôn hít ở Tây phương và ỉa đái ở Việt Nam


 

Chuyện vui: hôn hít ở Tây phương và ỉa đái ở Việt Nam


Lê Diễn Đức


 Ảnh: Báo Tiền Phong

 

Người Việt ta thường hài hước ví von chuyện hôn hít bên Tây với chuyện đái bậy ở Việt Nam.

 

Cái cần làm nơi kín đáo ở Tây phương, thì ở Việt Nam người ta làm công khai giữa chốn thanh thiên bạch nhật, và ngược lại.

 

Ở Mỹ hay các nước châu Âu, đôi lứa có thể hôn nhau thoải mái ngoài đường, trên bãi tắm biển, trong rạp hát, trên tàu xe….

 

Biểu hiện tình cảm yêu thương là cái đẹp, cớ sao phải giấu giếm! Phải không nhỉ?

 

Còn chuyện ỉa đái, nói tế nhị, lịch sự hơn là “xả bầu tâm sự”, thì phải kín đáo, thực hiện trong toilette (hay restroom, nói theo người Mỹ).

 

Những tập quán cá nhân bất thành văn này ở các nước văn minh mặc nhiên thuộc về nếp sống và ý thức sinh hoạt văn hoá công cộng, cũng tương tự như không vứt rác ra đường, hoặc khạc nhổ bậy bạ trên phố phường… Tuy nhiên, trên phương diện trật tự xã hội, ai làm bậy mà cảnh sát tóm được sẽ bị phạt méo mặt và quê một cục!

 

Thế mà, cũng có ngoại lệ, nói ra ít ai tin. Cách đây không lâu người ta cấm hôn nhau trên… nhà ga ở nước Anh! May quá, không phải trên khắp nước Anh mà chỉ ở thành phố Warrington.

 

Quy định cấm này chẳng hề dính dáng tới thuần phong mỹ tục hay văn hóa sinh hoạt gì cả. Chẳng qua là vấn đề hôn hít của các anh chị, ông bà đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống chung của thành phố.

 

Số là từ khi có tuyến tàu lửa siêu tốc chạy giữa Warrington Bank Quay với Glasgow – London, số người tận dụng phương tiện này tăng lên rất nhanh. Trước nhà ga người ta dừng xe lại, hôn hít tiễn nhau, gây tắc ngẽn giao thông một cách… không cố ý! 

 

Tuy nhiên, hội đồng thành phố Warrington không đến nỗi quá vô cảm. Cùng với bảng hiệu “NO KISSING” trên đường vào ga có gắn thêm bảng chỉ dẫn nơi đậu xe dành riêng cho những người… thích hôn nhau, nhưng không được đậu xe và hôn nhau vượt giới hạn 20 phút (để không chiếm chỗ quá lâu).

 


Biển cấm hôn nhau "NO KISSING"!

 

Trường hợp ai đó lỡ vi phạm trong vùng cấm thì cảnh vệ, cảnh sát nhắm mắt làm ngơ, tạm thời cho… qua luôn, vì thành phố Warrington chưa tìm ra hình thức phạt nào cho hợp lý để không bị cáo buộc, kiện tụng vi phạm nhân quyền. Có nghĩa rằng trong thực tế tấm biển “NO KISSING” chỉ mang tính chất nhắc nhở là chính!

 

Người Anh nực cười cho cái quyết định kỳ cục của thành phố Warrington. Thế nhưng điều này không phải là “phát minh” mới mẻ gì. Người Mỹ cũng đã thực hiện thành công chuyện "NO KISSING" ở nhà ga trung chuyển tại thành phố Chicago, nơi mà chính ngài Thị trưởng thành phố Warrington của nước Anh đã tới thăm và còn được tặng một tấm bảng hiệu mẫu “NO KISSING” mang về nước.

 

Như đã nói ở trên, ở Việt Nam ta, cái chuyện hôn hít thường được gái trai thực hiện nơi kín đáo, nhưng vấn đề ỉa đái trở thành bức xúc đến nỗi nhà sử học, đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã có lần cho đăng một bài dài “Bàn chuyện ỉa-đái” trên báo Lao Động ngày 28/10/2007.

 

Dưới đây là vài bức hình minh hoạ chuyện ỉa đái của Việt Nam.

 

Xin nhấn mạnh, đây là những tấm hình thật 100%, không phải là sản phẩm của photoshop, ai nghi ngờ có thể dễ dàng kiểm tra bằng các phương tiện kỹ thuật.

 

Nói chính xác, những tấm hình này mô tả chất lượng sản phẩm độc đáo của mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng Cộng sản Việt Nam dày công xây dựng từ mấy chục năm nay.

 


"Thượng (đại diện cho Luật pháp) bất chính" thì….

 


"Hạ tắc loạn" và…

 


Thanh niên sống, học tập và làm theo gương…. các chú công an!

 

© Lê Diễn Đức – RFA Blog

—————————————————————  

Than khảo thêm:

 

- “Bàn chuyện ỉa-đái”, Dương Trung Quốc, báo Lao động: http://www.laodong.com.vn/Home/Ban-chuyen-iadai/200710/61314.laodong

 

-  “Chất thanh lịch Hà Nội rơi rớt bởi những mục tiêu chính trị”, báo Tuanvietnam phỏng vấn ông Dương Trung Quốc:


 
-"Không còn là chuyện bi hài", bài mới nhất, ngày 3/07/2011 nói về hiện tượng ỉa đái bậy kinh hoàng ở Hà Nội, báo Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/Phong-Su/532892/Khong-con-la-chuyen-bi-hai.html




 

 

“Không toilet, không cô dâu”

“Không toilet, không cô dâu”Tranh biếm họa về chuyện “Không toilet, không cô dâu".

Cụm từ trên gần như trở thành “khẩu hiệu” của phụ nữ Ấn Độ ở những nơi thiếu các điều kiện vệ sinh cơ bản.    
Còn cánh nam giới độc thân “nhận thức” được vấn đề và quyết định đăng những bức ảnh đứng cạnh căn phòng vệ sinh khép kín, sạch sẽ và an toàn để tán tỉnh phái đẹp.

Tại làng Sunariyan Kalan ở bang Haryanam, phụ nữ rất khó có chọn lựa để cố bảo vệ sự riêng tư. Họ sẽ phải “ra ngoài” trước khi mặt trời mọc hoặc “nhịn” tới lúc trời tối mịt để tránh bị người khác nhòm ngó, hoặc sẽ phải tới những cánh đồng và chịu đựng sự ngại ngùng, xấu hổ. Bởi vậy, những bà mẹ này không muốn con gái họ chịu đựng điều tương tự.

Vấn đề này trở nên bức thiết hơn sau sự việc hy hữu một cô dâu trốn khỏi nhà chồng vì không có nhà vệ sinh riêng. Cũng kể từ đó, tờ Times of India cho biết, chính quyền bang Madhya Pradesh đưa ra yêu cầu bắt buộc các chú rể nộp “bằng chứng” về nhà vệ sinh khép kín kèm đơn xin kết hôn trong “hồ sơ” của mình.

Yêu cầu có một không hai này của chính quyền bang Madhya Pradesh được đưa ra là do tình trạng thiếu phòng vệ sinh trầm trọng tại đây. Khi Ấn Độ nổi lên như một cường quốc mới về kinh tế, thì hàng triệu người dân nước này vẫn sống trong tình trạng nghèo đói. Ước tính của chính phủ cho thấy, chưa đầy 30% dân làng Ấn Độ sử dụng nhà vệ sinh

__._,_.___

CHÚ CHÓ TRUNG THÀNH.


 

 

CHÚ CHÓ TRUNG THÀNH.

 


 

Hồi tôi mới độ 15 tuổi, bố tôi mang về một con chó đực. Con chó có bộ lông trắng, đôi mắt màu nâu đen rất đẹp. Năm đó mất mùa đói kém, gia đình tôi phải thường xuyên ăn độn khoai sắn. Lạ lùng thay, con chó này cứ lớn phổng phao, mượt mà. Nó phải nặng đến 15kg. Cũng như nhiều gia đình khác, những con chó nuôi đều không được đặt tên. Nó là loài vật, nên vô danh! Mỗi lần muốn gọ...i, chỉ cần: "Êu, Êu" là nó xuất hiện, ve vẩy đuôi, miệng rít lên những tiếng như tiếng rên, rất dễ thương! Thường ngày, khi không có ai cần đến, nó nằm khoanh tròn trong gậm giường, đầu hướng ra phía cửa. Có khách lạ, nó sủa lên vài tiếng báo hiệu. Còn là người quen thân, nó vùng dậy, xông ra, vẫy đuôi rối rít và kêu lên mừng rỡ.

Từ ngày mua được con chó này, nhà tôi như được bình an hơn. Cha tôi quý con chó lắm. Mùa đông giá rét, ông lấy một chiếc bao tải quấn quanh mình, giữ ấm cho nó. Những ngày hè nóng nực, ông mang nó ra ao tắm cho sạch lông. Nhà tôi nghèo như thế, vậy mà đôi khi ông vẫn đi đâu đó tìm được một khúc xương mang về cho nó gặm. Con chó rất quyến luyến cha tôi, suốt ngày luẩn quẩn bên ông.

Một hôm có hai người khách lạ đến nhà tôi hỏi mua chó. Họ nói, họ ở làng bên cạnh, cách làng tôi một cánh đồng. Ngày mai gia đình họ có đám giỗ, cần một con chó để thịt! Cha tôi nghe vậy không muốn bán, nhưng gia cảnh nhà tôi lúc đó rất nghèo. Cả cha mẹ và bốn anh em tôi, mặc dù bữa ăn phải độn nhiều khoai sắn nhưng không ngày nào thật sự được ăn no. Mẹ tôi bàn với cha tôi lâu lắm. Nếu tiếp tục nuôi thì không còn gì để cho nó ăn, dù rằng con chó vô cùng dễ ăn. Nó có thể ăn vài cọng rau thừa, dăm bảy cái vỏ khoai lang, mấy cái xương lõi sắn, vài hạt cơm rơi vãi quanh mâm hoặc bất cứ cái gì có thể ăn được mà con người cho phép. Tuy nhiên, nuôi nó cũng như thêm một miệng ăn nữa. "Người chẳng có mà ăn, lấy đâu ra cơm nuôi nó mãi?" - Mẹ tôi bảo thế.

Có một điều rất lạ là khi cả cha và mẹ tôi miễn cưỡng đồng ý bán con chó, thì tự nhiên nó chạy biến đi đâu mất! Không lẽ con chó này hiểu được tiếng người? Chúng tôi chia nhau đi tìm mọi xó xỉnh, xung quanh nhà, thậm chí sang cả nhà hàng xóm, nhưng bặt vô âm tín. Cho đến khi cha tôi nước mắt lưng tròng, lên tiếng gọi, thì từ trong đống rơm ở phía sau chuồng lợn nó chui ra! Người ta lấy cái chày giã gạo chẹn cổ nó xuống, trói mõm và bốn chân nó lại. Con chó tội nghiệp kêu rên ư ử, hai mép nó sùi bọt. Cha tôi ôm lấy nó, khóc. Nhìn bộ dạng cha tôi, thương lắm. Tôi liên tưởng đến lão Hạc, một nhân vật của nhà văn Nam Cao khi phải bán cậu Vàng!...

Người ta trả tiền cho mẹ tôi và dùng đòn ống khiêng nó đi. Cha tôi buồn bã lên giường nằm, tay trái vắt ngang qua trán, tay phải để lên bụng và thở dài thườn thượt... Chiều hôm đó ông bỏ ăn. Một bát cơm và đĩa khoai phần ông vẫn còn nguyên trong trạn. Mẹ tôi bảo, nó chỉ là một con chó, việc gì phải tiếc quá như vậy? Nếu muốn, lại sẽ mua con khác về nuôi! Cha tôi không nói gì, cứ nằm im như người bệnh nặng...

Đêm hôm đó trời tối đen như mực. Cả nhà tôi đã ngủ yên, chỉ một mình cha tôi thao thức. Thỉnh thoảng ông trở dậy, bật diêm hút thuốc. Rồi ông nằm xuống thở dài, trằn trọc, quay ra, lật vào, ngao ngán. Tâm trạng ông nôn nao, buồn phiền như tiếc nuối một vật gì đã mất đi, quý lắm... Vào khoảng 2-3 giờ sáng, cha tôi là người đầu tiên phát hiện những tiếng động rất lạ ở vách cửa. Cha tôi yên lặng lắng nghe. Không có nhẽ đêm đầu tiên không có con chó giữ nhà là đã có kẻ trộm? Mà nhà tôi có gì đáng giá để kẻ trộm phải rình mò? Nhưng chỉ một phút sau, linh tính báo cho ông biết, con chó đã trở về! Nó cào mạnh vào cửa, kêu ư ử như cầu cứu. Cha tôi vồng dậy, kéo cửa ra. Con chó mừng rỡ nhảy sổ vào nhà. Mẹ tôi trở dậy thắp đèn. Tội nghiệp con chó. Cổ nó còn nguyên một vòng xích sắt có khóa, nối với đoạn dây thừng lớn đã bị nó cắn đứt kéo lê theo. Đầu và bụng nó ướt lút thút, bốn chân và đuôi dính đầy bùn. Nó đói quá, hai bên sườn xẹp lại, sát vào nhau. Cha tôi vội tháo vòng xích, lấy cái khăn rách lau khô lông và lau sạch bùn ở đầu, ở bụng, ở chân và đuôi nó, rồi vào trạn lấy bát cơm còn để phần ông từ hồi chiều hôm trước, trộn với một ít tương cho nó ăn. Lạ lùng thay, con chó đói gần chết, và lại lần đầu tiên được ăn một bát cơm ngon như thế, vậy mà nó ngước mắt nhìn cha tôi, như nghi ngờ và ngần ngại... Một lúc sau, nó mới cúi đầu xuống ăn một cách từ tốn. Cha tôi vuốt ve nó rất lâu, sau đó cho nó vào gầm giường. Ông lên giường nằm và một lúc sau ông đã chìm vào giấc ngủ bình thản và ngon lành.

Sáng hôm sau, mới tinh mơ hai người mua chó hôm trước quay trở lại nhà tôi. Con chó đánh hơi thấy trước nên nó trốn biệt. Cha tôi điều đình và trả lại tiền cho hai người mua chó. Cả nhà tôi đều hiểu rằng, dù có phải chết đói, cha tôi cũng không bao giờ bán con chó cho ai nữa.

Từ hôm đó chúng tôi để tâm chăm lo cho con chó nhiều hơn. Cha tôi, dù cả bữa cơm ông phải ăn khoai là chính (tiêu chuẩn mỗi người chỉ một bát cơm), song ông luôn dành cho con chó một nửa bát. Con chó hình như cũng hiểu được điều này. Nó trở nên nhút nhát hơn, cảnh giác hơn với mọi người. Nhưng với cha tôi, nó cứ luẩn quẩn bên chân ông. Khi ông ra đìa, nó luôn đi theo ông như hình với bóng. Còn những lúc ông đi làm xa, không cho nó đi theo thì nó ra đầu thềm nhà nằm ngóng ra cổng, chờ cho đến khi nào ông về, nó nhảy xổ ra, mừng rối rít rồi theo ông vào nhà!

Khoảng chừng hai năm sau, kinh tế gia đình tôi khá giả hơn trước. Con chó cũng lớn hơn, khỏe ra, mượt mà, rất đẹp. Nó luôn luôn theo sát cha tôi, không rời nửa bước. Vào một buổi trưa cuối mùa hè, cha tôi ra đìa để vớt bèo lục bình về làm phân xanh. Cái đìa này lầy bùn, cỏ và cây dại mọc dày đặc từ hàng trăm năm nay. Dưới gốc rễ cây đan quyện vào nhau như những tấm lưới thép, tạo thành những hang hốc sâu đầy bùn. Ở dưới đó, rất nhiều lươn và cá trê lưu cữu to bằng bắp chân người lớn. Đôi khi người ta còn bắt được cả rái cá, kỳ đà. Nhưng không một ai có thể tưởng tượng ra dưới cái đìa rậm rạp đó lại có một con trăn hoang to như một cây tre bương, dài cỡ 3 mét, sống lâu năm và chắc nó cũng đã ăn hết cả mấy tạ cá dưới đìa.

Hôm đó cha tôi lội dưới bùn vớt những đám bèo dày đặc vứt lên bờ. Đến gần gốc một cây vạy, ông nhìn thấy đuôi một con trăn lớn thò ra. Cha tôi quyết định bắt sống hoặc đánh chết con trăn này. Ông chộp lấy đuôi con trăn, đạp hai chân vào gốc vạy, kéo con trăn ra ngoài. Con trăn chống cự. Khi bị lôi ra khỏi hang, nhanh như một tia chớp, con trăn cong người cắn chặt vào bắp chân cha tôi. Ông ngã ra bờ đìa và kêu lên một tiếng sợ hãi. Ngay lúc đó con chó không kịp sủa một tiếng nào, nó nhảy bổ vào, cắn vào cổ con trăn và dính liền hàm răng vào đó, như không bao giờ muốn nhả ra nữa. Con trăn quật mình cuốn chặt lấy thân con chó. Chỉ bằng một cú núc, nó làm con chó gãy đôi xương sống! Mõm con chó vẫn cắn chặt vào cổ con trăn. Hai bên mép nó ứa ra hai dòng máu và ở lỗ hậu môn lòi ra một đống phân nhão! Cha tôi đã ý thức được sự nguy hiểm, ông vớ lấy con dao quắm mang theo để chặt cây, nhằm vào đầu con trăn chém rất mạnh. Con trăn chỉ quằn quại được một lát, nó mềm nhũn ra và bất động. Cha tôi cứ để máu ở chân chảy ròng ròng, ông quay ra cố gỡ mõm con chó ra khỏi cổ con trăn và ôm chặt nó vào lòng. Nhìn thân mình con chó ướt sũng, bê bết bùn, mềm ẹo, mắt nhắm nghiền, cha tôi khóc. Ông nghĩ rằng nó đã chết. Cha tôi mang con chó về nhà, tắm, lau khô và để nó nằm vào một cái nong đặt ở cuối thềm. Ông bảo tôi đi tìm một cái thùng gỗ, đặt con chó vào và mang nó đi chôn. Khi cha tôi nhấc nó lên, định cho nó vào hòm thì đôi mắt nó mở hé ra và chớp. Cha tôi mừng quá, sai tôi đi tìm ông lang Tá về băng, bó nẹp cố định xương sống cho nó. Xong xuôi mọi việc, cha tôi mới thấy đau ở bắp chân. Ông ngồi xuống bậc thềm, để cho ông lang rửa sạch, sát trùng, bôi thuốc và băng bó vết thương.

Buổi chiều, ông bảo mẹ tôi nấu một nồi cháo gạo, rồi đập hai quả trứng gà vào quậy đều. Đây là một món ăn sang trọng để tẩm bổ mà gia đình tôi rất ít khi được ăn. Ông múc cháo ra tô, chờ nguội và vuốt ve dỗ dành cho con chó ăn. Nó nằm im, đôi mắt ướt nhìn cha tôi, nhưng không ăn một miếng nào. Cả xóm tôi đem con trăn ra làm thịt chia nhau, ai cũng khen con chó quá khôn, nhưng không ai tin rằng nó còn có thể sống thêm được vài ngày nữa. Nhiều người bảo mẹ tôi đem con chó ra mà thịt, kẻo để nó chết uổng phí của trời! Chỉ riêng cha tôi không nghĩ thế. Ông luôn tin rằng con chó sẽ sống cùng ông, và nếu chẳng may nó chết, ông sẽ đem chôn nó như chôn một con người!

Khoảng hai tháng sau, với sự chăm sóc của cha tôi, con chó đã bình phục. Tuy nhiên vì xương sống của nó bị gãy nên hai chân sau hoàn toàn bị liệt. Mỗi lần đi, nó chỉ dùng hai chân trước chống xuống đất và lết trên đầu gối của hai chân sau. Điều làm cả nhà tôi ngạc nhiên, từ khi con chó đi được theo kiểu lê lết, nó chỉ gặp khó khăn trong khoảng một tháng đầu. Sau những ngày ấy, nó lết nhanh không kém gì những con chó bình thường.

Từ dạo đó, cha tôi cưng con chó như con. Một suất cơm đạm bạc và ít ỏi của ông, bữa nào cũng được chia làm đôi. Thảng hoặc, ngày nào có một hai miếng thịt, cha tôi cũng dành cho nó một phần. Con chó rất khôn, hình như nó biết tất cả mọi điều đang diễn ra xung quanh. Nó không bao giờ quấy rầy chúng tôi. Nhưng với cha tôi, nó quấn quýt, liếm láp chân tay, không muốn rời ra nửa bước. Ban đêm ông nằm ngủ, nó nằm dưới chân giường. Hình như chỉ như thế thì cả chó và người mới thấy yên tâm!.

Cuộc sống như vậy trôi đi. Cả nhà tôi luôn biết ơn con chó và gần như ngày nào cũng nhắc đến chuyện con trăn! Cho đến tháng hai năm 1959, nhà tôi có đại tang. Cha tôi bị một cơn bạo bệnh rồi qua đời! Tôi còn nhớ như in, hôm đưa ma cha tôi, trời mưa tầm tã, rét lắm, nhưng người đi đưa rất đông. Anh chị em, chú bác, cô dì, dòng họ ai cũng khóc như mưa. Không mấy ai để ý trong dòng người đông đúc đó, con chó liệt cũng có mặt. Nó ướt lút thút như chuột lột, rét run lẩy bẩy, cố lết trên đôi chân liệt, len lỏi giữa dòng người than khóc sướt mướt trong đám tang. Không ai hình dung ra được con chó liệt đó có thể đi theo đám tang ra tận nghĩa địa, nơi chôn cất cha tôi, và sau đó bằng cách nào nó lại tự lê lết về nhà? Chỉ đến khi trời tối mịt, thắp đèn lên, mới tìm thấy nó nằm sâu trong gầm giường, bộ lông hãy còn ẩm ướt và đôi mắt buồn rầu khó tả, cứ nhìn đi đâu đó, như hướng về một cõi nào mơ hồ nhưng ở đâu xa lắm...

Sáng hôm sau, cúng cơm cho cha tôi xong, chúng tôi gọi chó ra cho nó ăn. Không còn thấy nó nằm trong gầm giường nữa. Nó đã lết ra đầu thềm tự khi nào, nằm quay đầu ra cổng ngóng chờ xem một ngày nào đó liệu cha tôi có trở về? Tôi bế nó vào nhà, vỗ về và dỗ dành cho nó ăn, nhưng tuyệt nhiên nó không đụng vào bất cứ thứ gì. Tôi đem mấy miếng thịt lợn luộc, những thứ mà ngày thường nó vô cùng thích ăn. Nó quay đầu ra chỗ khác. Tôi đặt nó trở lại gầm giường. Nó không chịu nằm yên, lại lết ra đầu thềm, nằm ngóng ra cổng, kiên trì chờ đợi và im lặng như một mô đất.

Sau hơn một tuần lễ con chó nhịn ăn như thế, nó gầy rạc đi. Cả nhà bận cúng tuần cho cha tôi, nhưng ngày nào tôi cũng để tâm và dỗ dành, hy vọng nó ăn lấy một chút. Nhưng nó không màng.

Rồi một buổi sáng tinh mơ, trời còn đầy sương và se se lạnh, chúng tôi ra nghĩa trang thắp nhang và đặt tấm bia đá trên mộ cha tôi. Tất cả mọi người đều kinh ngạc đến mức không còn tin ở mắt mình: Con chó liệt đã nằm chết trên mộ cha tôi tự bao giờ, hai chân trước chồm lên ôm lấy ngôi mộ, hai chân sau bại liệt như đang quỳ, cơ thể nó đã cứng đơ, đôi mắt nhắm nghiền, thanh thản, nhưng dường như còn hơi ươn ướt...

Chúng tôi trở về nhà đóng một cái hòm gỗ, khâm liệm con chó tử tế và chôn nó dưới chân mộ cha tôi... Tôi cắm mấy nén nhang lên ngôi mộ nhỏ bé này, lòng miên man nghĩ ngợi: Không biết giờ này linh hồn cha tôi đang phiêu diêu bên trời Tây cực lạc, Người có biết con chó đầy ân tình và tội nghiệp của Người đã mãi mãi đi theo Người...

Khổng Văn Đươn

Chuyện Vui Của Lão Ông Trong Ngày Lễ Cha:




 
From: MY LOAN <
To: Hoa Tu Do < MY LOAN <
Sent: Tuesday, June 11, 2013 4:30 AM
Subject: [HOATUDO] NGUYEN THUONG CHANH :Chuyện Vui Của Lão Ông Trong Ngày Lễ Cha



Chuyện Vui Của Lão Ông Trong Ngày Lễ Cha:

Nhứt Nghệ Tinh Nhứt Thân Vinh

   

  Nguyễn Thượng Chánh & Nguyễn Ngọc Lan         

Không biết tại sao cái nghề rửa chén rửa bát, muỗng nĩa, dọn dẹp chùi rửa nhà bếp bên Tây và bên Canada họ gọi là plongeur (thợ lặn)?

Có lẽ là tại vì suốt ngày phải thọc tay mò mẩm trong nước chăng?

Theo văn chương Sài Gòn thời trước 75, thì “thợ lặn” là từ để ám chỉ những tay tổ siêu khôn mánh. Thí dụ như mỗi khi có người nào cần mượn hay nhờ vả họ làm việc gì đó thì họ tìm cách né liền hay phịa ra đủ mọi lý do để trốn tránh khỏi làm, hoặc nói rõ hơn là để…lặn, theo đúng câu “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Và hình như những tay tổ nầy thấy hơi nhiều!

Ngộ thiệt, ngày xưa bên nhà, cái bếp là vùng bất khả xâm phạm, một thứ no mans land  đối với đàn ông con trai. Lỡ rủi có láng cháng xuống bếp thì bị mấy bà sửa lưng hay mấy bả la lên: “đi lên nhà trên đi”– “đi chỗ khác chơi” –“đây là chỗ của đàn bà con gái, xuống đây làm cái gì?”

Bí quyết được cha áp dụng để…bảo vệ hạnh phúc gia đình
Đó là nói theo hoàn cảnh của riêng từng gia đình mà thôi.

Nếu ở chung với gia đình bên vợ, có nhiều dì quá rồi thì cánh đàn ông con trai được miễn xuống bếp. Các cậu có bổn phận ở nhà trên, phụ dọn chén dĩa dơ đem xuống bếp, xong lau bàn, lau ghế, quét nhà cho sạch sẽ là xong trách nhiệm.

Trường hợp hai vợ chồng ở riêng thì chia sẻ nhau công việc bếp núc. Nhưng thường thì vợ biểu gì thì làm y vậy để khỏi rắc rối nhức lỗ tai, nguyên tắc là nình ông làm theo lệnh nình bà, loại yes mam.

Nhưng thường thì đa số các bà Việt Nam cũng biết giữ thể diện cho chồng nên ít khi nào áp dụng cái nguyên tắc như thế mỗi khi có khách khứa đến chơi.

Mà cũng độc, có nhiều cha nội lợi dụng tình hình bỏ ngõ đó nên đôi khi họ làm bộ ra lệnh, nạt nộ vợ sai biểu thế nầy thế nọ hoặc chỉnh vợ trước mặt khách để bắt le và cũng để tỏ ra là ta đây đúng là đấng tu mi, xứng đáng mặt mày râu, là chủ gia đình đây nè…

Khách về thì sẽ biết tay bà!

Lúc người gõ còn ở bên nhà, thì đàn ông vô bếp rửa chén và xách giỏ đi chợ là chuyện rất hiếm thấy. Bếp núc là chuyện của đàn bà con gái. Xã hội chưa quen mắt thấy đàn ông chui vô bếp.

Rồi còn vụ đàn ông cưng vợ quá mức có thể bị mấy bà già trầu rũa tắt bếp, nào là ăn phải bùa mê thuốc lú, nào là đội…lên đầu lên cổ đó nữa, vân vân và vân vân. Những chuyện nầy thường thấy xảy ra 50 năm về trước.

Cưới vợ cho con trai, thì đố khỏi bà không dặn cậu em đừng để vợ mầy qua mặt, bắt nạt, coi thường mầy và bên nhà chồng, phải dạy vợ từ thuở ban sơ mới dzìa.


Hình ảnh đón Ngày Lễ Cha.

Giai cấp thầy chú càng hiếm thấy vô bếp hơn giai cấp bình dân. Đó là chưa dám nói tới giai cấp bác sĩ, luật sư, sĩ quan …hét ra khói. Mấy năm trước đây, báo chí có đề cập đến cựu TT Tunisie Ben Ali ngán vợ hết cở thợ mộc. Chính mệnh phụ phu nhân Leila Trabelsi đã quyết định tất cả kể cả việc kéo mũi chồng ôm vàng đào tẩu qua Arabie Saoudite.

Riêng người gõ thì nằm trong ngoại lệ. Chuyện bếp núc, rửa chén là một phần trong đời sống của mình. Mình quen quá rồi không xem việc đó là một hình phạt làm tổn thương đến cái tôi. Mà theo Phật giáo thì cái tôi, cái ngã làm gì có được. Tây thì nói cái tôi là cái thật đáng ghét.

Làm những gì mình thấy vui và vợ mình cũng vui… là được rồi.
Cha phải tiếp mẹ một tay
Thuộc loại yes mam, nên cha thường răm rắp làm theo thê lệnh...

Khi quê hương đổi chủ thì tình hình xã hội cũng có thay đổi… Hiện tượng các cha vô bếp hoặc đi chợ có khuynh hướng tăng nhiều. Ai cũng giống nhau như vậy hết, nên bớt mắc cỡ và bớt thấy quê, riết rồi cũng quen con mắt mà thôi.

Tại hải ngoại thì …

Tại xứ người, vì hoàn cảnh của cuộc sống, vợ chồng đều đi làm hết nên chuyện nhà cửa, bếp núc và con cái là chuyện chung của cả hai người. Bắt buộc chồng có bổn phận phải san sẻ công việc nội trợ với bà xả mình.

Nình ông Tây  và nình ông Việt đều đi chợ và vô bếp rửa chén hết. Đây là chuyện quá thường tình trong xã hội Tây phương. Bất luận ông gì cũng vậy. Từ bác sĩ, luật sư, giáo sư, thú y sỉ, dược sĩ, kỹ sư… đều phải a lê hấp xuống bếp hết, phải tiếp vợ, chia sẻ công việc với vợ mình.

Năm 2012 nhà văn Trần Văn cho ra mắt cuốn “Trung tướng Đặng Văn Quang, Vinh quang và Đau khổ” tại San José. Trong tác phẩm có nói trong thời gian tị nạn cố Trung tướng cũng đã từng đi rửa chén như mọi người.

“…Ngay cả Sở Di Trú Canada cũng đạt giấy tống xuất ông ra khỏi đất nước Canada tự do dân chủ. Không nước nào nhận, Canda đòi trục xuất ông Tướng trở về VN và việt cộng cũng cho ông về và phải phải bị tống giam để xét xử về tội ác chiến tranh.

Vì lý do nhân đạo, chính quyền Canada làm ngơ cho ông ở lại Canada mà không được vào quốc tịch Canada và chỉ vợ con ông đều được chấp nhận là công dân, nhập quốc tịch Canada. Vì vậy, ông Tướng cư trú bất hợp pháp chỉ được làm những công việc tay chân ít lương trong

xã hội như làm janitor cho một apartment, rửa chén ly tách của một quán cà phê hay làm công nhân sản xuất đồ dùng bằng thủy tinh vô cùng vất vả mới đồng lương nuôi vợ và 3 con còn nhỏ.

Nhờ sự vận động, tranh đấu tích cực của nhiều người bạn Mỹ, ông Tướng mới được sang Mỹ định cư từ tháng 9 năm 1989…” (ngưng trích Hồi ức Trung Tướng Đặng Văn Quang - Vinh Quang & Đau Khổ của Trần Văn ra mắt thành công ở San Jose ngày 12.5.12! Tuệ Ngọc ghi thuật)

Phải rửa chén, phụ một tay dọn dẹp, lo cho con cái tiếp vợ để bả đỡ mệt và bớt đổ quạu cái mặt cho một đống bất tử thấy rất tội nghiệp..và cũng đáng ngại lắm. Ráng chịu cho quen.

Đó cũng là thể hiện nguyên tắc nam nữ bình quyền mà thôi. Đó là mình biết yêu thương vợ mình.


Hình ảnh đón Ngày Lễ Cha.

Người thiệt, việc thật

Mệt nhứt là khi nhà có đãi đằng hay làm đám giổ. Trước một hai tuần là mình được giao công tác. Coi quét dọn lại nhà cửa cho tươm tất. Đem chén dĩa, dao muỗng thứ xịn ra để sử dụng và để khoe của luôn một thể. Ngày thường thì không có đụng tới nó.

Mình thuộc môn phái “ nhàn vi hưởng lạc thích sướng” của nhà hiền triết Épicure. Nói xin lỗi, mình là loại lè phè, tà tà và làm biếng nhớt thây, xin hai chữ bình an nên đây là những dịp thử thách để mình tu tập và rèn luyện lại cái tính nhẫn.

Nghỉ hưu rồi nên không muốn tạo thêm công việc làm chi cho khổ tấm thân già. Càng ít việc càng tốt và càng khỏe trí.

Mình có đề nghị với má nó, sao hổng chịu xài ba cái đồ giấy cho tiện, ăn xong liệng bỏ vào bao rác, khỏe quá mà? Câu trả lời là, làm vậy coi sao được, lâu lâu mới có một lần mà, đồ mua về hổng xài thì chừng nào mới có dịp xài? Đúng quá. Hết ý. Yes mam!

Cái lệ của mấy bà là hể có đãi đằng,tiệc tùng thì có tật hay nấu đủ thứ và nấu quá nhiều. Rồi còn đồ đạc, các món của bà con bưng lại nữa. Ăn làm sao cho hết. Tiệc xong, thì chia ra, năn nỉ khách take out, làm ơn làm phước đem bớt về nhà ăn tiếp giùm… Để lại, tủ lạnh của em hổng có chỗ đâu mà chứa cho hết. Nhà chỉ có hai đứa, lúc nầy già rồi, ăn uống không có bao nhiêu, cử kiêng đủ thứ.

Mệt nhứt là khi tiệc tàn. Chén dĩa, nồi niêu xoong chảo, ly tách, ôi sao mà nhiều quá xá, tùm lum tùm la vậy. Thấy phát chóng mặt lắm. Cũng may là nhà có máy rửa chén tự dộng. Mấy đứa nhỏ phụ một tay chất vào máy và ấn nút thế là xong! Máy chỉ xài có năm ba lần trong năm mà thôi.

Đôi khi mấy em, cháu hay mấy chị khách tội nghiệp chủ nhà, hè nhau xông ra rửa chén bằng tay. Người rửa, người lau, vừa chem chép với nhau, rồi chất đống trên bàn để chờ bà chủ nhà ra lệnh đem cất ở đâu thì mình mau mau làm y như vậy.

Đúng theo một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.


Hình ảnh đón Ngày Lễ Cha.

Nghề thợ lặn tại gia dễ òm.

Ngày thường thì người gõ xin vô lông te nhiệm vụ rửa chén bằng tay. Vì nó vừa lẹ, vừa gọn, vừa dễ. Chỉ bỏ chén dơ vào bồn chứa, vặn nước nóng, lấy xà bông nước chà trong chà ngoài từng cái. Xong thì xả lại với nước sạch. Úp lên rổ cho ráo. Rửa chén không mất quá mười phút, vì nhà chỉ có hai vợ chồng mà thôi. Nước nôi đầy đủ, nóng và lạnh. Xong, thì xịt thuốc lên bàn, lên kệ bếp, chùi sơ qua là sạch trơn và thơm phức.

Đôi khi bà xả cũng muốn đổi tay, giành rửa chén để khỏi quên nghề.

Lệ thường thì dứa nào nấu và dọn ra thì đứa kia phải rửa chén và chùi nhà bếp. Còn muốn giành rửa thì cũng tốt thôi. Rất dân chủ. Ai làm cũng được mà.

Có người nói rửa chén là một lối thiền, nhưng người gõ đã rửa 38 năm rồi nhưng sao mình cũng chưa ngộ được.

Hiện tui đang nghiên cứu lối ăn của Tây, đó là ăn bằng dĩa. Mỗi người tự động múc lấy từ nồi trên bếp, để tất cả vào dĩa của mình giống như lúc ăn buffet trong nhà hàng. Như vậy, bớt được công việc phải dọn bàn, rửa “quá nhiều” chén bát, tô dĩa theo kiểu ăn thông thường của gia đình Việt Nam. Vừa tiết kiệm điện, nước và vừa đỡ tốn sức lao động, thời gian rửa chén và dọn dẹp nhà bếp.

Nếu các bạn cho rằng đây là kiểu làm biếng thì tui cũng hổng có dám cãi đâu. Nhưng cũng có thể xem đây là một lối tổ chức rất khoa học, và hợp lý hóa công việc.


Hình ảnh đón Ngày Lễ Cha.

Để còn thời giờ xem TV, gõ bài nữa chớ… Thời giờ là vàng bạc mà.

Có bao nhiêu cha và mẹ?

Xin nói rõ đây không phải là các Cha đáng kính trong nhà thờ. Cũng không phải là “Cha nội” trong xã hội, vì số nầy không có trong thống kê nhà nước.

Thống kê Statistique Canada năm 2012 cho biết tại quốc gia nầy có:

*Cha: 8,1 triệu người(kể cả cha đẻ, cha nuôi, cha vợ)
3,7 triệu cha có con dưới 18 tuổi

*Mẹ: 9,2 triệu mẹ (kể cả mẹ đẻ , mẹ nuôi, mẹ chồng)
3,9 triệu mẹ có con dưới 18 tuổi và sống với họ (kể cả mẹ đẻ, mẹ nuôi, mẹ chồng, nhưng không dược kể “mẹ mìn” vào danh sách)

Hèn chi, mỗi năm có hai lễ: lễ má và lễ tía. Nhà hàng và con buôn tha hồ hốt bạc là lẽ tự nhiên!

Ngày lễ cha trong cơn bão táp

Còn cái vụ hôn nhân đồng tính trở thành cái mode khắp mọi nơi mới thiệt là rắc rối. Không biết thống kê có tiên liệu chuyện nầy không. Ai sẽ là cha, ai là mẹ đây?

Có nhiều phụ nữ cấp tiến cũng hâm he giành ngày lễ cha về phía họ, vì theo họ đàn bà nắm chốt, chỉ huy và quyết định mọi việc trong gia đình. Họ cho rằng chính họ mới thật sự là người cha.(?)

Vậy chồng là gì…Chắc nhiệm vụ của anh ta chỉ là để phục vụ mệnh lệnh bà và múa lân thôi hay sao?

Trong thâm tâm các bà, người cha trong gia đình phải là người cứng cõi, quyết định tất cả mọi việc, biết làm ra tiền, biết đủ thứ những gì người vợ muốn và cần vv… Họ muốn có một người chồng vừa cương nghị, nam nhi chí khí “machonhư Rambo mà cũng đồng thời vừa là một “người đàn ông hồng” (homme rose) nghĩa là người đó phải hiền như cục bột dễ nắn, nhiều tình cảm, đảm đang và biết nghe lời vợ vô điều kiện nữa. (xem Homme rose ou homme macho,que choisir?The Gentle Man, the Macho Man, Which One to Choose?)


Hình ảnh đón Ngày Lễ Cha.

Thật khó hiểu quá. Mâu thuẩn quá. Đàn bà muốn là Trời muốn!
Đàn bà là gì?
Một câu hỏi lớn không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau

(Huy Cận)

Lãnh quà ngày lễ cha
Quà tinh thần và tình yêu của vợ con là quý nhứt.

Kết luận

Tại Canada, nghề thợ lặn nhà hàng, tiệm ăn rất dễ tìm việc... Tuy nhiên, lương hướng rất thấp, thường là lương tối thiểu 10,15 $/giờ. Làm từ 11 giờ sáng đến 8 giờ tối.

Nghe đồn có một số ít nơi chịu trả tiền mặt cash hay sú táp (sous table). Phải có quen biết, họ mới dám mướn. Đây là tiền không tính thuế. Lương tuy ít hơn nhưng người làm vẫn có thể lãnh tiền trợ cấp xã hội. “Mánh” không hợp pháp của cả người chủ lẫn của cả người làm công, nhưng trong thực tế vẫn có người làm, miễn sao cuối năm họ có đủ tiền về Việt Nam le lói trong đôi ba tuần là đã quá rồi.

Nghề thợ lặn tại gia là một nghề thiện nguyện, làm chùa, làm vì bổn phận, vì yêu thương và chia sẻ.

Cũng có một số bạn già nói là họ không bao giờ rửa chén, đó là nhiệm vụ và bổn phận của đàn bà con gái. Nói vậy thì tui nghe vậy, còn hư thật ra sao chỉ có vợ anh ta mới biết được mà thôi.

Hổng lẽ trên đời nầy chỉ có một mình tui cu ky mần cái nghề thợ lặn tại gia nầy hay sao?

Người gõ rất tự hào là mình đã có được 38 năm thâm niên trong nghề thợ lặn tại gia rồi nhưng chưa dám nói là mình có kinh nghiệm đâu nhé.

Còn các cụ thì sao?

Tham khảo:

- Hand dishwashing
http://www.healthycleaning101.org/english/SDAC_handdish.html

- Statistique Canada. Fête des Pères en chiffres 2012
http://www42.statcan.gc.ca/smr08/2012/smr08_165_2012-fra.htm

- Tràm Cà Mau thì khác. Ngục Tù Êm Ái
http://saigonecho.com/main/phim/cactacgia/32975.html

- Jacqueline Comte,Sexologue clinicienne & psychothérapeute-Clinical sexologist &Psychotherapist

Homme rose ou homme macho,que choisir ?The Gentle Man, the Macho Man, Which One to Choose?

http://www.jcomtesexo.ca/homme_rose_ou_homme_macho.htm
http://www.jcomtesexo.ca/gentle_man_macho_man.htm

Montreal, June 16, 2013

 

Buổi chiều ở thị trấn Sông Pha


 

 

 

Buổi chiều ở thị trấn Sông Pha

 

Phạm Thành Châu

 


Đường vào Sông Pha (Ảnh Phạm Thành Châu)

 

Mưa càng lúc càng nặng hạt. Thị trấn Sông Pha với hai dãy phố trên quốc lộ 20 như chìm ngập trong mưa. Người đàn ông lom khom chạy, tay che đầu, cổ rụt xuống, tưởng như thế mưa sẽ không đổ xuống người. Khi đến một quán ăn, ông ta tạt vào hiên, đứng giũ giũ áo, phủi nước trên tóc rồi mới bước hẳn vào trong. Một cái quán bình thường, giống như bất cứ quán cơm, phở, mì nào trên quốc lộ, tỉnh lộ. Cũng mái tôle, vách ván, vài cái bàn gỗ mộc, trên để ống đũa, muỗng, mấy chai xì dầu, nước mắm… vài con ruồi bay lảng vảng. Mùi ẩm mốc, mùi đất lẫn với mùi thức ăn gợi cho ông ta cảm giác dễ chịu, tưởng như quen thuộc với nơi nầy rất lâu.

 

Trong quán đã có vài ba người đang xì xụp ăn, mấy ly bia đã cạn. Có lẽ họ là thợ rừng vì bên lề đường có một xe be chở mấy súc gỗ to tướng, dài cỡ vài chục mét. Họ vừa ăn vừa nói chuyện nhát gừng với nhau. Người đàn ông tìm một góc, ngồi tránh gió lùa. Qua khung cửa sổ ông ta nhìn đăm đăm cái dốc cầu lở lói, rồi nghiêng người nhìn cho rõ cái cầu sắt, đen đủi, giống một con thú yên lặng chịu đựng cơn mưa lạnh. Mấy người đàn ông ăn xong, kêu lên “Tính tiền, bà chủ!” Một chị đàn bà, cỡ dưới bốn mươi, từ sau quày đi ra. Họ đối đáp, cười nói xã giao vài câu trong lúc trả tiền, rồi toán đàn ông cũng lom khom chạy ra xe, nổ máy. Chiếc xe be ì ạch leo lên giốc cầu, chậm chạp như con khủng long trườn qua giòng nước chảy xiết phía dưới, mờ dần trong mưa.

 

Có tiếng lao xao ngoài đường. Mấy toán học sinh đi học về. Chúng đi từng bọn với nhau, trò chuyện. Những chiếc áo mưa đủ màu. Bọn con gái đi nép dưới hiên nhà, bọn con trai thì lội ngược giòng nước mưa, dùng chân tạt nước vào nhau, đuổi nhau… Buổi chiều mưa u ám bỗng như sống động hẳn lên vì lũ học sinh. Người đàn ông chợt nhớ lại, lần trước, cách đây vài mươi năm, ông cũng ngồi trong quán ăn nhìn ra đường và bọn học trò cũng đi học về. Cảnh vật, nhà cửa hai bên đường đã hoàn toàn đổi khác nhưng chiếc cầu sắt và lũ học trò vẫn thế, dù lần trước trời không mưa, các cô thì áo dài trắng, các cậu quần xanh áo trắng. Ông ngạc nhiên tưởng chừng những cô cậu học sinh ngoài kia vẫn cứ đi học từ lúc đó đến bây giờ. Dáng đi dịu dàng của các cô, vẻ nhanh nhẹn vô tư của các cậu vẫn thế. Và nếu không có cơn mưa, ông đã đứng trên dốc cầu ngắm các cô đi học về rồi lần xuống bờ sông, nhìn mê mải giòng nước như ông đã làm trước đây, khi ông còn trai trẻ.

 

“Thưa ông dùng chi?”

 

Chị chủ quán đứng bên ông tự lúc nào “Xin lỗi chị!..”

 

“Dạ, không sao. Ông có định ăn hay uống món gì? Hay ông chỉ ngồi trú mưa, cũng không sao!”

 

“Chị có cháo lòng không? Tôi nhớ lần trước, có ghé lại một quán ăn nào đó, hình như đằng kia kìa, có món cháo lòng ngon lắm.”

 

“Dạ tôi cũng có cháo lòng nhưng có lẽ không ngon như ở cái quán mà trước đây ông đã ăn.”

 

“Thú thật tôi cũng không nhớ có ngon không, nhưng ở đó có một kỷ niệm nên tất cả thành ra đẹp và ngon. Lúc nãy tôi đi tìm quán cháo lòng thì người ta chỉ đến đây. Bây giờ sao không còn thấy cái quán đó nữa, chị?”

 

“Dạ, quán đó đã đóng cửa, bán nhà cho người khác rồi.”

 

“Tiếc quá! Chị cho tô cháo.” 

 

Trong lúc chị chủ quán lúi húi làm việc, ông ta để ý mới biết phía trước là quán ăn, phía sau làm nơi cư ngụ của cả gia đình. Lối đi vô nhà sau nằm ngay nơi bếp, cách biệt hẳn hai nơi rõ rệt.

 

Một cô học trò chạy ùa vào nhà “Thưa mẹ, con đi học về!” Nó xoay qua chào ông khách “Chào bác ạ!” “Vâng, chào cháu!” Nó chào xong là biến mất sau cửa.

 

“Hùng ơi! Nhớ nấu cơm kẻo ba con về không kịp.” Tiếng con bé từ sau nhà vọng ra “Sao giờ nầy ba chưa về, mẹ?”

 

“Nghe ba con nói chiều nay ghé trường đón em con rồi ra xưởng họp hành gì đó.” Chị chủ quán bưng tô cháo đến, ông ta hỏi “Con gái sao đặt tên Hùng như con trai?” Chị cười “Ở trường nó tên Hồng, ở nhà quen gọi Hùng từ lúc nhỏ, chúng tôi cắt tóc ngắn, cho mặc đồ con trai, chúng tôi thích con trai…”

 

“Tôi thấy tên Hùng đặt cho con gái có vẻ hợp lý. Nhiều ông tên Hùng mà chẳng hùng dũng gì cả, như tôi chẳng hạn.”

 

Chị chủ quán đặt tô cháo trên bàn, không trả lời, chỉ liếc nhìn ông khách, xong chị quay về ngồi sau quầy, khuất sau mấy bó hành xanh, ớt chín đỏ treo tòn teng như những vật trang trí. Người đàn ông thong thả nhai những miếng lòng, miếng gan, mắt vẫn lơ đãng nhìn ra đường mưa. Chị chủ quán chăm chú nhìn ông khách ăn, rồi như chợt nhớ ra điều gì, chị lấy trái chanh, xắt mấy miếng, đặt trên cái đĩa nhỏ mang ra.

 

“Tôi quên đem chanh. Ông có uống gì không? Nước ngọt hay bia?”

 

“Chị cho tôi xin trà nóng. Trời mưa uống trà thích lắm.”

 

“Dạ, ông chờ cho chút, tôi có sau nhà, trà cho khách uống không được ngon.”

 

“Cám ơn chị. Có lẽ tôi là khách đặc biệt mới được chị đãi trà ngon.”

 

“Dạ, tôi đoán ông sành uống trà nên phải có trà thơm cho ông. Thường ngày khách chỉ uống cà phê, trà buổi sáng. Họ ngồi chuyện trò cả buổi nên chỉ dùng trà thường.”

 

Chị chủ lại về ngồi chỗ cũ. Cô gái sau nhà đi ra, âu yếm ôm vai mẹ. Hai mẹ con chuyện trò nho nhỏ gì đấy. Ông khách nhìn và cười.

 

“Ra đường người ta tưởng là hai chị em. Giống nhau quá!” Chị chủ quán cũng cười.

 

“Nó lớn rồi, lên trung học mà cứ làm nũng với mẹ như con nít” Chị nói với con gái.

 

“Nước sôi rồi, con lấy hộp trà trên bàn thờ ra đây cho mẹ. Xong rồi lo học bài, làm bài. Theo mẹ hoài, bác khách cười cho”.

 

Ông khách không dám nhìn lâu, sợ bất nhã, nhưng cũng nhận ra chị chủ quán có đôi mắt đẹp và buồn xa xăm như đăm chiêu về một nơi nào. Bỗng ông nhíu mày lại, đôi mắt đó, hình như ông đã gặp ở đâu? Ông ngước nhìn chị, bắt gặp chị ta cũng đang nhìn ông. Cả hai có vẻ bối rối.

 

Ông đành hỏi một câu cho bớt ngượng.

 

“Chị lập quán nầy lâu chưa?”

 

“Dạ, sau giải phóng độ vài năm.”

 

“Chắc chị người vùng nầy? Tôi nhớ lần trước có thấy đâu đó mấy chữ Thị Trấn Sông Pha, hình như lúc vừa từ đèo đổ xuống, chữ lớn lắm.”

 

“Nó còn đấy chứ, có lẽ trời mưa nên ông không thấy” Chị chủ quán bưng bình trà và một cái tách trên một khay nhỏ.

 

“Mời ông dùng trà.”

 

“Cám ơn chị. Buôn bán có khá không chị?”

 

“Dạ, cũng đủ sống. Mọi khi trời không mưa thì giờ nầy cũng có lai rai khách đến nhậu.”

 

“Chị cho tính tiền.”

 

Sau khi trả tiền, ông khách nhìn ra đường.

 

“Mưa lớn quá!”

 

“Mọi năm, tháng nầy đâu có mưa. Hôm qua trời còn nắng mà cũng không lạnh.” Và như hiểu ý, chị nói “Trời còn mưa, nếu không vội, ông cứ ngồi đây tự nhiên.”

 

“Cám ơn chị, tôi định đi loanh quanh đây, nhưng mưa quá!”

 

“Có lẽ ông muốn tìm ai?”

 

“Tôi tìm một người quen. Thú thật, tôi chỉ nhớ tên, chứ không nhớ rõ người, lâu quá!”

 

“Chắc ông biết nhà?”

 

“Thì cái quán đằng kia, nhưng đã đổi chủ rồi nên tôi chỉ đi lang thang cho đỡ buồn. Nói đúng ra, tôi tìm một kỷ niệm. Mà chị biết, kỷ niệm thì người thích thì giữ, người không thích không muốn nhớ đến. Nhiều khi chuyện không đâu, chẳng có gì đáng nhớ, lại nhớ suốt đời…”

 

Chị chủ quán về lại sau quày, có vẻ tò mò.

 

“Người quen mà mình quên mặt! Thế làm sao ông tìm?”

 

“Giả như có tìm ra người, chắc gì người nhớ ra mình. Lâu quá! Cỡ vài mươi năm, cho nên tôi tìm cho biết thôi. Tôi nói thế nầy, chắc chị thông cảm với tôi liền. Bây giờ, tình cờ chị tìm thấy quyển vở, quyển sách thời còn đi học, hay rõ hơn, chị đọc lại quyển lưu bút chẳng hạn, chị sẽ bồi hồi nhớ lại tất cả, thương yêu tất cả. Mà những người bạn trước kia, nay đã khác rồi, từ gương mặt đến tâm hồn, suy nghĩ, cho nên trong những giây phút hồi tưởng đó, cách tốt nhất là chị đến trường cũ đứng nhìn, chị sẽ thấy lại cả một quãng đời thanh xuân với bạn bè ngày trước… Nghĩa là nó ở một thế giới khác, cách biệt hẳn với hiện tại. Tôi cũng thế, tôi muốn đến đây, ngồi lại cái quán ăn cách đây mấy chục năm, gọi một tô cháo, ăn xong, lang thang trên đường nầy, đứng ở dốc cầu kia, ngắm mấy cô nữ sinh đi học về, rồi xuống dưới bờ nhìn giòng sông. Cũng may, con đường còn nguyên, cây cầu còn nguyên, giòng nước thì vẫn thế, chỉ có cái quán ăn không còn mà thôi. Cái lạ là người tôi muốn tìm, tôi cũng ước ao cô ta vẫn chỉ độ mười sáu, mười bảy tuổi thôi. Không phải cho tôi bây giờ, mà để tôi tìm thấy tôi lần đầu tiên trong đời được cô ta ban cho cái hạnh phúc đẹp đẽ, thánh thiện của tình yêu. Cho nên tôi nói với chị là tôi đi tìm dĩ vãng, tìm người cũng có, nhưng lại không muốn gặp người.”

Ông khách nói một hơi như sợ không còn dịp để thổ lộ ý nghĩ của mình. Chị chủ quán có vẻ thông cảm.

“Coi bộ ông cũng lãng mạn dữ. Nhưng giả dụ, nay, ông gặp lại người cũ, dĩ nhiên bây giờ già rồi, xấu rồi, ông còn giữ tình cảm, đúng ra, tình yêu của ông đối với người đó không?”

 

“Chị với tôi đều lớn tuổi rồi, nên tôi nói chị sẽ hiểu ngay. Tình yêu lúc đầu là dáng người, ánh mắt, miệng cười, lời nói… Rồi theo thời gian nó không là hình bóng nữa mà là sự cảm thông, chấp nhận, hòa tan vào nhau. Ý tôi muốn nói ở đây là dù cô ta có thế nào tôi vẫn cứ yêu thương. Tôi yêu cái tình mà tôi tin rằng cô ta yêu tôi, yêu cả tình tôi yêu cô ta nữa. Thật khó giải thích! Nhưng chị còn nhớ một bài thơ của ông Phan Khôi có câu “Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi”?

 

"Qua bao năm dài nó còn lại là tấm lòng chứ không phải vì tuổi tác hay sắc diện bề ngoài.” Bàn của ông khách cách quày của chị chủ quán độ năm mét, nhưng tiếng mưa nghe rào rào trên mái tôle, ông khách sợ người nghe không rõ, không thông cảm nên ông nói lớn tiếng. Chị chủ quán có vẻ bối rối, nhìn ra đường rồi chị lại cúi xuống lấy ấm nước đến rót vào bình trà cho ông khách. “Ông bảo đi tìm người ta mà lại không muốn gặp, vậy ông đến đây làm gì?… Để tôi bỏ thêm ít trà nữa.” “Cám ơn chị. "Thật tâm, tôi muốn gặp nhưng sợ người ta quên nên không dám đối diện. Mà dù có còn nhớ, tôi cũng không nên xáo trộn cuộc sống của người ta. Chắc chắn cô ta đã lập gia đình, có con cái, sống với hạnh phúc bình thường của một người bình thường.” Chị chủ quán đi lấy hộp trà, mở ra, nghiêng đổ một ít vào lòng bàn tay rồi mở nắp bình trà, cẩn thận bỏ vào. Ông khách ngước nhìn chị, hai khuôn mặt gần sát nhau, ông thấy rõ đôi mắt đen chăm chú vào bình trà, chiếc mũi thon, hơi hếch lên, vẻ nghịch ngợm, miệng mím lại nửa như làm nghiêm, nửa như cười, gò má hồng, da mịn.

 

Ông nghe cả hơi thở nặng nề từ đồi ngực căng phập phồng sức sống của tuổi sung mãn. Ông nói nhỏ “Cám ơn chị, trà thơm quá! Vị đậm và có hậu.” Chị chủ vẫn cúi xuống, lắc nhẹ bình trà “Ông chờ một lát cho trà ngấm. Trà Blao ướp ngâu, chúng tôi thường uống trà nầy, quen rồi.” Chị quay về quày “Nghe ông kể tôi cũng tò mò, muốn biết câu chuyện ra sao và tên của người hân hạnh được ông nhớ mãi, suốt mấy mươi năm. Tôi sẽ cố tìm giúp ông, biết đâu tôi sẽ tìm thấy. Tôi là người ở địa phương nầy.” “Lúc nãy chị bảo tôi lãng mạn, có lẽ đúng. Chuyện chẳng có gì. Với người khác không đáng để nhớ, nhưng với tôi lại là một biến cố lớn trong đời. Đại khái như thế nầy. Năm đó, tôi học đại học sắp ra trường, ở Sài Gòn. Trong dịp tôi theo mấy người anh họ đi dự đám cưới của một người bà con trên Đa Lạt, lúc quay về chúng tôi đồng ý sẽ ghé Nha Trang chơi. Tôi nhớ đó là lần đầu tôi theo quốc lộ 20 nên tất cả đều mới lạ và đẹp. Đèo Ngoạn Mục, Đa Nhim, Sông Pha… Lúc vừa vào thị trấn Sông Pha thì xe bị trục trặc, người lái xe bảo phải chờ hơn hai tiếng đồng hồ để người phụ tài đi mua phụ tùng về thay. Chúng tôi rủ nhau vào quán đằng kia. Trong khi các người anh nhậu nhẹt, tôi chỉ kêu một tô cháo lòng. Cô con gái của chủ quán đem cháo ra. Tôi đoán thế vì tôi thấy cô đi học về, vào nhà thay đồ rồi ra phụ với gia đình ngay. Cô trông rất có duyên và vui. Bây giờ gặp lại, có lẽ tôi không nhận ra, chỉ còn ấn tượng là cô có đôi mắt đẹp, đen nhánh, như cười, môi hồng tự nhiên. Tôi bảo cô “Anh đi chiếc xe đò kia kìa, nó bị hư phải sửa, ít nhất vài tiếng nữa. Anh ra đằng dốc cầu kia đứng chơi, khi nào xe đó sửa xong, em bảo họ chờ một lát và cho người ra kêu anh, được không?” “Được chứ, nhưng nếu kêu anh, anh sẽ thưởng gì?” “Nếu là người phụ việc ở đây, anh sẽ biếu ít tiền để cám ơn.” “Nếu em gọi?” Tôi đùa “Nếu là em, anh sẽ tặng em quả tim của anh, để em nấu cháo, khách sẽ khen ngon.” Cô le lưỡi “Anh nói nghe mà ghê!”

 

Tính tôi vẫn thế, đến chỗ lạ là thích lang thang, nghiêng ngó cảnh vật, đường sá, nhất là nơi nào có chiếc cầu bắc qua sông là tôi có thể đứng ngắm nhà cửa bên kia bờ, ngắm giòng nước cả giờ không chán. Tôi nhớ rất rõ, khi tôi đứng dưới dốc cầu, mặt trời lặn sau dãy rừng cây âm u phía xa, màu mây trời làm đỏ rực mặt sông, tiếng chim về tổ gọi nhau… Chị có ra đó đứng ngắm cảnh chiều tà lần nào chưa? Đẹp lắm! Vẻ êm đềm của thị trấn yên tĩnh, hiền hòa nầy cứ ở mãi trong trí tôi, biến thành ước ao ngày nào được về đây sống, và mỗi buổi chiều ra ngắm giòng sông… Trong lúc đang mơ màng thì tôi nghe tiếng kêu “Anh đó, về lẹ lên, xe sắp chạy rồi.” Tôi ngẩng lên thấy cô học trò, con chủ quán, vừa chạy trên bờ vừa kêu. Cái bờ sông, tuy không cao lắm, nhưng có cỏ, nên cô bị trượt chân, gượng lại không được, cứ chạy chúi nhủi xuống phía tôi. Tôi giữ được tay cô nhưng cô cũng ngã nhào vào người tôi, khiến tôi cũng suýt ngã theo. Đôi mắt cô ngước nhìn tôi sáng long lanh. Cô mắc cỡ nên má cô hồng. Tóc cô dài và đen, vướng đầy cánh tay tôi. Không hiểu sao tôi lại đủ can đảm hôn lên môi cô, chỉ hôn phớt thôi. Môi cô mềm, hơi thở cô thơm như của trẻ thơ. Đó là nụ hôn khiến tôi rung động, hạnh phúc nhất trong đời. Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn cảm tưởng như mới đây. Cô đẩy tôi ra, lùi lại, nhìn sững tôi rồi cô cười và nói “Chạy tìm anh bắt mệt!” Tôi nói “Cám ơn em”. Có lẽ cô bị xúc động nên cứ lúng túng không lên được bờ dốc. Tôi nắm tay cô kéo đi “Anh tên Hùng, em tên gì?” “Phúc Lan.” “Anh sẽ trở lại thăm em.” Lên khỏi bờ sông , cô gỡ tay tôi ra và chạy trước. Cô mới lớn, hơi cao và ốm nhưng dáng đi đã uyển chuyển, tóc cô bay trong gió…” Chị chủ quán bỗng kêu lên “Thôi chết, trời mưa mà tôi quên đậy mớ củi, ướt hết!” Chị khoác áo mưa, cứ để đầu trần chạy ra cửa, vòng ra sau hè. Người đàn ông không quan tâm, rót nước trà uống, ông ta như muốn kể cho riêng mình nghe. Một lát chị quay vào, cởi áo mưa treo trước hiên. Đầu tóc, mặt mũi ướt đẫm nước mưa. Chị phân bua “Mưa lớn quá, ướt hết cả!” Chị ra sau quày, lấy khăn xoa đầu tóc, lau mặt, rồi hỉ mũi sụt suỵt. Người đàn ông kêu lên “Chị bị cảm rồi đó!” “Cám ơn, tôi sẽ uống thuốc. Ông kể tới đâu rồi? Xin lỗi, tôi vội quá.” “Chuyện đến đó là hết, chẳng có gì hay ho.” “Ông hứa trở lại, rồi ông có trở lại không?” “Thú thật, đôi khi tôi cũng quên bẵng đi. Chẳng phải tôi có người yêu khác, mà cuộc đời cứ bắt đầu óc mình quay cuồng với bao chuyện rắc rối, khi nhớ đến cô bé đó thì lại tự hẹn mình chờ dịp thuận tiện."

 

"Rồi vụ đổi đời năm bảy lăm, tôi không thể đi đâu được. Bây giờ tôi ở xa lắm. Hơn nửa đời người, bao nhiêu biến chuyển, chỉ còn đọng lại trong tâm hồn tôi kỷ niệm nhỏ bé với cô Phúc Lan và buổi chiều Sông Pha năm nào. Tôi nhớ người cũ, cảnh cũ lắm mới tìm về đây. Tôi thấy thích ở đây, ở đến già đến chết cũng được.” Chị chủ quán cười “Nếu ông về ở đây, hễ đến quán nầy, tôi tính nửa giá thôi. Nhưng bây giờ ông định làm gì, có muốn gặp lại cô bé ngày xưa không? Theo ông kể, có lẽ tuổi cô ta cũng cỡ tôi, cũng đi học cùng trường với tôi, nhưng sao nghe cái tên lạ quá. Để tôi giúp ông, tôi sẽ hỏi các bạn tôi ở đây, dù cô ta có đi nơi khác cũng còn bà con, bạn bè biết cô ta. Nhưng hỏi ra thì báo cho ông cách nào. Ông có địa chỉ không? Ông có muốn nhắn gì với cô ta không?” “Ý kiến chị vậy mà hay. Tôi chỉ cần biết cô ta ở đâu để có dịp tôi chỉ đến nhìn thôi, chứ không gặp. E cô ta đã quên hẳn tôi rồi! Lại nữa tôi không muốn xáo trộn cuộc sống của cô ta. Tôi là kẻ ngoại cuộc rồi.” “Ông cứ cho tôi địa chỉ, khi tìm ra, tôi sẽ báo cho ông.” Rồi chị cười “Tôi cũng bắt chước cô bé ngày xưa của ông, hỏi ông, nếu tìm ra cô ta, ông thưởng gì cho tôi? Tôi không cần tiền cũng không cần quả tim của ông.” “Chà, khó hè! Thôi thì như chị nói, tôi sẽ đến quán nầy hằng ngày, suốt quãng đời còn lại của tôi.” “Đùa với ông thôi, bây giờ ông cho tôi địa chỉ, nhưng bà xã ông nổi ghen thì không phải lỗi của tôi đâu nghe.” “Tôi chẳng có gia đình. Tôi đã là thanh niên râu rồi, lỡ thì rồi! Chị có giấy cho tôi xin tờ, cây viết nữa.” Chị chủ quán gọi lớn “Hùng ơi, đem cho mẹ cây viết và tờ giấy.” Cô bé chạy ra “Con đem cho bác đằng kia.” Chị chủ quán ngồi nhìn con gái và ông khách, ngạc nhiên thấy hao hao như hai cha con. Ông khách hỏi ý kiến chị chủ quán “Có lẽ tôi nên viết mấy giòng cho cô ta để nhắc lại chuyện cũ xem cô có nhớ ra không. Tôi nên gọi cô ta là chị, là bà hay là cô?” “Tôi thấy ông nên viết là bà hợp lý hơn.” “Phải rồi, gọi là bà đứng đắn hơn. Rủi người ta không nhớ ra mình cũng không bảo rằng mình thiếu lịch sự.” Người đàn ông ngồi nép vào vách để tránh bụi mưa, chống cằm suy nghĩ một lúc rồi cắm cúi viết. Được độ nửa trang ông đọc lại rồi đem đến cho chị chủ quán “Chị xem tôi viết thế nầy có được không?”

 

“Kính gửi bà Phúc Lan,

 

“Tôi tên Hùng, cách đây gần hai mươi năm, tôi là người khách đến quán của gia đình bà ăn tô cháo. Xong, tôi ra bờ sông ngắm cảnh trong lúc chờ xe đò hỏng phải sửa chữa. Bà có ra gọi tôi vì xe đã sửa xong, tôi được biết tên bà là Phúc Lan. Tuy chỉ có thế nhưng tôi vẫn nhớ đến bà mãi. Hôm nay tôi ghé lại Sông Pha thì quán của gia đình bà không còn nữa! Tôi chỉ mong được biết tin về bà bây giờ ra sao? Bà chắc đã có gia đình, tôi thì cũng lớn tuổi rồi, không còn như ngày xưa! Thế nên tôi chỉ ước mong bà xem tôi như một người bạn nếu bà còn nhớ ra tôi. Còn như bà đã quên bẵng tôi thì tôi xin lỗi bà về những giòng chữ vô duyên nầy. Tôi đã kể hết cho chị chủ quán, người đưa mảnh giấy nầy, nếu tò mò, xin bà cứ hỏi chị ta. Kính chúc bà và ông nhà và các cháu khang an, vạn sự như ý. Kính thư . Hùng”

 

Chị chủ quán đọc xong “Ông viết thế nầy đủ rồi, nếu cô ta có hỏi gì về ông, tôi sẽ kể lại như ông đã kể cho tôi nghe.” “Cám ơn chị. Tiếc quá, hôm nay trời mưa, tôi không thể đi lòng vòng thị trấn nầy.” “Ở đây buồn lắm, trời mưa lại càng buồn hơn. Ông từng đi đây đi đó… mà lại thích ở đây cũng lạ! Nếu ông chờ, hy vọng ngày mai mưa sẽ tạnh.” “Sáng sớm tôi phải đi rồi. Chào chị!” Nói xong ông ta lại xòe tay che đầu, rụt cổ lại đi nép vào hàng hiên. Chị chủ quán ngồi nhìn theo ông ta cho đến khi đi khuất. Chị bần thần đọc lại lá thư rồi xé, ném vào bếp lửa, chỉ giữ lại cái địa chỉ.

 

Sông Pha Ngày…tháng…năm…

 

“Anh thân yêu,

 

“Buổi chiều, lúc anh rời quán, em muốn chạy theo kêu anh, cho anh rõ rằng người anh muốn tìm là em, nhưng không hiểu sao, em chỉ biết ngồi chết lặng. Tối đó, em cứ thao thức mãi. Tưởng tượng anh đang ở trong quán trọ đằng kia, ngay tại Sông Pha nầy… Anh gần đó mà sao em thấy xa vời quá! Tình yêu của em, ước mơ của em, hạnh phúc của em… em tưởng là tuyệt vọng, bây giờ đã hiện ra, nhưng em không còn quyền quyết định nữa!

 

“Và giờ đây, em đang khóc khi viết cho anh. Khóc vì mừng và giận anh. Sao anh hẹn mà không trở lại? Chỉ một cái trượt chân định mệnh, em ngã vào vòng tay anh, em gỡ tay anh ra nhưng em không gỡ được linh hồn em, cuộc đời em ra khỏi anh. Đã bao buổi chiều em ra ngồi ở dốc cầu, âm thầm khóc vì nhớ anh. Em tưởng như anh còn đứng đấy. Dáng anh cao, mắt anh sáng, miệng tươi cười với em. Vì lời hứa của anh mà em hy vọng mãi. Nghe tiếng xe đò ngừng trước đường là em hồi hộp, thầm nhủ rằng anh đang xuống xe và đến với em. Chỗ anh ngồi trong quán, không lúc nào là em không nhìn chừng. Em yêu thương cả đến chỗ ngồi của anh! Và tên anh, nghe người ta gọi nhau, em cũng rung động, nhớ anh.

 

“Với tuổi thơ ngây, em chỉ cầu mong được gặp anh, nhìn anh, chuyện trò cùng anh, thế thôi. Đến khi trưởng thành, nụ hôn của anh, vòng tay anh thành ước mơ được anh ấp ủ, được quấn quít bên anh.

 

“Khi quyết định lấy chồng, em cũng ra dốc cầu ngồi khóc đến sưng cả mắt mà chẳng biết tâm sự với ai. Em chỉ biết kêu lên với giòng sông, với gió chiều “Xin hẹn anh kiếp sau” tưởng như gió sẽ đưa lời của em đến với anh. Nhưng biết anh nơi đâu? Chiều nay em cũng lại ra đấy, đứng nhìn giòng sông, lòng em vui khi anh đã quay lại nhưng không khỏi ngậm ngùi vì những ước mơ chẳng còn gì. Em cũng đành thì thầm với giòng sông, với gió chiều “Xin hẹn anh kiếp sau”. Anh bảo rằng đã quên em, chỉ nhớ đôi mắt em rất vui, rất đẹp. Bây giờ đôi mắt không còn vui, cũng chẳng còn đẹp đến độ anh đã gặp mà không nhận ra em! Em thì giây phút đầu đã biết ngay là anh, nhưng không hiểu anh có còn nghĩ đến em không? Đến khi nghe anh kể lại, khi anh nhắc đến tên anh, tên em, em phải chạy ra ngoài mưa đứng khóc vì xúc động và để khỏi mềm lòng ngã vào tay anh. Yêu anh, nhớ anh đã là một hạnh phúc. Được biết anh cũng nhớ đến em, hạnh phúc và lòng biết ơn anh tràn ngập lòng em. Bao nhiêu năm rồi, nụ hôn của anh, có bao giờ em quên! Dù sao cũng là một an ủi cho em, không bỏ công em lập quán bên đường để chờ anh. Đứa con gái đầu lòng, em đặt tên anh để mỗi ngày gọi anh cho đỡ nhớ, và em cũng không ngờ nó lại phảng phất giống anh… Từ hôm nay em lại nhìn chừng về phía bàn anh ngồi, lại hy vọng. Anh vẫn thế, nhưng em đã thay đổi. Em đã có chồng, có con. Em thương chồng, thương con. Em có một gia đình bình thường, một hạnh phúc bình thường như anh đã bảo. Lý trí em thì nghe theo lời anh “Không muốn xáo trộn cuộc sống của em” Nhưng tự tim em, tự tâm hồn em, cứ mong ngóng được gặp lại anh hằng ngày.

 

“Hay là thế nầy. Chúng ta thỏa thuận, cứ vào gần cuối mùa Xuân, mỗi năm anh về thăm em một lần, cũng vào buổi chiều như hôm trước. Anh như là khách lạ, ghé vào quán của em. Anh đừng chuyện trò, hỏi han gì em. Anh cứ ngồi đấy, để em được nhìn thấy anh trong chốc lát, là ban cho em hạnh phúc tuyệt vời rồi. Xin anh đừng liên lạc gì với em cả. Em không ghi địa chỉ của em là vì thế.

 

“Em van anh, đừng thực hiện ý định về sống suốt đời ở thị trấn nầy. Dốc cầu còn đó, giòng sông còn đó, ánh nắng chiều vẫn vậy. Nếu anh về ở hẳn nơi đây, mỗi chiều anh ra đứng đấy thì cái thảm cỏ kia sẽ làm trượt chân em. Lần nầy, em biết, sẽ không gỡ tay anh ra được nữa.”

 

Phạm Thành Châu

 

 

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày- 10/5/2021

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List