Popular Posts

Thursday, April 28, 2016

Vợ Chồng Điệp Viên "Điệp-Viên 007 kiễu Vietnam"



 




Chuyện 30-4: 

    Vợ Chồng Điệp Viên
"Điệp-Viên 007 kiễu Vietnam"


Học xong trung học, tôi thi vào Đại Học Sư Phạm ban Anh Văn. Trong thời gian là sinh viên tôi còn làm việc cho số 3 Bạch Đằng. Đó là cách nói gọn của phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo Việt Nam Cộng Hòa.

Tôi làm tình báo vì có máu phiêu lưu, thích chuyện mạo hiểm, sau nầy lại thêm mối thù việt cộng giết cha tôi. Ông già tôi là chủ một nhà máy xay lúa nhỏ ở vùng quê tỉnh Bạc Liêu. Vì là vùng mất an ninh nên phải đóng thuế cho việt cộng, ấy vậy mà cũng bị chúng nửa khuya đến gõ cửa đem ra đồng bắn bỏ. Cả mấy năm sau, tôi cố tâm điều tra mới biết rõ thủ phạm là một tên nằm vùng trong xóm, chỉ vì một xích mích nhỏ, hắn dẫn đồng bọn về giết người.
Dĩ nhiên tôi trả thù.
Sau khi tốt nghiệp sư phạm, trong lúc chờ sự vụ lệnh, tôi lẻn về nhà trốn trong phòng không cho hàng xóm biết, đến khuya tôi đến nhà hắn, nằm sau hè chờ. Ở thôn quê không có phòng vệ sinh trong nhà, khi cần thì ra sau vườn.

Qua đêm thứ hai hắn mở cửa ra đi tiểu, tôi chĩa súng vào lưng hắn.
- Đồng chí ra ngoài kia trả lời trước tổ chức về vài việc cần gấp.

Hắn sinh nghi định phản ứng, tôi giáng cho một bá súng vào đầu, hắn bất tỉnh, tôi cột chân tay hắn,cõng trên lưng, ì ạch băng đồng ra chỗ bọn chúng giết cha tôi.
Tôi khai thác tận tình cho đến khi hắn thú nhận tội giết cha tôi, lúc đó tôi mới cho hắn biết sự thật.
Hắn van lạy, nhưng vô ích, hình ảnh cha tôi chết oan ức, mắt vẫn mở trừng trừng khiến tôi sôi gan. Sau đó gia đình tôi bán nhà máy xay lúa, bán nhà lên Sài Gòn ở.
Tốt nghiệp xong tôi được điều đi các tỉnh dạy học. Sau mỗi công tác tình báo dù thành công hay thất bại tôi lại chuyển qua tỉnh khác.

Câu chuyện bắt đâu khi tôi được giao cho việc theo dõi một cô thợ may ở ngoại ô một thành phố ven biển miền trung.
Nguyên nhân là thỉnh thoảng lại có truyền đơn rải vào buổi sáng trên con đường vào thị xã. Đây là con đường mà đa số nông dân thường đem nông sản vào chợ bán.
Họ chở bằng xe đạp, xe lăm hay xe bò. Sáng sớm nào cũng có cảnh sát rình ở đó nhưng chẳng thấy ai đáng tình nghi cả.
Sau phải cho người nằm sát lề đường mới khám phá ra một cô gái đi xe đạp chở rau muống phía sau, dưới chân chỗ bàn đạp để mớ truyền đơn, cứ dỡ nhẹ chân là truyền đơn rơi xuống đường khó mà thấy được nhất là ở quãng đường tối.
Qua điều tra đây là cô thợ may nhà ở vùng ngoại ô, sát địa giới thành phố.
Sau nhà là một vạt ruộng nhỏ trồng rau muống, mỗi sáng cô chở rau vào chợ bán sỉ cho bạn hàng rồi về ngay.
Cô sống với một mẹ già hơn sáu mươi tuổi. Gọi là tiệm chứ thực sự là một bàn máy may phía trước, cách một tấm vách cót là giường ngủ của hai mẹ con vừa làm chỗ thử áo quần. Gia đình nầy mới từ một quận miền núi về hơn một năm nay. Theo báo cáo, trước đó cô là nữ sinh trung học, sau theo nghề may.
 Tiệm của cô khá đông khách vì cô hiền lành, vui vẻ lại lấy công rất rẻ, có lẽ đây là trạm giao liên hơn là cơ sở kinh tài của địch.

Nhiệm vụ của tôi là tìm cách tiếp cận cô để theo dõi. Tôi sẽ đóng vai một kẻ si tình cô, gặp gỡ cô mà bọn chúng không thể nghi ngờ, hoặc tốt hơn nữa sẽ được móc nối làm việc cho chúng.
Một buổi sáng Chủ nhật tôi chạy xe gắn máy gần đến nhà cô thì xe chết máy phải dừng lại sửa.
Tôi vào tiệm xin cô miếng giẻ rồi loay hoay mở máy ra chùi, thay bu gi, tháo bình xăng con... toát mồ hôi mà xe vẫn không nổ.
Tôi xin cô miếng nước uống và ngồi trước hiên nhà cô hỏi vài câu vơ vẩn rồi dẫn xe về.

Qua hôm sau tôi đem một xấp vải đến nhờ cô may cho một áo sơ mi. Lần nầy tôi được cô mời vào nhà vì tôi là khách.
 Thế rồi, thỉnh thoảng tôi lại nhờ cô may một thứ gì đó và tôi ngập ngừng nói là tôi làm thế để được dịp gặp cô, không gặp tôi nhớ.
Cô có vẻ bất ngờ, nhưng yên lặng. Những lần sau cô lại càng giữ ý, nhưng tôi bắt gặp trên đôi mắt cô mỗi khi thấy tôi, long lanh niềm vui. Trong lúc trò chuyện tôi cho cô biết về gia đình tôi rằng ông già tôi tham gia mặt trận bị quân đội Quốc Gia hành quân bắn chết.
Thỉnh thoảng tôi đi chùa nghe thuyết pháp hoặc tham gia mít ting, tôi phát ngôn bừa bãi ra người bất mãn chế độ.
Sau một thời gian lạnh lùng, giữ kẽ, cô có vẻ thân thiện, vui vẻ hơn.
Kẻ thù trong bóng tối đang kéo dần con mồi về phía chúng, tôi biết mình đã được để ý, nhưng chỉ đến đấy thì hầu như bế tắc, tôi không biết được những gì chúng tôi cần.

Một sáng Chủ nhật, như thường lệ tôi đến thăm cô, nhưng đến nơi chỉ thấy một đống tro tàn đang bốc khói. Thì ra, không hiểu vì sao lúc khuya lửa bắt cháy, hai mẹ con chỉ kịp chạy thoát thân. Tôi khuyên nhủ nhưng cô vẫn lắc đầu lo lắng.
- Tiền mua bàn máy may, mua miếng đất em trả chưa hết nợ, còn quần áo của khách nữa, họ nói bao nhiêu phải cố mà trả. Nhưng em còn đồng nào đâu!
Tôi hứa với cô là sẽ hết lòng tìm cách giúp đỡ. Thế rồi tôi về bán chiếc xe gắn máy. Nhờ bà con chung quanh phụ giúp nhặt nhạnh những miếng tôle còn xài được, mua ít vật liệu, dựng lại căn nhà mới cũng khang trang, ngoài ra còn mua được một bàn máy may mới nữa. Chỉ trong một tuần tôi lo toan cho cô chu toàn.

Từ đấy thái đọ của cô đối với tôi thay đổi hẳn. Chúng tôi thường đưa nhau đi xem hát, ăn quàrong, đôi khi cô đến nhà trọ thăm tôi nữa.

Mỗi khi đi với nhau cô thường chải chuốt, thoa chút phấn hồng trên má, trông cô đẹp hẳn ra, như lột xác từ một cô thợ may lọ lem thành một nàng tiên, nhưng đối với tôi, đi bên cô, nhất là những chỗ vắng, tôi có cảm giác rờn rợn, tưởng như mình đang đứng trước đỉnh đầu ruồi của một họng súng nào đó trong bóng tối.

Vì nghề nghiệp, lúc nào tôi cũng cảnh giác, ngụy trang, dọ dẫm tìm một chỗ an toàn phía sau lưng.
Một lần cô ghé nhà trọ thăm tôi, có một bà hàng xóm biết cô là thợ may đến năn nỉ cho con gái học nghề may.
Cô là học sinh thi hỏng tú tài, muốn theo nghề may để phụ giúp gia đình.
Nghe tôi nói thêm vào cô ta có vẻ bằng lòng nhưng hẹn ít hôm nữa mới trả lời, có lẽ chờ quyết định của tên đầu sỏ, chỉ huy cô.
Tuần sau cô đồng ý nhận học trò. Được độ ba tháng nhờ sáng ý, cô bé học nghề khá tiến bộ. Tiệm may cũng đông khách hơn trước.
Một hôm tôi gọi riêng cô bé hàng xóm qua nói chuyện.
- Em học nghề may với chị Lan đến đâu rồi?
- Em cắt chưa vững nhưng may thì khá lắm, khách nào cũng khen đường chỉ em thẳng, mịn và đẹp.
- Có lẽ cần một máy may nữa mới phụ chị Lan kịp giao hàng cho khách.
- Em cũng nghĩ vậy nhưng không có tiền.
Tôi tâm sự với cô học trò.
- Như em biết, thầy và chị Lan yêu nhau, dự định sẽ làm đám cưới, nhưng thầy còn ngại hình như chị Lan đang yêu ai nên thầy nhờ em giúp thầy tìm hiểu chị Lan xem có ai đến thân mật chuyện trò với chị ấy không?
Em sẽ chẳng làm gì cho chị ấy nghi ngờ. Thầy có cái máy nầy, sẽ giấu dưới xách tay của em, khi đến nơi, em chỉ cần mắc xách tay sau lưng chỗ ngồi của em sát vách với phòng thử áo quần.
Chỉ thế thôi, đừng cho bất cứ ai biết chuyện nầy. Nếu chị Lan hay ai bắt gặp cứ bảo rằng đó là máy thu thanh, thầy sẽ chỉ em cách mở nghe đài phát thanh.
Em cũng đừng cho chị ấy biết là thầy cho em mượn tiền mua máy may, sợ chị nghi ngờ, ghen tuông phiền phức.

Thế là chúng tôi nghe rõ những trao đổi, bàn bạc với nhau của bọn chúng trong phòng thử quần áo. Một bộ phận khác rình thu hình những khách hàng khả nghi và tiến hành điều tra.
Chúng tôi gần như nắm vững tất cả những tên nằm vùng, cơ sở kinh tài, nơi chứa chấp những tên xâm nhập nữa, nhưng tên đầu sỏ vẫn chưa tìm ra!?
Trong nghề nầy, một chút sơ ý là chết. Như cô thợ may, bị chúng tôi theo dõi mà không hay biết.
Cô với tôi như hai tay  nhu đạo đang lừa nhau để vật đối thủ xuống, cô đã bị thất thế hoàn toàn, nhưng tôi chưa ra tay và chờ cô ra đòn.

Có thể cô làm bộ chuyện trò, hỏi han để tìm hiểu tôi hoặc rủ tôi một chiều nào đó ra vùng quê hóng gió tâm sự...
Nhưng tuyệt nhiên chuyện đó không xảy ra. Cô lúc nào cũng ít nói, dịu dàng, nhưng như thế lại càng làm tôi e ngại và thấy cô rất bản lĩnh, rất nguy hiểm.
Đi bên cô tôi cố làm vẻ sung sướng, hạnh phúc nhưng thật sự tôi có cảm tưởng cô như con rắn độc, chỉ một tích tắc cô hành động là đời tôi tàn ngay.
Mạng tôi đổi mạng cô thì không xứng. Thế nên tôi chẳng hứng thú gì trong vai trò nầy cả.
Tôi được lịnh phải tiến xa hơn tức là phải chung đụng xác thịt để giữ chặt con mồi, nhưng tôi không làm được. Dù cô có yêu tôi thực hay giả vờ tôi cũng quyết không đụng chạm đến nơi thiêng liêng đó của người con gái. Đó là nhược điểm của một tên tình báo non tay nghề như tôi.
Mùa hè năm đó, đối phương lên phương án tấn công tỉnh. Mẻ lưới được tung ra. Chúng tôi dự định hành quân vào lúc khuya.
Buổi chiều cô bé học may về báo cho tôi biết là lúc trưa có một ông sư khất thực đến trước nhà, cô Lan ra cúng dường, ông sư lầm thầm tụng kinh chúc phúc như mọi khi, nhưng lúc quay vào, thấy mặt cô tái mét, người cứ run lên bần bật...
Chúng tôi đề nghị cảnh sát hành quân sớm hơn dự định. Thế là cả bọn bị tóm, kể cả chính tôi cũng bị cảnh sát đến gõ cửa, còng tay, đẩy lên xe cây.
Thường thì sau khi vở kịch đã hạ màn như thế, tôi thảnh thơi nghỉ ngơi rồi nhận công tác mới.
 Nhưng không hiểu sao hình ảnh cô ta vẫn nguyên vẹn trong đầu tôi.

Khi cô bị bắt, bị giam giữ, lòng trắc ẩn của tôi lại nổi lên. Đàn bà, con gái, trẻ con không có chỗ trong chiến tranh, họ phải được ở hậu phương, phải được thường xuyên che chở, bảo vệ. Một cô gái vô ý vấp ngã thấy đã động lòng rồi, huống gì cô thợ may hiền lành, dịu dàng kia đang bị nhốt trong nhà giam sau những song sắt như một con thú đã bị săn bắt, chờ ngày bị đem xẻ thịt.

Tôi đã nhiều lần bí mật nhìn cô ủ rũ ngồi ở một góc phòng giam, héo úa như không có linh hồn, không còn cảm giác, suy nghĩ gì.
 Tương lai là chết rũ trong tù, tình yêu, hy vọng của tuổi thanh xuân coi như đã chấm hết.

Đối với cô, tôi thấy thật bất nhẫn, lừa gạt một cô gái dù cô ta được điều khiển từ trong bóng tối. Và khi cảm tưởng cô không còn là kẻ thù của tôi nữa, sự cảnh giác đã được gạt bỏ, như bụi bặm trên một bức tranh đã được chùi sạch, để lộ ra hình ảnh trong sáng, dịu dàng của cô trong tâm trí tôi.
 Thế nên tôi đề nghị thả cô ra để cho những con mồi khác đến móc nối lại với cô.

Từ phòng giam, tôi lại được gọi lên để đối chất về sự liên hệ giữa tôi và cô.
Chúng tôi xác nhận có yêu nhau nhưng  chẳng biết gì về việt cộng cả và anh cảnh sát thẩm vấn (vờ) tin ngay là thật, anh hứa sẽ thả chúng tôi ra và anh cãnh sat bỏ đi làm giấy tờ.
 Tôi đến ngồi gần cô cầm lấy tay cô, cô ngước nhìn tôi và lắc đầu, có lẽ cô cho rằng lời anh thẩm vấn viên chỉ là cái bẫy, nhưng tôi cố tình cho cô hiểu tôi là người có thẩm quyền, tôi cứu cô ra vì tôi yêu cô.
- Như em đã nghe lúc nãy, anh xin bảo lãnh em và chịu trách nhiệm liên đới về những hành động của em sau nầy.
Nếu em thương yêu anh thực lòng thì em hãy lánh xa những gì có thể gây nguy hiểm cho em.
Em còn mẹ già phải nuôi dưỡng, rồi em sẽ lập gia đình, có con cái, sống hạnh phúc như bao người bình thường khác.
Đừng dại dột nữa, không phải anh sợ bị vạ lây nhưng nếu em gặp chuyện không may anh sẽ đau khổ lắm.
Anh sẽ thu xếp cho em và mẹ em vào Sài Gòn sống lẫn trong đồng bào thì sẽ không có ai quấy rầy em nữa.
Chúng mình sẽ làm đám hỏi và khi nào anh vận động xin về dạy gần Sài Gòn sẽ làm đám cưới.
Cô cúi đầu yên lặng nghe, rồi cô nắm tay tôi đặt lên đùi cô, siết nhẹ. Một giọt nước mắt rơi trên tay tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Cô đã hiểu ý tôi. Cô viết cho mẹ cô một lá thư, dặn bán nhà để chuẩn bị về quê, chỉ giữ lại bàn máy may.
Sau đó chúng tôi lặng lẽ về Sài Gòn.
Nhờ bạn bè giúp đỡ, tôi tìm mua được một căn nhà nhỏ ở chợ Cây Quéo, góc đường Hoàng Hoa Thám, Ngô Tùng Châu Gia Định. Dĩ nhiên việc theo dõi cô không phải đã chấm dứt.
Công tác của chúng tôi thường được tình báo Mỹ yểm trợ.
Người Mỹ rất hào phóng nhưng cũng rất nguyên tắc, họ đã vui vẻ trả lại tiền cho tôi mua lại chiếc xe gắn máy, trả cả những chi phí lặt vặt như đưa cô đi xem hát, ăn quà rong.

Nhưng sau cuộc hành quân, hồ sơ coi như đã đóng. Lần nầy tôi lại bán xe, vay mượn thêm để lo cho cô mà không biết khi nào mới có tiền mua lại xe khác.
Suốt mấy tháng hè, tôi về Sài Gòn với  gia đình. Buổi chiều tôi thường ghé thăm cô, có khi tôi ăn cơm tối với gia đình cô.
Sau bữa ăn, bà mẹ dọn dẹp chén đĩa, còn cô thì xin phép đi tắm. Chợ Cây Quéo nằm trong một đường hẻm, sau khi tan chợ chiều, trở thành vắng lặng như ở một vùng quê

Sau nhà cô có một sân vuông nhỏ, rào kín chung quanh, tôi thích ra đấy ngồi xuống một ghế gỗ dài để chờ cô. Cô có thói quen là sau khi tắm cô không mặc nịt ngực, nên qua lần vải mỏng, đồi ngực cô thẳng đứng lên, lồ lộ như hai mụt măng tre vừa chồi lên khỏi mặt đất.
Cô ngồi cạnh tôi, nghiêng đầu dùng khăn vò mái tóc cho khô, chải nhẹ cho tóc thẳng, xong cô ngửa người vuốt mái tóc về sau lưng, rồi cô nhìn tôi mỉm cười.
 Tôi yên lặng ngắm cô, tưởng như thấy rõ làn da mịn màng, thơm tho của thân thể cô... Sau đó chúng tôi có một thứ quà rong như chè hay trái cây để vừa ăn vừa chuyện trò đến khuya mới chia tay.

Sau kỳ nghỉ hè tôi được chuyển ra Huế dạy học, tôi viết cho cô một lá thư dài và hẹn Tết sẽ về xin làm đám hỏi.
 Tính cô ít nói, ngay cả thư trả lời chỉ vỏn vẹn mấy câu "Được thư anh, em khóc mấy hôm nay vì vui mừng. Cám ơn anh đã hiểu em và lời hứa của anh lần nầy em tin là thật, bằng trái tim và cả cuộc đời em"

Khoảng cuối năm đó tôi xin phép về Sài Gòn, khi đến nhà cô tôi ngạc nhiên thấy nhà đã sửa sang lại tươm tất. Cô dẫn tôi ra phía sau khoe một căn phòng vừa mới được xây thêm.
- Mẹ ngủ phòng ngoài kia, em ngủ trong nầy.
- Còn anh thì nằm dưới đất?!
Cô đỏ mặt nhưng sung sướng.
- Anh với em phòng nầy chứ.
Lễ hỏi chúng tôi diễn ra đơn giản, kín đáo. Gia đình tôi cứ tưởng tôi sẽ lập gia đình với một cô nữ sinh nào đó, không ngờ là một cô thợ may. Chẳng phải họ kỳ thị hay giai cấp gì mà theo lệ thường, thầy giáo rất dễ chọn vợ đẹp trong trường mình dạy.
Nhưng khi gặp lần đầu, mọi người đều thích cô ngay. Cô vừa hiền vừa đẹp một cách thùy mị.

Mẹ tôi cứ mẹ mẹ con con với cô ngọt xớt, các cô em gái tôi thì tíu tít hỏi han, trò chuyện rất thân mật khiến cô bối rối, vụng về vì cảm động.
Từ đó gần như ngày nào tôi cũng đến nhà cô, đôi khi ngủ lại nữa, nhưng chúng tôi đã hứa với nhau phải giữ gìn, để dành cho ngày hôn lễ.

Cô có những suy nghĩ lẩm cẩm rất đàn bà. Cô thêu những áo gối có hình quả tim, tên tôi và tên cô lồng vào nhau, hình đôi chim đang bay, rồi cô phân vân về tên của những đứa con trong tương lai. Tôi chế giễu thì cô giận, nhưng thâm tâm cô rất vui sướng với giấc mơ đơn giản đó.
Tôi bàn với cô vài tháng nữa sẽ làm đám cưới, nhưng rồi đầu năm 1975 miền Nam bắt đầu sụp đổ từng mảng, tất cả tan rã như bọt nước.

Người ta ùn ùn chạy về phía Nam, tôi phải nấn ná lo tiêu hủy hồ sơ, phân tán mạng lưới nên vào đến Đà Nẳng lại đành quay về Huế vì miền Trung đã rơi vào tay đối phương rồi. Kẻ thù hình như chưa biết gì về tôi cả ngoài cái vỏ bọc thầy giáo trung học. VC bắt đầu gọi các cô thầy  đến khai lý lịch và như đang sắp xếp mở cửa các trường học.

Thế rồi khoảng cuối tháng năm, năm bảy lăm, nửa khuya, chúng đến vây nhà trọ, gõ cửa, còng tay tôi dẫn ra xe.
 Thoạt nhìn, ngoài chiếc xe cảnh sát chở đầy bộ đội tôi còn thấy một xe mang số ẩn tế Sài Gòn, tôi biết  ngay bọn chúng đã tìm ra chính xác tông tích tôi. Nhưng tại sao trung ương lại không hủy hồ sơ?

Ngồi kèm tôi là hai tên bộ đội còn trẻ mang súng AK.  Phía trước, bên cạnh tài xế là một người đàn bà. Xe chạy ra khỏi cửa Thượng Tứ, qua cầu Trường Tiền đến đường Duy Tân, chiếc xe chạy trước quẹo vào ty cảnh sát (cũ), còn xe chở tôi chạy thẳng, hướng về quốc lộ. Tôi đoán chúng đưa tôi về Sài Gòn khai thác. Tôi dự định thoát thân, nhưng đến gần phía Nam tôi mới hành động. Nghĩ thế nên tôi buông thả, thiu thiu ngủ dưỡng sức.
Dọc đường xe phải ngừng ở các nút chặn, tên tài xế cũng là bộ đội trình giấy và nói gì đấy, ánh đèn loang loáng vào xe, rồi xe lại tiếp tục. Đến Quảng Ngãi trời đã rạng sáng, tôi lơ mơ mở mắt nhìn quanh. Bỗng tôi lạnh người khi nhận ra người đàn bà ngồi phía trước là cô thợ may, vợ sắp cưới của tôi.
Hóa ra chúng tôi đã lầm trong điệp vụ vừa kể, tên đầu sỏ là cô ta chứ không phải gã thầy tu khất thực.
Tôi cay đắng cười thầm mình thua trí một người đàn bà, cô đã ngụy trang một cách tài tình, không chỉ đánh lừa chúng tôi mà còn đánh lừa cả đến lũ chân tay của cô.

Nhớ lại những ngày chúng tôi bên nhau, tôi sượng sùng, xấu hổ với cô. Cô đã đóng một vai kịch rất xuất sắc, rất bản lĩnh, tôi vẫn chỉ là một con mồi ngây thơ.
Ấy vậy mà tôi cứ tưởng tình yêu chân thành của tôi đã cảm hóa được cô. Giờ đây cô ngồi đó, lạnh như tiền. Cô đang nghĩ gì về tôi, một tên điệp viên hạng bét, ngây ngô, lãng mạng tiểu tư sản?
Xe đến Bình Định, ghé vào một quán cơm bên đường, tôi được tên bộ đội mở còng nhưng dặn "Cần gì nói tôi, giữ khoảng cách năm bước, đến gần hay xa hơn, sẽ bị bắn bỏ"

Tôi được dẫn vào ngồi một bàn ở một góc quán, mấy tên bộ đội ngồi hai bên, còn cô ta thì ngồi riêng.
Sau bữa ăn, lúc trả tiền cô lôi ra một xấp bạc mới tinh, rút vài tờ vất đấy, đứng dậy, không lấy tiền thối. Tôi cố tỏ ra sợ sệt và ngoan ngoãn để chúng tin, hi vọng đến chiều tối nếu cũng ăn uống như thế nầy tôi sẽ bỏ chạy rất dễ dàng và bóng đêm sẽ che chở cho tôi.

Nhưng tôi đã lầm, xe chạy suốt đến sáng, đến ngã ba Hàng Xanh theo đường Bạch Đằng, rồi Chi Lăng, Ngô Tùng Châu và vào hẽm chợ Cây Quéo.
Cô vào nhà một lúc lâu mới đi ra với bà mẹ. Hai mẹ con ngồi phía trước, xe lại tiếp tục trở ra xa lộ đến Biên Hòa quẹo hướng Vũng Tàu.

 Tôi đoán chúng sẽ truy tôi về công tác ở Vũng Tàu, Long Hải trước đây hoặc giao cho lũ nằm vùng, nội tuyến đã bị tôi đưa đi tù, và chúng sẽ mặc sức trả thù.

Đến Vũng Tàu, ghé mua mấy ổ bánh mì thịt, xe vào một khách sạn hạng trung bình. Sau khi ăn uống, làm vệ sinh, tôi lại bị còng tay cho vào phòng riêng, phía ngoài là hai tên bộ đội canh cửa.
Tôi nghe cô ta dặn hai tên gác là phải cảnh giác cao độ với tên địch nguy hiểm đó (là tôi), và cô đến ủy ban quân quản có chuyện cần, sẽ về ngay.
Tôi mệt mỏi lăn ra ngủ một giấc lấy sức, dự định tối nay leo cửa sổ trốn đi. Cái còng không thành vấn đề, một cọng thép nhỏ là xong, và cọng thép đó đang nằm trong sợi dây đồng hồ mà tôi đã có được lúc tôi đòi đi tiểu ở hàng cơm ở Bình Định.
Nhưng đến gần tối, sau khi được ăn một ổ bánh mì nữa, chúng lại còng cả chân tôi vào giường và hai tên bộ đội ngồi ngay trong phòng tôi, thay phiên nhau lõ đôi mắt cú vọ canh chừng tôi.
Thế là hết đường trốn thoát! Nhớ lại thời gian hứa hôn chúng tôi sống bên nhau, cô đã dần dần hiểu tôi, trong sự săn sóc cô đón ý tôi rất tài.
Lúc đó tôi sung sướng nghĩ rằng mình có được cô vợ toàn tâm toàn ý, bây giờ chính cái toàn tâm toàn ý kia lại hại tôi.
Cô đã thấy được không sai chậy những gì tôi nghĩ trong đầu, dù chỉ vừa thoáng qua là cô đề phòng ngay.
Tối đó độ hơn mười giờ, tôi được dẫn ra xe, vẫn đủ sáu người như trước. Xe chạy loanh quanh trong thành phố một lúc rồi hướng ra Bãi Sau.
Trời đêm đầy mây, lạnh kinh khủng, miền Nam chưa bao giờ lạnh như năm đó, đường vắng tanh, lờ mờ ánh đèn, tiếng sóng vỗ rì rào, buồn bã. Xe chạy đến cuối bãi thì dừng lại. Cô ra lịnh bịt mắt tôi lại.
- Đồng chí đưa tôi khẩu AK. Cứ ở đây chờ, khi nào nghe tiếng súng nổ tôi sẽ ra.
Và cô nói với bà mẹ, giọng lạnh lẽo, hàm răng rít lại.
- Mẹ phải theo con, xem con trả thù kẻ đã giết hại gia đình mình và bao nhiêu đồng chí khác nữa.
Đúng là oan oan tương báo. Tôi đã xử tội tên nằm vùng giết cha tôi ra sao, bây giờ tôi sẽ gặp y như vậy.
Nhưng tôi không nhớ rõ mình đã làm gì để cô thù hận tôi  đến độ giờ đây đem  ra xử  bắn tôi, không lẽ cô là con của tên nằm vùng kia?!

Cô lên đạn, chĩa súng vào lưng tôi, đẩy tôi đi trước. Cô  đã phạm một sai lầm chết người. Cô dí súng vào lưng tôi là giúp tôi nắm được quãng cách giữa cô và tôi.
 Tầm vóc cô thì tôi còn lạ gì. Chỉ cần tôi quay nhanh lại là mũi súng sẽ chệch ra ngoài và với một đòn chân, tôi có thể đá gãy cổ cô hay ít ra cũng hạ gục cô trong tích tắc.
Trong bóng tối thì bị bịt mắt hay không cũng mù như nhau.
Tôi lần tìm cọng thép trong dây đồng hồ và bắt đầu mở khóa còng tay.
Được một quãng, khi đoán đã xa tầm nghe ngóng của mấy tên bộ đội, tôi vừa định ra đòn thì cô mở băng bịt mắt tôi.
- Anh cõng mẹ được không? Nhanh lên! Nếu có chuyện gì, anh và mẹ cứ chạy thoát đừng lo cho em.
Có thuyền chờ sẵn đằng kia.
Cô ôm súng chạy phía trước, tôi cõng bà cụ men theo bờ rừng dương liễu mải miết theo cô. Độ một cây số, chúng tôi đến một thuyền nhỏ có người chờ sẵn. Thuyền được đẩy ra, nổ máy và nửa giờ sau chúng tôi ra thuyền lớn đi thẳng.
Hôm sau chúng tôi được tàu Mỹ vớt về đảo Guam.

PHẠM THÀNH CHÂU



__._,_.___

Posted by: <vneagle_1

Gia đình vua Hàm Nghi


 
From: Yahoo
Date: 2016-04-20 23:39 GMT-04:00
Subject:Gia đình vua Hàm Nghi

 Gia đình vua Hàm Nghi 



Vị vua duy nhất của triều Nguyễn chỉ lấy một vợ, không lập thứ phi. Tuy lấy một người vợ Pháp, ông vẫn mặc áo dài, khăn đóng như khi ở quê nhà và vẫn dạy con nhớ về quê hương bản xứ. Ông đã từng nói với các con mình: “Các con chưa thể là một người Việt tốt, thì hãy là một người Pháp tốt”.
Vua Hàm Nghi tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch (sinh năm 1872). Ông là con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Thanh Nhàn. Ông là em ruột của vua Kiến Phúc và vua Đồng Khánh. Gia đình Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai có lẽ là một trong những gia đình vương gia đặc biệt nhất trong lịch sử khi có tới 3 người con đã từng lên ngôi vua.

Chỉ có điều lên ngôi giữa thời loạn lạc, nên vì lý do này, lý do khác mà thời gian tại vị của cả ba vị vua này đều tương đối ngắn ngủi. Hiện nay, tại Kiên Thái Vương phủ nằm trên đường Phan Đình Phùng (Thành phố Huế), những hậu duệ trong gia đình Kiên Thái Vương vẫn thờ Vua Hàm Nghi và một số vị vua khác của triều Nguyễn.

Nguyễn Phúc Ưng Lịch từ nhỏ đã cùng mẹ ruột sống ở ngoài phủ. Tuổi thơ của ông trải qua cảnh dân dã, bần hàn, chứ không được nuôi dạy trong xa hoa, phú quý.

Trước khi Vua Hàm Nghi lên ngôi, các vị vua trước đó đều có tư tưởng nhún nhường với Pháp. Đó chính là lý do mà các đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết quyết định đưa Nguyễn Phúc Ưng Lịch lên ngôi vua với niềm tin rằng, một vị vua trẻ, chưa bị nhiễm các thói xa hoa, phù phiếm sẽ vẫn còn giữ được tinh thần tự tôn dân tộc, sẽ chịu đựng được gian khổ và kiên cường cùng nhân dân đứng lên chống Pháp.

Chuyện kể lại rằng năm Ưng Lịch 13 tuổi, Tôn Thất Thuyết sai sứ giả đến đón ông về để lên ngôi vua. Lúc đó, Ưng Lịch còn hoảng sợ, không dám mặc áo mũ được sứ giả dâng lên. Ngày 2 tháng 8 năm 1884, Ưng Lịch làm lễ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Hàm Nghi. Khi lên ngôi, Vua Hàm Nghi mới 13 tuổi.

Tuy lên ngôi từ lúc rất nhỏ tuổi, nhưng có lẽ vì chịu ảnh hưởng của các Phụ chính Đại thần như Tôn Thất Thuyết, nên từ nhỏ Vua Hàm Nghi đã sớm có tinh thần yêu nước, căm thù giặc Pháp. Năm 1885, ông theo Tôn Thất Thuyết chạy về vùng Tuyên Hóa, Quảng Bình, chịu không biết bao nhiêu đói khổ, bệnh tật và thời tiết khắc nghiệt để chống Pháp.

Nhưng càng chịu đựng gian khổ nhiều, tinh thần yêu nước của vị vua trẻ càng mãnh liệt. Ông đã viết Chiếu Cần Vương, kêu gọi các sĩ phu yêu nước và nhân dân nổi dậy chống Pháp dành độc lập. Chiếu Cần Vương được Vua Hàm Nghi viết ngay tại vùng Tân Sở.

Là một vị vua trẻ, can đảm, dám từ bỏ vinh hoa phú quý để vào vùng rừng núi nuôi chí chống Pháp nên Vua Hàm Nghi nhận được sự ủng hộ đông đảo của các sĩ phu yêu nước và quần chúng nhân dân. Chiếu Cần Vương do ông viết đã tạo ra được một phong trào Cần Vương vô cùng rầm rộ những năm sau này, khiến thực dân Pháp không ít lần đau đầu tìm cách dẹp bỏ.

Thực dân Pháp đã nhiều lần mua chuộc Vua Hàm Nghi, nhưng ông đều từ chối. Ông nói: “Ta ưa chết trong rừng hơn là về làm vua mà ở trong vòng cương tỏa". Chính vì thế mà thực dân Pháp đã tìm kế bắt ông. Năm 1888, Vua Hàm Nghi bị Trương Quang Ngọc, kẻ hầu cận cho ông làm phản. Bọn chúng đã bắt Vua Hàm Nghi đưa về nộp cho Pháp. Khi đó Vua Hàm Nghi mới 17 tuổi. Để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Vua Hàm Nghi đối với phong trào Cần Vương đang nổi dậy khắp nơi, thực dân Pháp đã đày Vua Hàm Nghi sang Algerie.

Thượng tuần tháng Giêng năm 1889, Vua Hàm Nghi bị Pháp đưa sang Algerie trên một chiếc tàu Pháp mang tên Biên Hòa. Nơi dừng chân của ông là Alger, thủ đô của Algerie. Tại đây, Vua Hàm Nghi bị giam lỏng cách Alger chừng vài cây số. Đây là một vùng hoang dã trên dãy đồi Mustapha Supereur. Vua Hàm Nghi sống trong một villa nhỏ ở đây, có tên gọi là Villa des pins hay còn gọi là Biệt thự Tùng Hiên. Đó là một ngôi biệt thự nhỏ xung quanh có sân rộng, có vườn hoa và đường đi vào nhà có hai rặng thông.

Vua Hàm Nghi những ngày bị đi đầy

Lúc mới bị đày sang Algerie, Vua Hàm Nghi kiên quyết không chịu học tiếng Pháp vì cho rằng học tiếng Pháp là mặc nhiên thừa nhận lũ thực dân đã cướp nước mình. Mọi việc giao tiếp, trò chuyện với những người xung quanh ở Algerie, Vua Hàm Nghi đều thông qua một người phiên dịch. Nhưng sau vài năm sống ở Algerie, ông nhận ra rằng Algerie tuy là thuộc địa của Pháp nhưng người dân bản địa ở đây đều là những người rất thân thiện, gần gũi và tốt bụng, hoàn toàn không mang những âm mưu, lòng dạ thâm độc như những tên thực dân sang xâm chiếm Việt Nam.

Chỉ sau một thời gian học tiếng Pháp, ông đã nói thông thạo như người Pháp và ngày càng kết bạn được với nhiều người sống ở Algerie. Tuy là một vị vua bị lưu đày và bị thực dân Pháp cho người theo dõi, quản thúc, nhưng sự xuất hiện của Vua Hàm Nghi ở xứ sở thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi vẫn là một sự kiện lớn, gây chú ý cho những người dân sống ở đây. Ông được chính quyền và nhân dân ở đây chào đón rất nhiệt liệt. Sau này, chính vì tư cách của ông, một cốt cách nhã nhặn, hài hòa nhưng vô cùng mạnh mẽ mà ông càng được người dân bản quán yêu quý.

Sau vài năm sống ở đây, Vua Hàm Nghi đã quen với nhiều trí thức cũng như văn nghệ sĩ tại Alger. Ở tuổi ngoài 20, ông đã thường xuyên sinh hoạt trong môi trường này. Cũng chính trong hoàn cảnh đó, Vua Hàm Nghi bắt đầu phát huy được năng khiếu nghệ thuật của mình. Ông học vẽ, học chụp ảnh và tham gia vào nhiều cuộc triển lãm. Nhờ tài hoa của mình nên ở Alger, Vua Hàm Nghi được giới thượng lưu trí thức ngưỡng mộ, bất kể ông là một người da vàng bị lưu đày.

Cùng quãng thời gian Vua Hàm Nghi bị lưu đày sang Alger, một vị thẩm phán tên là Francois Laloe cũng được điều từ nước Pháp sang giữ chức vụ Chánh Biện lý Tòa Thượng thẩm Alger. Ông Francois Laloe là người thuộc dòng dõi quý tộc lớn tại miền nam nước Pháp. Ở Pháp, ông được xếp vào tầng lớp quý tộc được trọng vọng. Khi sang Alger, ông cũng được giới quý tộc ở đây tôn kính và là người có tiếng nói, có ảnh hưởng trong vùng.

Chánh Biện lý Tòa Thượng thẩm Francois Laloa góa vợ. Ông chỉ có một cô con gái tên là Marcelle Laloe, lúc sang Algerie mới khoảng 16 tuổi. Là một trong những trí thức lớn, một viên chức đứng đầu của ngành Tư pháp ở xứ thuộc địa, trong quãng thời gian sống ở Algerie, ông Francois Laloe thường xuyên góp mặt vào những buổi sinh hoạt văn hóa-văn nghệ dành cho giới thượng lưu ở Thủ đô Alger được tổ chức tại gia đình bà Nam tước De Vialar. Đây là một gia đình rất thân thiết và quý mến Vua Hàm Nghi, nơi Vua Hàm Nghi thường xuyên qua lại, thậm chí còn sinh hoạt ở đó.

Nhờ mối quan hệ thân tình này, cũng vốn là người được số đông trong giới thượng lưu ở Alger yêu quý, nên vua Hàm Nghi và gia đình ông Francois Laloe nhanh chóng trở nên thân thiết với nhau. Là người có tư tưởng tiến bộ, ông Francois Laloe đã rất khuyến khích cô con gái trẻ tuổi của mình trò chuyện giao thiệp với Vua Hàm Nghi – một người dân một nước thuộc địa của Pháp đang bị lưu đày nhưng có xuất thân hoàng tộc cao quý và hơn cả là có một nhân cách đẹp, một tâm hồn đẹp.

Tuy Vua Hàm Nghi hơn Marcelle Laloe 13 tuổi, nhưng không vì thế mà khoảng cách tuổi tác trở thành rào cản đối với họ. Được tiếp xúc với Vua Hàm Nghi nhiều lần trong những buổi sinh hoạt tại biệt thự của bà Nam tước De Vialar, Marcelle Laloe ngày càng có cảm tình với Vua Hàm Nghi. Dần dần, tình cảm của Marcelle Laloe và Vua Hàm Nghi ngày càng trở nên sâu đậm.

Tuy ông Francois Laloe có xuất thân quý tộc Pháp, nhưng mối quan hệ này của cô con gái duy nhất được ông vô cùng ủng hộ. Chỉ một thời gian sau đó, ông Francois Laloe đã đồng ý cho con gái Marcelle Laloe làm lễ đính hôn với Vua Hàm Nghi.

Quãng thời gian Vua Hàm Nghi và cô Marcelle Laloe mới nảy sinh tình cảm, người dân xứ Bắc Phi thường nhìn thấy Vua Hàm Nghi và Marcelle ngồi trên chiếc xe song mã và cùng đi chơi. Nếu Marcelle mặc trang phục của một cô gái phương Tây, thì Vua Hàm Nghi mặc trang phục truyền thống của Việt Nam: áo dài, khăn xếp.

Một cô gái da trắng và một chàng trai da vàng, với hai lối phục trang hết sức khác nhau, thường xuyên đi dạo trên cỗ xe song mã, đã để lại nhiều  kỷ niệm khó quên đối với người dân bản xứ khi đó. Nhưng không vì thế mà hai người không trở nên đẹp đôi trong mắt mọi người.

Ngày 4/11/1904, 15 năm sau khi bị lưu đày sang Algerie, Vua Hàm Nghi kết hôn với Marcelle Laloe, con gái của ông Francois Laloe. Hôn lễ được tổ chức trọng thể và sang trọng tại Thánh đường của Tòa Tổng Giám mục Alger, với sự góp mặt của đông đảo tầng lớp thượng lưu, trí thức tại đây. Ông Francois Laloe là người đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới của con gái và cựu Hoàng xứ An Nam.

Vua Hàm Nghi trở thành vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, cũng là vị vua đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam kết hôn với một người phụ nữ phương Tây. Trong lễ thành hôn của Vua Hàm Nghi và Marcelle Laloe, khi cô dâu Marcelle vận một chiếc váy cưới lộng lẫy thì Vua Hàm Nghi vẫn mặc đúng chiếc áo dài đen cổ truyền của quê hương, đầu đội khăn xếp.

Chính vị Tổng Giám mục Alger là người đã ban phép lành cho Vua Hàm Nghi và Marcelle Laloe. Kể từ đó, Marcelle Laloa trở thành La Princesse d’Annam – tức là “Vương phi của nước An Nam”, hay “Vợ của vua An Nam” (vì theo truyền thống của nhà Nguyễn trước đó, vợ của vua không được lập là hoàng hậu, chỉ được lập là vương phi. Đến thời vua Bảo Đại, do hoàn cảnh bắt buộc, Bảo Đại mới phải lập bà Nam Phương làm Nam Phương Hoàng hậu).

Đám cưới của Vua Hàm Nghi và Marcelle năm 1904 được xem là một sự kiện lớn và vô cùng đặc biệt tại Alger, một sự kết hợp đặc biệt giữa một cô gái có xuất thân quý tộc Pháp và một vị vua của một nước thuộc địa Pháp bị lưu đày. Rất nhiều người dân ở Thủ đô Alger đặc biệt quan tâm đến sự kiện này. Họ đã kéo nhau đến đứng xung quanh khu vực nhà thờ để tận mắt chứng kiến lễ cưới và chiêm ngưỡng đôi vợ chồng trẻ khi họ bước ra khỏi thánh đường.

Sau khi kết hôn, Vua Hàm Nghi và bà Marcelle Laloe sống rất hạnh phúc. Hai ông bà rất yêu thương và tôn trọng nhau. Bà Marcelle Laloe theo Thiên Chúa giáo, còn Vua Hàm Nghi vẫn theo Đạo Phật chứ không cải đạo theo vợ. Ông vẫn ăn vận theo lối cũ và sống theo lối của một người phương Đông. Nhưng ông vô cùng tôn trọng tín ngưỡng của vợ và vẫn thường đưa bà đi lễ ở Nhà thờ Thánh Philippe, nhà thờ của Tòa Tổng Giám mục Alger. Thỉnh thoảng, Vua Hàm Nghi vẫn viết thư về Huế thông báo tình hình với người thân và nhờ mua cau trầu, thuốc lá gửi sang.

Vua Hàm Nghi và bà Marcelle Laloe sinh được 3 người con. Người con đầu của ông bà là Công chúa Như Mai (1905 – 1999), người con thứ hai là Công chúa Như Lý (1908 – 2005), người con thứ ba là Hoàng Tử Minh Đức (1910 – 1990). Cả 3 người con của Vua Hàm Nghi đều sinh ra và lớn lên tại Alger.

Dù không thể đưa các con trai, con gái của mình về quê hương, nhưng vua Hàm Nghi vẫn dạy con cái mọi điều về lịch sử Việt Nam, về truyền thống yêu nước và những lần chống ngoại xâm kiên cường của người Việt. Ông cũng không quên kể cho con cái nghe về các đời vua triều Nguyễn và câu chuyện lưu lạc của cuộc đời mình. Ở Alger, khi nói chuyện với những người hầu cận là người Việt Nam, vua Hàm Nghi vẫn dùng tiếng Việt. Ông thường nói với con cái mình rằng: “Các con chưa thể là một người Việt Nam tốt thì trước hết hãy là một người Pháp tốt”.

Sự dạy dỗ con cái của Vua Hàm Nghi đã được thể hiện ở chính nhân cách đẹp cũng như sự giỏi giang và lòng tự trọng của con cái ông sau này. Hoàng tử Minh Đức (người con trai duy nhất của vua Hàm Nghi) khi lớn lên đã vào học tại trường Võ bị, rồi phục vụ trong quân đội Pháp.

Tuy nhiên năm 1946, khi nhận được lệnh sang Đông Dương làm nhiệm vụ, Hoàng tử Minh Đức đã kiên quyết từ chối. Hoàng tử Minh Đức đã nói: “Tôi không thể cầm súng bắn lại đồng bào tôi. Nếu Chính phủ Pháp muốn đưa tôi ra trước tòa án quân sự thì tôi phải chịu. Nhưng tôi không thể đi sang Việt Nam đánh giặc cho người Pháp và chống lại người Việt Nam”. Sau này, người Pháp đã đưa Hoàng tử Minh Đức sang phục vụ cho một đơn vị lính Lê Dương ở Algerie.

Ông về hưu với quân hàm Đại tá. Hoàng tử Minh Đức có lập gia đình nhưng không có con, ông mất năm 1990, thọ 80 tuổi. Qua cách  cư xử của Hoàng tử Minh Đức, người ta có thể thấy tinh thần khẳng khái của Vua Hàm Nghi một thời, khi ông đã từ chối mọi ngai vàng, mọi phú quý để cùng nhân dân đánh giặc. Dù ở hoàn cảnh khác nhau, vị thế khác nhau, nhưng Hoàng tử Minh Đức đã chứng tỏ mình đã được Vua Hàm Nghi nuôi dạy, giáo dục cặn kẽ, để không làm những việc trái với đạo lý, phản bội nhân dân.

Vua Hàm Nghi có 3 người con, thì cả 3 người đều thành đạt. Người con đầu của Vua Hàm Nghi là Công chúa Như Mai là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đỗ Thạc sĩ Nông Lâm, mà lại đỗ Thủ khoa. Giống như cha mình, Công chúa Như Mai thường phục sức theo kiểu phụ nữ Việt Nam. Công chúa Như Mai là một hiện tượng được báo chí Pháp vô cùng quan tâm. Có lần một nhà báo Pháp hỏi Công chúa Như Mai vì sao lại ăn mặc như thế, Công chúa đáp lại: “Ăn mặc như thế là thể theo ý muốn của Vua Hàm Nghi”.
Sau khi đỗ Thủ khoa Thạc sĩ Nông Lâm, Công chúa Như Mai về Alger sống với Vua Hàm Nghi một thời gian rồi quay trở lại Pháp sống và làm việc. Bà đi đến vùng Dordogne và Correne, miền Trung nước Pháp, đưa những kỹ thuật trồng trọt đem giúp dân nghèo ở vùng này và được nhân dân địa phương hết sức quý trọng. Bà không lập gia đình mà cả đời dành cho sự nghiệp nghiên cứu và lao động. Khi còn sống, bà là một người phụ nữ Pháp vô cùng giàu có và thường xuyên đi làm từ thiện, cứu giúp người nghèo. Bà sống trong một lâu đài ở miền Trung nước Pháp cho đến cuối đời.
Trong số 3 người con của Vua Hàm Nghi, người duy nhất có cơ hội trở về Việt Nam là Công chúa Như Lý. Bà sinh năm 1908 – mất năm 2005. Công chúa Như Lý kết hôn với một quý tộc Pháp và sống một cuộc đời sung túc trong một lâu đài ở miền Trung nước Pháp. Trong chuyến trở về Việt Nam khi còn sống, bà đã kể về cha mình – Vua Hàm Nghi – như một người đàn ông vô cùng tuyệt vời, yêu nước đến hơi thở cuối cùng và cũng vô cùng yêu thương vợ con.

Ông giữ cốt cách của một người Việt cho đến hơi thở cuối cùng. Đến tận những năm cuối đời, ông vẫn mặc trang phục dân tộc, vẫn thường xuyên nói tiếng Việt và vẫn ăn các món ăn Việt Nam. Công chúa Như Lý kể, vì biết không còn cơ hội quay về Việt Nam, nuôi ước mơ đánh Pháp, nên Vua Hàm Nghi dồn hết tâm sức vào việc vẽ tranh, chụp ảnh, sáng tác nghệ thuật.

Ông vẽ được rất nhiều bức tranh đẹp, được giới trí thức, nghệ sĩ ở Alger đánh giá rất cao. Những bức tranh của ông, sau khi ông mất, những người con của ông giữ lại như những kỷ vật quan trọng của gia đình. Những bức tranh này không được các con của Vua Hàm Nghi rao bán. Nhưng thỉnh thoảng nếu có người nào ngưỡng mộ và thân thiết với Vua Hàm Nghi đến thăm, gia đình vẫn tặng cho họ một bức tranh của ông làm kỷ niệm.

Vua Hàm Nghi - Những năm cuối đời

Theo lời kể của Công chúa Như Lý, Vua Hàm Nghi mất vào ngày 14 tháng 1 năm 1944 tại Alger, vì căn bệnh ung thư dạ dày. Ông mất trong đúng giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ II đang diễn ra vô cùng ác liệt. Lúc đó tất cả những người con của Vua Hàm Nghi đều ở Pháp và nước Pháp đang bị quân Đức của Hitler chiếm đóng nên không một người con nào của Vua Hàm Nghi có thể rời khỏi Pháp về Alger để dự đám tang của cha mình.

Đến tận lúc mất năm 1944, vua Hàm Nghi vẫn sống vô cùng hạnh phúc với bà Marcelle Laloe. Sau này khi vua qua đời, bà Laloe về sống với các con ở Pháp, rồi cũng qua đời tại đây.
 
Thân Thiện Tâm
(Sưu tầm và tổng hợp
  

__._,_.___


Posted by: <vneagle_1

Monday, April 25, 2016

20 đại tu dưỡng lớn nhất đời người

 


 
20 đại tu dưỡng lớn nhất đời người
(Ảnh minh họa/Nguồn: Internet)
Mọi người đều hy vọng bản thân mình là một người có tu dưỡng. Vậy tu dưỡng lớn nhất của đời người là gì? Dưới đây là 20 đại tu dưỡng lớn nhất đời người, ai cũng nên học hỏi để tự tu dưỡng bản thân mình.

1. Tu dưỡng lớn nhất của đời người là khoan dung, tha thứ

Mọi người đều hy vọng bản thân mình là một người có tu dưỡng. Vậy tu dưỡng lớn nhất của đời người là gì? Chính là khoan dung, tha thứ. Có câu nói: “Nghiêm dĩ luật dĩ, khoan dĩ đãi nhân” ý nói, lấy nghiêm khắc làm kỉ luật cho bản thân mình và lấy khoan dung rộng lượng để đối xử với mọi người. Chúng ta đối đãi với người cần phải khoan hồng độ lượng, cần phải bao dung.  Cho dù người khác đối đãi chúng ta tốt hay không tốt, chúng ta đều có thể bao dung họ. Đây mới là tu dưỡng lớn nhất của đời người.

2. Thu hoạch lớn nhất của đời người là biết đủ, biết hài lòng.

Mỗi người đều hy vọng bản thân mình có tiền bạc, nhà cửa, đạt thành tựu, và có nhiều thu hoạch. Vậy cái gì là thu hoạch lớn nhất đời người? Đó chính là cần có khả năng biết đủ, biết thỏa mãn. Nếu một người không thấy đủ, không thấy thỏa mãn thì cho dù có ngủ tại thiên đường cũng sẽ cảm thấy như đang ở địa ngục. Nếu một người biết đủ, biết hài lòng thì họ sẽ thấy cho dù ở nơi tồi tệ như địa ngục cũng sẽ thấy như ở thiên đường. Cho nên biết đủ là thu hoạch lớn nhất của đời người.

3. Sở hữu lớn nhất của đời người là cảm ơn

Người nào là giàu có nhất? Người nào là nghèo khổ nhất? Người nghèo là luôn muốn thu được từ người khác. Người giàu luôn mang trong mình lòng biết ơn, thời thời khắc khắc muốn giúp đỡ người khác. Cho nên, một người có thể cảm ơn, quý trọng phúc thì người ấy là người sở hữu lớn nhất cuộc sống.

4. Mỹ đức lớn nhất của đời người là từ bi

Mỹ đức lớn nhất của con người không phải là ở lớn lên có được dung mạo thật xinh đẹp, cũng không phải có thật nhiều của cải, rất nhiều tài năng, mỹ đức lớn nhất của đời người là từ bi. Cho nên, đời người thà rằng không có tài cán, không có học vấn, nhưng không thể không có từ bi. Lòng từ bi mới là mỹ đức chân chính.
Tu duong 1

5. Niềm vui lớn nhất của đời người là pháp lạc

Nhiều người thường mong tìm kiếm niềm vui bằng những thứ ở bên ngoài mình. Ví dụ như nghe được một câu khen ngợi thì vui mừng nửa ngày. Nhưng những hoan hỷ vui mừng này chỉ thoáng chốc là đã qua đi. Nhiều người hy vọng đạt được niềm vui từ những đồng tiền, nhưng tiền tài cũng như nước chảy, thoáng chốc là dùng hết.  Nhiều người hy vọng đạt được niềm vui trong những chuyến du lịch đó đây, nhưng những chuyến đi dù dài thì cũng chỉ nháy mắt một cái là qua đi, niềm vui cũng sẽ biến mất. Chỉ có một loại niềm vui là vĩnh hằng, đó chính là Pháp lạc. Pháp lạc chính là niềm vui của tri thức, của tu hành, của quan điểm, là niềm vui vĩnh hằng, vĩnh viễn không bị tiêu tan đi mất.

6. Tâm bệnh lớn nhất của đời người là ích kỷ

Thân thể con người vốn là bằng xương bằng máu thịt. Cho nên thân thể sẽ khó tránh khỏi già nua, bệnh tật và cái chết. Kỳ thực tâm bệnh trên tâm lý càng lớn hơn, vậy tâm bệnh trên tâm lý là gì? Đó chính là ích kỷ. Con người bởi vì ích kỷ nên tấm lòng không rộng mở, tâm không đại lượng, khó có thể đạt thành tựu, không thể thăng hoa bản thân. Cho nên, một người ngoài việc phải chú ý giữ gìn sức khỏe ra thì còn cần phải chữa khỏi tâm bệnh “ích kỷ” của bản thân mình.

7. Sai lầm lớn nhất của đời người là tà kiến

Một người nếu như phạm sai lầm, mà sai lầm ấy là sai lầm về sự tính thì còn có thể sửa chữa. Còn nếu như trên nhận thức có độ sai lệch (tà kiến) và tư tưởng có sự sai lầm thì đó chính là sai lầm lớn nhất của đời người. Không những không biết tự quy chính lại bản thân, mà còn luôn tự cho mình là đúng. Đây là căn bệnh mà trong xã hội hiện đại ngày nay rất nhiều người dễ dàng phạm phải. Điều này thật sự là rất đáng sợ!

8. Phiền não lớn nhất của đời người là dục vọng, mong muốn

Có người nói: Thế giới chứa đựng đầy rẫy những ưu lo khổ não, bởi vì vốn dĩ mỗi người đều phải đối mặt và đi băng xuyên qua thế giới này, không có ai là ngoại lệ, vì thế nó chứa đầy phiền não và thống khổ. Ví như chúng ta đối với dục vọng về tiền tài, sắc đẹp,  ăn uống, dục vọng đối quyền lực và địa vị thì đều mong muốn đạt được. Vì thế khi những dục vọng này phát sinh, mà lại không cách nào đạt được thỏa mãn thì sẽ cảm thấy phiền não. Cho nên, phiền não lớn nhất của đời người chính là dục vọng.
Tu duong.5

9. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình

Mọi người thường coi những người đối xử không tốt với mình là kẻ thù của mình. Kỳ thực, kẻ thù của mình không phải là người khác mà là chính bản thân mình. Bởi kẻ thù từ bên ngoài thì sẽ dễ nhận biết, dễ phòng bị, ngược lại là chính mình không dễ nhận thức được chính mình, không dễ hiểu rõ, không dễ khống chế và xử lý. Chúng ta thường không cấm đoán được những ham muốn của bản thân và không hóa giải được tính tình sự oán hận trong lòng mình. Thế là chúng ta trở thành kẻ thù của bản thân mình.

10. Bi thương lớn nhất của đời người là vô tri (không có tri thức)

Bi thương lớn nhất của đời người không phải là không có tiền, không có thế lực, cũng không phải là không có địa vị, hay không có nghề nghiệp…Bi thương lớn nhất của đời người là vô tri, không hiểu lý, không nhìn nhận rõ chân tướng của thế gian, không thể nhìn nhận rõ quan hệ của mình và người, không thể thấy hết nhân duyên và nhân quả của thế gian. Đây chính là bi thương lớn nhất của đời người.

11. Thất bại lớn nhất của đời người là sự ngạo mạn

Cái gọi là “Khiêm thụ ích, mãn chiêu tổn”, nghĩa là: khiêm nhường sẽ nhận được lợi ích mà tự mãn thì bị mất đi, một người nếu như tự cao tự đại, thì cho dù đi tới bất cứ đâu cũng đều không nhận được sự chào đón của người khác. Cho nên thất bại lớn nhất của đời người là ngạo mạn.

12. Oán trách là sự vô tri lớn nhất của đời người

Vô tri chính là không hiểu biết, không hiểu lý. Bởi vì không hiểu lý, cho nên khi gặp điều không như ý liền oán trời trách người, oán ông trời không phù hộ, oán con người thế gian không giúp đỡ. Đối với bạn bè và người thân, họ hàng thân quyến thì lại càng oán hận hơn. Thậm chí khi phiền não vì oán hận còn nổi nóng quẳng bàn ném ghế, ném cả chén trà. Đây chính là vô tri lớn nhất của đời người. Họ đã không tự trách bản mình, mà đi oán trời trách người, oán người thân, bạn bè.
Tu duong 2

13. Sai lầm lớn nhất của đời người là xâm phạm

Sai lầm lớn nhất của chúng ta chính là xâm phạm, xâm phạm tài phú và tính mạng của người khác.

14. Khốn nhiễu lớn nhất của đời người là thị phi

Có người nói:  Nơi nào có con người thì liền có thị phi. Thị phi khiến chúng ta cảm thấy khổ não khôn nguôi. Chúng ta cần làm được: không để tai nghe thị phi, không lan truyền thị phi. Đời người ngắn ngủi, cần gì phải tranh đấu tới lui, chỉ tăng thêm phiền não mà thôi!

15. Hy vọng lớn nhất của đời người là bình an

Tài phú, danh lợi là mưu cầu của mọi người. Nhưng nếu có được danh lợi, tài phú, mà lại mất đi sự bình an, cuộc sông như vậy sẽ không có hy vọng, không có ý nghĩa. Cho nên, hy vọng lớn nhất của đời người là, bình an chính là một loại phúc.

16. Dũng khí lớn nhất của đời người chính là nhận sai

Con người cần có dũng khí. Dũng khí không phải là đánh nhau với người khác, cũng không phải là tranh chấp, so đo với người khác. Mà dũng khí lớn nhất chính là tự mình nhận sai, cảm thấy bản thân không nên nói câu nói như vậy, không nên làm việc như vậy,  không nên làm cản trở người khác. Người có dũng khí là một người mà có thể sám hối nhận sai lầm.
Dũng khí lớn nhất cuả đời người là tự mình nhận sai.

17. Nguồn năng lượng lớn nhất của đời người là tín ngưỡng

Chúng ta thường nói cần phải khai phát nguồn năng lượng. Năng lượng không nhất định chỉ là khoáng sản ở trong lòng núi, hay châu báu dưới đáy biển, cũng không nhất định là khí đốt, khí thiên nhiên, năng lượng mặt trời. Nguồn năng lượng lớn nhất của đời người chính là tín ngưỡng. Bởi vì bên trong tín ngưỡng có ẩn chứa tài phú, công đức và kho tàng.
Tu duong 4

18. Phát tâm lớn nhất của đời người chính là lợi ích chúng sinh

Chúng ta thường nghe nói rằng các lão hòa thượng và đồ đệ của Phật giáo cần phải vì người phát tâm. Vậy rốt cuộc phát tâm là gì? Cần phát thiện tâm, hảo tâm, cũng chính là lợi ích đại chúng. Ví như, chúng ta nói một câu có lợi ích đối với mọi người, làm một việc có lợi ích đối với mọi người, dùng lợi ích đại chúng làm chủ.

19. Tiền vốn lớn nhất của đời người là tôn nghiêm

Con người sở dĩ có thể làm người đó chính là vì có sự tôn nghiêm. Cho nên, cho dù có thể hy sinh nhiều thứ nhưng vẫn cần bảo lưu giữ lại một chút tôn nghiêm cho mình.

20. Lo âu lớn nhất của đời người là sống – chết

Sống – chết là hai việc đại sự lớn nhất trong cuộc đời con người, nó cũng là nỗi lo âu lớn nhất của đời người. Sinh thời mưu đồ tranh danh đoạt lợi, “người lừa ta gạt” Một khi lâm vào cảnh vô thường tiến đến thì lại sợ sự nghiệp, tình yêu, tài phú đều sẽ chớp mắt mà biến thành không. Cho nên, cho dù là sinh thời hay tử thời thì lúc nào cũng có đủ loại lo lắng ở trong lòng.


__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

Sunday, April 24, 2016

Tha Thứ, Tâm Hồn Sẽ Tĩnh Lặng


 

Tha Thứ, Tâm Hồn Sẽ Tĩnh Lặng

Tuệ Uyển


THA THỨ, TÂM HỒN SẼ TĨNH LẶNG

Tôi đã đến sớm cho cuộc phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma ở tòa nhà tiếp kiến của ngài ở Dharamsala. Căn phòng cở vừa và đẹp, bừa bộn một cách thú vị với những chiếc ghế bành và trường kỷ kiểu Ấn Độ, có một sự cân bằng dễ thương giữa ánh sáng tự nhiên và nhân tạo. Ánh sáng ban ngày, một bộ phận xuyên qua những giàn bông giấy tím và dây leo trên cổng ra vào phía ngoài, bao phủ cả căn phòng qua những cánh cửa sổ rộng. Tám cuốn thư thangka màu sắc của Tây Tạng, mỗi tấm trình bày một khía cạnh của Bồ tát Tara, treo gần trần nhà.

Nhưng mắt tôi bị lôi cuốn với một điều đó không hợp lý trong căn phòng. Trên ngưỡng cửa sổ gần lối vào, giống như được đặt ở đó sau này, là một khối lập thể pha lê của điện Capitol ở thủ đô Hoa Sinh Tân, Hoa Kỳ. Hơn một bộ và cao khoảng nửa bộ, là một vật trông cứng chắc và mạnh. Tôi bước qua để xem gần hơn. Có một lạc khoản ở dưới. Đó là First Annual Raoul Wallenberg Congressional Human Rights Award (giải thưởng Nhân Quyền Raoul Wallenberg của Quốc Hội), được tặng cho Đức Đạt Lai Lạt Ma bởi Dân Biểu Hoa Kỳ Tom Lantos.
Giải thưởng, được đặt tên cho một nhà ngoại giao Thụy Điển, người đã cứu hàng nghìn người Do Thái trong những trại chết Quốc Xã, được tặng vào ngày 21 tháng Bảy năm 1989. Không đầy ba tháng sau, vào ngày 5 tháng Mười, hội đồng Nobel Na Uy đã tuyên bố ở Oslo rằng người Tây Tạng cũng đã giành giải Nobel Hòa Bình. Giải thưởng tuyên dương sự đối kháng kiên định đối với bạo động và sự ủng hộ tích cực của Đức Đạt Lai Lạt Ma cho “một giải pháp hòa bình căn cứ trên sự bao dung và tôn trọng hổ tương nhằm để bảo tồn di sản lịch sử và văn hóa của dân tộc ngài.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma lúc đó năm mươi bốn tuổi, là người Á châu đầu tiên thắng giải hòa bình mà không có ai cùng chia sẻ. 

Trong tuyên bố, Chủ tịch Hội Đồng Nobel Egil Aarik thú nhận với các phóng viên rằng bất bạo động đã không thành công cho việc giành độc lập của Tây Tạng trong hơn ba thập niên qua. Nhưng ngài tin tưởng rằng không có những giải pháp danh dự khác. “Dĩ nhiên các bạn có thể nói rằng nó quá không thực tế,” ngài nói về bất bạo động. “Nhưng nếu các bạn nhìn vào thế giới ngày nay, giải pháp nào cho xung đột? Bạo động và sức mạnh quân sự là giải pháp chứ? Không… con đường hòa bình là thực tế. Đó là tại sao Đức Đạt Lai Lạt Ma được chọn – bởi vì ngài là một phát ngôn viên rất rõ ràng và phi thường cho triết lý hòa bình này.”

Trong trái tim triết lý hòa bình của Đức Đạt Lai Lạt Ma là năng lực nuôi dưỡng sự tha thứ. Khi tôi gặp gở Đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên khoảng ba mươi năm trước, ngài đã nói với tôi rằng ngài tha thứ cho người Trung Cộng cho những gì mà họ đã làm đối với người Tây Tạng. Vào lúc ấy, tôi đã ngạc nhiên. Bây giờ tôi muốn học hỏi thêm trong lần phỏng vấn tới. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma vào phòng tiếp kiến và ngồi đối diện tôi, tôi hỏi ngài mà không có bất cứ sự rào đón nào, “Thưa Đức Thánh Thiện, tôi nghĩ rằng tự nhiên ngài phải phẩn uất đối với người Trung Cộng chứ. Tuy thế, ngài đã nói với tôi rằng điều này không phải như vậy. Nhưng thưa ngài, tối thiểu đôi khi ngài cũng có trải nghiệm những cảm giác sâu lắng của oán hận chứ?

“Điều đó hầu như không bao giờ,” Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. “Tôi phân tích thế này: nếu tôi phát triển những cảm giác xấu đối với những ai đã làm tôi đau khổ, điều này sẽ chỉ tàn phá tâm tư hòa bình của tôi mà thôi. Nhưng nếu tôi tha thứ, tâm hồn tôi sẽ trở thành tĩnh lặng. 

Bây giờ, liên hệ đến sự tranh đấu của chúng tôi cho tự do, nếu chúng tôi hành động mà không sân hận, không thù oán, mà với sự tha thứ chân thành, thì chúng tôi có thể đưa sự đấu tranh của chúng tôi hiệu quả hơn. Đấu tranh với tâm hồn tĩnh lặng, với bi mẫn. Qua thiền phân tích, bây giờ tôi có niềm tin vững chắc hoàn toàn rằng những cảm xúc tàn phá như thù hận là vô ích. Ngày nay, sân hận, thù oán, chúng không xảy ra. Nhưng chút chút tức tức đôi khi hiện hữu.”

Bất khi nào Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về tha thứ, ngài thích sử dụng thí dụ về câu chuyện của Lopon-la, một tu sĩ ở Lhasa mà ngài biết trước khi Trung Cộng xâm lăng.
“Sau khi tôi trốn thoát khỏi Tây Tạng, Lopon-la bị nhốt trong nhà tù bởi người Trung Cộng.” Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với tôi. “Ông ở đấy mười tám năm. Khi được thả ra, ông đã đến Ấn Độ. Trong hai mươi năm tôi không thấy ông. Nhưng ông dường như vẫn vậy. Dĩ nhiên trông già hơn. Nhưng thể chất OK. Tâm thức ông vẫn sắc bén sau nhiều năm ở trong tù. Ông vẫn là một tu sĩ hiền lành như ngày nào.
“Ông nói với tôi rằng người Trung Cộng bắt ông phải từ bỏ tôn giáo của ông. Họ tra tấn ông nhiều lần trong tù. Tôi hỏi ông là ông có bao giờ sợ hãi không. Lopon-la trả lời: “Vâng, có một điều mà tôi sợ. Tôi sợ là tôi sẽ đánh mất lòng từ bi đối với người Trung Hoa.”
“Tôi rất xúc động với điều này, và cũng rất hứng thú.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma dừng lại. Ngài kéo mạnh chiếc y đỏ thẩm của ngài và quấn chặc lại chung quanh ngài.

“Bây giờ nè. Lopon-la . Tha thứ đã giúp ông ta trong nhà tù. Do bởi tha thứ cho nên những trải nghiệm xấu với người Trung Cộng không trở nên tệ hại. Tinh thần và cảm xúc, ông cũng không đau khổ quá nhiều. Ông biết là ông không thể trốn thoát. Cho nên tốt hơn là chấp nhận thực tế hơn là bị thương tổn tinh thần bởi nó.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma tin chắc rằng năng lực tha thứ của Lopon-la đã giúp ông sống còn qua tất cả những năm trong nhà tù ấy mà không bị tổn hại đến nổi không thể cứu vãn được đối với tâm lý ông ấy. Trong một cuộc du hành sang Âu châu với Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi đã gặp một người đàn ông mà cuộc đời của ông, giống như Lopon-la, được làm nổi bật qua sự tha thứ.
***
Europa của Belfast là khách sạn bị bom nổ nhiều nhất ở Âu châu, theo cẩm nang hướng dẫn Lonely Planet ở Anh quốc. Nó bị bom nổ ba mươi hai lần trong cao trào của Xung Đột Vũ Trang, sau ba thập niên dài huynh đệ tương tàn giữa những người Thiên Chúa Giáo và Tin Lành ở Bắc Ái Nhĩ Lan. Từ khi khách sạn được lắp đặt những cửa sổ không vở năm 1993, những vụ đặt bom đã không còn.

Sau khi dùng điểm tâm tại một khách sạn thanh lịch ngoài hành lang cẩm thạch của Europa tôi đi qua một vài khuôn (block) nhà đến tòa nhà Waterfront Hall lấp lánh. Hình vòng tròn, kiến trúc mới toanh bằng kính và đá hoa cương làm ấn tượng với phi thuyền Enterprise (trong phim khoa học giả tưởng). Tòa nhà hòa nhạc 52 triệu đô la là một biểu tượng của hy vọng và hồi sinh cho một Belfast xung đột. Và, giống như Viện Bảo Tàng Guggenheim ở Bilbao (Tây Ban Nha), nó đã đặt thành phố vào bản đồ văn hóa của Âu châu một cách vững chắc.
Tôi đã ở Waterfront Hall để gặp gở Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây là lần đầu tiên lãnh tụ Tây Tạng viếng Belfast. Ngài ở đấy để tham dự hội nghị hòa bình liên tôn được Linh mục Laurence Freeman tổ chức, một tu sĩ dòng Biển Đức, và thăm vài điểm xung đột ở Bắc Ái Nhĩ Lan.
5- Tha Thứ, Tâm Hồn Sẽ Tĩnh Lặng_html_49b2faeaTôi bắt gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại phòng tiếp tân kế bên giảng đường. Ngài đang đứng bên cạnh Linh mục Laurence và Seamus Mallon, lãnh tụ của phái Thiên Chúa Giáo Bắc Ái Nhĩ Lan. Mallon có một khăn choàng dài trắng quấn quanh cổ, một cử chỉ thân thiện với người Tây Tạng. 

Seamua Mallon, một người đàn ông Ái Nhĩ Lan đeo kính và tóc trắng khoảng giữa tuổi sáu mươi, trông già hơn tuổi của ông. Nhân vật trung tâm của tiến trình hòa bình Ái Nhĩ Lan, ông chưa từng nghĩ ngày nào trong nhiều năm. Ông muốn biết những người Tây Tạng viếng thăm thích xứ sở của ông như thế nào.

“Rất xinh đẹp. Và con người là …” Đức Đạt Lai Lạt Ma lần mò để tìm một từ thích hợp. Tenzin Geyche Tethong bắn một phát: “nồng hậu”. Tenzin Geyche là một người thấp nhưng ưu tú, đã phục vụ như một cố vấn cho lãnh tụ tối cao của Tây Tạng hầu hết cuộc đời ông. Ông đã từng là một tu sĩ nhưng đã hoàn tục thời gian nào đó trước đây.
“Vâng, mọi người rất niềm nở.”

Sau đó Đức Đạt Lai Lạt Ma nghiêng về phía Mallon, nhìn chăm chú vào ông.
“Nhưng bức tường giữa con người, Thiên Chúa và Tin Lành …điều đó thì xấu. Nó giống như một bức tường Bá Linh nhỏ.”

“Bức Tường Bá Linh Nhỏ” là một công trình cao năm mét bằng bê tông và kim loại với hai lằn kẻm gai trên đỉnh, được xây dựng để giữ người Thiên Chúa và Tin Lành khỏi va chạm nhau. Những máy hình kiểm soát được đặt trên những khoảng cách chiến lược. Cảnh hoang tàn chung quanh đấy là rõ ràng: cả hai bên là những lô đất trống vung vải những dây thun, kẻm gai mục nát. Người ta gọi bức tường này, không xa trung tâm Belfast, là Giới Tuyến Hòa Bình.

Cách xa một khuôn nhà là Pony Club. Bức tường của nó còn đó nhưng mái nhà đã sụp, sườn nhà bị đốt thành tro bởi bom lửa. Quang cảnh trông như đã nhiều năm. Khu vực là một niềm vui của các phóng viên săn ảnh. Toàn bộ tiền diện của căn nhà được sơn vẽ nổi bật những hình ảnh đầy màu sắc được chọn lựa từ cuộc Xung Đột Vũ Trang. Hầu hết chúng tôn vinh lời kêu gọi chiến đấu đối kháng. Những người đàn ông che mặt trong áo quần đen nâng súng. 

Một ảnh chân dung bốn tầng của Bobby Sands – ca tụng người chiến binh IRA1 nhịn đói đến chết năm 1981 phản đối sự đối xử tàn nhẫn những tù nhân IRA của Anh quốc – đọc là: sự trả thù của chúng tôi sẽ là tiếng cười của con em chúng tôi.

Vào ngày đầu tiên của cuộc viếng thăm, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến bức tường để trồng một cây trên đường Lanak Way. Ngài ra khỏi xe về phía Tin Lành, lề đường và trụ đường được phết lên với màu xanh, đỏ và trắng, màu của lá cờ Liên Hiệp Anh (bom sơn ba màu đã được ném vào những nhà Thiên Chúa Giáo một tháng trước đây). Một đám đông người chào đón ngài, nhiều người trong đó là những trẻ em trong đồng phục trường học, ve vẩy lá cờ nhiều màu của Tây Tạng. Ngài chen vào trong chúng, trò chuyện và bắt tay chúng.

Sau đó Đức Đạt Lai Lạt Ma bước đến những cánh cổng thép nặng trịch. Khi cảnh sát, Lực Lượng Cảnh Sát Hoàng Gia áo choàng, mở vung chúng ra, tiếng cổ vũ vang lớn lên cả hai phía của bức tường. Ngài chậm rãi bước qua Giới Tuyến Hòa Bình đến đường Springfield Thiên Chúa Giáo, nơi nhiều trẻ em hơn cầm một tấm biểu ngữ chào mừng. Những cánh cổng thường chỉ mở một năm một lần – vào tháng Bảy khi Tổ Chức Tin Lành (Protestant Orange Order) diễn hành qua chúng và lên phía Thiên Chúa Giáo của bức tường, một “tiết mục trong gương mặt trơ trẻn” (an in your face show of chutzph) làm nâng cao tình trạng căng thẳng của Belfast.

Tại Giới Tuyến Hòa Bình, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với hai cộng đồng đấu tranh rằng cách tốt nhất để ngăn ngừa xung đột là bằng việc làm dịu những cảm xúc.
“Khi cảm xúc con người vượt ngoài sự kiểm soát,” ngài nói với họ, “thế thì bộ phận tốt nhất của não bộ mà trong ấy chúng ta phán xét không thể làm việc một cách thích đáng. 

Dĩ nhiên, một số xung đột, những khác biệt nào đó, sẽ luôn luôn ở đấy. Nhưng chúng ta nên sử dụng những sự khác biệt trong một cách tích cực cố gắng tiếp nhận năng lực tiềm tàng từ những quan điểm khác biệt. Hãy cố gắng để giảm thiểu tối đa bạo động, không phải bằng sức mạnh, mà bằng sự tỉnh thức và tôn trọng. Qua đối thoại, quan tâm đến quan điểm của phía kia và rồi chia sẻ với cái của chúng ta, thì sẽ có một cách để giải quyết những vấn nạn.”
Tây Tạng đã khổ đau cùng cực dưới sự thống trị của Trung Cộng, cho nên khi Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với đám đông về sự vô ích của bạo động, ngài đã nói từ kinh nghiệm sâu thẳm và đau thương.

“Không phải là không thể tin được khi những người cùng niềm tin Ki Tô phải chiến đấu với nhau sao?” ngài nói khi ngài nhìn chăm chú vào khuôn mặt những người Thiên Chúa và Tin Lành trước mặt ngài. “Dường như là khờ dại. Tôi cảm thấy dường như đầu tôi quay cuồng vì sự xung đột của quý vị. Nếu người nào đó so sánh Phật Giáo và Ki Tô Giáo, thế thì chúng ta phải nghĩ, vâng, có những sự khác biệt lớn lao. Nhưng giữa những người Tin Lành và Thiên Chúa? 

Không có gì cả! Quý vị và tôi có nhiều khác biệt hơn là giữa chính quý vị. Nhưng tôi mong ước cho các bạn rằng các bạn đừng bao đánh mất hy vọng. Tôi không thể làm gì cả. Kết quả cuối cùng nằm trong tay của những người Bắc Ái Nhĩ Lan.”
Vào lúc cuối bài phát biểu của ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi đám đông, “Như vậy có ích chứ?” Một tiếng cổ vũ lớn cho ngài vang lên. Sau đó ngài nói, “Như vậy có ích chứ, xin hãy nhớ lấy điều ấy. Nếu không, thế thì” – ngài cười – “thế thì các bạn hãy quên nó đi.”

Một mục sư Tin Lành và một tu sĩ Thiên Chúa đứng hai bên ngài. Ngài kéo hai người lại gần nhau và ôm họ. Sau đó, với một thoáng nhìn tinh nghịch trong đôi mắt, ngài bước tới gần và kéo bộ râu quai nón của họ. Đám đông vô cùng hoan hỉ. Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn luôn làm như thế với những bộ râu quai nón, ngài không thể cưỡng lại việc đùa như thế.

Tờ Belfast Telegraph xuất bản một hí họa trong trang biên tập về cuộc viếng thăm, hình: ba tên côn đồ quắc mắt nhìn vào Đức Đạt Lai Lạt Ma mĩm cười khi ngài đang trồng một cây nhỏ cạnh Giới Tuyến Hòa Bình, tên đầu đảng gầm gừ: “Ừm, nhưng ông là Phật tử ủng hộ con chiên Thiên Chúa hay Tin Lành?”
***
Buổi trưa kế tiếp, cảnh sát trưởng của Belfast hộ tống Đức Đạt Lai Lạt Ma đến một văn phòng trang trọng ở tòa thị sảnh thành phố, một thành trì của người Tin Lành ai cũng biết là Ulster Hall. Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi sụp xuống chiếc ghế, đôi chân ngài duỗi thẳng ra. Ngài mệt mõi vì cuộc viếng thăm Derry. Ngài đã đến đấy bằng máy bay riêng, sau buổi sáng nói chuyện tại Waterfront Hall, để nói chuyện về tha thứ đến ba mươi tư người Thiên Chúa và Tin Lành, tất cả những nạn nhân của những cuộc tấn công khủng bố đã lấy đi sinh mạng của 3,600 người trong ba mươi năm qua.

Trong mười lăm phút giải lao ngắn ngủi trước một sự kiện tới, Đức Đạt Lai Lạt Ma có có hội để phản ánh cuộc đi thăm Derry với Linh mục Laurence, người mà ngài không rời trong mấy ngày qua đối với việc chia sẻ những ý tưởng và sự tôn trọng hổ tương của họ.

Linh mục Laurence, trong bộ đồ truyền thống màu trắng, đầy sinh khí. Nếu ông mệt mõi, ông không cho phép nó biểu hiện.
“Ngài nhớ người trai trẻ này ở Derry chứ, Richard Moore. Cậu bị mù lúc lên mười tuổi,” Linh mục Laurence nhắc Đức Đạt Lai Lạt Ma.
“Bị bắn.” Đức Đạt Lai Lạt Ma bừng dậy, ngài sửa ghế, và ngồi thẳng hơn. “Nhưng cậu đầy những ý tưởng, đầy nhiệt tình.”
Linh mục Laurence nhìn qua tôi.
“Hãy tưởng tượng, Đức Thánh Thiện là một người rất vui vẻ, và cậu này rất vui vẻ, cho nên cậu ta đã tham dự cuộc gặp gở này một cách bình đẳng với các nạn nhân.”
“Một điều buồn cười. Ông đã hỏi về …” Đức Đạt Lai Lạt Ma dừng lại và bắt đầu cười khúc khích. Sau đó ngài xoa bóp khắp khuôn mặt ngài.
Biết chắc chắn Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ đến chỗ nào, Linh mục Laurence tiếp theo mạch chuyện. “Richard không thấy bóng tối, cho nên tôi hỏi cậu, Cậu thấy gì? Cậu nói, “À, tôi thấy người, như, tôi tưởng tượng họ.’ Cho nên tôi nói, ‘Đức Đạt Lai Lạt Ma giống thế nào?'”
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhảy vào: “Sau đó tôi để cậu ta sờ khuôn mặt tôi.” Ngài vuốt khuôn mặt ngài trong một vòng tròn một lần nữa. Rồi thì ngài rờ lỗ mũi ngài. “Và mũi tôi. Và ngài nói, ‘Ô, mũi lớn!'” Đức Đạt Lai Lạt Ma vổ hai bàn tay ngài lại với nhau và vụt cười to, cả thân hình ngài rung rinh theo tiếng cười.
Linh mục Laurence tiếp tục, “Vâng. Sau đó tôi hỏi cậu ta phải mất bao lâu để điều hòa chấn thương tâm lý vì bị mù.”
“Và cậu ta trả lời, ‘Qua đêm.'”

Tôi khó khăn liên hệ với một chút thông tin này. Nếu tôi hiểu tâm lý của Richard Moore, sự phản ứng của tôi sẽ rất khác. Tôi không thể tưởng tượng việc trở lại bình thường một cách nhanh chóng khi bị mất mát như vậy.

Tôi nói chuyện với Richard Moore ở Derry bằng điện thoại một vài tháng sau chuyến viếng thăm Bắc Ái Nhĩ Lan của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi tò mò về việc chấp nhận thực tế bị mất ánh sáng của đôi mắt một cách phi thường của cậu ta.
“Có vài lý do tại sao tôi chấp nhận mù lòa một cách nhanh chóng,” cậu nói với tôi. “Tôi có nhiều sự hổ trợ từ gia đình và bè bạn ngay lập tức. Có nhiều sự chú ý từ truyền thông địa phương và quốc gia. Những lãnh tụ chính trị đến nhà và an ủi tôi. Qua đêm tôi đã là một người nổi tiếng và tôi được làm cho cảm thấy quan trọng. Một vấn đề khác, tôi may mắn: tôi được sinh ra là một đứa trẻ hạnh phúc, tôi được cho một vị trí hạnh phúc, hài lòng.
“Cậu có bao giờ thất vọng không?” tôi hỏi.

“Hai tuần sau khi ra khỏi bệnh viện,” Moore trả lời, “anh tôi dẫn tôi đi bộ trong vườn sau nhà. Anh ấy hỏi tôi rằng tôi có biết chuyện gì xảy ra không. Tôi nói vâng, tôi bị bắn. Anh hỏi tôi có biết tổn hại gì không. Tôi nói tôi không biết. Sau đó anh ấy nói rằng tôi mất một mắt và mắt kia thì không thể thấy. Tôi khóc thảm thiết đêm đó. Tôi khóc bởi vì tôi biết tôi sẽ không thể thấy khuôn mặt của cha tôi hay mẹ tôi nữa. Nhưng đó là vậy. Ngày kế tiếp tôi chấp nhận số phận của tôi.
“Dĩ nhiên, có những thời khắc đau đớn sâu thẩm. 

Tôi ở đấy với sự sinh đẻ của con cái tôi, nhưng tôi không thể thấy chúng. Chúng có sự cảm thông của chúng lần đầu tiên. Tôi muốn làm bất cứ thứ gì trên trái đất này để thấy chúng. Tất cả là những buổi sáng Giáng Sinh … hồi đó. Có một cái giá phải trả và sẽ luôn luôn là như thế. Nhưng tôi không cho phép chúng chế ngự cả đời sống còn lại của tôi.
“Cha tôi luôn luôn nói với tôi rằng: ‘Đừng bao giờ để một đám mây làm hư cả một ngày nắng đẹp.'”
Tôi thấy khó khăn để đặt ngang hàng việc bị bắn vào mắt với một đám mây bay qua.
“Cậu bị bắn như thế nào?” tôi hỏi cậu ta.
“Vào ngày 4 tháng Năm, 1972 – lúc tôi mười tuổi – có một vụ xung đột nào đó trên các đường phố. Tôi tham gia và ném đá vào một số binh sĩ Anh Quốc.”
Moore im lặng một hồi lâu.

Cậu tiếp tục. “Và sau đó, à, tôi không nhớ chuyện gì đã xảy ra tiếp theo. Một binh sĩ bắn một viên đạn cao su gần đấy, và tôi bị trúng mắt phải. Một giáo viên của tôi ở đấy nhưng ông không thể nhận ra tôi bởi vì mặt tôi quá biến dạng. Cha tôi vào xe cứu thương với tôi. Nhưng ông không để mẹ tôi cùng lên, ông không muốn mẹ tôi thấy tôi. Bà có một người anh em bị bắn chết trong tháng Giêng năm 1972, vào một ngày Chủ Nhật đẩm máu.”

“Cậu cảm nhận thế nào về người binh sĩ đã bắn cậu?” tôi hỏi cậu ta.
“Tôi biết là kỳ lạ,” Moore nói, “nhưng tôi không cảm thấy cay đắng với ông ta – như một sự thật, tôi hoàn toàn tò mò để gặp ông ta. Tôi muốn nói điều này. Tôi nghĩ điều lớn nhất đã giúp đở tôi nhất trong đời là tôi không hận thù ông ta. Tôi tha thứ cho ông hoàn toàn và vô điều kiện.”

Năng lực tha thứ của Richard Moore đã đưa cậu ta vào những phương hướng không ngờ trong đời sống. Vài năm trước, Moore khởi đầu một tổ chức gọi là Trẻ Em Giữa Lằn Đạn (Children in Crossfire), cung cấp sự hổ trợ đến những trẻ em gặp khó khăn ở Á châu, Phi châu, và Mỹ châu La tinh. Gần đây nhất cậu ta đã ở Bangladesh để triển khai chương trình ở đấy.

Tôi nói với Moore rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma rất ấn tượng với sự hồi phục của cậu ta, với những gì cậu đã làm với cuộc sống của cậu. Tôi đã hỏi cậu ta nghĩ gì về Đức Đạt Lai Lạt Ma.
“Sau khi ngài nói chuyện ở Derry sáng hôm ấy. Tôi được mời ngồi bên cạnh ngài vào buổi cơm trưa,” Moore nói. “Ngài đã tự phục vụ cho tôi. Ngài đã để đầy thịt bò và cơm trong dĩa của tôi và sau đó hỏi tôi đủ chưa. Ngài đưa nĩa và dao cho tôi. Ngài chỉ cho tôi biết nước cam của tôi chỗ nào. Tôi có thể cảm thấy sự ấm áp từ ngài, một cảm giác mạnh, mạnh mẽ của yêu thương. Không gì ông có thể gợi lại được. Tôi chỉ cảm thấy thư thái như ở nhà.”

Sau buổi cơm trưa, trong khi Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với những phóng viên truyền thanh, Moore đã bắt đầu bước tới xe của Đức Đạt Lai Lạt Ma chờ ngài để nói lời giả biệt.
“Khi tôi bước tới đường xe,” Moore nói với tôi, “Tôi đã nghe tiếng chạy sau lưng tôi. Đó là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài chạy để bắt kịp tôi, ngài thở dốc. Và ngài la lên, “Chờ bạn của cậu! Chờ bạn của cậu với!” Sau đó chúng tôi cùng nhau bước tới xe. Ngài ôm tôi thật nồng nhiệt và buông ra.”
***
Sau cuộc gặp gở với những nạn nhân Ái Nhĩ Lan ở Derry, Đức Đạt Lai Lạt Ma bay trở lại Belfast, nơi ngài sẽ nói chuyện ngắn về việc thấm nhuần tính hòa hiệp trong cộng đồng Thiên Chúa – Tin Lành xung đột rách nát. Ngài được tặng một bó hoa bởi Colin McCrory, một cậu bé mười hai tuổi với tóc hớt ngắn. Ngài nắm chặc tay cậu bé và lắc mạnh. Vào lúc cuối của buổi lễ, vẫn còn âm vang vừa qua, Colin quyết định đi bộ về trường, Hazelton Intergrated, một trường Tin Lành. 

Một sai lầm lớn. Cậu ta thay vì phải đi xe buýt với các bạn học. Trên đường, cậu nhập vào một nhóm khoảng mười đứa trẻ tuổi thanh thiếu niên (teenages), chúng muốn biết cậu học trường nào. Sau khi biết được sự thật từ cậu bé, chúng vật cậu xuống đất là liên tục đấm đá vào đầu cậu. McCrory chỉ trốn thoát lúc đã bị thương trầm trọng chỉ khi một phụ nữ chạy đến và chấm dứt sự hành hạ phân biệt đối xử (lynch).

Khi Tenzin Geyche Tethong nghe chuyện McCrory bị đánh, ông kể lại cho Đức Đạt Lai Lạt Ma nghe lập tức. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã biết sự xung đột Ái Nhĩ Lan rõ ràng hơn. Ngài nghe tóm tắt lại từ Linh mục Laurence, và một trong những nghi lễ ở Dharamsala là nghe đài BBC.

Tuy nhiên, ngài vẫn không ngờ phải trải nghiệm sự thù oán phe phái trong một thái độ trực tiếp quá độ như vậy. Cậu bé mười hai tuổi chỉ tặng hoa cho ngài. Họ mới bắt tay nhau chỉ mới vài giờ qua. Đức Đạt Lai Lạt Ma khắc khoải đối với tính chất độc ác của vụ tấn công, và lo lắng về những thương tổn trên đầu của cậu bé. Ngài đã thăm Budapest, Bratislava, và Prague chỉ trước khi đến Belfast. 

Sự hành hung McCrory là việc bất ngờ bối rối nhất mà ngài đã gặp phải trong toàn bộ chuyến du hành. Nó làm nổi bật tính khó chửa của sự xung đột ở Ái Nhĩ Lan như không điều gì khác có thể làm.

Ẩn Tâm Lộ, Saturday, November 07, 2015
Trích từ quyển The Wisdom of Forgiveness

__._,_.___

Posted by: truc nguyen <

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày- 10/5/2021

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List