Popular Posts

Thursday, May 31, 2018

Chiếc khăn mu-soa


  Chiếc khăn mu-soa


TIỂU TỬ
Hôm đó, tôi nhận được một CD gởi từ Bruxelles (nước Bỉ) trên CD thấy đề: “À Monsieur Tiêu Tu”. Chữ viết bằng bút feutre rõ nét, nói lên người viết có trình độ. Tuy viết “Tiểu Tử” không có dấu, người gởi viết tên của mình lại có dấu đầy đủ: “Exp: Nguyễn Thị Sương”! Vừa ngạc nhiên vừa thích thú, tôi vội vã đặt dĩa vào máy, nghe. Đó là giọng một người con gái miền Nam, trong trẻo, phát âm rõ ràng. Những gì cô ta nói đã làm tôi xúc động, có lúc tôi ứa nước mắt! Tôi đã nghe nhiều lần và cố gắng ghi chép lại đây. Dĩ nhiên là tôi đã viết để đọc cho suông sẻ chớ cô gái nói còn nhiều chỗ nghe sượng hay dùng từ chưa chính xác…
Thưa ông,
Con tên Nguyễn Thị Sương, con của Nguyễn Văn Cương, một trong những nhân vật trong truyện ngắn “Con Rạch Nhỏ Quê Mình” của ông.
Thưa ông. Con sanh ra và lớn lên ở Pháp, biết nói tiếng Việt nhưng đọc và viết tiếng Việt còn rất yếu. Vì vậy, con phải dùng cách nầy để liên lạc với ông. Xin ông thông cảm!
Hôm chúa nhựt rồi, chị Loan bà con bạn dì của con ghé nhà nói: “Sương ơi! Người ta nói về ba của Sương ở trong truyện ngắn đăng trên internet cả tuần nay nè! Chị in ra đem qua đây đọc cho em nghe.”. Rồi chỉ đọc. Đó là truyện “Con Rạch Nhỏ Quê Mình”.
Thưa ông. Con chưa biết Việt Nam, nhưng những gì ông tả trong truyện làm như con đã thấy qua rồi! Bởi vì hồi con mới lớn ba con thường hay kể chuyện về cái làng Nhơn Hòa và con rạch Cồn Cỏ của ba con, về những người bạn của ba con hồi thời tuổi nhỏ, kể tỉ mỉ đến nỗi con có cảm tưởng như ba con đang cầm tay con dẫn đi coi chỗ nầy chỗ nọ (Nói đến đây, giọng cô gái như nghẹn lại vì xúc động. Ngừng mấy giây rồi mới nói tiếp …) Mà ba cứ kể đi kể lại hoài làm như là những hình ảnh đó nó ám ảnh ba dữ lắm. Sau nầy thì con mới hiểu khi ba con nói: “Hồi đó, ba đi Pháp quá sớm, ở cái tuổi chưa biết gì nhiều. Rồi qua đây, chóa mắt ngất ngây với những văn minh tiến bộ của xứ người làm ba quên đi cái làng nhà quê của ba. Điều ân hận lớn nhứt của ba là đã không viết gởi về một chữ để hỏi thăm bạn bè hồi đó. Ba phải về thăm lại Nhơn Hòa Cồn Cỏ, con à!”. Nói đến đó, ba ứa nước mắt nắm bàn tay con dặc dặc: “Mà con cũng phải về với ba nữa! Về để cho ba lên tinh thần! Về để thấy ba biết xin lỗi mọi người! Về để thấy ba biết nhìn lại cái quê hương của ba cho dầu nó có quê mùa xấu xí bao nhiêu đi nữa! Về để thấy ba chưa đến nỗi là thằng mất gốc!”. (Đến đây, không còn nghe gì nữa!) Xin lỗi ông! Con đã ngừng thâu để con khóc (Rồi giọng cô lạc đi) Con thương ba con! (Ngừng một lúc)
Thưa ông. Ba má con đều là giáo sư toán, dạy ở lycée. Má con mất hồi con mười tuổi. Bây giờ con làm chủ một tiệm sách ở Bruxelles, ba con dạy ở cách nhà không xa lắm. Một hôm, ba nói: “Ba được một thằng bạn học hồi ở đại học, người Phi Châu, mời qua xứ nó giúp tổ chức lại hệ trung học. Ba đã OK.”. Rồi ba đưa cho con một phong bì loại A4, nói: “Con ráng tìm cách về Nhơn Hòa Cồn Cỏ, trao cái nầy cho cô Hai Huê nói ba không quên ai hết!”. Con nhìn thấy trên phong bì ba viết: “Mến trả lại Huê, kỷ vật của thời tuổi nhỏ. Cương”. Vậy rồi ba qua Phi Châu làm việc rồi mất ở bển trong mấy trận nội chiến (Chắc ngừng thâu ở đây nên không nghe gì nữa).
Thưa ông. Nhờ nghe đọc “Con Rạch Nhỏ Quê Mình” mà con biết được mối tình một chiều của cô Hai Huê, biết được cái khăn mu-soa mà cô Hai đã thêu tặng ba con thuở thiếu thời. Cái khăn đó, bây giờ thì con biết nó đang nằm trong phong bì A4 mà con đang giữ để trả lại cô Hai. Và bây giờ thì con thấy thương cô Hai vô cùng và cũng thấy tội nghiệp ba con vô cùng (Chỗ nầy giọng cô gái lệch đi, ngừng một chút mới nói tiếp) Con nhờ ông giới thiệu con cho bác Sáu Lân, người đã kể chuyện để ông viết về Nhơn Hòa Cồn Cỏ. Con sẽ xin bác Sáu đưa con về đó để con làm theo lời dặn của ba con …
Địa chỉ và số phôn của con như sau:
Melle Nguyên ……
……………………
…………………… Con cám ơn ông. Con: Sương
o O o
Nhớ lại, cách đây khá lâu, một thằng bạn ở Marseille (miền Nam nước Pháp) gọi điện thoại lên Paris cho tôi, nói: “Dưới nầy trời tốt, mầy xuống chơi, đi câu với tao. Sẵn dịp, tao giới thiệu mầy cho một ông bạn mới từ Việt Nam qua định cư ở đây. Tao có khoe với ổng là mầy viết lách khá lắm. Ổng nói ổng muốn nhờ mầy viết một chuyện nhỏ ở dưới quê của ổng để ổng tìm một người bạn. Tao thấy coi bộ ngộ à! Xuống, đi!”. Vậy rồi tôi đi Marseille. Sau đó, tôi viết “Con rạch nhỏ quê mình” với câu gởi gắm của ổng: “Tôi nhờ ông viết lại giùm. Biết đâu chừng thằng Cương sẽ đọc. Để nhắc nó đừng quên con rạch Cồn Cỏ, đừng quên thằng Đực Nhỏ, thằng Lân, con Huê …”.
Sau khi nghe CD và ghi chép lại, tôi gọi điện thoại xuống Marseille thì thằng bạn tôi cho hay là ông Lân đã dọn về ở ngoại ô Paris, cách đây mấy năm. Nó cho tôi địa chỉ và số điện thoại của ổng. Vậy rồi ổng và tôi gặp nhau. Tôi kể sơ câu chuyện và đưa cho ổng mượn cái CD. Tôi thấy ổng rơm rớm nước mắt khi nghe tôi nói làm tôi cũng xúc động: người đàn ông hiên ngang, xong xáo trong trận mạc, gan lỳ đến nỗi mang hỗn danh “thằng Lân ăn pháo”… vậy mà bây giờ cũng biết ứa nước mắt khi nhận được tin thằng bạn không bao giờ gặp lại!
Khi chia tay, ổng nói: “Cám ơn ông! Nhờ có bài viết của ông mà hôm nay tôi mới có tin của thằng Cương! Tôi sẽ thay nó, đưa con gái nó về thăm Cồn Cỏ! Và thắp cho nó ba cây nhang ở đầu vàm để vong hồn nó nương theo đó mà tìm lại con đường về …”.
o O o
Hơn một tháng sau, ông Lân gọi điện thoại cho tôi nói ổng vừa ở Việt Nam về, muốn gặp tôi để trả cái CD và để ổng kể chuyến đi nầy của ổng. Vậy là chúng tôi đã gặp nhau và tôi đã ghi những lời ổng kể …
Nhờ cái CD ông cho tôi mượn mà tôi liên lạc được con Sương. Tội nghiệp! Biết được là tôi gọi, nó khóc ồ ồ ở đầu dây bên kia! Sau đó, nó kêu tôi bằng “Bác Sáu”, ngọt như tôi là bác ruột của nó vậy! Thấy thương quá!
Vậy rồi hai bác cháu tôi bay về Việt Nam. Ở Sài Gòn chúng tôi mướn một chiếc xe hơi có tài xế để về Nhơn Hòa Cồn Cỏ. Trên xe, tôi nói với con Sương: “Ở Cồn Cỏ, ba của con không còn bà con gì hết, họ đã dọn lên tỉnh ở mấy chục năm nay. Bây giờ, ba con chỉ còn có một người bạn thân …”. Con nhỏ nói: “Cô Hai Huê!”. Tôi gật đầu ờ. Nó nói tiếp: “Cô Hai là người ba nhắc thường nhứt và ba hay thở dài nói ba có lỗi với cô Hai nhiều lắm! Thấy ba con như vậy, con cũng nghe đau lòng, bác Sáu à!”. Thấy thương quá, tôi cầm bàn tay nó bóp nhẹ. Con Sương nhìn cảnh vật bên ngoài nhưng vẫn để bàn tay nó trong long bàn tay tôi. Ông biết không? Tôi không có con, bây giờ, trong cái cầm tay nầy, tôi bỗng cảm thấy như thằng Cương vừa đặt vào tay tôi một đứa con. Trời Đất! Sao tôi muốn nói: “ Sương ơi! Từ nay, bác Sáu sẽ thay ba con mà lo lắng bảo vệ con như con là con của bác vậy!”. Nhưng thấy có vẻ cãi lương quá nên tôi làm thinh!
Xe ngừng ở chợ Cồn Cỏ. Bác cháu tôi vô chợ nhà lồng đến sạp vải của con Huê thì thấy một cô gái lạ. Cổ nói cổ là cháu kêu con Huê bằng dì và đến đây phụ bán vải từ mấy năm nay. Cổ nói: “Dì Huê có ở nhà, ông bà vô chơi!”.
Chúng tôi đi lần theo con đường nằm dọc bờ rạch. Đường nầy bây giờ được tráng xi-măng sạch sẽ. Tôi nói: “Nhà cô Hai có cây mù u nằm trước nhà cạnh bờ rạch, dễ nhận ra lắm!”. Đến nơi, thấy còn nguyên như cách đây mấy chục năm: cũng hàng rào bông bụp thấp thấp, qua một cái sân nhỏ là ngôi nhà xưa ngói âm dương, kèo cột gỗ, ba gian hai chái với hàng ba rộng, một bên hàng ba có một bộ ván nhỏ … Tôi hơi xúc động vì bắt gặp lại những gì của thời cũ. Chỉ có bao nhiêu đó thôi – nhỏ xíu – vậy mà sao gợi lại được vô vàn kỷ niệm! Tôi gọi lớn: “Huê ơi Huê!”. Trong nhà chạy ra một người đàn bà tóc bạc nhìn tôi rồi la lên: “Trời Đất! Anh Lân!”. Tuy cô ta đang nhăn mặt vì xúc động, tôi vẫn nhận ra là Huê! Không kềm được nữa, Huê và tôi cùng bước tới nắm tay nhau vừa dặc dặc vừa nói “Trời Đất! Trời Đất!” mà không cầm được nước mắt!
Một phút sau, Huê buông tay tôi ra quay sang con Sương, hỏi: “Còn ai đây?”. Tôi nói: “Con Sương! Con thằng Cương!”. Nó hỏi: “Còn anh Cương đâu?”. Con Sương thả rơi ba-lô xuống đất, bước lại phía con Huê, nói: “Ba con chết rồi, cô Hai ơi!”. Con Huê chỉ nói được có một tiếng “Chết” rồi xiêu xiêu muốn quị xuống. Con Sương phóng tới đỡ con Huê, nói: “Cô Hai ơi!”. Rồi hai cô cháu ôm nhau khóc nức nở.. Tôi đứng tần ngần một lúc mới bước lại đặt tay lên vai Huê bóp nhẹ: “Tại cái số hết, Huê à! Thằng Cương đang dạy ở bên Bỉ, mắc gì mà qua Phi Châu làm việc để rồi chết mất xác trong chiến tranh ở bên đó. Tại cái số hết! Phải chịu vậy thôi!”. Con Sương dìu Huê lại ngồi ở bực thềm, vói tay mở ba-lô lấy phong bì A4, nói: “Ba con gởi cái nầy cho cô.”. Huê cầm phong bì, nheo mắt đọc rồi lắc đầu nhè nhẹ: “Chắc là cái khăn mu-soa!”. Huê xé phong bì lấy khăn ra cầm hai góc khăn đưa lên nhìn: khăn còn thẳng nếp, chưa có dấu hiệu xử dụng! Huê nhăn mặt, đưa khăn lau nước mắt của mình rồi sang qua lau nước mắt của con Sương làm nó cảm động nấc lên khóc. Huê nói: “Khăn nầy cô thêu tặng cho ba của con, nhưng không có duyên nên khăn lại trở về. Bây giờ, cô tặng cho con để kỷ niệm ngày cô cháu mình gặp nhau.”. Con Sương cầm lấy khăn rồi ngả đầu vào vai Huê, nói: “Con cám ơn cô Hai.”. Huê vừa gật đầu vừa choàng tay ôm con Sương lắc nhè nhẹ như vỗ về đứa con! Tôi bước ra bờ rạch ngồi cạnh gốc cây mù u đốt thuốc hút. Tôi thấy trên thân cây có đóng một cây đinh dài đã gỉ sét đen thui, vắt lên cây đinh là một cuộn dây dừa cũ mèm như muốn mục. Tôi nghĩ chắc con Huê nó làm như vậy, nó vốn nhiều tình cảm và giàu tưởng tượng. Nó có ý nói con thuyền ngày xưa đã bỏ bờ đi mất, nếu một mai có trôi về được thì cũng có sẵn dây để cột con thuyền vào gốc cây mù u … Tôi đốt thêm một điếu thuốc rồi đặt lên cuộn dây dừa, vái lâm râm: “Cương ơi! Mầy có linh thiên thì về đây hút với tao một điếu thuốc!”. Tự nhiên, tôi ứa nước mắt!
Khi tôi trở vô nhà thì cô cháu tụi nó ngồi cạnh nhau trên bộ ván, nói chuyện coi bộ tương đắc! Thấy tôi, Huê nói để vô làm cơm cùng ăn. Tôi từ chối vì phải về trả xe. Huê xin cho con Sương ở lại chơi với nó mươi hôm, còn con Sương thì hớn hở: “Bác Sáu đừng lo! Con về một mình được!”. Tôi bằng lòng nhưng đề nghị cùng ra đầu vàm thắp ba cây nhang cho thằng Cương. Con Huê vô nhà lấy nhang và một tấm ni-long để ra đó trải cho ba người ngồi. Khi đi ngang cây mù u, con Huê bước lại gốc cây lấy cuộn dây dừa liệng xuống rạch, rồi phủi tay, đi!
Sau khi cúng vái ở đầu vàm, cô cháu nó đưa tôi ra xe. Nhìn tụi nó cập tay nhau mà thấy thương quá, ông ơi!
oOo
Bây giờ thì cô Sương đã đem cô Huê qua Bỉ ở với cổ. Nghe ông Lân nói hai cô cháu rất “tâm đồng ý hợp”. Còn chiếc khăn mu-soa thêu thì ông Lân nói cô Sương đã cho lộng vào một khuôn kiếng rất đẹp treo ở phòng khách, ở một vị trí mà ai bước vào cũng phải thấy!

TIỂU TỬ




__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <


Tuesday, May 29, 2018

Lẩn thẩn chuyện..Sàigòn:Thắng cuộc và thua cuộc qua tô phở TÀU BAY !!

From: Tuy Ngo <
Date: 2018-05-23 5:48 GMT-07:00
Subject: Lẩn thẩn chuyện..Sàigòn:Thắng cuộc và thua cuộc qua tô phở TÀU BAY !!
To:


 Lẩn thẩn chuyện..Sàigòn:Thắng cuộc và thua cuộc qua tô phở TÀU BAY !!


Mai Xuân Vỹ
 11.05.2018

PhoTauBay

Chuyện Một- Tô phở ngày 30 tháng tư
Ngày 30 tháng tư. Cả nước nghỉ mừng ngày thống nhất. Tôi thấy những tấm ‘paneaux’ lớn người ta dựng trên nóc các building ở vòng xoay ngả sáu Phù Đổng đối diện Starbucks. Một tấm “nổi bật” đập hẳn vào mắt tôi cái cảnh chiếc xe tăng Trung Cộng húc đổ cánh trái cửa cổng dinh Độc Lập. Hẳn là đâu đó ở trên khấp dải đất này, người ta đang đọc diễn văn chúc tụng ngày và những người có công thống nhất đất nước. Và cũng chắc chắn là bên kia bờ Thái Bình Dương, số người Việt lưu vong đang khóc ngày Quốc Hận. Đất nước tôi vẫn là hai nửa đối kháng kể từ hiệp định Genève năm 1954. Chỉ khác là bây giờ biên giới không còn là vĩ tuyến 17.
Hôm nay ngày 30 tháng tư tôi đi ăn phở. Chính xác hơn là đi ăn phở Tàu Bay!
Tôi đến quán trên đường Lý Thái Tổ kế nhà thờ Nam Hà, đối diện bệnh viện nhi đồng. Hai quán kề sát nhau cùng chung một bờ tường đều kẻ chữ: Phở Tàu Bay. Quán sát hẻm -là vị trí nguyên thủy của phở Tàu Bay năm xưa- với nhân viên phục vụ mặc áo vàng. Quán bên cạnh: áo xanh. Cả hai đều ghi rõ dưới bảng hiệu: Phở Tàu Bay Chính Gốc. Hoặc Quán Cũ không chi nhánh gì gì đó!
tô phở
Như ngày xửa ngày xưa khi tôi nằm khểnh đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung. Ở những chương đầu, tôi không biết phe nào: Kiếm Tông hay Khí Tông mới là đại diện cho chính phái Hoa Sơn? Giờ đây tôi cũng hoang mang chẳng rõ quán nào là quán của ông chủ có chiếc mũ phớt của lính tàu bay thời đệ nhị thế chiến?
Gần nửa thế kỷ trước, có rất nhiều sĩ quan VNCH đã phải lựa chọn, phải quyết định vận mệnh của mình trong đường tơ kẽ tóc để rồi hoặc ở trong trại cải tạo hoặc ở Port Chaffee. Bây giờ đây, tôi đứng trước hai tiệm phở Tàu Bay kề sát nhau. Cả hai đều kẻ bảng phở Tàu Bay chính gốc. Tôi phải quyết định một lần trước khi được …ăn phở chính gốc!
Trong một tích tắc, chẳng hiểu vì lý do gì, chẳng biết là đã suy nghĩ ra sao, chỉ sau vài giây ngần ngừ, tôi bước hẳn vào quán bên phía bên tay phải.
Quán hẹp và ngắn. Chỉ một hai bước sải là đến chân cầu thang dẫn lên lầu. Khách ngồi chật tầng dưới. Tôi bước tiếp lên cầu thang và chợt gật mình vì khuôn mặt quen quen. Chừng như một phản xạ, tôi quay người chìa tay cho một người đàn ông áo thun trắng quần khaki vàng sậm với một bao da ở thắt lưng: Ông có phải là ông Khang? Chính xác! Người đàn ông vui vẻ trả lời. Khuôn mặt cởi mở bừng lên với một nụ cười hiền lành.
Ông Khang bắt tay tôi và có vẻ hơi ngỡ ngàng trong ánh mắt bởi tôi không có vẻ gì là khách quen của ông hay của ba ông ngày xưa. Ít ra là bằng cái đánh giá đầu tiên qua số tuổi.
Nhưng ông không hỏi. Ông mời tôi lên lầu vì khách đã đầy ở tầng dưới và chúc tôi ăn ngon miệng.
Tôi ăn lại tô phở Tàu Bay của gần nửa thế kỷ trước. Tô phở ngon. Thơm. Nhưng tôi ăn lại kỷ niệm nhiều hơn ăn phở. Tô phở không có giá theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Người Bắc xưa lúc di cư vào Nam chỉ ăn rau muống chứ không ăn giá!
Tôi ngày ấy chỉ là cậu học trò nhỏ ngày ngày đạp xe ngang qua tiệm phở ngửi mùi thơm từ tiệm bốc ra. Hiếm họa năm thì bảy lượt tôi mới có chút tiền còm mẹ cho để đường hoàng bước hẳn vào tiệm kêu tô phở. Thành thật mà nói, tôi không tài nào nhớ được cái hương vị của phở Tàu Bay ngày xưa. Tôi nghĩ tôi ăn lại đúng cái hương vị cũ qua khuôn mặt của ông chủ quán. Ông chính là nhãn hiệu cầu chứng tại tòa của phở Tàu Bay gia truyền Saigon xưa!
Chỉ đến khi tôi mua mấy tô mang về cho mẹ và cô em gái, ông Khang mới đến ngồi nói chuyện với tôi. Tôi hỏi ông về chuyện hai tiệm Tàu Bay kề vai sát cánh với nhau. Và ông điềm đạm kể cho tôi chuyện gia đình ông. Chuyện của sự vui vầy sum họp Bắc Nam sau 21 năm chia cắt. Chuyện của những người anh em ông từ phía bên kia vĩ tuyến 17 vào Saigon. Chuyện của sự chia cắt không ở biên giới địa lý mà là ở sự cắt chia của trái tim.
Tôi cảm ơn ông vì đã chia sẻ chuyện nhà cho tôi. Và từ biệt ông.
Ông Khang nhã nhặn bắt tay tôi từ biệt. Ông dặn hâm nước dùng riêng trước khi đổ vào tô bánh và thịt. Ông gọi taxi trước cho tôi, và cho một chú bé xách hai cái bọc nhựa chứa những tô mang đi ra tận taxi. Ông chẳng nhớ tôi đâu. Làm sao ông nhớ được chú bé gần nửa thế kỷ trước chỉ đạp xe ngang tiệm phở của ông? Ông chỉ đối xử đặc biệt với tôi vì tôi “biết” tiệm phở của Ba ông, và giờ là của ông.
Ông kể quán bắt đầu “lộn xộn” kể từ khi 3 người con từ miền Bắc vào nhận họ hàng vào những năm 80. Và kết quả ông Khang là người thua cuộc. Theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bố ông di cư vào Nam năm 54 mang theo tiệm phở. Và ông mặc nhiên là người miền Nam, phía thua cuộc. Những người anh em của ông từ bên kia vĩ tuyến 17 vào dành được phần nhà sát hẻm, khiến ông trở thành người thua cuộc lần thứ hai. Ông kể bằng cái giọng Bắc quen thuộc của những người di cư tôi từng biết vào những năm xưa ở Bảy Hiền, ở xứ đạo Nam Hà trên đường Lê Văn Duyệt. Giọng ông đều đều trải đời với cái nhẫn của kẻ thua cuộc.
Tôi nhìn ông cảm khái. Có chút chạnh lòng khi nhớ lại những tháng ngày sau 75 tôi cũng bị đối xử phân biệt vì là con cái của sỹ quan VNCH. Người Cộng Sản đối xử công bằng với những người thua cuộc không phân biệt già trẻ lớn bé. Tôi tuy là trẻ con nhưng lại là con của phía những người thua cuộc. Ông Khang, may mắn hơn tôi, bố ông chỉ bán phở. Nếu không chắc cũng tàn đời trong trại cải tạo rồi.
Vậy thì bây giờ đây tôi cho bạn biết: quán sát hẻm, áo vàng là quán của phía thắng cuộc. Thắng cuộc hai lần theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Quán còn lại dĩ nhiên là phía thua cuộc. Bạn chọn vào quán nào theo ý thức hệ của bạn là tùy hỉ. Tôi không muốn lên gân. Chỉ là một tô phở thôi mà. Có gì đâu bạn nhỉ?
Tôi cũng không vơ đũa cả nắm. Đã có nhiều kẻ thắng cuộc vỗ ngực (xưng danh) “đỉnh cao trí tuệ”. Và cũng có kẻ thắng cuộc ngồi tỉnh táo viết sách đúc kết những đúng sai của chính mình. Cũng có một vị cảm khái trong ngày 30 tháng tư là “cũng có triệu người buồn”. Đã bao năm trôi qua. Đã bao nhiêu dâu bể, bao nhiêu nướ chảy qua cầu. Cả thế giới đều biết đến cái thông thái “đỉnh cao trí tuệ” ấy rồi. Nói làm gì nữa thêm thừa. Bạn cứ tự đúc kết và rút ra kết luận cho chính mình.
Tôi đi giữa nắng Saigon ngày 30 tháng tư. Tôi thấy phố. Tôi thấy cờ. Nhưng tôi không thấy mưa sa như người Trần Dần năm xưa. Chỉ thấy tràn căng mầu nắng chan hòa. Thứ nắng khỏe mạnh của xứ nhiệt đới. Nắng. Nắng chói kinh thành. Nắng chói lọi Saigon thành phố phương nam một thời là kinh thành của Việt Nam Cộng Hòa cũ.
Tôi đi ngang nhà thờ Nam Hà. Và nhớ lại những ngày sau 30 tháng tư gần nửa thế kỷ trước. Những thanh niên với băng đỏ trên cánh tay hăm hở dồn những đống sách vun cao châm lửa đốt trong sân nhà thờ. Lửa bốc thành ngọn khét mùi da thuộc của những bìa sách quí. Tôi nhớ đến lửa cháy ở kinh thành Hàm Đan 2000 năm xưa. Sách Xuân Thu nói là Hàm Đan cháy suốt ba tháng ròng. Và các sử gia chép vào sách những chuyện phần thư khanh nho của Tần Thủy Hoàng, người có công thống nhất cả một đất nước Trung Hoa mênh mông rộng lớn.
Bạn đừng lo. Cứ nhìn lại 2000 năm lịch sử đi. Có triều đại nào tồn tại vĩnh viễn đâu? Chỉ tồn tại một lịch sử. Và lịch sử sẽ phán xét hết thảy từ những chuyện ở cấp quốc gia đến tận cấp …phường! Những ai bán nước những ai thương dân. Ai là “ngụy” ai là đạo tặc.
Con cháu Việt nhiều trăm năm sau sẽ đọc sử và biết những bậc anh hùng, những kẻ lưu xú vạn niên.



__._,_.___

Posted by: Hank Music 

Monday, May 28, 2018

Họa sĩ Loka, Một đời tâm huyết vì sân khấu cải lương






 

Họa sĩ Loka, Một đời tâm huyết vì sân khấu cải lương
Soạn giả Nguyễn Phương

Trong thập niên 60, thời vàng son của sân khấu cải lương, các đoàn hát tranh đua thu hút khán giả không chỉ bằng tuồng tích chọn lọc, diễn viên ca hay diễn giỏi, tân cổ nhạc đều hoàn hảo mà về mặt kỹ thuật như quảng cáo, trang trí sân khấu, y phục hát, âm thanh, ánh sáng và xảo thuật cũng phải vượt trội hơn đoàn hát khác, phải có nét đặc trưng của đoàn mình, đáp ứng cảm quan thưởng thức của khán giả.
Các rạp hát bóng chiếu phim màu, màn ảnh đại vĩ tuyến, hình nổi 3D, âm thanh tuyệt hảo với những diễn viên màn bạc tuyệt đẹp, cốt truyện phim rất hay. Phim ảnh là một đối thủ đáng nể của sân khấu cải lương.
Vì vậy, mỗi lần soạn giả dàn dựng một vở tuồng mới, phải để rất nhiều thì giờ nghiên cứu và bàn bạc với các chuyên viên sân khấu tìm phương cách tốt nhất để thể hiện tác phẩm của mình.
Lần đó đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga tập tuồng Chén Trà Của Quỷ của tôi sáng tác, theo cốt truyện Ngộ nhận (Le malentendu) của văn hào Albert Camus. Truyện tuồng như sau:
Một chàng trai bỏ nhà đi nhiều năm để mưu lập sự nghiệp. Khi anh ta giàu có, anh trở về quê nhà, đóng vai một người khách lạ để thăm dò thái độ của mẹ và em gái. Không ngờ mẹ và em gái không nhận ra đứa con lãng tử về thăm gia đình mà ngỡ là kẻ thương buôn giàu có nên giết chết để cướp của. Sau khi uống chén trà có độc dược của mẹ đưa, chàng trai chết. Những của cải và đồ đạc cướp được cho bà mẹ và đứa em gái những dấu tích để nhận ra kẻ bị họ giết là người cùng máu mủ. Bà mẹ giết lầm con, hối hận, điên loạn, nổi lửa đốt nhà và tự thiêu. Vở tuồng nói lên sự ngộ nhận đầy rẫy trên cuộc đời này và hạnh phúc không phải là đồng tiền kiếm được với bất cứ giá nào.
Cảnh xúc động nhất là cảnh người mẹ nhận ra là đã giết lầm con mình. Bà nổi điên và đốt nhà, thiêu hủy những của cải mà bà và con gái đoạt được trong khi giết con. Nữ diễn viên Út Bạch Lan thủ vai bà mẹ, Thanh Nga thủ vai đứa em gái. Hai diễn viên thượng thặng có nhiều lớp ca hay và diễn xuất xúc động nhất trong màn này.
Sân khấu trang trí một ngôi biệt thự sang trọng, bị đốt cháy, lửa phừng phực xóa tan dần những của cải, những tham vọng của hai mẹ con bà. Anh Loka, họa sĩ trang trí nổi tiếng của các sân khấu cải lương và các chương trình tạp kỹ của Saigon đưa ra sáng kiến độc đáo để thực hiện cảnh trí trong lớp tuồng quan trọng này.
Hoạ sĩ LoKa là anh ruột của kịch sĩ tài danh La Thoại Tân. Tên họa sĩ Loka là nói lái hai chữ La cô tức là người họa sĩ họ La. Họa sĩ Loka vẽ bảng quảng cáo cho rạp hát bóng Đại Nam của ông Ưng Thi và đoàn hát Thanh Minh năm 1955. Chúng tôi mời anh vẻ cảnh trí thay cho họa sĩ Mười Rây khi anh Mười Rây rời đoàn Thanh Minh để làm họa sĩ riêng của đoàn hát Việt Hùng Minh Chí. Anh Loka vẻ cảnh trí và bảng hình quảng cáo mặt tiền cho đoàn Thanh Minh, rồi Thanh Minh Thanh Nga và các đoàn hát ở Saigon.
Năm 1962, Họa sĩ Loka vẻ cảnh trí cho Đoàn Văn Nghệ Việt Nam của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và đã theo đoàn Văn Nghệ Việt Nam đi trình diễn ở các rạp hát lớn bên nước Nhật, Pháp, Đức và nước Anh. Loka đã học được những kỹ thuật tân kỳ của các sân khấu Pháp, Nhật và lần đầu tiên anh đem những kỹ thuật đó áp dụng trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga khi tôi dàn dựng vở tuồng Chén Trà Của Qủy của tôi sáng tác.
Họa sĩ Loka làm một bộ maquette cảnh trí bằng carton với những khớp nối kỹ thuật để thể hiện cảnh nhà cháy từng phần, còn lại những cột, kèo và cháy tàn rụi dần dần. Trên cảnh thật, anh thiết kế những chỗ nào có đặt bản lề, khi lửa cháy thì kéo cái chốt sắt gày bên trong để cho cảnh trí rớt xuống từng phần, thể hiện những chổ bị cháy vừa rụi xuống.
Bà bầu Thơ nhất quyết không cho lửa cháy thiệt trên sân khấu. Bà nói: “Đã một lần bị chú Lê Khanh cho đốt pháo điển trên sân khấu trong dịp Tết, hát tuồng Tề Thiên đại náo đăng xinh. Suýt chút nữa là cháy rạp hát Cây Gõ. Bây giờ thực hiện cảnh cháy nhà thì các anh cho chớp đèn màu đỏ là khán giả biết có cảnh cháy nhà. Không được có lửa thiệt trên sân khấu.”
Họa sĩ Loka nói: “Bà yên chí. Tôi sẽ làm cho khán giả tưởng như có cảnh cháy thiệt, nhưng tất cả chỉ là lửa giả, khói giả. Nhưng có lẽ hơi tốn kém, không biết bà Bầu có chịu chi tiền mua những dụng cụ cần thiết không?”
Bà Bầu Thơ: “Được! Anh Ba đi với chú Loka mua dụng cụ gì cần thiết đó thì mua rồi tính lại với tôi.”
Tôi dạ một tiếng rồi kéo Loka ra ngoài, tôi hỏi: “Anh liệu làm được hay không? Bà bầu không sợ tốn kém, nhưng nếu tốn tiền nhiều mà cảnh trí không đẹp được như ý muốn, lửa cháy không đúng theo yêu cầu kỹ thuật của anh thì lần sau mình có sáng kiến dàn cảnh nào, bà bầu cũng không tin, khó mà chấp thuận.”
Loka nói: “Nguyễn Phương yên chí đi. Hồi ở bên Nhựt, mình có làm thử rồi. Cái khó là ở đây không biết tìm ở đâu ra nước đá kim cương.”
– “Nước đá kim cương là gì?”
Anh Loka cho biết: “Là thứ nước đá được cô đọng lại thật cứng, thật lạnh mà trên phi cơ, người ta dùng để ướp trái cây hay thịt cá khi phi cơ phải bay từ nước nầy qua nước kia. Nước đá kim cương màu trắng ngời chứ không trong suốt, một kí lô nước đá kim cương nhưng nó lớn chừng bằng một nắm tay thôi. Nếu nhỏ vài giọt nước nhỏ vô, nó sẽ bốc khói mịt mù, thứ khói lạnh dùng trong các phim trường.”
– “Cần nước đá kim cương thì mình tới hỏi hãng nước đá. Ở hãng nước đá và hãng bia BGI, tôi có người quen. Đi! Tôi với anh tới nhà ông chủ sự phòng kỹ thuật của hãng nước đá. Nhà của ổng ở chung cư của hãng, đường Thi Sách, quận nhứt.”
Kết quả là chúng tôi mua được 5 kí nước đá kim cương cho mỗi suất diễn. Anh Chín Siểng, chuyên viên làm chất nổ, làm đèn rọi mây rọi nước, đặt thợ hàn hàn cái thùng đựng nước đá kim cương, có vòi để gắn ống cao su đặt sau các tấm khung vải bố vẻ cảnh nhà lầu. Khi có tiếng la đốt nhà, đèn đỏ rọi chớp chớp như ánh lửa mới khởi đầu, sau lưng các chỗ định là sẽ có lửa cháy, có để sẵn những cái quạt máy quấn theo kích thước nhỏ, có dán giấy kiếng màu đỏ, màu vàng và một ít giấy kiếng màu xanh. Quạt máy sẽ thổi các tờ giấy kiếng màu bay lên, dưới ánh đèn màu đỏ chớp sáng, khán giả sẽ thấy như lửa cháy bùng lên. Chừng đó anh chín Siểng sẽ đổ một chung nước vô thùng đựng nước đá kim cương. Khói lạnh sẽ chuyển theo các ống cao su, xịt cuồn cuộn từ mái nhà, nóc nhà vẽ trên khung vải. Ánh sáng đèn đỏ sẽ cho thấy khói đỏ gần chỗ lửa bốc cháy và khói cuồn cuộn lên cao sẽ là khói trắng như những cảnh cháy nhà thiệt. Phối hợp với âm thanh gió rít, lời ca vọng cổ, anh dàn cảnh sẽ kéo chốt cho từng khung cảnh mái nhà đổ xuống, còn lại là sườn nhà bốc lửa, nám đen.
Ban ngày khi tập tuồng, bà bầu Thơ, các soạn giả và nghệ sĩ trong đoàn, những người không có vai tuồng đang hát đều xuống khán phòng xem cảnh cháy biệt thự như trong bài ca của Út Bạch Lan và Thanh Nga ca. Mấy anh ký giả kịch trường thân thích với đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga cũng đến quan sát.
Phải nói là thành công trên cả tuyệt vời, xem y như một trận cháy nhà thật, bài ca của Út Bạch Lan và Thanh Nga tăng thêm phần xúc cảm cho đoạn kết của vở tuồng.
Bình thường bà Bầu thơ khi khen chuyện gì trong gánh hát, bà chỉ gật đầu cười. Khi thích lắm thì bà chỉ nói: Giỏi! Mấy anh giỏi thiệt! Lần nầy dứt cảnh cháy giả trên sân khấu, bà vỗ tay, cười rồi nói: “Mấy anh mấy chú cực quá mới làm được cảnh nầy. Hay thiệt. Tối nay đặc biệt phát lương đúp cho anh Loka và mấy chú dàn cảnh. Riêng anh Nguyễn Phương cũng cực vậy, nhưng đêm nay hát nhứt định là bán vé complet rồi. Vậy khỏi thưởng tiền. Bữa nay tôi mời anh Nguyễn Phương và mấy anh em ký giả đi dùng cơm ở tiệm Phước Thành, đường Ngô Tùng Châu với tôi và Thanh Nga. Anh Ba về nhà chở chị Ba ra dùng cơm luôn.”
Đêm hát đó đúng là thành công quá sự mong đợi của tôi. Mấy anh ký giả kịch trường và khán giả nhiệt liệt vỗ tay hoan hô nhưng trong bụng tôi, tôi lại lo ra. Vì tôi là Giám đốc kỹ thuật của đoàn hát, sau đêm công diễn đầu tiên, tôi thấy về mặt cảnh trí, đẹp và lạ thì đúng rồi nhưng có vẻ không ổn. Khi mấy anh dàn cảnh kéo cho rớt từng mảnh cảnh trí bốc lửa, khán giả thấy mường tượng như những mảnh nhà bị sập, tôi đứng bên cánh gà, thấy mấy tấm panneaux làm cảnh nhà đó rung rinh. Nếu có một anh dàn cảnh nào sơ ý kéo thật mạnh hoặc không kềm giữ cho cứng phía sau mấy tấm panneax đó, tôi e nó sẽ đổ ập xuống đầu của Thanh Nga hay Út Bạch Lan. Cảnh trí trên sân khấu thay đổi trong khi đang diễn thường hay xảy ra tai nạn như trường hợp đoàn hát Hoa Sen bị đổ phong cảnh khi thực hiện sân khấu quay…
Vãn hát, trong khi mọi người trong đoàn đang vui, nói chuyện ồn ào, tôi gọi anh Mười âm pli, Hữu Phước, Út Bạch Lan và Thanh Nga ở nán lại một chút, tôi dẫn họ ra sân khấu. Tôi đề nghị Út Bạch Lan và Thanh Nga trong màn kết thúc nầy, khi Hữu Phước đóng vai đứa con lãng tử uống chén trà có độc dược, Hữu Phước phải giả bước loạng choạng để ra gần tới tiền đài sân khấu, gần dàn đèn rampe rồi ngã ra chết để cho Út Bạch Lan và Thanh Nga quỳ kế bên đó ca vọng cổ. Anh Mười Âm pli sẽ bố trí một cái micro với chân thấp, để gần máng đèn ngoài, khi Thanh Nga và Út Bạch Lan quỳ xuống ca thì miệng vừa tầm với cái micro, âm thanh sẽ nghe rõ hơn. Trước hết là gần khán giả, họ sẽ bị cái thảm cảnh và giọng ca bi ai của diễn viên thu hút, họ sẽ xúc động hơn. Sau nữa, nếu rủi có ngã mấy tấm panneaux cảnh ngôi nhà cháy do các anh dàn cảnh giựt chốt sắt quá mạnh hay vì sơ ý không niềng kỹ mấy tấm panneaux với nhau, nó có ngã xuống thì Hữu phước, Út Bạch Lan và Thanh Nga sẽ không bị thương vì tất cả ba diễn viên đó ở sát tiền đài, panneaux cảnh sẽ rớt cách họ ít nhứt trên một thước.
Hữu Phước cười tôi: Anh Ba lo xa quá! Xưa giờ dàn cảnh của đoàn mình làm việc đâu có bê bối, nhưng được rồi, tôi sẽ theo ý của anh Ba, tôi té nằm gần dàn đèn rampe thì nó nóng quá, vậy tôi sẽ té gần tấm frise ngoài, tức là cánh gà ngoài… được hông?
Tôi so chiều cao của tấm panneaux giữa và chỗ Hữu Phước đề nghị sẽ té nằm đó, tôi nói: Hữu Phước muốn vậy thì khi té, cái đầu nằm hướng về khán giả, cái chân vô trong. Nếu có xảy ra cảnh trí đổ thì bắt quá bị trật chân, đi cà nhắc, còn ca hát được. Đừng quay đầu vô trong, tấm panneaux đó xáng vô đầu là hết hát hết hò.
Anh Thiệt (xếp dàn cảnh) thấy tôi sấp xếp như vậy với các diễn viên, anh giận tôi vì anh cho là tôi không tin tưởng nơi anh. Anh định sau một loạt hát hai hay ba tuần lễ liền mà chẳng có vấn đề gì xảy ra, anh sẽ mời anh em dàn cảnh lại, tổ chức nhậu một chầu và mời tôi lại để tôi nói tiếng xin lỗi các anh vì tôi đã tỏ vẻ không tin tưởng các anh.
Đêm hát thứ hai, mọi việc đều tốt đẹp.
Đêm hát thứ ba…Sau lớp đối thoại giữa Hài Viên và Mẹ, bà mẹ không nhận ra được đứa con lãng tử đã trở về thăm quê sao hơn ba mươi năm lưu lạc giang hồ. Bà mời chàng trai một chung trà có độc dược. Hài Viên không nghi ngờ, uống trà một cách sảng khoái. Bà mẹ xin phép lui vào trong lo cơm nước.
Hài Viên (nói lối): Mẹ vẫn chưa nhận ra mình…Hay lắm… Sau bữa cơm, ta sẽ đem những châu báu ngọc ngà, tặng cho mẹ để mẹ biết rằng thằng bé lêu lỏng ngày xưa, bây giờ nó đã trưởng thành…
Lý Hài Viên mở bọc châu báu ra, bốc từng nắm, đưa lên cao rồi bỏ xuống như khoe của. Út Bạch Lan (bà mẹ) và Thanh Nga (em gái) lấp ló bên trong theo dõi:
Hài Viên: Ba mươi năm xa mẹ xa cha… Ba mươi năm rời bỏ quê nhà… Thằng bé nghèo xơ xác đã trở thành kẻ thương buôn giàu có… Ngày ta trở về quê cũ , đi giữa lòng đất quê hương mà nghe như lạc vào cõi sa mạc mênh mông… Không còn ai nhận ra ta được nữa… Mà chính ta… ôi sao lòng ta cũng dửng dưng tẻ lạnh.
Tiểu Lý (ra): Ông khách thương hồ! Mời ông dùng chung trà giải nhiệt.
Hài Viên: Tôi mới vừa uống xong, mẹ cô vừa mời tôi một chung trà thân thiết.
Tiểu Lý: Ông đi buôn ngang qua vùng này hay ông đang trên đường phản hồi cố quán?
Hài Viên: Tôi là kẻ thành công trên chốn thương trường, muốn mua hạnh phúc bằng trân châu mã não. Tôi sẽ tặng hết vàng bạc châu báu, cho người nào theo tôi đến Tô Châu.
Cô…Cô có thích đi không? Hãy rời khỏi nơi nầy một ít lâu. Tôi sẽ dùng thuyền đưa cô về Ô Giang Khẩu.
Ở chốn ấy có hoa đào tươi nở
Cửa sông Ô mở rộng thênh thang
Ở đó tôi có cả một kho vàng,
Ta sẽ dựng một ngôi nhà thơ mộng…
(ôm bụng la) Ôi… đau quá ! Bỗng nhiên sao ta choáng váng…Mặt đất như sụp đổ dưới chân ta…(lảo đảo, ôm bụng đi vài bước, té lăn xuống đất).
Tiểu Lý: Mẹ ơi mẹ… Người khách đã… đã chết rồi, mẹ ơi…
Bà Mẹ: Thật vậy sao? Hắn đang đói bụng và mệt sau một chuyến đi dài, nên thuốc ngấm mau như vậy đó…
Tiểu Lý: Mẹ xem kìa, cả một gói hành trang thật lớn, nhiều bạc vàng châu báu, hắn nói,… hắn nói nếu chịu theo hắn đến Ô Giang Khẩu, hắn có ở đó cả một kho vàng…
Bà Mẹ: Khoan… khoan…hãy lục soát hành trang, xem hắn có những gì quý giá…
Tiểu Lý: Đủ cả, trân châu, mã não, ngọc quý, vàng thoa…Ý… đây là miếng ngọc Phỉ Thúy có khắc hình Song Điểu quy sào…
Bà Mẹ (hốt hoảng) : Con nói sao? Một miếng ngọc Phỉ Thúy có khắc hình gì? Khắc hình gì?
Tiểu Lý: Hình Song Điểu Quy Sào…
Bà Mẹ: Trời… Không Thể nào… Lý Hài Viên… Người khách thương hồ nầy là Lý Hài Viên..,..
Hài Viên: (thều thào) Mẹ! Con… con là Lý Hài Viên đây… con về thăm mẹ và em…
Bà Mẹ: Trời ơi ! Tôi… tôi đã giết con tôi… Tại sao về đến nhà mà con không nói rõ là con…là Hài Viên đã về với mẹ (gào lên khóc).
Hài Viên: Tại sao? Tại sao con phải nói như vậy? Mẹ nhớ con không?
Bà Mẹ: Trời ơi…Tại sao? Con tôi còn có can đảm để hỏi tôi câu đó. Con ôi! Có lẽ nào con không thể hiểu, nỗi lòng của người mẹ già mỗi chiều mỗi tối, rưng rưng dòng suối lệ mắt buồn đau vọng ngó…
Ca vọng cổ
1 )- lối quê mòn… Như một cành khô đọng tuyết gầy còm… Qua một mùa thu thất vọng mẹ không còn can đảm đợi tới mùa xuân. Vì tuyết giá của mùa đông cứ tê lần hai vai yếu, vì cành liễu già nua đã gục ngã ở đầu sân, nhắc nhở mẹ một tuổi đời gần về cõi chết.
Hài Viên: Mấy lần định hết đông sẽ về với mẹ, nhưng rồi bận bịu tháng lại ngày qua…Con có bao giờ dám lãng quên đâu.
Bà Mẹ: ca câu 2 )- Hài viên ơi… Trong đời sống có những người con quên mẹ, Nhưng Mẹ quên con thì không hề có bao giờ… Ôi, bao giờ con mới hiểu cái nỗi đau khổ của đợi chờ… Sóng đục giòng sông cũng làm cho run sợ, sợ con thuyền không ngược nổi trường giang. Nhìn màn đêm đen tối cũng kinh hoàng. Sợ cho những đường đèo, ngựa lỗi bước ngã hào sâu.
Hài Viên: Con chưa kịp trở về vì mộng ước chưa thành, con đã khôn lớn, mẹ có gì mà phải sợ cho con..
Bà Mẹ: ca câu 3 – Mẹ sợ cho con… cho một linh hồn yếu ớt trước cạm bẫy đời và cạm bẩy của tình yêu, Có tiền của trong tay vung ra tìm lạc thú mà quên đi cái quá khứ thuở hàn vi. Hồi nào con mới ra đi, mỗi năm đều trở lại với mẹ hiền tuổi đã già nua, bên mẹ con than vãn tình đời đen bạc, mẹ khuyên con với lời lẽ êm đềm, rồi bẳng đi ba chục năm dài con quên hẳn quê xưa xóm cũ, phải chăng là con mãi mê theo những lạc thú điên cuồng .
Hài Viên: Không…không…Con.. con… trời ơi đau bứt ruột bứt gan…mẹ…con chết mất…
Bà Mẹ: Trời ơi! Độc dược đã ngấm…tôi giết con tôi…Hài Viên ôi! Mẹ đã giết con… Châu báu ngọc ngà để làm gì khi mà vì nó tôi đã giết con tôi… Tôi sẽ đốt hết, thiêu huỷ hết…đốt…đốt hết… (Bà chạy vô trong, xong trở ra với một cây đuốt trong tay) Đốt…tôi đốt hết.
(Bà chạy vào từ góc cạnh của căn nhà, châm lửa, mỗi lần châm lửa nơi nào thì đèn đỏ và lửa giả nơi đó phừng cháy. Tiểu Lý chạy theo ngăn cản nhưng không được, chạy trở ra)
Khi ngọn lửa và khói ngùn ngụt bay ngợp trời thì bỗng nghe một tiếng rầm thật lớn. Bụi nơi sàn sân khấu bốc cao. Hài Viên – Hữu Phước đang nằm chết nhảy tưng lên như bất ngờ sống dậy. Panneaux vẻ cảnh bị các anh dàn cảnh giựt cho sút cây chốt sắt để cho mấy miếng panneaux nhỏ rớt xuống để diễn cảnh nhà cháy bị sập nhưng vì các anh giựt mạnh quá, tấm panneaux ngã ra phía trước, kéo đổ hết dàn panneaux vẻ cảnh nhà. May mà Hữu Phước nghe lời tôi dặn, anh giả chết, té nằm ngang, sát ngay hàng frise ngoài, nên panneaux bằng cây và ván ép rớt đập xuống sân khấu, cách chỗ anh nằm chừng ba mươi phân. Hú hồn, nếu đầu xoay vô trong, chắc là sẽ bể đầu, Hữu Phước sẽ hết ca vọng cổ. Út Bạch Lan và Thanh Nga cũng ngồi xuống gần chỗ Hữu Phước nằm nên cũng được vô sự khi panneaux ngã. Khán giả la ó, cười cợt. Màn phải hạ thật nhanh.
Hữu Phước chạy lại nắm tay tôi, lắc mạnh: Cám ơn…cám ơn anh Ba… Nếu không nghe lời anh Ba thì tôi tàn cuộc đời rồi…
Những buổi diễn kế tiếp trong ba tuần lễ hát tuồng Chén Trà Của Qủy tại rạp Hưng Đạo, chỉ làm lửa giả bằng quạt máy thổi các tờ giấy kiếng màu đỏ, cho khói lạnh phun trên các nóc nhà trong panneaux trên sân khấu mà không cho kéo sập ngã từng mảnh như ý kiến của anh Loka.
Sân khấu Nhựt Bổn được hiện đại hóa, mọi thay đổi, di chuyển, bốc xếp trên sân khấu đều thực hiện bằng máy móc, tính toán chính xác và do computeur điều khiển. Ở Saigon trong thập niên 60, sức người chạy bằng cơm trắng mắm kho mà muốn thể hiện như “hiện đại” cho nên gặp phải cảnh “hại điện” như vừa kể.
Nhớ hoạ sĩ Loka, cả đời tâm huyết vì một sân khấu đầy màu sắc đẹp như cuộc đời.
Nguyễn Phương
5/2018


__._,_.___

Posted by: Truc Chi 

Friday, May 18, 2018

Truyện ngắn Bà Năm xóm chợ Bà Chiểu


Truyện ngắn Bà Năm xóm chợ Bà Chiểu
Phan Đức Minh
Mấy hôm nay, Bà Năm mất cả ăn, cả ngủ vì chỉ còn 1 ngày nữa thôi, sáng mai là Bà lên máy bay sang Mỹ đoàn tụ gia đình, sống với đứa con gái lớn đã sang sinh sống ở Mỹ dễ chừng hơn 2 chục năm rồi. Lâu lâu nó vẫn gửi thư cho Bà và gửi tiền nữa. Với số tiền 5, 6 trăm đôla mỗi lần nó gửi về, đem đổi ra tiền Việt Nam hơn chục triệu lận. Bà ngồi mà ăn, cúng vô chỗ này, chỗ nọ để lo cho kẻ nghèo khổ, giúp đỡ bà con, chòm xóm, kẻ nhiều người ít, cũng không cách nào cho hết. Bà già rồi, sống với đứa con gái út, hàng ngày chỉ có việc ăn 2, 3 bữa rồi đi đây, đi đó, thăm bà con, bè bạn. Về nhà thì mở tivi, coi băng video cải lương, phim hài, phim chưởng… đủ thứ trên đời. Cuộc sống của Bà nghĩ thật sung sướng. Bao nhiêu người già cả ở quanh cái chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh nơi đất Sài Gòn này, ước mơ có được một phần cuộc sống của Bà mà đâu có được. Họ phải đầu tắt, mặt tối, chạy xuôi chạy ngược, buôn bán tảo tần nơi lề đường, hè phố, bị công an rượt đuổi chạy có cờ… để kiếm miếng ăn cho no cái bụng thôi mà cũng không nổi.
Bà Năm có đứa con gái vượt biển rồi đi Mỹ mà cuộc đời sướng như thế đó. Người ta bảo “Bà Năm ăn ở phúc đức lắm mới được đứa con gái như thế. Chớ biết bao nhiêu người, sinh con đẻ cái, gái trai cả bầy mà có làm nên cơm cháo gì đâu”.
Cuộc đời của Bà quả là sướng như tiên ở Sài Gòn rồi còn chi nữa. Bảo đứa con gái út viết thư cho chị nó, Bà cứ bảo nó viết cái tên Sài Gòn, vừa quen, vừa gọn, vừa dễ nghe, chớ đâu lại có cái tên dài lòng thòng…Thành Phố Hồ Chí Minh, nghe mệt thấy mồ.
Mỗi khi nhận được thư của đứa con gái từ Mỹ gửi về Sài Gòn cho Bà, có lúc kèm theo vài tấm ảnh… theo thói quen từ hồi có… “loại thư Việt Kiều gửi về quê”, Bà lại dúi vào tay người đưa thư mấy ngàn bạc cho người ta vui vẻ, lương tiền nhà nước làm chi đủ sống. Chu cha! Đất Mỹ đẹp quá trời! Con Nguyệt, con gái Bà, nói nó ở thành phố San Diego, tiểu bang Ca-li, một thành phố đẹp lắm. Coi những tấm ảnh, Bà thấy thành phố San Diego quả là đẹp thật. Nhà cửa, đồ đạc, xe cộ của con gái Bà sao mà đẹp chi lạ! Hai đứa con trai của nó trong ảnh còn đẹp hơn cả mấy đứa trẻ trong những bức tranh Tầu ôm quả đào tiên nữa lận. Con Nguyệt nó bảo làm thủ tục bảo lãnh cho Bà sang Mỹ ở với nó. Nó bảo Bà già rồi, sang Mỹ khỏi có phải làm ăn chi hết, rồi ít lâu sau thành dân Mỹ, lại có tiền chính phủ nuôi, chỉ ở nhà chơi với cháu thôi. Bà muốn coi cải lương hả? Băng Video phim Việt Nam, phim Tầu, phim chưởng Hồng Kông nhiều vô số kể. Chẳng thiếu thứ gì. Nó mua, nó thuê về nhà cả thùng lận. Bà tha hồ mà coi. Bà muốn đi Chùa hả? Nó lái xe Mỹ, xe Nhật êm ru bà rù, chở Bà đi đây, đi đó, chỉ nháy mắt là tới nơi, chớ đâu có phải đi bộ mỏi cả giò, đổ mồ hôi hột hay đi xích lô chạy loạng quà loạng quạng, cứ như muốn ủi vào xe lam, xe đạp, xe Honda, ô tô con, ô tô mẹ, chạy tưới hạt sen, lộn xộn xà ngầu… kinh khủng, muốn chết quá!
Mấy năm trước, khi Ông Cụ còn sống mà ai nói tới chuyện kéo Ông đi Mỹ sống với con gái là Ông chửi toáng cả lên: “Không có đi đâu cả! Ở quê nhà với bà con, chòm xóm bạn bè, mồ mả Tổ Tiên không sướng hơn hay sao? Tiền bạc nó gửi về, ngồi mà ăn đến chết cũng không hết. Già cả rồi, sang đó làm nên cái giống chi mà làm?
Thế nhưng từ ngày Ông Cụ mất đi, Bà Cụ thấy buồn buồn làm sao ấy. Thiếu người bầu bạn. Đôi khi có cằn nhằn gấu ó với nhau về cái chuyện “Đi hay ở” thật đấy, nhưng lúc này Bà Năm mới cảm thấy cô đơn, cô đơn thưc sự. Người già có cái tình yêu thương cũng như nỗi cô đơn của người già. Thế là càng ngày Bà càng cảm thấy cần phải đi Mỹ để sống với đứa con gái mà Bà từng mang nặng, đẻ đau, rồi còn gian nan về những phen chạy giặc, chiến tranh nữa chớ. Bà phải đi Mỹ để sống với hai đứa cháu ngoại trong ảnh thật dễ thương. Lắm lúc Bà ngồi một mình mà nước mắt rưng rưng, Bà thương đứa con gái hiếu thảo và hai đứa cháu ngoại quá chừng chừng…
Sáng nay, Bà gọi con Lan, đứa con gái út, dậy thật sớm để kịp ra phi trường Tân Sơn Nhất. Máy bay cất cánh lúc 7 giờ sáng nhưng xe đón từ lúc 5 giờ. Bà Năm có 2 đứa con gái, con Nguyệt là lớn, vượt biển đi Mỹ đã hơn 2 chục năm. Con Lan là thứ nhì mà cũng là út, lúc ấy còn bé tí ti. Bây giờ con Lan lớn tướng rồi, đã vào Đại Học và theo mấy khoá tiếng Anh.Chị nó bảo “Sang Mỹ, con Lan sẽ vào Đại Học, tha hồ mà học.” Con Lan đang ở cái tuổi mới lớn, nó còn thích đi Mỹ hơn cả bà Năm nữa, tuy rằng đi Mỹ thì nó phải xa vô số bạn bè, thân thiết, đã từng gắn bó với nhau trong những tháng ngày khốn khổ, gian nan, kinh hoàng nữa chớ. Nó nghĩ lại mới ngày nào đó, vậy mà Chị nó đi Mỹ cũng đã hơn 2 chục năm, mau dễ sợ! Nó tính trong đầu: sang Mỹ chịu khó mất 4 năm thì cũng lấy xong cái B.S. hay B.A. chi đó như Chị nó nói. Học thêm vài năm cũng lấy được cái bằng Master cho nó hách, rồi đi làm. Thế là sẽ có vô số tiền. Nó sẽ đáp máy bay từ Mỹ về Sài Gòn. Lúc đó là đi thẳng cái một, khỏi có… quá cảnh xứ này, nước nọ lôi thôi. Bạn bè của nó kéo cả băng, cả đoàn đi đón. Vui ơi là vui! Nó sẽ cho tiền những đứa bạn nào nghèo khó, chồng con vất vả đầu hôm sớm mai. Nó sẽ lôi hết bạn bè cũ cùng học lớp 12 với nó ở Sài Gòn, thuê vài cái xe đi chơi khắp mọi chỗ kêu bằng… danh lam, thắng cảnh, quay video, chụp ảnh, đi ăn nhà hàng chết bỏ… cho bõ ghét những ngày… con nít chẳng dám đi đâu hay làm cái gì…
Có tiếng xe pin! pin! ở ngoài cổng. Người ta tới đón mẹ con Bà Năm ra phi trường. Bà con, bạn bè lối xóm bu lại, nước mắt ngắn dài, kẻ ở người đi… Ôí! Cảnh biệt ly sao mà buồn thế! Mẹ con Bà Năm với mấy cái va-li bự chảng, hai cái xách tay nho nhỏ đã lên xe. Một số bà con thân thiết cũng leo lên xe để tiễn mẹ con bà Năm tới tận phi trường. Một số bà con ở lại, vẫy tay từ biệt khi cái xe 12 chỗ ngồi đã từ từ lăn bánh.
Bà Năm cố nhìn lại cái xóm cũ đã gắn bó, sống chết với Bà từ bao nhiêu năm nay. Những dẫy nhà hai bên đường phố chạy thụt lui lại phiá sau cùng những bóng cây, cột đèn, thân thương quá đỗi. Vài chiếc xích-lô đưa khách sớm, dăm cái xe đạp, vài chiếc Honda rồ máy chạy ào ào… Tự nhiên Bà Năm thấy nhớ, thấy thương Sài Gòn quá đi mất thôi. Vậy mà Bà nỡ bỏ nó để đi xa, chẳng biết bao giờ mới trở lại nơi này.
Bác tài xế bấm còi pin! pin! khi tới chỗ ngã tư đông người lộn xộn làm con Lan giật mình khi còn đang ngủ gà, ngủ gật vì sáng nay nó phải dậy sớm. Xe qua cổng phi trường, vòng qua vòng lại rồi đậu phiá trước một ngôi nhà đông nghẹt những người.
Hai mẹ con Bà Năm đã lọt vào trong căn phòng “cách ly” để lạï bên ngoài số bà con, bạn bè thân thiết với bao nhiêu nỗi niềm thương nhớ đến độ xót xa. Thoát được cái cảnh lo sợ bị rạch túi, mất giấy tờ, tiền bạc như thiên hạ vẫn đồn đại, Bà Năm thấy an tâm đỡ khổ. Bà Năm đã già, lẩm cẩm, may mà có con Lan đi theo chớ không dám chết quá. Bà có biết trời trăng, mây nước gì đâu. Hết nạp giấy tờ, kêu tên, rồi nạp tiền đủ thứ linh tinh. Đến chỗ mấy ông, mấy bà công an áo vàng, cầu vai đỏ choé, bà hơi run khi thấy họ lục xét, bới tung đồ đạc của mấy người đi trước. Con Lan hích hích cùi chỏ rồi thò tay bấm Bà “Má để con!” Con nhỏ này nó học ở đâu mà bữa nay nó lanh… như quạ, dấm dúi tiền bạc cho đám công an bằng những cái phong bì “có nhân” ở bên trong. Kẹt quá, nó dúi đại cả mớ tiền Hồ vào tay bọn công an tỉnh bơ, chẳng còn coi ai ra gì cả. Công việc đi qua nhanh như gió. Cuối cùng một lão công an, mặt lạnh như tiền, hất hàm hỏi “Bà và Cô có đem theo đôla không?” – “Thưa không!” – “Thế còn giữ tiền Việt Nam không?” Con Lan lại hích hích cái cùi chỏ vào ba sườn Mẹ nó. Bà Năm lôi trong người ra cái phong bì to bự đựng mớ tiền Hồ còn lại, đưa cho lão công an, miệng líu ríu “Còn lại mấy trăm ngàn, xin biếu… đồng chí uống cà phê.” Lão công an phì cười khi nhét cái phong bì vào ngăn kéo bàn gần đó nhanh như người ta làm xiệc. Lão ta cười chắc là vì lão ta có đồng chí đồng choé gì với Bà Năm bao giờ đâu…
Hành khách lên xe, ra chỗ máy bay đậu. Ngồi trong máy bay rồi, con Lan buộc dây lưng an toàn cho Mẹ. Sau một hồi gầm gừ, lắc lư, chiếc máy bay Hàng Không Việt Nam từ từ cất cánh. Bà Năm nhăn mặt vì khó chịu, nôn nao trong người. Ngồi cạnh cửa kính máy bay, Bà Năm thấy phố xá, đồng ruộng quanh vùng Sài Gòn lu mờ, xa dần rồi mất hẳn. Chung quanh chỉ còn là mây trắng xoá, mịt mờ…
Nỗi buồn xa xứ ở đâu tự nhiên kéo đến. Hai hàng nước mắt chạy quanh. Con Lan giương tròn đôi mắt nhìn Mẹ nhưng chắc là nó không làm sao hiểu nổi. Máy bay dừng lại ở Thái Lan để chuyển sang máy bay quốc tế, nghe nói bự lắm. Con Lan lúc này lanh lẹ, dễ thương vô cùng. Nó thương Mẹ nó. Nó lo cho Bà đủ chuyện trong chuyến đi nửa vòng trái đất đầu tiên và chắc cũng là cuối cùng của đời Bà. Mới ăn có một bữa trên máy bay với một bữa ở khách sạn để chờ chuyển máy bay mà Bà Năm đã thấy nhớ món cá lóc nấu canh chua, cá nục kho khô, nhất là điã giá sống… Con Lan cứ ăn tỉnh bơ, ào ào hết sạch. Con gái 17 bẻ gẫy sừng bò còn được, huống hồ năm nay nó đã lớn tướng, dư sức lấy chồng được rồi. Bà lẩm cẩm lo nghĩ vẩn vơ “Nếu cứ ăn uống hoài kiểu này chắc chết quá!” Mà không, con gái Bà nó bảo ở bên Mỹ đồ ăn không thiếu cái chi cả. Chợ Mỹ, Chợ Tầu, chợ Việt Nam có đủ hết. Tha hồ mà làm… bún bò giò heo, bún cá, phở, mì, bánh canh, bánh xèo, chả giò, bánh cuốn… Tự nhiên Bà Năm lại thấy… lên tinh thần.
Người ta hướng dẫn Mẹ con Bà Năm lên cái máy bay to chi lạ. Nghe nói nó chở cả mấy trăm con người và vô số đồ đạc, va-li, thùng, xách, linh tinh. Dễ sợ thật! Bà thấy hành khách đông vô số kể, ngồi trông tưà tưạ như cái rạp cải lương ở gần Chợ Bà Chiểu thân quen của Bà. Mấy cái màn ảnh chiếu phim cả ngày cả đêm, hoạ hoằn mới cho chúng nó… giải lao nghỉ xả hơi một lúc. Cứ độ 2 tiếng đồng hồ, mấy cô tiếp viên lại đẩy cái xe đi quanh, dọn ăn, dọn uống cho khách. Bà nghe nói ở Mỹ cả chục triệu người béo phị, đi không nổi. Chắc tại họ ăn uống lu bù tối ngày sáng đêm như thế này chăng. Bà ăn đâu có nổi, Chỉ có con Lan là cứ tỉnh bơ như sáo sậu, hết coi phim lại ăn, lại uống. Bà bảo con Lan “Con ăn nhiều thế, mai mốt béo phị ra thì ai nó thèm lấy!” Con Lan phì cười “Má đừng có lo! Con biết hết trơn rồi.”
Máy bay hạ cánh xuống phi trường Mỹ. Con Lan bảo là Phi Trường quốc tế Los Angeles. Bà Năm mệt mỏi nhừ tử cả người, đứng lên muốn hết nổi.Máy bay bay miết, bay hoài, dễ chứng cả ngày lẫn đêm chi đó.. Bà Năm thấy cái lối sống ở trên máy bay và chắc cả ở Mỹ nữa nó không đơn giản như ở quê nhà, nơi gần chợ Bà Chiểu. Cái chi cũng máy với móc, lộn xà lộn xộn, không biết đâu mà rờ cả.
Máy bay hạ cánh xuống phi trường Mỹ. Con Lan bảo là phi trường quốc tế Los Angeles. Bà Năm mệt mỏi nhừ tử cả người, đứng lên muốn hết nổi. Con gái Bà, con Nguyệt sẽ lái xe từ San Diego lên đón Mẹ con Bà ngay tại nơi này. Người đâu mà đông thế? Người ta ăn mặc thật là kỳ cục. Cả đời, bây giờ Bà mới thấy người ta ăn mặc chẳng giống dân Sài Gòn của bà tí nào. Đàn ông, con trai thì lắm người mặc áo để phanh cả bộ ngực lông lá tùm lum. Có người ăn mặc đồ lớn như dân Sài Gòn đi ăn cưới, có người chỉ mặc có mỗi chiếc áo “may-ô ba lỗ”, có người cởi trần trùng trục đi lại tự nhiên, thoải mái. Đàn bà con gái cũng mặc quần, mặc váy như mấy cô, mấy bà hạng sang ở sài Gòn, nhưng có nhiều người lại mặc váy, quần cụt, ngắn cũn cỡn trông chẳng giống ai. Ở chỗ đông người thế này mà đàn bà con gái chi lạ, cứ như ở trần, ở trên thì vú vê to nung núc, rùng rà rùng rình, để ra cả đống cho người ta coi, ở dưới cứ như là… để ra ngoài hết trơn, cái quần, cái váy ngắn tí teo, lại còn xẻ rạch lên một khúc nữa… Trông dễ sợ quá! Bà Năm không biết con gái mình, con Nguyệt nó có ăn mặc như thế này không? Nếu nó lại bắt Bà phải ăn mặc như thế nữa thì không biết rồi ra làm sao, liệu Bà sống nổi hay không ? Tự nhiên Bà chặc lưỡi … kệ nó tới đâu thì tới, đã đến đất Mỹ thì cũng như… đã leo lên lưng cọp rồi, tụt xuống đâu còn được nữa. Thôi thì… cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem… đất Mỹ xoay vần tới đâu.
Sau khi làm thủ tục giấy tờ này nọ, Mẹ con Bà đẩy xe hành lý ra phiá ngoài. Còn đang ngơ ngác thì con gái Bà, con Nguyệt, đã la lên “Má! Má Con đây nè!” Con gái Bà lúc này nó cao, nó to con, nó đẹp như “đầm” ấy, Bà nhận ra không nổi. Nó chỉ người đàn ông đứng bên cạnh “Đây là chồng con. Đây là hai đứa cháu ngoại của Má! Và đây là bạn bè của con…” Con Lan đứng sau lưng Bà, bây giờ mới đến phiên người ta ôm lấy nó cứng ngắc, hỏi thăm rối rít tít mù, làm cho nó đỏ bừng cả mặt, cả tai …
Mấy cái xe Mỹ, xe Nhật bóng láng đưa Mẹ con Bà Năm về nhà con gái. Bà thấy cái chi cũng lạ. Nhà to và đẹp quá, nhưng không bầy đồ đạc tùm lum tà la như nhà của Bà ở gần Chợ Bà Chiểu. Con rể và con gái Bà chắc hẳn giầu lắm. Hai đứa cháu ngoại thì cứ nhìn Bà mà nói với nhau bằng thứ tiếng gì Bà không hiểu. Chắc là tiếng Mỹ! Vợ chồng con Nguyệt nói với Bà thì bằng tiếng Việt, còn khi chúng nó nói chuyện với nhau lại bằng tiếng Mỹ chi đó, làm Bà chẳng hiểu chi hết trơn.
Gặp mấy ngày nghỉ cuối tuần, bà con bạn bè người Việt ở gần, nghe tin Bà Năm sang Mỹ, cũng kéo tới thăm. Bà cũng thấy vui vui một chút. Cơm nước bầy ra đầy cả bàn, nhưng Bà ăn sao nó dở ẹt, không bằng món cá bống kho tiêu, cá lóc nấu canh chua của Bà ở Sài Gòn. Chúng nó lấy xe chở Mẹ con Bà đi chơi tùm lum đủ chỗ, đẹp mắt và to lớn, vĩ đại vô cùng. Sạch sẽ nữa chớ, không có tạp nhạp, lộn xộn, dơ dáy như cái xóm cũ của Bà.
Mấy ngày đầu đoàn tụ qua đi. Vợ chồng con Nguyệt đi làm, hai đứa cháu ngoại được đưa đến trường học con nít. Chỉ còn Bà với con Lan ở nhà, cái nhà rộng thinh rộng thang, phòng dưới nhà, phòng trên lầu, đủ kiểu. Chẳng bù với cái nhà của Bà gần Chợ Bà Chiểu, chỉ có một cái phòng để ngủ, một phòng cho khách ngồi chơi, còn lại là nhà bếp với bộ bàn ghế ăn cơm và linh tinh đủ thứ. Ấy vậy mà mới ở Mỹ chưa được một tháng, Bà Năm đã lại thấy nhớ nhung luyến tiếc nếp sống của Bà, một bà già hiền lành, chất phác, ở gần chợ Bà Chiểu. Đến cái ngày con Lan được Chị nó dẫn đi học ở cái trường nào đó xa lắm, phải đi bằng xe hơi, chớ không có đi bộ hay đi xe đạp được đâu. Thế là chỉ còn có một mình Bà ở lại với ngôi nhà to lớn rộng thênh thang mà thôi. Lúc này, Bà thấy quả thiệt là buồn, cái buồn miên man khó tả. Con Lan đã chỉ cho bà cách bật Ti Vi bằng cái… bấm cầm tay. Bật máy lên thì Bà chỉ thấy toàn là đánh lộn, la hét um xùm. Bật sang kênh khác thì lại bắn súng đùng đùng, máu me tùm lum. Bà ráng thử bật sang kênh khác nữa. Trời đất quỷ thần! Một lão đàn ông, một mụ đàn bà ôm nhau cứng ngắc, hôn hít cứ y như là cắn nhau vậy thôi. Rồi cả hai … nhào lên giường vật lộn.. hung hãn, trông mà phát khiếp, chi mà kỳ lạ! Chán quá, Bà tắt máy chẳng buồn lắp phim, coi cải lương với lại chưởng Tầu…. Hết đi ra lại đi vô, Bà đâm ra cứ muốn ngủ gà, ngủ vịt. Mà nằm xuống thì đâu có ngủ được…
Bà từng nghe nói thành phố San Diego là nơi ấm áp mà sao muà lạnh mới sang Bà đã thấy lạnh chi mà lạnh dữ.. Ở Sài Gòn, Bà có thấy lạnh bao giờ đâu. Buổi sáng sớm và ban đêm, ở Mỹ, Bà cứ phải mặc cả mớ quần áo, trông to bự trác như hình vẽ Ông già Nô-en vậy. Có bữa con Lan mở Ti Vi, Bà thấy cảnh động đất, mưa lụt, bão bùng, xe cộ tông nhau, người chết, nhà cửa tan tành… Ở Mỹ cái gì đối với Bà cũng vĩ đại, to lớn, dễ sợ, kinh hoàng, dựng tóc gáy, nổi da gà. Nó không yên tĩnh, hiền lành như cái vùng đất chợ Bà Chiểu của Bà.
Tối đến vợ chồng con Nguyệt mới đi làm về. Cả nhà chỉ gặp nhau vào lúc ăn cơm. Ăn xong, ai về phòng người nấy, hai vợ chồng con Nguyệt lại lấy xe đi đâu đến khuya. Bà Năm muốn chơi với hai đứa cháu ngoại. Khốn nỗi hai đứa nhỏ lại chỉ biết nói tiếng Mỹ mà thôi, Bà đâu có hiểu. Còn có con Lan thì nó lo học và làm bài túi bụi. Rảnh một tí, nó mở cái Ti Vi để coi ca nhạc mà kẻ đàn, người hát cứ như đánh vật với nhau, la hét um xùm. Hình như nó bảo nhạc Rốc, nhạc riếc chi đó, nghe đến chóng cả mặt, đau cả đầu. Không thế thì nó lại ôm cái điện thoại nói chuyện với bạn với bè. Nói liên hồi, không biết mệt. Chuyện chi mà nhiều thế?
Bà Năm đau nặng phải vô nằm bệnh viện, lắm lúc mê man rồi lại tỉnh. Vợ chồng con Nguyệt chỉ biết thương Bà, nhưng vẫn không hiểu được Bà. Chỉ có con Lan về sau nó hiểu, nó hỏi “Có phải ở đây Má buồn, Má không chuyện trò được với ai, nhất là với hai đứa cháu ngoại, Má nhớ Quê Hương, bạn bè của Má, Má nhớ mồ mả Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, Má nhớ Chợ Bà Chiểu… nên má đau, má bịnh phải không?” Bà Năm nắm lấy tay nó rồi gật đầu. Con Lan bỗng nhiên mím môi lại, nước mắt chẩy hai hàng “Sao Má không ở lại Việt Nam với chòm xóm, bạn bè, với Chợ Bà Chiểu của Má? Má không chịu đi Mỹ thì con đâu có đi! Con nhất định ở với Má cho đến khi nào Má… không còn nữa, Má đi với Ba cơ mà!” Rồi nó ôm mặt khóc rưng rức xót thương cho Mẹ, người đã suốt đời khổ cực vì chồng vì con, hình như chẳng có lúc nào để nghĩ đến chính mình… Bỗng bà Năm tỉnh táo, vẫy tay cho vợ chồng con Nguyệt cùng tới gần. Bà nắm lấy tay 2 đứa con gái, nói trong hơi thở nghẹn ngào “Má chấp nhận rời bỏ tất cả để ra đi vì Má thấy thương con Nguyệt, nó muốn Má được an nhàn, sung sướng lúc tuổi già, nhất là Má thương con Lan, Má hy sinh vì mong cho nó được ăn học nên người và có một cuộc sống tốt đẹp như Chị nó ở đất nước văn minh, giầu có, vĩ đại như thế này. Má già rồi nên không quen, nhưng Má chấp nhận… Má chỉ tiếc một điều là không được chết và nghỉ yên bên cạnh Ba con…”
Nguyệt lúc này mới cảm thấy một nỗi xót xa thật to lớn. Nguyệt đã chịu một phần trách nhiệm trong cái chết của Bà Năm. Vợ chồng Nguyệt đã không làm được một việc mà nhiều gia đình Việt Nam khác đã làm được. Đó là vợ chồng Nguyệt không để ý hay không làm được cái việc: dạy cho 2 đứa con những khi ở nhà với Cha Mẹ, tập nói tiếng Việt. Nếu hai đứa con của Nguyệt nói được tiếng Việt như nhiều đứa trẻ gốc Việt khác thì Bà Năm đã có nhiều giờ phút khuây khỏa, vui chơi, chuyện trò với hai đứa cháu ngoại mà Bà thương hết mình. Đằng này, Bà không làm sao gần gũi được với chúng nó. Khi Bà và hai đứa cháu ngoại gần nhau, thay vì chuyện trò như nhiều gia đình gốc Việt Nam khác, thì lại chỉ biết nhìn nhau như những người xa lạ ở đâu đâu ấy. Nguyệt cũng úp mặt vào hai bàn tay để giấu đi những giọt nước mắt xót thương người Mẹ già đã từ giã tất cả để đến nơi đây sống với mình. Nguyệt thương Mẹ nhưng đã không hiểu được Mẹ. Bây giờ thì mọi sự đã trễ mất rồi, không cách nào làm lại được nữa dù chỉ một lần… Nếu 2 đứa con của Nguyệt nói được tiếng Việt để Bà cháu hủ hỉ với nhau thì… Bà Năm không nói được nữa, Bà đã vĩnh viễn ra đi để được sống với chồng Bà bên kia thế giới, có lẽ gần gũi hơn với Quê Hương Đất Tổ, ở đó có nhiều bạn bè thân thiết và có cái chợ Bà Chiểu thân thương gắn bó với Bà từ những ngày khốn khổ xa xưa…
Phan Đức Minh

__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

Tuesday, May 15, 2018

ĐẠI HỎA TH ỦY PHONG TAI, PHỤC SINH CỦA QỦA ĐẤT

 
ĐẠI HỎA TH ỦY PHONG TAI,
PHỤC SINH CỦA QỦA ĐẤT
Toàn Không
      Trước khi đề cập tới ba đại tai họa, chúng ta nên biết rằng có những sự kiện xảy ra rất lâu dài, có thể nói là rất lâu dài hằng nhiều tỷ năm, đó là:
- Từ khi Thái Dương hệ (hệ thống mặt trời) được thành lập rồi, trong thời gian Thái Dương hệ tồn tại cho tới khi bị tiêu diệt, thời gian ấy rất lâu dài. (Một nhà khoa học nói: “Thái Dương hệ của chúng ta có đời sống mười tỷ năm, và hiện tại nó đã sống được một nửa rồi”.
- Từ khi Thái Dương hệ bị tiêu diệt tới khi được thành lập trở lại rất lâu dài.
- Trong khi Thái Dương hệ vẫn tồn tại, nhưng quả đất mà chúng ta đang ở phải trải qua những đại tai họa là Hỏa tai, Thủy tai, và Phong tai (Về các điểm này chưa thấy nhà khoa học nào nói tới?). Thời gian xảy ra mỗi đại tai họa ấy cũng không phải là ngắn, sẽ được trình bày dưới đây:
1). Đại Hỏa Tai:
       Tới một lúc nào đó, không còn mưa nữa, các loại cỏ cây khô héo dần; sau một thời gian, tự nhiên có mặt trời thứ hai xuất hiện, khiến cho cây cối đều chết dần; các kinh, rạch, ao, hồ nhỏ, sông nhỏ đều khô cạn. Tiếp theo, mặt trời thứ ba xuất hiện, đến lúc này cây cối đều chết khô hết cả, các hồ, sông lớn đều khô cạn, nước biển cạn mất 1/4.
       Sau đó, mặt trời thứ tư xuất hiện, các hồ sâu lớn cạn sạch, nước biển vơi đi khoảng phân nửa; rồi mặt trời thứ năm hiện ra, nước bốn biển lớn cạn dần tới gần hết; lúc mặt trời thứ sáu xuất hiện, năm châu bốn biển không còn một giọt nước, khô hết!
       Sau chót, mặt trời thứ bảy xuất hiện, thì ôi thôi! Cả cõi trần gian cỏ cây, nhà cửa, kiến trúc v.v.. cho đến tám vạn chư Thiên, núi lớn núi nhỏ, núi chúa Tu Di, ao vườn, cây trái, lâu đài cung điện, thành quách chư Thiên v.v..., tất cả đều bốc khói rồi cháy tiêu tan. Lửa cháy từ đại địa lên tới A Tu La (cõi Thần), Tứ Thiên Vương, cung Trời Đao Lợi, cung Trời Diệm Ma, cung Trời Đâu Suất, cung Trời Hóa Tự Tại, cung Trời Tha Hóa Tự Tại, cung Trời Phạm, tức là cháy hết cõi Sơ thiền. Hết thảy đều bừng bừng như một khối lửa hồng khổng lồ, chẳng có cách gì dập tắt được nữa!
       Trong khi đó lại có gíó thổi hừng hực ngọn lửa đỏ lên đến tận giáp cung Trời Quang Âm (cõi Nhị thiền), các vị Thiên Tử mới sinh ra ở cõi ấy trông thấy lửa cháy bừng bừng như thế lấy làm lo sợ và nói: “Ôi vật gì thế, vật gì thế kia mà lớn qúa?” Các vị Thiên Tử sinh trước nói: “Đừng sợ, đó là lửa, lửa ấy chỉ đến ngang đây là ngừng lại, chớ sợ”.
       Khi lửa đã đốt tiêu tan tất cả, thì từ núi Chúa Tu Di, núi lớn, núi nhỏ, của chư Thiên đều tiêu tan. Thành quách, lâu đài, cung điện, vườn ao, cây Trú Độ, các tảng đá v.v...của các cung Trời, cho đến nhà cửa, kiến trúc cây cối, của cải, vật dụng v.v...  ở thế gian đều thiêu rụi hết sạch chẳng còn gì cả!
        Đại tai họai này đã xảy ra trong một thời gian lâu dài (Giai đoạn Hoại = Khoảng 336 triệu năm). Hỏi rằng, có cái gì có thể chống đỡ nổi đại Hỏa tai khủng khiếp như thế? Có ai đang tâm gây ra như vậy, chẳng ai gây ra cả, đó chỉ là thành trụ hoại không của qủa đất hay sự tuần hoàn của vũ trụ mà thôi; có cách gì chống đỡ nổi chăng, ai tin cảnh đại Hỏa tai này? Qua thời gian lâu dài: lửa tắt, các mặt trời dần dần biến mất, đại địa nguội đi, nhưng còn gì đâu; không một giọt nước, đại địa như chết, ai mà tin được việc này? Chỉ ai riêng thấy tự mình biết việc xảy ra, chỉ có Phật thấy cảnh đại Hỏa tai này mà thôi. 
2). Đại Thủy Tai:
       Tới một lúc nào đó, những vầng mây đen hiện khắp nơi cho đến khắp cõi Quang Âm Thiên, tức là hết cõi Nhị thiền, giáp tới cõi Biến Tịnh Thiên; rồi mưa tuôn xối xả, những hạt mưa nóng như nước sôi rơi trong cuồng phong bão táp làm thành những mũi tên phá rụi tan tác các lâu đài, cung điện cõi Quang Âm Thiên, cõi Phạm Thiên.
       Mây đen vẫn vần vũ, nước vẫn sôi bỏng, gió bão vẫn quay cuồng, mưa vẫn nối tiếp phá các lâu đài cung điện cõi Tha Hóa Tự Tại, cõi Hóa Tự Tại, rồi cõi Trời Đâu Suất, cõi Trời Diệm Ma, tất cả đều tan nát chẳng còn gì. Mây đen vô tận vẫn bao phủ, mưa tuôn nước nóng bỏng không ngớt bắn phá các thành quách, lâu đài, cung điên, vườn ao, cây cối v.v… của cõi Trời Đao Lợi, Tứ Thiên Vương, A Tu La (cõi thần), núi lớn núi nhỏ, núi Chúa Tu Di. Tất cả đều tan nát tiêu tan chẳng còn gì nữa.
       Bầu trời đen tối, sấm chớp vang trời, cùng khắp quanh đại địa này, chẳng còn nhìn thấy mặt trời đâu nữa; rồi mưa tuôn nước sôi bỏng, gió cuốn vũ bão khắp cả năm châu bốn biển, mưa triền miên, nước ngập lai láng, sóng trào gió dữ. Mưa đến độ nước đã bao phủ cả đại địa này rồi mà còn vẫn mưa tuôn không ngớt, nhà cửa, cây cối, cầu cống, dinh thự, kiến trúc v.v…, tất cả đều đổ nát, cuốn đi bởi sóng nước, chìm nghỉm trong nước mênh mông. Mưa vẫn rơi, nước vẫn dâng lên dần dần khiến cho núi thấp, rồi núi cao ngập trong biển nước; nước càng tăng lên, gió càng mạnh, sóng càng dồn dập vũ bão, khiến tất cả đều tan rã, quay cuồng, chôn vùi trong lòng hành tinh bao phủ bởi nước.
       Khi đại địa này đã bao phủ bởi nước rồi, dù ngọn núi cao nhất như ngọn núi Hy Mã Lạp Sơn (cao gần chín cây số, cao nhất của trái đất) ngày nay chẳng hạn, cũng chìm nghỉm chẳng thấy đâu nữa; nhưng mưa xối xả vẫn tiếp tục, nước ngập núi Chúa Tu Di, rồi dần dần ngập cõi Trời Đao Lợi, tới cõi Trời Diệm Ma cũng chung một số phận.
      Mưa vẫn chẳng chịu ngừng, làm cho từ cõi Trời Đâu Suất, lên cõi Hóa Tự Tại, tới cõi Tha Hóa Tự Tại, cũng chung số phận nước ngập mênh mông. Đến lúc này, trái đất đã ngập nước sâu không biết bao nhiêu nghìn cây số rồi! Như thế mà đã chịu ngưng mưa đâu, rồi dần dần nước ngập luôn cõi Phạm Thiên, cho tới cõi Quang Âm Thiên cũng thế! Như từ nguồn nước vô tận, nước ngập từ cõi trần gian lên đến hết cõi Quang Âm Thiên tới giáp cõi Biến Tịnh Thiên mới thôi!
       Khi nước đã ngập cõi Quang Âm Thiên tới giáp cõi Biến Tịnh Thiên, thì mưa đã cả nghìn vạn năm rồi, các vị Thiên Tử mới sinh ở cõi Biến Tịnh Thiên trông thấy mây đen kịt vần vũ, sấm chớp giăng đầy, rúng động phiá dưới thì hoảng hốt nói: “Ôi! Đó là cái gì mà đen kịt vần vũ, chớp nhoáng ngoằn ngoèo, sấm động vang rền như thế?” Các vị Thiên Tử sinh trước nói: “Đừng sợ, mây đen mù mịt, sấm chớp vũ bão, mưa tuôn tràn ngập, chỉ đến ngang đây mà thôi, đừng lo”.
       Gió vẫn thổi, nước vẫn động, sóng luôn luôn vỗ dồn dập bập bềnh, tất cả đều nằm dưới sóng nước mênh mông, ầm ầm, cuốn đi, xô lại, xoáy đi mất hút; lúc này trái đất chìm sâu không biết là bao nhiều nghìn cây số, làm sao mà còn có sinh vật sống sót nổi trôi trên mặt nước? Có chăng là những mảnh vụn tan tác bập bềnh trên mặt nước, cuốn đi xô lại ầm ầm!!
       Vẫn như thế, hết ngày này qua năm khác cho tới vài vạn năm, thử hỏi cái gì còn có thể chống đỡ sống sót nổi đại Thủy tai này, có cách gì để chống đỡ đây? Lâu lắm mãi về sau (giai đoạn Hoại: Khoảng 336 triệu năm), nước giảm đi, rồi dần dần cạn hết, nhưng có còn gì đâu nữa? Tất cả tan nát, mất hết dấu tích, chôn vùi trong lòng đất, không một sinh vật, không cỏ cây, khô cằn, đại địa như chết vậy. Đúng, lúc ấy đại địa đã chết rồi!
       Ai đang tâm gây ra cảnh đại họa này, chẳng ai gây ra cả, đó chỉ là thành trụ hoại không của trái đất, hay sự tuần hoàn của vũ trụ; có cách nào chống đỡ nổi đây, ai tin được cảnh đại Thủy tai này? Chỉ ai riêng thấy tự biết mà thôi, phải chăng chỉ có Phật thấy thôi, còn có ai thấy cảnh đại Thủy tai này nữa không?
3). Đại Phong Tai:
       Tới một lúc nào đó, có những trận gió bão nổi lên khắp nơi, từ cõi Biến Tịnh Thiên (cõi Tam thiền) cho giáp tới cõi Quả Thật Thiên, gió bão nổi lên như điên cuồng (ít ra cũng phải trên một nghìn cây số hay sáu bảy trăm miles (dặm) một giờ) (Trong quyển Thiên văn học và Không gian (Astronomy & Space) của Lisa Miles và Alastair Smith xuất bản tại New York năm 1998, nhà khoa học cho biết ở vùng đỏ của hành tinh Mộc (Jupiter) đang có bão với tốc độ 500 cây số/giờ, và tại vùng đen tối của hành tinh Hải Vương (Neptune) có bão 2000 cây số/giờ), làm cho các lâu đài, cung điện tan nát tiêu tùng; rồi xuống đến cõi Quang Âm Thiên, cõi Phạm Thiên cũng cùng một số phận, hết thảy đều nát tan, không còn dấu vết gì nữa.
       Bão tố cuồng phong hoành hành tiếp nối tới cõi Tha Hóa Tự Tại, cõi Hóa Tự Tại, rồi đến cõi Trời Đâu Suất, cõi Trời Diệm Ma. Số phận các lâu đài, cung điện v.v… của các cõi này cũng vậy thôi, tất cả đều tan nát tiêu tùng, chẳng còn gì nữa.
       Khi loạn cuồng phong bão táp xuống tới cõi Trời Đao Lợi, Tứ Thiên Vương, A Tu La, núi Chúa Tu Di, các núi Tu Di, khiến tất cả thành quách, lâu đài, cung điện, vườn ao, cây cối v.v… cùng đều tan nát như cám. Cũng giống như có người lực sĩ khổng lồ mạnh vô song, dùng hai tay nắm hai trùy đồng mà đập vào nhau, những gì ở giữa hai trùy đồng đều bị nát ra như cám.
       Sau cùng, các cuồng phong thổi đến khắp cả xung quanh đại địa này, tất cả nhà cửa, dinh thự, cầu cống, công trình kiến trúc, cây cối, núi to lớn, núi nhỏ bé, bờ đập, đê điều v.v… đều đổ nát tan tành, vùi lấp. Các ao hồ, suối rạch, sông biển đều dần cạn sạch; các mảnh to, mảnh nhỏ, sỏi đá, cây cối, gạch ngói, đất cát, v.v… bay cao tới cả vài do tuần (3 x 18 = 48 cây số), các mảnh ấy quay cuồng chém phá khắp đại địa chẳng sót một chỗ nào, khiến tất cả đều vỡ tung, tan tác, nát tan.
       Cứ thế, hết lớp cuồng phong này tiếp nối tới luồng cuồng lốc khác, tất cả mọi lúc ở khắp mọi nơi cho giáp tới cõi Quả Thật Thiên, thì cuồng phong bão táp mới ngừng. Nên biết, đại tai họa cuồng phong chỉ ngừng trong thời gian rất lâu dài, đừng nói là một nghìn năm, không phải là vạn năm, (Giai đoạn Hoại = 336 triệu năm) thử hỏi còn cái gì có thể vững bền nổi, có chăng chỉ là những gì được chôn vùi dưới lòng đất mà thôi. Về sau, gió giảm dần, nhưng trái đất tan nát, khô cằn, trống rỗng, chẳng còn gì, không một sinh vật, không một cỏ cây, tàn tạ, im lặng như đại địa chết.
       Ai gây ra đại họa này? Chẳng ai gây ra cả, đó chỉ là thành trụ hoại không của địa cầu hay sự tuần hoàn của vũ trụ mà sinh ra như thế. Có cách gì chống đỡ nổi đây, ai tin được cảnh đại họa Phong tai này? Ai riêng thấy thì tự mình biết sự việc xẩy ra, chỉ có Phật thấy cảnh đại Phong tai này mà thôi.
       Tóm lại, chúng ta thấy những cảnh đại tai khủng khiếp như thế, mọi người nên biết tất cả đều là vô thường, thay đổi, hư hoại, không có cái gì chắc chắn, không thể nương tựa, chẳng còn gì, không ai cứu nổi. Ngay cả địa cầu to lớn như thế, vững chắc như thế, con người dựa trên đất để tạo dựng, để sinh sống, và tưởng chừng như nó sẽ vĩnh cửu trường tồn; nhưng sự thực chẳng phải thế, tất cả những gì gọi là hữu vi, vật chất, đều như thế đấy. Tất cả đều chịu sự chi phối của thành trụ hoại không, thật là đáng chán nản, vô phương cứu chữa, không đáng nương tựa, tuyệt vọng hoàn toàn; dù có được sinh lên các cõi Trời cũng vậy thôi, không thoát khỏi những cảnh đại tai họa, vậy phải làm sao? Ngồi đấy mà khóc than buồn rầu hay van xin mất thời giờ vô ích, câu trả lời là: “Phải tin mà tìm đạo giải thoát, phải tự cứu mình ra ngoài vòng sinh tử, có như vậy mới thoát khỏi những tai ách bị luân hồi khổ đau trong sáu cõi (Trời, Thần, Người, Qủy ma, Súc sinh, Địa ngục)”.
   (Còn tiếp)

__._,_.___

Posted by: Tien Do 

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List