CHỮ
TÍN
I.CÁI ĐỈNH
Nước Lỗ có một cái đỉnh
rất quý. Nước Tề bắt phải đem dâng. Vua Lỗ tiếc lắm, cho làm một cái đỉnh giả
đưa sang.
Vua Tề bảo:
Phải có Nhạc Chính Tử
đem đỉnh sang nói, thì ta mới tin.
Vua Lỗ cho gọi Nhạc
Chính Tử đến, bảo đi.
Nhạc Tử Chính hỏi:
Sao không đưa đỉnh thật?
Vua Lỗ nói:
Ta quý cái đỉnh ấy lắm.
Nhạc Tử Chính thưa:
Nhà vua quý cái đỉnh ấy
thế nào thì tôi quý cái đức “Tín” của tôi như thế.
Sau đó vua Lỗ phải đưa
đỉnh thật Nhạc Chính Tử mới chịu đi.
II. THANH GƯƠM
Quý Trát là con vua nước
Ngô đi du lịch các nước. Khi qua nước Từ vào thăm vua Từ. Vua Từ thấy Quý Trát
có thanh gươm báu, muốn xin mà chưa dám nói, Quý Trát trong bụng cũng định cho
mà chưa dâng được, vì cuộc du lịch chưa xong. Khi ở nước Tần về, thì vua Từ đã
mất rồi. Quý Trát không biết làm thế nào, đành phải đem gươm đến treo chỗ gốc
cây bên mộ vua Từ, rồi trở về
GIẢI NGHĨA
Nhạc Chính Tử:
người nước Lỗ thời Xuân Thu học trò thầy Tăng Tử
Quý Trát:
con út vua Ngô, một bậc danh nhân thời Xuân Thu
LỜI BÀN
Nhạc Chính Tử không chịu
đem cái đỉnh giả. Quý Trát không chịu về không cho gươm, đều là những người
biết trọng chữ “Tín” cả. Giá không nói là thật đã quý, mới hứa trong bụng mà cố
làm cho được lại quý hơn nữa. Ôi! Xưa nay chữ tín có giá biết ngần nào! Chữ tín
liệt rõ trong ngũ thường, người ở đời giao thiệp cốt lấy chữ tín làm chủ. Cho
nên cổ nhân có những câu như: “Nhân vô tín bất lập”(Khổng Tử) nghĩa là
không có tín thì không đứng được ở đời. “Tín vi quốc chi bảo”(Tấn Văn
Công) nghĩa là tín là cái báu của cả nước.
Nhân nhi vô tín, bất tri
kỳ khả dã
Chúng ta vẫn thường đánh
giá một con người tốt hay xấu một phần ở sự trung thực của họ trong cách sống.
Nhiều người khi ra trước đám đông, trước quần chúng với một bộ mặt khác cộng
với những lời nói sách vở hay ho và khi sống thực tế của đời thường lại có một
bộ mặt, những lời nói xa rời con người khi tiếp xúc với quần chúng. Chúng ta
cũng thường nghe và thấy các công trình, các bản thành tích không như thực tế.
Chẳng hạn các bản báo cáo thành tích học sinh đạt kết quả khá, giỏi 80-90%
nhưng kỳ thi tốt nghiệp số lượng học sinh trúng tuyển chỉ 20-30%; rồi công
trình xây dựng rải rác khắp nước bao giờ cũng hoàn thành chỉ tiêu về chất lượng
kỹ thuật nhưng lối làm ăn gian dối đã ăn sâu vào óc não nhiều người để khi kiểm
tra mới thấy rõ chất lượng thực tế yếu kém,không đúng dự án. Những câu chuyện
tưởng như đùa giỡn ấy thuộc về một trong những điều căn bản nhất từ thời thơ ấu
vẫn được cha mẹ, thầy cô giáo nhắc nhở là phải thật thà, không được nói dối,
không ăn gian...
Như thế lòng trung thực
là gì? Tại sao đạo lý làm người cần đến lòng trung thực. Đó là vấn đề ta sẽ tìm
hiểu sau đây:
I- ĐỊNH NGHĨA:
- Sự trung thực hay còn
gọi là sự thật thà, nghĩa là biết tôn trọng sự thật, không che đậy, rào đón,
quanh co. Ngược lại với sự trung thực hay thật thà là sự giả dối, không thật.
- Lòng trung thực là
tinh thần tôn trọng sự thật với sự soi sáng của lương tâm hay ý thức đạo đức.
Khổng Tử đã nói về lòng
thành thật (chữ tín) như sau: "Người mà không có lòng thành thật, không
biết có thể làm được việc gì" (Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã – L.
N, Vi Chính, II, 22). Mạnh mẽ hơn, Mạnh Tử về sau xem những kẻ chỉ biết nói
dối, nói không đúng sự thật hoặc che đậy giảm bớt đi là những kẻ không có liêm
sỉ, ông cho rằng: "Lòng biết thẹn, xấu hổ là việc lớn của con người ta.
Nếu chỉ biết lấy cơ mưu để đổi thay và lừa dối người là kẻ không biết hổ thẹn
là gì". ("Sỉ chi ư nhân đại hĩ. Vi cơ biến chi xảo giả, vô sở dụng
sỉ yên" – MT, Tận Tâm thượng).
Vì thế, khi làm điều gì
dối gian người có lương tâm, có đạo lý làm người phải biết xấu hổ; khi nói năng
những điều không thật, biến cái đúng thành cái sai người có lương tâm phải cần
soi gương để xem lại mặt mũi của mình. Ngày xưa ông bà có dạy: "Soi gương
chớ thẹn lòng mình" để nói đến những người có hành vi đạo đức luôn luôn
được ngay thẳng hầu "Ngửng đầu lên không xấu hổ với trời, cúi xuống không
thẹn với người" (Ngưỡng bất quý ư thiên, phủ bất tạc ư nhân – MT,
Tận Tâm thượng).
Ta có thể tóm tắt vào
một định nghĩa: lòng trung thực là biết sống với cộng đồng xã hội với tinh thần
tôn trọng sự thật. Đó là một trong ba đức tính mà đạo lý làm người hướng đến:
chân, thiện, mỹ.
II- CÁC BIỂU HIỆN CỦA
LÒNG TRUNG THỰC:
Trong các quan hệ xã
hội, việc giao tiếp và hành động của một con người trung thực hoặc không trung
thực có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau thông qua cử chỉ, lời nói, hành
động, thái độ tâm lý, cách sống của người ấy v.v... Tuy nhiên, chúng ta có thể
nhận thấy các biểu hiện của lòng trung thực ở các điểm sau đây:
1/ Lòng trung thực biểu
hiện qua cái ý thành thật khi giao tiếp:
Ý thành thật nghĩa là
ngay trong ý nghĩ của mình trước khi có cử chỉ, lời nói và hành động diễn ra
bên ngoài. Y thành thật là tự mình không lừa dối chính mình, cái gì xấu xa thì
lánh xa, tránh sự hôi hám, còn cái gì tốt lành nên yêu chuộng nó. (Sở vị thành
kỳ ý giả, vô tự khi dã, như ố ác súc, như hảo hảo sắc. Thử chi vị tự khiêm –
Đại Học, 6). Đồng thời sự khiêm tốn, khiêm nhường cũng là thái độ của lòng
thành thật bởi mình không dối gạt mình. Ngày nay nhiều người chỉ trong một con
người lại có nhiều khuôn mặt khác nhau. Tâm lý học gọi là nhị phân hoặc đa cực
(dualité, polymorphe) nghĩa là người không có tính chất trước sau như một mà
hay thay hình đổi dạng... Một điều ai cũng dễ nhận ra khi thấy một người không
thành thật thường hay thay đổi lời nói, thay đổi bộ mặt, thay đổi cách sống
v.v...
2/ Lòng trung thực biểu
hiện ở tấm lòng luôn lấy sự ngay thẳng để sống với mọi người:
Nếu việc trước tiên của
lòng thành thật là từ trong ý nghĩ, suy tính của mình đã phải thành thật thì
bước kế tiếp là phải sống như thế nào để lòng dạ luôn luôn ngay thẳng (Dục
chính kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý – Đại Học, phần mở đầu). Vậy thì lòng dạ ngay
thẳng là gì? Đó là tấm lòng luôn luôn giữ cái tâm của mình ở mức giữa, không
nghiêng bên này, không lệch bên kia (Trung giả, thiên hạ chi chính đạo – Trung
Dung, phần mở đầu). Và muốn cho lòng dạ được ngay thẳng phải luôn tu tập rèn
luyện. Muốn tu tập rèn luyện cho tốt phải có một nền giáo dục căn bản, chú
trọng việc dạy đạo lý làm người trước khi học những vấn đề chuyên môn để giúp
đời (kinh bang tế thế). Đức Phật cũng đề ra tám con đường chân chính (xem các
phần trên) đã cho thấy rõ là người có đức hạnh phải nên nói cho đúng, phải nên
nghĩ cho đúng, sống cho đúng và nên làm cho đúng (chánh ngữ, chánh tư duy,
chánh mạng, chánh nghiệp). Biết bao thế hệ xưa nhờ những lời giáo luân quí báu
của đạo Nho, đạo Phật đã thành những con người sống xứng đáng cho dân tộc mà
chúng ta từng đề cập một số nhân vật điển hình bên trên.
Do đó, muốn sửa mình trở
nên người sống co đạo lý theo cách nói Á đông và sống đàng hoàng như một công
dân tốt của xã hội theo lối Tây phương cần phải sống cho ngay thẳng, sống với
tấm lòng trung thực. Nếu chưa rèn luyện, sửa mình cho lòng được thành thật,
những người ấy khi nhìn vấn đề nào tham dự bàn luận hoặc hành động cũng chỉ là
kẻ "lòng không được yên ổn và bình tĩnh sẽ nhìn mà chẳng thấy gì, nghe mà
như chẳng nghe, ăn mà chẳng biết mùi vị" (Tâm bất tại yên, thị nhi bất
kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị – Đại Học, 7). Chọn điều đúng
để làm, để nghĩ và để sống sao cho lương tâm không cắn rứt, áy náy, không thẹn
với lòng mình là con đường của những con người có tấm lòng trung thực. Nói tóm
lại, sống ngay thẳng là sống với một lương tâm cao đẹp trong sáng, không thẹn
với lòng mình, không thẹn với những người chung quanh và giữ cho tư tưởng không
lệch lạc (Tư vô tù – L. N, Vi Chính, 2).
3/ Lòng trung thực biểu
hiện ở sự khiêm tốn thật thà:
Sự thật thà đi đôi với
lòng khiêm tốn. Cái gì mình biết thì nhận là biết, việc gì không rõ thì nhận là
không biết. Đó mới thật là biết (Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri. Thị
tri dã – L. N, Vi Chính, 17). Trong đời sống với nhiều mối giao tiếp xã hội, sự
thật thà sẽ giúp ta dễ thân cận, gần gũi với người chung quanh. Một con người
nói năng điêu ngoa, xảo trá, nay nói thế này, mai nói thế khác chắc chắn không
ai thích gần gũi. Nếu có tiếp xúc cũng chỉ chiếu lệ vì xã giao hoặc chẳng đặng
đừng mà thôi. Vì thế Khổng Tử cho rằng: "Những lời nói khéo léo, giả dối
sẽ làm đảo lộn đạo đức. Việc nhỏ không nhịn được ắt sẽ làm rối loạn mưu
lớn" (Tử viết: Xảo ngôn loạn đức. Tiểu bất nhẫn, đắc loạn đại mưu – L. N,
Vệ Linh Công, 26). Đồng thời, một khi trên không được ngay thẳng, thật thà bên
dưới sẽ sinh ra rối loạn (Thượng bất chính, hạ tắc loạn). Do đo, những người
làm công việc lo cho dân lấy sự ngay chính làm đầu mối sẽ như ngôi sao sáng bắc
đẩu để các ngôi sao khác hướng về (Vi chính dĩ đức, thí như bắc thần, cư kỳ sở
nhi chúng tinh củng chi – L. N, Vi Chính, 1). Và sự ngay chính thẳng thắng
chính ở chỗ lời nói bao giờ cũng trung thực, không dối lòng, không tô vẽ, không
thêm bớt v.v...Khổng Tử cũng rất ghét hạng người ăn nói không thật: "Kẻ
nào miệng nói lời hoa mỹ trau chuốt, kẻ ấy kém lòng thương người". (Xảo
ngôn lệnh sắc, tiện kỹ nhân – L. N, Học nhi, 3)
Ơ các nước văn minh, khi
chọn người hoặc để điều tra các sự việc mà người ấy làm xem có nói thật không,
người ta đã sáng chế máy phát hiện nói dối. Điều căn bản nhất để máy phát hiện
nói dối có hiệu quả nhờ vào những người chịu sự kiểm tra của máy từ nhỏ cho đến
khi lớn đều được các trường học dạy phải tôn trọng sự thật, phải biết nói thật.
Cho nên không riêng gì Á đông, các nước được xem là có nền văn minh cao đều dạy
cho các công dân tương lai của họ lòng thật thà từ thuở bắt đầu cắp sách đến
trường. Chúng ta thường thấy sự giáo dục ấy đã trở thành nếp sống, thành thói
quen nên khi đi ra nước ngoài họ vẫn giữ được sự ngay thẳng, đàng hoàng. Chẳng
hạn khi đi bộ ra đường, họ luôn luôn đi trên lề và băng qua đường ở đúng vạch
dành cho băng qua đường. Đó là sự tôn trọng luật giao thông đi theo đường ngay,
nẻo phải đã được học.
4/ Lòng trung thực biểu
hiện ở cách sống biết liêm sỉ:
Liêm sỉ là gì? Câu nói
cửa miệng hằng ngày khi nghe đài, đọc báo nói về những kẻ tham nhũng, bòn rút
ngân sách, rút ruột công trình, bỏ mặc người bệnh, chẳng đếm xỉa nỗi oan người
này, nổi khổ người kia v.v..., người ta gọi những kẻ ấy là hạng "vô
sỉ" hoặc bọn "vô liêm sỉ" hoặc "táng tận lương tâm"
v.v... Nói chung đều là những lời chê bai, dè bỉu những hành vi "vô đạo
đức", coi thường dư luận xã hội, chà đạp lên lương tâm xã hội. Chúng ta
từng nghe thấy trong lãnh vực giáo dục là nơi để nêu cao đạo đức, dạy học sinh
làm người lại có người lọt sổ, ngồi nhằm chỗ dạy học thay vì chuyên tâm làm
chuyện dạy dỗ lại "gạ tình lấy điểm", nhận quà biếu xén của sinh viên
để được nâng điểm, mua bằng... Những việc ấy chúng ta có cách chê bai thậm tệ
gọi là hạng người "vô liêm sỉ". Ta có thể tìm hiểu:
- "Liêm": là
sự ngay thẳng, trong sạch, biết phân biệt và xét đoán đâu là điều trái, là xấu
xa và đâu là điều tốt đẹp, điều hay, điều phải. Liêm sĩ (sĩ-dấu ngã) là người
làm việc nước, việc dân giữ được sự trong sạch, xét đoán rõ ràng không lầm lẫn.
Chính điều này đã được Mạnh Tử minh họa rõ hơn khi ông cho rằng kẻ làm vua hoặc
làm quan phải "vui cái vui của dân, thì dân sẽ vui với cái vui của mình;
phải lo cái lo của dân, thì dân mới lo cái lo của mình" (Lạc dân chi
lạc giả, dân diệc lạc kỳ lạc; ưu dân chi ưu giả, dân diệc ưu kỳ ưu – MT,
Lương Huệ Vương, hạ).
- "Sỉ": là sự
hổ thẹn khi làm điều gì sai trái, xấu xa không đúng khiến cho lương tâm phải áy
náy, cắn rứt. Một người ra làm việc nước giúp dân là kẻ sĩ. Khi Tử Cống là học
trò của Khổng Tử hỏi thầy: "Phải làm như thế nào đáng gọi là kẻ sĩ?",
ngài đã trả lời: "Hành vi của mình phải biết xấu hổ, tránh làm việc trái
nghĩa" (Hà như tư khả vị chi sĩ hỹ? Tử viết: "Hành kỷ hữu
sỉ" – L. N, Tử Lộ, XIII, 20). Cũng với ý ấy nhưng Mạnh Tử đào sâu và
chỉ rõ: "Lòng hổ thẹn rất lớn lao đối với người ta. Kẻ nào làm việc đổi
thay, xảo quyệt, dối gian, kẻ ấy không có lòng hổ thẹn. Và kẻ chẳng có lòng hổ thẹn
sẽ chẳng bằng người" (Sỉ chi ư nhơn đại hỹ. Vi cơ biến chi xảo giả, vô
sở chung sỉ yên. Bất sỉ nhược nhân, hà nhược nhân hữu – MT, Tận Tâm Thượng, 7).
Do đó, sống biết liêm sỉ
và có liêm sỉ là sống với lòng thành thật, không làm chuyện giả dối, xằng bậy,
không làm gì để thẹn lòng, mất danh dự và đạo lý làm người. Nói khác hơn, người
có lòng trung thực sẽ không bao giờ làm điều gì khiến cho lòng mình phải hổ
thẹn, chạm đến danh dự chính mình. Đi ngược lại với những tính cách ấy sẽ là
những kẻ mà người ta thường gọi là bọn người "vô liêm sỉ".
III- NHẬN ĐỊNH VỀ LÒNG
TRUNG THỰC:
Dân gian vẫn thường nói:
"Sự thật bao giờ cũng là sự thật". Câu nói ấy giúp ta hiểu được giá
trị đạo đức của một hành vi ngoài những vấn đề căn bản đã nêu các chương trước
đòi hỏi phải sống sao cho trung thực. Trước một sự việc có tính cách xã hội,
lịch sử hoặc đơn thuần thuộc phạm vi cá nhân riêng lẻ, người sống trung thực
khi đưa ra một nhận xét nào đều phải thận trọng trên tinh thần tôn trọng sự
thật NHƯ NÓ LÀ. Nhà khoa học thấy vấn đề như thế nào mô tả như thế ấy; hiểu đến
mức độ nào trình bày đến mức độ ấy.
Những gì chưa biết, chưa rõ, chưa xác đáng
phải nêu lên để những nhà khoa học khác cùng tham gia vào để soi sáng, chứng
minh vấn đề. Việc nhào nặn, vo tròn, bóp méo sự thật là việc mà một người có ý
thức đạo đức, lo lắng cho đạo lý làm người và sự phát triển của cộng đồng xã
hội không bao giờ hành động. Và nếu có hành động mà thấy sai trái với lương tâm
cũng nên biết dừng lại và tu sửa, rèn luyện bản thân để sống sao cho phải, cho
đẹp trong cuộc đời. Những điều đó là một trong nhiều biểu hiện của lòng trung
thực. Chính vì vậy, ông thầy của muôn đời (Vạn thế sư biểu) nhẹ nhàng phê phán
những người hay nói chứ không hay làm, lời nói thì ba hoa nhiều nhặt mà thực tế
thì ít ỏi ("Tử viết: Quân tử sỉ kỳ ngôn, nhi quá kỳ hành" nghĩa là
người quân tử, người biết đạo làm người sẽ biết xấu hổ, phải thẹn lòng vì lời
nói quá đáng tức xa thực tế, xa sự thật – L. N, Hiến Vấn, XIV, 29)
Đồng thời, trong đời
sống hằng ngày người sống trung thực sẽ nói năng, trình bày ra bên ngoài qua
lời nói trung thực toát ra ở ngôn từ. Đưa ra một số nhận xét không đúng với lời
nói không trung thực, giả dối sẽ dẫn đến sự tổn hại của đạo đức bản thân và làm
rối loạn đạo đức vì nêu gương xấu cho con cháu. Khổng Tử nhấn mạnh: "Xảo
ngôn loạn đức" (L. N, Vệ Linh Công, XV, 26) nhằm nhắc nhở vấn đề trung
thực qua việc nói năng ảnh hưởng đến đạo đức con người.
Mặt khác, một điều hiển
nhiên trong các mối giao tế xã hội mà ai cũng có thể nhận ra được đâu là người
tốt, người xấu, người có thể gần gũi, tin tưởng được khi để ý đến lời ăn nói.
Những người mà lời nói cũng như bộ dạng thẳng thắn, nghiêm chỉnh và chất phác
thật thà sẽ dễ thân cận với người chung quanh. Tâm lý học cũng cho thấy điều
ấy. Vì thế Khổng Tử đã nói: "Cương,nghị, mộc, nột cận nhân" (L. N, Tử
Lộ, XIII, 27). Và thường thì những người giản dị, có lòng trung thực thường
sống có lương tâm, sống có trách nhiệm, biết lo tròn bổn phận và giàu lòng nhân
ái. Những yếu tố này bổ sung cho nhau tuy tử số có khác nhau nhưng mẫu số chung
chính là đạo làm người.
Trong đời sống, sự thể
hiện lòng trung thực thông qua hành vi con người giúp ta nhận biết phẩm chất
đạo đức của họ. Chưa bao giờ lòng thành thật của con người và sự trung thực
trong lối sống, lối làm việc lại tụt dốc thảm hại như ngày nay.Chỉ vì đồng tiền,
vì lợi nhuận các người hành nghề buôn bán giá cả tùy tiện, hàng hóa giả tràn
lan từ những món nhỏ rẻ tiền cho đến các hàng hóa được gọi là "cao
cấp". Chỉ vì lòng tham lam, nghĩ đến lợi ích gia đình, cá nhân người ta đã
làm những công trình như đường xá, nhà cửa, trường ốc, bệnh xá v.v... với vật
liệu bị bòn rút để chia phần lợi lộc từ tiền ngân sách do dân đóng thuế. Chỉ vì
ham danh, ham lợi người ta đã chai mặt làm giả bằng cấp, chạy chọt để có được
bằng cấp vừa để thăng tiến vừa khoe khoang. Chỉ vì sự mê mờ, thiếu hiểu biết và
lòng trung thực không được ai dạy dỗ nhắc nhở ,người ta đã đổi trắng thay đen
từ chuyện hàng hóa, bằng cấp, đất đai, đường xá, nhà cửa v.v... và ngay bản
thân của nhiều con người e rằng cũng là "của giả" hay là "con
người giả dối".
Lòng trung thực không được giáo dục sẽ sản sinh ra biết
bao con người xấu xa, biết bao hiện tượng tiêu cực và tệ hại. Không có lương
tâm sẽ không có sự trung thực, không có tinh thần trách nhiệm, không có sự công
bằng nơi ý thức của mỗi thành phần xã hội. Vì thế, vì tương lai của các thế hệ
mai sau ,chúng ta hãy bình tĩnh nhìn lại mình, nhìn lại những hiện tượng xấu xa
ấy để tìm phương thức điều trị sao cho hiệu quả. Giáo dục đạo đức thường xuyên
và có phương pháp khoa học sẽ là biện pháp giúp chấn chỉnh lần hồi đạo đức con
người. Người ta không thể chỉ ngày một ngày hai mà trở nên con người tốt, người
công dân hữu ích cho xã hội. Chặng đường từ lúc cắp sách đến trường cho đến
những năm tháng đại học rất cần để rèn luyện, trang bị về ý thức đạo đức. Chặng
đường mười sáu năm để đến khi có được người hiền tài mà ngày xưa gọi là
"cử nhân" (cử người đạt được đức nhân để ra giúp nước) là một khoảng
đường quan trọng trong cuộc đời để có đủ thời gian cho việc đào luyện tri thức
và đạo đức con người. Dĩ nhiên, việc giáo dục trong học đường cũng phải đồng bộ
với bên ngoài mới mong có được lòng trung thực khắp nơi trong cuộc sống; có
được những con người trung thực sẽ làm cho bộ mặt dân tộc về con người Việt Nam
được sự tin cậy và nể trọng của bạn bè và các nước khác. Những lời hoa mỹ, đẹp
đẽ cần phải đi đôi với thực chất. Một nhà hiền triết Hy Lạp xưa có viết:
"Con người là thước đo tất cả mọi sự vật" (L' homme est la mesure de
toute chose – Protagonas 480-410 TTL). Do đó, con người muốn làm chủ mọi công
việc của xã hội, trước hết con người phải xứng đáng với hai từ "con
người". Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã viết:
"Chữ trinh còn một
chút này,
Chẳng cầm cho vững lại
giày cho tan" (C. 3161-3162)
Chúng ta có thể mượn nó
để làm thế nào củng cố, phục hồi và nâng cao đạo đức đang bị suy thoái trầm
trọng. Những hiện tượng suy thoái về đạo đức trong đó lòng trung thực bị xói
mòn và nhiều người xem là "chuyện bình thường" khiến cho chúng ta
không khỏi lo lắng cho các thế hệ tiếp nối. Chúng ta cần thấy rõ sự thật ấy để
mau chóng bắt tay vào việc xây dựng một nền giáo dục trung thực để làm thế nào
con người sống có liêm sỉ, sống cho ra người hơn.
Nhiều nhà nghiên cứu xã hội ở
các nước phương tây cũng nhận thấy các thế hệ được gọi là 7X, 8X cũng rơi vào
một hiện tượng "trống rỗng của tâm hồn", khiến con người trở nên
"vô cảm", "dửng dưng", "xa lạ" với các vấn đề đạo
đức. Trong một xã hội đang phát triển, hiện tượng "vô cảm" cùng với
các biểu hiện đi xuống của đạo đức sẽ đưa đến sự chai sạn, héo mòn của ý thức
đạo đức trong đó lòng trung thực là một trong những vấn đề đạo đức cần phải vực
dậy.
TỔNG QUAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ
ĐẠO ĐỨC CĂN BẢN
Những vấn đề đạo đức căn
bản luôn luôn là mối quan tâm của các bậc hiền triết, các nhà trí thức từ xưa
đến nay ở bất cứ nền văn minh nào. Một xã hội sống tốt đẹp đầy tính nhân văn
vừa mang bản sắc riêng biệt của dân tộc, vừa hòa nhập với các nền văn hóa đa
dạng, các thể chế chính trị khác nhau sẽ là mục tiêu hướng đến của nhân loại.
Việc tiếp thu các di sản tinh thần của truyền thống đạo đức dân tộc, vừa tiếp
thu những nguyên tắc chung về đạo đức của các dân tộc có nền văn minh khác với
sự gạn lọc, lựa chọn sẽ đóng góp vào việc duy trì và phát huy đạo đức của cộng
đồng xã hội.
Do đó, các vấn đề căn
bản của đạo đức như lương tâm, trách nhiệm, bổn phận, sự công bằng, thưởng
phạt, lòng nhân ái, lòng trung thực là những vấn đề gần gũi hằng ngày của con
người sống trong xã hội. Nó đã được nhân loại quan tâm từ hằng ngàn năm nay
trong quá trình xây dựng tôn ti trật tự của xã hội để con người sống có đạo lý
làm người vượt lên những bản năng của loài vật. "Con người là một con vật
biết suy tư" như lời một triết gia đã viết. Chính nhờ có lý trí xét đoán
nên mới có thể phân biệt được điều hay, lẽ phải hoặc sự xấu xa, điều ác.
Việc
am hiểu và biến đạo đức thành ý thức, thành nếp sinh hoạt sẽ là cơ sở của NGHỆ
THUẬT SỐNG hay là SỐNG ĐẸP. Và nói đến nghệ thuật sống là nói đến cái đẹp của
bản thân đặt trong mối tương quan với cộng đồng xã hội và thế giới. Người ta
không sống thản nhiên như loài thú mà người ta cần sống với đầu óc suy nghĩ
cùng với những nhận thức rõ ràng với các quan hệ chung quanh. Những cách suy
nghĩ cạn cợt và lối sống thực dụng, không đếm xỉa đến các giá trị đạo đức và
nhân văn sẽ là những con đường cần tránh xa vì sẽ làm băng hoại con người, tác
hại sâu sắc đến sự phát triển xã hội. Đồng thời, sống có lý trí là sống với một
ý thức về một thế giới, một nhân loại đang cùng sống với mình trên trái đất. Vì
thế, cuộc sống của con người sẽ tốt đẹp và giữ được sự ổn định, hòa bình khi
mỗi con người biết tôn trọng những con người khác trong xã hội và mỗi dân tộc
cũng biết tôn trọng sự khác nhau của các nền văn hóa khác trên tinh thần nhân
bản
Tất cả mọi người đều
chuộng sự thật, người ta thà chấp nhận một sự thật trần trụi còn hơn một lời
nói dối tốt đẹp, có thể nói, ở đâu có sự chân thành tồn tại thì ở đó có hạnh
phúc đích thực.
Một cô gái dù có xinh
đẹp, sang trọng sẽ chẳng có giá trị gì và chẳng đem lại niềm vui cho ai khi cô
ta luôn dối trá.
Người chân thành luôn
giữ được sự thanh thản trong tâm hồn bởi sự chân thành chỉ có một chân dung mà
thôi, không bao giờ ẩn dấu dưới bộ mặt khác, còn người giả dối sẽ luôn phải lo
lắng một lúc nào đó sự dối trá sẽ bị phát hiện.
Lời nói chân thành có
tính thuyết phục rất cao, một lời tỏ tình chân thật dù có vụng về vẫn khiến
trái tim người đẹp rung động hơn gấp nhiều lần những lời nói hoa mỹ mật ngọt
nhưng thiếu thành thật.
Trong cuộc sống, nếu có
giai đoạn bạn mất đi những thứ như tiền bạc, công việc nhưng nếu bạn vẫn giữ
được lòng tin thì bạn vẫn còn cơ hội vươn lên, mà niềm tin của người khác vào
bạn chính là thước đo sự chân thành của bạn. Ngày này rất nhiều nhà tuyển dụng
quan tâm và đánh giá cao phẩm chất này. Có nhiều người tuy thiếu hụt một số kỹ
năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu nhưng nếu dám thành thật thừa nhận thì họ vẫncó
cơ hội được tiếp nhận.
Nhiều quan niệm sai lầm
cho rằng thật khôn ngoan khi dối gạt được người khác, nhưng họ chỉ đạt được
những cái trước mắt rất ngắn, họ sẽ mấtđi toàn bộ tương lai lâu dài vì chỉ có
lòng chân thành mới giữ được niềm tin .
Nhà văn Sê Khốp đã nói
" Dối trá là xúc phạm người nghe và tiện hóa người nói", chính vì vậy
không nên nói dối khi không thực sự cần thiết, nói dối làm bạn sẽ cảm thấy mất
tự tin, mặc cảm tội lỗi và tự khiến mình không thể ngẩng cao đầu .
Người chân thành luôn
đem đến cho mọi người cảm giác dễ chịu, thoải mái và vì thế, mọi người luôn
muốn được ở gần họ. Không gì hạnh phúc hơn khi được sống trong một cuộc sống
tràn đầy tình yêu thương, sự chân thành và ở đó, mỗi chúng ta có thể bộc lộ con
người thật của mình .
Đôi mắt của người chân
thành cũng giống như hồ nước trong veo, soi mình vào đó, ta thấy được chiều sâu
thật sự của nó và ta thấy được con người thật của chính ta.
Hãy sống với nhau bằng
sự chân thành !
Nhân tài tiềm ẩn như
ngọc chờ mài dũa, tựa vàng trong cát chưa được công chúng công nhận, chưa bộc
lộ giá trị của mình. Nếu không phải là người có con mắt tinh đời, giỏi nhìn
người thì khó có thể phát hiện được.
Nhà doanh nghiệp muốn
nhận biết nhân tài tiềm ẩn một cách nhanh chóng, chuẩn xác, phải chú ý mấy điểm
sau:
1. Nghe họ nói, hiểu ý
chí, tấm lòng của họ
Nhân tài tiềm ẩn thường
bất đắc chí, họ ít khi nói hay nói giả dối trong những trường hợp công khai.
Lời nói của họ đa số là từ trái tim, từ đáy lòng là lời nói chứa đựng bản chất,
không màu mè, hoa mỹ. Vì thế nó càng phản ánh và biểu đạt chân thực tư tưởng,
tình cảm thật của họ. Lưu Bang và Hạng Vũ khi chưa thành danh khi gặp Tần Thủy
Hoàng uy phong lẫm liệt, mỗi người đều nói một câu. Lưu Bang nói: "Chao
ôi! Đại trượng phu là như vậy". Còn Hạng Vũ thì nói: "Ngươi có thể
lấy mà thay".
Cả hai đều có hùng tâm muốn xưng hùng, xưng bá, đều biểu
hiện hai tính cách. Lưu Bang thì tham lam, đa dục. Hạng Vũ thì dũng mãnh, thẳng
thắn. Chỉ bằng câu nói ngắn gọn, cả Lưu Bang và Hạng Vũ đều bộc lộ chí hướng vô
cùng rõ ràng.
2. Xem hành động, nhận
biết mục tiêu theo đuổi
Hành vi của một người
thể hiện sự theo đuổi mục tiêu của người đó. Một người chỉ chú ý đến ăn mặc,
thì cái mà họ theo đuổi chính là ăn ngon mặc đẹp. Một người giỏi mời khách,
tặng quà, biếu quà thì cái mà họ theo đuổi thiệt một chút nhưng được nhiều, làm
việc lớn. Một kẻ làm việc linh tinh lang tang, giỏi lịnh bợ lãnh đạo, thì cái
họ theo đuổi là tư lợi cá nhân…Bất kỳ một người nào hễ vào được vị trí mình hy
vọng, thì sẽ tìm cách để giữ cho được vị trí đó. Chỉ có những nhân tài vừa
không sợ mất vị trí, vừa không cố tìm kiếm cơ hội để thể hiện mình. Cho nên,
tất cả những lời nói, hành động đều tương đối mộc mạc, tự nhiên. Nhà doanh
nghiệp nếu nhận ra "dấu hiệu" của một tài năng trong trường hợp không
chút "đánh bóng" này, mà "dấu hiệu" thể hiện cái đáng quý
nào đó, thì mạnh dạn sử dụng họ, mười phần thì đã tin cậy tám chín phần rồi.
3. Phân tích hành động
để nhận biết tài năng
Nhân tài tiềm ẩn ở vào
giai đoạn đang trưởng thành, đang phát triển, có những người thậm chí còn ở vào
thời kỳ bắt đầu thành tài. Nhưng đã là nhân tài, tất phải có những tố chất bẩm
sinh của nhân tài. Hoặc là có sự gan dạ từ bé, hoặc là có phẩm chất đáng quý
"gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", hoặc là "Ba năm không nói,
nhưng khi nói làm kinh ngạc mọi người, hoặc là những biểu hiện vượt qua người
bình thường khác. Tóm lại, đã là nhân tài tất phải có cái khác người bình
thường. Một vị Bá Nhạc giỏi nhận biết người tài, chính là đã nhận ra con ngựa
thiên lý khi nó chưa có khả năng thi thố.
4. Nghe tiếng tăm để
đánh giá phẩm hạnh
Người giỏi nhận biết
người tài, luôn giữ được đầu óc tỉnh táo, có ý kiến độc lập của mình, không bị
tác động dèm pha. Đối với nhân tài đã thành danh không nên tán dương theo người
khác, mà nên nghe ý kiến trái ngược. Đối với nhân tài tiềm ẩn, chưa thành danh
mà được ca ngợi, thì nên lưu tâm, để ý. Từ cổ chí kim, rất nhiều nhân tài đều
là được người dùng nhận ra nhờ nghe lời khen ngợi, tán dương. Lưu Bị chính là
người đã 3 lần đến lều cỏ (Tam cố thảo lư) để mời người hiền tài Gia Cát Lượng
qua lời ca ngợi của mọi người. Người tài thương xuất thân thấp hèn. Nhưng người
xuất thân thấp hèn, hễ được mọi người ca ngợi, thì giá trị của người ấy được
"dân gian" thừa nhận, kẻ dùng người cứ mạnh dạn sử dụng
Đã muốn liễu sanh tử ngay trong đời này thì phải
giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm
các điều ác, vâng giữ các điều lành, thật sự vì sanh tử phát Bồ Đề tâm, dùng
tín nguyện sâu trì danh hiệu Phật.(Ấn Quang Đại Sư)
Phát Lòng Bồ Đề Một Hướng Chuyên Niệm
Nhiếp Cả Sáu Căn Tịnh Niệm Tương Tục
No comments:
Post a Comment