Popular Posts

Wednesday, October 28, 2020

NHỮNG LỜI KIÊU MẠN

 

NHỮNG LỜI KIÊU MẠN 

Toàn Không

     Khi Đức Phật du hóa đến núi Tỳ ha La, thuộc thành La 

duyệt Kỳ, Ngài trú ngụ trong động cây Thất Diệp (sau này tập 

kết Kinh Luật ở đây); có một vị Cư sĩ tên là Tán đà Na thuộc 

thành La duyệt Kỳ, cứ mỗi ngày thường đến chỗ Phật ngụ. 

Một hôm trên đường đi, Cư sĩ Tán đà Na nhìn bóng mặt trời 

thấy còn sớm, vì Cư sĩ nghĩ rằng Đức Phật còn đang nhập 

định, và các vị Tỳ kheo cũng còn đang thiền định; nghĩ như 

vậy, nên Cư sĩ Tán đà Na tạm thời tạt vào nghỉ chân tại rừng 

Ô Tạm Bà Lợi. 

        Lúc đó trong rừng Ô Tạm Bà Lợi có Phạm chí tên là 

Ni câu Đà cùng năm trăm đệ tử ở đó, họ đang lớn tiếng 

bàn luận chính trị. Khi Phạm chí Ni câu Đà vừa trông thấy 

bóng dáng Cư sĩ Tán đà Na từ xa đi tới, ông liền ra lệnh:

- Mọi người hãy giữ im lặng, vì có người lạ đang đi tới. 

       Từ xa, Cư sĩ đã nghe tiếng nói chuyện ồn ào, nên sau 

khi gặp, chào hỏi xã giao xong, ông nói với Phạm chí Ni câu Đà:

- Thầy tôi là Sa môn (Tu sĩ) Cù Đàm thường ưa yên tịnh không 

chịu ồn ào, không giống như các ông thường hay bàn luận ồn ào. 

       Phạm chí Ni câu Đà đáp lời:

- Sa môn Cù Đàm có lần nào cùng ông đàm luận không, ông 

làm sao biết được Sa môn Cù Đàm có đại trí tuệ? Ông ở nơi 

biên địa khác nào như trâu đui ăn cỏ, sự thấy biết của ông 

thiên lệch; Sa môn Cù Đàm thầy của ông cũng vậy, ưa bảo 

thủ những quan niệm thiên lệch, và thích ở chỗ không người; 

nếu thầy ông tới đây, chúng tôi sẽ gọi là “con trâu đui”. 

Còn việc Sa môn Cù Đàm thường tự xưng là đại trí tuệ, 

nhưng chúng tôi chỉ cần dùng một câu là làm cho ông ta bí 

lối, mà phải làm thinh; ông ta cũng ví như “con rùa thun rụt 

hết đầu đuôi bốn chân vào vỏ”, và cho như thế là yên, nhưng 

chúng tôi chỉ cần một mũi tên bắn ra là không còn chỗ trốn. 

       Bấy giờ Đức Thế Tôn (Phật) đang ở trong tịnh thất nghe 

(Ngài dùng Thiên nhĩ) Phạm chí nói những lời như thế, Ngài 

liền rời động cây Thất diệp, đi đến chỗ Phạm chí Ni câu Đà. 

Phạm chí Ni câu Đà trông thấy Đức Phật từ đằng xa đi tới, 

vội bảo các đệ tử rằng:

- Sa môn Cù Đàm đang đến đây, vậy các ngươi chớ đón tiếp, 

không cung kính, cũng không mời ngồi; trái lại chỉ một chỗ 

riêng cho ông ta ngồi mà thôi, rồi hỏi: “Sa môn Cù Đàm từ đâu 

tới? Ông dùng pháp gi để dạy đệ tử khiến  họ được tịch tĩnh ?”

       Phạm chí vừa nói xong thì Đức Thế Tôn cũng vừa tới nơi, 

các đệ tử Phạm chí tự nhiên đứng dậy nghênh tiếp và nói: 

- Qúy hóa thay Đức Cù Đàm đến đây! Vinh hạnh thay Đức 

Sa môn đến đây! Xin mời Ngài ngồi tạm chỗ phiá trước đây, 

từ lâu không được gặp Ngài, nay có việc gì Ngài lại đến đây? 

       Tại sao họ lại thay đổi thái độ một cách mau chóng như vậy? 

Đó là do oai nghi thần lực của Phật khiến ác tâm của họ bị tiêu 

tan. Sau khi Đức Phật an tọa rồi, Cư sĩ Tán đà Na cúi đầu đảnh 

lễ Phật, rồi ngồi qua một bên, lúc ấy Phạm chí Ni câu Đà nói:

- Sa môn Cù Đàm: từ đâu đến đây, ông dùng pháp gì để dạy 

đệ tử khiến họ được tịch tĩnh? 

       Đức Phật liền nói:

- Thôi đi Phạm chí: pháp của Ta dạy bảo đệ-tử từ trước đến 

nay thì không thể nào ông so sánh được, ngay cả thầy ông 

và đệ tử tu hành tịnh hay bất tịnh Ta đều có thể nói được. 

       Lúc đó các đệ tử của Phạm chí bàn tán với nhau:”Sa 

môn Cù Đàm có thần lực lớn, có trí tuệ lớn, người ta hỏi 

nghĩa lý của mình, mà mình lại nói nghĩa lý của người ta”

Khi ấy Phạm chí Ni câu Đà nói:

- Tốt lắm, xin ông hãy phân biệt rõ ràng, chúng tôi đang muốn nghe. 

       Đức Phật nói:

- Những việc làm của các ông đều thấp kém như lõa thể 

rồi lấy tay che, hoặc không nhận thức ăn đựng trong bát, 

không nhận đồ ăn khi người ta đang ăn. Hoặc không nhận 

thức ăn khi nhà người ta có người đang có thai, nhà có chó 

đứng trước cửa, nhà có nhiều ruồi, không nhận thức ăn khi 

người tu hành mời. Hoặc một ngày hai ngày cho đến bảy 

ngày chỉ ăn một bữa, hoặc chỉ ăn rau, chỉ ăn cỏ, chỉ uống 

nước cháo, chỉ ăn mè (vừng), chỉ ăn gạo sống. 

     Hoặc ăn phân bò, phân nai; hoặc ăn rễ, búp, lá, hạt; 

hoặc ăn qủa (trái cây) rụng. Hoặc choàng áo trên vai, mặc 

áo cỏ, áo vỏ cây, áo da nai; hoặc cuốn cỏ quanh mình, mang 

tấm lông, mặc áo bỏ ngoài gò mả. Hoặc không ngồi giường, 

cạo tóc chừa râu, nằm trên chông gai; hoặc nằm trên trái cây 

vỏ cứng, lõa thể nằm trên đống phân bò. Hoặc một ngày tắm 

ba lần, một đêm tắm ba lần v.v... 

       Tóm lại: các ông dùng vô số khổ hạnh để hành hạ xác 

thân như thế, ông nghĩ sao, tu khổ hạnh như vậy đáng gọi là 

thanh tịnh chăng; nếu ông cho là thanh tịnh, Ta sẽ từ trong 

cái tịnh ấy mà chỉ ra những điều bất tịnh cho ông xem. 

       Phạm chí đáp:

- Đó là những pháp thanh tịnh chứ chẳng phải là bất tịnh, 

ông cứ nói những điều bất tịnh, tôi đang muốn nghe. 

       Đức Phật bảo:

- Người tu khổ hạnh, trong tâm vẫn tự nghĩ: “Nay ta tu như thế 

này, sẽ được mọi người nể vì, cung kính, lễ bái, cúng dường”, 

đó không phải là thanh tịnh, mà là cấu uế (dơ bẩn, xấu xa, đê 

hèn, tồi tệ); người tu khổ hạnh khi được cung kính, lễ bái, cúng 

dường liền say đắm không muốn từ bỏ, luyến ái không muốn 

thoát ly, đó là luyến ái xấu xa cấu uế. 

       Khi vừa trông thấy bóng dáng người lạ đến, vội vàng 

cùng bảo nhau ngồi thiền, nhưng khi không có người lạ lại 

tự ý đi đứng, ngồi nằm, chuyện trò thỏa thích, đó là không 

chân chính, cấu uế; khi nghe chính nghĩa của người khác 

không chịu nhìn nhận, đó là kiến giải sai lầm cấu uế; nếu 

ai hỏi đúng mà tiếc rẻ không chịu đáp, đó là tư tưởng xấu 

xa cấu uế. 

       Thấy người cúng dàng Sa môn, Bà la Môn, sinh lòng 

chê bai, cản trở gièm pha, đó là cấu uế hèn hạ; nếu có thức 

ăn, tham lam giữ ăn một mình, đó là ích kỷ dơ bẩn cấu uế; 

người tu khổ hạnh mà sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói 

lời ly gián, nói lời độc ác, nói lời thêm bớt, tham lam, sân hận, 

tà kiến, đó là cấu uế. 

       Tu khổ hạnh mà lười biếng, ham vui mê mờ, không tu 

thiền định, đó là buông lung phóng đãng cấu uế; người tu 

khổ hạnh không có tín nghĩa, không giữ tịnh giới, không 

siêng năng học hỏi, kết bạn cùng người ác để làm việc ác, 

đó là cấu uế; nếu tu khổ hạnh mà thích làm những điều xảo 

trá, tìm tòi những chỗ sơ hở của người khác, đó là thấp hèn 

cấu uế. 

       Thế nào Ni câu Đà, lối tu khổ hạnh như vậy đáng gọi là 

thanh tịnh chăng? Ta sẽ từ trong pháp cấu uế của các ông 

mà chỉ ra pháp thanh tịnh không cấu uế. 

       Phạm chí Ni câu Đà đáp:

- Đó là bất tịnh chứ không phải là thanh tịnh, xin Ngài cứ 

nói những pháp thanh tịnh không cấu uế. 

       Đức Phật giảng: … 

(Còn tiếp)

NHỮNG LỜI KIÊU MẠN 

Toàn Không

Tiếp theo)

       Đức Phật giảng:

       Người tu khổ hạnh không tự nghĩ rằng: “Ta tu như 

thế sẽ được cung kính, lễ bái, cúng dường”, đó là pháp 

khổ hạnh dứt trừ cấu uế; người tu khổ hạnh khi được 

cúng dường, nhưng tâm không tham đắm, biết cách 

thoát ly, xa lià, đó là tốt đẹp không cấu uế.

       Tu khổ hạnh thường tu tọa thiền theo thường lệ, chứ 

không vì có người hay không có người đến mà thay đổi, 

đó là chân chính xa lià cấu uế; khi nghe đến chính nghĩa 

của người khác liền vui vẻ tin nhận, đó là đúng đắn không 

cấu uế; nếu có ai hỏi han liền vui vẻ giải đáp, đó là đàng 

hoàng xa lià cấu uế.

       Khi thấy người cúng dường Sa môn, Bà la Môn, 

thì vui mừng thế cho họ không gièm pha cản trở, đó là 

có tâm hoan hỉ không cấu uế; lúc nhận được thức ăn, 

không luyến tiếc tham đắm, không để dành ăn một mình, 

mà chia cho kẻ khác, đó là vị tha hòa đồng xa lià cấu uế; 

không tự khen mình chê người, đó là chân chính không cấu uế.

       Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không 

nói dối, không nói lời ly gián, không nói lời thêm bớt, không 

nói lời độc ác, không tham lam, không giận hờn thù hận, 

không tật đố tà kiến, đó là đoạn diệt cấu uế.

       Chẳng tự cao tự đại, chẳng kiêu căng ngã mạn, đó là 

xa lià cấu uế; giữ lòng tín nghĩa, thực hành hạnh báo đáp, 

giữ gìn tịnh giới, siêng năng học hỏi, làm bạn với người 

lành, lo tích chứa điều lành, đó là phạm hạnh không cấu 

uế; không xảo quyệt, không ỷ mình hiểu biết, không tìm 

khuyết điểm của người, đó là cao cả xa lià cấu uế. 

       Này Ni câu Đà nghĩ thế nào, pháp khổ hạnh như 

vậy có phải là pháp thanh tịnh xa lià cấu uế không?

       Phạm chí đáp:

- Đúng vậy, qủa thật đó là những pháp thanh tịnh xa lià cấu uế.

       Rồi Phạm chí hỏi Phật:

- Chẳng hay pháp khổ hạnh đến mức độ này có được gọi 

là kiên cố đệ nhất hay chưa? Xin Ngài cho biết.

- Chưa, đó mới chỉ là vỏ cây thôi, chưa được gọi là kiên cố. 

Này Ni câu Đà, người tu khổ hạnh tự mình không sát sinh, 

không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói 

lời ly gián, không nói lời thêm bớt, không nói lời độc ác, 

không tham lam, không giận hờn thù hằn, không tật đố 

tà kiến. Người tu khổ hạnh cũng không bảo người khác 

làm các việc ác ấy, người này đem tâm Từ trải khắp một 

phương, đến các phương khác cũng vậy, với tâm Từ 

quảng đại, bình đẳng khắp cả thế gian, không oán giận; 

với tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả cũng như thế, người tu khổ 

hạnh này mới được gọi là lõi cây. 

- Xin Ngài nói về nghĩa khổ hạnh kiên cố.

- Hãy lắng nghe, Ta sẽ nói cho.

- Vâng.

- Người tu khổ hạnh đã như lõi cây ở trên rồi, còn phải biết 

việc xảy ra trong vô số kiếp về trước, hoặc một đời, hoặc 

hai đời cho đến vô số đời, quốc độ thành hoại hay kiếp số 

trước sau đều biết hết. Đồng thời còn phải biết rõ mình 

từng sinh vào chủng tộc đó, tên tuổi như thế, từ đó sinh 

về đây, từ đây chết đi rồi sinh về kia; tất cả những việc từ 

vô số kiếp như thế đều nhớ cả, đó là người tu khổ hạnh 

kiên cố không hoại. 

- Xin Ngài giảng thế nào là pháp khổ hạnh bậc nhất?

- Hãy lắng nghe, Ta sẽ nói cho.

- Vâng, thưa Đức Thế Tôn, con đang muốn nghe.

- Này Ni câu Đà, những người tu khổ hạnh đã không làm 

mười điều ác, cũng không bảo người khác làm mười điều 

ác; vị ấy đem trải tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả rải khắp thế gian. 

Vị ấy tự biết việc xảy ra cho chính mình trong vô số kiếp, 

và vị ấy có thể dùng thiên nhãn thanh tịnh quán sát các 

loại chúng sanh thấy họ chết đây sinh kia, sinh ở cõi tốt, 

cõi xấu đều thấy biết hết. Lại còn thấy rõ có chúng sanh 

thân làm điều ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ việc ác, hủy 

báng thánh hiền, tin theo tà đạo dị kiến, sau khi chết bị 

đọa vào ba cõi dữ là Địa ngục, Súc sinh và Ngạ qủy. 

Vị ấy còn thấy biết có chúng sanh làm các điều lành, 

miệng nói các lời chân thật, ý nghĩ các việc tốt lành, 

ca ngợi thánh hiền, tu hành chính tín, và sau khi qua 

đời được sinh vào cõi tốt là cõi Trời hoặc cõi Người 

có địa vị giàu sang. Vị ấy với thiên nhãn thanh tịnh 

thấy chúng sanh theo hành nghiệp (việc làm, lời nói, 

ý nghĩ) mà chết đi ở cõi này và sinh đến cõi kia, không 

có gì mà không thấy không biết, đó là khổ hạnh thù 

thắng bậc nhất. 

       Đức Phật giảng tiếp:

- Còn có pháp thù thắng hơn nữa mà Ta thường đem giảng 

dạy cho hàng Thanh văn, và họ nhờ pháp ấy mà tu được 

phạm hạnh, trở thành bậc Thánh.

       Bấy giờ các đệ tử Phạm chí đồng nghĩ và bảo nhau: 

“Nay chúng ta mới thấy được Đức Cù Đàm là tối thượng, 

Thầy ta không thể so sánh được”. 

       Khi ấy Cư sĩ Tán đà Na nói với Phạm chí Ni câu Đà:

- Trước đây ông đã nói như thế này: “Hễ thấy Sa môn Cù 

Đàm đến đây, chúng tôi sẽ gọi là “con trâu đui”. Chúng tôi 

chỉ một câu là đủ làm cho Sa môn Cù Đàm bí lối mà phải 

làm thinh như con rùa thun cả đầu, đuôi, bốn chân vào 

trong vỏ và cho thế là yên; nhưng chúng tôi chỉ cần một 

mũi tên bắn ra là Sa môn Cù Đàm không còn chỗ trốn”, 

sao ông không đem những lời này ra làm bí lối Đức Thế Tôn?

       Phạm chi cúi mặt lặng thinh không nói năng chi cả, 

Đức Phật hỏi Phạm chí:

- Trước đây ông có nói như vậy không?

- Thưa có, qủa thật tôi có nói, nếu tôi biết như vầy, tôi đã 

chẳng dám nói như thế đối với Đức Cù Đàm.

- Ông khá không nghe các bậc tiền bối thường nói: “Chư 

Phật, Như Lai thường ưa ở núi rừng thanh vắng”, như Ta 

ngày nay ưa ở chỗ vắng, chứ không như các ông chỉ 

thích ở chỗ ồn ào, nói chuyện vô ích suốt ngày.

       Phạm chí nói:

- Tôi có nghe nói chư Phật trong quá khứ ưa chỗ vắng, 

độc cư trong rừng như Thế Tôn ngày nay, chẳng như 

chúng tôi ưa chỗ ồn ào, nói điều vô ích suốt ngày.

       Đức Phật bảo:

- Ông há không biết Sa môn Cù Đàm hay thuyết pháp 

về đạo Bồ đề (Giác ngộ) rằng: “Không những tự điều phục 

mình mà còn điều phục cho kẻ khác, không những dứt phiền 

não cho mình mà còn dứt phiền não cho kẻ khác. Không 

những tự mình qua đến bờ giác giải thoát, mà còn độ cho 

người khác đến bờ giác giải thoát”. 

       Khi ấy Phạm chí Ni câu Đà, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, 

đến trước Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ, tay sờ chân Phật, tự 

xưng tên mình và nói:

- Con là Ni Câu Đà, nay xin quy y Phật, con xin đảnh lễ dưới 

chân Ngài.

       Đức Phật dạy:

- Thôi đi Ni câu Đà, hãy đứng dậy, chỉ cần tâm ông hiểu lời 

Ta nói, là đã đảnh lễ Ta rồi. 

       Lúc đó Phạm chí Ni câu Đà lại đảnh lễ một lần nữa 

dưới chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, Đức Phật đạy tiếp:

- Này Ni Câu Đà, chớ nghĩ rằng: “Như Lai vì lợi dưỡng (lợi 

lộc về cơm áo vật chất v.v…) mà thuyết pháp, vì nếu có lợi 

dưỡng thì Ta bố thí hết cho ông. Ta thuyết Pháp vi diệu 

(tinh tế tột cùng) bậc nhất với mục đích diệt trừ làm việc 

ác, và tăng trưởng làm việc thiện của chúng sanh mà thôi”.

       Ông không nên nghĩ: “Như Lai vì muốn được sự tôn 

trọng, vì muốn được tiếng khen, vì muốn là người dẫn 

đầu nên nói pháp. Nay quyến thuộc của ông Ta trả hết 

cho ông, Ta thuyết pháp với mục đích diệt trừ điều ác, 

tăng trưởng điều thiện của chúng sanh mà thôi”.

       Cũng chớ nghĩ rằng: “Như Lai sẽ đặt ông ở nơi 

thiện pháp thanh bạch, mà chính ông phải tự mình ở 

nơi thiện pháp và siêng năng tu hành. Có như vậy, 

Như Lai sẽ nói thiện pháp thanh bạch cho ông để diệt 

trừ điều ác tăng trưởng điều thiện”.

       Lại nữa, ông đừng nghĩ: “Như Lai vì muốn làm thầy 

cho nên thuyết pháp. Ta trả ông lại cho thầy ông, Ta chỉ 

nói pháp cho ông nghe mà thôi”.

       Sau cùng, nếu ông cho rằng: “Ta có thiện pháp 

tương ưng thiện, giải thoát tương ưng giải thoát, nhưng 

Sa môn Cù Đàm đoạt của ta”, Ông chớ nghĩ như vậy, 

Ta trả lại pháp của ông cho ông, Ta chỉ giảng pháp cho 

ông nghe thôi. 

       Lúc bấy giờ cả hội chúng đều yên lặng, không có một 

ý niệm nào, không có một ai lên tiếng gì cả, vì do ma ngu 

si ám. Đức Phật thấy vậy, liền bảo Cư sĩ Tán đà Na:

- Ta muốn trở về Tịnh thất, ông hãy đi với Ta.

       Đức Phật đứng dậy, nắm tay Cư sĩ Tán đà Na, rồi 

Ngài vận dụng Thần túc nương hư không mà đi trước 

sự ngơ ngác của mọi người..,. 

 

__._,_.___


Posted by: Tien Do <

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List