Popular Posts

Tuesday, December 30, 2014

NGƯỜI ĐÀN ÔNG VÔ GIA CƯ ĐÃ TIÊU 100 USD NHƯ THẾ NÀO?





NGƯỜI ĐÀN ÔNG VÔ GIA CƯ ĐÃ TIÊU 100 USD NHƯ THẾ NÀO?
(How Does A Homeless Man Spend $100?)




Đó là tựa đề một video clip ngắn  đăng tải trên Youtube ngày 22-12-2014.

2014 được lan truyền một cách nhanh chóng khi chỉ trong 2 ngày đã có tới hơn 10 triệu người xem. Tác giả video clip này là Josh Paler Lin. Lin nói rằng anh đã bí mật làm một cuộc thử nghiệm để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi "chuyện gì sẽ xảy ra nếu đưa tiền cho một người vô gia cư".

Để trả lời câu hỏi này, Josh Paler Lin - một công dân rất trẻ của thành phố Anaheim, bang California - đã tặng một người đàn ông vô gia cư 100 Mỹ kim và bí mật theo dõi xem ông ấy sẽ làm gì với số tiền vừa mới nhận được.

Người đàn ông vô gia cư tên Thomas tỏ ra ngạc nhiên trước hành động của Josh Paler Lin và giải thích một cách đơn sơ rằng anh ta chỉ cần đủ thực phẩm mà thôi. Tuy nhiên Josh Paler Lin vẫn trao 100 USD cho Thomas làm người đàn ông vô gia cư này cảm động không thể nói nên lời. Sau đó, Josh Paler Lin bí mật theo dõi người đàn ông với camera ẩn dấu và những hình ảnh thu được từ camera làm anh vô cùng xúc động.

Người đàn ông vô gia cư đã bước vào một cửa hàng bách hóa và trở ra với một túi đầy thực phẩm. Sau đó ông ta đi đến một công viên và chia số thực phẩm vừa mua gồm khoai tây chiên, bánh và nhiều thứ khác nữa cho những người vô gia cư khác với lời chúc “Happy holiday”.

Theo dõi diễn biến câu chuyện, Josh Paler Lin quyết định đến gặp Thomas và nói rõ sự thật câu chuyện. "Tôi cảm thấy thiếu nợ ông một lời xin lỗi. Đáng ra ông phải được đến cửa hàng sớm hơn. Ông đã làm tim tôi rung động (touch may heart)”, anh nói và tặng Thomas thêm một 100 Mỹ kim nữa.

Josh Paler Lin còn lắng nghe câu chuyện của người đàn ông vô gia cư đã trở nên tay trắng như thế nào."Tôi từng sống với cha mẹ. Bố dượng của tôi bị ung thư. Ông ấy phải vào bệnh viện nhưng không qua khỏi. Tiền bảo hiểm phải trả rất nhiều. Tôi mất việc làm, căn nhà của bố mẹ tôi bị bán đi và tôi trở thành một người vô gia cư", Thomas cho biết.

Josh Paler Lin  đã nói trên trang mạng: "Thật lòng tôi không mong đợi gì ở đoạn phim này mà chỉ nghĩ đó là một cách tìm hiểu về người vô gia cư. Nhưng tôi thật hạnh phúc khi được chứng kiến một khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Đó là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Tôi không chỉ giúp đỡ một người đàn ông vô gia cư mà tôi thực sự được gặp một con người đáng kinh ngạc và một người bạn. Tôi đã theo dõi anh một vài dặm trong gần một giờ hoặc lâu hơn. Sau ngày hôm đó, tôi đã đưa anh ra ngoài ăn và đưa anh ta về một khách sạn ngủ đêm. Càng nói chuyện với anh, tôi càng cảm nhận được thế nào là thật, .... Tôi đã cho anh số điện thoại của tôi và nói với anh ấy gọi cho tôi khi anh ấy cần giúp đỡ. Điều này một lần nữa chứng minh rằng không phải tất cả những người vô gia cư là người xấu. Không bao giờ đánh giá một cuốn sách bằng bìa của nó.” 

Hôm thứ ba, một ngày sau khi đoạn video được đăng và đã đạt hơn 6 triệu người xem, Josh Paler Lin  đã quyên góp được hơn $36,000 trên một trang gây quỹ Indiegogo.com nói rõ quỹ này sẽ cung cấp cho một "khởi đầu mới" với Thomas giúp người vô gia cư.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
__._,_.___

Posted by: Nhat Lung 

Monday, December 29, 2014

Giọt Máu Rơi Của Người Lính Chết Trẻ - Câu chuyện thật

Giọt Máu Rơi Của Người Lính Chết Trẻ - Câu chuyện thật - rất hay !
 
Với 14 bài viết trong năm, trong đó có bài "Chú Lính Mỹ" tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Bài viết mới nhất của Phùng Annie Kim là câu chuyện hơn 40 năm sau của chiếc trực thăng U-H1 bị bắn rơi trong cuộc hành quân Hạ Lào năm 1971. Sự việc, khung cảnh chuyện kể là có thật nhưng danh tính nhân vật trong truyện do tác giả hư cấu.
* * *

1.
Bà Tư nằm trăn trở hoài trên chiếc giường nệm thấp. Chăn êm nệm ấm, thân thể mát mẻ, thoải mái mà bà vẫn trằn trọc chưa ngủ được. Với cái tuổi tám mươi này, đôi khi bà hay quên những chuyện lặt vặt vừa mới xảy ra như ăn rồi mà nhất định bảo chưa ăn, chưa uống thuốc mà quyết liệt không chịu uống nữa, chưa đi tắm mà bảo vừa tắm xong.Thế mà sáng nay, có một chuyện bà không quên. Quyền, con trai bà cho biết Sơn, thằng cháu nội bên Minnesota gọi phone về báo tin sẽ về Cali thăm bà vào dịp lễ Giáng sinh.

Cả ngày nay, bà nôn nóng, cứ đi ra rồi lại đi vào. Bà cầm quyển lịch trong tay đếm từng ngày. Còn hơn một tháng nữa. Sao mà lâu quá! Bà bảo Quyền và Quyên phải dọn cái này, dẹp cái kia, sửa soạn nhà cửa để đón thằng nhỏ.

Nói đến bộ nhớ và sức khỏe của bà cụ tuổi ngoài tám mươi như bà Tư kể cũng hiếm. Chuyện quá khứ, bà nhớ vanh vách các chuyện gia đình xa xưa thời ông cố bà sơ nào hay những kỷ niệm thuở hàn vi ở Việt nam. Nếu có bà con nào đến chơi gợi nhắc chuyện xưa, bà kể lan man hàng giờ không dứt và không sót chi tiết nào. Bà thuộc kinh Phật làu làu. Tiền để dành đi cúng chùa, bà đếm chính xác và biết sắp xếp thành từng loại. Bà dặn cô con gái may cái túi lớn phía trước trong áo lót, bà cất tiền và gài kỹ bằng nút bấm.Việc di chuyển, bà đi lại chậm chạp nhưng vững vàng không cần đến cây gậy. Ban đêm, bà không cần đánh thức các con, tự đi restroom trong căn phòng lớn gần giường ngủ của bà. Bà ăn chay, tập hít thở, đi bộ đều đặn với Quyền mỗi ngày trong khu townhouse. Bà còn xỏ kim được bằng sợi chỉ trắng. Tai bà còn nghe rõ người khác chuyện trò. Mỗi đêm, bà chỉ chợp mắt vài tiếng đồng hồ. Thì giờ của bà hầu hết là những thời công phu sớm tối trước bàn thờ Phật. Bà tọa thiền, tụng kinh, thì thầm cầu nguyện dưới ngọn đèn vàng trong căn phòng ngủ chung quanh trang trí toàn là hình, tượng Phật.

Hơn mười năm nay, nhà bà là một cái chùa nhỏ thanh tịnh và yên tĩnh. Bà xuống tóc, tịnh tu tại gia, sống an lạc, mặc các bộ quần áo màu nâu hoặc màu lam. Các con gọi bà bằng "Cô Diệu" thay vì gọi bằng "Má".

Trong bốn cái cửa "sinh, lão, bệnh, tử" của cuộc đời ai cũng phải trải qua, bà Tư đã vượt qua cái cửa thứ hai và thứ ba một cách nhẹ nhàng. Ai hỏi bà về tuổi già và bệnh tật, bà nói bà chẳng có bệnh gì ngoài bệnh của người già nghĩa là sức khỏe bà một ngày một yếu đi như ngọn đèn dầu, hết dầu thì đèn tắt.

Còn cái cửa "tử" cuối cùng? Bà đang chuẩn bị đấy thôi. Ngoài tám mươi rồi, bà Tư không mong kéo dài tuổi thọ thêm nữa. Ai hỏi cụ bà sợ chết không, bà lắc đầu nói chỉ sợ bệnh nằm liệt giường khổ cho cái thân già và cho con cháu. Trước đây, bà thường nói với các con bà chuẩn bị sẵn cho chuyến đi cuối đời nhưng từ khi gặp lại thằng cháu nội sau bốn mươi năm trăn trở vì nó, bà như được hồi sinh. Bà vui nên càng ngày trông bà càng khỏe ra. Bà yêu đời và ham sống. Vợ chồng thằng Quyền lấy nhau bốn mươi năm không có con, thằng cháu nội đích tôn lưu lạc này như cục vàng quý đối với bà, mang đến tuổi già của bà cả một mùa xuân.

Trong đêm khuya, bà Tư nằm nhớ lại cuộc đời khổ cực của bà trong sáu mươi năm từ lúc lấy ông Tư là hạ sĩ quan nghèo cục Quân nhu thuộc bộ Tổng Tham mưu, lương lậu không đủ nuôi bốn đứa con ăn học, cả nhà sống nhờ vào lò bún thủ công của bà. Bà thức khuya dậy sớm làm bún. Ông Tư và các con bà chia phiên nhau vừa đi học, đi làm, vừa chạy Honda bỏ mối bún ở chợ và các quán ăn ở Sài gòn. Thời chiến tranh leo thang, luật tổng động viên ra đời, Quyền bị đổi ra vùng một chiến thuật ngành quân vận. Quang, đứa con trai thứ hai theo anh ra Đà nẵng nộp đơn vào sư đoàn một không quân phục vụ ngành an ninh và phòng thủ phi trường. Đêm đêm, bà mẹ già chỉ biết cầu nguyện cho hai đứa con đi lính xa nhà thoát khỏi cảnh bom đạn trong cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt.

Được tin trong một chuyến vận chuyển vũ khí, đoàn xe của Quyền rơi vào ổ phục kích của Việt cộng. Quyền bị gẫy nát một chân, được xếp vào loại tàn phế và được giải ngũ. Bà vui mừng vì Quyền vừa thoát được bàn tay tử thần, được chuyển vào Sài gòn cũng là lúc một nỗi lo khác lại đến. Quang tình nguyện chuyển sang ngành tác chiến, trở thành xạ thủ trực thăng của phi đoàn 213. Thời gian này, Quang yêu Phượng, cô y tá nổi tiếng là người đẹp của bệnh viện Đà nẵng. Mối tình này đã đơm hoa kết trái đó là thằng Sơn, cháu nội của bà Tư bây giờ.

Sáng ngày mười tháng hai năm một chín bảy mốt, trong một phi vụ tại Hạ Lào, gia đình bà được tin chiếc trực thăng U-H1 bị bắn rơi, Quang và phi hành đoàn tổng cộng mười một người đều tử trận, không thể tìm được xác..

Tin con trai tử nạn một cách thảm khốc, sau đó là nhận giấy báo tử chính thức và tiền tử tuất của Quang, lòng bà mẹ thương con vẫn thầm nuôi niềm hy vọng. Biết đâu chừng thằng Quang còn sống sót và sẽ trở về. Quang là một thằng lanh lợi và thông minh. Biết đâu chừng nó nhảy dù ra khỏi máy bay trước khi máy bay trúng đạn, bốc cháy. Biết đâu chừng nó còn sống và bị bắt làm tù binh tại Lào hoặc bị đưa ra ngoài Bắc. Biết đâu chừng nó chỉ bị thương ở đầu và mất trí nhớ nên sống lang bạt, không tìm được đường về với gia đình. Bà đi tìm người giúp bà câu trả lời. Bà đi xem bói. Ông thầy bói quả quyết thằng Quang còn sống. Số nó đào hoa nếu lấy vợ sớm sẽ có cháu cho bà ẵm bồng. Bà sống, chờ đợi, tin tưởng và hy vọng mỏi mòn với ba chữ "biết đâu chừng"...

Sau khi mất nước, bà Tư nghe tin đồn có nhiều tù binh Việt Nam Cộng Hòa được chính phủ Hà nội thả về theo quy ước quốc tế về việc trao đổi tù binh. Quyền nói với bà Tư làm gì có chuyện thả tù binh trong khi hàng trăm ngàn sĩ quan, hạ sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, các viên chức chế độ cũ gọi chung là "ngụy quân", "ngụy quyền" bị kẹt lại, phải ra trình diện và bị giam giữ ở các trại tập trung để "học tập cải tạo". Quyền may mắn là hạ sĩ quan đã giải ngũ nên không nằm trong số đó. Nếu không, bà Tư lại phải lê lết trong các khu rừng để thăm nuôi thằng con tù.

Tin đứa con tử trận chưa làm ráo nước mắt bà mẹ thì hai năm sau ông Tư mất vì tai biến mạch máu não. Thằng Quốc, con trai thứ ba học hành và lớn lên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa vừa tốt nghiệp trung học. Năm một chín bảy tám, mặc dù có hai anh đi lính và tử trận dưới chế độ "Mỹ ngụy", nhà nước Cộng sản vẫn bắt con "ngụy" không đủ tiêu chuẩn vào đại học được "ưu tiên" thi hành nghĩa vụ quân sự ở chiến trường Campuchia. Bà khóc hết nước mắt. Bà tính đường lui, trở về quê ở Gò công cho thằng Quốc trốn nghĩa vụ. Nào ngờ mạng lưới công an ở các xã, huyện còn dầy đặc hơn thành phố. Bà bị công an địa phương bắt giam trong trại tù cải tạo lao động thời hạn hai năm vì tội không thi hành luật pháp và cố tình bao che cho tội phạm.

Nếu bị ở tù để cho thằng con không phải đi lính, bà Tư sẵn sàng hy sinh cái mạng già để cứu con. Nào ngờ bọn chúng, một mặt bắt giam bà đi lao động, một mặt ruồng bắt Quốc và làm áp lực để Quốc ra trình diện. Thời đó, cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước Cộng sản Việt nam và Campuchia được sự hậu thuẫn của Trung Quốc càng ngày càng ác liệt. Thằng nhỏ mười tám tuổi vừa tốt nghiệp trung học, không biết gì về súng ống trận mạc, không biết gì về chiến tranh, không có chút lý tưởng gì về tổ quốc, niềm mơ ước duy nhất của nó là được vào đại học thất bại, bà mẹ đang ở tù, Quốc chấp nhận trình diện, lên đường ra trận để bà mẹ già được tha về sớm.

Một năm sau, Long, người đồng đội của Quốc bị thương về phép, kể lại cho gia đình bà Tư về cái chết của Quốc. Trong một chuyến vượt sông Mekong qua ngả Neak Luang phía bắc tỉnh Kompong Cham, chưa kịp tiến vào Phnom Penh, trước khi được tiếp viện, sư đoàn 7 của Quốc đã đụng độ một trận lớn với quân Kmer Đỏ. Toàn bộ sư đoàn bị tiêu diệt chỉ còn sống sót một người là Long. Thi thể Quốc và cả sư đoàn được chôn cất ở nghĩa trang liệt sĩ Tây Ninh. Ít lâu sau, giấy báo tử gửi về. Cuối năm giấy chứng nhận là gia đình liệt sĩ đến tay bà. Bà Tư được ủy ban nhân dân truy tặng là "mẹ chiến sĩ", "mẹ anh hùng".

Hàng năm, vào những ngày lễ thương binh liệt sĩ, cán bộ của ủy ban nhân dân đến thăm hỏi, tặng quà và khen thưởng những gia đình liệt sĩ như bà. Bà treo cái khung gỗ có lộng tờ giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ hình cờ đỏ sao vàng trên tường. Ít hôm sau, bà lấy xuống, cất vào ngăn tủ. Cứ như thế cho đến ngày bà qua Mỹ.

Cuộc đời bà Tư là một chuỗi dài những giọt nước mắt vì mất mát. Bà chỉ là một bà mẹ Việt nam bình thường, nghèo khổ, ít học. Bà không biết gì về các từ ngữ chính trị dao to búa lớn như lý tưởng, tổ quốc, ý thức hệ, cộng sản, tư bản, cộng hòa xã hội chủ nghĩa, độc lập, tự do, hạnh phúc, liệt sĩ, anh hùng, hy sinh... Bà chỉ là một bà mẹ thương con, một nạn nhân chịu nhiều nỗi đau thương trong chiến tranh. Chiến tranh đã làm một đứa con bà bị tàn phế, tật nguyền. Chiến tranh cướp mất hai đứa con bà, một đứa gửi nắm xương tàn trên chiến trường Hạ Lào xa xôi còn một đứa được vinh danh là liệt sĩ.

Trước khi đi Mỹ, Long đưa gia đình bà đã đến nghĩa trang liệt sĩ ở Tây Ninh thăm mộ Quốc. Cơn mưa làm cho con đường đi vào nghĩa trang lầy lội, ướt át. Mộ Quốc và năm người đồng đội nằm ngay gần lối đi, xây quanh nhau thành một vòng tròn, chính giữa là một bồn hoa. Trước cái chết, mọi người đều bình đẳng. Hàng ngàn những ngôi mộ thấp, mộ bia màu trắng, xây cùng một kiểu. Dòng chữ màu vàng khắc trên mộ bia "Nơi an nghỉ của liệt sĩ Trần Hưng Quốc, hai mươi tuổi, sinh ngày hai mươi tháng ba năm một chín năm mươi tám, hy sinh tại chiến trường Campuchia".

Năm một ngàn chín trăm tám mươi chín, Quyền may mắn được gia đình bên vợ bảo lãnh qua Mỹ. Năm năm sau, Quyền bảo lãnh cho bà Tư và Quyên. Quyền muốn bốc mộ Quốc đem tro cốt qua Mỹ nhưng bà Tư lắc đầu:

-Thôi con ơi, thằng Quốc đã nằm xuống nơi mảnh đất Tây Ninh này. Hãy để nó yên nghỉ ở quê hương với đồng đội của nó. Không mang tro cốt nó theo nhưng nó vẫn gần Cô trong những câu kinh tiếng kệ hàng ngày.

Rồi bà ngậm ngùi:

- Cô chỉ còn một nỗi ray rứt về số phận thằng Quang ở Hạ Lào. Không một dấu tích gì về chiếc máy bay trực thăng bị bắn rớt thì làm sao biết được. Không chừng nó còn sống, không chừng gì đắp cho nó một nấm mộ.

2.
Sau một tai nạn xe hơi, chân bên trái bị bó bột làm Phượng đi lại khó khăn phải dùng cây nạng gỗ. Mỗi ngày có một cô "care giver" đến chăm sóc sức khỏe cho Phượng, giúp Phượng ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa. Một cô khác đến làm vật lý trị liệu cho cái chân bên phải đã hồi phục dần. Căn nhà bây giờ vắng vẻ chỉ có hai mẹ con. Chị Phương đã dọn về Cali từ lâu. Bà mẹ Phượng mất đã năm năm. Ông Daniel mất năm ngoái. Thằng Sơn ly dị vợ, về ở với Phượng. Nó bận bịu suốt ngày trong bệnh viện. Năm ngoái, lễ Thankgivings hai mẹ con về thăm bà Tư. Năm nay, chân đau, không về được, Phượng nhắc con nhớ lấy phép nghỉ về Cali thăm bà nội vào dịp lễ Giáng sinh. Bà nội già yếu rồi. Bà sống không còn bao nhiêu năm nữa.

Từ ngày tìm được tông tích của người cha quá cố, thằng Sơn gắn bó với gia đình bên nội. Vào những ngày nghỉ, Sơn gọi về thăm bà nội, hai bà cháu nói chuyện rất lâu, có khi cả tiếng đồng hồ. Nó nói tiếng Việt giỏi nhờ sống gần bà ngoại từ bé.

Phượng hồi tưởng lại bốn mươi năm trôi qua, ngày đó cả hai đều rất trẻ. Phượng hơn Quang hai tuổi, là y tá ở bệnh viện Đà nẵng, gặp Quang trong một buổi tiệc của sư đoàn hai không quân tổ chức tại câu lạc bộ trong phi trường. Trai tài gái sắc gặp nhau. Quang vừa đẹp trai lại tài hoa, biết chơi đàn guitar, hát rất hay những bản nhạc về lính của nhạc sĩ Nhật Trường. Hai đứa dự định sẽ làm một cái đám cưới đơn giản. Quang sẽ lấy thời gian nghỉ phép đưa Phượng vào Sài Gòn ra mắt gia đình Quang. Thời gian đó Quang bận đi học khóa bắn súng và trở thành người xạ thủ gan lì và dũng mãnh của không đoàn 41, phi đòan 213. Những cuộc hẹn hò ở bến sông Hàn, những cuộc đi chơi xa ở đồi Bà Nà, chùa Non Nước, bảo tàng Chàm ở Mỹ Sơn...đưa đến kết quả là Phượng có thai.

Phượng chưa kịp báo tin mừng cho Quang thì một hôm, người bạn trong phi đoàn của Quang đến cho hay cuộc hành quân 719 Lam Sơn tại Hạ Lào ngày mười tháng hai năm một ngàn chín trăm bảy mốt, chiếc trực thăng U-H1 Huey bị bắn rơi. Tất cả những người có mặt trong chuyến bay gồm hai vị sĩ quan cấp tá, hai phi công, ba phóng viên Mỹ, một phóng viên Nhật, một phóng viên người Việt, hai nhân viên phi hành đoàn trong đó có trung sĩ thiện xạ Trần Vinh Quang, tất cả mười một người đều tử trận.

Tin đến như một cú sét đánh. Đất trời như nổ tung trước mắt Phượng. Phượng chỉ biết khóc và khóc. Phượng ôm cái bụng bầu ba tháng. Không có một tờ hôn thú. Không có một liên hệ hay tin tức gì liên quan với gia đình Quang ở Sài gòn. Quang chết thật bất ngờ. Quang chết ở lứa tuổi đôi mươi. Quang chết không để lại một dấu tích gì ngay cả một hạt bụi. Phượng chỉ còn giữ lại những kỷ niệm đẹp của một thời yêu nhau còn lưu lại trong ký ức và qua những bức hình hẹn hò xưa cũ.

Có lúc đau khổ và tuyệt vọng quá, Phượng nghĩ mình không còn sức để giữ cái thai, "giọt máu rơi của người lính chết trẻ". Quang đi qua cuộc đời Phượng như một cơn gió thoảng. Có lúc Phượng muốn chết theo Quang nhưng nghĩ đến một sinh vật bé nhỏ đang lớn dần từng ngày trong bụng mình, Phượng không có quyền từ chối trách nhiệm làm mẹ với nó. Có lúc Phượng muốn bỏ cái thai vì dư luận xã hội, vì tương lai của người mẹ trẻ nhưng đứa bé kia có tội tình gì. Nó là mật ngọt của hương vị tình yêu đã đơm hoa kết trái. Phượng phải sống để thay Quang bù đắp cho đứa trẻ mồ côi mất tình thương cha. Phượng phải sống, sống để nuôi con, vì con.

Phương làm đơn xin nghỉ việc, ở nhà nghỉ ngơi, dưỡng thai chờ đến ngày sinh nở. Kinh tế gia đình trông mong vào cửa hàng bán thực phẩm lấy từ các PX Mỹ của chị Phương. Chuyện sinh nở và chăm sóc bé đã có bà ngoại. Thằng Sơn ra đời trong sự thương yêu, đùm bọc của mẹ, bà ngoại và dì Phương. Sơn khỏe mạnh, dễ nuôi, càng lớn nó càng giống Quang. Phượng đặt tên nó là Trần Mỹ Sơn, tên vùng đất lịch sử của người Chàm, một thắng cảnh du lịch ở Đà Nẵng, kỷ niệm một chuyến du lịch ba ngày phép với Quang và cũng là nơi thằng Sơn tượng hình trong bụng Phượng.

Thằng Sơn lẩm chẩm biết đi cũng là lúc Phượng phải gửi con cho bà ngoại để đi làm phụ với chị Phương nuôi thằng Sơn. Với vốn liếng sinh ngữ khá và nghề y tá trước đây, Phượng được người quen giới thiệu vào làm tại bệnh viện Hải Quân Mỹ chuyên chữa cho các thương binh Mỹ từ chiến trường chuyển về.

Những ngày đầu tiên chứng kiến những chiếc trực thăng đậu ở sân trước bệnh viện, những nhân viên tải thương vội vã chuyển những chiếc cáng phủ lá cờ Mỹ từ trên trực thăng xuống, những người lính Mỹ giơ tay chào vĩnh biệt, Phượng không cầm được nước mắt. Phượng khóc cho ai, Phượng hay cho những người vợ, những ông bố, bà mẹ ở bên kia bờ đại dương một ngày nào đó sẽ nhận những chiếc quan tài phủ lá cờ Mỹ?

Còn Quang, người chồng chưa cưới của Phượng, có "hạt bụi nào..." hay chiếc "...hòm gỗ cài hoa" nào cho anh?

Phượng quen dần với công việc của người y tá lúc nào cũng bận rộn và căng thẳng trong bệnh viện. Là một y tá giỏi, siêng năng, chịu khó học hỏi, Phượng có thêm những đức tính cần thiết đó là sự ân cần, kiên nhẫn và dịu dàng với bệnh nhân. Phượng được bác sĩ Daniel trưởng khoa mổ đặc biệt lưu ý và chấp thuận cho Phượng là y tá phụ trong ê kíp mổ của ông. Có những ca mổ kéo dài đến khuya hoặc những ca trực đêm, Phượng có dịp kể cho ông nghe về cuộc đời bất hạnh của mình. Phượng biết thêm về đời tư của vị bác sĩ ít nói này. Ông lớn hơn Phượng mười hai tuổi, là bác sĩ giỏi trong ngành hải quân, vợ và đứa con gái chết vì tai nạn xe hơi, ông tình nguyện sang Việt nam công tác. Sang năm ông sẽ về Mỹ vì hết hợp đồng. Với chính sách "Việt nam hóa chiến tranh" và Hiệp Định Paris sắp ký kết, người Mỹ đang chuẩn bị rút dần về nước.

Vào một đêm trực chỉ có vài người y tá, Daniel cùng có mặt, Phượng đã suýt bật khóc vì cảm động trước lời cầu hôn bất ngờ của Daniel. Vị bác sĩ này thố lộ đã để ý đến cô y tá người Việt nam xinh đẹp và hiền hòa này trong những ca mổ. Ông tình cờ chứng kiến hình ảnh Phượng chăm sóc những người thương binh làm ông xúc động. Ông nói không phải chỉ là hoàn thành công việc mà thôi, Phượng đến với các bệnh nhân bằng tất cả trái tim của mình. Cô chia sẻ nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần của họ trong từng mũi kim nhẹ nhàng, từng viên thuốc khó uống, từng lời nói an ủi dịu dàng, từng cử chỉ vỗ về, dỗ dành. Những người thương binh Mỹ trong bệnh viện Hải Quân này đều quý mến cô y tá người Việt có cái tên Mỹ Sophie dễ thương này. Họ chưa hiểu hết cảnh đời của Phượng. Chồng Phượng cũng là lính. Cô thương những người lính như thương Quang, thương bản thân và thương cuộc đời bất hạnh của mình.

Phượng chấp nhận lời cầu hôn của Daniel với một điều kiện Daniel bảo lãnh bà mẹ, chị Phương và bé Sơn cùng sang Mỹ. Căn nhà lớn năm phòng ở đường North Smith, Minnesota là tổ ấm của gia đình Phượng. Chị Phương vừa đi học vừa đi làm một thời gian, sau đó chị dọn về Cali mở một tiệm ăn với người yêu cũ. Phượng đi học lại. Bà mẹ ở nhà nội trợ trông nom nhà cửa, chăm sóc Sơn. Daniel làm việc ở United Hospital gần nhà. Bé Sơn càng lớn càng quấn quít Daniel. Suốt ngày Sơn đeo theo ông bố dượng vui tính. Daniel rất thương thằng con nuôi học giỏi và lễ phép. Theo gương học tập và chỉ dạy của ông bố dượng, Sơn học ngành y, sau này trở thành bác sĩ Shawn Tran chuyên khoa mổ tim ở St John s Hospital. Bốn mươi năm trôi qua, cái chết thảm khốc của Quang và niềm đau nỗi khổ của Phượng dần dần phôi pha theo thời gian nhờ vào tình yêu, sự bao dung và lòng tử tế của người chồng Mỹ tốt bụng đã cưu mang gia đình Phượng, mang đến cho Phượng một cuộc sống mới, êm đềm và hạnh phúc.

Một ngày, Phượng nhận được cú phone bất ngờ của chị Phương. Bên kia đầu dây, giọng chị lanh lảnh:

- Phượng ơi, tao nói chuyện này mầy bình tĩnh nghe đừng có xỉu nghen. Tao vừa đọc báo. Có người viết về cái chết của thằng Quang chồng mày hồi xửa hồi xưa. Có tấm hình thằng Quang chụp hồi còn trẻ. Mày tin không, má thằng Quang còn sống. Gia đình thằng Quang qua Mỹ ở khu Việt nam gần tiệm của tao. Bài báo kể người ta đào được xác chiếc máy bay rớt và hốt cốt mang về để ở viện bảo tàng nào đó trên Washington D. C.Chuyện dài dòng lắm. Tao ra bưu điện gửi cho mầy bài báo này liền. Overnight mai mầy nhận được. Bình tĩnh nghen mậy. Chuyện đâu còn đó. Khoan nói cho thằng Sơn biết. Mầy đọc báo xong rồi mình tính.

Suốt đêm qua Phượng mất ngủ, mong cho trời mau sáng để nhận thư tốc hành của bưu điện. Người đưa thư trao bì thư hình con én màu xanh và yêu cầu Phượng ký tên.Tay Phượng run run khi cầm cây viết.Cầm tờ báo trong tay, Phượng lật tới, lật lui, tìm mãi mới thấy cột báo. Tấm hình Quang hồi hai mươi tuổi, nét mặt đẹp trai, nghiêm nghị, ánh mắt buồn xa xôi, oai vệ trong bộ treillis, túi áo trái có in tên "Quang" màu trắng. Bài báo viết chi tiết về chuyến bay bị bắn rơi ở Hạ Lào, về bà mẹ chồng Phượng chưa hề gặp mặt và một chi tiết quan trọng là viện bảo tàng Newseum ở Washington D. C hiện nay đang lưu trữ hài cốt của những người tử nạn.

Phượng nói với Shawn Phượng về Cali thăm dì Phương. Hai chị em đến tòa soạn gặp người phóng viên và xin địa chỉ nhà má Quang. Cuộc gặp gỡ đầu tiên, cả nhà bà Tư nhìn Phượng với cặp mắt tò mò, xa lạ và nghi ngờ. Bà Tư, vợ chồng Quyền và Quyên không tin có chuyện một người phụ nữ, hơn bốn mươi năm đến gia đình bà tự nhận là vợ của Quang. Họ không tin Quang có một đứa con trai ngoài bốn mươi tuổi. Họ không tin bốn mươi năm trôi qua trên đất nước Mỹ này lại có cuộc gặp gỡ ly kỳ ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Khi Phượng đem tất cả hình ảnh của Quang và Phượng chụp hồi còn trẻ ở Đà nẵng, hình thằng Sơn hồi còn nhỏ cho đến khi tốt nghiệp ra trường đậu bằng bác sĩ, nhất là tấm hình Quyền cung cấp cho người phóng viên đăng trên báo so với tấm hình ố vàng Phượng cầm trong tay là một, bà Tư bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Xúc động, mừng vui, hạnh phúc dâng trào trong lòng bà mẹ già vào cuối đời. Từ đó, Phượng thường xuyên gọi điện thoại về Cali thăm bà. Tháng sau, Phượng dẫn Shawn về giới thiệu thằng cháu đích tôn của dòng họ Trần. Năm ngoái hai mẹ con về Cali. Năm nay, thằng Shawn về một mình thăm bà nội

3.
Sau đây là lời kể chuyện của nhân vật chính Trần Mỹ Sơn.

Tôi tên là Shawn Tran. Daddy đặt tên "Shawn" có nghĩa là "God is gracious ". Daddy nói tôi là ân sủng của Chúa mang đến cho Daddy. "Shawn" nghe giống như tên "Sơn", Trần Mỹ Sơn. Ngoại nói "Mỹ" có nghĩa là đẹp, "Sơn"có nghĩa là ngọn núi. Tên tôi là một ngọn núi đẹp. Mẹ nói Daddy chỉ là cha nuôi, cha ruột của tôi mất từ khi tôi còn trong bụng mẹ. Daddy đưa mẹ, bà ngoại, dì Phương và tôi qua Mỹ. Họ nuôi tôi khôn lớn. Tôi theo học nghề bác sĩ mổ tim của Daddy. Cả nhà ai cũng muốn tôi học nghề này để sau này chữa tim cho mọi người.

Sau chuyến đi Cali thăm dì Phương, mẹ kể rằng mẹ đã gặp gia đình bà nội ở Cali qua một tờ báo Việt ngữ. Trong chương trình POW (prisoners of war) và MIA (missing in action) tìm hài cốt của những người Mỹ mất tích thời chiến tranh Việt nam, họ đã tìm được những dấu tích về cái chết của ba tôi. Hiện nay, chúng được lưu giữ ở Viện Bảo Tàng Newseum ở Washington D.C. Mẹ đọc bài báo cho tôi nghe. Dù mẹ chưa nói, qua ánh mắt của mẹ, tôi hiểu rằng tôi phải đi một chuyến về Cali với mẹ, đến thăm bà nội, người đàn bà đã khóc nhiều về cái chết của ba tôi.

Từ Cali về, tôi tìm đọc những tài liệu về POW, MIA, những bài viết của các ký giả trong chuyến đào bới tìm dấu tích của chiếc trực thăng lâm nạn, về chiến tranh, cuộc hành quân Lam sơn nhất là về buổi lễ tưởng niệm và vinh danh những người bị mất tích tổ chức ngày mười tháng tám năm hai ngàn mười ở viện Bảo Tàng Newseum.

Bài viết của ký giả Richard Pyle viết về buổi lễ và những người tham dự. Họ là ai? Là những người mẹ, những người vợ, những đứa con đến từ Việt nam, Canada xa xôi, tay cầm những tấm "plaque", đầm đìa những giọt nước mắt khi ban tổ chức nhắc đến tên tuổi và vinh danh những người thân của họ đã hy sinh. Xạ thủ Trần Vinh Quang không được nhắc đến. Gia đình bà nội, mẹ tôi và tôi không được mời đến. Ban tổ chức buổi tưởng niệm này đâu biết rằng sau bốn mươi năm, gia đình trung sĩ xạ thủ Trần Vinh Quang đang sống ở nước Mỹ? Và tôi, đứa con rơi của xạ thủ Trần Vinh Quang là một công dân Mỹ, tìm được tông tích của bà nội và ba tôi năm ngoái trong một bài báo Việt ngữ ở cộng đồng người Việt ?

Sau khi thăm bà nội ở Cali, tôi đã đến thăm Viện Bảo Tàng Newseum ở Washington D. C. Trong chuyến bay bị bắn rơi ở Hạ Lào, có ba người ký giả Mỹ và một người Nhật. Tôi đã đọc thấy tên tuổi và hình ảnh họ được gắn trên bức tường kính gọi là "Journalists Memorial Wall 1971 Vietnam War". Viện bảo tàng này là nơi lưu giữ những chứng tích và vinh danh những ký giả Mỹ và những ký giả quốc tế đã hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ. Điều gì đã khiến họ lao vào cái nghề nguy hiểm này? Sự đam mê nghề nghiệp, sự khao khát muốn ghi nhận những tin tức mới, nóng hổi nhất, trung thực nhất. Họ muốn những có "big shot" là những tấm hình ý nghĩa, độc đáo, đầy ấn tượng về sự tàn khốc của chiến tranh gửi đến những người ở sau mặt trận. Viện bảo tàng Newseum đã làm công việc đầy tính nhân đạo khi vinh danh những người chiến sĩ không mang súng gan dạ và thầm lặng này.

Nhắc đến bà nội, tôi mê những câu chuyện bà kể về ba tôi. Bà có tài kể chuyện sống động, chi tiết và hấp dẫn. Tôi không ngờ bà nhớ nhiều kỷ niệm về ba tôi đến thế. Hình như trong ba người con trai, ba tôi là đứa con cứng đầu và làm cho bà khóc nhiều nhất nhưng cũng là đứa con bà thương nhất. Ba tình nguyện chuyển ngành an ninh sang học bắn súng để ra tác chiến ngoài mặt trận đối với bà là một sự chọn lựa kinh khủng và ngu xuẩn làm bà đau lòng. Bà không muốn mất con.

Điều gì khiến ba tôi chọn lựa giữa công việc an ninh nhàn nhã ở hậu phương với đời lính gian khổ đầy hiểm nguy ngoài mặt trận? Lý tưởng? Tổ quốc ? Hay cả hai? Lần đầu tiên đi với mẹ về Cali gặp bà nội, bà đã cho tôi nguồn cảm hứng muốn tìm hiểu về ba,về cái chết của ba, về cuộc chiến tranh trên quê hương mà bấy lâu nay tôi hững hờ, quên lãng. Tôi lớn lên ở xứ Mỹ. Tôi không có quá khứ. Tương lai của tôi là những dự tính và ước mơ.

Tôi sinh ra tại Đà nẵng, vùng đất của quê ngoại, trên bản đồ quân sự thuộc vùng một chiến thuật. Cuộc chiến bắt đầu từ năm một chín năm mươi lăm đến một chín bảy lăm. Năm một chín bảy mốt là năm ba tôi mất, lúc đó tôi còn trong bụng mẹ được ba tháng tuổi. Thật là trễ tràng làm sao! Hơn bốn mươi năm trôi qua, bây giờ tôi mới có dịp tìm hiểu về chiến tranh ở đất nước tôi và biết đây là cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa hai thế lực, hai chủ nghĩa tư bản và cộng sản kéo dài hai mươi năm. Ở miền nam, Mỹ và phe Đồng Minh ủng hộ chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Bên kia dòng sông Bến Hải, Liện Xô và Trung quốc ủng hộ hai phe, tuy hai mà là một: Cộng sản Bắc Việt và tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Trải qua nhiều giai đoạn, cuộc chiến tranh này có những cái tên như là "chiến tranh đặc biệt" (1960-1965) "chiến tranh cục bộ" (1965-1968) "Việt nam hóa chiến tranh" (1969-1972). Ngày ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm là ngày cuộc chiến tranh chấm dứt. Toàn bộ miền Nam rơi vào tay Cộng sản.

"Việt nam hóa chiến tranh" có thể hiểu đây là cuộc chiến của người Việt nam.Có người nói người Mỹ đã bỏ rơi miền Nam và đồng minh. Họ rút lui, không chủ động tham gia cuộc chiến bằng nhân sự. Họ chỉ viện trợ vũ khí. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa phải tự lực chiến đấu. Theo lời mẹ kể, với lý tưởng chiến đấu quyết bảo vệ miền Nam và lòng yêu nước chân thành, ba tôi tình nguyện lao vào cuộc chiến đầy hiểm nguy này và biết rằng sự ra đi không hẹn ngày về.

Vào thời điểm đó, Cộng sản miền Bắc và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chuyển mục tiêu sang chiến trường Lào và Cam puchia, xây dựng căn cứ địa làm bàn đạp tấn công miền Nam. Cuộc hành quân Lam Sơn 719 bắt đầu vào ngày tám tháng hai năm một chín bảy mốt. Hai ngày sau, chiếc máy bay trực thăng H- U1 Huey không phải là trực thăng chiến đấu hay trực thăng võ trang có bọc thép tốt và chống đạn xe tăng. Đây chỉ là loại trực thăng vận tải vỏ thép mỏng, võ trang yếu, chở các phóng viên và các cấp chỉ huy đi thị sát chiến trường. Trong chuyến bay có mười một người, ba tôi là tay súng giỏi nhưng bất ngờ lọt vào mạng lưới phòng không mạnh và dầy đặc của địch, lại thêm sương mù, chiếc trực thăng trúng đạn và bốc cháy.

Năm 1992, những người trong chương trình POW và MIA có nhiệm vụ tìm kiếm những người Mỹ mất tích đã đến Hạ Lào nơi chiếc trực thăng rớt. Năm 1994, họ tiếp tục công việc đào bới. Cùng với một số tin tức được cung cấp từ những bạn đồng đội trong không đoàn 41, phi đoàn 213 còn sống ở Mỹ, họ đã định vị đúng tọa độ và đã tìm được những mảnh kính của máy chụp hình, đồng hồ và những mảnh thép vỡ của máy bay. Họ đã sàng lọc những khúc xương cốt lẫn lộn với đất đá và đem về lưu trữ tại Viện Bảo Tàng. Xương cốt này không phải của một ai mà là của mười một người hy sinh trong đó có ba tôi. Nó không thuộc về cá nhân hay gia đình nào, nó thuộc về lịch sử của nước Mỹ.

Món quà tôi mang về cho bà nội lần này là những hình ảnh của Viện Bảo Tàng Newseum. Tôi sẽ nói với bà nội ba tôi đã được an nghỉ ở một ngôi nhà gần nhà của Tổng Thống Mỹ. Ngôi nhà ấy vĩ đại, có mười tầng lầu, mười lăm rạp chiếu bóng, mười bốn hành lang và hàng ngày có hàng chục ngàn người đến đây thăm viếng. Bà nội hãy yên lòng. Con trai cứng đầu của bà được an nghỉ ở một trong những nơi danh dự nhất của nước Mỹ. Còn một điều nữa, bà nội hãy tin rằng với tất cả chứng cứ về liên hệ huyết thống và hình ảnh, với sự công bằng và trung thực, tôi sẽ làm đủ mọi cách để Viện Bảo Tàng Newseum cần phải có một buổi lễ tưởng niệm cho ba tôi. Người cuối cùng phải là người đặc biệt. "The last but not the least". Bà nội hãy giữ sức khỏe để một ngày không xa, gia đình bà nội, mẹ và tôi sẽ đếnViện Bảo Tàng Newseum tham dự buổi lễ vinh danh trung sĩ Trần Vinh Quang. Nỗi đau khổ của bà nội và mẹ sau bốn mươi năm phải được đền bù xứng đáng trong lịch sử nước Mỹ.

Tôi sẽ nói với cậu Quyền lần này tôi muốn cậu dẫn tôi đến thăm một địa danh lịch sử ở khu Little Saigon nơi có cộng đồng người Việt sinh sống đó là tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ "Vietnam War Memorial" ở Westminster. Hai người lính Mỹ, Việt cầm súng đứng bên nhau bên cạnh hai lá cờ Việt, Mỹ vẫn là hình ảnh đẹp, oai hùng và ý nghĩa. Trong tâm tôi sẽ không dấy lên chút tình cảm căm hận nào.Trái lại, đầy sự ngưỡng mộ và biết ơn. Người lính Việt Nam Cộng Hòa đó cũng chính là hình ảnh của ba tôi ngày xưa. Ba tôi chiến đấu vì lá cờ vàng cũng như những người lính Mỹ đã chiến đấu vì nền độc lập, tự do của nước Mỹ và cho nhân loại trong khối tự do.

Năm nay tôi đã bốn mươi ba tuổi. Đã hơn nửa đời người. Không quá muộn màng cho tôi khi tôi tìm về với cội nguồn của gia đình, quê hương và dân tộc mà trước đây tôi như một người xa lạ. Tôi muốn cám ơn bà nội, cậu mợ Quyền, dì Quyên những thân tộc đã nối lại sợi dây huyết thống thiêng liêng của dòng họ Trần. Tôi cảm nhận được tình thương quá bao la và đặc biệt bà dành cho ba tôi và đứa cháu nội này. Một ngày nào đó bà sẽ từ giã cõi đời. Tôi biết chắc một điều bà sẽ ra đi thanh thản, bình yên vì theo lời di chúc của bà, tôi sẽ thay ba tôi ôm chiếc hình của bà trong ngày tang lễ.

Tôi muốn cám ơn bà ngoại, mẹ tôi và dì Phương đã chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ tôi từ tấm bé cho đến khi tôi trưởng thành. Những chai sữa ngọt đầu đời là những ngày dì Phương dãi dầu mưa nắng ngoài chợ trời đem về cho tôi.Tôi nói và đọc được tiếng Việt là nhờ những buổi hai bà cháu cùng ngồi rù rì học với nhau ngoài vườn và từ những câu chuyện cổ tích tôi nghe hoài không chán. Và mẹ tôi, người mẹ tuyệt vời, tôi không có lời lẽ nào hơn để ca ngợi bà. Bà đã mạnh mẽ đứng lên vượt lên trên nổi khổ đau giữ lại cho tôi hình hài này.

Từ trong đáy lòng, tôi chân thành cám ơn Daddy Daniel, cha nuôi người Mỹ của tôi. Ông là cây cổ thụ cho gia đình tôi nương dựa bốn mươi năm qua. Danh vọng, địa vị, tiền bạc, hạnh phúc, tình thương tôi có được ngày hôm nay phát xuất từ tấm lòng nhân hậu và bao dung của ông.

Cuối cùng là những lời xin lỗi muộn màng của tôi với Ba.

Hơn bốn mươi năm qua, trong tâm tưởng, tôi đã quên tôi còn một người cha.Tôi không giữ chút kỷ niệm gì trong ký ức về ông vì ông đã ra đi trước khi tôi cất tiếng khóc chào đời.Thật là kỳ diệu khi gặp lại bà nội. Bà là chiếc cầu nối vững vàng, là bàn tay nắm dịu dàng và ấm áp dẫn tôi đến với Ba, là chất keo dính ngọt ngào làm cho hình ảnh Ba như sống dậy trong lòng tôi.Giờ đây, nhắm mắt lại, tôi có thể hình dung hình ảnh ông hiện ra rõ ràng, thân thiết, gần gũi và đầy tình yêu thương.

Tôi rất hãnh diện về Ba tôi, người lính Việt Nam Cộng Hòa, anh dũng, kiêu hùng đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ miền Nam. Lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công ơn ông và những người đồng đội. Ông mãi mãi là hình ảnh đẹp nhất trong lòng tôi, giọt máu rơi của ông, người lính chết trẻ.
 

Sunday, December 28, 2014

ĐẠO NÀO CŨNG LÀ ĐẠO

  ĐẠO NÀO CŨNG LÀ ĐẠO ( tt 01 )


tất cả chúng ta đều là những con người sống chưa tới 100 tuổi, trong khi vũ trụ đã có hàng chục nghìn năm rồi nên không ai có thể chứng kiến tận mắt những gì xẩy ra từ khởi thuỷ, mọi suy đoán 
điều do chủ quan cuả mỗi cá nhân không phải là chân lý chung cho nhân loại và bắt mọi người phải tin theo, vì vậy mới có nhiều tôn giáo, nhiều chủ thuyết, nhiều giáo lý được trình bầy để cho mọi người suy nghĩ, tìm hiểu, cảm nhận như thế nào mà tin theo...
đa số những người tin theo một tôn giáo nào đó là do cha mẹ sinh ra truyền dậy  thành lề thói mà tin chứ không tự mình suy xét tìm hiểu cho rõ ràng tôn giáo mình tin theo nó như thế nào... cho nên chúng ta ra sức bảo vệ tôn giáo mình theo chỉ để chứng tỏ mình làm đúng nhưng thực chất không mấy người hiểu được cội nguồn ý nghiã tôn giáo mình tin theo mang ý nghiã gì ...

vì quan điểm cuả mỗi người đều là cảm nhận chủ quan cuả cá nhân nên không phải là chân lý chung cho nhân loại, vế thế  không cần phải đả kích nhau nếu quan điểm đó khác với suy nghĩ , niềm tin cuả mình...

chứng minh:
- nếu không có cha mẹ mình sinh ra mình thì minh không có, nếu không có ông bà sinh ra cha mẹ mình thì cha mẹ  mình không có, vậy người đầu tiên là ai?, loài người có thể gọi là Thượng Đế hay không?...
- nếu không có cây cam thì không có trái cam...nhưng ai tạo nên cây cam?
- nếu không có con gà thì không có trứng gà ... vậy ai tạo nên con gà?
mọi vật dụng con người đang dùng đều do bàn tay con người làm ra ... cái nhà, cái xe, máy bay, tầu thuỷ, lương thực, vật dụng các loại, vàng bạc, sắt thép .v.v... nếu con người không tạo ra tự nhiên nó có được không ???

Như vậy Đạo là tôn thờ Thượng Đế, đấng sáng tạo ra vũ trụ, vận vật ... giống như con người cậy dựa vào cha mẹ để tìm nguồn hạnh phúc, để được che chở, để được an vui, để được chúc phúc ban phát ơn lành, để là chỗ dựa tinh thần khi đau khổ, để tìm sự ủi an khi gặp bất hạnh, khi đau ốm, khi đối diện với cái chết vẫm cảm nhận được sự bình an, hạnh phúc trong tâm hồn mà không sợ hãi , để luôn hướng về điều thiện, để nhận biết cuộc đời là tạm bơ không nên tham lam mà chém giết lẫn nhau để giành giật cái vật chất sẽ hư mất .v.v...  nếu tất cả đếu hiểu như vậy thì may ra thế giới sẽ có hoà bình, hy vọng  như vậy vì con người có linh hồn để nhận biết điều tốt lành, nhưng cũng còn cưu mang theo một thể xác đam mê vật chất để sinh tồn, để hưởng thụ luôn hướng về vật chất nhục dục, vì con người là một thể xác nuôi dưỡng chính mình trong đó chứa đựng một linh hồn, khi linh hồn rời khỏi thể xác thì thể xác đó sẽ chết ...

On Sunday, 28 December 2014, 23:30, hung vu <> wrote:

Tôi với tư cách cá nhân muốn được thảo luận với vị TCLAHAULA, trong sự hiểu biết  giới hạn cuả tôi, dĩ nhiên cuộc thảo luận có thể kéo dài vì không thể nói một lần mà đầy đủ được hoặc có nhiều câu hỏi mới nẩy sinh.

đề tài: Đạo nào cũng là Đạo.

 Nói đến Đạo là nói đến đời sống tâm linh ( là linh hồn mà mắt thường không thấy được gọi là cõi vô hình, đó là sự nhận biết cuả lý trí ) con vật khác con người là không có lý trí nên con vật chỉ có giác ( xác ) mà không có hồn.

Đời sống thể xác con người gồm các lãnh vực: chính trị, xã hội, văn hoá, kinh tế, quân sự, văn học, thể thao, văn nghệ, giải trí, du lịch .v.v... ( đời sống thể xác con vật không giống như con người chỉ có sinh tồn: tìm cái ăn để sống, tới muà sinh san ).

Trước hết chúng ta cần định nghiã : Đạo là gì? bởi vì khi thảo luận định nghiã Đạo là gì xong và khi đã đồng ý với nhau Đạo là như vậy thì ta sẽ có câu trả lời chính xác có phải  Đạo nào cũng là Đạo không?
1- Đạo là con đường dẫn ta đi tới cái đích: chân lý, sự thật, hạnh phúc, lễ nghiã ...  
2- Đạo là thờ phụng: Thượng Đế, Ông Trời, Thần Linh, Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ ... 
3- Đạo là chuẩn bị một cuộc sống khác sau khi thể xác chết và thân xác trở về tro bụi...
4- Đạo là nhân cách con người: nhân từ, yêu thương, từ bi, bác ái, vị tha, cứu giúp, từ thiện, ân xá, tha thứ, khuyên bảo giáo dân ăn ngay ở lành tránh xa điều ác ...
5- Đạo là tu thân, diệt dục ( tu là cõi phúc, yêu là đau khổ xa lánh nhục dục )
6- Đạo là hy sinh bản thân để đi giúp đỡ: người bịnh tật, trẻ thơ bị bỏ rơi, giúp những người gặp bất hạnh ( bịnh viện, cô nhi viện, trường học, viện dưỡng lão, trường dậy nghề )  

On Sunday, 28 December 2014, 17:43, "TCLAHAULA

Saturday, December 27, 2014

Pierre Duval : « Tiếng gọi ruộng đồng »


TẠP CHÍ VĂN HÓA

Pierre Duval : « Tiếng gọi ruộng đồng »

  •  
  •  
  •  
  • Share

Sinh trưởng trong một gia đình tư sản vùng Bretagne (Pháp), Pierre Duval sang Đông Dương làm việc trong một đồn điền trồng cao su của một người Marseille. Dần dần, ông khẳng định vị trí của mình tại đây khi làm chủ một trong những trang trại rộng nhất Đông Dương và tạo việc làm cho người dân Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận.

36 năm kinh nghiệm tại nơi ông coi là quê hương được ông viết lại trong cuốn hồi kí «Tiếng gọi đồng ruộng - L’appel de la rizière» sau khi ông quay về Pháp vào năm 1960. Chỉ với mục đích lưu lại kỉ niệm cho gia đình và người thân, cuốn hồi kí của ông được chép thành nhiều bản, trong đó có một bản do cha Gérard Moussay giữ (Missions Etrangères à Paris, MEP).

Fabien Chébaut, tiến sĩ cổ sử Việt Nam, chuyên ngành địa-lịch sử miền Nam Champa, tình cờ phát hiện và kết hợp với Nhà xuất bản Les Indes Savantes xuất bản cuốn sách này. 

Trong lời tựa, anh nhận xét: « Cuốn sách kể lại chuyện của một người đam mê với công việc và yêu con người Việt Nam. Những kỉ niệm của ông tái tạo cảnh quan của đất nước qua cách sống, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, cũng như qua sự uể oải, hay tính hào phóng và khả năng tự xoay sở của họ. Pierre Duval chia sẽ với độc giả một cuộc đời đầy khám phá, học hỏi và gặp gỡ trên mọi phương diện với Lịch sử ».
RFI Việt ngữ có dịp trao đổi với anh Fabien Chébaut về Pierre Duval. Sau đây là toàn bộ buổi phỏng vấn.

RFI : Chào anh Fabien Chébaut, anh có thể cho biết Pierre Duval là ai không? Và tại sao ông tới Việt Nam?

Fabien Chébaut : Chào chị. Pierre Duval xuất thân từ một gia đình gốc tư sản vùng Bretagne. Từ bé, ông đã tỏ ra se rebeller và mong thoát khỏi thế giới tư sản để phiêu lưu. Và hoàn toàn ngẫu nhiên, một người Marseille đã thuê ông. Rồi ông tới các khu trồng cao su tại khu vực Sài Gòn trong những năm 1920.

Chính trong những khu trồng cao su này, trong điều kiện làm việc vô cùng khó khăn, ông đã chia sẻ cuộc sống hàng ngày với những người Việt Nam cũng bị ông chủ Marseille bóc lột. Sau đó, ông bị mắc bệnh và phải nghỉ việc. Vào năm 1926, cùng với bố của mình, ông đã mua lại một khu nhượng địa rộng lớn tại Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Đây chính là bước đầu của cuộc phiêu lưu của ông.

RFI : Xin anh cho biết, tại sao ông lại tới Phan Rang? Ông ở lại đó bao lâu? Và đâu là những thời điểm quan trọng trong thời gian ông sống tại đó?

Fabien Chébaut : Ông tới Phan Rang vào năm 1926 với bố của mình. Ông đã mua lại khu nhượng địa của một người Pháp. Ông đã nâng giá trị vùng đất Phan Rang bằng cách tạo ra rất nhiều kênh rạch để tưới đất đai và phát quang rừng. Thay vào vị trí của rừng, đất hoang và các đầm lầy là những cánh đồng mênh mông. Từ thời gian này trở đi, vùng đất Phan Rang bắt đầu phát triển. Cuộc sống của Pierre Duval chính là cuộc sống của một người nông dân. Ông kể lại những gì họ đã làm để làm tăng diện tích trồng trọt, cũng như là thử nghiệm một số giống cây mới chưa có tại Việt Nam.

 Cứ thế, trải qua nhiều giai đoạn, họ thử những điều mới, những giống cây trồng mới. Chúng ta thấy cuộc sống này trong cuốn hồi kí của ông.

Nhưng rồi cuộc sống của một chủ trang trại bị xáo trộn bởi những sự kiện quốc tế mà Việt Nam trải qua trong lịch sử của mình. Sự kiện thứ nhất là việc người Nhật vào Việt Nam năm 1940. Pierre Duval chứng kiến người Nhật tới đóng quân tại Phan Rang. Sau đó là người Pháp cuối cuộc chiến 1945. Chúng ta nhận thấy là Pierre Duval ít có cảm tình với những người đó. Và sau đó nữa, là chiến tranh Việt Nam. Pierre Duval kể lại cuộc sống của ông trong ba thời điểm này. Đây cũng là điểm lý thú trong hồi kí của ông. Đến năm 1960, ông quyết định về Pháp vì áp lực ngày càng nặng nề hơn trong bối cảnh chiến tranh như vậy.

RFI : Anh có thể cho biết tại sao anh không sử dụng từ « thực dân » khi nói về sự nghiệp của Pierre Duval tại Đông Dương ? Ông đã gây dựng và thắt chặt mối quan hệ với người bản địa như thế nào, đặc biệt là với các dân tộc thiểu số, vì chúng ta có thể nhận thấy, trong số những người làm cho ông, không có người Pháp nào.

Fabien Chébaut : Điều lý thú trong hồi kí của Pierre Duval là giúp chúng ta xem xét lại mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam theo một cách hoàn toàn khác. Với tôi, Pierre Duval không phải là một « thực dân ». Có nghĩa là, ông không tới Việt Nam để đô hộ Việt Nam. Trong suốt sự nghiệp của mình, phải coi ông như bất kì chủ doanh nghiệp nào. Điều này rất quan trọng. Ông không bóc lột người làm của mình. Ông trả lương họ như bất kì chủ doanh nghiệp nào. Chính bản thân ông đã trải qua vị trí « thực dân » trong thời gian làm việc tại đồn điền cao su của một « thực dân » Pháp với những người Việt Nam khác. Còn ông thì lại có mối quan hệ hoàn toàn khác với người Việt Nam. Ông học tiếng Việt và ông kết hôn với một cô gái Phan Rang. Và ông thắt chặt mối quan hệ với người dân Phan Rang. Với ông, điều quan trọng nhất là cá tính của con người, những giá trị và những kinh nghiệm mà họ có. Hơn nữa, ông có mối quan hệ thân thiết với một người Việt Nam. Người này đã bảo vệ ông và theo ông tới lúc cuối.

Một điều lý thú khác trong hồi kí, đó là ông biết sử dụng những điểm mạnh của người dân sống trong vùng. Ví dụ, để chặt rừng, ông đã sử dụng người miền núi giỏi phát quang cây cối. Tiếp theo, ông đã sử dụng hiểu biết và kinh nghiệm của người Chăm sống tại đó để xây dựng một hệ thống thuỷ lợi khá chắc chắn, cho phép tưới tiêu những vùng đất và cánh đồng mới. Sau đó, là người Kinh tham gia vào việc trồng cấy, chăn nuôi súc vật. Đây cũng là điều lý thú tại trang trại này, nơi mọi tộc người sống và làm việc chung. Chính vì thế, chúng ta không thể nói Pierre Duval là « thực dân » vì ông ở đây không phải cho việc đó. Ông ở đây để kiếm sống, như bất kì chủ doanh nghiệp nào. Chính vì thế, ông đối xử với người Kinh, người miền núi hay người Chăm như người lao động của mình.
Vẫn trong ý tưởng cuộc sống tại địa phương, Pierre Duval chia sẻ cuộc sống với người dân. Chúng ta sẽ thấy ông trong nhiều tình huống khác nhau, như đi săn voi hay hổ với người dân miền núi. Người ta thấy ông ở những thời điểm khác với người Kinh, như tại các lễ hội tôn giáo. Rồi ông cũng có mặt bên cạnh các quan chức địa phương, trưởng làng hay trưởng tộc. Người đàn ông này thật sự yêu vùng đất Phan Rang, nước Việt Nam, vùng đất nơi ông lập nghiệp. Vì đó là nơi ông có những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời. Chính tại đó ông gặp những người dân mà dần dần, giữa họ nảy sinh tình cảm ngày càng thân thiết và sự hợp tác chặt chẽ.

RFI : Nếu như tôi hiểu ý anh vừa nói, thì quyển sách này giúp chúng ta thay đổi cách nhìn về khái niệm, một bên là « thực dân », còn bên kia là « người bị trị » ?

Fabien Chébaut : Chị có lý, vì chúng ta không quên được là Đông Dương nằm dưới sự cai trị của Pháp và một bộ phận người Pháp tại Việt Nam cư xử như « thực dân ». Nhưng Pierre Duval không phải là trường hợp đó. Và chúng ta có thể nói là có rất nhiều người Pháp sống tại Đông Dương, đặc biệt là tại Việt Nam, ngẫu nhiên tới đó và yêu mến đất nước, và hoàn toàn không có ý tưởng « đô hộ ». Và đây là điều hiển nhiên trong trường hợp của Pierre Duval.

Cách ông cư xử với người Kinh, người Chăm hay người miền núi, là những người dân địa phương, cho phép nhìn nhận trên góc độ xã hội. Một bên là chủ lao động, bên kia là người lao động. Nhưng người lao động không đồng nghĩa với người bị bóc lột. Họ có vị trí trong doanh nghiệp và đóng góp sức lực, kinh nghiệm của mình. Còn chủ doanh nghiệp, là Pierre Duval, có mặt tại đó để điều phối công việc để cơ nghiệp của mình tiếp tục hoạt động và dĩ nhiên là để làm giàu. Nhưng lợi nhuận và thành quả lao động được chia đều cho mọi người. Chính vì thế mà giữa họ hình thành một mối liên hệ, với toàn bộ người lao động trong khu vực trang trại. Và cuối cũng mỗi người đều tìm được lợi ích trong đó. Vì thế, Pierre Duval không phải là một « thực dân », mà là một chủ doanh nghiệp. Đó chính là một phần lịch sử cá nhân ông, và là một phần lịch sử sự hiện diện của Pháp tại Đông Dương.

RFI : Qua bản hồi kí, tôi thấy ngạc nhiên là Pierre Duval chống Nhật, rồi bị Việt Minh bắt đi. Sau đó, tại sao ông lại được thả ?

Fabien Chébaut : Đúng thế, đó chính là hai sự kiện khá quan trọng trong cuộc sống của Pierre Duval. Khi người Nhật tới vùng Phan Rang trong cuộc chiến 1940, họ muốn trưng thu thóc lúa của ông, cũng như thóc lúa do người Việt trồng trong khu nhượng địa. Ông đã chống Nhật, đây cũng là mặt nổi loạn, cứng đầu của ông. Vì thế, việc người Nhật lấy lúa trong khu khai thác nông nghiệp của ông gây bất lợi cho chính bản thân, đồng thời cho những người làm của ông.

Đúng là ông đã bị lính Nhật bắt giam tại Nha Trang. Ông đã được người dân và người làm của mình giúp đỡ. Qua đó, chúng ta thấy được cả một mạng lưới tương trợ nhau và mối quan hệ mà ông gây dựng được trong khu khai thác của mình. Sau đó, trong cuộc chiến tranh Đông Dương, Việt Minh đã bắt Pierre Duval đi. Nhưng ở điểm này, Việt Minh cũng rất thận trọng vì Pierre Duval giúp một lượng lớn người dân sống được tại Phan Rang. Và cũng không thể nào bắt ông rời Phan Rang, vì điều này sẽ gây rối loạn cho công việc khai thác nông nghiệp. Cuối cùng, Việt Minh đã thả Pierre Duval.
Để tiếp ý trên, có một chuyện khá lý thú. Pierre Duval bị mắc bệnh khiến ông không tự đi được. Vì thế, lúc nào ông cũng có hai người Kinh, ở bên cạnh để khiêng ghế. Và khi Pierre Duval bị Việt Minh bắt đi, hai người này cũng bị bắt theo. Trong suốt thời gian giam lỏng, ông chia sẻ cuộc sống hàng ngày với họ, cũng như với bộ đội Việt Minh. Chính vì thế, mà không có sự đối đầu trực tiếp giữa Pierre Duval với bộ đội Việt Minh. Đây cũng là điều lý thú trong hồi kí của ông.

RFI : Năm 1960, Pierre Duval rời Đông Dương về Pháp, vậy ông đã để lại gì cho người dân Phan Rang-Ninh Thuận ?

Fabien Chébaut : Đúng là cuộc chiến Đông Dương khiến khu khai thác nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Năm 1960, ông rời Việt Nam. Với ông, đây là sự chia cắt với nơi ông lập nghiệp, vùng đất ông gắn bó. Pierre Duval đau lòng chia tay Phan Rang về Pháp, đất nước mà cuối cùng ông chẳng biết gì, vì ông rời bỏ từ lúc còn rất trẻ, và ông cũng không có cảm giác mình là người Pháp. Với ông, ông gắn bó với quê hương của mình là vùng đất Phan Rang. Vả lại, tựa đề của cuốn sách Tiếng gọi đồng ruộng (L’appel de la rizière) cũng chứng minh rằng, với ông, ruộng đồng là quan trọng nhất. Đó mới là nơi ông thích được sống.

Ngày nay, khi chúng ta đi thăm Phan Rang, chúng ta ngạc nhiên thấy rằng vùng đất vẫn giữ trong mình những di sản còn lại từ công trình của Pierre Duval. Bạn sẽ thấy những kênh nước tưới tiêu lớn mà Pierre Duval đã cho xây. Cần nhấn mạnh lần nữa là không phải mình ông, mà cùng với người Kinh, người Chăm và người miền núi. Chúng ta cũng thấy trong quang cảnh ngày nay những dấu tích của công trình tập thể này. Thêm vào đó là những cánh đồng bên cạnh hệ thống kênh rạch. Phần lớn những cánh đồng tại Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, có từ khu nhượng địa khai thác nông nghiệp của Pierre Duval.

Và khi chúng ta nói chuyện với người dân địa phương cao tuổi, một số người vẫn còn nhớ tới Pierre Duval. Kỉ niệm về ông vẫn tồn tại ở một số làng. Và ngay cả việc đặt tên một số cánh đồng, người ta vẫn lấy mốc là khu trang trại của Pierre Duval. Như vậy, kỉ niệm về Pierre Duval vẫn tồn tại ở Ninh Thuận và đó cũng là một điểm quan trọng trong cuốn sách này.

Câu chuyện về Pierre cũng chứng minh mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và Pháp, không phải chỉ là mối quan hệ bạo lực hay chiến tranh, mà còn là mối quan hệ tình cảm, xã hội. Đó là một câu chuyện đẹp giữa Pháp và Việt Nam mà trường hợp của Pierre Duval là một ví dụ.
*
Fabien Chébaut cho biết bằng chứng mà Pierre Duval mang lại có tầm quan trọng đặc biệt đối với những nhà sử học, vì nó cho phép đánh giá lại mối quan hệ giữa các dân tộc sống trong thuộc địa. Thật vậy, cuốn hồi kí mang lại một cái nhìn mới về Đông Dương, khác xa với cách nhìn « vơ đũa cả nắm » : Một bên là « thực dân » và bên kia là « người bị đô hộ ». 

Pierre Duval nằm trong nhóm những người Pháp muốn chu du phương xa và, trong trường hợp của ông, thoát khỏi cuộc sống của một gia đình tư sản. Có lẽ thế mà ông không ngại khi kết bạn với những nhân vật có quá khứ đặc biệt, như Nguyễn Thơm, người thân cận của ông, đã từng đi tù, hay những lính lê dương mà ông thích giành nhiều thời gian tiêu khiển với họ.

Trong hồi kí của Pierre Duval, hình ảnh Đông Dương hoàn toàn khác với hình ảnh mà các tấm bưu thiệp thường khêu gợi trí tưởng tượng của người dân Mẫu quốc. Đó là hình ảnh thực được vẽ lên từ kinh nghiệm của một người đã biến vùng đất Phan Rang thành nơi gây dựng cơ nghiệp của mình.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Gần trăm triệu đô-la mất trong trân động đất sóng thần ở Nhật năm 2011 được trả lại cho các sở hữu chủ.

From: Bich Dao Nguyen thi <>To:KIMANH.NaUy
Gần trăm triệu đô-la mất trong trân động đất sóng thần ở Nhật năm 2011 được trả lại cho các sở hữu chủ.


ĐẠO ĐỨC NGƯỜI NHẬT

Người Nhật đã nhận lại gần cả trăm triệu Mỹ kim tiền mặt tìm được trong đống đổ nát sót lại sau trận động đất và sóng thần tấn công nước này hồi đầu năm nay.
Năm tháng kể từ khi thảm họa kép tấn công Nhật, dân Nhật đã giao cho nhà chức trách hàng ngàn chiếc ví tìm thấy trong đống đổ nát, chứa gần 50 triệu Mỹ kim tiền mặt.
Hơn 5.700 két sắt dạt vào bờ, dọc bờ biển đã được những người tình nguyện và nhân viên cấp cứu giao cho đồn cảnh sát. Trong những két sắt, nhà chức trách cũng tìm thấy khoảng 50 triệu Mỹ kim tiền mặt. Chỉ riêng trong một két sắt, có một số tài sản tương đương 1 triệu Mỹ kim. Một số két sắt khác chứa vàng, đồ cổ và các vật quý báu khác.
Cảnh sát Nhật cho hay, phần lớn số tiền tìm được ở khu vực bị sóng thần tàn phá ghê gớm nhất đã được trao lại cho chủ nhân. Nhiều người cất giữ sổ tiết kiệm hoặc giấy tờ sở hữu đất đai có ghi rõ tên và địa chỉ trong két sắt.
Có thời điểm, có quá nhiều két sắt được nộp cho cảnh sát nên họ không đủ phòng để cất giữ. Thậm chí là ngay cả bây giờ, mỗi tuần đều có người tới nộp đồ thất lạc, Koetsu Saiki, cảnh sát Miyagi cho biết.
Từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 7, đồn cảnh sát Ofunato đã thuê 3 chuyên gia két sắt tới giúp mở két.
Ryuji Ito, giáo sư trường đại học thành phố Yokohama nói: “Chắc chắn còn nhiều két sắt đã mất sau động đất. Tuy nhiên, 2,3 tỷ yen tiền mặt đã được hoàn trả cho chủ nhân của nó cho thấy đạo đức của người Nhật là rất cao”.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
ĐẤT NƯỚC và CON NGƯỜI XỨ PHÙ TANG

“Đạo đức người Nhật” là một trong những phim tài liệu nằm trong loạt phim tài liệu mang chủ đề “Văn hóa  Nhật Bản” của Hãng Tin Nihon Denpa News Nhật Bản.

Trong phim tài liệu này hãng phim Nhật Bản sẽ giới thiệu đến khán giả truyền hình về tính cách của người dân xứ Phù Tang  truyền thống và hiện đại.
  Người Nhật có một nguyên tắc là: Đúng giờ, đúng hẹn trong công việc cũng như trong các hợp đồng mua bán.
  Trong một xí nghiệp hoặc công ty, tiền lương và thu nhập của chủ và nhân viên không chênh lệch nhiều, điều này hoàn toàn khác với nhiều nước trên thế giới.
Họ làm việc vì con người, vì Nhật Bản vì vậy mà chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy hàng hóa sản xuất tại nước Nhật bao giờ cũng tốt hơn những hàng xuất khẩu cùng loại của các quốc gia khác, và mỗi khách hàng khi nhìn thấy bất kỳ một sản phẩm nào mang dòng chữ "Made in Japan" thì lòng tin của họ vào chất lượng sản phẩm gần như tuyệt đối.
Tinh thần Nhật Bản, đạo đức Nhật Bản đã được giáo dục cho lớp trẻ từ trong gia đình, nhà trường và xã hội.
Trẻ em đi học được khuyến khích đi bộ, kế đến là dùng phương tiện công cộng hoặc đi xe đưa đón của nhà trường, cha mẹ không dùng xe cá nhân đưa con đến trường.
Ngay từ nhỏ, những trẻ em không hề thấy sự phân biệt đẳng cấp ngay từ ngày đầu tiên đến trường.

Làm được như Nhật Bản là niềm mơ ước của nhiều quốc gia trên thế giới này.


__._,_.___

Posted by: Lu Giang

Thursday, December 25, 2014

Lời Khổng Tử và Nghịch lý cuộc đời !

Lời Khổng Tử và Nghịch lý cuộc đời !


 IMG_4161.JPG
Là nhà tư tưởng, nhà triết học nổi tiếng lịch sử Trung Quốc, Khổng Tử đã để lại cho đời nhiều câu nói có giá trị đến muôn đời sau.

 
IMG_4206.JPG

1.Biết có lỗi mà không sửa thì đó chính là lỗi.

2.Người không có chữ tín sẽ chẳng làm nên việc gì.

3.Sự nghiệp chớ nên cầu mong không có chông gai, trắc trở vì không có chúng thì ý chí sẽ không kiên định.

4.Có kiến thức thì không nghi ngờ, có lòng nhân thì không ưu tư, có dũng cảm thì không sợ hãi.

5.Ðừng mong người khác thuận theo ý mình vì nếu được người khác thuận ý sẽ tất sinh tự kiêu.

6.Làm việc đừng mong dễ thành công. Vì nếu dễ thành công thì bản thân thường kiêu ngạo.

IMG_4203.JPG
7.Không nhìn điều sai trái, không nghe điều xằng bậy, không nói điều sai, không làm điều càn quấy.
8.Ðiều mình không thích thì đừng làm cho người khác. Ðối với quê hương, gia đình nên tránh gây thù, chuốc oán.
9.Người không có nhận thức sâu xa sẽ có ngày sẽ gặp phiền muộn, âu lo.
10.Mọi thứ đều từ hư vô mà ra.
11.Dùng thì đừng nghi, nghi thì đừng dùng.
12.Ngồi bàn tiệc đừng ra vẻ anh hùng vì rượu đã làm cho nhiều người gục ngã.

IMG_4202.JPG


IMG_4161.JPG


T

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày- 10/5/2021

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List