Popular Posts

Saturday, December 28, 2019

LÒNG TỪ BI Toàn Không


LÒNG TỪ BI
Toàn Không 
Quán Từ Bi để trừ lòng sân giận hận thù
                                   
Từ là cho vui, Bi là cứu khổ diệt khổ, Từ Bi là cho vui diệt khổ cho tất cả mọi loài chúng sanh, đó là hành động lợi tha cứu đời. 
   Từ Bi không phải là thụ động yếm thế nhu nhược mà nhiều người lầm tưởng rằng hễ có lòng từ bi, ai muốn làm gì dù phải trái cũng im lặng nghe theo. Thực ra lòng từ bi khiến người ta vận dụng tâm tư khả năng phương tiện để làm cho mọi người mọi loài thoát khổ được vui, Từ Bi bao hàm ý nghĩa rộng lớn vô bờ bến, vì cho vui diệt khổ không những về vật chất mà cả tinh thần, không những với loài người mà còn bao gồm tất cả chúng sinh. 
1). TẠI SAO PHẢI CÓ LÒNG TỪ BI? 
   Tính sân giận oán hờn của con người là một nguyên nhân tai hại lớn gây ra khổ đau cho người và muôn vật. Từ việc nhỏ bé gây đổ vỡ mất hạnh phúc giữa những người thân như vợ chồng anh em, họ hàng bạn bè, cho đến việc lớn như chém giết khủng bố chiến tranh giữa các phe phái, các nước, màu da, tôn giáo, v.v… 
   Tất cả đều do sân hận mà ra, nó nằm sẵn ở trong mỗi con người, có dịp là nó bùng nổ. Vì thế từ thời tiền cổ đến bây giờ, giết chóc chiến tranh luôn luôn xảy ra không ở nơi này thì ở nơi khác, không sao dứt được cảnh khổ; Phật giáo có phương cách dùng lòng Từ Bi để xóa đi, diệt đi lòng sân hận oán hờn, đó là phương thuốc diệt khổ cho vui, vì thế chúng ta cần “Quán Từ Bi” là vậy. 
2). TỪ BI CHO VUI CỨU KHỔ: 
   Người có lòng từ bi không bao giờ sát sinh người và vật, người Phật tử chân chính không giết súc vật để ăn, không giết súc vật để vui như đi săn bắn câu cá; chính nhờ lòng từ bi mà cuộc đời thêm vui bớt khổ, sự chém giết giảm đi bớt tàn khốc, người và muôn vật coi nhau như anh em họ hàng. 
   Nhưng chỉ cho vui và diệt khổ trong hiện tại, chưa đúng với ý nghĩa của nó, người Phật tử còn phải nghĩ đến cho vui và diệt khổ tương lai nữa, tức là phải gây nhân vui cho tương lai và diệt nhân khổ cho tương lai, làm sao thực hành từ bi ở diểm này? 
     Mọi người đều biết tâm ý là nguồn gốc của mọi hành động thiện ác trong ý khẩu thân, ý điều khiển khẩu nói năng thân hành đông thiện ác. Do đó, muốn gây nhân vui cho tương lai và diệt nhân khổ cho tương lai chúng ta phải tu tâm ý trước nhất. Tâm ý tu rồi thì khẩu thân theo ý mà nói làm những việc tốt, bỏ nói làm các việc ác, vì thế phải chú trọng tu tâm dưỡng tánh là vậy. 
3). TỪ BI KHÁC BÁC ÁI RA SAO? 
   Có người cho rằng Bác Ái rộng hơn Từ Bi, có người nói Bác Ái cũng giống như Từ Bi; để hiểu rõ vấn đề này, chúng ta lần lượt phân tích ý nghĩa của hai danh từ này: 
Bác Ái: Bác nghĩa là rộng, lớn, Ái là yêu thương, Bác Ái là lòng thương mọi người; người có lòng Bác Ái thương yêu mọi người, thường cứu giúp người hoạn nạn, ốm đau, khuyết tật, bất bình thường, nghèo khổ từ vật chất đến tinh thần. 
Từ Bi, như trên đã giải thích, Từ Bi là cho vui diệt khổ cho mọi loài chúng sanh, nó bao gồm sáu cõi Trời, Người, A Tu La (Thần), Súc Sinh, Ngạ Qủy, Địa Ngục. Nó rộng lớn bao la như thế chứ không chỉ một loài người, nhưng chúng ta thường sống chung và đụng chạm với loài Súc Sinh vì chúng ta chỉ có mắt thịt không trông thấy bốn loài kia. Từ Bi còn có ý nghĩa cho vui diệt khổ tất cả nguồn gốc ngọn ngành, chứ không phải chỉ xoa dịu cái hiện tại mà thôi, như người làm vườn không phải chỉ cắt các cỏ dại, mà phải nhổ tận gốc rễ không cho mọc lại nữa. 
   Như thế Từ Bi về không gian bao gồm tất cả mọi loài trong sáu cõi, về thời gian bao gồm cả hiện tại và tương lai; còn Bác Ái về không gian chỉ chú trọng một loài người, về thời gian chỉ chú trọng trong hiện tại mà thôi. Nói một cách khác, Từ Bi bao gồm hết nghĩa của Bác Ái, còn Bác Ái không trùm được nghĩa lý Từ Bi rộng lớn. 
   Một số người không hiểu nghĩa của Từ Bi, nên đã bắt chước, dùng danh tự này không đúng chỗ, đây là việc làm khiến cho người cười chê cho việc lạm dụng ngu muội, thật là đáng tiếc đáng thương!! 
   Cũng cần phân biệt lòng từ bi và lòng yêu thương quyến luyến khác nhau mà đức Đạt Lai Lat Ma thứ 14 đã nói: “Tình yêu thương khắn khít giữa vợ chồng, cha mẹ, anh chị em, họ hàng, bạn bè thân thiết v.v…thường phát xuất từ lòng quyến luyến; khi lòng quyến luyến thay đổi, lòng yêu thương cũng thay đổi hay biến mất luôn, đây không phải là tình yêu thương chân thực. 
   Tình yêu thương chân thật không phát xuất từ sự quyến luyến, mà phát xuất từ lòng vị tha, như khi thương xót hay động lòng trắc ẩn đối với người nghèo khổ bệnh tật; trong trường hợp này, lòng từ bi của bạn sẽ tồn tại như một sự đáp ứng cho con người bị đau khổ”. 
4). LÀM SAO ĐỂ CÓ LÒNG TỪ BI?
(Còn tiếp)
LÒNG TỪ BI
Toàn Không
(Tiếp theo) 
Quán Từ Bi để trừ lòng sân giận hận thù                
4). LÀM SAO ĐỂ CÓ LÒNG TỪ BI? 
       Muốn huân tập được lòng từ bi, chúng ta phải dùng phương pháp quán tưởng, có ba cách sau đây: 
1. QUÁN CHÚNG SINH DUYÊN TỪ (Quán sát cảnh đau khổ của chúng sanh để phát sinh ra lòng từ bi): 
    Đây là phương pháp dễ thực hành nhất, khi quán thấy chúng sinh đau khổ mà thành cảm lòng thương xót đưa đến lòng từ bi sinh khởi; chúng sanh ở trong sáu cõi còn đang chìm đắm trong sinh tử phiền não nhiễm ô, chỉ có loài Trời là tốt đẹp hơn cả, nhưng vẫn còn ngũ suy trước khi lâm chung là: Tràng hoa đội trên đầu héo đi, áo choàng dính dơ bẩn, thân mất mùi thơm lại có mùi hôi, thể nữ bỏ đi, không muốn ngồi tòa nữa. Loài A Tu La (Thần) có phiền não cãi cọ, đấu tranh, xung đột, giết chóc, sợ hãi; loài Ngạ Qủy (Ma Qủy) bị đói khát bức khổ; loài đọa Địa Ngục bị giam cầm hành hạ vô cùng đau khổ liên tục lâu dài, như phải nằm trên giường chông, giường sắt nóng đỏ, bị lửa đốt, bị lột da chặt chân tay v.v…thật là khổ cùng cực. 
   Tất cả những loài trên đây, chúng ta không thể trông thấy mà chỉ được biết qua Kinh Phật nói; còn loài Súc Sinh có nạn khổ là ăn nuốt nhau, bị loài người giết để ăn, giết hại cho vui, giết hại vì vô ý, coi sinh mạng loài vật từ lớn đến nhỏ như cỏ rác, nên loài vật khổ biết chừng nào; loài người cũng chịu khổ não từ vật chất đến tinh thần trong mưu sinh hàng ngày, cho đến già bệnh chết, có trăm nghìn nỗi khổ kể sao cho hết được. 
Quán như thế nào để phát khởi lòng từ bi?
    Đức Phật dạy: “Quán sát tất cả chúng sanh trong sáu cõi đều là bà con thân thuộc với mình”. Chúng ta có thói quen những gì ngoài ta đều không để ý đến, giờ đây chúng ta bỏ cái vỏ hẹp hòi mà nhận ra rằng:
1- Loài người chúng ta sống trên trái đất này như sống trong một cái nhà lớn, một đại gia đình, không phân biệt màu da chủng tộc, không phân biệt nước này nước kia, không phân biệt tôn giáo này tôn giáo nọ v.v…. Những sự khác biệt ấy chỉ là bề ngoài, vì ai cũng có xương thịt và các cơ quan bộ phận như nhau, cũng đồng sợ khổ thích vui như nhau v.v… 
2- Rộng lớn hơn nữa, đối với năm loại chúng sinh khác, chúng ta coi như thành phần trong đại gia đình trong thái dương hệ này; mặc dù khác nhau về hình thức vì khác loài, nhưng cũng là chúng sanh có chung một mặt trời là nguồn sống chung; tất cả đều tham sống sợ chết như nhau, đều biết cảm nhận nỗi vui sướng và đau khổ như nhau. Gần gũi chúng ta nhất là loài vật, tuy chúng không thông minh biết nói như chúng ta, nhưng chúng có những điểm riêng đặc biệt của chúng mà có khi ta không có. Chúng cũng biết thông cảm với chúng ta và giúp chúng ta nhiều việc lợi ích, biết đâu rằng đời trước hay đời sau này chúng chẳng phải là anh em bà con chúng ta? 
   Phương pháp quán này giúp chúng ta mở rộng được cái nhìn hẹp hòi của cái ta (ngã) nhỏ bé để thể nhập vào cái to lớn là đại gia đình của toàn thể chúng sinh. 
2. QUÁN PHÁP DUYÊN TỪ:
(Quán mình và chúng sinh cùng một thể tánh do đó từ bi phát khởi): 
   Chúng sanh đau khổ là chính ta đau khổ, phép quán này cao siêu hơn phép quán ở trên; ở đây dùng lý trí để quán sát. Lòng từ bi do duyên “Pháp tánh”(bản tính chung) mà phát khởi. Hành giả quán sát thấy tất cả chúng sanh cùng mình đều đồng một “Pháp giới tánh”(bản tính của chúng sinh), cho nên chúng sinh đau khổ là mình đau khổ, do đó hành giả khởi lòng từ bi cứu khổ ban vui cho tất cả chúng sinh. Đến địa vị này, hành giả không còn phân biệt mình với người, không còn phân biệt thân thích hay người ngoài, và chỉ thấy mình và người có cùng bản tánh (cùng pháp giới tánh) mà thôi; các vị Bồ Tát nhận thấy mình và chúng sinh cùng đồng một bản thể, nên khi cứu khổ không còn phân biệt người đó là ai, và khi làm cũng không chấp mình đã làm. Chúng sanh có khổ thì Bồ Tát có bi, Bồ Tát đã chứng “Pháp duyên từ” chỉ có mục đích làm sao cho chúng sinh hết khổ được vui thôi. 
3. QUÁN VÔ DUYÊN TỪ
(không cần duyên vẫn có từ): 
   Loại quán này rất cao siêu rất khó thực hành, Vô duyên từ là lòng từ bi không có tâm năng (làm) duyên và cảnh bị (được) duyên, không dụng công đối đãi giữa mình và người; lòng từ bi đã sẵn sàng trong thể tánh (Phật tính), nó sẵn sàng lan tràn bao la trùm khắp, không chọn lựa phân biệt. Hễ chúng sinh có nhu cầu là có đáp ứng ngay như tình thiêng liêng giữa mẹ và con, cũng như mặt trời mặt trăng chiếu soi cùng khắp không chừa chỗ nào, sự chiếu soi vô tư, không thiên lệch chọn lựa, không phân biệt chỗ dơ sạch, nơi cao thấp. Tâm từ bi luôn luôn sẵn sàng, chúng sanh hễ có cảm cầu là có linh ứng đáp lại. 
5). LỢI ÍCH CỦA QUÁN TỪ BI: 
   Người quán Từ Bi sẽ trừ được lòng sân hận giận hờn, bỏ được lòng tật đố ganh tị, dẹp được ngã chấp hẹp hòi, và đoàn kết được với mọi người; mọi người nếu đều có lòng từ bi, nhân loại sẽ không còn giận hờn giữa người và người, không còn ghét hại giữa chủng tộc này và chủng tộc kia, không còn chiến tranh giữa quốc gia này với quốc gia kia v.v…. Mối liên hệ giữa mọi người, mọi chủng tộc, mọi nước, mọi tôn giáo sẽ được gắn bó cùng nhau xây dựng hạnh phúc; lúc ấy con người vô cùng sung sướng khi thấy quanh mình toàn là bà con quyến thuộc như anh em trong một nhà cùng nhau an hòa. 
   Từ xưa tới nay, con người trong nhân loại bị đau khổ là do lòng sân hận giận thù gây ra, nếu mọi người biết áp dụng lòng từ bi, sự thù hằn độc ác phải giảm đi, đâu còn việc đầu độc oán hờn vương khắp nơi nơi, mưu lừa dối trá rắc reo nghi ngờ sợ hãi nữa. Nếu mọi người đều có lòng từ bi, đâu còn cảnh tạo bất an chèn ép bức đọa con người, gây khủng bố chiến tranh chết bao sinh mạng; nếu mọi người đều thực thi lòng từ bi, thế giới này là thiên đường vậy. 
   Trong Tăng Nhất A Hàm, quyển 3, trang 475 Đức Phật dạy: “Nếu có chúng sanh tu hành tâm từ, lưu truyền rộng nghĩa của tâm từ, vì người diễn nói, sẽ được qủa báo tốt đẹp là: Ngủ yên ổn không chiêm bao dữ, sống yên ổn không bị ác hại, được Trời Người thương mến, không bị binh đao đạo tặc xâm tổn, không bị lửa nước nguy khốn, được sinh lên cõi trời Phạm Thiên”. Cũng quyển 3 trang 176, Đức Phật khuyên: “Khi bị giam cầm chớ khởi tâm ác mà phải khởi tâm từ rải khắp 
   Trong Tạp A Hàm, quyển 4 Kinh 1253, 1255, 1256, Đức Phật dạy: “Số người tu tập lòng từ bi ít như hòn đất trong tay so với số người không tu lòng từ bi nhiều như đất của đại địa này. Lại nữa, có người mang 300 chảo cơm bố thí ba lần sáng, trưa, chiều, công đức bố thí này không bằng một phần muôn ức của người rải lòng từ bi đến khắp cả chúng sinh dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn như người vắt sữa bò. Nếu có qủy thần ác muốn đến dò xét tìm chỗ sơ hở của người tu tập tâm từ bi này thì không thể được, mà ngược lại ngay lúc ấy qủy thần kia tự bị thương tổn”….,. 


__._,_.___


Posted by: Tien Do <t
__._,_.___


Posted by: Tien Do <

Monday, December 23, 2019

Tứ Khoái

 Tứ Khoái

1 - Ăn :

Nhớ hồi còn nhỏ, một lần trong bữa ăn, ba tôi giận dữ nói: «Con lấy đũa quậy nhiều lần vào nồi cơm lúc đang sôi phải không?»
Tôi sợ hãi nhìn ba tôi, lòng ngạc nhiên không hiểu tại sao ông biết là lúc nấu cơm tôi dùng đũa quậy nhiều lần vào nồi cơm đang sôi, vì sợ cơm bị khê cháy. Ba tôi bị đau bao tử, nên ông rất khó khăn, kỹ lưỡng chuyện ăn uống. Lúc hết giận, ba tôi giải thích: «Khi cơm sôi, chỉ cần quậy một lần cho đều rồi bớt lữa. Không nên quậy nhiều lần vì như vậy sẽ làm cho gạo đổ nhựa ra bọc lấy hột cơm, nên hột cơm bên ngoài thì mềm, ở giữa thì sượng».
Ha ha... Hồi nhỏ tôi cũng ăn cơm đó mà không thấy khác biệt gì, cơm nào cũng là cơm, và nghĩ là ba tôi chỉ... vẽ chuyện.
Bây giờ già rồi; già hơn tuổi ba tôi lúc ông dạy tôi về chuyện nấu cơm và ăn cơm, tôi nhận ra rằng, trong đời, ngay cả chuyện ăn cũng cần phải có kiến thức và kinh nghiệm.

2 - NGỦ :

Cũng như «ăn», «ngủ» là sinh hoạt tự nhiên của con người. Hễ đói thì ăn; buồn ngủ thì ngủ; cần gì học, mà học là học cách nào?.
Nhớ trước đây một cô huê hậu VN đi máy bay, trưng ra một màn «huê hậu ngủ ngày» vô cùng «ấn tượng».
Cô nằm ngủ kiểu mà khi nhìn vào ai cũng tưởng tượng đến câu thơ của Hồ Xuân Hương «Phành ra ba góc da còn thiếu».
Cả cộng đồng mạng nổi sóng; kẻ khen người chê ầm ĩ. Người bênh vực thì bảo «Ngủ thì làm sao mà kiểm soát được»; người chê thì bảo «Ngủ thì ngủ cũng phải ngủ cho đẹp! Ngủ cũng phải học!» Ngủ có phải học không? Cá nhân tôi thì tin rằng có.
Thế hệ trước đây, trong gia đình, từ khi còn nhỏ, cha mẹ đã canh chừng gắt gao con cái khi ngồi khi nằm, nhất là con gái.
Khi thấy nó nằm hay ngồi hớ hênh quá thì nhắc, chỉnh cho nó ngồi ngay ngắn, đúng cách lại. Và cả khi ngủ, thấy chúng nằm không ngay, không đẹp mắt thì «sửa» lại cho ngay. Lâu dần, sẽ thành thói quen, tay chân phành ra hay khép lại đều có «ý thức»; «ý thức» cả trong «vô thức»; lớn lên sẽ không mắc phải cái cảnh ngủ ngày đầy «ấn tượng» như cô huê hậu đó.
Đó là ngủ đơn. Giờ nói chuyện ngủ kép. Trước đây, xã hội VN, trai gái đi đâu cũng phải trai ngủ riêng, gái ngủ riêng.
Ngày nay dưới thời «VC rực rỡ» trai gái kéo nhau đi chơi, đi du ngoạn, tối lại ngủ chung với nhau không «ngại ngùng» gi cả. Tôi đã chính mắt xem những cái video clip do bọn trẻ quay lại rồi bỏ lên mạng.
Khổng Tử sống mấy ngàn năm trước, nhưng ông hiểu rõ cái khác nhau giữa lý trí và thể xác, nên chủ trương «nam nữ thọ thọ bất thân».
Thể xác khi «thích» thì lý trí không «can ngăn» nổi. Cho nên mới nam nữ không được gần gũi nhau. Cọ vào thì nẹt lửa. Lý trí không nhảy vào can thiệp được. Trừ thánh nhân ra, còn người phàm thì không thể dùng lý trí để kiểm soát những phản ứng của thể xác được. Không ai có thể dùng lý trí để làm cho mình không cảm thấy đau khi bị dao đâm vào da thịt chẳng hạn. Hồi trẻ tôi có nghe một câu chuyện thực như thế này.
Thời Tây, một cặp vợ chồng kia chạy không kịp khi lính Tây kéo đến. Người chồng leo lên nóc nhà trốn. Cô vợ bị một tên lính Tây đè ra hiếp. Anh chồng ở bên trên nhìn xuống chứng kiến từ đầu tới cuối. Khi lính Tây rút đi, anh chồng vác dao rượt chém cô vợ. Những người lớn tuổi trong làng đứng ra khuyên can, bảo rằng đó là «ách nước», chứ có ai muốn vậy đâu. Anh chồng sừng sộ đáp: «Tui chém là chém cái tội nó ở dưới... nẩy lên!»
Tôi tin rằng cô vợ không muốn vậy. Không muốn bị hiếp. Không thích bị hiếp. Không mong bị hiếp. Rất xấu hổ khi bị hiếp. Nhưng những thứ đó thuộc phần lý trí. Còn phần thể xác thì khi đã đúng nơi, nói theo kiểu «khoa học hiện đại» là khi đã điểm đúng «huyệt G» rồi thì dù một tỷ thằng «lý trí» nhảy vào bảo nằm im, cũng không thể nằm im được, không thể không «nẩy lên» được!
Cho nên lúc nào cũng phải học, tuổi nào cũng phải học và việc gì cũng phải học. Học để biết. Biết để hiểu. Và hiểu để có sự cảm thông với chính mình và với tha nhân.

3 - «ẤY» :

Xin kể ngay một câu chuyện nữa, cũng thuộc loại «người thật việc thật»:
Hồi người Việt mới sang tỵ nạn ở Mỹ, có anh chàng Việt lần đầu «vật lộn» với một cô gái Mỹ. Phụ nữ Mỹ họ rất tự nhiên, không thẹn thùng, e lệ như phụ nữ Á châu; nên khi «vật lộn» thì họ nhiệt tình lắm: la hét, cào cấu, hổn hển y như sắp... tắt thở tới nơi khiến anh chàng VN hoảng quá; đang tấn công sắp chiếm được thành rồi mà thấy «địch» la dữ quá tưởng «nó» sắp... chết, nên vội ngưng lại xem chuyện gì. Cô gái Mỹ chưng hửng, ngưng... hổn hển và hỏi ráo hoảnh: «Chuyện gì vậy?». Ha ha...
Té ra không phải «nó» tắt thở; mà là «nó» đang... nín thở!
Vậy «ấy» có cần học không? Dĩ nhiên là cần! Nếu không tại sao từ ngàn xưa cho đến ngày nay người ta viết hàng đống sách để dạy? Nhưng học là học cái gì? Chuyện «ấy» thì cũng như ăn. Hễ đói thì kiếm cái gì cho vào mồm, nhai rồi nuốt, khó gì đâu?
Không phải vậy. Nếu mọi việc trên đời chỉ để thoả mãn chính mình thì cứ sống theo bản năng, không cẩn học. Còn nếu biết yêu thương nhau, biết trân trọng nhau, biết nghĩ đến nhau trong mọi hoàn cảnh, biết «chia ngọt xẻ bùi» thì phải học.
Học để biết cách cùng đưa nhau lên... thiên thai. Tinh thần và thể xác là hai phần không thể tách rời của đời sống con người.
Các bậc thánh nhân có thể yêu theo kiểu thánh nhân là yêu chay, yêu tinh thần, không cần hôn hít, ve vuốt gì cả.
Còn người phàm thì đại đa số ai cũng cần có một cuộc sống cân bằng về cả hai phương diện tinh thần và thể xác.
Không có một tình yêu trai gái nào bền vững lâu dài nếu tình yêu đó không có tình dục; và ngay cả có tình dục mà phần tình dục đó không cân bằng, nhưng lại không có sự cố gắng của người trong cuộc để học hỏi mà bù đắp, san sẻ yêu thương cho nhau thì tình yêu cũng khó vững bền..
Trong cuốn «Lady Chatterley's Lover» nhà văn D. H. Lawrence kể chuyện một cặp vợ chồng trẻ thuộc giai cấp quý tộc bên Anh cưới nhau được vài năm; rồi người chồng nhập ngũ và sau đó bị thương liệt cả hai chân, không còn có khả năng đàn ông nữa. Từ đó, cuộc sống vợ chồng của họ thời gian đầu vẫn bình thường nhưng về sau thì thay đổi hẳn. Cô vợ tuy yêu chồng nhưng sự thiếu thốn về tình dục dẫn đến việc cô có quan hệ xác thịt với người đàn ông quản gia... Về sau, cô vợ bỏ chồng chạy theo người tình mà lúc đầu quan hệ chỉ đơn thuần là vì tình dục, rồi dần dà nảy sinh tình yêu.....
Câu chuyện còn dài. Nhưng tựu chung tác giả muốn nói một điều là tình dục là một phần không thể thiếu của tình yêu. Không có nó tình yêu sẽ chết. Mà ngay cả có tình dục nhưng nếu đó chỉ là một hoạt động theo bản năng thì tình yêu cũng sẽ chết. Tình dục cần được học hỏi để trở thành một hoạt động để bày tỏ, san sẻ yêu thương chứ không phải chỉ đơn thuần để thoả mãn nhu cầu sinh lý cho riêng cá nhân mình.

LỜI KẾT.

Trong bốn cái khoái của con người, ba cái đầu đã nói qua rồi, còn cái khoái thứ tư thì tương đối không có gì nhiều để học. Chỉ cần kiểm soát chuyện ăn uống của mình để khỏi bị Tào Tháo rượt, và đừng có bạ đâu ỉa đái đó như khỉ trên rừng thì mọi chuyện sẽ ổn thoả. Cho nên không cần phải dài dòng.
Để kết lại, xã hội VN xưa, con người từ lúc mới sinh ra đến khi trưởng thành đều được gia đình và học đường dạy dỗ nghiêm khắc.
Từ chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện «ấy» đến chuyện đại tiện, tiểu tiện đều được nhắc nhở, chỉ bảo cặn kẽ.
Nhờ vậy mà xã hội trật tự, ổn định, lành mạnh. Đời sống có thể thiếu tiện nghi, chật vật; nhưng con người đối đãi với nhau trong yêu thương và tôn trọng; sẳn sàng giúp đỡ, nhường nhịn, che chở cho nhau.
Ngày nay, từ khi bọn khỉ rừng tràn về thành phố, biến phố thành rừng thì mọi giá trị mà cha ông chúng ta đã dày công xây dựng đều trở thành công cốc.
Bọn khỉ rừng đó «sống, chiến đấu» bằng bản năng khỉ rừng của chúng; dùng cái sức mạnh của loài thú tràn về chiếm được thành phố rồi thì tưởng mình là cái rốn của vũ trụ, một bước từ khỉ thành người, không cần học; không học từ những chuyện cần học để làm một con người có phẩm cách như ăn, uống; mà ngay cả học để thu thập kiến thức để xây dựng đất nước cũng không học nốt.
Chỉ cần mỗi con mua một cái bằng tiến sĩ, phó tiến sĩ, kỹ sư dán trước ngực là đã tự cho mình trí thức, tài ba lỗi lạc rồi.
Vì vậy mà chúng ăn không từ một thứ gì; ăn xương máu nhân dân, ăn rừng, ăn biển, ăn ruộng vườn, ăn đất đai, ăn cứt con nít, ăn mồ hôi háng phụ nữ, ăn luôn cả hài cốt liệt sĩ từng một thời là đồng chí của chúng.
Còn ngủ thì bạ đâu ngủ đó; ngủ cả trong khi đang «họp quốc hội», đứa há mõm, đứa nghẽo đầu, đứa xuôi tay, đứa dạng chân.
Đến cái món đ. thì còn kinh khủng hơn nhiều. Chúng đ. từ trẻ con đến người lớn; cha đ. bồ của con trai; đ. vợ, đ. chồng «đồng chí» của nhau.
Vì ăn tạp, ngủ tạp và đ. tạp như vậy nên chúng bạ đâu ỉa, đái đó, khiến cả một nước bây giờ thúi um.
Một bọn cầm quyền như vậy thì xã hội VN ngày nay nát bét như tương là chuyện đương nhiên.
Giả như lũ khỉ rừng đó có lăn ra chết hết hôm nay thì xã hội VN cũng phải cần một trăm năm nữa để học lại những giá trị tốt đẹp của cha ông mà ăn không giành giựt, ngủ không «phành ra ba góc»; trở về lại với cách sống nhân bản của ông cha chúng ta đã làm từ nhiều thế hệ trước.
Cho nên, nhân gian có câu châm biếm này:

«Nhân bất học, bất tri lý; nhỏ không học lớn làm tỉnh uỷ».

Muốn làm người thì chuyện gì cũng phải học, lúc nào cũng phải học, tuổi nào cũng phải học.

Học làm người mới khó; chứ làm khỉ thì có khó gì!

__._,_.___

Posted by: Quang Dang Thai 

Mời đọc một bài viết hay về Nhà Thơ Bùi Giáng của Nhà Thơ Tạo Ân, Tổng Thư Ký Hội Văn Nghệ Sĩ VNCH Hải Ngoại.

Mời đọc một bài viết hay về Nhà Thơ Bùi Giáng của Nhà Thơ Tạo Ân, Tổng Thư Ký Hội Văn Nghệ Sĩ VNCH Hải Ngoại.
Nhất Hùng
 Bùi Giáng – Người Thơ Rong Chơi Cuối Chân Trời
Tạo Ân
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Hai câu thơ rất nổi tiếng trên của Bùi Giáng mở đầu bài “Chào Nguyên Xuân” trong tập thơ Mưa Nguồn xuất bản năm 1963. Mấy chục năm qua rồi mà hai câu lục bát trên vẫn là một bí ẩn; cũng như ngay cả con người Bùi Giáng, xưa và nay, luôn là một bí ẩn dưới ánh mặt trời, để rồi từ giai thoại biến thành huyền thoại với những câu chuyện chọc phá thiên hạ theo kiểu Ba Giai Tú Xuất. Trong lịch sử văn học Việt Nam trước và sau ông chắc không còn ai có được cung cách viết và sống như ông. Ông rong chơi đây đó tối ngày mà không hiểu tại sao có thể sản xuất ra vô vàn tác phẩm. Người đời chỉ biết lắc đầu chịu thua và cho ông là thiên tài. Ông thường lang bạt đầu đường xó chợ, bạ đâu ngủ đấy, xin gì ăn đó, tự hủy cùng cực, vậy mà thơ vẫn cứ tuôn vô tận. Miễn cưỡng lắm chúng ta có thể xếp Chiêu Lỳ Phạm Thái gần gần ông mà thôi, bởi vì Phạm Thái chỉ mới say thôi chứ chưa điên.
Bùi Giáng tỉnh hay điên? Mà nếu điên thì cũng không phải cái điên bình thường. Cái điên của Bùi Giáng lung linh bao la trí tuệ, tràn ngập không gian cảm ứng và hun hút vực sâu ngộ thức. Những ngoại ngữ Anh, Đức, Pháp, Hán chả biết ông học ở đâu ra nhưng chuyển ngữ thần sầu, viết tiểu luận triết học Tây phương, nhận định phê bình từ Huyện Thanh Quan đến Nguyễn Du, rồi Tản Đà, Hồ Xuân Hương, Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường. Có thời bỏ học đi chăn dê trong vùng núi đồi Trung Việt. Có một thời gian làm giáo sư. Có lúc nổi hứng ông lại bỏ tất cả, cầm cọ đòi làm họa sĩ. Nhưng tất cả những thứ đó chỉ là trang sức cho một thi năng siêu huyền chưa từng có trong văn đàn Việt Nam.
Mai Thảo nói về ông như sau: “Bùi Giáng chất ngất một trời chữ nghĩa, Bùi Giáng trùng trùng một biển văn chương… Sự hình thành một tác phẩm nơi Bùi Giáng cuối cùng vẫn còn là một bí ẩn hoàn toàn trong cái vùn nụt, cái bất tuyệt thao thao, cái chớp mắt đã là của nó… Bùi Giáng đã đem lại cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng ngôn ngữ ảo diệu, không tiền khoáng hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy, thi ca mới không cùng không tận.”
Bùi Giáng, có thể nói, tái phát minh lục bát và sống chết với thể thơ lục bát. Nhiễm nặng Kiều, ông cho là tất cả triết lý đều nằm trong truyện Kiều. Họ Bùi hay lấy Kiều rồi nhào nặn, xào nấu theo gia vị của riêng mình. Có người chê, cho là đạo thơ. Nhưng hãy gác lại chuyện đó. Dù khen hay chê, ai cũng phải công nhận thơ ông vô tiền khoáng hậu. Chữ nghĩa biến hoá như phù phép. Tâm hồn và cuộc đời ông là những mảnh lục bình nổi trôi như nàng Kiều − héo hắt để tang mãn đời cho một Từ Hải uất ức, oan khiên.
Tài hoa của ông là một hiện tượng về ngộ thức ngôn ngữ. Cách xử dụng ngôn ngữ ra ngoài những quy ước. Bỏ hết những ràng buộc giáo điều, Bùi Giáng xé rào đi hoang với thuật ngữ riêng của ông. Đọc thơ ông cần có riêng một cuốn tự diển Bùi ngữ. Thơ ông như chiếc thuyền nan xuôi dòng đang được loay hoay, hoạt kê chèo chống bằng gã đười ươi lông xù nhe răng cười nhân thế. Nhưng cuối cùng con đười ươi cà rỡn này hiên ngang là trạng sư cho phái thơ thuần Việt: “Chúng ta quen thói ngóng chạy theo đuôi mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào cả để thể hội rằng lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba bảy sông hồ” (Thi Ca Tư tưởng). Chỉ có ngông sĩ mới lộng ngôn được như vây! Và cũng chỉ một mình ông nặng lòng với lục bát đến như thế!
Vì lẽ đó, đi tới đâu, ông rắc thi hoa tới đó. Chúng ta hay gặp ở Bùi Giáng những câu “Kiều sắc” tự vấn-đáp nghe ngô nghê dân dã mà xoáy vào tim óc, chạnh lòng, đau đáu:
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
(Chào Nguyên Xuân)
Cũng có khi nhẹ nhàng man mát lụa tơ, lãng mạn vô ngần, có thể hiểu lầm là của Nguyễn Bính hay Hồ Dzếnh:
Áo vàng xin dệt cho em,
Tơ vàng ai lựa sợi mềm tay đan.
Mai sau để lại hoe vàng,
Cầm nghe có thịt da nàng ở trong.
(Dệt Áo)
Nhưng cuối cùng chúng ta sẽ bị bắt buộc trực diện những câu nặc “Bùi phái”, không lầm vào đâu được. Đó là những dấu hỏi lớn lao ở con đường rẽ đôi, ngã ba đường, đường thu chia ngã, hay giữa đường. Người gặp người. Tôi gặp Tôi. Thân Xác gặp Linh Hồn. Tương Lai choảng đụng Quá Khứ (Big Bang) ở Hiện Tại. Và sau khoảnh khắc đó là định mệnh nổi trôi, tiếp tục cuộc hành trình miên man vô định.
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
(Chào Nguyên Xuân)
Hay:
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?
Ta đi còn gửi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù?
Những thương nhớ lạnh bao giờ
Đường thu chia ngả chân trời rộng thênh…
(Mai Sau Em Về)
Bùi Giáng với những câu như vậy thành công ở chỗ tạo âm vang và gây ấn tượng với người đọc. Người đọc bắt buộc phải dừng chân, lấy lại hơi thở, lắng nghe tiếng hát hớp hồn của loài ngư nữ cổ Hy và, song song đó, thưởng thức tranh họa trừu tượng bằng mầu đen huyền hoặc của Van Gogh.
* * *
Có người khen thì cũng có người chê. Trần Hữu Thục, rất khắt khe, bảo: “Nói cho rõ ràng ra, thơ của Bùi Giáng dở. Trừ một số câu thơ hay – chưa hẳn là rất hay, còn lại hầu hết thơ ông đều dở”, “Ta có thể nói, cái dở trở thành tính cách của thơ ông”. Thụy Khuê trong bài “Hiện Tượng Bùi Giáng” kết luận rằng: “Ở Bùi Giáng hình như không có sự tự giới ấy. Cho nên biết bao lần người đọc tiếc, giá Bùi Giáng đừng ham chơi, chịu khó dừng lại ở chỗ đáng dừng để những câu thơ sáng giá như (…) khỏi bị lọt vào khu rừng hoang, ôm đồm những lời thơ vội vàng, mọc lên như cỏ dại.”
Riêng tôi lại cho rằng những câu “dở” là sự hiện hữu tương đương ắt phải có cho những câu “hay”, cũng như “vật” và “phản vật” trong vật lý vũ trụ, hay âm dương nhị nguyên của đạo. Thiếu cái này thì chẳng bao giờ có cái kia. Chúng ta hay vội xét đoán “một thi sĩ thần thế ấy sao lại có những cái dở tệ thế kia”. Chúng ta hãy nhìn vào cách làm thơ của ông trước khi xét đoán thêm. Mai Thảo kể rằng: “Tôi hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Ông gật. Tưởng lấy ở túi vải ra. Hoặc nói về lấy, hoặc nói hôm sau. Tất cả đều không đúng. Ông hỏi mượn một cây bút, xin một xấp giấy, một chai bia lớn nữa, đoạn ngồi xuống và trước sự kinh ngạc cực điểm của chúng tôi, bắt đầu tại chỗ làm thơ (…) Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng viết, thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả. Như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, xa quá, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút, từ đầu ngón thôi (…) Lần đó, tôi đã thấy, đã hiểu tại sao Bùi Giáng, cứ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi.” Cứ thế, Bùi Giáng làm thơ không cần đắn đo, làm thẳng một lèo như viết thư pháp, hay dở đều lộ thiên cho thiên hạ xem. Vì sao? Vì Bùi Giáng làm thơ không phải cho đại chúng, trước hết là cho chính mình, như lời độc thoại trong đêm vắng; với tính tình của Bùi Giáng, chắc ông không cần tri kỷ. Và nếu nói như Thụy Khuê − một Bùi Giáng biết trang trọng gọt dũa chỉ xòe ra thơ “hay” mà thôi − thì thật sự: Bùi Giáng mà chúng ta đều biết đã chết từ ban sơ rồi!
* * *
Hồi còn nhỏ, vào một buổi trưa nắng hè, lần đầu được mẹ mua cho cây cà rem, vừa nuốt qua cổ, tôi cảm nhận được ngay sự mát lạnh, ngon ngọt mà chẳng hiểu tại sao. Hai chữ “miên trường” tạo cho tôi cái cảm giác cũng vậy, thấy hay mà không biết tại sao hay. Lớn lên, muốn vạch ra bí ẩn, tôi cố tìm ra nguồn căn. Lục ra được hai chữ “miên” trong cuốn Hán Việt Tự Điển Thiều Chửu có vẻ hợp với câu văn. Miên () có nghĩa là nhắm mắt, giấc ngủ; và (cũng) miên (綿) nghĩa là ràng rịt. Sau khi bổ câu thơ làm hai, chẻ thêm lần nữa thành bốn, tận dụng bộ não cỏn con, với mớ lý luận sơ đẳng, đại khái tôi hiểu như thế này. Theo nghĩa thứ nhất: mùa xuân phía trước, giấc ngủ dài phía sau. (Bùi Giáng có lần nhắc lại “miên trường” với nghĩa giấc ngủ dài [tìm Hi Lạp giữa Đông phương/ em đi vào giấc miên trường hư không]). Trong cái sát na của va chạm (chào nhau) giữa hai thể lực, ngộ kiến nảy sinh ở mốc điểm, nhìn ra quá khứ vị lai, hay sự tương phản của đối tượng. Ở đây “mùa xuân/miên trường” là hai bất tương gần nhau. Theo nghĩa thứ hai: mùa xuân phía trước, tơ vò phía sau. Thời gian là chiều dài. Ngắt quãng ở đâu đó làm hiện tại. Bên kia là chập chùng quá khứ. Bên này là trong sáng tương lai. Đừng bìu ríu lớp dĩ vãng chằng chịt, hãy dấn thân phía trước hiên ngang. Tới đây tôi rất hãnh diện về những khám phá mới này, từ nay trở đi có thể khoe khoang và giải nghĩa cho mọi người rằng tôi đã giải mã được hai câu bí ẩn hơn mấy chục năm. Rất tiếc và cũng khốn thay! Tôi đồng thời cũng nhận ra rằng hai chữ “miên trường” đã vơi đi nhiệm mầu! Lão Tử đã chẳng nói “Đạo khả đạo phi thường đạo” đó sao? Phạm Công Thiện cũng có lần nói bình thơ là phạm thượng (blasphemy). Và dĩ nhiên Bùi Giáng quá biết về cái taboo lớn lao ấy: “Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được…” (Thi Ca Tư Tưởng). Chúng ta đừng động tới thơ, vốn mong manh sương khói, bởi vì lẽ “đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm”. Hãy để nguyên vị ngọt ngây dại của thơ như cây cà rem đầu mùa giữa trưa nắng hè.
Có một bài thơ Bùi Giáng viết trên mảnh giấy rác, vẫn cái vẻ bất cần đời, vốn là cung cách muôn đời của thi nhân, nhưng lại văng vẳng chiều sâu tư tưởng:
Trước khi về chín suối
Em xin gửi đá vàng
Của trăm năm buồn tủi
Về trở lại nhân gian.
Chắc hẳn ông cũng có ít nhiều trăn trở, buồn vui nhân thế. Có lẽ ngay lúc này ông rất tỉnh và cũng rất cô đơn (không có lấy một trang giấy đàng hoàng để viêt, và luôn luôn viết trong cô đơn). Sự cô đơn luôn là một định mệnh cá tính ám ảnh theo đuổi ông mãi, nhất là trong tình yêu. Ông hằng khao khát một mối tình (“Chắp tay tôi lạy Ông Trởi/Tìm người yêu giúp dùm tôi một lần”). Như “Cô Bé Bán Diêm” của Hans Christian Andersen, ông đốt hết que diêm này tới que diêm khác để vơi đi nỗi buồn; cho tới một ngày không còn que diêm nào nữa, ông đành bỏ lại “Miên Trường” phía sau! Chắc hẳn ông đã nhìn thấy “Mùa Xuân” phía trước!
Tạo Ân

--
************************************
DIỄN ĐÀN PHỤNG SỰ XÃ HỘI
************************************

Sunday, December 15, 2019

SINH TỬ LUÂN HỒI


SINH TỬ LUÂN HỒI
Toàn Không 
    Luân Hồi dịch từ chữ Samera của chữ Phạn. Chữ Hán, Luân là bánh xe, Hồi là xoay lại, trở về, trở lại; Sinh Tử Luân Hồi là sinh ra già bệnh chết rồi lại sinh ra già bệnh chết, tái diễn nhiều lần. Theo Phật giáo, con người sinh ra từ vô thủy (thỉ) đến giờ đã trải qua vô lượng đời, và sẽ còn tiếp nối vô số đời nữa ở tương lai cho đến vô chung. Con người sinh ra chết đi cứ triền miên như thế, nhưng không phải chỉ sinh trong loài người mà tùy nghiệp đã tạo ra trong suốt thời gian sống theo đó mà sinh vào một trong sáu cảnh giới, gọi là sáu cõi Trời, Thần, Người, Ngạ qủy, Súc sinh, Địa ngục. 
I). CÁC QUAN ĐIỂM VỀ
    SINH TỬ LUÂN HỒI: 
     Có bốn quan điểm: Quan điển chấp đoạn, quan điểm chấp thường, quan điểm của Khoa học, quan điểm của Phật giáo, được trình bày dưới đây: 
1). QUAN ĐIỂM CHẤP ĐOẠN: 
     Người có quan điểm này cho rằng con người sinh ra là ngẫu nhiên, tự nhiên như thế, có hợp có sinh, mọi việc ở đời chỉ là may rủi, gặp may có vui, gặp rủi phải buồn. Khi già bệnh phải chết là lẽ tự nhiên, khi chết là hết chẳng còn gì nữa, sự may rủi cũng theo cái chết mà không còn gì nữa; thân xác thành cát bụi, hư vô, không còn một tí gì cả. 
    Theo quan điểm “Chấp đoạn”, con người sống chỉ nghĩ đến hưởng thụ cho mau, nên đưa đến tình trạng dành giật, không cần biết tới bình đẳng, đạo đức, tôn ty; đây là quan điểm có tính cách buông xuôi, không phải quan điểm của những người trí tuệ, mà giống như cách đối xử hạ đẳng của các loài vật. Bởi vì con người ngoài phần thể xác, còn có phần tinh thần, nên bảo rằng chết là hết thì không đúng, tại sao? Vì phần tinh thần nó vô hình vô tướng, mắt người thường không thể thấy được, nên tưởng rằng không có gì cả, nhưng đối với các bậc Giác ngộ, các vị biết thấy rõ phần tinh thần này. 
2). QUAN ĐIỂM CHẤP THƯỜNG: 
     Người có quan điểm này cho rằng khi con người chết rồi, phần thể xác tan rã, còn có phần tinh thần bất hoại, tinh thần này là vĩnh cửu trường tồn không bao giờ mất được. Họ quan niệm phần tinh thần này là một “Linh hồn” bất diệt trường tồn vĩnh viễn, và có một trong hai nơi họ được đến hay phải đến; đó là lên Thiên đàng hưởng thọ khoái lạc vĩnh viễn, hay xuống Hỏa ngục chịu thiêu đốt đời đời không có ngày ra. 
    Theo quan điểm “Chấp thường”, có người nói rằng: “Quan điểm này quá thô sơ, qúa đơn giản, không ăn khớp với những gì diễn biến trong vũ trụ; vì hết thảy vũ trụ vạn vật không có cái gì là vĩnh cửu trường tồn được, không có một nơi nào trong vũ trụ không thay đổi, mọi sự đều đổi thay, kể cả cái chúng ta tạm gọi là linh hồn. Hơn nữa, con người chỉ sống một thời gian ngắn ngủi dù là 100 năm, khi chết đi lại được ở trên Thiên đường hưởng lạc thú đời đời, hoặc xuống hỏa ngục chịu cực hình khổ não vĩnh viễn không có ngày ra; thật là bất công phi lý giữa hai sự sống ấy, chỉ bởi một điều nhỏ là tin hay không tin mà như vậy!” Nên họ còn nói: “Đây là sự đặt ra một phần thưởng quá to lớn và một hình phạt khủng khiếp để con người ham khoái hưởng lạc và sợ hãi khổ sở mà phải tin theo vì tưởng rằng có lợi, chứ sự thực không đúng như thế”. 
3). QUAN ĐIỂM KHOA HỌC: 
A). VỀ VẬT CHẤT:
     Theo quan điểm này có nhiều sự việc khoa học đã nhìn thấy tính cách luân hồi của nó, sau đây là một vài thí dụ: 
1. Nước luân hồi:
     Nước luân hồi rất dễ nhận ra, đó là nước sông, hồ, biển dưới sức nóng của mặt trời làm nước bốc hơi bay lên thành mây, mây có nhiều hơi nước gặp lạnh tụ lại thành nước, nước nặng rơi xuống thành mưa. Nếu khí hậu lạnh dưới 0 độ bách phân (Centigrade) hay dưới 32 độ Farenheit, nước mưa đông thành cục gọi là mưa nước đá. Ở vùng Bắc cực hoặc Nam cực, mặt trời ít chiếu tới nên nước thường đông thành băng; còn những vùng khác, khi mưa nước từ đồi núi chảy xuống suối, rạch, hồ, sông rồi ra biển, từ các chỗ này nước lại bốc hơi thành mây, mây thành mưa, cứ thế nước luân hồi mãi.
2. Khí hậu luân hồi:
     Qủa đất mỗi ngày tự quay như con quay một vòng, nên chúng ta có ban ngày khi chúng ta hướng về phiá mặt trời, và có ban đêm khi trái đất quay phiá bên kia của quả đất hướng về phiá mặt trời, như vùng Đông Á châu ban ngày thì vùng châu Mỹ ban đêm và ngược lại vùng châu Mỹ buổi trưa thì vùng Đông Á châu nửa đêm. Qủa đất còn chạy chung quanh mặt trời trong 365 ngày hết một vòng, đó là một năm. Sự quay chạy của trái đất theo qũy đạo của nó, làm thành bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông ở vùng xa Xích đạo, và hai mùa Nắng Mưa ở nơi gần Xích đạo, xoay vần không dứt, luân hồi mỗi năm một lần. Tất cả muôn vật trên qủa đại cầu này đều bị ảnh hưởng bởi khí hậu bốn mùa hay hai mùa thay đổi, đây là luân hồi của khí hậu. 
3. Luân hồi của hệ thống tuần hoàn:
(Còn tiếp)


SINH TỬ LUÂN HỒI
Toàn Không
(Tiếp theo) 
3. Luân hồi của hệ thống tuần hoàn: 
     Trong cơ thể con người, qủa tim ví như đầu tầu xe lửa kéo cả đoàn tầu, trái tim cũng vậy, nếu tim ngừng đập bóp, con người sẽ chết. Qủa tim có bốn ngăn, hai ngăn trên gọi là tâm nhĩ (atrium), hai ngăn dưới gọi là tâm thất (ventricle). Do sức bóp của tim, máu trong tâm thất bên trái (left ventricle) bơm vào động mạch (aorta) dẫn đi khắp toàn thân vào các mạch máu nhỏ đến các bộ phận, cơ quan  của thân thể để nuôi các tế bào. Rồi máu từ đó theo hệ thống tĩnh mạch (veins) trở về tim vào tâm nhĩ bên phải (right atrium). Máu từ tâm nhĩ bên phải đi qua một cái van (valve) xuống tâm thất bên phải (right ventricle), rồi ra động mạch phổi (pulmonary artery) vào phổi để lấy dưỡng khí (oxygen). Máu từ phổi trở lại tim bằng tĩnh mạch phổi (pulmonary vein) vào tâm nhĩ bên trái (left atrium), xong máu từ đây qua một cái van xuống tâm thất bên trái (left ventricle), và từ đây, tâm thất bóp để đấy máu đi nuôi cơ thể; máu đi đi, về về liên tục không ngưng nghỉ như thế, đây gọi là luân hồi của máu. 
B). VỀ TINH THẦN: 
     Như trên, khoa học đã nhìn thấy nhiều sự vật có tính cách luân hồi, chứng minh một cách cụ thể hiển nhiên, nhưng về vấn đề tinh thần , khoa học còn đang trên đường tìm kiếm. Thường mỗi khi có người nhớ được tiền kiếp, các nhà khoa học lại có dịp truy cứu; đây cũng chỉ là những góp nhặt vụn vặt, nên các nhà khoa học chưa dám khẳng định một cách tích cực toàn diện, vì về tâm linh vô hình vô tướng nên không thấy cụ thể bằng con mắt phàm phu được. Tuy nhiên, chúng ta có thể nêu ra một số phát biểu nổi tiếng của một số danh nhân Tây phương về vấn này như sau: 
1. Pythagore (hơn 550 năm trước Dương Lịch):
     Nhà toán học kiêm triết học người Hy Lạp (Greece) nói rằng: “Tất cả mọi người đều có linh hồn, quanh quẩn trong thế gian hữu cơ và diễn biến theo định luật trường cửu”. 
2. Platon (427 – 347 trước DL):
     Nhà triết học Hy Lạp nói: “Linh hồn thọ hơn thể xác, linh hồn liên tục sinh ra rồi tái sinh trở lại thế gian”. 
3. Ovid (43 trước DL – 17 DL):
     Nhà thơ người tại thành Rome (Ý) nói: “Cái gọi là chết, chỉ gọi là vật chất cũ, còn linh hồn bị đẩy đưa từ nơi này đến nơi khác, linh hồn chỉ là một, chỉ có hình thể mới, như ta thay áo mới. Cũng như loại sáp mềm người ta đổ vào khuôn, mặt sáp sẽ ghi nhận cái khuôn, lúc ấy hình ảnh cũ bị xóa bỏ, chỉ có hình thức bị biến đổi, sáp vẫn là sáp; như vậy, được sinh ra là bắt đầu trở thành một cái gì mới, khác cái trước, và những hình thức mới ấy cũng biến đổi nữa, không có cái gì giữ nguyên vẹn hình thể mà không thay đổi hình dạng”. 
4. Wordsworth (William) (1770 – 1850):
     Nhà thơ người Anh quốc nói: “Cái sinh của chúng ta chỉ là một giấc chiêm bao và một sự lãng quên. Linh hồn, vì tinh tú của đời sống, xuất hiện với ta hôm nay, đã có cơ sở ở một nơi nào và đến từ phương xa: Không phải trọn vẹn trong sự lãng quên, cũng không phải trơ trọi”. 
5. Disraeli (Benjamin) (1804 – 1881):
     Thủ tướng Anh Quốc nổi tiếng một thời nói: “Không có hệ thống nào vừa giản dị, vừa ít va chạm sự hiểu biết của ta bằng thuyết luân hồi. Thuyết ấy xem những đau khổ và khoái lạc trong kiếp sống này như sự thưởng hay phạt các hành động của ta trong một trạng thái khác”. 
6. Emerson (Ralph Waldo) (1803 – 1882):
     Triết gia kiêm nhà thơ người Hoa Kỳ nói: “Cái định mạng mà chúng ta phải lãnh là do chính ta đã chuẩn bị một cách hồn nhiên, vô ý thức, trong rất nhiều kinh nghiệm mà ta không thấy nổi giá trị; có lẽ chúng ta còn tiếp tục nhận lãnh định mạng ấy trong nhiều kiếp nữa, trước khi hoàn tất công việc trả qủa”. 
7. Huxley (Thomas Henry) (1825 – 1895):
     Nhà sinh vật học (Biology) kiêm nhà văn người Anh Quốc nói: “. . . Bên trong đứa trẻ sơ sinh đã có ngủ ngầm đặc điểm truyền thống, và cái “ta” chỉ là một khối năng lực tiềm tàng, thêm vào chút gì khác; những tiềm năng ấy rất sớm nổi lên mặt và trở thành sức mạnh thật sự, một thực lực, từ tuổi trẻ trở lên, biểu hiện lúc lu mờ lúc sáng tỏ, lúc yếu lúc mạnh, lúc đúng đắn lúc sai lầm. Và mỗi lần đổi sang từ thể xác này đến một xác thân khác, thì tâm tánh riêng biệt ấy lại bị một tâm tính khác biến đổi.
    Những triết học gia Ấn Độ gọi cái “Tánh” đồng nghĩa với nghiệp (Karma), chính cái nghiệp chuyển từ đời này đến đời khác và nối liền các kiếp sống trong một chuỗi dài những kiếp chuyển sinh; các triết gia ấy chủ trương trong mỗi kiếp sống, cái nghiệp bị biến đổi, không những do truyền thống mà còn do chính hành động của mình”. 
4). QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO: 
(Còn tiếp)


SINH TỬ LUÂN HỒI
Toàn Không
(Tiếp theo) 
4). QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO: 
    Đúng lý ra, sinh tử luân hồi gắn liền với “Nghiệp báo nhân qủa”, vì con người từ khi sinh ra đến lúc chết đều có tạo nghiệp, do đó mỗi người đều mang theo cái nghiệp của mình. Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta lần lượt phân tích: 
    Con người gồm hai phần thể chất và tinh thần, từ khi bắt đầu có sự phối hợp giữa tinh cha trứng mẹ hợp lại về phần vật chất, cộng với phần tinh thần gọi là thần thức hay nghiệp thức. Bào thai phải có đủ phần vật chất (sắc) và tinh thần (thức) mới đủ điều kiện để thành hình và lớn mạnh được. Ở trong bào thai lớn dần phát triển đủ các bộ phận, trong đó có các bộ phận: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, gọi là sáu căn.
     Khi đủ ngày tháng được “sinh” ra, lớn dần lên, sáu căn tiếp “xúc” sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; khi tiếp xúc với ngoại cảnh nếu yêu thích sinh thọ vui, nếu không thích sinh thọ buồn, hoặc tiếp xúc với cái không yêu không ghét có thọ không vui không buồn. Sự yêu ghét gọi là “ái ố”, vì có ái ố nên cố giữ cái yêu thích, tìm cách để có cái yêu thích, quyết dẹp bỏ tránh né cái không ưa, đó gọi là “thủ, bỏ”. Vì hành động cố giữ và cố dẹp bỏ ấy mà tạo nghiệp, khi chết thần thức phải mang theo để thọ sinh một đời sống khác kế tiếp. 
     Cứ thế sinh ra sống tạo nghiệp già bệnh chết, rồi lại như thế mãi mãi, không có ngày chấm dứt; ngoại trừ người có tu hành đắc đạo mới thoát ra ngoài vòng sinh tử luân hồi, vì nghiệp thức dẫn đi đầu thai, nên tùy nghiệp lành hay nghiệp dữ mà phải vào một trong sáu cõi. Do đó, chúng ta cũng nên tìm hiểu sơ qua để biết thêm tạo nghiệp gì sinh vào cõi nào như sau: 
1. Sinh cõi Trời:
     Người nào làm mười điều thiện gồm ba điều về thân: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; bốn điều về miệng: Không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói đâm thọc, không nói ác; và ba điều về ý: Không tham lam, không sân giận, không si mê tà kiến. Sinh lên ở cõi Trời có đời sống vô cùng sung sướng, không phải làm việc, lại có đời sống rất lâu dài. 
2. Sinh lại cõi Người:
     Người nào làm được năm giới (Ngũ giới) không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không uống rượu. Muốn sinh lại cõi Người, ráng thực hành như thế. Khi tái sinh lại làm người được ở chỗ giàu sang quyền qúy sung sướng, manh khỏe, sống lâu. 
3. Sinh cõi Thần (A Tu La):
     Người có lòng tốt, có thực thi mười điều thiện, tạo nhiều phúc đức, nhưng tính sân hận giận thù chưa bỏ được, nên khi chết đi vào cõi Thần, có đời sống dài, khá sung sướng, nhưng có sự tranh cãi, gây bất hòa, đấu tranh nên cũng có phiền toái.
4. Sinh cõi Ngạ qủy:
     Người bỏn sẻn, đố kỵ, ghen tỵ, mưu mô cướp đoạt của người, trộm cắp v.v… Khi chết sinh vào Ngạ qủy, có nhiều loại Ma qủy khác nhau, có loại phụ với các vị Thần để làm việc cho chư Thiên, có loại phải canh cổng thành cõi Trời v.v..., loài Ngạ qủy thường bị đói và sống luẩn quẩn cùng với loài người và súc sinh, nhưng vô hình nên ta không thấy. 
5. Sinh Súc sinh:
     Người dâm dục ngang trái, người quỵt nợ, giật hụi, lừa đảo, biển thủ tiền của, người đánh đập hành hạ giết hại súc vật, người sớm tối say sưa rượu hoặc ma túy, người tăng thượng mạn v.v.. Khi chết sinh vào loài Súc sinh bị khổ sở trăm bề mà ai cũng thấy. 
6. Sinh Địa ngục:
     Người giết cha giết mẹ, người làm mười điều ác chắc chắn đọa điạ ngục nhanh như liệng mũi kiếm thẳng xuống nước ngay sau khi chết, ở địa ngục thời gian lâu dài chịu cực hình khốn khổ trăm bề; khi ra khỏi địa ngục, lại phải vào Ngạ qủy hoặc Súc sinh, khi trở lại làm người có đời sống nghèo hèn khổ sở. 
II). KẾT LUẬN VỀ SINH TỬ LUÂN HỒI:
    Trong các Kinh Đức Phật nói rất nhiều về các kiếp của Ngài và nhiều người khác, nếu chúng ta đọc Kinh sách của Phật giáo sẽ thấy chuyện tái sinh rất nhiều; Bác Sĩ Edgar Casey tại Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ thứ 20 mà nhiều người đã biết. Ông chuyên bắt mạch định bệnh bằng thiền định và dùng mắt thần để nhìn các kiếp trước của bệnh nhân, mà người ta gọi là dùng “thôi miên” để nhìn xem người bệnh đã trải qua các kiếp trước như thế nào để định bệnh cho bệnh nhân và chữa trị trong mấy chục nghìn trường hợp, mà hiện hồ sơ còn được lưu giữ. 
    Theo dõi báo chí thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy nêu lên chuyện có người nhớ được tiền kiếp của mình, chuyện các vị Lạt Ma Tây Tạng tái sinh nhớ được đời trước cả đến các vật dụng của mình; thiết tưởng chuyện tái sinh hầu như trên thế giới ngày nay coi như chuyện bình thường, không còn mấy người thắc mắc nữa. 
    Schopenhauer (Arthur) (1788–1860): Nhà toán học kiêm triết học người Đức nói về luân hồi như sau: “Ta thấy rằng lý thuyết luân hồi khởi xuất từ thuở sơ khai, trong thời kỳ vàng son của nhân loại, luôn luôn lan rộng trong nhân gian, được coi là tín ngưỡng của phần lớn mà cũng là giáo lý của tất cả tôn giáo; ngoại trừ tín ngưỡng của người Do Thái và hai tôn giáo xuất xứ từ hình thức thật tế nhị của tín ngưỡng ấy ( Hồi giáo và Cơ Đốc giáo). Các thuyết luân hồi đã biến chuyển đến rất gần chân lý mà Phật giáo đề cập, như vậy, trong lúc Cơ Đốc giáo tự an ủi với ý tưởng sẽ tự gặp trở lại trong một thế gian khác, trong thế gian ấy sẽ tìm lại trọn vẹn nhân cách của mình, và cũng sẽ tự nhận ra tức khắc, thì theo các tôn giáo khác, sự gặp gỡ trở lại đã diễn tiến nhiều lần, nhưng ta không nhận thức được. Trong những kiếp tái sinh liên tục tái diễn, những người đã có liên quan mật thiết hoặc có tiếp xúc ngay với nhau sẽ gặp lại trong một kiếp sống vị lai, cũng lại có sự liên hệ với nhau hoặc y hệt, hoặc tương tự, và những tình cảm, thiện hay ác, đối với nhau như trong kiếp sống nàỵ . . .
    Cũng như đã ghi chú trong Kinh Phệ Đà (Ấn Độ giáo) và tất cả các kinh sách khác ở Ấn Độ, thuyết luân hồi được xem là nền tảng Bà La Môn giáo và Phật giáo; cho đến nay, phần lớn các dân tộc Á Đông không phải Hồi giáo, hơn phân nửa nhân loại, vẫn tin tưởng chắc chắn thuyết luân hồi và đời sống thực tế hàng ngày vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc của thuyết này. Đó cũng là tín ngưỡng của người Ai Cập và từ Ai Cập, Orphée, Pythgore và Platon đã nhiệt liệt nhận lãnh.Theo như trên, sự tin tưởng nơi thuyết luân hồi tự nó là niềm tin qủa quyết tự nhiên của con người mỗi khi nghĩ đến vấn đề này mà không bị ám ảnh trước . .”. (Trích trong “The World As Will And Idea”).,.


__._,_.___

Posted by: Tien Do 
__._,_.___

Posted by: Tien Do 
__._,_.___

Posted by: Tien Do 

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List