Popular Posts

Friday, December 28, 2018

PHẠM CHÍ NGHÈO KHÓ (Tiếp theo)


PHẠM CHÍ NGHÈO KHÓ
Toàn Không
(Tiếp theo)
 2). PHẠM CHÍ CÚNG DÀNG PHẬT:
     Phạm Chí mang tiền về, nói chuyện ấy cho vợ nghe, người vợ bảo:
- Hai chúng ta tự đến chỗ Phật trình bày để xin Ngài chỉ cho phải làm sao?
     Bấy giờ hai vợ chồng Phạm Chi Kê Đầu đến chỗ Phật, cùng vái lễ, đến chỗ ngồi, rồi Phạm Chí đem chuyện ấy thưa với Phật, Ngài bảo:
- Như vậy, ông nên vì Như Lai và chúng Tỳ Kheo bày biện thức ăn uống.
     Phạm Chí quay lại nhìn vợ, người vợ bảo:
- Cứ theo lời Như Lai dạy, chớ do dự.
     Phạm Chí liền thưa:
- Cúi mong Đức Như Lai và đại chúng Tỳ Kheo nhận lời mời của con.
     Đức Phật im lặng nhận lời thỉnh mời của Phạm Chí Kê Đầu, khi ấy, Vua Trời Đế Thích đang đứng khoanh tay hầu phía sau Đức Phật (không có Thiên nhãn sẽ không nhìn thấy), Ngài quay lại bảo:
- Thích Đề Hoàn Nhân (tên Vua Trời Đao Lợi), ông hãy giúp Phạm Chí này sắp xếp thức ăn.
     Đế Thích thưa:
- Xin vâng, Thế Tôn!
     Lúc ấy, Tỳ Sa Môn Thiên Vương (một trong Tứ Thiên Vương, là vị ở phương Bắc), cách Phật không xa, dẫn các Quỷ Thần đông không tính được, từ xa quạt cho Đức Phật, Đế Thích bảo:
- Ông cũng nên giúp Phạm Chí này sửa soạn thức ăn thức uống.
     Tỳ Sa Môn Thiên Vương đáp:
- Rất hay, Thiên Vương!
     Rồi Tỳ Sa Môn Thiên Vương cắt đặt 500 Quỷ Thần đi lấy củi Ngưu đầu chiên đàn bỏ vào bếp sắt bên cạnh nhà của Phạm Chí Kê Đầu, 500 Quỷ Thần làm thức ăn; cắt đặt quỷ thần xong ông đến chỗ Phật vái lễ, đi quanh ba vòng, rồi biến thành người thường.
     Vua Đế Thích bảo Thiên tử Tự Tại:
- Ông hãy hóa hiện giảng đường, cùng trang trí đẹp đẽ, để Thế Tôn và đại chúng Tỳ Kheo có chỗ ngồi ăn trên khoảng đất trống gần nhà Phạm Chí Kê Đầu.
     Thiên tử Tự Tại đáp:
- Việc này rất hay!
     Rồi Thiên Tử Tự Tại hóa ra một giảng đường lớn bảy báu, bảy báu là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Bậc thềm lên bằng vàng có cây bạc, bậc thềm lên bằng bạc có cây vàng, bậc thềm lên bằng lưu ly có cây pha lê và ngược lại v.v... Chung quanh bên trong có linh vàng (nhạc, chuông, khánh v. v... phát ra âm thanh, ở dưới trải tòa ngồi nệm tốt, bên ngoài hết hoa, kết tua, dù lọng, cờ đèn, v.v...; một giảng đường to lớn, trang trí đẹp đẽ kỳ lạ chưa từng có ở đời.
     Bấy giờ Tỳ Sa Môn Thiên Vương bảo Phạm Chí Kê Đầu:
- Ông xòe tay phải ra.
     Kê Đầu liền xòe tay phải ra, Tỳ Sa Môn Thiên Vương đưa cho thoi vàng, rồi bảo:
- Ông cầm thoi vàng này ném xuống đất.
     Phạm Chí liền cầm thoi vàng ấy ném xuống đất, liền thành vô số vàng (trăm nghìn lạng), Thiên Vương bảo:
- Ông dùng vàng này để mua sắm thức ăn và các thứ cần thiết mang về đây.
     Phạm Chí vâng lời, liền đi vào thành mua sắm thức ăn thức uống đem về nhà bếp.
     Bấy giờ quanh thành La Duyệt đều ngửi mùi hương thơm lạ. Vua Tần Bà Sa La hỏi quần thần:
- Ta từ lúc sinh ra đến giờ trong thâm cung, chưa hề được ngửi mùi hương thơm lạ này, do đâu có mùi hương thơm đặc biệt này?
     Quần thần tâu:
- Mùi thơm này từ nhà bếp của Phạm Chí kê Đầu. Đây là mùi hương thơm từ đốt gỗ thơm Ngưu đầu chiên đàn của Trời, là điềm lành ứng hiện.
     Vua bảo:
- Mau sửa soạn xe, ta muốn đến chỗ Như Lai hỏi duyên lành này.
     Rồi Vua lên xe đi đến chỗ Phạm Chí Kê Đầu, Vua thấy có bếp sắt lớn chưa từng thấy, lại có vố số người (500) đang nhộn nhịp làm bếp, liền hỏi:
- Các ông làm gì ở đây?
     Các Quỷ Thần lúc ấy đều dùng hình người đáp:
- Phạm Chí Kê Đầu thỉnh Phật và Tỳ Kheo cúng dàng.
     Lúc ấy Vua lại thấy: không xa có giảng đường lớn cao đẹp, liền hỏi tùy tùng:
- Ai đã tạo giảng đường lớn kia? Trước kia ta không thấy.
     Tùy tùng thưa:
- Tâu Đại Vương, chúng hạ thần cũng không biết rõ.
     Vua nghĩ: “Nay ta đến chỗ Như Lai hỏi việc này, vì Ngài cái gì cũng biết, chẳng cái gì không thấy.” Vua liền đến chỗ Phật, cúi lạy rồi ngồi vào chỗ, xong Vua hỏi Phật:
- Ngày xưa không thấy nhà bếp, hôm nay có, trước đây chẳng thấy giảng đường to lớn cao rộng đẹp đẽ, tự nhiên hôm nay lại thấy, lạ quá! Thưa Thế Tôn, do ai làm ra được như thế?
     Đức Phật bảo Vua:
- Đại Vương nên biết! Đó là Tỳ Sa Môn Thiên Vương tạo ra nhà bếp, Thiên Vương Tự Tại tạo ra giảng đường.
     Vua nghe Đức Phật nói thế thì buồn khóc không dứt được, Đức Phật hỏi:
- Đại Vương!, Cớ sao buồn khóc đến thế?
     Vua bạch:
- Chẳng dám buồn khóc, chỉ nghĩ đến chúng sanh đời sau chẳng gặp được bậc đại Thánh ra đời, chẳng được nghe tên của những báu vật kỳ lạ kia, huống là thấy sao. Nay nhờ ơn Như Lai mà thấy được sự biến hóa này, thấy được sự lạ lùng xuất hiện ở đời, thế nên con khóc.
     Đức Phật bảo:
- Đời tương lai, các Quốc Vương và nhân dân, thực chẳng thể thấy những sự biến hóa như ngày nay.
     Bấy giờ, Vua từ chỗ ngồi đứng lên lễ Phật rồi lui về cung; sáng hôm sau, Tỳ Sa Môn Thiên Vương chỉ bảo Phạm Chí Kê Đầu tắm rửa, mặc quần áo đẹp, dạy cách cầm lư hương và cách bạch Phật rằng:
- Giờ đã đến, nay đã đúng thời, mong Đức Thế Tôn chiếu cố.
     Lúc ấy, Đức Phật biết đã đúng giờ, Ngài cùng Tỳ Kheo đến đại giảng đường, có cả chúng Tỳ Kheo Ni cũng dự. Phạm Chí thấy thức ăn rất nhiều mà đại chúng quá ít (chỉ có khoảng năm sáu trăm nguời) nên đến trước Đức Phật cúi đầu vái và thưa:
- Hôm nay thức ăn uống rất phong phú, mà số Tỳ Kheo quá ít, chẳng thể ăn hết, chẳng biết phải làm sao, xin Ngài chỉ dạy?
     Đức Phật bảo:
- Phạm Chí! Ông cầm lò hương lên đài cao hướng bốn phía Đông,Tây, Nam, Bắc nói: “Các đệ tử của Phật Thích Ca lậu tận (sạch hết ô uế, phiền não, bụi trần) A La Hán được 6 thần thông, tập hợp hết ở giảng đường này.
     Phạm Chí bạch:
- Xin vâng, thưa Đức Như Lai!
     Phạm Chí Kê Đầu vâng theo lời Phật dạy, liền bưng lò hương lên lầu vái từng phương và nói y như lời Đức Phật đã dạy, vái cả bốn phương xong rồi trở xuống.
     Chỉ trong chốc lát, từ mỗi phương có tới hai vạn một nghìn vị A La Hán đều dùng thần thông đi trên không đến, tất cả bốn phương tổng cộng là 8 vạn bốn ngàn vị tụ về giảng đường. Giảng đường lớn đủ sức chưa hết thảy, một rừng Tỳ Kheo trong một giảng đường mênh mông im lặng, không một tiếng động nhỏ; các Ngài nếu muốn nói với nhau thì nói bằng tâm ý chứ không nói bằng lời, nên giảng đường rất yên lặng tịch tĩnh.
     Vua Tần Bà Sa La đem quần thần đến lễ lạy Phật và đại chúng Tỳ kheo A La Hán. Phạm Chí Kê Đầu thấy đại chúng A La Hán đông đảo ngoài sức tưởng tượng, nên vô cùng vui mừng, làm việc cúng dường không biết mệt mỏi; nhưng sau khi tất cả Tỳ Kheo A La Hán đã thụ trai no đủ xong mà thức ăn vẫn còn nhiều, Phạm Chí đến thưa Phật:
- Bạch đức Như Lai, thức ăn vẫn còn nhiều.
     Đức Phật bảo:
- Ông nên thỉnh Như Lai và đại chúng Tỳ Kheo, cúng dường bảy ngày.
     Phạm Chí đáp:
- Thưa vâng, Như Lai!
     Rồi Phạm Chí quỳ xuống trước Phật bạch:
- Nay con xin thỉnh Đức Như Lai và đại chúng Tỳ Kheo để cúng dàng 7 ngày, con sẽ cung cấp quần áo, thuốc men, và các thứ vật dụng cần thiết.
     Đức Phật im lặng nhận lời.

LỜI BÀN:
     Mặc dầu Phạm chí Kê Đầu nghèo khó, nhưng lại có người vợ giỏi giang từ việc đi mượn tiền đến giải quyết sự việc đều đâu ra đấy; khi không có tiền thì nghĩ ra cách đi mượn chỗ nọ chỗ kia, khi mượn được tiền rồi mang đóng góp chung không được, người vợ giải quyết rất hay bằng lòng thành, đến trình bày với Phật để Phật bảo sao làm vậy.
     Do đó hai vợ chồng tới trình Phật, Ngài bảo: “Ông nên vì Như Lai và chúng Tỳ Kheo bày biện thức ăn uống”, nhưng Kê Đầu không biết nói sao vì chỉ có 3 tiền vàng làm sao đủ để mua sắm thức ăn cho năm sáu trăm người ăn, nên đã nhìn vợ có ý hỏi ý kiến; may được người vợ nhanh trí bảo: “Cứ nghe lời Như Lai, chớ do dự”, do đó Phạm chí Kê Đầu liền thỉnh mời và được Phật chấp nhận.
     Ở đây, chúng ta nhận thấy người vợ Phạm chí có lẽ biết và tin tưởng tuyệt đối lời Phật nói cách nào cũng phải, phải tin, nên đã không ngần ngại bảo chồng: “Chớ do dự”, nghĩa là chớ ngần ngại gì cả, hãy thỉnh mời ngay đi. Quả thật, sự mời đó chỉ là hình thức, và do sự mời ấy đã là duyên tạo ra bao nhiêu sự việc lạ thường, vì tất cả đều trong sự dự trù của Phật, nên mới có việc các Vua Trời phụ trách các công việc. Vua Tự Tại Thiên Vương dựng giảng đường vĩ đại đẹp như tại cõi Trời, Vua Tỳ Sa Môn Thiên Vương thiết lập nhà bếp, điều khiển Thiên Thần Quỷ trong việc bếp nước v.v...
     Đến khi Vua Bình Sa đến hỏi Đức Phật về các việc kỳ đặc ấy được Ngài cho biết do các Thiên Vương các cõi Trời đến làm ra, thì ông cảm động đến phải khóc, vì cho rằng ông có diễm phúc được thấy những thù thắng do sự hiện diện của Đức Phật mà có được. Ông thương cho các thế hệ về sau như chúng ta ngày nay, khi Phật đã nhập Niết Bàn rồi, không có diễm phúc được thấy những cảnh thù thắng như thế, ông đúng là người đã học được nhiều điều Phật dạy, có lòng từ bi đối với tất cả mọi người.
     Đọc đoạn Kinh trên, chúng ta thấy rõ những sự thù thắng do Chư Thiên làm, lại nữa Chư Thiên cung phụng Đức Phật không khác gì cõi Người cung phụng Ngài vậy. Chư Thiên Thần Quỷ đều là vô hình đối với mắt bình thường của chúng ta, chứ chẳng phải họ không có hình (ngoại trừ các vị Trời ở cõi Vô Sắc là không có hình sắc mà thôi), vì thân hình họ không có vật chất như con người và súc vật, nhưng họ có thể biến hóa hình thù, có thần thông về nhìn nghe biến đi trong chớp mắt là đi vạn dặm rồi.
     Một điểm thấy rõ nữa là thời Đức Phật còn tại thế, các vị tu hành đạt đạo, bậc A La Hán có đủ 6 thần thông vô số, chứ không như ngày nay thời mạt pháp, việc đạt đạo thật là khó khăn biết bao. Bởi vậy, chúng ta ráng tu hành, hoặc cầu mong được gặp Chư Phật như Phật A Di Đà nơi cõi Cực Lạc, hoặc Phật Di Lặc sẽ ra đời sau này để dễ bề đạt đạo Vô Thượng. Chúng ta cùng theo dõi đoạn Kinh kế tiếp:
 3). PHẠM CHÍ XIN LÀM TỲ KHEO:  
 (Còn Tiếp)

PHẠM CHÍ NGHÈO KHÓ
PHẠM CHÍ NGHÈO KHÓ
Toàn Không
(Tiếp theo)
 3). PHẠM CHÍ XIN LÀM TỲ KHEO:  
     Khi ấy có Tỳ Kheo Ni Xá Cưu Lợi đến chỗ Phật, vái rồi bạch:
- Nay con nghĩ: “Không biết có A La Hán lậu tận nào không tụ tập ở đây chăng?” Rồi con dùng thiên nhãn xem xét bốn phương Đông Tây Nam Bắc, không còn thấy một ai không đến, nay đại hội này thuần là A La Hán chân nhân tụ hội về đây.
     Đức Phật bảo:
- Đúng thế, Xá Cưu Lợi! Đúng như lời Tỳ Kheo Ni, đại hội này toàn là A La Hán chân nhân, từ bốn phương tụ hội về đây; các Thầy có thấy trong hàng Tỳ Kheo Ni, người có thiên nhãn bậc nhất là Tỳ Kheo Ni Xá Cưu Lợi không?
     Phạm Chí Kê Đầu cúng dàng Đức Phật và Thánh chúng trong bảy ngày thức ăn, quần áo, thuốc men, và vật dụng cần thiết; lại dùng hương hoa rải lên Như Lai. Khi ấy Chư Thiên rải hoa cúng dường Phật và Thánh chúng trên hư không, hoa kết thành hào quang cầu vồng bảy báu (đài giao lộ), Phạm Chí thấy thế vui mừng phấn khởi, đến chỗ Phật ngồi, vái lễ rồi thưa:
- Cúi mong Thế Tôn cho con được làm Tỳ Kheo.
     Bấy giờ Phạm Chí Kê Đầu được Phật chấp nhận nhập đạo, cạo bỏ râu tóc, mặc áo Cà Sa, làm Tỳ Kheo tu phạm hạnh (khuôn phép). Tỳ Kheo Kê Đầu trừ bỏ thùy miên (ngủ nghỉ), phòng hộ các căn, mắt thấy sắc không khởi tưởng niệm, cũng không có tưởng ác; tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết xúc chạm chẳng khởi xúc chạm, ý biết pháp (mọi thứ) cũng thế.
     Lại không có ý giết hại, không bảo người sát hại. Trừ bỏ tâm không cho mà lấy, thường có tâm bố thí tất cả chúng sinh; xa lìa tâm dâm dật, cũng dạy người xa lìa dâm dật; hằng nghĩ chí thành không dối trá, không hai lưỡi, không thêu dệt, không lời ác. Tất cả gìn giữ như thế hằng tu phạm hạnh, các căn tịch tĩnh, tự tu thanh tịnh tâm mình không còn tỳ vết, lúc ấy Tỳ Kheo Kê Đầu diệt được 5 kết sử che đậy tâm.
     Đối với cuộc sống và sự ăn uống, biết đủ, không cầu nhiều, chỉ muốn giữ thân thể đủ sống để trừ tật hư cũ, không cho thói hư mới phát sinh ra. Tỳ Kheo Kê Đầu hành đạo miên mật không ngưng nghỉ, chẳng để mất 37 đạo phẩm; hoặc ngồi hoặc đi, hoặc đầu hôm (buổi tối) trừ khử thùy miên (buồn ngủ), trấn át trạo hối (tán loạn không yên); hoặc giữa đêm nằm nghiêng bên phải hai chân chồng lên nhau, buộc ý ở một chỗ quang tưởng (nhớ nghĩ về ánh sáng); hoặc cuối đêm (sáng sớm) ngồi hoặc đi kinh hành, tịnh ý mình (hành thiền).
     Tỳ Kheo Kê Đầu biết đủ, thực hành phạm hạnh đầy đủ, thiền định, kinh hành không quên, trừ khử dục tưởng, xa lìa hạnh ác mà nhập Sơ thiền; rồi có giác (biết) có quán (thấy), dừng niệm (dứt nhớ nghĩ), nương sự hoan lạc (vui vẻ) mà nhập Nhị thiền. Thiền định tiếp theo, không có lạc (sung sướng), tự biết thân có lạc, chỗ chư Thánh cầu, xả (bỏ) niệm thanh tịnh đạt Tam thiền; khổ vui đã diệt, không còn sầu lo, không khổ không vui, xả niệm thanh tịnh vào Tứ thiền.
     Tỳ Kheo Kê Đầu hành thiền dần vào tam muội (định tĩnh, tuyệt thanh tịnh), thanh tịnh không tỳ vết, được chỗ không sợ; được tam muội rồi tự nhớ vô số đời, một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, trăm đời, nghìn đời, vạn đời, vô số đời, kiếp thành, kiếp hoại v.v... Biết: “Ta từng sinh chỗ kia tên họ là gì, khổ vui như thế, sống bao lâu, chết đây sanh kia” Tất cả đều biết gốc ngọn tường tận.
     Tỳ Kheo Kê Đầu lại dùng tâm tam muội, thanh tịnh không tỳ vết, dùng thiên nhãn xem thấy chúng sanh, người sinh người chết, nẻo lành nẻo dữ, sắc đẹp sắc xấu, đi theo loại nào thảy đều biết hết. Hoặc có chúng sinh thân miệng ý làm ác, phỉ báng Thánh hiền, tạo tà nghiệp, khi chết sinh trong địa ngục; hoặc có chúng sanh thân miệng ý làm lành, không hủy báng Thánh hiền, tạo nghiệp lành, khi qua đời sinh vào chỗ lành, lên Trời.
     Tỳ Kheo Kê Đầu lúc ấy như thật biết: Đây là Khổ, đây là Khổ tập (nguyên nhân gây ra khổ), đây là Khổ diệt (cách diệt khổ), đây là Khổ xuất yếu (đạo đạt tới). Thấy như thế rồi, tâm dục lậu (xấu xa của dục), tâm hữu lậu (xấu xa ở đời), tâm vô minh lậu (ngu si) được giải thoát. Đã được giải thoát, liền được trí (tuệ) giải thoát, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thụ thân sau nữa, biết như thật như thế, Tỳ Kheo Kê Đầu liền thành bậc A La Hán, bậc Thánh.
LỜI BÀN:
     Chúng ta cũng nên coi lại một vài đoạn Kinh nói vắn tắt về Tỳ Kheo Kê Đầu tu hành:
     Câu: “Phòng hộ các căn, mắt thấy sắc không khởi tưởng niệm, cùng không khởi ác tưởng; tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp”, là sao?
- Thế nào là phòng hộ các căn?
Phòng là bờ đê, gìn giữ, hộ là cửa, giúp đỡ, che chở, Phòng hộ là giữ gìn thủ hộ, ngăn che đề phòng, các căn là 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Phòng hộ các căn là giữ gìn đề phòng 6 cơ quan trên không cho dính mắc 6 trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.
- Mắt thấy sắc không khởi niệm cũng không khởi ác tưởng là sao?
Là khi mắt thấy hình sắc không sinh nhớ, không nghĩ yêu, mà cũng không nhớ nghĩ ác, ví dụ như khi thấy đẹp muốn có, khi thấy xấu muốn gạt bỏ; nếu thấy rồi dù đẹp hay xấu cũng không sinh yêu ghét, đó là phòng hộ mắt (nhãn căn).
- Tai nghe tiếng không khởi niệm cũng không khởi ác tưởng là sao?
Là khi nghe lời nói, giọng ca, dù lời ngọt giọng hay, không sinh yêu đắm nhiễm nhớ nghĩ, dù lời trái, giọng dở cũng không ghét sinh ác cảm, đó là phòng hộ tai (nhĩ căn).
- Mũi ngửi mùi không khởi niệm tưởng cũng không khởi ác tưởng là sao? Là khi ngửi mùi thơm không sinh yêu thích nhớ mãi, dù mùi khó chịu cũng không ghê tởm bực tức. Đó là phòng hộ mũi (tỵ căn)
- Lưỡi nếm vị thông khởi niệm tưởng, cũng không khởi ác tưởng là sao? Là khi ăn uống vị ngon ngọt béo bở không sinh tâm yêu thích, đòi phải có thứ ấy mới được, hoặc khi ăn uống vị không hợp miệng cũng chẳng chê bai cằn nhằn làm cho người nấu nướng phục dịch bất an. Đó là thủ hộ lưỡi (thiệt căn).
- Thân xúc chạm không khởi niệm, cũng không khởi ác tưởng là sao?
Là khi thân tiếp xúc dù dễ chịu hợp ý cũng không đam mê, dù khó chịu cũng ráng chịu đựng. Ví dụ khi được xoa nắn dễ chịu không khoái cảm yêu thích nhớ mãi, khi gặp nóng lạnh quá không gắt gỏng bực tức nhớ mãi, đó là thủ hộ thân (xúc căn).
- Ý biết pháp không khởi tưởng, cũng không khởi ác tưởng là sao? Ý là Ý căn: Ý căn là nơi nương tựa của Ý thức (Thức thứ sáu). Ý căn chính là nơi phát sinh ra sự phân biệt, đắn đo, nghi ngờ, nó chính là Thức thứ bảy, rất tinh tế thuộc tinh thần nên không thấy (có thể nói nó nằm trong bộ óc). Pháp là Pháp trần: Là những hình ảnh, tiếng, mùi, vị, cảm giác của Năm căn tiếp xúc Năm trần ghi lại, lưu lại sau khi duyên với Ý thức. Các hình ảnh, tiếng, mùi, vị ở đây không phải là vật chất của ngoại cảnh mà chỉ là những hình bóng âm vang của ngoại cảnh sau khi lọc qua năm giác quan và đồng thời được duyên bởi Ý thức.
Ví dụ như một người dân thường bắt tay Tổng Thống hay một người thường tuổi trung niên bắt tay một hoa hậu thế giới, không cho đó là hãnh diện, không nhớ mãi, hoặc người bị tù bị hành hạ đánh đập tàn nhẫn cực khổ muôn phần không oán hận, không buồn nhớ hoài. Đó là thủ hộ ý (Ý căn).
     Đoạn Kinh kế tiếp nói: “Tỳ Kheo Kê Đầu thực hành mười điều thiện, tự tu thanh tịnh tâm, không còn tỳ vết, lúc ấy diệt được 5 kết sử che đậy tâm.”
- Thế nào là 5 kết sử che đậy tâm người?
Đây là những trở ngại về tinh thần ngăn chặn hành giả tiến đến Niết Bàn, cũng gọi là Năm Triền cái (Ngũ cái)  hay Năm ấm (Ngũ ấm), gồm:
1- Tham ái: Tham ái là tham muốn nhục dục, luyến ái Sáu trần, dính mắc bởi “Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp”. Chúng là những cái mạnh nhất trói buộc con người vào vòng sinh tử. Muốn tận diệt chúng, phải nhận thức mối nguy hại của chúng, kiên trì quán sát mối nguy hại, kiểm soát Sáu căn “Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý”. Đây là những con rắn độc giết hại tâm thanh tịnh, ngăn trở hành giả đạt tới bậc Thánh.
2- Sân hận: Sân giận, hận thù, oán hờn, tật đố ganh ghét. Hành giả phải quán sát để thấy rõ nguồn gốc xấu xa tệ hại của nó mà trừ bỏ xa lià nó. Đây là ngọn lửa dữ thiêu đốt con người, hành giả dùng tâm Từ Bi để đối trị, khi đã trừ bỏ xa lià được rồi, lòng sẽ nhẹ nhõm, dễ dàng tiến tới tâm định tĩnh vắng lặng.
3- Hôn trầm, thùy miên: Hôn trầm thùy miên là dã dượi, uể oải, không vui, ăn nhiều, ợ ngáp, lười biếng, muốn ngủ nghỉ, không muốn hành thiền, không muốn tinh tấn. Hành giả phải cố gắng ngăn chặn bằng cách suy nghĩ tới sinh tử vô thường đến lúc nào không biết, không còn kịp nữa, lại một kiếp trôi lăn không biết sẽ về đâu, nên phải cố gắng tỉnh thức, kiên trì.
4- Trạo hối, phóng dật: Là hối tiếc, có trạng thái buông xuôi, chao động của tâm khi đã làm những điều bất thiện, hành động ác ấy đưa đến sự lo âu hối tiếc đã để xảy ra việc bất thiện, cũng có tình trạng lo âu khi việc thiện để qua mất không làm nên đưa tới buông thả; lại có đủ thứ khoái lạc ở đời, nên thường nhớ nghĩ không dứt được. Đối trị trạo hối phóng dật bằng cách tự hứa hẹn sẽ không để tình trạng như thế xảy ra nữa. Quyết dứt bỏ xa lià các điều lo âu và các điều vui thích ở đời, để đưa tâm trở lại an ổn trong việc hành thiền.
5- Nghi ngờ: Nghi ngờ là do dự trong qúa khứ, tương lai, và hiện tại, là nghi pháp hành trì, nghi Thiện tri thức giảng dạy, nghi chính mình không đủ khả năng. Khi nghi ngờ sẽ có tâm bất định làm cho việc hành trì bị trở ngại, hành giả phải chú tâm quán sát, tỉnh thức theo dõi, quán sát để ra khỏi sự bất định của nghi ngờ.
    Năm Triền Cái trên nếu không dùng Chính tư duy để suy niệm chính xác, chúng sẽ làm cho hành giả bị tối tăm, không còn con mắt sáng, không còn trí minh mẫn, nên chẳng thể giải thoát đến Niết Bàn được.
     Phần dưới nữa của bài Kinh có câu: “Tỳ Kheo Kê Đầu hành đạo miên mật, chẳng để mất 37 đạo phẩm” là gì? Ba mươi bảy đạo phẩm gồm: “Bốn Niệm Xứ, Bốn Ý Đoạn, Bốn Thần Túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Chi, và Tám Chính Đạo”.,.


__._,_.___


Posted by: Tien Do <

__._,_.___

Posted by: Tien Do 

Thursday, December 27, 2018

PHẠM CHÍ NGHÈO KHÓ


PHẠM CHÍ NGHÈO KHÓ
Toàn Không
 1). NHÂN DUYÊN:
     Một thời Đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc nước Xá Vệ, khi đó Vua Tần Bà Sa La nước Ma Kiệt, dùng xe (ngựa) đến thăm viếng Đức Phật tại Tịnh Xá Kỳ Hoàn. Khi ấy Đức Phật thuyết vi diệu pháp cho Vua nghe, nghe xong Vua bạch:
- Cúi mong Đức Như Lai đến thành La Duyệt nước Ma Kiệt nhập hạ. Con sẽ cúng dàng cung cấp thức ăn, thuốc men và các thứ cần thiết.
     Khi ấy, Đức Phật im lặng nhận lời, Vua Tần Bà Sa La thấy Đức Phật im lặng nhận lời, liền đứng lên lễ Phật, đi nhiễu ba vòng, xong lui đi về. Một hôm, Vua ở chỗ vắng chợt nghĩ: “Ta cũng đủ sức cúng dường Như Lai và đại chúng Tỳ Kheo cho đến trọn đời về ăn uống, quần áo, thuốc men, và các thứ vật dụng cần thiết, nhưng cũng nên nghĩ đến người thấp kém hơn, cũng nên ngó tới họ”.
     Lúc gặp quần Thần, Vua bảo:
- Các ông nên cùng nhau lần lượt dâng thức ăn Như Lai và Chư Hiền, sẽ được hưởng phúc lâu dài.
     Rồi Vua nước Ma Kiệt liền cho thiết lập một giảng đường lớn ngay trước cửa cung Vua, bày biện các vật dụng sẵn sàng.
     Bấy giờ, Đức Phật ra khỏi nước Xá Vệ, Ngài dẫn 500 Tỳ Kheo đi du hóa trong nhân gian, lần lượt dần đến vườn trúc Ca Lan Đà nước Ma Kiệt. Vua được báo cáo Đức Phật đã đến vườn trúc, liền lên xe đến nơi, cúi lạy xong thưa:
- Con ở chỗ nhàn vắng tự nghĩ: “Như ta hôm nay có thể cúng dường Như Lai và đại chúng Tỳ Kheo thức ăn và các thứ cần thiết, nhưng lại chợt nghĩ tới người thấp kém hơn, cũng cần ngó tới họ” Rồi con bảo quần Thần: “Các Ông mỗi người nên sắm thức ăn lần lượt dâng lên Như Lai và chư Tỳ Kheo sẽ được hưởng phúc lâu dài.” Thưa Thế Tôn, như thế nên hay không nên?
     Đức Phật bảo:
- Lành thay! Lành Thay! Đại Vương có nhiều lợi ích, vì Trời và Người mà làm ruộng phúc.
     Vua lại thưa:
- Cúi mong Thế Tôn và đại chúng Tỳ Kheo ngày mai vào cung thụ thực.
     Đức Phật im lặng nhận lời, Vua thấy Đức Phật im lặng nhận lời, liền đứng lên cúi lễ rồi lui; sáng hôm sau, Đức Phật và các Tỳ Kheo đến giảng đường của cung Vua, lần lượt ngồi vào chỗ, Vua dâng lên món ăn thượng hạng, tự tay bưng mời hoan hỉ vui vẻ. Sau khi ăn xong dọn dẹp sạch sẽ, Vua, quần Thần, quyến thuộc được nghe Phật thuyết vi diệu pháp. Bấy giờ có 60 người và 500 Thiên chúng sạch hết ô uế ở đời (trần cấu) và được pháp thanh tịnh, rồi Ngài nói kệ tụng cho Vua và tất cả mọi người đang có mặt tại đó:
Tế tự, lửa trên hết,
Các sách, tụng hơn hết,
Vua đáng trọng trong Người,
Các dòng biển là nguồn.
Giữa sao, trăng chiếu sáng,
Ánh sáng mặt trời hơn,
Trên dưới và bốn phương,
Các nơi có vạn vật.
Trời cùng với người đời,
Phật là cao trọng nhất,
Người muốn cầu phúc đức,
Nên cúng dường Chư Phật.
     Đức Phật nói kệ xong đứng lên đi về vườn trúc, khi đó nhân dân trong thành La Duyệt tùy theo giàu nghèo đều cúng dàng Phật và chư Tỳ Kheo, không ai là không cúng dường. Lúc ấy các Phạm Chí tụ họp lại bàn luận mỗi gia đình bỏ ra ba lạng tiền vàng chung lại để mua thức ăn cúng dường.
     Bấy giờ có một Phạm Chí tên Kê Đầu nhà hết sức nghèo khó, chỉ tự đủ sống, không có tiền vàng để nạp, liền bị các Phạm Chí trục xuất ra khỏi chúng. Khi ấy Phạm Chí Kê Đầu về nhà bảo vợ:
- Bà nên biết, các Phạm Chí không cho gia đình ta ở trong chúng vì không có tiền vàng đưa cho họ.
     Người vợ bảo:
- Hãy vào thành mượn nợ, và bảo người cho mượn sau 7 ngày sẽ trả lại, nếu không trả lại, tôi và vợ tôi sẽ làm tôi tớ để trừ nợ.
     Phạm Chí vào thành, đi nhiều nơi, nhưng không có người nào cho mượn nên trở về bảo vợ:
- Chẳng ai chịu cho mượn, làm sao bây giờ?
     Người vợ bảo:
- Phía Đông thành có đại Trưởng giả Bất Xà Mật Đa La nhiều tiền của, chắc mượn được, cũng nói như thế, chắc là mượn được.
     Phạm Chí nghe lời vợ, đến Trưởng giả Bất Xà Mật Đa La, liền mượn được, bèn đem ba lượng tiền vàng đến nộp chung với mọi người, nhưng các người ấy bảo:
- Chúng tôi đã khóa sổ rồi, hãy đem tiền vàng về, chẳng cần đứng chung tên trong chúng này.
LỜI BÀN:
     Vua Bình Vương (Tần Bà Sa La) tới nước Xá Vệ viếng và thỉnh mời Đức Phật và chúng Tỳ Kheo đến nước Ma Kiệt an cư ba tháng, nhưng sau lại nghĩ đến sự chia sẻ cho các quan và nhân dân, vì ông nghĩ đến phúc đức của cúng dàng bố thí Đức Phật và chúng Tỳ Kheo rất lớn, cần san sẻ cho mọi người cùng hưởng.
     Việc cúng dường này không những các quan làm việc trong triều đình hưởng ứng, các viên chức cấp dưới trong thôn ấp, và dân chúng cũng thấy biết được sự lợi ích của việc cúng dàng, nên chúng ta đã thấy ngay cả người nghèo không có dư cũng muốn được đóng góp trong việc cúng dường, điển hình là phạm chí Kê Đầu. Đây là Vua Bình Sa đã tạo nhân duyên cho những người trong nước ông được dịp làm việc phước, do đó Phạm chí Kê Đầu mới có dịp gặp Phật như đoạn Kinh dưới đây, chúng ta hãy tiếp tục cùng theo dõi:
2). PHẠM CHÍ CÚNG DÀNG PHẬT:
(Còn Tiếp)


__._,_.___

Posted by: Tien Do 

LỜI NGUYỆN ĐÊM GIÁNG SINH


----- Message transmis -----
De : Khanh Nguyen-Kim <>
À : DD bacaytruc <>
Envoyé : mercredi 26 décembre 2018 à 00:31:35 UTC+1
Objet : [PSXH] TR: --> Kính mời chia sẻ 12 bàiTâm Thơ Nguyện Cầu ĐÊM GIÁNG SINH của thi sĩ ngoại đạo Ngô Minh Hằng

  Kính chúc quý cha, quý thầy, quý mục sư, quý thân hữu một 
      Giáng Sinh 2018 và Năm Mới 2019 khang an, hạnh phúc.

01

LỜI NGUYỆN ĐÊM GIÁNG SINH

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
 Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

Đêm Giáng Sinh âm thầm con nguyện
Xin ban cho dân Việt chúng con
Tha hương mấy chục năm tròn
Vững lòng mến Chúa và còn thương nhau

Trong khốn khó buồn đau hoạn nạn
Bày chim Hồng phân tán bốn phương
Chúa ơi, xin hãy chỉ đường
Cho dân nước Chúa một phương quay về
Cho đất Việt màu quê tươi lại
Núi sông kia mãi mãi còn xanh
Tiên Rồng, trang sử liệt oanh
Đinh - Lê - Trần - Lý rành rành còn ghi
Bạch Đằng Giang cọc thì vẫn đó
Gò Đống Đa mốc có mờ đâu
Trải qua lắm cuộc biển dâu
Nước con đã đủ thảm sầu, Chúa Ơi!
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm!”

Ngô Minh Hằng

02


ÐÊM CHÚA GIÁNG TRẦN
(Xin gởi về những người yêu nước trong nhà tù VC tại quê nhà)


Giáng Sinh, Hà Nội, Sài Gòn
Phố phường tấp nập, dập dồn người, xe
Quan bà gấm lợp, nhung che
Quan ông thù tiếp bạn bè rình rang
Phong bì giá trị là vàng
Ngổn ngang tặng vật hân hoan lời mừng

Ðêm xanh, tiệc đỏ, tưng bừng
Câu cười tiếng chúc tưởng chừng thâu canh
Thế mà gần đó, chị, anh
Nhà tù lạnh lẽo, vắng tanh tiếng cười
Giáng sinh nào biết phút vui
Chỉ nghe xiềng xích vang lời khóc than
Khóc rằng bạo ngược tham tàn
Bắt người yêu nước xử gian án tù
Vết nhơ này có thiên thu
Vẫn còn đậm giữa tâm tư loài người!
Tiếng hờn đã vượt ngàn khơi
Tấm lòng trung nghĩa, đất trời chứng tri
Ðêm đen rồi phải qua đi
Bình minh rực rỡ, uy nghi, đến ngày

Tôi tin thế giới, đêm nay
Giáng Sinh, Chúa sẽ ban đầy hồng ân
Ðêm nay, đêm Chúa giáng trần...

Ngô Minh Hằng

03


LỜI CẦU XIN CỦA NGƯỜI NGOẠI ĐẠO 

Chúa Giáng Sinh rồi, Chúa Giáng Sinh
Bê-lem réo rắt nhạc thiên đình
Giang hà huyền diệu màu tinh tú
Vũ trụ bừng lên ánh hiển linh
Chúa Giáng Sinh rồi, Chúa Giáng Sinh
Ngôi Hai, con chúa, hiến dâng mình
Chuộc bao tội lỗi cho nhân loại
Gánh chịu gian nan, chịu cực hình
Chúa Giáng Sinh rồi, Chúa Giáng Sinh
Mông mênh tuyết phủ trắng mông mênh
Chúa trong hang đá, đêm đông, lạnh
Máng cỏ, bày chiên sưởi ấm tình
Chúa Giáng Sinh rồi, Chúa Giáng Sinh
Ánh sao dẫn lối cuộc đăng trình
Ba vua theo dấu vì sao lạ
Tìm Chúa, yêu thương tỏ ý mình
Chúa Giáng Sinh rồi, Chúa Giáng Sinh
San bằng, lấp cạn cảnh điêu linh
Những nơi khốn khổ đau thương đó
Chúa đến, muôn loài được tái sinh!
Chúa Giáng Sinh rồi, Chúa Giáng Sinh
Dân con, thưa Chúa, cực trăm hình
Trong lò hỏa ngục trần gian ấy
Đời sống, than ôi, quá tội tình!
Chúa Giáng Sinh rồi, Chúa Giáng Sinh
Trước tôn nhan Chúa, đứng nghiêng mình
Con, người ngoại đạo, cầu xin Chúa
Thương Việt Nam con, dẹp bất bình!

Ngô Minh Hằng

04

VINH DANH THIÊN CHÚA TRÊN TRỜI

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm!”
Từng hồi chuông đổ
Vang tiếng gọi thầm
Từng hồi chuông đổ
Niềm vui tràn dâng
Lòng thơm hương gió hải tần
Nhập hồn hoang đảo, hóa thân hiện về
Con đi dự lễ nửa khuya
Vài chùm sương lạc thầm thì bâng khuâng
Có vì sao nhỏ
Rũ áo phù vân
Theo con từng bước phong trần
Mảnh đời du tử, những vần vô minh
Hồi chuông
Nốt nhạc
Tiếng hát
Lời kinh
Nói lên vạn nỗi tâm tình
Trong hồn con én nhỏ
Con đã về đây, qùy bên máng cỏ
Mừng Chúa chào đời
Trong muôn tiết tấu chơi vơi
Giữa lời kinh thánh là lời cầu xin
Con cầu nguyện Chúa
Chẳng để cho mình
Xin Người ban phép hồi sinh
Cho quê con nghìn trùng xa cách
Một quê hương
Đã hơn hai mươi năm dài người ta cướp mất
Bên kia bờ biển Thái Bình
Xin Chúa nhân từ xóa hết điêu linh
Cho mảnh đất xưa được bừng lên sức sống
Để bảy chục triệu dân lành có cơm no, áo ấm
Và trẻ thơ cắp sách đến trường

Cho cô bé năm nào biết lược biết gương
Để biết rằng mình đẹp
Và mỗi chiều vàng có lửa hồng tươi bếp
Có người vợ cười hiền trong hạnh phúc long lanh...
Có Mẹ già
Đôi mắt không còn ngấn lệ vòng quanh
Khi nhớ về con trong đêm trừ tịch
Có thằng cu hay đùa, hay nghịch
Toét miệng cười khi bập bẹ gọi cha
Có đàn vịt, đàn gà
Có con trâu, con nghé
Có ruộng lúa vàng, có vườn cau, gốc khế
Và lịch sử oai hùng của bao thế hệ
Cũng tươi lên rạng rỡ sơn hà
Chúa ơi, xin hãy xót xa
Và ban ơn xuống cho Nhà Việt Nam
Từ Cà mau đến Nam quan
Bao năm lệ máu muôn hàng đã rơi!
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm!”

Ngô Minh Hằng

 05

ĐÊM THÁNH
(Kính dâng Hiền Mẫu)

Đêm hôm nay trong rộn ràng ánh nến
Thiên hạ tưng bừng đón Chúa Giáng Sinh
Con đứng bơ vơ giữa đời khánh kiệt
Giữa dối gian điên đảo của nhân tình
Con đứng đăm đăm nhìn rừng lửa nến
Có ngọn nào thắp sáng tuổi thơ con?
Đêm giá lạnh, giáo đường con tìm đến
Tìm lại ngày xanh mộng biếc linh hồn
Ôi ngày đó trong nghiệt ngòi dâu biển
Con biết chi vai mẹ trĩu cho đời
Khi khôn lớn, lòng con vừa thấm mệt
Hiểu ra thì con, mẹ đã chia phôi!
Con tiếc nhớ những ngày bên cạnh mẹ
(Ngày cuộc đời năm tháng có mùa Xuân)
Mẹ, bà tiên, ban phép lành cõi thế
Cho đời con huyền thoại tuổi thiên thần
Con nhớ quá những mùa Đông thơ bé
Mẹ cần cù đan tấm áo len xinh
Để đêm lạnh như đêm nay, mẹ nhỉ
Mặc áo con nghe ấm cả hồn mình
Và cứ thế, bao nhiêu hình ảnh cũ
Của ngày xưa, trong khung cảnh giáo đường
Dù ngoại đạo, mẹ vẫn cầu nguyện Chúa
Cho quê mình thôi giặc giã đau thương
Nhớ dáng mẹ đứng âm thầm, yên lặng
Đưa mắt buồn nhìn Thánh Giá trên cao
Con chợt thấy cõi lòng bao thiếu vắng
Bao bâng khuâng và tiếc nuối dạt dào...
Bỗng như mẹ nhìn con cười, âu yếm
Phải đây ngày êm ái tuổi thơ vui?
Bao khốn khó vèo bay, phai nhạt hết
Con thênh thang trong hạnh phúc tuyệt vời!
Ôi ân điển, vùng trời con trẻ dại
Bên mẹ tung tăng chân sáo, trường làng
Kỷ niệm cũ vẫn cùng con sống mãi
Dù tóc xanh trắng điểm dấu thời gian
Con thắp hồn con đêm nay, ngọn nến
Gởi mẹ yêu thăm thẳm chốn mây ngàn
Con thèm quá, một nụ cười thương mến
Một bàn tay nâng dắt giữa trần gian
Đêm rất thánh, con rưng rưng mắt lệ
Chúa Hài Nhi dường như cũng ngậm ngùi
Trong cõi nhớ thiết tha, con gọi mẹ
Tiếng con buồn hơn tiếng sóng trùng khơi!

Ngô Minh Hằng

06

ĐÔI MẮT ĐÊM GIÁNG SINH

Giáng sinh em đi dự lễ
Gió đùa làm tóc em bay
Em nép vào vai áo mẹ:
“Mẹ ơi, sao lạnh thế này!?”
Nhìn em, xuýt xoa mẹ bảo
“Trời ơi, tội nghiệp con chưa!”
Rồi choàng thêm cho chiếc áo
Em cười, mắt biếc sao thưa...
Thánh ca thiêng từng nốt nhạc
Giữa bầu không khí trang nghiêm
Long lanh một đôi mắt sáng
Nhìn em đăm đắm, dịu hiền
Em chợt thấy lòng rộn rã
Nở trăm ngàn nụ bâng khuâng
Niềm vui từ đôi mắt lạ
Cho em đôi cánh thiên thần!
Em bay, bay không biết mỏi
Từng vùng trời lạ thơm hương

Bỗng đâu lời kinh sám hối
Đưa em về lại giáo đường
Nhìn Chúa nằm trong máng cỏ
Cơ hàn nhất cõi trần gian
Mong thức lòng người tỉnh ngộ
Dừng tay độc ác, tham tàn!
Em chắp đôi tay khấn nguyện
Bình an về với mọi người

Quê xa không còn tai biến
Em cùng... người ấy nên đôi...
Chợt nhận ra chàng bên cạnh
Hân hoan hé nửa môi cười
Mắt chàng nhìn em ý nhị
Làm em mắc cở quá trời!
Đường về xôn xao chi lạ
Lung linh vạn ánh nến hồng
“Mẹ ơi, áo đây con trả...
Lòng con ấm giữa mùa Đông!”

Song Châu Diễm Ngọc Nhân

07

EM VÀ ĐÊM CHÚA GIÁNG TRẦN 
(tặng những em bé Việt Nam đang sống trong tăm tối nhất)

Em ước mơ gì hôm nay, hỡi bé
Khi lê la nơi góc chợ, đầu đường
Để van xin người nhỏ chút tình thương
Vào chiếc ca nhôm lấm lem trống rỗng?
Kẻ đạo diễn, đẩy em đi tranh sống
Ngay lúc lọt lòng, là chính cha em!
Uốn cánh tay cong, bẻ ống chân mềm
Thành bé sơ sinh xanh xao, tàn tật!!!
Em, từ đấy, bước vào đời hành khất
Chẳng nâng niu, bàn tay mẹ dịu dàng
Không tiếng ca dao huyền diệu nhân gian
Mà trao đổi giữa kẻ thuê, người mướn!
Ai oán tuổi thơ, tủi hờn em lớn
Tàn tật chân tay, thương tích tâm hồn
Ngày lại ngày, quằn quại vũng cô đơn
Giữa xã hội vốn loạn cuồng, băng hoại!!!
Góc phố, nửa giờ, tiếng loa lập lại
Mỹ Ngụy bạo tàn, bác đảng quang vinh
Bao nhiêu năm dài cách mạng hy sinh
Diệt Mỹ Ngụy giúp miền Nam giải phóng!
Mỹ cút, Ngụy nhào, đảng ta chiến thắng
Nước ta nay tiến bộ nhất hoàn cầu
Độc lập, tự do, hạnh phúc, sang giàu
Nhớ ơn đảng cho ta đời sống mới
Nhớ ơn đảng, mỗi chiều em chỉ hỏi
Ca có gì và bụng có gì thôi
Chả bao giờ em biết hỏi xa xôi
Như công chính, như nhân quyền, nhân vị
Nhưng đêm nay, đêm huy hoàng, tuyệt mỹ
Đêm rất thiêng, đêm Thiên Chúa Giáng Trần
Cứu chuộc loài người, ban phát hồng ân
Cho thế giới hòa bình bên thế giới!!!
Kẻ gian ác mà không lòng sám hối
Sẽ cúi đầu đền tội trước giờ thiêng
Người tâm ngay, dạ thẳng, mắc oan khiên
Sẽ hưởng phúc từ Cõi Trời, màu nhiệm!
Tôi thấy em cười, nụ cười thánh thiện
Đợi tin vui từ một cánh Thiên Thần...
Tiếng ai hát bài thánh lễ lâng lâng...

Ngô Minh Hằng

08

TÂM NGUYỆN GIÁNG SINH

Thánh nhạc, đèn, hoa, ngát cõi trần
Giáng Sinh, Chúa đến gội hồng ân
Hang lừa, máng cỏ, nơi Người chọn
Mục tử, đàn chiên, kẻ Chúa cần
Khiêm tốn, hy sinh, hành thánh giáo
Nhân từ, đạo hạnh, đãi tha nhân
Năm châu mừng Chúa, đời vui quá
Riêng Việt Nam con vẫn khóc thầm

Riêng Việt Nam con vẫn khóc thầm
Vì loài cộng sản, lũ tà tâm
Đã gieo hận tủi, gieo tang tóc
Lại tạo oan khiên, tạo cát lầm

Miệng ngập yêu thương mà bất nghĩa
Lời đầy tình cảm vẫn vô nhân
Chúa ơi, xin xót cho nòi Việt
Gìn giữ người vì nước, dấn thân!

Ngô Minh Hằng

09

LỜI NGUYỆN GIÁNG SINH

Thưa Chúa, lòng con quá não nề
Vở bi hài kịch đắng sầu quê
Nhà tù cộng nhốt người lương thiện
Tổ quốc Tàu sang dạ tái tê
Nhưng lũ chư hầu chưa tỉnh ngộ
Và bày khuyển mã vẫn u mê
Giáng Sinh, xin rưới lòng can đảm
Quật khởi vùng lên đẹp bốn bề!

Ngô Minh Hằng

 10

ĐÊM GIÁNG SINH GIỮA LÒNG HÀ NỘI

Giữa Hà Nội, trong mùa Đông lạnh gía
Lấp lánh hoa đèn đón Giáng Sinh vui
Đời hai mặt như hai bề chiếc lá
Em, buồn thiu, đời rộn rã cuộc đời ...
 *
Em, đêm nay, hiên nhà hay góc chợ
Tiết đông về hẳn lạnh thấu đài tim
Áo rách thế, sao em ngăn được gió
Chẳng cơm chiều, bao tử có nằm im ???
*
Rồi mai sáng, cùng mặt trời, tất bật
Em mệt nhoài tay bới rác, tìm cơm
Trên bãi rác, người giống như con vật
Con vật người ôi, tủi nhục nào hơn ?!
 *
Cạnh bãi rác không xa là thành phố
Có những căn lầu, biệt thự nguy nga
Chủ là đảng viên, sao vàng lố nhố
Trên đỉnh uy quyền, thác loạn, xa hoa ...
 *
Ngày cuối năm đảng tưng bừng yến tiệc
Lấy máu dân làm rượu chúc nhau bền
Quà tân niên những phong bì kỷ niệm
Dày cộm đô la, châu báu, bạc tiền !!!

 *
Con của đảng có dư thừa bánh trái
Và dư thừa quần áo hiệu, đồ chơi
Những thứ đồ chơi văn minh, hiện đại
Những búp bê xinh, mắt chớp, môi cười ...
 *
Em cô độc bước đi trên hè phố
Hè phố cuối năm tấp nập, rộn ràng
Trong tay em, những thứ đời vứt, đổ
Có món đồ chơi cũ kỹ ai quăng
 *
Chợt vọng lại những hồi chuông hối hả
Ô - đêm nay – Đêm Chúa đến cùng người !
Ngước mắt nhìn trời – trời đêm tối qúa
Em nghẹn ngào dòng lệ mặn tuôn rơi....
*
Ngô Minh Hằng


11

BẢN THÁNH CA

Đêm đen, tuyết trắng, chao ơi lạnh!
Kéo mũ con che phủ kín đầu
Dò dẫm bước đi từng bước một
Thánh đường, con đến xẻ niềm đau

Chúa nơi hang đá Bê - Lem đó
Hẳn biết rằng đêm rất lạnh lùng
Hẳn biết rằng con, người ngoại đạo
Đang tìm đến Chúa. Chúa bao dung!
Trời đêm lấp lánh nghìn sao lạ
Con ngước lên tìm một ánh thôi
Thiên địa chập chùng muôn dấu hỏi
Vì sao con kiếm vẫn xa xôi...
Hai ngàn  năm trước ngôi nào nhỉ
Dẫn lối Ba Vua diện kiến Người ?
Mà để hai ngàn năm tiếp đó
Con tìm, không thấy. Thấy trùng khơi !
Thấy trong nghiệt ngã, cơn hồng thủy
Sông núi chìm vào cuộc biển dâu
Con én mời xuân, xuân ngại tới
Ưu tư, lòng én ngẩn ngơ sầu
Đêm nay, thưa Chúa, quê hương ấy
(Một khoảng hành tinh vắng mặt trời)

Đón Chúa giáng trần bao kẻ đã
Đón bằng nước mắt tủi hờn rơi !
Ba Vua mừng Chúa, tay dâng lễ
Con chỉ nghèo nàn: Một trái tim
Chất ngất niềm đau hồn lữ thứ
Bơ vơ như một ánh sao chìm...
Bơ vơ trong nỗi sầu vong quốc
Vỡ tổ, bên trời một bóng chim
Xin Chúa dìu con bằng cánh gió
Đưa con về mái ấm bình yên
Con về, đứng trước Căn Nhà Cũ
Vàng lá cờ bay ở vạn lòng
Con hát Thánh ca mừng tổ quốc
Đã qua rồi một thuở suy vong ...

Ngô Minh Hằng


 12

ĐÊM CỰC THÁNH
 của hiên Chúa Ngôi Hai
Giáng sinh giữa chốn trần ai bụi hồng
Giữa rừng tuyết trắng đêm Đông
Bethlehem qúa lạnh lùng, Chúa ơi!
Giáng sinh, Chúa cứu muôn người
Thi hành Thiên mệnh sứ trời huyền trao
Vinh Danh Thiên Chúa ngôi cao
Mênh mông ân điển, dạt dào nguồn thương
Sáng soi, xin Chúa dẫn đường
Việt Nam thoát khỏi đoạn trường đớn đau
Lệ buồn đã cạn đêm sâu
Dân con, Chúa hỡi, nhìn nhau nghẹn ngào...
Đời không còn tiếng ca dao
Mà là những cảnh tù lao lạnh hồn
Quê nhà oan khổ nguồn cơn
Quê người phản trắc, cội nguồn lãng quên
Mưu sâu, phân tán, đảo điên
Nhìn nhau bằng những tị hiềm. Than ôi!

Đã cùng một mẹ sinh sôi
Mà sao người lại bẫy người. Lạ không?

Chúa ơi, cứu chúng con cùng
Để con cái Chúa vui chung một nhà
Phút giây trời đất thăng hoa
Xin ơn Cực Thánh chan hòa hồng ân...

Ngô Minh Hằng

--
************************************
DIỄN ĐÀN PHỤNG SỰ XÃ HỘI
************************************

Muốn gia nhập: PhungSuXaHoi+subscribe@googlegroups.com
Muốn đăng bài: PhungSuXaHoi@googlegroups.com
---
Bạn nhận được thư này vì bạn đã đăng ký vào nhóm Google Groups "Phụng Sự Xã Hội".
Để hủy đăng ký khỏi nhóm này và ngừng nhận email từ nhóm, hãy gửi email đến PhungSuXaHoi+unsubscribe@googlegroups.com.
Để có thêm tùy chọn, hãy truy cập https://groups.google.com/d/optout.
__._,_.___

Posted by: tran chinh 

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List