Popular Posts

Tuesday, February 28, 2017

Thạch Lam, Những Ðiều Còn Nhớ


Thạch Lam, Những Ðiều Còn Nhớ

Song Kim


Thế Lữ thường nói về Thạch Lam bằng những lời rất ưu ái: “Một tâm hồn rất trong sáng, hồn hậu, một con người điềm tĩnh và có bản lĩnh.” Có một thời gian dài hai người cùng làm việc với nhau ở báo Ngày Nay. Lúc đó tờ báo có uy tín khá rộng rãi, hầu hết những cây bút chủ lực trên văn đàn như Xuân Diệu, Huy Cận, Anh Thơ, Tô Hoài, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên... đều được báo Ngày Nay giới thiệu. Tờ báo có một quy định chặt chẽ, tất cả những người trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn đều phải thay nhau làm chủ bút sáu tháng. Đó là một cách “đào tạo” rất đặc biệt. Vì trong thời gian đó năng lực và trách nhiệm của người chủ bút được bộc lộ hết. Trong thời gian làm báo, có lần Thế Lữ được giao việc kiểm tra lại và hủy bỏ số bài lai cảo gửi đến báo với số lượng lớn. Buổi đêm về nhà đọc lại, anh phát hiện một truyện rất hay của Tô Hoài bị bỏ qua. Ngay đêm đó Thế Lữ đi xe kéo đến nhà Thạch Lam. Sau khi đọc bản thảo truyện ngắn, Thạch Lam nói: “Suýt nữa chúng ta bỏ qua một bản thảo quý.” Và ngay sau đó truyện ngắn này đã được in trên Ngày Nay.

Tôi quen biết Thế Lữ khi anh đã có những hoạt động trên kịch trường, tuy vẫn còn làm việc ở báo Ngày Nay Rất nhiều bạn bè trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn như Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nhất Linh đều phản đối, không muốn cho Thế Lữ làm kịch. Họ sợ “mất” con người văn chương của Thế Lữ. Tuy bề ngoài vẫn lịch sự, nhẹ nhàng, nhưng bên trong có ý không tán thành. Vì họ nghĩ rằng tôi đã “dụ dỗ” anh Thế Lữ đi theo sân khấu. Đành rằng tôi sẵn có máu ham mê sân khấu, kịch trường từ nhỏ. Nhưng nếu như chiếc cầu nối giữa cuộc sống của tôi với sân khấu không phải là anh, nhà thơ Thế Lữ, thì có lẽ cuộc đời tôi đã đi theo một hướng khác.
Trái với cả nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Thạch Lam và Tú Mỡ rất lại ủng hộ việc làm kịch của Thế Lữ. Một số vở kịch của Thế Lữ như Lọ vàng, Ông ký cóp, Gái không chồng... Thạch Lam đều đi xem và sau đó có viết bài nhận xét. Tôi gặp Thạch Lam lần đầu trong một đêm kịch. Sau giờ biểu diễn, anh Thế Lữ dẫn đến trước mặt tôi một người bạn. Anh nói khẽ khàng nhưng không giấu vẻ xúc động và trân trọng: “Đây là nhà văn Thạch Lam.” Trước mắt tôi, một người thanh niên cao, gầy, có cặp mắt rất sáng, gương mặt trắng trẻo, đượm buồn, trông nhanh nhẹn và rắn rỏi. Thế Lữ kể với tôi hồi đó có một thứ dụng cụ để thử bóp tay bằng lò xo. Khi thử sức mình Thạch Lam thường bóp vào những số mà chỉ mấy anh “tây đen” mới đạt tới.
Từ khi làm bạn đời với anh Thế Lữ, tôi lại càng có nhiều dịp gặp gỡ Thạch Lam. Ngày ấy, để đến được với sân khấu, đến được với nhau, tôi và anh Thế Lữ phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc đời. Thời gian đầu chung sống, chúng tôi chưa có nhà riêng. Thạch Lam đã mời vợ chồng tôi đến ở chung với gia đình anh. Chúng tôi sống cùng với gia đình Thạch lam khoảng gần một năm. Đó là năm 1941, căn nhà của Thạch Lam ở làng Yên Phụ, ven Hồ Tây. Nhà lá đơn sơ, gồm hai gian, cửa nhà nhìn ra hồ, có một mảnh vườn nhỏ, có cây liễu rủ rất đẹp. Thạch Lam rất yêu cây liễu này – chính anh đã trồng và chăm sóc nó. Có lần, trời mưa bão, một cành liễu bị gãy khiến anh xót mãi. Đồ đạc trong nhà rất đơn sơ, chỉ có hai cái giường và một bộ bàn ghế đã cũ, ở ngoài hiên có kê một cái chõng tre. Bạn bè đến chơi thường ngồi ở đó chuyện trò. Tính tình Thạch Lam rất điềm đạm, không bao giờ to tiếng. Anh thường chỉ nói sau khi đã suy nghĩ chín chắn trong mọi chuyện. Anh trầm lặng, ít nói đến mức bị nhiều người tưởng là kiêu kỳ. Tuy ít nói nhưng Thạch Lam là người rất hóm hỉnh. Nhà tôi kể lại rằng, khi bác sĩ báo cho Thạch Lam biết anh bị lao phổi, anh cũng chỉ thở dài, rồi im lặng. Thời gian ở nhà Thạch Lam, chúng tôi ăn cơm cùng một mâm với gia đình anh. Lúc này, vợ chồng anh đã có hai con. Cháu gái đầu lòng và cháu trai thứ hai. Mỗi buổi sáng, Thạch Lam thường mặc đồ tây, quần áo chỉnh tề đi đến tòa báo làm việc, tối mới về nhà. Thạch Lam và nhà tôi thường xuyên nói chuyện với nhau thâu đêm suốt sáng về chuyện văn chương. Vợ Thạch Lam là một người đàn bà tính tình xởi lởi, chị hơn Thạch Lam mấy tuổi Tôi nghe kể Thạch Lam lấy chị, ngoài tình yêu còn có tình cưu mang.
Thỉnh thoảng Thạch Lam lại rủ bạn bè về thăm trại Cẩm Giàng, quê hương thời thơ ấu của anh và nơi đó cũng là nơi mẹ anh sinh sống. Nhà ở Cẩm Giàng của gia đình Thạch Lam gồm có năm gian nhà gỗ, mái lợp rạ, đẹp, thoáng mát và rất giản dị. Bà Thông Nhu, thân mẫu của Thạch Lam là một người cao lớn, thông minh, sắc sảo và rất có uy tín với đàn con thành đạt của mình. Bà có thói quen là cứ đến tối lại chuẩn bị một ngọn đèn rất sáng cho các con ngồi học. Sau này cụ đi tu ở chùa Hai Bà Trưng, rồi vào Đà Lạt và mất ở đó.
Từ khi biết mình bị bệnh lao phổi, Thạch Lam vẫn sống bình thường, hầu như không bao giờ anh nhắc nhở gì đến căn bệnh hiểm nghèo mà mình mắc phải.  Khi bệnh trở nặng, anh phải nằm bẹp một chỗ, khoảng gần một tháng rồi mất. Khi chị Thạch Lam có mang cháu thứ ba, mẹ anh đi xem tử vi, ông thầy bói nói là, nếu lần này vợ anh đẻ con trai thì anh sẽ không sống nổi. Khi người nhà báo tin vợ đẻ con trai, Thạch Lam không nói gì, chỉ lặng lẽ cười. Sau đó mấy ngày bệnh tình anh xấu hẳn đi. Mẹ anh cho người đến nhà hộ sinh đón vợ con về. Khi bà chị bế đứa con trai mới sinh đến cho Thạch Lam xem mặt, Thạch Lam còn nói: “Thằng này rồi sẽ cao đến một mét bảy.” Lúc Thạch Lam hấp hối chúng tôi cũng có mặt ở nhà anh (thời gian này chúng tôi đã có nhà riêng). Trước khi mất, Thạch Lam gọi bà chị gái, bảo chị “đỡ em ngồi lên cao một chút để nhìn thấy cây liễu...” Em út Thạch Lam là bác sĩ Nguyễn Tường Bách, sau khi xem bệnh cho anh vội quay mặt nhìn ra hồ. Thạch Lam gọi tên người em mấy lần, nhưng Bách không quay lại. Chúng tôi nhìn thấy nước mắt giàn dụa trên mặt anh.
Khi Thạch Lam mất, nhà tôi rất buồn. Anh đau ốm suốt. Anh Tú Mỡ rất lo cho nhà tôi. Anh Tú Mỡ bảo tôi nên chuyển nhà đi chỗ khác, vì nhà của chúng tôi cũng ở trong làng Yên Phụ, gần nhà Thạch Lam. Sau đó, Tú Mỡ tìm cho chúng tôi một căn nhà ở đường Láng và nhất định bắt chúng tôi phải chuyển đến ở. Mãi những năm sau này nhà tôi vẫn hay nhắc nhở đến kỷ niệm những ngày cùng sống và làm văn chương với Thạch Lam.
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

Monday, February 27, 2017

Bài thơ trên mộ của Hemingway


 Bài thơ trên mộ của Hemingway

Trần Mộng Tú


Hầu như người Mỹ nào ít nhất cũng một lần nghe hay nói đến tên ông, Ernest Hemingway, nhà văn người Mỹ nổi tiếng đoạt giải Nobel văn chương năm 1954. Là một người thành công trên sự nghiệp nhưng đời sống cá nhân không lấy gì làm vui: bốn lần lập gia đình, ba lần ly hôn. Ông sinh trưởng trong một gia đình mang bệnh trầm cảm di truyền và còn mang luôn truyền thống “tự tử.” Cha, hai người chị, cháu nội của ông và bản thân ông, đều chết bằng cách tự giết mình. Ernest Hemingway, trong những năm cuối của đời mình, với sự suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần: bị phỏng nặng trong hai tai nạn xe cộ, bị bệnh gan, bệnh tim, bệnh phổi và nghiện rượu, bệnh trầm cảm (depression), ông tự tử bằng cách bắn vào miệng, ba tuần lễ trước sinh nhật thứ sáu mươi hai của mình.

Ông bắt đầu sự nghiệp viết báo từ năm 17 tuổi. Thời  Đệ Nhất Thế Chiến,  ông ở trong quân đội, là tài xế xe cứu thương ở mặt trận Ý. Khi về lại Mỹ ông làm việc cho báo Canadian American. Khi phong trào Greek Revolution xẩy ra, ông được gửi lại sang Âu Châu để làm phóng sự. Ông dùng những kinh nghiệm quân đội làm nền tảng cho những tác phẩm của mình. Ở tuổi 25 ông đã nổi tiếng với The Sun Also Rises (1926). Sau đó, những tác phẩm xuất sắc lần lượt ra đời như: A Farwell to Arms (1929),  For Whom The Bell Tolls (1940)… Tác phẩm đặc sắc nhất là truyện ngắn: The Old Man and the Sea, viết năm 1952, năm sau đoạt giải Pulitzer. Hemingway đoạt giải Nobel Văn Chương, 1954.
Inline images 1
Những bài phóng sự, truyện dài, truyện ngắn, nổi tiếng của người đàn ông tài hoa này, nếu đem cộng lại có cả hàng ngàn, ngàn trang giấy. Chắc chắn, ông yêu các tác phẩm của mình, những nhân vật trong truyện, những đối thoại chuyên chở tư tưởng của mình. Cá, …..Ta sẽ đương đầu với mi cho đến chết.” *, ngư ông nói với cá như vậy sau bao nhiêu tiếng vật lộn với cá hay tác giả nói với chính cuộc sống mình?  Những nhân vật tiểu thuyết của ông đều mang chính ông trong đó. Nhân vật Federic Henry trong A Farwell to Arms, cũng là một trung úy lái xe Ambulance như ông từng đảm nhiệm trong quân đội Federic đã yêu, đã chiến đấu như chính ông đã yêu, đã chiến đấu. Nơi chiến trường không có Thượng Đế kiểm soát con người, không công lý, không đạo lý, cứ chém, giết, thế thôi.
Trong For Whom the Bell Tolls, nhân vật Robert Jordan đi đặt chất nổ đánh sập cầu, loay hoay mãi với ý định có nên tự tử không nếu bị bắt, cũng dựa trên kinh nghiệm của Ernest Hemingway khi ông ở trong quân đội. Hai mươi năm sau ông áp dụng cho chính mình: tự tử.
Nhà văn đã gửi tất cả kinh nghiệm sống của mình từ năm 17 tuổi vào trong những tác phẩm của mình, nên tiểu thuyết của ông rất “thật”. Bao nhiêu tinh hoa, tài năng cũng như cay đắng của ông rải rác gửi vào những nhân vật tiểu thuyết. Cuối cùng ông thoát ra ngoài những nhân vật của mình bằng cách tự kết liễu đời mình.
Người ta nói những “nhà văn lớn” họ không bao giờ hài lòng với chính mình, giấc mơ của họ luôn luôn vượt trên tài trí họ, càng nổi tiếng càng thấy trống rỗng, càng thấy cái hào quang mình đuổi theo chỉ là ảo ảnh.
Những tác phẩm của họ thiên hạ trân quý, thực ra chưa đúng với tiêu chuẩn chính họ kỳ vọng ở mình. Họ thất vọng và họ tự hủy mình.
Yasunari Kawabata, nhà văn đầu tiên của Nhật đoạt giải Nobel văn chương, nổi tiếng với những tác phẩm: Tiếng Rền Của Núi (The sound of The Mountain), Đẹp và Buồn (Beauty and Sadness) Ngàn Cánh Hạc (Thousand Cranes)... cũng có giả thuyết ông tự kết liễu đời mình bằng hơi ngạt (gas) ở tuổi 71.
Nhắc đến Ernest Hemingway, mọi người hầu như chỉ nhắc đến những tác phẩm văn xuôi đã tạo nên tên tuổi của ông. Người ta không biết rằng, song song với những tác phẩm “nặng kí”,  ông còn làm thơ, và làm thơ khá nhiều.
Bài thơ ông viết “Điếu” một người bạn, (Gene Van Guilder) chỉ có sáu dòng ngắn nhưng nói lên được điều mơ ước giản dị nhất của lòng ông. Viết cho bạn cũng là viết cho chính mình. Bài thơ ngắn này đã được khắc trên bia mộ ông trong nghĩa trang, nằm ở cuối phía bắc, thành phố Ketchum thuộc bang Ohio, là nơi ông cư ngụ cuối cùng.
Best of all he loved the fall 
The leaves yellow on the cottonwoods
Leaves floating on the trout streams
And above the hills
The high blue windless skies
Now he will be a part of them forever
Chàng yêu nhất mùa thu
Những chiếc lá vàng trên cây bông gạo
Những chiếc lá bập bềnh trong dòng suối cá hương
Yêu những mảnh trời cao xanh lặng gió
Mãi trên cao trên tít những ngọn đồi
Giờ đây chàng là một phần của tất cả đến muôn đời
Mùa thu, mùa ông thú nhận là mình yêu nhất: Best of all he loved the fall. Chàng đứng đó với những cây bông gạo đang nhuộm vàng những chiếc lá, những con suối chàng vẫn câu cá hương, ở đó bây giờ đang trôi bập bềnh những chiếc lá thu, những mảnh trời xanh trong vắt vút trên cao, tắp tít vắt ngang những ngọn đồi, nơi trái tim mơ mộng của chàng hay gửi tới. Nếu một ngày nào đó, chàng nằm xuống như người bạn chàng nằm xuống hôm nay thì chàng sẽ ao ước điều gì?
Khi nằm xuống thân thể chàng thoát ra khỏi những đau đớn của bệnh tật, trí óc chàng bay bổng trên cao, nó không kéo chàng vào cái thế giới hoang loạn nữa. Trong dịu dàng của đất, chàng mềm mại ra, chàng tan từ từ, chàng là lá vàng, là cây bông gạo, là suối, là cá hương, là ngọn đồi, là những mảnh trời xanh lặng gió. Hay cũng chính trong dịu dàng của đất, tất cả những thứ đó tan ra thành chàng. Giờ đây chàng là một phần của tất cả đến muôn đời. 
Hình như Thơ bao giờ cũng là nơi tâm hồn người ta tìm đến cuối cùng.
Trần Mộng Tú
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

Khi loài chim cánh cụt... ghen!


Khi loài chim cánh cụt... ghen!

HOÀI MỸ
Image result for loài chim cánh cụt.


Ghen? Thường quá! Đánh ghen? “Chuyện nhỏ”! Thần thánh cũng ghen đấy. 
Chẳng hạn trong truyện thần thoại của Hy Lạp, các thần hại nhau rùng rợn chỉ vì máu ghen. Nào Seth còn gọi là thần Horus ghen đến độ “can không nổi,” hạ được địch thủ Osiris rồi mà vẫn chưa hết ghen. 
Thần Apep hay Apophis cũng chẳng kém, ghen “tơi bời hoa lá” với thần Mặt Trời Ra. Tử chiến khủng khiếp. Apep hạ được Ra khiến vũ trụ tối tăm vậy mà chưa thỏa mãn may mà loài người phần không chịu nổi bóng đêm, phần thấy Apep ác quá, bèn xóa tên thần này khỏi “sổ bụi đời,” tức danh sách thần thánh, không thờ phượng nữa.

Huống chi loài người. Phải, người ta có máu ghen từ trong trứng nước, từ tận xương tủy. Cụ Nguyễn Du đã từng xác nhận trong truyện Kiều: “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình” và “máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen”... Tuy nhiên, thế gian thường chỉ gán chứng ghen cho phái nữ mà thôi. Trong văn chương truyền khẩu, điển hình có những câu ca dao: “Ớt nào là ớt chẳng cay; Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng” hoặc “Vôi nào là vôi chẳng nồng; Gái nào là gái có chồng chẳng ghen?”... Hoặc cùng lắm hay bí quá, các tác giả “đổ tội” cho trời, cho định mệnh, cho thiên nhiên vốn vô tri vô giác: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” (Kiều), “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen” (Kiều) và: “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.” (Kiều)


Ghen là gì? Nếu “làm sao định nghĩa được tình yêu” thì với ghen cũng thế, nghĩa là chẳng thể giải thích thỏa đáng. Tuy nhiên bài này không đề cập đến thứ tình cảm bực tức khi thấy người khác hơn mình về một điểm nào đó - ghen kiểu này gọi là “ganh tị” - hay khi mình không được thứ mình mong muốn, trong khi người khác lại đạt được, thí dụ ghen với “thằng hàng xóm” mới mua chiếc chiếc xe láng coóng hoặc với “con mẹ ấy mặt mày xấu òm mà... dám xách cái bóp hàng hiệu.”

Ở đây người viết mạn phép chỉ đá động đến thứ tình cảm “ghen” đặc biệt; ấy là cảm thấy tức tối, buồn khổ, đau lòng khi chưa “chắc ăn” người mà mình yêu đã là “của riêng” của mình hoặc nghi ngờ hay biết chắc người mình yêu đã phản bội mình...


Loài vật có ghen không?
Loài vật có ghen không? Hẳn có độc giả giải đáp ngay: Có chứ. Thiếu gì con chó xồ ra cắn khi một người lạ chỉ mới đụng sơ vào tay chủ của nó. Vẫn thường xảy ra những trận thư hùng giữa các thú vật giống đực chỉ vì giành nhau một con cái. Vâng, ta có thể kết luận: Đã có máu đỏ hẳn nhiên có... máu ghen.

Thế nhưng câu chuyện về ghen liên quan đến một loài chim mà nhìn bên ngoài, ai cũng phải công nhận chim này hiền, “có cánh mà chẳng biết bay; chân đi khệnh khạng như... say rượu cần” khiến thỉnh thoảng nó lại ngã... lăn đùng ra. Vậy mà về khía cạnh tình ái, chim này ghen hơn bất cứ thứ chim nào khác. Thưa đó là chim cánh cụt (penguin).

Số là gần cuối năm 2016, tổ chức National Geographic đã chứng minh chim cánh cụt vốn sống ở trên vùng băng tuyết vĩnh viễn Châu Nam Cực nên tưởng rằng máu chim này đã... lạnh cảm từ khuya rồi chứ, nào ngờ khi lâm vào hoàn cảnh trớ trêu, máu ghen cũng sôi sùng sục để rồi chúng cũng phản ứng mãnh liệt, quyết “ăn thua đủ” với tình địch.

National Geographic “nói có sách mách có chứng” chứ không chỉ lý thuyết. Trong một phim video tài liệu - “Animal Figh Night” - gồm nhiều tập, được phổ biến từ ngày 7 tháng 11, 2016, người xem được chứng kiến những “thảm kịch tay ba.” Theo đó, một chim cánh cụt đực còn gọi là con trống trở về tổ của mình sau chừng ít phút đi ra ngoài. Một sự bất ngờ diễn ra: Con chim cánh cụt cái cũng gọi là con mái, tức “vợ” của chim đực này, đang “vô tư” nằm trên “giường” với một “chàng” mới. Lập tức bộc phát một trận quyết chiến vô cùng ghê rợn, đẫm máu. Lý do: Ghen!

Theo thuyết trình viên trong video của National Geographic, địa điểm họ đặt máy quay phim để thâu cuộc sống tình ái của loài chim cánh cụt là nơi thuộc Châu Nam Cực hàng năm cứ vào tháng 9 có tới khoảng tối thiểu 200,000 vợ chồng hay cặp uyên ương chim cánh cụt trở về qui tụ. Chúng chọn lựa một chỗ trong “vườn địa đàng” này sau khi cả đôi đã ưng ý rồi dọn dẹp, kiến tạo “một túp lều tranh với hai quả tim vàng” hay xây dựng một “lâu đài tình ái” để rồi truyền giống hoặc sinh nở... Cả một thế giới luyến ái đậm đà. Một niết bàn yêu đương. Tôi dám chắc nhận định này hoàn toàn đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chỉ khổ nỗi, một khi đã có “yêu” ắt đương nhiên cũng phải có “ghen”.


Trận chiến tàn canh gió lạnh
Nơi thế giới loài người, dường như chỉ có phái nữ mới biết ghen trong khi giới mày râu là... nạn nhân. Ngược lại ở loài vật, cách riêng chim cánh cụt, chỉ có con đực ghen mà thôi còn con cái bao giờ cũng “ngây thơ vô tội” cho dù “nàng” khơi khơi... ngoại tình. Mặc dầu vậy các nhà động vật học vẫn “ bầu” loài chim cánh cụt là một biểu tượng về đời sống vợ chồng, bởi vì không như bao loài thú khác, chúng chỉ quen “một vợ một chồng” cho tới cuối đời chứ trừ trường hợp xảy ra sự  việc nào khác như sẽ tường thuật dưới đây. Vườn thú Bremerhaven tại Đức đã cố tách các cặp chim cánh cụt đực bằng cách nhập khẩu các chim cánh cụt mái từ Thụy Điển và tách các cặp đực ra nhưng họ đã không thành công. Giám đốc vườn thú nói rằng các mối quan hệ "uyên ương" này là quá mạnh.

Như trên vừa kể, mỗi năm chỉ một lần, “đôi ta” mới trở về “thiên đàng hạ giới” để chỉ lo giao phối mà theo các nhà động vật học, trong khi hầu hết loài vật chỉ giao phối một lần mỗi năm/mùa, còn chim cánh cụt thì đều đều, “non-stop”. Trong suốt thời gian “ô mê ly” này, con cái luôn luôn nằm trong tổ ấm để chờ ngày “sinh hoa nở nhụy.” Theo đó, con cái đẻ ít trứng (1-2 trứng), ấp 65 ngày. Sau mỗi lần ấp, con cái giảm 40-50% khối lượng, nghĩa là xuống cân, xuống Ibs (pounds) mà không cần phương pháp “diet” nào cả. Trong khi con mái nằm ổ, con trống phải rời khỏi tổ để đi kiếm mồi.

Ấy thế mới sinh chuyện! Khi trở về “nhà” với lương thực, con trống bỗng “tá hỏa tam tinh” khi khám phá có một “con đực khốn nạn” đang nằm ung dung bên cạnh “vợ” mình. Không hiểu trước đó nó có “làm ăn” gì không, chỉ biết hiện tại nó có vẻ “thơ thới hân hoan” quá, cứ dương dương tự đắc nhìn đời... Máu ghen trong tận xương tủy của con trống bốc lên như thể tình trạng hỏa diệm sơn sắp sửa phun lửa.

Con trống vội nhả hết lương thực trong thực quản ra, xông tới đồng thời đập mạnh hai cái cánh cụt, há cái mỏ dài ra mà kêu nhưng lại không phát ra âm thanh. Hùng hổ vậy đó nhưng chiến lược của nó đơn giản: Tấn công tới tập tình địch cho tới khi “thằng khốn” biến khỏi; bằng không sẽ diễn ra cảnh tương tự “máu đổ trên sân chùa.”

Nơi tất cả loại chim khác xương cánh đều rỗng nhờ thế giúp chúng dễ dàng khi muốn bay. Thế nhưng chim cánh cụt không bay được, bởi vì cánh của chúng đã... cụt thì chớ, nhất là lại đặc và cứng nữa. Loài chim này vì thế dùng đôi cánh làm khí giới vô cùng lợi hại vốn chẳng khác gì hai cái chầy đánh banh của môn “baseball” (banh chầy) mà đập, nện nhau theo tốc độ 8 cú đập trong một giây. Vì thế đầu, mặt của hai kỳ phùng địch thủ này không tránh khỏi cảnh tượng máu me đầm đìa. Ấy là còn may ở điểm cần cổ của giống chim này mập lại lắm lông nên chúng dùng để đỡ đòn hầu che chở các bộ phận quan trọng.

Theo lời diễn giải của bình luận gia, con mái thường sử dụng biện pháp “có mới nới cũ” bằng cách tự chọn gã “nhân tình” mà bỏ “tên chồng” cũ. Tuy nhiên bi hài bịch vẫn chưa hạ màn. Con (chồng) trống cũ sau đó tuy mang thương tích nhưng vẫn lẽo đẽo theo sau đôi uyên ương mới về tổ mà trước đó đã từng là “tổ ấm” của nó. Chờ cho đôi tân “gian phu gian phụ” yên ổn bên nhau xong thì con chim trống bạc phước khởi sự mở lại các cuộc tấn công mới bằng cách dùng mỏ để đục khoét cái tổ của chúng.

Sau khi tìm cách đột nhập vào gian “nhà” cũ bất chấp nhiều thương tích, con trống bày tỏ những cử cử chỉ van xin cùng “vợ,” thế nhưng “nàng” dứt khoát từ chối bằng cử chỉ chạy đến đứng sát “tình nhân.” Cuối cùng thì con trống, tức “chồng” cũ với thân phận nhục nhã, lặng lẽ ra đi, biến mình trong cơn lạnh buốt thấu xương. Kẻ chiến bại này hoặc tìm một chỗ tạm trú qua cơn bão tuyết, liếm láp các vết thương với niềm hy vọng sẽ qua khỏi; tuy nhiên cũng rất nhiều kẻ âm thầm “ra đi vĩnh viễn.” Theo National Geographic mỗi mùa cũng có đến trên dưới một-phần-tư triệu trường hợp tương tự.


Phản ứng mạnh mẽ
Sau ít ngày cuốn video về trận chiến đẫm máu này được phổ biến, đã có hàng trăm ngàn người xem. Rất nhiều người đã kinh ngạc đến bật ngửa về “truyện tình không có phần kết” của loài chim cánh cụt, đặc biệt về những phản ứng của con trống. Phần đông khán/độc giả đã diễn tả trên Twitter với lòng trắc ẩn và nỗi ưu sầu.

Một người viết: “Tôi hết sức đau buồn khi nhìn gã này. Gã đã làm tất cả mọi sự trong cuộc phiêu lưu ái tình ấy, nhưng vẫn tiếp tục thua trận.”

Một người khác nữa: “Chim cánh cụt có tòa án hay không để nơi đây chúng có thể tranh đấu quyền chăm sóc và quyền thăm viếng? Chúng tôi cần câu trả lời.”

Cũng bởi... ghen mà ra!
Petter Bockman, nhà động vật học và giảng viên Đại Học tại viện Bảo Tàng Lịch Sử Thiên Nhiên thuộc viện Đại Học Oslo, giải thích con trống trong video ấy đã hành động theo bản năng: “Chim cánh cụt là loài động vật được tạo nên để sánh đôi. Ngay cả việc ấp trứng cũng tùy thuộc vào cả hai. Chẳng hạn khi chim mẹ mất con hoặc do các chim nhỏ này không chịu đựng được cơn bão đầu tiên trong đời, hoặc bởi các lý do khác thì cả chim mái lẫn chim trống bèn có ý đồ lấy trộm con của chim mẹ khác - có lẽ là để giảm sự thương tiếc con. Hành vi này làm các nhà khoa học kinh ngạc, do nó là một hành động bộc phát về tình cảm ngược lại với hành vi bản năng; là điều mà nhiều động vật hoang dã không bao giờ có khi chúng mất con.

Vì chim cánh cụt được cấu tạo 1 cặp  nên nhu cầu hay sự ước muốn duy trì đôi lứa rất mạnh mẽ. Điều này chúng ta cũng nhận ra nơi loài người chúng ta. Con người cũng được tạo dựng có đôi, có cặp. Điều này biểu lộ trong cơ bản là tình cảm ghen tuông vốn là một bản năng, một thiên tính”.

Giải thích về thái độ của chim mái trong việc chọn con trống mới đến sau vốn lớn hơn và khỏe hơn, Bockman diễn giải: “Con mái đã tìm được rồi chọn luôn một con trống mới trong khi con trống cũ rời khỏi tổ. Khi hai con trống quyết chiến với nhau tức là một cách thức đọ về sức mạnh thì người ta cũng nhận thấy con mái đã chọn lựa đúng đắn.”


Và sau cùng chỉ có... chết mà thôi!
Trong video người ta nghe nhà bình phẩm nói rằng con trống (cũ) sau cuộc tử chiến đã bị bỏ rơi, đành ra đi rồi tự liếm láp các vết thương để sống còn. Tuy nhiên nhà động vật học Petter Bockman không tin vậy: “Không chắc chắn trăm phần trăm, nhưng phần nhiều là con trống này chẳng thể sống nổi... qua tuần trăng, không phải vì các vết thương trên cơ thể, nhưng do những vết thương lòng mới thật sự gây tử vong, bởi nó lâm vào một hoàn cảnh mà những vết thương nội tâm ấy bất khả phai mờ.”

Được hỏi “phải chăng thứ tình cảm từ sự bất hạnh sẽ đưa đến hậu quả là cái chết cho con trống ấy?”, ông Bockman giảng giải: “Khi con vật mất  người.của mình, nó liền thay đổi thái độ, điển hình là những con thiên nga hay ngỗng, chúng trở nên như điên loạn và hung dữ. Trong một số trường hợp chúng khô héo nhanh chóng. Nơi con người cũng có thể xảy ra như vậy. Khi chúng ta cảm nhận nỗi đau đớn vì bị bỏ rơi, thì đó là thứ tình cảm cực kỳ mạnh mẽ, bởi vì nó là một bản năng thuần túy.”

Chuyên gia Bockman kết luận là tuyệt đại đa số chim cánh cụt vẫn chung thủy với nhau. “Chúng có một hệ thống xã hội giống như của loài người.” Chỉ khác, loài người có lý trí nên biết dùng thời gian làm thuốc chữa các vết thương lòng hoặc chế ngự được những nỗi đau nội tâm trong khi chim cánh cụt sống theo bản năng. (hm)

__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

Sunday, February 26, 2017

Khi người già ...... yêu. -TTKh.-

Trích

Ai bảo già rồi thì không thể yêu đương? ai bảo tuổi tác sẽ làm cho trái tim khô cằn xúc cảm?

Ngưng trích 

Già rồi vẫn có thể yêu đương, tuổi tác sẽ làm cho trái tim xúc cảm mạnh hơn ngàn lần với nhiều kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường. Như tui đây chưa bao giờ dùng thuốc VÌANHGIÀ mà vẫn đạt thành tích xuất sắc, được bà xã tuyên dương vượt chỉ̉ tiêu (có nhiều lần bà đầu hàng vô điều kiện và đi bổ thuốc Bắc ở Chinatown uống để khỏi bị đột quỵ, hoặc xin hưu chiến một thời gian). Tui co ́nhiều medailles đến nỗi, nếu mang như các tướng Bắc Hàn, thì cơ thể tui KO còn chổ mang medailles nữa, sau lưng trước ngực, trên vai, dưới nách, ở̉ gót chân, hoăc dưới đít, xuống tận lai quần, ...  .

Kính

2017-02-25 18:57 GMT-08:00 Thekhiem Tran  [ChinhNghiaViet] <>:
 
            Con chăm Cha không bằng Bà chăm Ông;
            Ông chăm Bà khắn khít hơn Con chăm Bà !

Cảm ơn anh Thảo đã chuyển một đề tài sống động.
TTKh.

From : thao nguyen




                                                             Khi người già yêu

Xóm tôi có cụ ông 74 tuổi vừa qua đời, chẳng phải vì bệnh tật, chẳng phải do tai nạn. Ông kết thúc cuộc đời mình bằng cách tự thiêu. Nguyên nhân được chỉ ra là do ông bị con cái cản ngăn không cho… lấy vợ.
Nếu hành động ấy diễn ra ở người trẻ chắc hẳn sẽ gây nên nỗi xót xa, bởi người ta sẽ bao biện do sự dại khờ và nông nổi. Nhưng cụ già rồi, cuộc đời cũng đã nếm trải đủ mọi đắng cay, sao không chịu cảnh vui vầy cùng cháu con những năm tháng cuối đời mà còn đòi cưới vợ? Trước sự ra đi của cụ, người trẻ thì cười cợt bởi ở tuổi ông mà chết vì bị cấm yêu thì thấy nó vô lý quá, người có chút tuổi thì tặc lưỡi “già rồi, còn chi nữa mà ham”. Còn các con ông nghĩ gì, không ai biết.
Mẹ tôi kể, ngày xưa nhà cụ nghèo lắm, nghèo mà lại đông con nên thường xuyên thiếu ăn thiếu mặc. Vợ cụ cũng vì vất vả quá nên lao lực mà qua đời. Một mình cụ gà trống nuôi con, khổ cực trăm đường, nên dẫu thương cũng chẳng có người phụ nữ nào dám chung vai sẻ chia gánh nặng gia đình với cụ. Năm tháng trôi qua, các con cụ đều lớn khôn, con trai dựng vợ, con gái gả chồng, cuộc sống đã qua ngày khốn khó. Nhiều lần con cái muốn đón cụ về ở nhà cao cửa rộng, nhưng cụ không đành lòng rời xa ngôi nhà nhỏ ở làng, nơi đêm đêm cụ vẫn nhìn lên bàn thờ, nơi đặt di ảnh của người vợ đáng thương vắn số.
Dạo này hàng xóm thấy nhà cụ hay có khách Khách là một phụ nữ trung niên thua cụ những hai chục tuổi, chẳng ai xa lạ mà là người phụ nữ góa chồng làng bên. Bà lấy chồng nhưng chồng mất sớm nên chưa kịp có một mụn con. Người ta bảo bà có gò má cao là tướng sát phu, vậy nên chẳng ai còn dám tiến tới cùng bà dẫu nhan sắc cũng khá mặn mà xinh đẹp.
Một người góa vợ, một kẻ góa chồng, chẳng còn vướng bận cái con, cùng nhau bầu bạn tuổi già âu cũng hợp tình hợp lẽ. Nhưng các con cụ không nghĩ thế. Họ rồng rắn kéo nhau về, lúc đầu còn lựa lời khuyên ngăn, rồi dần dần tiếng to phẫn nộ. Họ nói cụ già rồi, con đàn cháu đống rồi phải mẫu mực làm gương chứ ai lại làm mấy trò như con nít thế. Họ nói cụ không thương con thương cháu, không quan tâm thiên hạ cười chê, chỉ chăm chăm nghĩ đến bản thân mình. Họ nói bao nhiêu năm nay cụ đã ở vậy được một mình, giờ tuổi cao sức yếu rồi lại sinh ra đổ đốn. Tóm lại là các con cụ nhất quyết không đồng ý bố mình đi thêm bước nữa ở cái tuổi “cổ lai hi”. Sau cùng họ nhẫn tâm ra điều kiện nếu cụ muốn sống theo ý mình thì đừng nhìn mặt con cháu nữa.
Vào sáng mồng năm tết, cụ “đi”. Theo như khám nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra thì cụ đã tự đi mua xăng rồi tự đốt mình. Hẳn là cụ đi trong nỗi cô đơn, trong nỗi tuyệt vọng, trong niềm đớn đau xa xót. Chẳng ai hiểu được cụ mong muốn gì, có cần phải đến mức thế không? Nhiều người bảo cụ điên rồ, bởi tuổi ấy rồi còn yêu đương gì nữa. Ai bảo già rồi thì không thể yêu đương? ai bảo tuổi tác sẽ làm cho trái tim khô cằn xúc cảm? Mà điều cụ muốn chắc gì đã phải là những ham muốn thường tình như người đời nghĩ. Có thể chỉ là cụ muốn có một người bầu bạn sớm hôm, cùng nhau đi qua những năm tháng cuối đời không cô quạnh. Điều cụ cần đâu phải nhà to, cơm ngon, áo đẹp, mà chỉ là có một người kề cận bên mình vào những sáng gió trở mùa, những đêm giông bão, sương sa. Sinh thời bà nội tôi từng nói: Với người già đêm thường dài hơn, vì họ già rồi nên họ ngủ ít. Họ thức nhiều hơn để tận dụng từng ngày mình đang sống. Những tâm tư của người già, người trẻ đôi khi không bao giờ hiểu được.
Tôi vẫn cứ ngẩn ngơ tiếc rằng, giá như cụ bình tĩnh hơn một chút. Cụ đâu có lỗi gì, đâu có sai trái gì. Cụ đã dành cả đời cho con rồi, cũng đến lúc cụ chỉ cần sống cho cụ. Con cái thấu hiểu cho thì tốt, không thấu hiểu được cũng chẳng cần màng. Không ai hiểu mình, chỉ cần mình hiểu mình là được. Nhưng ấy là tôi nghĩ thế thôi, chứ khi đã yêu rồi thì bất chấp người trẻ người già cũng khó kiểm soát bản thân mình lắm. Người ta chả bảo yêu là một thứ bệnh tâm thần được xã hội chấp nhận đó sao. Yêu là thứ cảm xúc cực kì đáng sợ, nó khiến ngực người ta mở ra, trái tim mở ra rồi ùa vào làm rối loạn hết tâm can, đến nỗi chẳng còn biết mình tỉnh hay mê, mình khôn hay dại. Và cụ thì đang yêu, có lẽ là như vậy.
Giá như các con cụ rộng lòng hơn một chút mà sét xuy, chắc rằng họ sẽ đồng cảm được với những mong ước của cha mình. Cha đã dành cả cuộc đời mình cho con, không có nghĩa là cha không có mưu cầu hạnh phúc. “Con chăm cha không bằng bà chăm ông” – câu nói này tôi tin là chính xác hoàn toàn và tuyệt đối. Nhưng tôi vẫn nghĩ cụ chọn cái kết bi ai như vậy chưa chắc là do mối duyên già bị phản đối, mà có lẽ là cụ quá đau lòng vì sự vô tâm vô tình của những đứa con. Hóa ra chỉ có mẹ cha là yêu thương con vô điều kiện, còn con cái cuối cùng chỉ nghĩ đến cảm xúc, đến sĩ diện của bản thân mình mà thôi.
.

Lê Giang


Sent from my iPad







Avast logo
L'absence de virus dans ce courrier électronique a été vérifiée par le logiciel antivirus Avast.
www.avast.com




__._,_.___

Posted by: David Hoang 

Saturday, February 25, 2017

Phượng Cầu Hoàng trong Bích Câu Kỳ Ngộ


Phượng Cầu Hoàng trong Bích Câu Kỳ Ngộ

Vũ Thế Thành

Image result for Phượng Cầu Hoàng trong Bích Câu Kỳ Ngộ


Hình : Tháp chuông Lycée Yersin nhìn từ quán Bích Câu, Đà lạt

Hồi học đệ lục (lớp 7 bây giờ), trong phần cổ văn, tôi phải học “Bích Câu Kỳ Ngộ”. Đây là truyện thơ lục bát dài cả mấy trăm câu, tôi chỉ được học trích đoạn. Tôi không hiểu tâm tư cô giáo thế nào mà lại cho đám học trò vắt mũi…chưa (chắc) sạch như bọn tôi học trích đoạn “Tú Uyên tương tư Giáng Kiều”.

Thực ra, trích đoạn này cũng nằm trong quyển Việt Văn lớp Đệ Lục của GS Phan Ngô, mà cô giáo khuyến khích nên mua để đọc thêm. Khuyến khích chứ không bắt buộc, vì bả không bao giờ kiểm tra sách, mà chỉ kiểm tra vở xem có chép bài tử tế không, có chịu học thuộc  và hiểu những gì bả muốn không.\
Bị “truy bức” thì cũng phải ráng lảm nhảm học cho thuộc. Mà thơ lục bát vần điệu êm tai nên cũng dễ nuốt. Cho đến giờ cả nửa thế kỷ trôi qua tôi vẫn còn nhớ, mà nhớ gần hết chứ không đùa. Đây này,…
Lần trăng ngơ ngẩn ra về
Đèn thông khêu cạn giấc hòe chưa nên…”
Cổ văn thường có nhiều điển tích. Điển tích giống như những câu chuyện nhỏ trong trong một truyện thơ lớn. Nghe chuyện phong thần, tình ái lãng mạn thì người lớn còn thích, huống chi con nít. Nghe giảng, đọc thêm phần chú thích trong sách, có khi còn tò mò lần qua những trích đoạn khác để đọc thêm chú thích.
Nhờ môn Cổ văn mà tôi hiểu thêm được nhiều từ Hán Việt, thêm các điển tích,… Tôi có thể nói với các ông thầy bà cô dạy Văn thời nay, nói không cần khách sáo rằng, nếu bây giờ mà tôi giảng trích đoạn “Tú Uyên tương tư Giáng Kiều” không chừng còn hay hơn…nguyên bản. Suy bụng ta ra bụng người mà không hay sao được.
Có một điển tích mà tôi rất thích, đó là “Phượng cầu Hoàng”. Điển tích này có trong trích đoạn “Tú Uyên tương tư Giáng Kiều” mà tôi đã học hồi nhỏ
Cầu Hoàng tay lựa nên vần
Tương Như lòng ấy Văn Quân lòng nào!”
Ngày xưa, nói đến chim Phượng, người ta hiểu đó là con Phượng trống, còn Phượng mái gọi là chim Hoàng. Phượng cầu Hoàng là khúc ca nói về chim Phượng trống đi tìm chim Phượng mái. Chuyện ái tình giai gái là thế!
Tư Mã Tương Như là tay phong lưu tài tử, nổi danh cầm kỳ thi họa, ngao du đây đó, cùng bạn đến chơi nhà Trác Văn Quân. Biết Văn Quân lấp ló sau rèm nghe…lén, Tương Như làm khúc ca “Phượng cầu Hoàng” để ghẹo cô nàng, rồi đàn hát luôn tại bữa tiệc. Văn Quân nghe nhạc phải lòng Tương Như, nhưng ông bố lại không ưng. Con Phượng mái nửa đêm trốn nhà đi theo Phượng trống.
Hồi trước học Việt văn, dù không có khiếu (mà cũng không ưa luôn) món văn tả tình tả cảnh, lòng thòng dây nhợ, nhưng tôi thấy thoải mái, không bị áp lực khuôn mẫu, tha hồ tán hươu tán vượn miễn là đừng lạc đề và không được nói trật, chẳng hạn “cầu Hoàng” mà bốc phét là cái cầu có tên là Hoàng thì mới bị lãnh búa. Chứ còn nói trật ý thầy cũng chẳng sao. Thí dụ, Tú Uyên mới gặp Giáng Kiều lần đầu là đã mê mệt, mê đến phát ốm, thơ văn chứng cớ rành rành ra đó, cãi thế nào được.
Nhưng bây giờ nói ngược lại, Giáng Kiều mồi chài Tú Uyên cũng rành rành ra đó. Ai thả lá hồng đề thơ rơi vào chân Tú Uyên ở sân chùa? Làm gì có chuyện “hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình” đến thế? Rồi sau đó cô nàng mới từ cổng chùa nhẹ nhàng bước ra, lượn qua ẻo lại thì còn gì hồn vía con nhà người ta! Chưa hết, lại bày ra trò báo mộng, nhập hồn vào tranh vẽ,… Sao chỉ toàn là những chuyện vô tình có nguyên cớ thế? Mấy chiêu trò ảo diệu này chỉ có tiên mới làm được. Giáng Kiều là tiên, dù là tiên bị đọa, nhưng biết được cơ Trời, biết cái số của mình phải vướng vào Tú Uyên, nên mới bày vẽ ra trò mèo vờn chuột cho biết tay bà. Tiên mà xuất chiêu thì phàm nhân trốn đâu cho thoát?
Ấy là sau này tôi ngẫu hứng mà “phản biện” như thế, chứ hồi đi học, hai chữ “tương tư” còn chưa hiểu mùi vị ra sao, ở đó mà đòi “phản biện” đấu phép với tiên. Nhưng nói ngược với thầy cô là chuyện thường, được khuyến khích ở học đường, lọt tai thầy cô có khi được điểm cao cũng không chừng.
Nói ngược” ở học đường thưở niên thiếu, và “nói ngược” sau này ở môi trường giáo dục cao hơn chỉ là cách nói dân dã. Thực ra đó chính là “khai phóng”, một trong ba nguyên tắc trong triết lý giáo dục Miền Nam thưở trước ( Nhân Bản- Dân tộc – Khai phóng). Khai phóng mới bật ra Sáng tạo. Đi học là để sáng tạo, chứ không phải copy/paste.
Trở lại khúc ca “Phượng cầu Hoàng”, Trác Văn Quân sau khi trốn nhà đi…bụi đời với tình nhân đã sinh nhai bằng cách mở quán…nhậu. Thật tuyệt vời! Vài tài liệu sau này nói rằng họ mở lò rượu, nhưng tôi ngờ. Cặp vợ chồng tài hoa này phải mở quán nhậu thì tao nhân mặc khách mới tìm đến, chứ mở lò rượu thì đi bỏ mối rượu à?
Bích Câu là địa danh có thật, nằm đâu đó ở Hà Nội. Tôi chưa đến, mà chắc cũng không bao giờ  dám đến.
Nhưng ở Đà Lạt thì có quán Bích Câu, nằm trên rẻo đất nhô ra ở Hồ Xuân Hương, cũng có cây cầu gỗ bắc qua lạch nhỏ. Thỉnh thoảng tôi vẫn ra đó uống cà phê vào sáng sớm, đọc sách và ngắm trời mây non nước. Phải là sáng sớm, vì khi nắng lên, khách du lịch vào nhiều, Đà Lạt biến mất.
Truyện “Bích câu Kỳ Ngộ” thật tẻ nhạt, chẳng có gì đáng nhớ, nhưng điển tích “Phượng cầu Hoàng” trong đó lại là câu chuyện đẹp. Khúc ca ngân nga mãi trong lòng…
Phượng hề, phượng hề quy cố hương,
Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng,…”
Vũ Thế Thành

https://vuthethanh.com/2017/02/07/phuong-cau-hoang-trong-bich-cau-ky-ngo/
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

Nợ tình


 
Nợ tình      
Tạ Quang Khôi



Hưng đi chợ mua trái cây về bầy bàn thờ theo lời yêu cầu của Ngọc. Hôm nay là giỗ mẹ Ngọc. Chàng chỉ mới biết chuyện giỗ chạp cách đây chừng nửa giờ. Giỗ mẹ Ngọc cũng có thể coi như giỗ mẹ vợ chàng, dù hai người chưa làm đám cưới chính thức, cũng chỉ mới hẹn tuần sau tới tòa án ký giấy hôn thú vì Ngọc đã có thai được hơn một tháng. Hai người đã chung sống ngót một năm trời. Thoạt tiên họ tính chỉ ở chung cho đến khi nào không thích nhau nữa thì chia tay, không hề có ý định trở thành vợ chồng, sinh con đẻ cái, tạo dựng một gia đình. Rồi bất ngờ Ngọc có thai, dù nàng không bao giờ quên uống thuốc. Họ coi đó là một “tai nạn”. Khi đã là tai nạn, không ai có thể trách ai, đành chấp nhận. Để tỏ ra mình không cố ý có thai với “âm mưu” buộc Hưng phải cưới nàng làm vợ, Ngọc báo cho chàng biết nàng đã xin hẹn với bác sĩ để lấy cái thai ra. Hưng có vẻ hơi ngạc nhiên về quyết đinh của người yêu. Sau mấy phút suy nghĩ, chàng hói :
“Tại sao em định phá ?”
Ngọc thản nhiên đáp :
“Vì mình không cần...hay chưa cần.”
Hưng giữ im lặng, có vẻ đăm chiêu. Sau đó, cả hai cùng phải đi làm, mỗi người một sở nên không có dịp nói chuyện thêm về cái thai. Ba ngày liền, Hưng không đả động gì đến chuyện phá hay giữ. Vào giữa trưa ngày thứ tư, Hưng gọi điện thoại cho Ngọc để hỏi về buổi hẹn với bác sĩ vào ngày hôm sau. Rồi chàng nói bằng một giọng nửa như ra lệnh nửa như khuyên can :
“Em gọi cho bác sĩ, xin bỏ cái hẹn đó đi.”
Tuy ngạc nhiên và mừng, Ngọc vẫn khôn khéo hỏi lại :
“Bộ anh không thích bác sĩ này, đổi bác sĩ khác ?”
Giữ im lặng một lát, chàng nói như cầu khẩn :
“Xin em đừng phá cái thai...Đó là một điều thất đức.”
Ngọc cố nén một tiếng thở phào nhẹ nhõm, giữ im lặng. Đó cũng là ý muốn của nàng từ mấy ngày nay. Dù sao, cái thai cũng là hòn máu của Hưng, cũng là một mầm sống đang nảy nở trong bụng nàng. Có đêm, nàng thao thức, day dứt về chuyện hủy diệt mầm sống đó. Trong nàng, một cuộc dằng co giữa tình yêu và tình mẫu tử. Nàng đã yêu Hưng, yêu bằng tất cả mối chân tình. Nàng thầm công nhận chàng là một người đàn ông có nhiều đức tính. Chàng có tinh thần trách nhiệm, đã lo cho nàng rất đầy đủ, cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì cảm phục, nàng đã yêu chàng tha thiết, dù tuổi tác quá chênh lệch, chàng hơn nàng tới hai mươi lăm tuổi. Theo nhận xét chủ quan của nàng, chàng là người đàn ông hiếm có mà bất cứ người đàn bà nào trên cõi đời này cũng mơ ước. Chàng có nhiều tính tốt hơn tật xấu, không rượu chè, không cờ bạc. Bây giờ, vì cái thai mà bỏ Hưng, làm sao nàng không khắc khoải buồn khổ cho được. Nàng đã trằn trọc nhiều đêm mà không biết quyết định ra sao. Nay Hưng vừa cho biết ý chàng về cái thai, nàng mừng muốn phát khóc.
Thấy Ngọc không nói gì, Hưng rụt rè hỏi :
“Bộ em nhất định...phá sao ?”
Nàng vội đáp :
“Đâu có, em nghe lời anh mà. Ngay bây giờ em sẽ gọi văn phòng bác sĩ để xin bỏ cái hẹn ngày mai.”
Hưng vui vẻ :
“Vậy thì em gọi đi. Chiều nay về nhà mình sẽ nói chuyện thêm.”
Sau khi xin hủy cái hẹn với bác sĩ, Ngọc rất vui vì biết mình đã chọn đúng người. Trong giờ làm việc ở sở thỉnh thoảng nàng lại để tay lên bụng nghe ngóng. rồi nói khe khẽ :”Con của mẹ, thế là an tâm rồi. Không còn ai bắt mẹ phải xa con nữa.”
Buổi tối hôm đó, Hưng đưa Ngọc đi ăn tiệm. Hai người bàn tính chuyện tương lai, chuyện xây dựng hạnh phúc gia đình. Cả hai cùng quyết định không thử nghiệm xem đứa bé là trai hay gái. “Con nào cũng là con, Hưng nói, để bất ngờ mới thú.” Họ còn chọn ngày cùng xin nghỉ để tới tòa án làm hôn thú. Sau đó họ sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ, chỉ mời một số bạn thật thân và một vài người trong họ ở cùng tiểu bang, để loan báo cuộc hôn nhân của hai người. Họ cũng có cả một chương trình tiết kiệm, để dành tiền lo cho đứa bé sắp ra đời. Họ biết rằng nuôi một đứa con ở Mỹ hết sức tốn kém và vất vả. Có nhiều bà mẹ đã phải tạm nghỉ việc sở để ở nhà chăm lo con cái khi sinh đến đứa thứ hai.
Sáng nay, thứ bảy, Hưng vừa ăn sáng xong, Ngọc báo tin :
“Hôm nay giỗ má em.”
Hưng nhìn quanh rồi hỏi :
“Ủa, giỗ má em hôm nay hả ? Sao em chưa làm gì hết ?”
“Đúng giỗ là thứ ba tuần tới. Em định ngày ấy lấy một ngày nghỉ bệnh để ở nhà làm giỗ. Sáng nay, em bỗng đổi ý vì muốn anh cũng giỗ má với em. Chỉ cúng sơ sài thôi, anh ạ. Em nhờ anh chạy ra chợ Mỹ mua ít trái cây bầy bàn thờ. Em sẽ nấu mấy món má em thích. Chiều nay mình cúng.”
Hưng đồng ý ngay. Chàng bỗng thấy vui vui. Đã từ lâu chàng bỏ ý định lấy vợ, thế mà bây giờ chàng không những đã có vợ, sắp có con, lại có cả một bà mẹ vợ để giỗ nữa. Kể cuộc đời cũng lắm bất ngờ, chẳng ai có thể đoán trước được việc gì.
Hồi trẻ, chàng đã quyết định cưới người yêu ngay sau khi có việc làm vì chỉ còn hai tháng nữa chàng tốt nghiệp đại học. Nhưng cuộc đổi đời vào cuối tháng 4 năm 1975 đã làm đảo lộn mọi dự tính của chàng. Mộng Thúy, người yêu của chàng, một cô hàng xóm xinh đẹp, phải theo mẹ và các em về quê ở Long Xuyên, sau khi cha nàng, một sĩ quan cấp tá bị cộng sản lừa gạt đưa vào nhà tù cải tạo. Cha chàng bị đánh tư sản, mất gần hết cơ nghiệp, buồn bã sinh bệnh mà qua đời. Từ ngày Mộng Thúy về quê, chàng không có một tin tức nào về nàng. Thật ra, chàng cũng không có thì giờ để nhớ thương người tình. Cuộc sống quay cuồng trước mặt, nỗi căm hận vì những hành động cướp bóc, xảo trá của cộng sản đã khiến chàng tạm quên đi mối tình của tuổi học trò. Khi đang lo săn sóc cha trong bệnh viện, chàng tình cờ gặp một cô bạn học cũ của Mộng Thúy và được tin nàng đã lấy chồng. Chàng nghe nhói trong tim vì bị bất ngờ, chàng tưởng như cả vũ trụ bỗng sụp đổ. Chàng tự hỏi tại sao nàng lại quên chàng nhanh như vậy.Nhưng chàng phải dẹp đau buồn để lo cho cha vì ông đang ở trong tình trạng hấp hối. Rồi nỗi đau mất cha đã tạm thời làm phai mờ hình ảnh Mộng Thúy trong tâm hồn chàng. Trước khi qua đời, cha chàng đã nhắc đi nhắc lại rằng chàng phải cố gắng trốn ra nước ngoài để tìm cách xây dựng lại cuộc sống cho gia đình.
Sau nhiều lần bị lừa mất khá nhiều tiền, chàng thành công trong một chuyến vượt biên bằng đường bể. Ghe của chàng đến được một hòn đảo nhỏ thuộc Nam Dương. Rồi, chàng được định cư ở Mỹ. Vì muốn nhanh chóng có việc làm để bảo lãnh gia đình, chàng đã học làm chuyên viên về ngành điện ở một trường đại học cộng đồng. Khi có việc làm vững chắc, chàng bảo lãnh mẹ và các em sang đoàn tụ. Các em chàng thích ứng nhanh chóng với cuộc sống mới, nên chỉ trong vòng hai năm chúng không cần đến sự giúp đõ của chàng nữa.Tự coi là mình đã làm tròn bổn phận với gia đình, đã giữ lời hứa với cha, bây giờ chàng có quyền nghĩ đến bản thân mình, đến cuộc sống riêng tư của mình. Chàng cũng biết mình đã già đi nhiều. Vào dịp đó chàng tìm được một việc làm tốt hơn và lương cao hơn ở một tiểu bang khác. Trước khi di chuyển, chàng mời mẹ đi cùng nhưng bà từ chối, chỉ muốn ở chung với đứa con gái út vừa tốt nghiệp đại học. Đến địa phương mới, chàng nghĩ tới việc xây dựng một gia đình. Nhưng chàng đã trải qua vài cuộc tình mà không đi đến một kết quả mong muốn nào. Một phần vì chàng đã lớn tuổi nên cũng hơi khó tính. Phần khác, hình ảnh người tình đầu tiên lại hiện rõ hơn trong tâm tưởng chàng. Việc Mộng Thúy đột ngột lấy chồng làm chàng thắc mắc và nghi ngờ lòng chung thủy của đàn bà. Cũng có khi chàng lại nghĩ rằng phải có một uẩn khúc nào đó trong việc hôn nhân của nàng vì hôm chia tay nàng đã hứa sẽ tìm cách trở lại Saigon với chàng. Chàng tính sẽ có một ngày về Việt Nam, xuống Long Xuyên tìm nàng để hỏi cho rõ thực hư. Nếu không có cuộc đổi đời ngót ba chục năm trước, chàng và Mộng Thúy đã trở thành vợ chồng và con cái của hai người chắc cũng trưởng thành cả rồi. Bây giờ thì quá trễ để nghĩ đến chuyện vợ con, vì theo thời gian chàng đã thành một người luống tuổi, trên dưới năm mươi. Chàng không còn tha thiết với việc lập gia đình nữa. Chàng rất sợ cái cảnh “cha già con cọc”, lúc nhắm mắt xuôi tay không an tâm vì bầy con nhỏ. Sau khi đã có nhiều kinh nghiệm với cuộc đời bất trắc, nay chàng chỉ muốn sống tạm bợ với bất cứ người đàn bà nào chấp nhận quan điểm của chàng. Không ràng buộc, không trách nhiệm. Hôm nay có thể rất quyến luyến nhau, nhưng ngày mai lại sẵn sàng chia tay, mỗi người đi một ngả, không hứa hẹn gì ở tương lai. Chàng vẫn biết đó là một cuộc sống vô trách nhiệm, nhưng thà như vậy còn hơn là quàng vào cổ những bổn phận mà mình không hề muốn.
Khoảng hơn một năm trước đây Hưng gặp Ngọc trong một buổi dạ vũ ở nhà một người bạn. Lúc đó, Ngọc đang kiếm việc sau khi học xong mấy khóa Anh văn thực hành. Tự nhiên chàng có cảm tình với cô gái mới quen này. Cô không phải là người đẹp, nhan sắc chỉ ở mức trung bình Chàng hứa sẽ cố gắng giúp cô Vì tuổi tác chênh lệch, họ xưng hô “chú cháu” với nhau.
Nhờ quen biết rộng, Hưng đã giới thiệu cho Ngọc một việc làm tốt và lương cao. Từ đó, hai người thân nhau hơn, rồi từ chú cháu họ đổi thành anh em. Vào một ngày đẹp trời và với sự đồng ý của Hưng, Ngọc dọn tới ở chung với chàng. Dù không có giao ước bằng giấy tờ hay bằng lời nói, nhưng hai người đều thầm hiểu rằng cuộc sống chung này chỉ tạm bợ. Chính vì thế, họ không cần tìm hiểu nhau sâu xa. Nhưng sự chung đụng hàng ngày đã khiến Ngọc dần dần có cảm tình, rồi yêu Hưng tha thiết. Trong khi đó Hưng cũng bắt đầu có nhiều quyến luyến với cô gái còn quá trẻ so với tuổi chàng. Hưng mến Ngọc vì nàng ngoan ngoãn và hiền lành. Đó là những đức tính khó kiếm thấy ở một phụ nữ Việt Nam đã sống lâu năm trên đất Mỹ.
Mua xong trái cây, Hưng giúp người yêu thiết lập tạm một bàn thờ trong phòng
khách. Chàng úp hai cái ly nhỏ bằng thủy tinh để cắm nến, một ly khác lớn hơn, đổ gạo lưng chừng để cắm nhang. Phía sau hai cây nến là hai đĩa trái cây chàng vừa mua.
Ngọc ngắm bàn thờ lung linh ánh nến và khói nhang tỏa nghi ngút tỏ vẻ hài lòng, hôn nhẹ lên má người yêu, khen :
“Chồng em...đảm đang quá !”
Rồi nàng chỉ vào khoảng trống sau “bát” nhang, nói :
“Chỗ này em để hình má. Bây giờ em đi lấy hình đây.”
Chàng nói đùa :
“Nếu em không tìm thấy hình má, anh cho em mượn hình của anh.”.
Nàng liền nghiêm mặt, tát nhẹ vào má chàng, trách :
“Em không thích anh giỡn như vậy đâu. Anh còn phải sống lâu, vì em, vì con nữa”
Thấy công việc của mình đã xong xuôi, Hưng ngả lưng trên một cái ghế nệm dài để nghỉ ngơi. Ngọc vào phòng ngủ lấy một bức hình đã có khung sẵn, rồi khoe :
“Anh nè, anh có thấy má em đẹp không ?”
Hưng ngồi nhỏm lên để xem hình. Nhưng bỗng như có một luồng điện chạy qua người chàng. Chàng chết điếng, cảm thấy choáng váng, tim đập mạnh một cách bất thường, không sao thốt nên lời ! Bức hình trước mặt chàng rõ ràng là hình của Mộng Thúy. Chính nàng đã tặng chàng bức hình này sau khi mới chụp, gần ba chục năm trước, nhưng chỉ là cỡ nhỏ bằng bàn tay. Bây giờ chàng mới chợt nhớ tên của Ngọc cũng có chữ Mộng ở trước, Mộng Ngọc !
Thấy Hưng không nói gì, Ngọc vô tình không nhận ra vẻ bối rối, hốt hoảng của chàng, hỏi :
“Bộ anh không thấy má em đẹp sao ?”
Chàng cố lấy lại bình tĩnh, gượng đáp :
“Ờ ờ...Má đẹp...Má đẹp thiệt... ”
Ngọc cười :
“Em thua má xa, ai cũng nói vậy.”
Ngọc đặt hình mẹ lên bàn thờ, rồi vào bếp tiếp tục nấu nướng. Hưng lại nằm xuống, nhưng không còn bình tĩnh như trước nữa, lòng rối hơn tơ vò. Chàng đã gặp nhiều chuyện bất ngờ trong đời, nhưng chưa bao giờ lại bị bất ngờ như lần này, vì nó không những đã làm chàng xao xuyến mà còn khiến lòng chàng tê tái đến đau đớn. Quả thật chàng không hề thấy Ngọc có nét nào giống mẹ, khó mà tưởng tượng nàng là con đẻ của Mộng Thúy. Phải chăng nàng giống cha nhiều hơn ?
Thấy Ngọc vẫn lúi húi ở trong bếp, Hưng lại ngồi dậy, đến trước bàn thờ ngắm lại hình Mộng Thúy. Sau màn khói của nhang và ánh nến chập chờn, Mộng Thúy trông đẹp môt cách huyền ảo. Chưa bao giờ chàng nghĩ Mộng Thúy đã ra người thiên cổ. Mà cũng không bao giờ chàng có thể ngờ chàng là con rể của chính người yêu cũ.
Bây giờ mình phải tính sao đây ? Hưng thầm tự hỏi. Nói cho Ngọc biết sự thật, rồi hai người chia tay ? Nếu làm vậy, chàng cũng chẳng giải quyết được điều gì. Chàng cảm thấy càng bế tắc, rắc rối hơn. Dù chưa kịp làm hôn thú, dù chưa chính thức giới thiệu với bạn bè, họ hàng, hai người đã là vợ chồng từ lâu. Còn đứa nhỏ sắp ra đời thì sao ? Chàng không thể để cho con mình thành đứa trẻ mồ côi khi cả bố lẫn mẹ đều còn sống. Chỉ có một con đường duy nhất là phải tiến tới và dấu kín chuyện tình ngày xưa, dù chàng vẫn biết dưới ánh sáng mặt trời không có bí mật nào không bị phanh phui. Chẳng sớm thì muộn Ngọc cũng sẽ biết sự thật phũ phàng này. Dù sao chàng và Ngọc cũng không thể xa nhau được nữa. Số mệnh đã kết hợp hai người, không còn gì có thể tách rời họ được. Kiểm điểm lại những ngày yêu Mộng Thúy, chàng không có gì để phải áy náy, hối hận. Đó là mối tình đầu trong trắng và thơ mộng của tuổi học trò. Chàng và Thúy chưa đi quá trớn, cùng lắm chàng chỉ nắm tay hoặc vuốt má nàng thôi.
Trên bàn thờ, Mộng Thúy vẫn nở nụ cười quyến rũ như ngày nào hai người còn yêu nhau. Nàng vẫn đẹp một cách thùy mị, đoan trang. Nhìn hình nàng, chàng nghe lòng bồi hồi thương cảm. Chàng biết chàng vẫn còn yêu nàng tha thiết. Chàng đưa tay vuốt nhẹ lên mặt kính của hình, tưởng nhớ ngày xưa đã từng vuốt má Mộng Thúy. Chợt có tiếng Ngọc gọi từ trong bếp :
“Anh à, anh có vô ăn trưa với em không ?”
Giọng nũng nịu của Ngọc kéo chàng về thực tế. Chàng chậm chạp bước vào bếp, ngồi đối diện với người yêu nhỏ bé bên một cái bàn ăn vuông. Ngọc đã làm cho Hưng một ổ bánh mì kẹp thịt với đồ chua và một ly cà phê đá. Đó là những món chàng vẫn thích ăn vào buổi trưa. Chính những săn sóc nhỏ nhặt này của Ngọc đã chinh phục được lòng yêu thương của chàng.
Hưng ăn chậm chạp và có vẻ đăm chiêu. Thấy chàng im lặng như đang có điều suy nghĩ, Ngọc không dám nói chuyện nhiều, lặng lẽ ăn ổ bánh của mình.
Khi đã uống cạn ly cà phê đá, Hưng mới ngước nhìn Ngọc, hỏi :
“Má em mất lâu chưa ? Lúc ấy em bao nhiêu tuổi ? “
Ngọc buồn buồn đáp :
“Em có được gặp má bao giờ đâu. Khi em đã lớn, ngoại bịnh nặng, sắp chết mới kể lại cho em nghe. Sau khi sanh em được một tháng, má tự tử. Ngoại nuôi em...”
“Còn ba em đâu ?”
Ngọc thở dài :
“Em cũng không biết. Mấy lần em hỏi, ngoại không trả lời...Mãi đến sau khi ngoại mất, dì em mới cho biết ba là một cán bộ tập kết đã có vợ con ở ngoài Bắc...Sau khi má tự tử, ổng bỏ ra Hà Nội mất tiêu luôn.”
“Vậy bà ngoại cũng mất rồi ? Còn ông ngoại em ?”
“Các dì nói ông ngoại chết đói trong một trại giam ở ngoài Bắc lâu lắm rồi. Em chỉ biết mặt ông và má qua hình ảnh thôi,”
Nghe chuyện Ngọc, Hưng buồn bã cúi mặt suy nghĩ. Chàng đoán ra cái chết oan ức của Mộng Thúy. Nàng bị ép phải lấy một tên cán bộ cộng sản tập kết mới trở về. Sau khi sinh Ngọc, nàng tự tử. Một niềm hối hận xâm chiếm lòng chàng Từ lâu chàng đã nghi oan lòng chung thủy của người yêu. Trong khi Mộng Thúy chịu bao đau khổ, cay đắng, chàng không hề biết để giúp đỡ. Không những thế, chàng còn hờn giận, trách móc nàng. Lẽ ra, hồi đó, sau tang lễ của cha, chàng phải xuống ngay Long Xuyên để tìm hiểu sự tình. Chỉ mới nghe đồn nàng lấy chồng, chàng đã vội vã tin ngay. Biết đâu khi gặp nàng, chàng lại chả có thể an ủi, tìm cách cứu nàng ra khỏi cuộc sống đầy đọa và để cùng xây dựng lại tương lai, hạnh phúc ?
Hưng không mê tín đi đoan, cũng không tin những chuyện huyền bí hoang đường, nhưng chàng không sao giải thích được sự tình cờ kỳ lạ này. Phải chăng có sự xếp đặt nào đó và ở đâu đó ? Chàng thầm tự hứa với lòng mình, với vong hồn người đã chết một cách tức tủi, là từ nay chàng có bổn phận và trách nhiệm phải lo cho Ngọc, cho mẹ con nàng.
Hưng ngước nhìn lên, gặp đôi mắt buồn rười rượi của Ngọc. Chàng bỗng nghe lòng tràn ngập yêu thương. Chàng bước đến bên Ngọc, cúi xuống hôn lên trán nàng. Ngọc liền ghì lấy chàng, nũng nịu hỏi :
“Anh có thương em không ?”
Chàng không đáp. Đôi mắt chàng bỗng nhòa đi. Thoáng trong một giây, chàng không hiểu chàng đang ôm ai trong vòng tay...
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

NHỜ CON TRAI ĐI BÁN MỘT CHIẾC ÁO CŨ


From: uyendiem75



NHỜ CON TRAI ĐI BÁN MỘT CHIẾC ÁO CŨ
----------------------------------------------------------------------

Năm đó khi cậu mới 13 tuổi, một hôm cha cậu bé đưa cho cậu một chiếc áo cũ rồi hỏi: “Con nghĩ chiếc áo này đáng giá bao nhiêu tiền?”

“Khoảng 1 đô la”, cậu bé trả lời.

“Con có thể bán nó với giá 2 đô la không?, cha cậu bé vừa hỏi vừa dùng ánh mắt như cầu khẩn nhìn cậu bé.

“Có kẻ ngốc mới mua chiếc áo này”, cậu bé trả lời.

Người cha lại nhìn con với ánh mắt chân thành, khích lệ: “Sao còn không thử xem? Con biết không? Gia đình mình đang gặp khó khăn, nếu con bán được chiếc áo này, nó có thể giúp được chúng ta rất nhiều”.

Sau khi nghe cha mình nói vậy, cậu bé gật đầu đồng ý: “Con sẽ thử xem, nhưng không nhất định có thể bán được”.

Cậu bé đem chiếc áo đi giặt rất cẩn thận, vì không có bàn là để là áo, cậu dùng bản chải để giặt chiếc áo, sau đó để chiếc áo lên một miếng gỗ phẳng trong bóng râm phơi khô. Sáng ngày hôm sau, cậu bé đem chiếc áo đến một ga tàu điện đông người qua lại. Sau 6 tiếng đồng hồ không ngừng chào mời người qua lại, cuối cùng cậu bé cũng bán được chiếc áo với giá 2 đô la.

Cậu vội vàng cầm số tiền bán được chạy một mạch về nhà đưa cho cha. Sau đó, mỗi ngày cậu đều đi tìm quần áo cũ ở đống đồ bỏ đi trong thành phố mang về nhà giặt sạch đem đi bán.

Cứ liên tục như vậy hơn chục ngày, một hôm cha cậu bé lại đưa cho cậu một chiếc áo cũ khác: “Con có thể bán chiếc áo này với 20 đô la không?

“Làm sao có thể được cơ chứ? Một chiếc áo cũ làm gì có giá trị cao như vậy được, cùng lắm là 2 đô la”

“Sao con không thử nghĩ cách xem, nhất định là có cách”, cha cậu bé khích lệ.

Cuối cùng cậu bé nghĩ ra một cách, cậu nhờ anh họ của mình, anh cậu là một người rất đam mê hội hoạ, đã tự học vẽ rất đẹp. Cậu nhờ anh họ của mình vẽ cho cậu một con chim đại bàng và một chú chuột nhắt đáng yêu lên chiếc áo. Sau rồi cậu chọn một ngôi trường học, nơi có nhiều thiếu gia con nhà giàu theo học ở đó, cậu đứng ở cổng trường chào mời người mua.

Vừa mới chào mời một lúc liền có một người quản gia đến mua chiếc áo cho thiếu gia của mình. Cậu thiếu gia đó đã vô cùng thích thú khi có được chiếc áo liền bo thêm cho cậu 5 đô la, tổng cộng cậu bán được chiếc áo 25 đô la. Đây là một số tiền khá lớn đối với gia đình cậu, số tiền này có thể tương ứng với gần một tháng lương của cha cậu khi ấy.

Sau khi về nhà, cha cậu lại đưa cho cậu một chiếc áo khác và nói: “Con có thể bán chiếc áo này với giá 200 đô la được không?”, cha cậu nhìn cậu với một ánh mắt đầy tin tưởng. Lúc này, cậu bé không hề do dự, cậu đón nhận chiếc áo bằng cả hai tay mình, bắt đầu suy nghĩ.

2 tháng sau, cuối cùng thì cơ hội cũng đã đến. Hôm đó, nữ diễn viên chính của bộ phim đang nổi tiếng “Những Thiên Thần của Charlie” đến thành phố cậu bé để quảng bá phần tiếp theo của bộ phim.

Sau khi buổi họp với ký giả kết thúc, cậu bé mạnh dạn chen lên phía trước, chạy đến bên cạnh nữ diễn viên Farrah Fawcett – Majors, đưa chiếc áo cũ ra rồi xin cô ký tên lên đó. Farrah Fawcett – Majors thấy vậy ngẩn người ra một lúc nhưng rồi vẫn vui vẻ tươi cười ký lên chiếc áo, không ai có thể nỡ từ chối một cậu bé dễ thương với ánh mắt hồn nhiên trong sáng như vậy.

Sau khi ký xong, cậu bé hỏi cô: “Cháu có thể bán chiếc áo này được không ạ?”

“Đương nhiên là có thể được rồi, đây là áo của cháu, cháu có thể bán nó nếu cháu muốn, đây là quyền tự do của cháu”.

Cậu bé đứng trên bục hô to một tiếng: “Đây là chiếc áo do đích thân nữ diễn viên xinh đẹp Farrah Fawcett – Majors ký tên, giá nó là 200 đô la”.

Sau khi qua cuộc đấu giá, cuối cùng chiếc áo đã bán được với số tiền không tưởng, 1200 đô la. Về đến nhà, cậu thấy cha mình cùng một người khác đang ở nhà.

Cha cậu bé cảm động mà ôm cậu vào lòng, hôn lên trán cậu: “Cha vốn dĩ dự tính, nếu con không bán được, cha sẽ nhờ người mua nó lại, thật không ngờ con lại giỏi đến thế! Con thực sự rất giỏi…”
Buổi tối hôm đó hai cha con cậu bé đã ngồi nói chuyện với nhau rất lâu. Cha cậu hỏi: “Con trai, từ sự việc của 3 chiếc áo này, con có hiểu được ra điều gì không?”

“Con hiểu rồi, cha đã khích lệ con”, cậu bé cảm động nhìn cha rồi nói tiếp: “Chỉ cần chúng ta động não suy nghĩ, không việc gì là không thể làm được, việc khó đến đâu cũng có cách giải quyết của nó”.

Cha cậu bé gật đầu đồng ý, nhưng rồi lại lắc đầu nói: “Con nói cũng rất đúng nhưng đó không phải là ý định ban đầu của cha”.

“Cha chỉ muốn nói với con rằng, một chiếc áo cũ chỉ đáng giá 1 đô la vẫn có cách để tăng giá trị của mình, cớ sao chúng ta phải bi quan với cuộc sống này đúng không con? Chúng ta tuy nghèo môt chút, nhưng có sao đâu, chúng ta có nhiều hơn một chiếc áo 1 đô la và con thấy không, một chiếc áo 1 đô la cũng có thể làm nên điều kỳ diệu”.

“Đúng vậy, một chiếc áo cũ còn có thể tự làm cho mình cao quý hơn, vậy chúng ta còn có lý do gì mà không yêu cuộc sống của chính mình hơn cơ chứ!”

Thật không ngờ, cậu bé ngày ấy sau 20 năm đã trở thành một huyền thoại bóng rổ nổi tiếng nhất thế giới Michael Jordan, một tỷ phú của thế giới.
Nhờ con trai đi bán một chiếc áo cũ, người cha đã khiến con trở thành một huyền thoại.

Sent from my T-Mobile 4G LTE Device
__._,_.___

Posted by: Bich Huyen 

Friday, February 24, 2017

"Nghìn năm khóc cười, sơn hà nát tan"

Sent from my iPhone

Begin forwarded message:
From: Tran kim bang <
Date: February 21, 2017 at 08:17:45 PST
To: Xuan Lan Tran <
Subject: Fwd: Congrats, your video is now on YouTube!

Mời chị Xuân Lan và quý vị thưởng thức nhạc phẩm Trọng Thủy Mỵ Châu qua giọng ca Thu Hà.
Cám ơn tất cả ACE giúp tay hoàn thành video clip này.


"Nghìn năm khóc cười, sơn hà nát tan"

Từ những thời rất xa xưa người Việt Nam đã biết đề cao nhiều nét đẹp văn hoá qua những sự tích như Trầu Cau, Sơn Tinh-Thủy Tinh, Chữ Đồng Tử hay Lưu Bình Dương Lễ ,…

Riêng về chuyện kể mối tình Trọng Thủy Mỵ Châu. Tuy là sử truyền thuyết nhưng đầy bi thương và cảm động. Lồng trong những âm mưu tranh giành chính trị giữa 2 nước Triệu, và Nam Việt còn là đề cao tinh nghĩa yêu thương vợ chồng. Ta sẽ thấy tội nghiệp cho nàng công chuá ngây thơ và đầy xót xa khi cảm nghiệm được tấm lòng của nàng vẫn luôn yêu chàng , mãi yêu chàng. Người nhạc sĩ đã thăng hoa tấm lòng người vợ qua câu ”lòng thiếp như đêm đầy sao trời”. Và để đáp lại mối tình của Mỵ Châu, người chồng cũng “quyết theo bên nàng” cho tròn nghĩa phu thê.

Xứ người nhiều bận rộn, cuộc sống tất bật, chợt cảm thấy đã lâu chúng ta ít khi có dịp để trọn vẹn tâm tình, suy nghĩ, nghiền ngẫm về những bài học quí giá từ trong sử liệu, ca dao tục ngữ, văn chương truyền khẩu do ông bà để lại mà áp dụng vào đời sống hiện tại…

Cám ơn những người còn yêu quí và lưu tâm đến sử Việt, đã chuyển hóa những hay đẹp đó đến chúng ta. Trọng Thủy - Mỵ Châu qua những thang âm, giai điệu ngũ cung, giản dị, tuy cựu nhưng tân, càng nghe càng thấy nét văn hoá mặn mà, khung cảnh huyền sử xưa như đang uy nghi sống lại

Phất phơ lông ngỗng đưa đường
Nghiệp duyên đã dứt còn vương tơ lòng
Oan khiên kết nụ ngọc trong
Giếng vàng thắm đượm hồn vong trọn tình
- Ngọc Anh


Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu đến các bạn trẻ trong cũng như ngoài nước nhạc phẩm TT-MC cuả Trần Kim Bằng qua tiếng hát cuả nữ ca si Thu Hà.


Trọng Thủy Mỵ Châu
Trần Kim Bằng

Verse 1:
Trâm vàng thề ước, ly rượu nồng say.
Ta cùng nâng chén này, duyên sắt son từ đây.
Tim vấn vương giao hoà. Nguyện mãi bên nhau tình thắm tươi.

Verse 2:
Loa thành bền vững, cơ nghiệp dụng mưu.
Duyên tình tan mối thù. Ta lấy cung chàng coi
Lông ngỗng xin đưa đường, lòng thiếp như đêm đầy sao trời

Chorus:
Kinh thành bao vây, nước non quay cuồng binh đao.
Cung thần ô hay ! cớ sao không diệt quân thù?
Oan nghiệt sau người, gươm nào vơi hận sâu cay
Nghìn thu khóc cười, sơn hà nát tan.

Verse 3:
Theo nàng thật gấp, nhưng hồn về đâu?
Trâm vàng kia gãy đoạn, theo giếng sâu mà đi…
Ta quyết theo bên nàng, trọn nghĩa phu thê tình muôn đời.
Kết:
Tương truyền từ đó
Châu ngọc thuần khiết
Dù lắm oan khiên ta còn yêu.

TKB.



                                             
Way to go, NicholasTran7!
Your video is now on YouTube.




Want to spread the word about your newest video?
We've sent this email to nicholastran7-0369@pages.plusgoogle.com. If you don't want these notifications for finished uploads anymore, you can unsubscribe here.
©2017 YouTube, LLC 901 Cherry Ave, San Bruno, CA 94066


__._,_.___

Posted by: 16 <tranmuoisau@gmail.com

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày- 10/5/2021

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List