Popular Posts

Friday, February 28, 2014

Tết của người Việt già trên đất Mỹ

From: Giang Chu <

From: Msaikhanh
Date: 2014-02-24 7:55 GMT-06:00
Subject:  Tết của người Việt già trên đất Mỹ
Doc xong bai nay tham cam on Troi vi Minh Chua toi ngay phai trinh dien de Vo nursing home,Tuy nhien, "chua" Khong co Nghia la "Khong" vi neu tinh trang suc khoe qua bet thi phai chap nhan thoi Chu Khong trach Ai Duoc.
    Tết của người Việt già trên đất Mỹ

Theo một thống kê của Cơ quan an sinh xã hội California, Mỹ, trong tổng số 400 nghìn người Việt hiện đang sinh sống ở miền Nam California, có khoảng 15 nghìn người trên 65 tuổi. 1/3 ở chung với con cháu. Số còn lại, ở trong các viện dưỡng lão (nursing home).,Vẫn theo thống kê này, những người Việt già trên đất Mỹ rất sợ bị đưa vào nursing home!

1. Xế chiều 29 tháng Chạp, tôi lái xe đến Viện Dưỡng lão thành phố Westminster, Orange County. Đây là cơ sở được xem như khá nhất trong số những viện dưỡng lão tại miền Nam Cali. Vì là ngày giáp tết nên quang cảnh khá lặng lẽ. Ở các lối đi trong khu vực dành cho người Việt, trên những băng ghế đặt rải rác dưới những tàn cây, không có cụ nào tản bộ hay ngồi nghỉ chân, trò chuyện. Bãi đậu xe cũng chỉ thấy lác đác vài chiếc của nhân viên trực. Nhìn qua khu dành cho người Mỹ, người Hàn Quốc và khu dành cho người Mexico thì đông người hơn. Có lẽ họ không biết hôm nay là giao thừa của người Việt.

Vào trong, tất cả đều vắng vẻ. Một lát, tôi mới thấy một y tá đẩy chiếc xe lăn, trên đó là một cụ ngoẹo đầu, mắt nhắm nghiền, rớt dãi chảy dài xuống khóe miệng. Trước cửa phòng số 6, một bà ngồi im lìm trên chiếc ghế nhựa, nét mặt thẫn thờ. Tôi hỏi: "Bà có con cháu vào thăm chưa?". Nhìn tôi một lát, bà lắc đầu kèm theo tiếng thở dài mệt mỏi.

Tên bà là Trần Thị Nghị, 74 tuổi. Bà sang đây theo diện bảo lãnh của đứa con trai. Bà kể: "Hồi đầu, mọi sự tốt đẹp lắm. Nhưng được vài năm, con dâu tôi nói tôi ở dơ vì lúc đứa cháu nội bị sổ mũi, tôi lấy tay bóp mũi, vắt nước mũi cho nó. Bực mình quá, tôi nói hồi nhỏ tao cũng hay vắt nước mũi cho chồng mày vậy, mà có sao đâu! Thế là nó cấm tôi không được đụng đến con nó nữa. 3 tháng sau, chồng nó nghe lời nó, đưa tôi vào đây".

Ở một phòng khác, cụ ông Nguyễn Văn Đức, 71 tuổi, nằm co quắp trên giường. Hỏi ra mới biết cụ bị bệnh suyễn. Đưa tay chỉ một hộp bánh, 2 hộp mứt, 2 hộp kẹo nằm chỏng chơ trên bàn, cụ phều phào: "Cái này con tôi cho, cái kia là của hội thiện nguyện, còn hộp đó là quà tặng của nhà chùa".

Theo tập quán người Việt, một gia đình mà 2, 3 thế hệ gồm ông bà, cha mẹ, con cháu cùng ở chung với nhau thì được xem như gia đình hạnh phúc, ăn ở có đức, có hiếu. Nhưng người Mỹ nói riêng và người phương Tây nói chung, với bản tính thực tế thì họ lại không nghĩ vậy bởi lẽ ngay từ khi còn trẻ, họ đã được học tính tự lập - và điều này đã tác động rất lớn đến thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 - là những người sang Mỹ từ khi còn bé, hoặc sinh ra trên đất Mỹ. Họ hầu như ít nói tiếng Việt mà chỉ dùng tiếng Mỹ - ngay cả khi về nhà.

Phần lớn họ chịu ảnh hưởng nặng của lối sống Mỹ: 18 tuổi là ra ở riêng, cha mẹ già thì đưa vào viện dưỡng lão. Sự thành công về mặt học vấn, tài chính đã khiến họ chẳng còn quan tâm nhiều đến quá khứ của cha ông. Nếu như ở Việt Nam, con cái thường ngồi im nghe cha mẹ giáo huấn - dù ngồi một cách miễn cưỡng - thì ở Mỹ, phần lớn người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 lại chọn cách bỏ đi ra ngoài, không cần quan tâm đến những gì cha mẹ mình đang nói, dẫn đến xung đột... Sự xung đột lắm khi chỉ bắt nguồn từ một nguyên nhân nhỏ nhoi nhưng không được giải quyết thấu đáo, dẫn đến mâu thuẫn ngày càng trầm trọng.

Bà Lý Thị Vân, 69 tuổi, nằm tại phòng số 3, nói: "Có những điều ở Việt Nam coi là bình thường thì qua đây lại trở thành bất bình thường. Trong một bữa ăn chẳng hạn, lúc tôi dùng cái muỗng của tôi để múc canh trong tô canh thì thằng con rể tôi trợn mắt nhìn tôi rồi từ đó đến cuối bữa, nó không đụng vào tô canh đó nữa!".

Vì vậy, với những người Việt cao tuổi ở miền Nam Cali, ba chữ "viện dưỡng lão" từ lâu đã là cơn ác mộng. Nó đánh thốc vào tim tạo thành những cơn kinh hãi, đến độ đã có một cụ quỳ sụp xuống ngay trước cổng vào viện dưỡng lão, chắp tay vái con ruột mình: "Ba lạy con, con cho ba về nhà, ba trải ghế bố nằm trong gara cũng được chứ con đừng bắt ba vô đây". Ông Trần Ngọc Lâm chẳng hạn, khi tôi hỏi vợ con ông ra sao, có thường xuyên vào thăm ông không thì ông bực bội: "Làm ơn đừng nhắc đến vợ, đến con tôi nữa. Vợ, con mà để tôi sống như thế này à?".

Ông Lê Cẩm, ở phòng số 9 trong viện dưỡng lão, kể: "Năm tui 68 tuổi, đi đứng bắt đầu yếu, mắt mờ, tay run, con trai tui nói mai đưa ba vô nursing home. Tưởng nó giỡn chơi, ai dè sáng hôm sau nó đưa tui vô thiệt. Tui hỏi nó sao con nỡ lòng nào mà làm vậy. Nó nói tỉnh bơ: Già rồi thì vô viện dưỡng lão chứ làm vậy là làm sao!". Hỏi ông có biết mai là tết âm lịch cổ truyền không? Ông nói biết vì ba bữa trước, con ông vô thăm, có đem cho mấy hộp mứt. Trên gò má nhăn nheo của ông bỗng lăn dài những giọt nước mắt: "Tết nhất là ngày sum họp gia đình. Vậy mà…".

2. Công bằng mà nói, sự sợ hãi viện dưỡng lão của các cụ cao niên người Việt - ngoài việc bị tách ra khỏi môi trường gia đình quen thuộc - mà hầu hết các cụ đều nghĩ rằng mình bị bỏ rơi, bị con cháu hắt hủi, thì còn một nguyên nhân nữa. Đó là khi tuổi tác đã cao, sức khỏe các cụ cũng sẽ xuống và bệnh tật ắt phải tới. Chuyện không thể tự chăm sóc cho mình là lẽ đương nhiên khi bệnh trạng các cụ tới thời kỳ nghiêm trọng, và cách giải quyết duy nhất là đưa các cụ vào viện dưỡng lão.

Anh Kevin Nguyen, có người mẹ 72 tuổi, hiện đã ở viện dưỡng lão, nói: "Tôi và vợ tôi đều phải đi làm, hai đứa con đi học nên không lấy đâu ra thời giờ chăm sóc mẹ tôi. Còn nếu mướn y tá hay điều dưỡng đến nhà ăn ở, nấu nướng và chăm sóc mẹ tôi thì tôi không đủ tiền".

Một trong những nguyên nhân nữa dẫn đến việc các cụ buộc phải vào viện dưỡng lão. Đó là về già, các cụ thường bị lẫn, mất trí nhớ, thậm chí không nhận ra vợ (hoặc chồng) hay con cái, không cho họ tới gần. Anh Kevin Nguyen, nói tiếp: "Mẹ tôi đổi tính, trở nên khó chịu. Cụ luôn gắt gỏng, nghi ngờ tất cả mọi người".

Chị Lam Hương, có mẹ cũng ở viện dưỡng lão tâm sự: "Cụ nhà tôi lúc nào cũng nghi ngờ có người ăn cắp tiền của cụ mặc dù tiền đó là của con, cháu cho. Ngày nào cũng vậy, cụ lôi túi tiền ra đếm vài chục lần rồi cũng không dưới chục lần, cụ chửi um lên, bỏ ăn, thậm chí cuốn quần cuốn áo đòi ra khỏi nhà vì "nhà này toàn quân ăn cắp". Riết rồi không ai chịu nổi nữa, chúng tôi đành đưa cụ vào viện".

Nỗi sợ phải vào viện dưỡng lão còn có một lý do khác: Đó là nhân viên của nhiều viện dưỡng lão thiếu khả năng chuyên môn, thiếu sự nhiệt tâm và không được huấn luyện kỹ lưỡng, cộng với sự cắt giảm tài trợ của chính quyền do thiếu hụt ngân quỹ dẫn đến số người bị ngược đãi, bị bỏ mặc trên cả hai phương diện sinh lý lẫn tâm lý càng ngày càng tăng, chưa kể có cụ còn bị bắt phải nín lặng, không được phép than phiền, kêu cứu khi lên cơn đau dạ dày hay đau khớp.

Cụ ông Trần Văn Sinh, trước khi sang Mỹ là y tá ở Bệnh viện Bình Dân, TP HCM, nói: "Một thời gian dài, tôi bị trầm cảm vì tuyệt vọng, và tôi được cho uống thuốc an thần một cách rất thản nhiên. Khi tôi báo cáo việc này với ban quản trị, thì con tôi lúc vào thăm đã bị ngăn chặn với lý do là làm trở ngại việc điều hành".

Theo tìm hiểu của tôi, Viện Dưỡng lão thành phố Westminster có khoảng 90% là người già trên 65 tuổi. Số còn lại là từ 80 tuổi trở lên. Cũng xin nói thêm là ở Orange County, các viện dưỡng lão đều do người Mỹ làm chủ và điều hành. Nó thường được chia làm hai khu chính là nội trú và bán trú cùng nhiều khu phụ. Khu nội trú dành cho các cụ ở thường trực. Khu bán trú dành cho những bệnh nhân sau khi điều trị ở bệnh viện nhưng không đủ tiền để nằm lại vì viện phí rất cao, nên phải chuyển vào viện dưỡng lão để nằm chờ, lúc bình phục họ sẽ về nhà.

Thường thì nhân viên quản lý sắp xếp các khu theo sắc tộc, như khu dành cho người da trắng, khu cho người Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan v.v... Nếu thiếu phòng, các cụ phải nằm bất cứ khu nào còn trống. Chả thế mà cụ bà Lê Thị Lài, 67 tuổi, sau hơn 2 tháng ở chung với khu người Mỹ da đen rồi lúc được chuyển sang khu người Việt, cụ ngơ ngác như người tâm thần, hỏi gì cũng ú ớ. Nếu người Việt vào đông, các cụ được nhà bếp nấu riêng món ăn Việt nhưng chỉ vào buổi trưa và buổi tối, còn bữa sáng vẫn phải ăn món ăn Mỹ. Hầu hết những trường hợp được đưa vào đây là do bệnh lý, đòi hỏi phải có sự trợ giúp thường trực của nhân viên y tế cùng các thiết bị mà chỉ các viện dưỡng lão mới có khả năng cung cấp. Những người này thường mắc phải những bệnh gây mất năng lực về thể chất lẫn tinh thần, hoặc họ yếu đến nỗi không thể di chuyển, tự tắm rửa hay tự ăn uống được.

Trao đổi với tôi, phóng viên Vince Gonzales thuộc Đài CBS, người đã làm những phóng sự về vấn đề ngược đãi người già ở các viện dưỡng lão cho biết: "Nhiều người trong số họ cần có sự chăm sóc suốt đời vì họ không bao giờ có thể hồi phục để có thể tự chăm sóc cho mình, chứ đừng nói là cho về nhà. Tương lai của họ một là sẽ chết trong viện dưỡng lão, hai là chuyển vào bệnh viện nếu bệnh nặng rồi chết ở đó và ba là bệnh viện trả về để chờ chết…".

NỗI cô đơn chiều 29 tết.

3. Đã đến bữa cơm chiều. Những cụ còn khỏe thì chậm chạp lê bước, hoặc tự mình lăn xe xuống nhà ăn. Yếu quá thì nằm trong phòng, chờ điều dưỡng mang thức ăn đến. Cô Jenny Pham, một điều dưỡng người Việt ở đây, cho biết: "Viện có rất ít điều dưỡng Việt Nam nên tụi em thường bị điều đi phục vụ toàn khu, chứ không cứ gì khu người Việt". Theo luật riêng của tiểu bang California, mỗi viện dưỡng lão phải có đủ nhân viên săn sóc cho bệnh nhân, nhất là các dịch vụ khẩn cấp, mỗi bệnh nhân phải được y tá săn sóc ít nhất 3 hoặc 2 tiếng mỗi ngày.

Jenny Pham nói tiếp: "Khi có đoàn kiểm tra, viện dưỡng lão thuê mướn thêm điều dưỡng cho đông đủ, đồng thời sắp xếp cứ 1 điều dưỡng chăm sóc cho 10 người theo luật định để che mắt. Khi đoàn kiểm tra đi, mỗi đứa tụi em lại phải chăm sóc cho 19, 20 người…". Tôi hỏi: "Mấy hôm nay, gia đình các cụ vào thăm có nhiều không?". Jenny Pham đáp: "Cũng ít thôi, chủ yếu là các hội đoàn thiện nguyện, các tổ chức tôn giáo. Em biết có 26 cụ từ ngày vào đây, có cụ ở đã 5 năm nhưng chưa thấy ai đến thăm lần nào".

Tôi hỏi: "Đêm giao thừa có tổ chức gì không?". Jenny Pham lắc đầu: "Dạ không, mấy cụ còn khỏe, còn minh mẫn thì tụ họp nhau lại uống trà, nói chuyện hồi xưa. Còn hầu hết đều nằm trên giường. Nhiều cụ khi em hỏi ngày mai là mùng 1 tết rồi, biết không? Có cụ nhe răng cười, chẳng biết gì hết".

Tôi ra về và lúc bước ngang phòng số 7, một đôi vợ chồng trẻ cùng hai đứa con đang đứng cạnh một cụ già ngồi trên xe lăn. Người phụ nữ nói: "Chào ông nội đi rồi về con". Ông cụ miệng méo xệch: "Bay cho nó ở chơi thêm chút nữa, vừa mới vô mà". Anh con trai đỡ lời: "Con đưa các cháu vào chúc tết ba, bây giờ dẫn tụi nó đi coi xiếc cá heo. Vé mua rồi, sắp tới giờ diễn rồi…".

Dẫu biết ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, sống đâu theo đó, nhưng sao tôi vẫn thấy nao lòng vì ở quê nhà giờ này, gia đình nào chắc cũng đang quây quần, sum họp…

http://trangvhntnguoncoi.wordpress.com/2014/02/10/tet-cua-nguoi-viet-gia-tren-dat-my/



Chuyện đời bất hạnh của tôi






From: Giang Chu <>



                  Câu chuyện quá CẢM ĐỌNG ...NÊN ĐỌC.....
Chuyện đời bất hạnh của tôi
Đoàn Dự ghi chép

Thưa quý bạn, hồi tôi còn nhỏ, ở quê tôi Thái Bình là nơi dân
chúng chuyên sống về nghề làm ruộng, đất tuy rộng nhưng dân số
quá đông, mật độ dân chúng tính trên mỗi cây số vuông cao nhất
Việt Nam, nên việc canh tác hết sức cực nhọc, ấy là chưa kể
những năm mất mùa, đói kém. 

Từ đó sinh ra chuyện tảo hôn: những gia đình hơi khá giả một chút nhưng thiếu người làm lụng, bèn cưới vợ cho cậu con trai mới 7-8 tuổi của mình lấy cô gái 17-18 tuổi để cô ấy về tập tành dần, quán xuyến công việc gia đình. 

Những cuộc hôn nhân như vậy khó có hạnh phúc bởi vì tuổi tác bất đồng, cô dâu đã đến tuổi cập kê trong khi chú rể hãy còn con nít. Người Tàu thì họ có thói quen thích cưới vợ lớn tuổi cho con trai của mình. Trong tập truyện ngắn “Miền Tây” do bà Chu Hồng dịch của các nhà văn TQ hiện nay sang tiếng Anh (“Western”, translated by Zhu Hong), bán cả ở TQ lẫn bên Mỹ, tôi thấy bà ấy gọi những người vợ lớn tuổi hơn chồng như vậy là “sister-wife” và cho biết người chồng thường nể nang, kính trọng vợ như người chị, ít khi nào dám đánh đập dù họ đã lớn.

Ngoài ra, hồi tôi còn nhỏ, mẹ tôi còn kể là ở quê tôi đôi khi
cũng có chuyện tráo hôn nữa (chữ Hán có lẽ là trá hôn nhưng
tôi chưa đọc sách nào thấy hai tiếng này): một gia đình kia có
người con trai bị khuyết tật hay bệnh trạng gì đó, không lấy
được vợ, họ cho người khác giả làm chú rể đi cưới hỏi giùm.
Sau khi cưới xong, nhất là sau đêm tân hôn, bấy giờ cô dâu mới
biết là mình bị lừa nhưng ván đã đóng thuyền, đành phải bấm
bụng chịu đựng sống suốt đời như vậy…

Ở miền Nam tôi chưa thấy có trường hợp trá hôn nào như thế mà
chỉ có trường hợp “tráo hôn bất đắc dĩ” ở Long An: cô gái kia
được cha mẹ nhận lời gả cho một cậu trai ở Long Xuyên nhưng cô
đã có người yêu rồi. Đến khi cưới hỏi (vì ở xa nên họ làm
đám hỏi, đám cưới cùng một lượt), ban đêm cô gái bèn bỏ trốn,
đi chung sống với người yêu. 

Sáng ra, phía họ nhà trai sắp tới, cha mẹ cô gái quýnh quá bèn đem cô em mới 16 tuổi vô thế chỗ, cô em cũng đồng ý và họ cũng nói thật với phía nhà trai như vậy. Thấy “cô em” xinh xắn có lẽ còn hơn cả cô chị nữa, bố mẹ chú rể kể cả chú rể đều bằng lòng tức thì và đám cưới diễn ra tốt đẹp. “Cô em gái” về làm dâu, hết sức ngoan
ngoãn, vợ chồng sống rất hạnh phúc. Ít lâu sau, “cô chị” trở về, sang Long Xuyên thăm em gái, thấy em sống hạnh phúc và thấy 
“thằng chồng” của em gái cũng đẹp trai quá mà gia đình lại giàu có nữa nên đòi cô em phải trả lại chồng cho mình. Cô em không đồng ý, vậy là cô chị bèn trở về nhà lục tìm giấy khai sinh lúc làm đám cưới mới 16 tuổi của cô em đem ra xã tố cáo. “Chú rể” bị bắt về tội “giao cấu với trẻ em vị thành niên” mặc dầu có cưới hỏi đàng hoàng và bị tuyên án 2 năm tù. “Cô em” khóc quá, cô nói tù thì tù, cô vẫn yêu chồng và chờ đợi chồng cho đến ngày đoàn tụ…

Hiện nay, đối với các “chú rể” Đài Loan hoặc Hàn Quốc sang
cưới vợ Việt Nam thì chuyện trá hôn xảy ra nhiều không kể
xiết. Người ở bên ấy già lão, bất lực, tàn tật hoặc nghèo
quá không lấy vợ ở bên ấy được, họ trả một số tiền cho người
sang bên này “cưới giùm”. Khi vừa cưới xong thì người “ra tay
nghĩa hiệp” cũng không dại gì mà không “nếm thử” cái của trời
cho, và người bên ấy cũng biết như thế nên cái giá tiền thuê
người “cưới giùm” cũng vừa phải thôi, không lấy gì làm cao
lắm, “người nghèo” có thể đủ sức chịu được.

Sau đây xin mời quý bạn xem xét từ đầu một cuộc tráo hôn có
thể nói là rất đàng hoàng ở ngoài Bắc cách đây chừng mấy
chục năm chứ không láo lếu như việc đánh tráo của bọn Kim chi
và Tài-Oan…

TÔI là một cô gái quê, học đến lớp 10 thì nghỉ, ở nhà lo việc
đồng áng phụ với bố mẹ và chăn tằm, dệt vải. Duyên phận
tình cờ đưa đến, tôi gặp người thanh niên ấy trong một buổi
chiều đã muộn. Khi tôi vừa đi hái dâu về thì thấy anh bị hỏng
xe đạp, đang hí hoáy sửa ở bên lề đường. Ở nhà quê, ngay ban
ngày còn khó chỗ sửa huống chi là trời sắp tối. 

Thấy bánh sau xe của anh xẹp lép mà anh không có đồ vá và anh hỏi thăm trong làng có chỗ nào sửa xe đạp không, tôi bảo ở nhà quê
người ta tiết kiệm, nhà nào có xe đạp cũng có đồ tự sửa lấy chứ đâu có tiệm sửa như ở thành phố. Thấy anh có vẻ lo lắng, tôi thương tình bảo thôi, về nhà tôi, tôi nhờ bố tôi sửa giùm. Anh dắt xe, đi bộ với tôi về làng. Qua câu chuyện, tôi được biết anh ở làng thuộc huyện phía trên, cách làng tôi khoảng hơn mười cây số, nếu nhờ bố tôi vá xong thì anh cũng có thể về được.

Chúng tôi quen nhau một cách ngẫu nhiên như vậy. Từ đó, lâu lâu
anh lại đạp xe xuống làng thăm tôi. Nhiều khi, trong mùa nuôi
tằm, gặp tôi đi mua dâu về giữa đường, anh bảo tôi ngồi lên xe,
anh chở giùm cả người lẫn dâu ở đằng sau xe. Tính anh ít nói,
người dong dỏng cao, hiền lành, lịch sự, mặt mũi thanh tú, đang
học đại học sắp ra trường nhưng cũng có công việc phụ với
bố. Tôi thầm yêu người thanh niên ấy lúc nào không hay.

Chúng tôi yêu nhau trong sáng và đẹp như vậy. Hai đứa chỉ hẹn
hò gặp gỡ nhau mỗi lần tôi đi mua và hái dâu ở làng bên. Chưa
bao giờ anh cầm tay tôi hoặc ngỏ lời yêu tôi, nhưng tôi biết anh
có cảm tình với tôi lắm. Có lần, anh nói anh sẽ về thưa với
cha mẹ tới thăm bố mẹ tôi, hai bên tìm hiểu nhau rồi anh sẽ xin
cưới tôi làm vợ. Tôi rất sung sướng. Bất cứ một người con gái
nào cũng cảm thấy sung sướng khi người yêu đặt vấn đề sẽ đưa
bố mẹ đến chơi để tìm hiểu rồi sẽ hỏi cưới mình. Gia đình
tôi không lấy gì làm giàu có nhưng cũng có bát ăn bát để và
sống rất nền nếp, hơn nữa tôi lại xinh xắn, kém anh 4 tuổi –
cái tuổi rất đẹp – chắc chắn bố mẹ anh sẽ vừa lòng.
Được biết gia đình người yêu của tôi rất khá giả, bố anh là
một bác sĩ thú y đã về hưu, công việc phát đạt, có cửa hàng
bán thuốc ngay trong nhà rất bề thế, nên bố mẹ tôi rất ưng ý,
mừng thầm cho con gái gặp duyên phận may mắn.
Sau đó đám hỏi được xúc tiến mau lẹ. Thật kỳ lạ, khi tiến
hành các thủ tục chạm ngõ, gặp gỡ họ hàng và bàn thủ tục
tiến hành lễ cưới, tôi không thấy có sự xuất hiện của anh,
người mà tôi đã yêu và sung sướng được lấy làm chồng. Thoáng
có chút phân vân nhưng tôi không dám nói ra. Ai lại chưa cưới mà
đã hỏi thăm nhau như thế thì ngại lắm.

Đám cưới diễn ra, bên nhà trai đến rước dâu cũng không thấy anh,
chỉ thấy các cụ lớn tuổi và họ hàng. Tôi, bố mẹ tôi và các
bà con thân thuộc trong họ đều rất ngạc nhiên, hỏi thì phía
bên nhà trai trả lời rằng mấy hôm nay anh mắc thi ở trên tỉnh,
không về được. Đến khi về tới nhà chồng, tôi mới té ngửa ra,
người chồng mà tôi làm đám cưới không phải là người con trai
tôi vẫn thường gặp, vẫn thường hò hẹn, vẫn thường được anh
chở giùm cả người lẫn hai bao lá dâu nặng khi trở về nhà trong
những buổi chiều; người đã gieo vào lòng tôi sự thương nhớ,
sự mong ngóng, sự chờ đợi; người đã làm tôi có những đêm thao
thức của thời con gái; người đã giúp tôi dệt nên những ước mơ
về một mái ấm gia đình với những đứa con xinh xắn.

Trong đám cưới, khi nhận ra người ngồi bên cạnh không phải là
anh, tôi bị sốc đến mức muốn ngã lăn ra đất vì choáng váng.
Người đóng vai chú rể có gương mặt giống người yêu của tôi như
hai giọt nước. Chỉ có tôi là người trong cuộc mới nhận ra đó
không phải là người tôi đã yêu thương, muốn lấy làm chồng. Tôi
cũng xin nói rõ là cái đám cưới của tôi đã diễn ra cách đây
mấy chục năm, thời ấy con cái ở nhà quê vẫn còn thấm đẫm cái
đạo lý nặng nề, cổ điển, là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.

Trong nhà có chuyện gì xảy ra, nếu đang có khách thì dù
chuyện lớn hay nhỏ cũng đều gác lại rồi lát nữa khách đã ra
về mới đóng cửa bảo nhau chứ không làm rùm beng, mang tiếng cả
nhà. Cái thời của tôi là như vậy, con người chưa dám bứt phá
trước những hoàn cảnh trớ trêu, cứ phải bấm bụng chịu đựng
trước đã rồi mới tính sau, tìm cách giải quyết.

Suốt đám cưới, ruột tôi nóng như lửa đốt. Cái người trong vai
chú rể ngồi bên cạnh tôi gương mặt và ngoại hình giống anh như
đúc nhưng trên gương mặt ấy, rỗng không, không khái niệm, không
tinh thần, không cảm xúc, không ý nghĩ… Lòng tôi hoảng loạn và
lo lắng điên đảo. Suốt cả đám cưới, hai họ ăn uống chuyện trò
rôm rả, trong khung cảnh ấy, không ai để ý đến cô dâu chú rể
sắc mặt thế nào.

Đám trẻ con bu kín hàng rào chỉ trỏ đám cưới. Chúng bàn tán
ỏm tỏi và thỉnh thoảng người lớn lại phải ra khua gậy đuổi
chúng đi. Ngày xưa, cứ nhà nào có đám cưới trẻ con lại tò mò
kéo nhau đến xem, bu kín cả hàng giậu trước nhà để coi cô dâu
chú rể, mà chủ yếu là xem đám cưới, xem mặt cô dâu, xem văn
nghệ và thò tay qua hàng giậu la ó xin thuốc lá “Thăng Long” hay
những chiếc kẹo xanh đỏ.

Tiệc cưới rồi cũng tàn. Ở quê tôi có phong tục là bố mẹ không
đưa con gái về nhà chồng, còn nếu đám cưới ở xa, làng này
sang làng khác thì bố đi nhưng mẹ không đi, tôi không hiểu tại
sao lại có phong tục như thế. Mọi người lục tục ra về. Tôi
hoảng hốt chạy theo bố tôi ra tận ngoài cổng. Tôi kéo tay bố
và nghẹn ngào nói với bố: “Bố ơi, chú rể không phải là anh K.
đâu, cả nhà mình bị họ lừa rồi”. Bố tôi biến sắc mặt, ngơ
ngẩn. Tôi không ngăn nổi nước mắt tuôn rơi. Phần vì sợ mọi
người về hết, phần vì bấn loạn tinh thần, tôi oà lên khóc.

Bố tôi suy nghĩ rồi an ủi: “Mọi việc đâu còn đó. Con cứ vào
trong nhà đi, dẫu sao bây giờ con cũng là gái có chồng rồi.
Ngày kia con về làm lễ lại mặt, có cả bố mẹ chú rể sang đấy
bố sẽ hỏi cho ra nhẽ”. Mọi người thấy tôi khóc, ai cũng an ủi
một vài câu là con gái lấy chồng thì như vậy chứ không việc
gì phải khóc. Bố mẹ chồng tôi bèn chạy ra đon đả chào từ
biệt bố tôi. Cái người gọi là chồng tôi mặt nghệt ra, đứng xem
tôi khóc.

Bà mẹ chồng ngoắc tay ra hiệu gì đó rồi kéo tay anh ta đến
bắt tay bố tôi để ông còn về. Sao lại bắt tay? Người Việt Nam
làm gì có cái lối con rể bắt tay bố vợ khi từ giã? Ra hiệu
mãi anh ta vẫn ngần ngừ hình như sợ hãi bố tôi lắm, bà phải
cầm tay anh ta đặt vào trong tay bố tôi anh ta mới cười hềnh
hệch và bắt tay ông “bố vợ”, điệu bộ hết sức ngớ ngẩn. Đến
bấy giờ cả tôi lẫn bố tôi đều sửng người như chết đứng.

Thì ra người thanh niên đó bị chứng câm điếc bẩm sinh. Anh ta
khỏe mạnh, đẹp trai và giống người yêu của tôi như đúc, chỉ có
điều bị câm điếc nên gương mặt không được khôn lanh mà hơi lơ
láo, dài dại do không có phản xạ âm thanh. Bố tôi lúc ấy không
thể ra về nổi nữa. Ông bảo mọi người cứ về trước còn mình
thì quyết định ở lại hỏi cho ra lẽ.

Ông nói với bố mẹ chồng tôi: “Tại sao lại có chuyện như thế
này, cậu K. đâu? Con gái tôi yêu cậu K. và đồng ý lấy cậu K.
chứ đâu phải người khác? Tại sao chuyện lại như thế, xin ông bà
giải thích giùm cho tôi hiểu. Gia đình tôi bị ông bà lừa gạt,
thật quá đau lòng”. Đến lượt bố mẹ chồng tôi lúng túng, hai
ông bà nhìn nhau. Ông bố chồng tỏ vẻ ngạc nhiên và nói có lẽ
thành thật: “Ơ, thế cháu K. chưa thưa chuyện gì với ông bà à?”.
“Không, chúng tôi có biết gì đâu”.

Cuộc chuyện trò khá căng thẳng diễn ra trong ngôi nhà 7 gian
bằng gỗ lim của phía nhà chồng. Đôi bên chỉ gồm có ông bà
thông gia, hai bố con tôi, và người chồng bất đắc dĩ của tôi.
Trong suốt cuộc nói chuyện, tôi chỉ biết khóc và bà mẹ chồng
cũng thút thít khóc.

Ông bố chồng tôi nói: “Chẳng dám giấu gì đằng nhà ông bà,
chúng tôi có 7 anh em nhưng 3 người đi bộ đội, đã hy sinh trong
thời kỳ chiến tranh. Còn lại 4 người, tôi là lớn nhất thì sinh
hai đứa con trai song sinh, còn 3 người kia, một người không có
con, hai người sinh toàn còn gái”. Ông ngừng lại để bố tôi hiểu
được tầm quan trọng trong việc “nối dõi tông đường” về phía
hai người con trai sinh đôi của ông, rồi tiếp: “Như ông bà bên nhà
và cháu đây đã biết – ông gọi tôi bằng cháu chứ không gọi
bằng con – cháu K. tức đứa em thì thông minh, tháo vát, học
hành giỏi dắn, còn thằng anh của nó tức cháu V. chẳng may mắc
chứng câm điếc từ nhỏ nên đầu óc phát triển chậm, không được
bình thường như những đứa trẻ khác”.

Ông mời bố tôi uống nước rồi nhìn con trai: “Cháu vì thiệt
thòi nên bị mặc cảm, ít ra khỏi nhà. Sự thật thì cháu cũng
có sức vóc, hiền lành, ngoan ngoãn nhưng ở nhà giúp bố mẹ
các công việc lặt vặt, thường là theo tôi đi phụ công việc chữa
bệnh cho súc vật ở thôn trên xóm dưới. Đến tuổi lấy vợ, bảo
cháu nhưng cháu không chịu. Ông thấy đó, sinh con ai sinh được số
phận, cái số cháu như vậy chúng tôi cũng thương cháu lắm”.
Ông hút một điếu thuốc lào, thở ra rồi tiếp: “Nhân có thằng
cháu K. đang học y khoa về ngành Đông y trên tỉnh, tôi bàn với
cháu là con kiếm vợ giùm cho anh con đi, nhưng nhớ lựa lời nói
rõ hoàn cảnh của anh con chứ đừng giấu giếm gì cả, nếu nhà
người ta ưng thuận thì được”.

Ông ngừng lại một lát đoạn kể tiếp: “Thế rồi được một thời
gian, thằng K. về nói chuyện với vợ chồng tôi là nó không kiếm
được vợ cho anh nó nhưng lại xin phép được cưới vợ trước. Tôi
mắng cho nó một trận, bảo rằng mày là đứa ích kỷ, anh mày
chẳng may khiếm khuyết thì mới khó chứ mày muốn lấy vợ lúc
nào mà chẳng được. Anh em như thể tay chân, mày phải giúp anh
mày trước đã, có gì thì sẽ tính sau”.

Ông tiếp: “Từ đấy tôi không thấy thằng K. nói gì thêm. Được một
thời gian, nó về và bảo vợ chồng tôi sang nhà ông bà thưa
chuyện. Xong nó lên trường đi học luôn. Đám cưới thằng anh, nhắn
nó về mà cũng không thấy nó về, vợ chồng tôi cũng không hiểu
vì sao”.

“Còn về việc vợ chồng tôi tới thưa chuyện với ông bà thì tôi
cứ nghĩ thằng K. đã có lời nói trước rồi và đã được ông bà
chấp thuận, có vậy thì gia đình tôi mới dám đến thưa chuyện
để xin hỏi cưới cháu đây cho con trai chúng tôi. Chúng tôi cũng
không nhắc đến khuyết tật của cháu nhiều kẻo sợ ông bà đổi
ý. Không ngờ thằng K. chưa thưa chuyện gì với ông bà. Gia đình
tôi thật có lỗi với ông bà và cháu. Tội lỗi đó rất lớn, tôi
không biết nói sao được, chỉ xin ông bà và cháu tha thứ cho gia
đình chúng tôi…”.

Nói xong, ông quỳ sụp xuống vái lấy, vái để. Nước mắt ông
trào ra và bà cũng khóc. Bố tôi giơ hai tay lên trời, cay đắng
thốt lên: “Giời ơi, tôi phải làm gì bây giờ? Sao giời lại bắt
con gái tôi chịu số phận khốn khổ thế này!”.

Bố tôi nói với vợ chồng ông thông gia: “Ông bà ác quá! Cả nhà
ác quá! Sao ông bà nỡ lừa gạt con tôi, bắt con tôi phải chịu
cái nghiệp chướng của nhà ông bà?”. Đoạn, bố tôi bảo tôi: “Về
nhà với bố mẹ. Không việc gì mà phải ở đây chịu khổ chịu
nhục. Đời con còn dài, về với bố mẹ rồi làm lại cuộc đời
con ạ”. Không hiểu vì lẽ gì mà trước lời lẽ của bố tôi, lúc
đó tôi lại im lặng, không đứng dậy xách chiếc va-li bằng mây đi
theo bố tôi trở về nhà. Tôi cứ như người u mê, ở lại căn nhà 7
gian bằng gỗ lim đó, ngổn ngang như mối tơ vò không sao tìm được
lối thoát.

Đêm tân hôn, người chồng câm điếc của tôi ngủ ở gian ngoài cùng
với bố. Tôi ngủ trong “phòng tân hôn” cùng với mẹ chồng. Đêm
đó, cả bà lẫn tôi đều ôm nhau mà khóc. Bà kể cho tôi nghe nỗi
buồn có đứa con trai khiếm khuyết trong khi nhà chồng có tới 7
anh em trai thì đã chết mất 3, còn 2 người kia sinh toàn con
gái. Tôi thấy thương bà, lòng tôi dịu đi mặc dầu vẫn ngổn
ngang, không hiểu cớ sự thế này cuộc đời mình rồi sẽ ra sao.
Tôi không thể chấp nhận sống với người chồng câm điếc nhưng
cũng không đành lòng theo bố bỏ ra về ngay khi vừa mới làm đám
cưới.

Bà mẹ chồng bảo tôi: “Cả nhà mang tội với con. Chỉ tại thằng
K. không nói rõ ràng, không cho con biết sự thật nên bố mẹ hóa
ra người lừa đảo. Bố mẹ chỉ mong con tha thứ cho bố mẹ, còn
mọi việc thì tùy con quyết định. Con muốn trở về nhà cũng
được mà ở lại đây cũng được, bố mẹ không dám ngăn cản”.
Tôi bị dằn vặt trắng đêm với nước mắt đau khổ. Sáng ra, V.
chồng tôi tự tay lễ mễ bưng một bát cháo gà hầm thuốc bắc
vào tận trong buồng cho tôi. V. chỉ ú ớ mấy tiếng và nở một
nụ cười ngớ ngẩn, để lên bàn rồi tẽn tò đi ra…

Tôi đổ bệnh ngay sau hôm ấy, sốt li bì và mê sảng. Trận ốm
thập tử nhất sinh, bệnh tôi mỗi ngày một nặng. Bố chồng tôi
sau khi bắt mạch, kê đơn bốc thuốc không đỡ, đành gọi K. về để
chăm sóc cho tôi vì K. đã học mấy năm y học cổ truyền.
Tôi ốm đúng ba tháng, tóc rụng xơ xác. Suốt 3 tháng ấy, ngày
nào K. cũng bắt mạch và kê đơn bốc thuốc, sắc cho tôi uống. Tự
tay K. làm các món canh hầm với thuốc bắc để tôi lấy lại sức
khỏe, lấy lại tinh thần. Có những lúc tôi đang thiu thiu ngủ, K.
tưởng tôi đã ngủ nên bèn quỳ xuống bên giường ăn năn sám hối.
Nước mắt của K. nhỏ xuống làm ướt mặt tôi không biết hàng bao
nhiêu lần, và K. nói thật rằng đã yêu tôi ngay từ lần đầu tiên
gặp gỡ mà không hề nhắm vào tôi để thực hiện công việc của
bố mẹ giao là kiếm vợ cho người anh trai bất hạnh. 

Chỉ là tình cờ thôi. Yêu thương tôi, K. về nhà xin bố mẹ cho cưới tôi. Bố mẹ K. không không đồng ý và giao trách nhiệm kiếm vợ cho
người anh. Biết là không thể thuyết phục được bố mẹ, khi bố
mẹ hỏi đã kiếm được người con gái nào chưa thì K. đã buột
miệng nói với bố mẹ về tôi và chỉ rõ nhà tôi. “Bố mẹ thử
sang bên ấy hỏi xem nhà người ta có đồng ý không chứ từ nay
trở đi con không thể thay bố mẹ kiếm vợ cho anh con được. Làm
việc đó thất đức lắm”.

Sau đó K. bỏ lên tỉnh, ở luôn trên trường không trở về nữa. Ở
nhà, bố mẹ K. đem lễ vật sang đặt vấn đề với gia đình tôi.
Trong khi đó thì bố mẹ tôi lại tưởng bố mẹ K. hỏi cưới tôi cho
K. nên mừng lắm. Thấy K. không đi cùng, bố mẹ tôi có hỏi nhưng
bố mẹ K. trả lời rằng K. đang mắc bận học thi trên trường nên
không về được. Một đằng muốn giấu giếm, không muốn nói tới
chuyện con mình bị khuyết tật, một đằng thì hiểu lầm vì quá
mừng rỡ con lấy được chỗ tốt, nên bố mẹ tôi đã vô tình khiến
cho bản thân tôi vướng vào sự bất hạnh này. 

Câu chuyện nghe ra có vẻ vô lý nhưng tôi chỉ biết vậy thôi, không hiểu rõ hơn. Suốt 3 tháng ốm tưởng chết, tôi nằm liệt trong buồng, mặc cho K. nói hoặc van xin tôi tha lỗi, tôi vẫn không nói nửa lời. Đem tình yêu và cuộc sống của tôi để đổi lấy hạnh phúc cho người
anh khuyết tật ngớ ngớ ngẩn ngẩn mà có thể tha thứ được hay
sao? Tôi giận lắm nên trên gương mặt hốc hác của tôi chỉ có hai
hàng nước mắt tuôn rơi…

Gia đình nhà chồng lo lắm, chỉ sợ tôi chết, mà thuê cáng để
võng tôi sang trả cho bố mẹ tôi thì cũng không được, bởi vì
lúc đi tôi khỏe mạnh, lúc về đau yếu thế này bố mẹ tôi đâu có
chịu, sẽ có chuyện thưa gửi, kiện tụng lôi thôi, từ đó sẽ vỡ
lở ra chuyện tôi bị tráo hôn chứ không yên được. Bố mẹ chồng
tôi đành liều, phó thác mọi chuyện cho trời và mời hết thầy
thuốc đông y lại đến tây y về chữa trị cho tôi, lại mời cả
thầy pháp về lập bàn thờ cúng tế, cầu xin cho tôi khỏi bệnh.
Tôi không chịu đi viện mà dứt khoát nằm ở nhà. Lắm lúc tôi
còn mong cho tôi chết để trả thù gia đình nhà chồng. Tôi không
thiết mạng sống của tôi nữa. Chết còn sướng hơn bị tráo hôn
trong lúc mới 18 tuổi đầu mà lại ngoan ngoãn, xinh đẹp chứ đâu
có hèn kém gì.

K. gầy sọp hẳn đi, lúc nào cũng ngồi bên giường bệnh của tôi
mà khóc vì ân hận. Có lẽ sự tận tụy của K. đã vực tôi dậy,
đem tôi trở lại với cuộc sống. K. nói rằng nếu tôi chết K.
cũng sẽ chết theo chứ không thể sống với sự giày vò quá lớn.
Ba tháng sau, tôi bắt đầu ngồi dậy được. Mái tóc rụng xác xơ
của tôi bắt đầu xanh trở lại. Người chồng câm điếc của tôi
mừng ra mặt. Mà sự thật là cả nhà đều mừng như vừa thoát
khỏi tai nạn chứ không phải chỉ một mình V. hoặc K.
Tôi bắt đầu uống được sữa và ăn được những bát canh hầm
thuốc bắc. Da tôi hồng hào trở lại, tóc mọc dài ra và môi đã
bắt đầu thắm…

Tôi khỏi bệnh, K. lại chính là người nói với bố mẹ cho K. thay
thế anh trai làm chồng tôi. K. quỳ lạy, van xin bố mẹ rằng anh
đã gây nên tội lỗi thì bây giờ phải đền bù cho tôi vì chúng
tôi yêu nhau từ trước khi chuyện hiểu lầm xảy ra, may mà tôi
sống chứ nếu tôi chết bố mẹ sẽ bị phiền phức đến như thế
nào. Tự K. van xin như thế nhưng ông bà lại tưởng tôi xúi giục K.
làm chuyện trái đạo lý đó. Cả làng ai cũng biết là tôi lấy
người anh câm điếc của K. chứ không phải lấy K., mọi người sẽ
nghĩ ra sao, sẽ đồn đại thế nào về câu chuyện thay bậc đổi
ngôi này.

Tôi ngồi chết sửng lắng nghe tất cả những bão tố trong gia
đình nhà chồng, lòng lạnh ngắt trước những lời K. năn nỉ bố
mẹ. Với trận ốm tưởng chết vừa qua của tôi, ông bà rất lo sợ
nên khi K. đề nghị như thế thì cũng ậm ừ, nói là để suy nghĩ
lại đã. Tôi biết ông bà sẽ đồng ý phần vì chiều con, phần vì
cũng quý mến tôi, muốn đền bù cho tôi, nhưng ông bà đâu có
hiểu rằng lòng tôi đã nguội lạnh, tình yêu của tôi đối với K.
đã chết, thà tôi đi ăn mày còn hơn muối mặt lấy K. làm chồng
mặc cho miệng đời mai mỉa. Con chim đã bị trúng tên một lần
thì sợ cả cành cây cong. Tôi oán ghét K., khinh bỉ K. dù K. đã
hối hận rất nhiều về việc làm không thể tha thứ được của
mình và đã hết sức tận tụy với tôi trong lúc tôi bệnh.

Bởi vậy khi ông bà hỏi ý kiến tôi về đề nghị của K., tôi nói
thẳng ra là tôi không còn yêu K. nữa và xin ông bà cho phép tôi
trở về với gia đình mình. Ông bà như trút được gánh nặng mặc
dầu cũng hơi tiếc tôi và khá tốn kém trong việc cưới hỏi cũng
như thuốc thang cho tôi vừa rồi. Tôi nói trong nước mắt: “Xin bố
mẹ cho con được tự quyết định cuộc đời của mình dù con không
biết sẽ phải làm lại ra sao sau khi ra khỏi căn nhà này. Con
biết bố mẹ buồn lắm nhưng xin bố mẹ cho con đi, con không thể ở
lại đây được”.

Mặc cho K. khóc lóc van xin tôi ở lại nhưng lòng tôi đã nguội
lạnh, K. làm sao hiểu được sau tất cả những gì K. đã làm thì
tình yêu trong tôi đã chết, không thể lấy lại được nữa.
Buổi chiều hôm ấy tôi ra đi. Đâu có ai biết tôi đã lấy chồng
mà vẫn còn là một cô gái trong trắng và mang một nỗi đớn đau
khó mong gột bỏ…

Chẳng hiểu tại sao V. câm điếc mà khi bố mẹ bàn bạc anh ta lại
biết được quyết định của tôi là sẽ ra đi. Suốt buổi sáng hôm
ấy tôi thấy nét mặt V. có vẻ buồn lắm. V. cứ luẩn quẩn đi qua
đi lại trước cửa buồng tôi (thật ra là buồng cưới của tôi và
V.) nhưng không dám vào. Tôi nhìn thấy ánh mắt, gương mặt nghệt
ra đờ đẫn của V., tôi hiểu anh ta dường như cũng đã linh cảm
được chuyện tôi sẽ bỏ anh ta.

Khoảng 3 giờ chiều, tôi xách chiếc va-li mây từ biệt gia đình
nhà chồng ra đi. V. đi theo phía sau một khoảng, tay xách chiếc
lồng có đôi chim Hoàng Khuyên đẹp như tranh vẽ mà V. vẫn quý như vàng, tôi không hiểu V. xách đi đâu. Gần hết quãng đồng, đến
chỗ gốc cây hoa gạo, bỗng V. đi rướn lên rồi dúi chiếc lồng
vào tay tôi. Tôi sửng người trước đôi chim quý mà V. vẫn coi như
báu vật, hằng ngày ngoài những lúc theo bố đi chữa bệnh thú y
trong làng, hễ về là lại chăm sóc, cho chim ăn, tắm cho chim và
dạy chim bằng những cử chỉ riêng mà chỉ V. với đôi chim kia mới
hiểu nhau được. V. tặng tôi món quà quý hóa đó ư?

Tôi dừng chân dưới gốc cây hoa gạo, ra hiệu cám ơn nhưng trả lại
V. lồng chim vì biết V. quý đôi chim đó lắm. V. xua tay lắc
đầu, lại giúi chiếc lồng vào trong tay tôi, miệng ú ớ và trên
mắt V. có hai dòng lệ. Tôi cũng ứa nước mắt, ra hiệu cám ơn V.
một lần nữa. Thế rồi V. quay đi, rảo bước, vừa đi vừa khóc
và không nhìn lại. Tôi nhìn theo, trong lòng lại càng thêm buồn.
Cái dáng phía sau của V. trên con đường đất trông mới lầm lũi
và đầy chịu đựng làm sao!

Tôi xách theo chiếc lồng chim, về nhà ở với bố mẹ một tháng
rồi theo một người họ hàng xa vào Gia Lai – lúc đó thuộc tỉnh
Kontum – trồng cà phê để đoạn tuyệt với quá khứ.
Hai năm sau, tôi lấy chồng. Chồng tôi là người quê mùa cục mịch,
ít chữ nghĩa nhưng tốt bụng, cả đời chỉ biết có làm lụng
trên nương trên rẫy.

Cuộc sống bình yên cứ thế trôi đi. Tôi sinh được một con trai,
một con gái. Khi các con hơn 5 tuổi, tôi dẫn chồng và hai con ra
ngoài Bắc, về bên quê nội rồi sang quê ngoại để thăm bố mẹ, họ
hàng. Mới hơn 7 năm trời, bố mẹ tôi vẫn còn sống, khỏe mạnh
và tôi được biết sau khi tôi bỏ ra đi, K. bị trầm cảm, bỏ dở
việc học ngay trước kỳ thi tốt nghiệp, ở lì trong nhà không
chịu lên trường mà cũng chẳng chịu tiếp xúc với ai. Cũng may
là K. chỉ lặng lẽ vậy thôi chứ đã học xong Đại học Y Dược Cổ
truyền, bốc thuốc, bắt mạch khá giỏi nên cũng đông người đến
chữa bệnh. Anh không chịu lấy vợ, ít cười, ít nói, cứ sống
thui thủi như một cái bóng trong nhà.

Còn về phần V. thì đã lấy vợ và có 3 con. Vợ V. là một cô
gái cũng câm điếc như V. ở làng bên nhưng khá đẹp và rất siêng
năng, do bố mẹ V. cưới hỏi cho. Trong ba đứa con thì chỉ có một
đứa bị câm điếc giống bố mẹ, còn hai đứa vẫn khỏe mạnh, bình
thường. V. vẫn cùng bố đi chữa bệnh thú y, còn vợ V. thì ở
nhà lo con cái, cơm nước, giặt giũ và các công việc nhà.

Trong thời gian về thăm quê tôi, không hiểu chồng tôi nghe ai đó
lắm chuyện kể lể nên biết được việc cũ của tôi đã từng một
lần lấy chồng rồi bỏ về nhà sau mấy tháng làm vợ. Kể từ
đó, sau khi trở về Gia Lai, cuộc hôn nhân của tôi không còn được
lấy một ngày hạnh phúc. Về tới nhà là anh ta chửi bới rồi
nhào vào đánh tôi, nói tôi là đứa lừa dối, đã từng có một
đời chồng mà giấu anh ta…

Thêm một lần nữa, cuộc đời tôi lại chìm trong bất hạnh. Tôi cố
giải thích nhưng anh ta đâu có để cho tôi nói. Một người đàn ông
quê mùa, lớn lên trong vùng đất đỏ ba-dan, cả đời chỉ biết có
nương rẫy và cây cà phê, cây tiêu, cây điều thì làm sao có đủ
tinh tế để nhớ lại cái hồi chúng tôi thành vợ thành chồng,
tôi mới ngoài 20 tuổi và vẫn còn là một cô gái trong trắng.
Tôi có nói chuyện đó nhưng anh ta vẫn tỏ vẻ hồ nghi. Sự ghen
tuông vô lý cộng với cảm giác bị vợ lừa gạt đã làm cho anh ta
mù quáng, sinh ra uống rượu và đánh đập tôi như cơm bữa. Khi
tôi mang thai đứa con thứ ba, anh ta đánh tôi đến nỗi bị trụy
thai…

Làm thân đàn bà mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu, tôi cay
đắng chấp nhận tất cả. Đã vậy anh ta còn có thói quen giày vò
cái thân xác tôi dù tôi đã lớn tuổi, không còn ham thích
chuyện đó. Rồi tôi sinh thêm hai đứa con nữa, vậy là bốn đứa cả
thảy, hai trai, hai gái. Bố mẹ tôi ốm nặng anh ta cũng không cho
phép tôi về thăm. Đến khi ông bà lần lượt qua đời, tôi biết
tin, cả hai lần ra tới nơi thì chỉ còn kịp đi đưa đám tang, các
anh chị em trong nhà trách móc tôi lắm…

Tôi sống lầm lũi với bốn đứa con và với người chồng thô bạo,
say khướt. Một đời con người, ngẩng mặt lên, quay nhìn bốn phía
chỉ thấy điệp trùng toàn rừng cà phê với vùng đất đỏ ba-dan
này. Nước mắt tôi đã bao lần ướt đẫm, buồn cho cuộc đời bất
hạnh. Chồng tôi bây giờ đã già, nghiện rượu nặng, các con tôi
có đứa đã lập gia đình, có con cái. Thế nhưng mỗi lần lên cơn
say, chồng tôi vẫn lôi câu chuyện cũ năm xưa của tôi ra đay nghiến
khiến cho các con cũng buồn. 

Các con tôi, kể cả dâu và rể, không cháu nào là không biết chuyện bị tráo hôn của mẹ, câu chuyện mà tôi đã muốn chôn giấu thật kỹ kể từ ngày tôi rời bỏ quê nhà ra đi…




Wednesday, February 26, 2014

‘Gió sẽ mừng vì tóc em bay...’



‘Gió sẽ mừng vì tóc em bay...’

Lm. Vĩnh Sang

Một lần nữa tôi có dịp theo chân một đoàn từ thiện đến Tây Nguyên. Tìm được địa điểm để có thể tiếp cận được đồng bào nghèo không phải dễ, những phẩm vật mang theo muốn trao đến trọn vẹn cho đồng bào nghèo càng không dễ chút nào. Chẳng biết cái cơ chế nào, cái luật lệ nào, cái thủ tục nào cứ phải phần trăm cho “các cấp, các ban ngành đoàn thể”, chẳng hiểu cái truyền thống hào hùng nào, cái đạo đức cách mạng nào biến những kẻ mang của cải chia sẻ cho người nghèo phải biết ơn “các cấp, các ban ngành đoàn thể” vì họ bố thí cho chúng ta cái quyền... làm từ thiện! Nhưng thôi, tất cả cái gian lao đó, tôi đã thấy, nó không làm chùn chân những anh chị em Giáo Dân quảng đại, từ bi và nhân ái.
Tôi học được nơi họ – những người thiện nguyện – rất nhiều, sự hy sinh, can đảm, kiên nhẫn và khôn khéo. Họ không nề hà gian khổ, không kìm nén cảm xúc và không thu vén cho họ, không tìm danh lợi. Chẳng ai, chẳng nơi nào lưu dấu tên họ, chẳng ai biết họ là ai. Sau những chuyến xe gập ghềnh gian lao, những công việc nặng nhọc vất vả, những buổi thăm viếng bị vắt kiệt sức, trở lại phố thị, vệ sinh gột rửa bụi bặm, họ trở nên thoải mái khi trút sạch những gì không có nơi đô thị trừ một cái, họ vẫn còn mang theo vào bữa ăn tối những giọt nước mắt hào sảng dành cho những thân phận nghèo hèn, kém may mắn, mà họ đã gặp nơi các buôn làng, họ đã khóc thật nhẹ nhàng, thật thoải mái khi cùng nhau nhắc lại những cuộc gặp gỡ vừa qua.
Những buôn làng tôi đã đi qua, thật nghèo, cái nghèo cùng kiệt không tả hết, những mái nhà hiu quạnh, rách nát, những con heo tộc bụng gần sát đất rong chơi tìm kiếm thức ăn cùng với những đứa trẻ mặt mày lem luốc ngơ ngác, những cái váy khô cứng xếp lớp như những miềng nhựa quấn quanh người, những cái đầu tóc không thể nào bay cho dù gió đại ngàn có cuồn cuộn kéo ngang, nó bện vào nhau, vàng cháy, khẳng khiu như những nhánh rễ cây đan quyện trên mặt đất. Những mái đầu ấy nếu được tắm gội, được chải chuốt, được đặt lên đó một nhánh hoa rừng, nếu những vòng tay đen cáu được sạch sẽ, được mang sách vở đến trường, được những miếng bánh mì lót lòng buỗi sáng, nếu những bàn chân trần có được đôi dép, tung tăng những bước chân chim với bạn bè, xếp hàng ngay ngắn trước thầy cô, hẳn số phận họ được thay đổi...
Những căn nhà bằng gỗ tồi tàn không còn nguyên vẹn, dáng kiểu nghiêng nghiêng như những triền dốc của núi đồi, hợp thành một bức tranh lạ kỳ, màu đen mốc thếch như những vạt đồi xa xa còn trơ lại đất cát sau những đám cháy nhuộm đen những gốc cây trơ trọi. Cái nghèo không thể xiết!
Chúng tôi mang đến một số phần quà như đã được nhóm tiền trạm báo trước, không ngờ số người đến nhận lại vượt quá con số dự trù. Tìm hiểu mới biết số người tăng thêm đến từ các buôn làng khác. Dân thành phố mình quen tính toán, thi nhau đưa ra giải pháp, bớt mỗi phần bao nhiêu ký để có thêm số phần cho đủ, nhưng người dân tộc tính khác, họ bảo: “Đổ chung đi, rồi cứ chia đều, thế là tốt, cùng là đồng bọn mà!” Chân chất và thật thà đến ngạc nhiên. Chúng tôi học được nhiều bài học từ núi rừng, hồn nhiên và trong sáng như thế đó...
Về lại thành phố, lòng tôi vẫn còn vương vấn, chuyến đi chớp nhoáng, thật nhanh và rút gọn, không biết lần sau có đến được vùng này nữa không, tai tôi vẫn còn ray rứt lời dặn của người môi giới: “Phát quà thôi, không được nói gì về tôn giáo”. Và một lời khác nữa của già làng: “Cán bộ dặn là không theo đạo để được là xã anh hùng!” Chúng tôi có nói gì về đạo đâu nhỉ, chỉ xin chia sẻ trong tình nghĩa làm người với nhau mà cũng khó dễ sao!?!
Bao giờ thì... "gió sẽ mừng vì tóc em bay?"
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 23.2.2014
Nguồn: VRNs



Chị tôi

Phạm Thanh Nghiên

Viết tặng chi Bùi Thị Minh Hằng
Tôi là con út trong gia đình có 7 anh chị em, bốn chị gái và hai anh trai. Tôi thường bông phèng rằng tôi là …con lớn nhất tính từ dưới lên. Giới thiệu đôi chút về gia cảnh không gì ngoài mục đích …quảng cáo nhà đông anh chị em, nhất là các chị gái. Thế mà tôi vẫn muốn có thêm những người chị khác nữa. Bùi Thị Minh Hằng từng tâm sự rằng chị luôn coi tôi như một tấm gương. Cả cái cách giăng biểu ngữ, băng rôn trong nhà khẳng định chủ quyền biển đảo cũng là cách chị…học tôi, theo như lời chị nói. Viết những chi tiết này ra tôi thấy mình hổ thẹn. Nhưng thật sự rất may mắn khi được chị coi như một đứa em gái và “chị thương Thanh Nghiên từ lúc Nghiên còn ở trong tù, chỉ mong em ra để chị em được gặp mặt”. Ngày đầu quen biết, chúng tôi đã thương mến và coi nhau là chị em.
Khi tôi trải qua gần hai năm trong nhà tù thì chị gái thứ hai của tôi (sống trong Sài Gòn) mới biết chuyện. Quả thật, tôi cũng lấy làm ngạc nhiên tại sao chị lại bị…lừa dễ dàng như thế. Lần nào chị gọi điện về mẹ tôi cũng bất đắc dĩ bịa ra vô số lý do để nói dối. Nào là em nó vừa chạy sang hàng xóm, đi chơi, đang dở tay, đi có việc, đang mệt, điện thoại di động tốn tiền nên nó không dùng… Chỉ tại chị yếu đuối quá nên không ai muốn chị bị sốc.
Hồi chị chưa lấy chồng, chị chăm tôi như chăm con. Một cơn đau đầu của tôi cũng khiến chị hoảng sợ, lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Năm 2001, tôi bị viêm thanh quản nặng đến mức suốt mấy ngày không nói được, tưởng câm. Chị khóc sưng mắt, than thân trách phận, tự rủa xả bản thân với hy vọng (ngốc nghếch) rằng làm như thế, Trời Phật sẽ cho tôi được bình an sau khi đã…trừng phạt chị.
Chị gái lớn của tôi bằng tuổi chị Hằng. Chị đã có cháu ngoại hơn bốn tuổi. Người ta nói, phụ nữ tuổi Giáp Thìn là người bộc trực, nóng nảy, mạnh mẽ và rất có tài. Chị cả tôi không phải người có tài, nhưng là người bộc trực. Thời gian tôi bị tạm giam, một nửa trong tổng số hơn hai chục thành viên gia đình tôi liên tục bị công an mời, triệu tập để thẩm vấn. Từ mẹ tôi ngoài bẩy mươi tuổi đến các chị gái, anh trai, anh rể, chị dâu, các cháu còn đi học phổ thông cũng bị công an đón đường đưa đi thẩm vấn. Phiền nhất là chị cả, sau mỗi cú điện thoại của công an lại phải lặn lội bỏ công việc từ Hà Nội về Hải Phòng để “thực hiện nghĩa vụ công dân bất đắc dĩ”. Trong một buổi thẩm vấn, một nữ công an thuộc phòng an ninh chính trị Hải Phòng hỏi chị:
- Thế theo chị, Hoàng Sa, Trường Sa là của ai?
Chị thản nhiên trả lời:
- Của Liên Xô.
Công an kia bất ngờ (và bực tức) hoạnh:
- Sao chị lại nói như thế?
- Thế tôi phải nói thế nào? Nếu nói là của Trung Quốc thì không đúng và lương tâm tôi không cho phép. Còn nếu nói là của Việt Nam thì tôi sợ đi tù. Em tôi nó nói Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam thì bị các người bắt. Giờ tôi cũng nói thế lỡ bị đi tù, mẹ tôi làm sao sống nổi.
Nhưng chị cả tôi không có được cái khí phách ngang tàng như chị Bùi Thị Minh Hằng. Trong suy nghĩ của tôi, chị Hằng là người phụ nữ thông minh, quả cảm, khí khái, mạnh mẽ, quyết liệt và luôn đề cao đức hy sinh. Tất cả những điều đó chắc chắn là những tố chất hết sức đáng quý với một người bảo vệ nhân quyền, chống chế độ độc tài. Tôi yêu mến chị, dù biết giống như tôi và vô số những người đấu tranh khác, chị không hoàn hảo. Có lẽ, chính cái không hoàn hảo ấy khiến tôi và chị trở nên gần gũi và dễ đồng cảm hơn. Hôm nay, đã gần nửa tháng chị và hai người bạn khác là anh Nguyễn Văn Minh, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh bị bắt trong một vụ dàn cảnh mà hẳn nhiên tác giả kịch bản là những đỉnh cao trí tuệ của đảng. Để rồi chắc chắn chị và hai người bạn sẽ “được” đem ra xét xử và tuyên án trong một phiên tòa man rợ.
Sự góp sức của chị trong cuộc vận động Dân chủ, Nhân quyền không hề nhỏ. Tất cả những việc chị làm đều khiến tôi ngạc nhiên. Nó quá nhiều. Dường như chị có một nội lực rất dồi dào để làm việc không mệt mỏi. Người ta thấy chị ở khắp nơi, trong mọi hoàn cảnh. Từ các cuộc xuống đường biểu tình ôn hòa chống quân xâm lược Trung Quốc đến những phiên tòa bất công xử người yêu nước. Từ các phong trào khiếu kiện đòi công lý của những dân oan mất đất, mất nhà đến những lần đi phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Chưa kể số lượng những bài viết, những bài tường trình, các hình ảnh được chị ghi lại đều đặn sau mỗi sự kiện. Bùi Thi Minh Hằng thật sự là ký giả đường phố, ký giả nhân dân. Không thể liệt kê hết những nơi chị đã đi qua, những việc làm chị đã đóng góp (công khai hay âm thầm). Sôi nổi là thế, mãnh liệt là thế nhưng Minh Hằng vẫn luôn phải đối mặt với nỗi cô đơn thường trực. Hình như, bất cứ ai chọn lựa con đường đấu tranh vì cộng đồng cũng phải trải nghiệm những khoảnh khắc như thế. Ta sẽ cô đơn giữa vô số những con người. “Nhiều khi bị tấn công tứ phía, cảm thấy mình lạc lõng em à”. Một lần, tôi nhận được tin nhắn của chị.
Có nhiều điều lắm để viết về chị. Nhưng có lẽ tôi nên kìm nén cảm xúc. Tôi nhớ về chị với những chuyện đời thường khác. Lần gặp đầu tiên, hồi tôi mới ra tù tiện dịp đi Hà Nội khám bệnh. Mấy anh chị em chúng tôi có hẹn ăn trưa cùng nhau: Các anh Ngô Nhật Đăng, Xuân Diện, Anh Chí, Hiếu Gió, Lã Việt Dũng chị Hằng và một chị bạn. Vừa nhìn thấy tôi, chị lao tới ôm thật chặt bằng một cánh tay (tay kia bị gãy đang bó bột). Sợ chị đau, tôi không dám nhúc nhích, nhưng cảm giác sắp nghẹt thở vì chị ghì tôi rất chặt và như không muốn buông ra. Chị khóc to, tựa như một đứa trẻ, bất chấp xung quanh là những người lạ và cả những tên mật vụ đứng nhìn. Chị nói đủ thứ chuyện, về thời gian nửa năm bị giam giữ trong nhà tù trá hình mang tên Cơ sở Giáo dục Thanh Hà. Suốt cuộc gặp, chị nắm chặt tay tôi, thi thoảng lại đưa lên môi hôn. Tôi chưa bao giờ thấy mình đựợc nâng niu và trân quý như thế.
Lần đầu gặp chị. Hình chụpc cuối năm 2012.
Lần khác, tôi bệnh phải đi truyền nước. Đang thiu thiu ngủ thì chuông điện thoại reo. Vừa kịp “alô!” đã nghe chị mắng một hồi. Chị xót tôi!
Đầu tháng 1.2014 chị và Bạch Hồng Quyền tới Hải Phòng thăm tôi. Chị bước vào nhà, thản nhiên như một người con vừa đi xa về. Chi gọi mẹ tôi bằng mẹ. Đó là lần gặp cuối cùng không hẹn ngày hội ngộ. Từ hôm chị bị bắt, ngày nào mẹ tôi cũng hỏi : “chúng nó thả chị Hằng ra chưa hả con?”. Mẹ tôi buồn!
Lần thứ hai chị bị bắt. Lần này, có thể sẽ rất dài. Tôi sẽ chờ để được sà vào lòng chị, hôn đôi bàn tay của chị. Trong lúc này, tôi vẫn cảm nhận được hơi ấm từ trái tim nhiệt huyết của chị cùng lời tuyên bố đầy ngạo nghễ: “CHÚNG TÔI NGÃ XUỐNG ĐỂ ĐẤT NƯỚC NÀY ĐƯỢC ĐỨNG LÊN”. Đúng, đất nước này sẽ đứng lên nhờ những sự hy sinh nhỏ bé của chị và của tất cả những người Việt Nam còn nặng lòng yêu nước.
Chị sẽ không ngã chị ơi! Cho dù phía trước đầy nguy khốn.


Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày- 10/5/2021

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List