Popular Posts

Thursday, November 28, 2013

Hãy Sống Với Lòng Biết Ơn


 

Hãy Sống Với Lòng Biết Ơn

 

Hãy biết ơn Mặt Trời đã cho ta sự sống.

Hãy biết ơn từng vạt nắng đang lung linh nhảy múa trong vườn để ta cảm nghiệm được sự ấm áp của thiên nhiên.

Hãy biết ơn Mặt Trăng kia đã cho ta bao đêm dài thơ mộng mà qua đó bao bài hát, bài thơ trữ tình nảy nở.

Hãy biết ơn từng con suối nhỏ để cho ta nghe được tiếng thủ thỉ của núi rừng.

Hãy biết ơn từng cơn gió nhẹ làm lòng ta tươi mát.

Hãy tạ ơn biển đã cho ta nguồn dinh dưỡng, từng chuyến viễn du đầy thi vị và những cuộc phiêu lưu mạo hiểm làm phong phú hóa tình cảm con người.

Hãy biết ơn cả tiếng chim ca vì đó là tiếng nhạc của Trời.

Hãy tạ ơn cả những con sông đang ôm ấp những bờ kênh thửa ruộng, cho phù sa tuôn tràn màu mỡ, cho lúa tốt trổ bông, cho tôm cá đầy đồng, cho xóm làng tụ hội, cho chợ búa mọc lên, cho thương buôn trên bến dưới thuyền, cho giao thông thuận tiện, cho mạch sống làng quê ngày thêm phong phú.

Hãy biết ơn từng bài ca dao, từng tiếng chuông chùa êm ả để thấy hồn dân tộc vẫn còn năm sâu trong tâm khảm.

Hãy tạ ơn tiếng ru của mẹ để con biết rằng vòng tay đó chính là Thiên Đường.

Hãy cám ơn mẹ già:

Cho dù áo rách sởn vai,

Cơm ăn bát vơi bát đầy

mà vẫn  kiên trì nuôi con cho đến ngày khôn lớn.

Hãy cám ơn các bậc Thầy vì những vị đó đã khai mở trí tuệ cho ta “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Hãy tạ ơn đời.

Hãy cám ơn cả những người đã dối gạt ta để ta hiểu được thế nào là lòng trung tín.

Hãy cám ơn cả người xỉ vả, chụp mũ, bôi lọ, đánh phá ta để ta có dịp huân tập hạnh nhẫn nhục và hiểu được thế nào là sự tha thứ.

Hãy biết ơn những gì gọi là bạo lực vì qua đó ta liễu ngộ đước chân lý vĩnh cửu của tình thương.

Hãy biết ơn cả những thiên tai, thảm họa để cho thấy cuộc sống này qúy giá.

Hãy tạ ơn những người đã nằm xuống để cho ta được sống.

Hãy biết ơn người chiến sĩ đang ngày đêm canh gác, xả thân nơi chiến địa, biển đảo để ta được sống yên bình, mưu cầu hạnh phúc.

Hãy cám ơn sự vấp ngã vì qua đó ta trưởng thành.

Hãy biết ơn cả những người thợ vì họ là những vị thần sáng tạo.

Hãy tạ ơn cả những đang phục vụ ta, những người đang làm những nghề nghèo hèn nhất vì không có họ ta phải chân lấm tay bùn.

Hãy cám ơn người nông phu đã:

Vài ngàn năm đứng trên đất cày

Minh đồng da sắt không thay màu (Phạm Duy)

để dân tộc này có chén cơm hạt gạo.

và cũng:

Dã ơn cái cối cái chày.

Đêm khuya giã gạo có mày có tao (Ca Dao)

Hãy biết ơn cả tiếng gà gáy trong những buổi trưa hè, tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng sáo diều ngân, tiếng trẻ nói bí bô, tiếng con sáo hót, tiếng ai hát đúm, hát dân ca, hát văn, hát ru, hát hò quan họ để thấy hồn Việt Nam thiêng liêng, bất tử.

Hãy cám ơn cây Đa đã cho ta bóng mát, là nơi dừng chân trên con đường làng dài mệt mỏi.

Hãy cám ơn cả cái Đình để xóm làng mở hội, văn hóa lưu truyền, gái trai hò hẹn.

Hãy cám ơn cả cái Miếu vì qua đó ta thấy các tiên hiền, liệt sĩ, danh nhân vẫn còn ở với chúng ta.

Hãy cám ơn mái Chùa đã đứng đó qua vài ngàn năm để lưu giữ hồn dân tộc.

Hãy cám ơn cả những chuyện thần tiên “Tấm Cám” để con trẻ hay ăn chóng lớn, người già quên đi bao nỗi nhọc và gái trai nuôi bao mộng đẹp.

Hãy cám ơn cả chiếc nón đã che mưa nắng cho cả dân tộc. Thuơng thay “chiếc nón bài thơ” đã lưu giữ hồn thi ca của dân tộc mà bây giờ vẫn còn đây:

Qua đình ngả nón trông đình,

Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu (Ca dao)

Hãy biết ơn tất cả dù là một hạ mưa, hạt cát, hạt muối, bó rau, miếng khoai, miếng cà, miếng sắn, con tôm, con tép...

Hãy biết ơn và tạ ơn tất cả.

Lòng biết ơn là lòng Từ Bi là bài Kinh Sám Hối sâu xa và mầu nhiệm.

Kẻ sống với lòng biết ơn chính là kẻ sống với Chân Hạnh Phúc và là kẻ có tâm hồn cao thượng nhất.

 


(California Tháng 11, 2008)

 

 

Monday, November 25, 2013

Re: Người Việt mua vàng trên đất Mỹ


 on behalf of; NGUYỄN VÂN TÙNG [

 

 
Re: Người Việt mua vàng trên đất Mỹ
 

Trước năm 1975, nhiều người Việt ở miền Nam - nhất là phụ nữ thường hay có thói quen mua vàng để dành rồi khi hữu sự, đem ra chi xài.
Sang đến Mỹ, họ vẫn giữ thói quen này và có người "để dành" được cả nghìn lượng…
 
1. Thật ra, khi gặp các bà các cô trong những tiệm vàng ở thương xá Phước Lộc Thọ, thuộc thành phố Westminster, quận Cam (Orange County), bang California, Mỹ và khi chúng tôi hỏi, thì chẳng bà nào nói là mình đi mua vàng bởi lẽ ở đất Mỹ này, do biết thói quen của một số người Việt là hay tích trữ vàng bạc, coi như của để dành thì một số băng đảng - cũng là dân Việt mình cả thôi, đột nhập vào nhà, giết người, cướp tài sản.
 
Bà Jenny Kim, chủ một tiệm vàng ở đây, tiết lộ: "Khách hàng của tôi chủ yếu là những phụ nữ người Việt, phần lớn đều trên 50 tuổi. Thường thì họ mua 1 "ao" (ounce) nhưng cũng có người mua 2, 3 "ao". Có người tháng nào cũng mua và cũng có người vài ba tháng mới mua một lần".
Thương xá Phước Lộc Thọ là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất ở Westminster nhưng thật ra, tên chính thức của nó là Asian Garden Mall, xây theo phong cách Á Đông, phía trước có cổng tam quan vươn cao lên trên với mái ngói âm dương màu xanh lục.
 
Dưới cổng tam quan là tượng 3 ông Phước, Lộc, Thọ bằng đá hoa cương trắng nên người ta thường gọi là thương xá Phước Lộc Thọ. Trong thương xá này, hàng hóa phục vụ cho người Việt không thiếu thứ gì, từ ăn uống đến hàng tiêu dùng cùng hàng chục tiệm bán vàng, kim cương.
 
Ông Định là chủ một tiệm vàng, cho biết: "Nếu như ở Việt Nam, người mua vàng thường mua từng chỉ hoặc từng cây thì ở Mỹ, họ mua theo "ao". Một "ao" vàng nặng 31,103gr còn một "cây" nặng 37,50gr. Và mặc dù ở thương xá Phước Lộc Thọ vẫn có người sản xuất vàng "cây", nhưng bán không chạy lắm".
Cổng vào thương xá Phước Lộc Thọ.
Lúc ông Định đang trò chuyện cùng chúng tôi thì một phụ nữ người Việt đã đứng tuổi, bước vào. Hình như là khách quen vì thấy ông Định chào hỏi rất đon đả. Sau khi nhận một "ao" vàng rồi thanh toán tiền, bà nhét kỹ nó vào trong chiếc túi xách. Chúng tôi lân la làm quen: "Chị sang Mỹ lâu chưa?". Bà ta liếc nhìn và có vẻ e dè. Ông Định đỡ lời: "Bả là bạn thân với tôi mấy chục năm rồi đó".
 
Câu chuyện có vẻ cởi mở hơn. Theo lời người phụ nữ, thì bà tên Chín, 57 tuổi, quê ở Rạch Giá, Kiên Giang, được con cái bảo lãnh qua Mỹ hơn 10 năm. Bà Chín, nói: "Tiếng Mỹ một chữ bẻ đôi tui hổng biết, đi chợ thì chỉ ra đây thôi". Mấy năm đầu, bà ở nhà trông  hai đứa cháu cho vợ chồng con trai đi làm. Tới hồi cả hai đứa đến tuổi đi học, từ sáng tới chiều trong nhà chỉ còn mình bà: "Rảnh rỗi, không biết làm gì, tui quét lá, tưới cây, dọn vườn cho mấy gia đình người Mỹ hàng xóm. Một tháng kiếm cũng được vài trăm "đô".
 
Cứ vài tháng, bà lại đến tiệm vàng ông Định mua 1 "ao". Bà nói tiếp: "Bữa nay 1 "ao" là 1.320 đô" chứ mấy tháng trước, nó lên tới gần 1.600".
Tôi hỏi: "Vậy chắc chị để dành cũng được kha khá rồi nhỉ?". Bà Chín cười: "Có bao nhiêu đâu. Mua để đó, phòng lúc con cái làm ăn cơ nhỡ thì có mà giúp chúng nó. Hơn nữa, tui cũng còn họ hàng ở Việt Nam. Mỗi năm đến dịp giỗ, tết, tui gởi về, góp phần". Nhưng theo ông Định, từ khi bà bắt đầu mua vàng ở tiệm ông tới giờ, ông ước tính cũng phải đến 60 - 70 "ao".
 
2. Bà Chín chỉ là một trong số hàng nghìn phụ nữ người Việt mua vàng để dành trên đất Mỹ. Hầu hết việc mua bán của họ rất kín đáo vì như tôi đã nói ở trên, một phần là vì họ không muốn ai biết họ có "của để dành" - ngay cả con cái họ cũng giấu, phần nữa là họ sợ bị cướp. Ở Westminster, đã từng xảy ra nhiều vụ cướp đột nhập vào nhà, sát hại gia chủ để tìm vàng. Khác hẳn với người Mỹ, hầu hết mọi sự chi tiêu đều thông qua thẻ tín dụng thì những người Việt lớn tuổi - nhất là những người trình độ học vấn thấp, lại ưa xài tiền mặt và hễ có dư là họ… mua vàng!
 
Bà Thành, 60 tuổi, nhà ở đường Brookhurst, cho biết: "Máy rút tiền toàn tiếng Mỹ, biết đường nào mà lần". Theo lời bà, thì hơn 30 năm trên đất Mỹ, chồng chết, bà làm đủ thứ nghề, từ lau chùi nhà vệ sinh đến dọn rác trong siêu thị rồi hễ dư được đồng nào là bà mua vàng để dành đồng đó. Và vì mua "để dành" nên bà không quan tâm giá vàng hôm nay lên hay xuống. Căn nhà bà đang ở cũng từ vàng mà ra. Ba đứa con bà, cứ đứa nào vào đại học là bà mua cho một chiếc xe hơi, trả hết một lần chứ không trả góp.
 
Bà nói: "Có lẽ tôi chịu ảnh hưởng từ má tôi. Hồi đó nhà tôi ở Tịnh Biên, An Giang, cứ xong mùa lúa là má tôi lại mua vàng. Tới hồi qua Mỹ, tôi toàn đi làm chui, lãnh tiền mặt nên đâu dám gửi ngân hàng vì nếu biết, họ cắt trợ cấp. Vậy là tôi mua vàng!".
Do sợ cướp, nên người Việt ở Mỹ có 1.001 cách giấu vàng, chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Có người bỏ vài ba "ao" vào hũ muối, để khơi khơi ở nhà bếp. Có người nhét trong chậu cây cảnh, dưới tấm nệm giường. Ông Định kể tôi nghe câu chuyện cười ra nước mắt: Một khách hàng của ông là bà Dung, nhà ở  Bolsa, giấu 20 "ao" vàng bằng cách nhét nó vào giữa khúc pate gan rồi cất trong tủ lạnh. Một bữa, con dâu bà mở tủ, thấy khúc pate nằm đó cả tháng trời nên lấy ra quăng vô thùng rác vì sợ con ăn vào trúng độc.
 
 Tới hồi bà Dung phát hiện mất khúc pate, rồi khi biết con dâu bà đã vứt bỏ, bà gào lên như người sắp chết. Lúc ấy, cả nhà mới biết trong pate có vàng!
Ông Định kể: "Bà Dung hỏi han nhiều người, rằng rác sau khi thu gom thì đổ ở đâu? Lúc biết được địa điểm đổ rác, suốt 1 tuần lễ, ngày nào bà cũng bắt con bà lái xe chở đến bãi rác với hy vọng tìm lại được khúc pate mặc dù con bà đã hết lời giải thích, rằng trước khi đưa ra bãi chôn lấp, rác đã được phân loại để tái chế. Nghe con nói vậy, bà điên tiết lên: "Tổ cha mày! Tái chế thì tái chế nhôm, nhựa, giấy, chứ pate thì tái cái gì. Chẳng lẽ nó hầm lại, bán cho mày ăn?".
Một phụ nữ sau khi mua vàng để dành ở thương xá Phước Lộc Thọ.
 
Một chuyện nữa: Vợ chồng ông Thạch, đều xấp xỉ 70 tuổi, sau nhiều chục năm tích cóp, ông bà mua được hơn 100 "ao" vàng. Sợ bị cướp, ông bọc trong túi nylon, dán băng keo rất cẩn thận rồi giấu trong bộ khung gầm của chiếc xe hơi hiệu Ford cũ kỹ, sản xuất năm 1980. Chiếc xe mà ông sắm được khi mới qua Mỹ.
Năm 2010, lúc ông bà về Việt Nam thăm thân nhân thì ở Mỹ, thằng con trai lớn - là kỹ sư ở Thung lũng Silicon - muốn dành cho cha mẹ một sự ngạc nhiên, nó kêu gara tới bán chiếc Ford với giá 300 "đô" rồi mua lại cho ông bà một chiếc Camry 3.0 mới cứng. Tới chừng trở về Mỹ, ông bà Thạch điếng người khi không còn nhìn thấy chiếc xe Ford trong nhà để xe. Lúc biết con trai đã bán chiếc xe với giá bèo, ông gào lên: "Con giết ba rồi. Con có biết trong xe ba giấu 112 "ao" vàng không". Thằng con mặt tái xanh: "Sao ba không nói trước".
 
Ngay lập tức, ông Thạch bắt con trai đưa ông tới gara, xin chuộc lại. Tay chủ gara người Mexico rất đỗi ngạc nhiên khi thấy ông Thạch đề nghị chuộc lại xe với giá 600 "đô". Và mặc dù ông Thạch đã giải thích, rằng "đây là chiếc xe kỷ niệm hồi vợ chồng mới cưới nhau, con ông không biết nên bán" nhưng với sự bén nhạy của một tay làm ăn, chủ gara đoán rằng trong xe có thể "có cái gì đó" đáng giá. Thế là hắn ta đặt điều kiện: "Xe này đã có người hỏi mua để bổ sung vào bộ sưu tập xe cổ. Họ trả tôi 1.500 "đô rồi". Bây giờ muốn chuộc, ông phải trả 1.800 "đô" để tôi bồi thường cho họ".
 
Đau như cắt nhưng ông Thạch vẫn phải bấm bụng móc ra 1.800 "đô" bởi lẽ thà mất 1.800, còn hơn là mất hơn 150 nghìn "đô" (tính theo giá vàng thời điểm bấy giờ).
3. Mua vàng để dành, nhưng không phải ai cũng kiếm được đủ tiền mua 1 "ao" rồi mới mua, mà nhiều người khi thấy có thể mua được 1 chỉ, là họ mua ngay, theo kiểu góp gió thành bão. Vì vậy, tất cả các tiệm vàng ở thương xá Phước Lộc Thọ đều mua bán bằng tiền mặt. Từ đó suy ra những người mua vàng là những người làm việc và lĩnh lương bằng tiền mặt.
 
Bà Phụng, 60 tuổi, làm nghề giữ trẻ cho mấy nhà hàng xóm, cứ hễ đủ tiền mua 1 chỉ là bà đón xe buýt xuống thương xá Phước Lộc Thọ, mua liền. Khác với mọi người, bà không giấu vàng mà bà may một cái túi nhỏ, cho vào trong rồi ngày cũng như đêm, bà đeo lủng lẳng trước bụng. Bà nói: "Mỗi khi cần chi xài cái gì đó, tôi lấy 1 "khoẻn" ra bán...".
Ông Dũng, nhà ở Pendleton, cách Westminster 50 dặm về phía nam thì trong bóp lúc nào cũng có 1 đồng "ao" vàng. Theo lời ông, đồng "ao" này hiện có giá khoảng 1.700 USD. Khi cần, ông có thể bán cho bất kỳ tiệm vàng nào, tiệm Việt cũng như tiệm Mỹ. Ông triết lý: "Nhà cháy, tiền cũng cháy nhưng vàng thì không. Bươi ra vẫn thấy vàng chảy thành cục".
 
Ông bà Long, đều đã trên 60 tuổi, qua Mỹ 27 năm thì vẫn luôn mong mỏi những năm tháng cuối đời, sẽ về sống luôn tại quê nhà ở Gò Vấp, Tp HCM. Để thực hiện ước mơ này, ông bà mua vàng. Bà Long cười nói: "Vợ chồng tui đã gởi về cho đứa cháu 50 cây, nhờ nó đặt cọc mua miếng đất trước. Tết năm nay, tụi tui sẽ về rồi tính chuyện cất nhà. Mấy đứa con nói nếu thiếu bao nhiêu, tụi nó cho".
 
Không chỉ mua vàng làm của để dành, nhiều người còn coi việc mua vàng là một cách đầu tư theo kiểu "lướt sóng". Ông Lâm, có cửa hàng buôn bán quần áo trong thương xá Phước Lộc Thọ, nói rằng: "Hàng ngày, tôi vẫn điện thoại cho một tiệm vàng quen để theo dõi giá. Nếu thấy xuống, tôi đặt mua 10 "ao" hoặc 20 "ao" rồi khi giá lên, tôi bán lại, kiếm lời".
Lướt sóng theo kiểu cò con nên số lời mà ông Lâm kiếm được cũng không nhiều, chỉ 200 hoặc 300 USD cho mỗi lần mua bán. Hỏi ông thanh toán bằng cách nào? Ông đáp: "Tôi đặt cọc trước cho tiệm vàng 2.000 USD. Mua xong, tôi kêu vợ tôi qua, nếu thiếu thì bù thêm nhưng tôi không mang vàng về mà để nguyên ở tiệm".
 
Cho tới nay, chưa ai thống kê được số vàng mà người Việt mua làm của để dành ở quận Cam là bao nhiêu, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi với những tiệm bán vàng ở thương xá Phước Lộc Thọ, thì có lẽ không dưới vài chục nghìn "ao". Ông Long cho biết: "Hầu hết người Việt lớn tuổi ở Mỹ thường rất ngại nếu người ta biết mình có nhiều tiền mặt vì nó liên quan đến trợ cấp tuổi già, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Thế nên, mua vàng để dành là chuyện hiển nhiên".
 
Ông Định, chủ tiệm vàng mà chúng tôi đề cập ở trên, tiết lộ rằng một khách hàng của ông, trong suốt 3 năm đã mua gần 1 nghìn "ao" để dành: "Ổng rất hay về Việt Nam làm từ thiện. Bữa nào ổng tới, tôi phôn cho các anh ra gặp ổng hỏi chuyện".
Thế mới biết, dù sống trên đất Mỹ nhưng bản tính cần cù, chịu khó và tiết kiệm của đa số người Việt vẫn không thay đổi. Bà Thạch, cười để lộ hàm răng đã rụng hết mấy chiếc: "Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn.
 
Ở Việt Nam, túng đói còn đi xin, đi vay mượn được chứ bên đây ai làm nấy ăn. Ngay cả con cái lúc thấy mình già, nhiều đứa còn đẩy cha mẹ vào nhà dưỡng lão cho rảnh nợ. Khi đó không có chút vàng phòng thân thì chắc chết…"

Gánh Hàng Hoa


  

Tác giả : Nhất Linh&Khái Hưng

 

Tác phẩm chọn lọc của nền Văn Học Việt Nam đầu thế kỷ XX

 

 














 

image

Saturday, November 23, 2013

Thư hỏi BS Đỗ Hồng Ngọc


 

 

Thư hỏi BS Đỗ Hồng Ngọc

 

 

  

Câu hỏi của Nguyệt Mai:

 

Kính thưa anh Đỗ Hồng Ngọc,

Hôm nay em lại có thêm những “thắc mắc” này. Mong anh, nếu được, chia sẻ với độc giả về một ngày của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Ở lứa tuổi “xưa nay hiếm” người ta thường hay nhắc đến “quỹ thời gian”, ráng thu xếp và làm những việc gì mình thích hoặc muốn thực hiện cho xong. Anh có như vậy không? Những công việc liên quan đến “nghề” và “nghiệp” mà anh đã làm / thực hiện khiến anh cảm thấy hài lòng, vinh dự. Và những sáng tác văn chương, nghệ thuật ưng ý nhất của anh.

 

Cám ơn anh.

 

Đỗ Hồng Ngọc trả lời:

Cảm ơn Nguyệt Mai đã khéo nhắc. Nhưng, câu trả lời là không. Hình như tôi không có ý niệm có một “quỹ thời gian” nào đó, bởi tôi không thể biết trước tôi có bao nhiêu, đã xài hết bao nhiêu, còn lại bao nhiêu để… lên kế hoạch. Bùi Giáng có câu  “Một đời lận đận đo rồi đếm / Mỏi gối người đi đứng lại ngồi” nhớ không? Tôi sống có vẻ hồn nhiên quá chăng? Lúc Mẹ tôi còn sống bà hay bảo tôi ngu hạng nhất, nhưng tôi cãi, chỉ dám ngu hạng nhì hay hạng ba thôi! Bà đành cười trừ!

 

“Xưa nay hiếm” là cái thời của Khổng Tử. Mới mấy hôm trước đây, tôi làm “em xi” (MC) cho một buổi “giao lưu” của những người cao tuổi, có bác sĩ-họa sĩ Dương Cẩm Chương, 103 tuổi, giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê, 93 tuổi; nhà giáo Đàm Lê Đức, 83 tuổi, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, 76 tuổi. Với họ, tôi hãy còn quá trẻ! Kinh nghiệm là khi mình có tuổi, nên thường xuyên gặp gỡ những người cao tuổi hơn để lúc nào mình cũng “quá trẻ” như vậy! Nhớ nhà văn Võ Hồng ở Nha Trang năm xưa kể vào năm tuổi 70 của ông, người ta làm một buổi họp mặt long trọng mừng thầy Võ Hồng, ai cũng phát biểu chúc mừng thầy “cổ lai hy”. Khi đứng lên đáp từ, ông trịnh trọng đưa tay sờ vào cổ mình và nói thất thập cổ lai hy, rồi lần tay xuống ngực lục thập ngực lai hy, ngũ thập bụng lai hy… và tứ thập… làm mọi người la hoảng và cười vỡ một trận!

 

Lâu lâu gặp bạn cũ tôi giật mình thấy bạn già quá, da mồi tóc bạc,  nhăn nhúm trong khi tôi… vẫn như xưa! Dĩ nhiên, lúc đó bạn cũng thấy tôi già quá, da mồi tóc bạc, nhăn nhúm trong khi bạn vẫn như xưa. Thì ra, đó là một diễm phúc của cuộc sống! Không ai ngờ mình già cả. Nguyên Sa bảo “người ta chỉ có thể đo đếm được tuổi mình qua ánh mắt cố nhân”. Mà lạ, khi gặp  lại “cố nhân”, bạn bè hồi niên thiếu, ôn lại chuyện xưa một lát, bỗng thấy mình nhỏ xíu lại, như không hề có thời gian. Mà thật, không hề có thời gian. Cái đồng hồ, cái ngày tháng nọ kia, chẳng qua là những giả định, vui thôi! Khi tôi viết những dòng này, thì tôi đang ở giữa trưa ngày thứ bảy trong khi bạn đang ở nửa khuya ngày thứ sáu!  

 

Cho nên Phật dạy: đừng bám vào ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì mới “thoát” được. Thế nhưng, tuổi già sinh học thì có.  Một lần nọ, một chị còn khá trẻ bồng đứa bé đến tôi khám bệnh. Đứa bé la khóc om sòm, chị dỗ: “Nín đi, nín cho ông ngoại khám con!”. Thì ra tôi đã đến ông ngoại rồi mà không hay. Tôi hỏi theo thói quen: Chị là gì của cháu? “Dạ, bà ngoại”. Chị trả lời ngon ơ. Rồi bỗng đâm ra bẽn lẽn. Tôi vội đánh trống lãng! Nhưng chuyện đó xưa rồi, hai mươi năm trước rồi. Mới đây, tôi gặp lại một người quen cũ quê nhà, hơn nửa thế kỷ chưa gặp. Nàng nhắc từ chuyện đi câu cá, hái chùm ruột đến trèo động cát như mới ngày nào. Đột nhiên nàng nói bây giờ em đã có cháu gọi bằng bà Cố!

 

Tôi nhớ Trịnh Công Sơn viết: “Về thu xếp lại/ Ngày trong nếp ngày/ Vội vàng thêm những lúc yêu người…Cuồng phong cánh mỏi/…”  mà tôi đã trích dẫn trong cuốn Gió heo may đã về (1997),  nhưng khi gởi tặng cho anh bạn nhạc sĩ Miên Đức Thắng lúc đó đang ở Đức, anh phone phản đối: làm gì có chuyện vội vàng thêm những lúc yêu người! Tôi hiểu, anh vẫn đang còn rất… ung dung, từ tốn kia mà! Phần tôi,  đôi khi cũng thấy mình cần về thu xếp lại/ ngày trong nếp ngày mà… không dễ. Bừa bãi quen rồi. Lười biếng quen rồi. Xung quanh chỗ ngồi là một chồng sách ngổn ngang, cao nghệu,  rất mất trật tự, nhưng có ai lỡ tử tế sắp xếp lại thế nào tôi cũng la toáng lên! Mất trật tự mà tôi biết cái nào nằm ở đâu!

 

Còn  “làm những việc mình thích” ư? Đương nhiên rồi. Nhân sinh quý thích chí. Không cần phải đợi “cổ lai hy” mới vậy. Phải làm những việc mình thích ngay bây giờ đi! Bởi già dẫn tới già cả, già khú đế mau lắm đó! Dịp này xin gởi các bạn bài “Già sao cho sướng” đọc vui nhé.

 

Thân mến,

 

Già sao cho sướng

 

chonggia-11909 

 

Già thì khổ, ai cũng biết. Sanh bệnh lão tử! Nhưng già vẫn có thể sướng. Muốn sống lâu thì phải già chớ sao! Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Nhiều người chối từ già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi, như trái chín cây ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè thì coi hổng được.

 

Mỗi ngày nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những món tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác… mà không khỏi tức cười! Quan sát nhìn ngắm mình như vậy, ta mới hiểu hai chữ “xồng xộc” của Hồ Xuân Hương:

 

“Chơi xuân kẻo hết xuân đi.
Cái già xồng xộc nó thì theo sau!” .

 

Có lẽ nữ sĩ lúc đó mới vào lứa tuổi 40! Thời ta bây giờ, 40 tuổi lại là tuổi đẹp nhất. Phải đợi đến 80 mới gọi là hơi già. Trong tương lai, khi người ta sống đến 160 tuổi thì 80 lại là tuổi đẹp nhất! Tuy vậy, thực tế, già thì khó mà sướng. Con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn. Khổ dễ nhận ra còn sướng thì khó biết! Một người luôn thấy mình… sướng thì không khéo người ta nghi ngờ hắn có vấn đề… tâm thần! Nói chung, người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết được sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”:


* Một là thiếu bạn!
Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình! Quay quắt, căng thẳng, tủi thân. Lúc nào cũng đang như:

 

“Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…!”
(Thế Lữ).

 

Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Gặp đựơc bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được!

 

Elderly man in traditional Chinese clothing, barefoot, using laptop 

 

Để giải quyết chuyện này, ở một số nước tiên tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những người già cùng sở thích, cùng tánh khí, có dịp làm quen với nhau. Người già tự giới thiệu mình và nêu “tiêu chuẩn” người bạn mình muốn làm quen. Nhà tư vấn sẽ “matching” để tìm ra kết quả và làm… môi giới…Dĩ nhiên môi giới cho họ kết bạn. Còn sau này họ thấy tâm đầu ý hợp tiến tới hôn nhân (nếu còn độc thân) thì họ ráng chịu! Đó là chuyện riêng của họ. Ngày trước, Uy Viễn tướng công mà còn phải than:

 

Tao ở nhà tao tao nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi bảo rằng không đến
Đến thì mi hỏi đến làm chi
Làm chi tao có làm chi đựơc
Làm được tao làm đã lắm khi…

 Nguyễn Công Trứ

 

Rồi họ dạy người già học vi tính để có thể “chat”, “meo” với nhau chia sẻ tâm tình, giải tỏa stress… Thỉnh thoảng tổ chức cho các cụ họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, dòm ngó, khen ngợi hoặc… chê bai lẫn nhau. Khen ngợi chê bai gì đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp cãi nhau là sướng rồi. Các tế bào não sẽ đựơc kích thích, được hoạt hóa, sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận sẽ hăng lên, làm việc năng nổ, tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, hơi thở trở nên sảng khoái, rồi tuyến sinh dục tạo ra DHEA (dehydroepiandosterone), một kích thích tố làm cho người ta trẻ lại, trẻ không ngờ!

 

…Dĩ nhiên phải chọn một nơi có không khí trong lành. Hoa cỏ thiên nhiên. Thức ăn theo yêu cầu. Gợi nhớ những kỷ niệm xưa… Rồi dạy các cụ vẽ tranh, làm thơ, nắn tượng… Tổ chức triển lãm cho các cụ. Rồi trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Các cụ dư sức viết kịch bản và đạo diễn. Coi văn nghệ không sướng bằng làm … văn nghệ!

 

20120309-104522-1-2e0giaot4

 

* Cái thiếu thứ hai là thiếu… ăn !
Thực vậy. Ăn không phải là tọng là nuốt là xực là ngấu nghiến …cho nhiều thức ăn! Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm! Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn thì nuốt sao trôi? Nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Một người trồng chuối ngược vẫn có thể nuốt được dễ dàng! Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt bị cắt đứt! Nhưng các cụ thiếu ăn, thiếu năng lựơng phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho họ sợ thêm! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử:

 

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên…”
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền…)

Trần Nhân Tông

 

“Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa ! Chuyện của ngàn năm, đâu phải một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn…kỳ cục, không sao. Đừng ép! Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau…Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm bồ hóc, tương chao… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt…là được. Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể đựơc. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ! Cũng cần có sự hào hứng, sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn. Con cháu hiếu thảo phải biết … giành ăn với các cụ. Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử.

 

* Cái thiếu thứ ba là thiếu vận động !
Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng, giòn, dễ vỡ, dễ gãy…! Ấy cũng bởi cả một thời trai trẻ đã “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” (TCS)! Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, lâm bệnh thêm. Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Ngày xưa người ta săn bắn, hái lượm, đánh cá, làm ruộng, làm rẫy… lao động suốt ngày. Bây giờ chỉ ngồi quanh quẩn trước TV!. Có một nguyên tắc “Use it or lose it!” . Cái gì không xài thì teo! Thời đại bây giờ người ta xài cái đầu nhiều quá, nên “đầu thì to mà đít thì teo”. Thật đáng tiếc!

 

Không cần đi đâu xa. Có thể tập trong nhà. Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu thang ngày mươi bận rất tốt. Đi vòng vòng trong phòng cũng được. Đừng có ráng lập “thành tích” làm gì! Tập cho mình thôi.. Từ từ và đều đều… Đến lúc nào thấy ghiền, bỏ tập một buổi … chịu hổng nổi là được! Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng… kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh… ! Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại. Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ…Tóm lại, giải quyết đựơc “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng vậy!

 

Đỗ Hồng Ngọc

 

 

TẠ ƠN


 

 

 

 

TẠ ƠN

Nguyễn Văn Thông

 

Đi trên một cây cầu bắt qua một dòng sông hay một cửa vịnh, nhìn xuống thấy mước mênh-mông, nhìn lên thấy trời bát-ngát, tôi thầm cảm-ơn và cảm-phục người kỹ-sư và những công-nhân đã xây-dựng cây cầu này. Không có cây cầu, làm sao tôi có thể đi qua bên kia bờ trong ít phút và qua một cách an-toàn. Vài trăm năm trước, máy-móc thô-sơ mà làm sao đầu-óc con người đã giải-quyết được biết bao vấn-nạn, khắc-phục được bao nhiêu khó-khăn để hoàn-thành một công-trình cho hàng trăm năm sau vẫn sử-dụng. Tuyệt-vời.

Nhưng quanh tôi đâu phải chỉ có những cây cầu. Dinh-thự, xe-cộ, máy bay, tầu-bè rồi máy vi-tính, phôn tay... Y-khoa đang áp-dụng người máy để giải-phẫu - gọn nhẹ, chính-xác và mau lành. An-ninh quốc-phòng đang sử-dụng máy bay không người và những côn-trùng máy để thu-thập tin-tức an-ninh và làm những công-tác nguy-hiểm thay người. Nếu tôi thấy những công-trình ấy không dính nhiều đến mình thì một trong những công-trình bị che khuất nhất và có vẻ không được hưởng vinh-dự lắm dù là nó dính đến tôi hàng ngày là hệ-thống nước thải phải làm cho tôi biết quí-trọng nó. Những thành-phố hàng triệu dân-cư, nhà cửa, công sở trải khắp đồng-bằng, thung-lũng, đồi nhấp-nhô mà khang-trang sạch-sẽ, không-khí trong lành thì hệ-thống nước thoát vệ-sinh phải tinh-vi chừng nào.

Tôi được thừa hưởng biết bao công-trình của người xưa và người nay. Đôi khi tôi than việc mình phải đóng thuế, nhưng xét ra nếu không có những công-trình của xã-hội quanh tôi thì bao-nhiêu tiền thuế của tôi đóng mới đủ cho một công-trình. Các ông Bill Gates, Steve Jobs ... tạo cho tôi chiếc vi-tính và chiếc phôn có thể gói trọn thế-giới trong lòng bàn tay, không những về không-gian mà cả thời-gian. Giá tôi có thể đãi mấy ông ấy một bữa cơm Việt Nam để bày-tỏ lòng biết ơn nhỉ!

Mà như thế thì tại sao tôi không đãi người kỹ-sư, người thợ làm cầu, sửa xe, bắt ống nước, thu rác... vì mỗi người ấy đều đóng-góp làm nên những điều tốt-đẹp xung-quanh tôi. Quả thế, được sinh ra và lớn lên trong xã-hội và thế-giới này, tôi cần ý-thức về những gì ở quanh tôi, tôi không thể không biết ơn.

Từ lòng biết ơn ấy, tôi thấy mình có bổn-phận phải trả ơn bằng sự đóng-góp phần mình. Có thể tôi không  có tài-năng để làm chuyện lớn nhưng tôi có thể là một công-nhân chăm-chỉ và lương-thiện trong việc nhỏ. Đoạn đường do tôi làm một cách chu-đáo, không mấp-mô, không ổ gà là tôi đã đóng-góp làm cho dòng lưu-thông được an-toàn hơn, xã-hội này tốt hơn.

Cùng môt hành-vi xây-dựng ấy, nếu tôi sống một mình không có xã-hội, công-việc ấy của tôi chẳng giúp-ích được cho ai, và cũng không chuyên-chở được lòng biết ơn. Nhưng một mối hàn trong ổ máy vi-tính xem ra đơn-giản và đơn-điệu suốt tám giờ của một người thợ làm việc dây chuyền lại có tác-động đến hàng trăm công-việc khác, xây-dựng hàng triệu những đồ-án và công-trình. Nó chuyên-chở biết bao giá-trị trong xã-hội. 

Không phải chỉ những người "thợ" mới bày-tỏ lòng biết ơn. Những bậc "thầy" còn có lòng biết ơn tuyệt-vời. Hàng trăm tỉ-phú đứng đầu thế-giới như Bill Gate, Warren Buffet... đã lập hội để cùng nhau đóng-góp phần lớn gia-tài của họ cho từ-thiện, nghiên-cứu y-học, phát học bổng cho học-sinh nghèo khắp thế-giới. Nhiều tỉ-phú chỉ để dành đủ tiền ăn học lại cho con-cái để chúng cũng phải cố-gắng làm việc. Họ trả lại cho xã-hội những gì họ đã tạo được vì cho rằng nhờ xã-hội mà họ đã thành-công. Không thiếu người tin rằng tài-năng họ có là để phục-vụ. Họ tin rằng họ được ơn trên ban cho ơn gọi để phục-vụ.

Thì ra lòng biết ơn và sự phục-vụ tác-động hỗ-tương cho nhau. Được thừa-hưởng thì tôi cần phải phục-vụ. Phục-vụ mang lại lòng biết ơn.Tài-năng lớn cũng quí mà tác-động nhỏ cũng cần.

Lễ Tạ Ơn năm nay, tôi cảm-tạ Chúa cho tôi được làm người trong một xã-hội tương-thân tương-trợ. Dù ở bậc thang nào trong xã-hội tôi cũng hãnh-diện vì tôi cảm-nhận được ơn và muốn tạ-ơn bằng phục-vụ trong công-việc của mình.***

Nguyễn Văn Thông

 


 

MẸ VỢ


on behalf of; NGUYỄN VÂN TÙNG [
 

 

MẸ VỢ

 

Mẹ vợ là một nhân tố không thể thiếu và không thể không đề phòng trong hôn nhân. Nhiều cặp vợ chồng đã tan vỡ, hoặc hạnh phúc vì mẹ vợ. Ở mỗi quốc gia, mẹ vợ lại có một biệt danh và nỗi sợ hãi khác nhau.

Xin thống kê để các ông chồng tham khảo:

 

Mỹ: Dân Mỹ gọi mẹ vợ là “luật sư”. Nghĩa là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mẹ vợ cũng tìm ra lý lẽ bênh vực cho con gái mình. Luật sư này cũng tính tiền công nhưng luôn luôn do con rể trả.

Tại sao các tổng thống Mỹ phần lớn đều tốt nghiệp trường luật? Tại vì họ muốn đấu tranh với mẹ vợ trước khi đấu tranh cho xã hội.

Pháp: Gọi mẹ vợ là quan tòa. Tất cả những phán quyết của quan tòa luôn luôn cần chấp hành, nhưng quan tòa có thể hối lộ được, đấy là chân lý đàn ông Pháp thuộc lòng.

 

Anh:

Dân Anh gọi mẹ vợ là “nữ bá tước” - danh hiệu có từ lâu đời, đáng kính nhưng không nhất thiết phải hỏi ý kiến trong nhiều vấn đề. “Nữ bá tước” có giá trị biểu tượng nhiều hơn giá trị thực, nhưng chớ quá coi thường. Các mẹ vợ Anh bằng lòng với danh hiệu này, bởi đối tượng của họ là bố vợ chứ không phải con rể.

Đức: Dân Đức gọi mẹ vợ là “sếp”. Sếp là nhân vật cấp trên bổ xuống đầu ta chứ chả cần hỏi ý kiến ta. Sếp có thể bất công, sếp có thể vui vẻ và sếp có thể công bằng nhưng không sếp nào muốn mất chức và không sếp nào muốn nhân viên lên làm sếp. 

Trung Quốc: Dân Trung quốc gọi mẹ vợ là “ma ma tổng quản” ý nói đây là một bà già thiên về quản lý chứ không thiên về văn hóa văn nghệ. Bà ấy rất khó khăn trong ngân sách, trong nội quy, trong giờ giấc nhưng lại thiếu hiểu biết về tâm hồn. Đáng sợ là các “ma ma tổng quản” đã ly dị chồng vì khi đó họ sẽ dồn sức cho công việc và khó tính hơn.

 

Ý: Dân Ý gọi mẹ vợ là “cảnh sát”. Chả ai thấy cảnh sát khi thường, nhưng có sự cố xảy ra họ tới rất nhanh và thường rút súng đầu tiên. Nhưng cảnh sát không bao giờ bắt được hết tội phạm. và việc cảnh sát thỉnh thoảng liên kết với tội phạm cũng xảy ra.
Tuy nhiên, cảnh sát tới bao giờ cũng hú còi, còn mẹ vợ có thể tới trong im lặng.


Tây Ban Nha: Người dân Tây Ban Nha gọi mẹ vợ là “thám tử”. Thám tử hoạt động âm thầm, không ra mặt điều tra công khai. Thám tử không phải lúc nào cũng dùng những nghiệp vụ hợp pháp. Nhưng thám tử cũng có thể dùng tới bạo lực.

 

Đan Mạch: Dân Đan Mạch gọi mẹ vợ là “lính gác”. Lính gác luôn có hai chức năng: khám xét người bên ngoài vào và khám xét người từ trong ra. Lính gác cũng hay ngủ gật và hay mang súng mà không có đạn. Tâm trạng của lính gác là cô đơn và ghét kẻ khác không cô đơn.

Thụy Điển: Người Thụy Điển gọi mẹ vợ là “giáo sư”. Một số thứ giáo sư có kiến thức cực kỳ sâu sắc, nhưng rất nhiều thứ giáo sư chả biết gì. Các giáo sư luôn tỏ ra đường bệ và luôn luôn cần có học trò. Giáo sư sống thanh đạm cho nên không hiểu được khi kẻ khác sống phong phú. Muốn được giáo sư cho điểm cao, đôi lúc chỉ cần học thuộc lòng.

Na Uy: Dân Na Uy gọi mẹ vợ là “cá voi”. Cá voi to lớn, hiền lành và hay cứu người. Nhưng nếu cần cá voi sẽ nuốt cá mập.

 

Việt Nam: Người Việt Nam gọi mẹ vợ đơn giản là mẹ vợ. Mỗi ông chồng có cách cư xử với mẹ vợ tùy vào hiểu biết và lòng dũng cảm.

Mời bà con Xóm Lá góp thêm ý kiến về mẹ vợ Việt Nam nha.

Chúc mọi người tuần mới vui vẻ, may mắn.

 

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List