Xin gửi đến quý Thân hữu lời chúc Giáng sinh bằng
tấm thiệp 45 năm trước
của Tổng thống Nguyễn văn Thiệu gửi các Chiến sĩ
Đồng minh.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Từ Lễ Tạ Ơn Đến Lễ Giáng Sinh 2015
Giao Chỉ San Jose
Cảm ơn nước Mỹ,
Dân Sinh Media của anh Phạm
Phú Nam năm 2016 sẽ chuyển qua một giai đoạn mới. Chúng
tôi dự trù sẽ ra mắt nhiều tác phẩm DVD phim tài liệu từ cuối năm
2015 qua 2016. Một loạt phim cho thế hệ tương lai. Chuyện quá khứ, hiện tại và
tương lai của cộng đồng Việt bằng hình ảnh và Anh ngữ. Nói tiếng Mỹ sẽ có phụ để
Việt Ngữ. Chỗ nào nói tiếng Việt thì phụ đề Anh ngữ.
Cuốn phim đầu tiên qua bản
thảo đã chiếu thử vào chủ nhật vừa qua. Ngay tại hội trường Santa
Clara County lúc 10 giờ sáng chủ nhật 20 tháng 12-2015.
Sáng sớm chủ nhật trời lạnh. TV báo tin có mưa. Dù thông báo cũng không rộng
rãi, nhưng may thay bà con đến ngồi kín cả hội trường.
Khai mạc đúng giờ và các
em nhỏ của Thái Bình nhạc viện đã làm quan khách rất ngạc nhiên với những màn đồng
ca vô cùng xuất sắc. Các em bé từ 6 đến 15 tuổi hát luôn một loạt quốc ca Hoa Kỳ,
quốc ca VNCH, chiến sĩ vô danh và God Bless America .
Tiếp theo là đến phần chiếu
phim. Phim này mở đầu cho một loạt phim song ngữ có danh hiệu là Thank you America .
Buổi chiều phim được coi là thành công trong ân tình của khán giả và sự đồng
thuận của đề tài. Tuy vậy cũng vẫn có thân hữu xa gần hỏi rằng thực sự chúng ta
có cần phải cảm ơn nước Mỹ hay không? Câu chuyện chúng tôi sẽ kể hầu quý vị dưới
đây trong mùa giáng sinh năm nay xin được phép trả lời. Nhưng phải tạm ngừng
ở đây để báo cáo chuyện cuối năm. Có hai tin tức cần được chia xẻ với bà
con.
Chuyện
Homeless
Cũng như nhiều
đô thị đông dân trên thế giới, San Jose có vấn đề với dân
không nhà. Chủ trương của thành phố đầu năm 2015 là giải tỏa nhiều khu vực
homeless vì lý do vệ sinh, cần sa, ma túy. Nhưng mùa đông trở về San
Jose lại phải chấp thuận cho khách homeless cắm trại ở 7 khu
quanh thành phố. Nhiều hội đoàn Mỹ Việt, các nhà thờ vẫn lên chương trình dọn
ăn cho homeless tại các trung tâm.
Chương trình
thực đơn thân ái do cơ quan IRCC chúng tôi bắt đầu từ đầu năm 1992 tính đến
2016 là vừa đúng 24 năm. Nếu quý vị động lòng từ thiện vào mùa đông tháng giá mới
tham dự, điều đó cũng rất quý. Tuy nhiên nếu tình nguyện hàng tháng, quanh năm
kéo dài trên 20 năm thì quả thực cũng là thời gian công tác đáng kể. Tháng 10 vừa
qua hội Ái Hữu Petrus Ký lên phiên . Tháng 12 này đến lượt hội nữ quân nhân
QLVNCH và qua tháng 1-2016 là quý vị của gia tộc họ Vũ đảm trách.
Quý vị nào
muốn đóng góp xin gửi chi phiếu về IRCC/Homeless 3017 Oakbridge
Dr. San Jose CA 95121 . Đoàn thể
nào muốn nhận công tác từ tháng 2-2016 xin liên lạc về cho Ông Đức Quyền (408)
912 3477. Yểm trợ cho chương trình Homeless của IRCC là công tác thiết thực nhất
nói lên lời Cảm Ơn Nước MỸ.
Nghĩa Trang
Biên Hòa.
Trong những
ngày gần đây, quý vị đã nghe tin 2 chính phủ Mỹ và Việt Nam bàn đến việc trùng
tu và bảo toàn Nghĩa Trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tại Biên Hòa trước đây,
nay là Nghĩa trang Nhân dân Bình An. Thực ra đây mới chỉ là sự vận động của các
giới chức dân cử và bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Trên thực tế, mặc dù hoang phế điêu
tàn nhưng suốt 40 năm qua Nghĩa trang Biên Hòa vẫn còn tồn tại phần lớn tại khu
chôn cất 16 ngàn tu sĩ.
Sở dĩ vẫn
còn tồn tại là nhờ các thân nhân, chiến hữu từ Việt Nam
và từ các nước trở về tảo mộ dưới hình thức không chính thức. Chúng tôi hiện có
đầy đủ tin tức chính xác và cụ thể để tổng hợp thành tài liệu sẽ phổ biến.
Riêng lần này chỉ có thể tóm tắt kể từ khi cơ quan IRCC phát động phong trào tảo
mộ nghĩa trang từ đầu năm 1993 cho đến nay đã trải qua 23 năm dài. Sự tiếp tay
hưởng ứng của bà con, của chiến hữu và của các tổ chức , các nhóm tình nguyện từ
Pháp, Úc , Canada và đặc biệt là Mỹ quốc đã làm
nên lịch sử.
Bây giờ hồ
sơ Nghĩa trang đã có tại bộ ngoại giao Mỹ, tại bộ quốc phòng, tại tòa đại sứ Mỹ
tại Hà Nội và tòa lãnh sự tại Sài Gòn. Vì vậy sự tồn tại và bảo toàn trong
tương lai của nghĩa trang sẽ là sự thực. Sau cùng là câu chuyện nhà.
Đám tang của
cậu em.
Trưa ngày thứ
ba 22 tháng 12 năm 2015, gia đình chúng tôi tiễn đưa cậu em về nơi vĩnh cửu.
Xin kể chuyện nhà nhưng cũng là dịp để bà con biết thêm kinh nghiệm về chuyện tử
sinh. Cá nhân chúng tôi đã từng có dịp đưa tiễn biết bao nhiêu bà con, chiến hữu
trong 40 năm qua tại Hoa Kỳ. Có lần lễ tang kéo dài 3 hay 4 ngày cuối tuần. Nhiều
đoàn thể thăm viếng. Các lễ nghi tôn giáo thay phiên. Quan khách xa gần vô cùng
đông đảo. Cáo phó chia buồn trên Radio, TV, báo chí tràn ngập giới truyền thông
và sau cùng nghi lễ tiễn đưa long trọng. Lần nầy tang gia chúng tôi tổ chức đơn
giản. Xin kể để bà con trong cảnh nhà đơn chiếc biết thêm tin tức. Chuyện như
thế này.
Tuần trước
cô em gái tôi gọi cho anh. Chú Hoàn đi rồi. Tôi hỏi cô tính sao? Cô em tôi là
người săn sóc cho chú em chồng bị tâm thần suốt 35 năm ở Mỹ, bây giờ là chuyến
ra đi sau cùng. Cô nói là không thể để chú Hoàn ra đi như người chết vô thừa nhận.
Nếu gia đình không nhận thì sở xã hội sẽ lo hết. Họ sẽ thiêu chung hay thiêu
riêng rồi tro tàn đem đi đâu chẳng ai biết. Cô cán sự nói rằng nếu gia đình nhận
đứng ra thì có nhà quàn đường số 2, San Jose sẽ đảm trách
mọi chuyện. Nếu không cần chỗ quàn để thăm viếng. Chỉ đơn giản đem thiêu riêng
có thân nhân chứng kiến thì phải trả chi phí là $3000. Sau đó tro tàn sẽ đưa về
nghĩa trang tại Santa Clara City . Tôi tán
thành với cô em và hai anh em sẽ đến cùng cô cán sự xã hội gặp nhà quàn đường số
2 San Jose để cùng thu xếp.
Tiểu sử người
ra đi:
Dù hoàn cảnh
ra sao, con người ta ai mà chẳng có tiểu sử. Cậu em chúng tôi tên là Nguyễn Văn
Hoàn sinh ngày 5 tháng 12 năm 1944 tại Thái Nguyên. Chú Hoàn là em ruột của chú
Nguyễn Văn Nhạc. Thiếu tá Nhạc là sĩ quan Đà Lạt khóa 16 lập gia đình với em
gái của chúng tôi.
Hoàn gốc miền
Trung những sinh ra tại Thái Nguyên khi ông già làm công chức trên miền thượng
du. Cả gia đình di cư vào Nam 1954. Chú Hoàn thông minh,
học giỏi đỗ tú tài toàn phần 1964, tốt nghiệp kỹ sư canh nông tại trường Nông
Lâm Súc 1968. Được đưa về bộ canh nông thời VNCH. Sau trận Tết Mậu Thân, tổng động
viên Hoàn vào Thủ Đức 1969.
Ra trường vì
gốc nông nghiệp nên được thuyên chuyển về cục Quân Nhu.Thời đó quân đội đã có kế
hoạch tính đến tương lai, một mai hòa bình sẽ đưa toàn quân ra làm ruộng nên
chuẩn bị chương trình Nông Mục quân đội. Chuẩn úy Nguyễn Văn Hoàn bắt đầu phụ
trách nông mục nuôi gà nuôi heo và nghiên cứu các thức ăn cho gia súc. Trải qua
5 năm binh nghiệp từ chuẩn úy thăng cấp thiếu úy rồi trung úy nhưng trước sau
Hoàn vẫn là một sỹ quan hết sức hiền lành.
Qua năm 74
theo nhu cầu, bộ canh nông xin cho trung úy Hoàn biệt phái ngoại ngạch trở về
công chức, bổ nhiệm xuống Bạc Liêu làm phụ tá ngân hàng nông nghiệp.
Ngày 30
tháng tư 75 khi vị tư lệnh quân đoàn tự vẫn thì các nhân viên ngân hàng di tản
hết, chỉ còn anh trung úy quân nhu biệt phái ngồi giữ cơ quan. Cộng sản vào bắt
trung úy Hoàn đi tù cải tạo ba năm. Một hôm vào rừng đốn cây, bị tai nạn cây đổ
vào đầu, anh tù độc thân hiền lành nhất của trại trở thành bệnh tâm thần. Nhờ
lúc tỉnh lúc điên nên Hoàn được tha về. Mẹ già tưởng rằng tương lai tươi sáng
nhờ con làm chức quan trọng ở ngân hàng, bỗng một sáng một chiều trở thành anh
tù tâm thần chẳng còn làm được chuyện gì. Hy vọng gửi con đi Mỹ may ra chữa được
bệnh điên, trung úy Hoàn được đi vượt biên năm 1979. Bà mẹ thu xếp mọi chuyện
nhưng không ngờ chuyến tàu đưa con vào chốn hãi hùng.
Con tàu vượt
biên bị hải tặc, câu chuyện này đã cùng chung với biết bao nhiêu con tàu bi thảm
xảy ra vào năm 79. Đàn bà con gái bị hãm hiếp. Đàn ông con trai bị chém giết
đánh đập. Nguyễn văn Hoàn vốn bệnh tâm thần lẩm nhẩm với hải tặc Thái lan lại bị
đánh thêm một trận trở thành điên luôn. Nhưng vẫn may mắn thoát chết vào được
Songkhla Thái Lan.
Sau cùng được
vợ chồng cô em tôi lập hồ sơ đoàn tụ vào Mỹ. Đó là năm 1980. Nước Mỹ nhân đạo
đã mở rộng vòng tay đón cậu em chúng tôi vốn thân thể tiều tụy, đầu óc không giống
ai. Vậy mà không biết làm sao phỏng vấn với phái đoàn Mỹ vẫn đậu. Có thể là bệnh
tâm thần nhưng trung úy Hoàn thông suốt lịch sử Hoa Kỳ. Năm 80 nhất định đòi
vào Mỹ gặp tổng thống
Carter.
Phi cơ đến
phi trường Travis, gia đình cô em chúng tôi đón được cậu Hoàn, đâu có biết rằng
sẽ phải lo cho một người điên hơn 35 năm tiếp theo. Gia đình cô em có hai vợ chồng
và 2 con gái. Cũng chẳng giàu có gì và đời sống ở Mỹ biết bao nhiêu chuyện phức
tạp. Chú Hoàn thì tiền già chưa có, tiền bệnh chưa khai được. Mỗi lần vào khai
xin tiền bệnh, trung úy Hoàn giải thích chuyện chính trị Hoa Kỳ bằng tiếng Mỹ
con ngang ngửa với worker Việt Nam, làm sao mà cho ăn tiền bệnh được. Hạnh phúc
đến được là sau nhiều ngày tháng, bệnh lại nặng dần và county lúc
đó mới nhận ra là anh chàng điên thật. Dù có tiền bệnh nhưng bệnh nhân tâm thần
không thể tìm được chỗ share phòng. Gia đình cô em vất vả suốt 20 năm mới
tìm được chỗ ổn định từ khi cậu Hoàn tưởng chết trong nhà thương lại được chuyển
qua nursing home.
Như vậy 15
năm sau cùng của cuộc đời, chú Hoan đã được tất cả các phương tiện y khoa Hoa Kỳ
săn sóc chu đáo. Cơm bưng nước rót. Cái Nursing home này ở Campbell
chỉ có một mình chú là người Việt Nam . Cả ngày Trung úy
Hoàn nói anh ngữ lưu loát nhưng chẳng ai hiểu chú nói gì. Tháng nào chú cũng gọi
tel cho anh Lộc báo cáo là có gặp các tướng lãnh và tổng thống Hoa Kỳ. Nói anh
phải vào ngay trong này, em đã thu xếp văn phòng cho anh. Anh phải gặp Đại tá Cục
Trưởng Quân Nhu Nguyễn Tử Đóa mua thêm thức ăn cho gà Nhật Bản. Em đã viết xong
chương trình cho quân đội tự túc tự cường. Mình không cần Mỹ. Anh Lộc vào đây lấy
ngay tài liệu để trình cho tướng Khuyên.
Một lần khác
chú Hoàn kêu khẩn cấp cho biết trong này toàn Việt Cộng mặc đồ trắng. Anh phải
đưa biệt kích dù mặc đồ ngụy trang vào giải tỏa. Tình trạng không thể trì hoãn.
Nguồn tin A1.
Những chuyện
như vậy cứ kéo dài suốt 35 năm. Tin khẩn cấp sau cùng cô em tôi gọi đến là chú
Hoàn đi rồi. Trước khi đi chú đã viết xong tất cả các chương trình xây dựng đất
nước. Chú không nói rõ cấp bậc sau cùng ra sao. Chú còn nói là cần báo ngay cho
Obama phải cẩn thận. Con người suốt ngày giao thiệp với Clinton
và Obama nhưng quanh vùng San Jose trải qua 3 thập niên,
Chú không hề có một người bạn.
Ngày thứ
sáu, anh em chúng tôi đến gặp bà Quản trị viên nhà quàn đường số 2. Có cô Cán sự
Việt Nam qua Mỹ từ năm 3 tuổi cùng ngồi để thu xếp việc
tang gia. Cô em tôi đã chuẩn bị sẵn 3 ngàn để đóng tiền. Nhưng cô Cán sự nói là
gia đình không phải đóng. Mỗi tháng nằm đây chính phủ phải trả cho chú Hoàn năm
bảy ngàn cả tiền phòng và thuốc men bác sĩ. Ngoài ra chú còn được cấp tiền túi.
Nhưng mấy
năm nay chú Hoàn không mua thức ăn ngoài, không hút thuốc lá, không mua quần áo
sách báo nên cô Cán sự mở cho chú chương mục tiết kiệm. Đủ tiền rồi. Cô em tôi
đành phải cất tiền đi và nói rằng Cảm ơn nước Mỹ. Tôi hỏi thêm vậy thì xác của
chú Hoàn bây giờ ở đâu. Bà Sue của nhà quàn nói là ngay khi được báo thì chúng
tôi lấy xe Mercedes chở chú từ Nursing home về đây. Tôi xin cho nhận diện chú
em.
Bà ta nói để
chuẩn bị 2 phút. Tôi theo ra phía sau. Từ kho lạnh người ta đẩy di hài chú em
cho anh xem mặt. Trung úy Hoàn ốm yếu, hốc hác nhưng đúng là chú Hoàn. Nằm yên
lặng hết sức bình yên. Chú đã trải qua biết bao thăng trầm lịch sử. Từ sinh
quán Thái Nguyên, qua đất Huế, vào Sài Gòn. Kỹ sư Nông Khoa, trường Cao Đẳng
Nông Lâm Súc. Động viên vào Thủ Đức chỉ nuôi gà nuôi heo quân nhu mà lên trung
úy. Được chính phủ tín nhiệm giao làm phó giám đốc ngân hàng cho nông dân Bạc
Liêu vay tiền làm ruộng. Ngồi gác kho bạc chờ đến ngày mất nước để đi vác cây
mà thành tù điên.
Vượt biên
không sợ hải tặc nên bị đánh trở thành khùng. Chữ nghĩa quá nhiều trong đầu nên
phải học 18 năm mới trở thành công dân tâm thần của nước Mỹ. Bây giờ chú nằm
đây mà vẫn có đủ tiền trong chương mục ngân hàng để trả nợ cho chuyến đi vào
cõi vô cùng.
Trung úy
Hoàn ra đi không có cáo phó phân ưu trên báo. Không một vòng hoa chia buồn.
Trưa ngày thứ ba, gia đình anh em chúng tôi tổng cộng chỉ có 8 người, thêm hai
ông bạn của chú Nhạc thuộc khóa 16 Đà Lạt vừa đủ 10 người. Có mặt tại nhà thiêu
của thành phố Fremont
Đúng 12 giờ,
vẫn chuyến xe tang hiệu Mercedes mầu trắng chạy tới. Trung úy Nguyễn Văn Hoàn nằm
trong quan tài bằng carton giá $175. Cô em tôi mua bó hoa trắng đặt lên trên.
Dù đã hưởng thọ 71 tuổi nhưng chưa vợ con nên đầu óc và thân thể người điên
trong sạch như trẻ thơ. Tôi nói với 2 quan khách cùng khóa với chú Nhạc. Tôi cũng
nói cho thân quyến về tiểu sử của chú Hoàn. Dù cũng trong gia đình nhưng các
con cháu tôi cũng chẳng biết cuộc đời trung úy Hoàn ra sao.
Không có lễ
tang tôn giáo. Không có lời cầu nguyện. Tất cả mọi người chỉ im lặng.Tôi nói
thôi em Hoàn đi mạnh giỏi. Giây phút tiễn đưa chưa dài đủ 10 phút. Các tay đạo
tỳ người Mỹ cũng ngạc nhiên. Họ đẩy quan tài giấy vào khu nhà thiêu. Hỏi rằng
gia đình có ai tình nguyện bấm nút không? Tôi gật đầu. Gọi là có chút tình chiến
hữu. Để anh đại tá 80 ra lệnh thiêu xác trung uý 70. Lò thiêu mở ra. Lửa bên
trong đã cháy sẵn. Tôi bấm vào nút vàng. Quan tài bằng carton nhẹ nhàng chạy
vào lò. Anh xếp nhà thiêu nói rằng nếu quan tài bằng gỗ thì phải mất 2 giờ.
Nhưng bằng carton thì chỉ hơn 1 giờ.
Đó là câu
chuyện chú Hoàn đi vào cõi vô cùng. Từ nay sẽ không có ai gọi cho anh Lộc báo
tin các chuyện khẩn cấp để lo cho đất nước. Đối với trung uý Hoàn mãi mãi chúng
tôi vẫn còn trong không gian Sài Gòn và thời kỳ 70. Quân ta chiến thắng,
đất nước hòa bình, toàn quân trở thành nông dân và trung úy Hoàn sẽ giảng dậy
cách tồn trữ cám heo và chích thuốc cho gà con.
Tôi nghĩ rằng
nếu không vượt biên qua Mỹ mà với bệnh điên như vậy ở lại Sài Gòn không biết cậu
em chúng tôi sẽ ra sao?
Em nó qua
đây suốt nửa cuộc đời bồng bềnh như đi trên mây kéo dài đến 35 năm. Bằng hữu
toàn thế giới ai biết sinh viên Hoàn nông lâm súc ra trường 68, Chuẩn úy Hoàn
Thủ Đức 69, Trung úy Quân nhu 72, Phụ tá Ngân hàng Nông thôn Bạc Liêu 74, tù cải
tạo 75, còn sống kỳ vượt biên 79 vào Thái Lan ... tang gia xin cáo phó rằng
cậu em chúng tôi đã ra đi 71 tuổi như trẻ thơ 17.
Bây giờ chúng tôi còn biết nói năng gì! Cô em tôi lại nói lời cuối
Cảm ơn nước Mỹ. Đó là lý do chúng tôi tôi chức ngày Thanh You America. Quý
ông bà có những lý đó gì khác để cảm ơn nước Mỹ hay không?
Giao Chỉ, San Jose .
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Giao Chỉ, SanJose City, VietMuseum, Book 1, 2 đã phổ biến, sẽ
in 3, 4, 5 đến 12.
Một cuốn $10 Mua sách ghi IRCC 3017 Oakbridge Dr. San Jose
CA 95121
Lịch sử ngàn người viết, tác giả ghi chép lại, giữ sách là
giữ lửa cho mai sau.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
This email has been sent from a virus-free computer protected
by Avast.
www.avast.com |
__._,_.___
No comments:
Post a Comment