Khoảng
cách…
Phan
“… Với thời hiện đại thì khoảng cách địa lý không còn làm khó trí
nhớ hay kiến thức của ai nữa. Vì ai cũng có cái điện thoại thông minh trên tay,
chỉ bấm điện thoại thì biết từ nhà anh tới nhà tôi bao xa? Thậm chí đi đường
nào là gần nhất cũng được điện thoại hướng dẫn chi tiết. Nhưng khoảng cách
trong quan hệ con người thì dường như đã sai trật từ vườn địa đàng. Giá ông
Adam biết giữ khoảng cách với bà Eva… thì đâu có cái thiên hạ đại loạn này.”
Ông bạn tôi nghe tôi nói xong cười ruồi, “Chú lúc nào cũng thế!
Hôm nay anh mừng tình cờ gặp lại chú. Và mừng là vẫn vui như những ngày bù khú
với nhau. Chú nói đúng là bạn bè cũng cần giữ khoảng cách thì mới lâu dài được;
chứ cứ bù khú với nhau mãi như xưa thì liệu tình cảm có cón tốt không? Nhưng
anh có ý kiến là sau khoảng cách cần thiết để giữ gìn quan hệ dài lâu thì cũng
ráng đừng để cách khoảng quá lâu không gặp, xa mặt cách lòng cũng là chuyện tất
nhiên thôi!”
“Cảm ơn anh hiểu đúng ý em. Em cũng rất vui với sự tình cờ gặp lại
anh hôm nay. Vui hơn hết là đã lâu không gặp nhưng anh vẫn thế! Gặp là biết
người anh sẽ bỏ hết những việc đang làm để dành thời gian cho người em, cho
đúng nghĩa anh em. Và đồng điệu ở chỗ ghé mua chút gì đó về nhà chứ không tạt
qua quán xá để lại bị thiên hạ làm phiền vì sự quen biết thiếu kiểm soát của
chúng ta trước đây.”
Hình như đó là sự không tranh cãi của chúng tôi trong lần gặp lại
này vì ai cũng đã biết ngán những người vô duyên nơi quán xá là chẳng biết chừa
cho ai không gian riêng, mà cứ làm như quán xá là của họ, hết khách hàng là bạn
bè nên không cần phải đợi mời. Thế là họ vô duyên hết nói.
Anh bạn tôi đồng ý nên tôi nói:“Vậy ban nãy chúng ta đã có dịp
tương phùng như ý ngoài chợ đời.. Bây giờ chúng ta lại có tương, chao, tàu hủ,
dưa leo… chưa ăn qua chưa phải thầy chùa. Có cả vườn sau hoa vàng mấy độ thì độ
chuyện từ bi chút đi ông anh…”
Tôi cố tránh những chuyện không vui cho lần gặp lại được đáng nhớ
hơn. Nhưng ông bạn tôi vẫn nói bi hoài, “Thì vậy thôi! Mọi quan hệ ở đời đều
cần có khoảng cách, không nên quá gần mà cũng đừng quá xa. Tình cảm tốt đẹp
càng cần khoảng cách để giữ được sự tốt đẹp, vì quan hệ thân thiết đến đánh mất
sự riêng tư của nhau thì thân thiết còn không? Không xa, không gần là cảnh
giới, là cách nắm giữ quan hệ bền lâu nhất, nhưng không phải ai cũng làm được
điều đó! Bởi khi trẻ, chơi với bạn bè quá thân mật nên cuối cùng là chia tay,
nhưng không tìm lại. Về già, gần gũi quá với người quen, người thân lại cảm
thấy đánh mất không gian của riêng mình. Nhưng thoát ly thì đã hết nhuệ khí của
tuổi trẻ, lại còn những ràng buộc khác…”
“Bi quan vậy đại ca?”
“Em nghĩ lại đi. Mới là chuyện bạn bè mà đã bỏ thì thương nhưng
vương thì tội, là anh nói đôi bên chứ mình hơn gì ai mà là người bỏ. Nhưng từ
sơ giao tới thân tình làm người ta vui với quan hệ bao nhiêu thì từ thân tình
tới lờ nhau đi nó buồn gấp bội cho cả đôi bên. Và tệ hại nhất là bạn bè trở mặt
vì những chuyện chẳng ra gì, hay chỉ là ít gặp thì người hẹp hòi lại suy diễn
ra là khinh khi; giàu bỏ bạn, sang bỏ vợ… Nhưng nhức đầu nhất khi về già là
quan hệ với cái bà không bỏ được!”
“Cái người bạn đời ấy thì nhức đầu từ khi chưa quen rồi anh ạ!”
“Phải đấy! Từ hồi đi tìm kiếm họ để làm quen đã nhức đầu. Thế mà
không biết tránh ra, lại cứ nhào vô như con thiêu thân thấy ánh đèn để tự chuốc
phiền. Có khi anh nghĩ: Sau khi kết hôn, việc sống chung với bà xã đã lấy hết
phần lớn thời gian riêng tư của mình. Lúc đầu, muốn biết tất cả về bà xã, bà xã
cũng muốn biết hết về mình. Nhưng ở giai đoạn ấy thì hai bên đều vui vẻ chia sẻ
tâm tình. Nhưng khốn nạn đến tâm thần là lúc qua thời gian dài, lại cảm thấy
khó chịu với việc quá rành về nhau. Nên anh nghĩ, tất cả những mối quan hệ dù
thân thiết đến đâu, tình cảm đến đâu cũng đều cần khoảng cách mới bền lâu! Dĩ
nhiên là khoảng cách đừng quá xa để tình cảm phai nhạt, nhưng cũng đừng quá gần
vì ai cũng cần cho mình sự riêng tư. Hôn nhân đâu phải là trói buộc, mà là bổ
sung cho nhau. Vợ chồng đâu phải là một với một thành hai mà là một nửa với một
nửa hợp lại thành một thôi. Và sự hòa hợp hai cái một nửa không đồng nhất về
xuất thân, giới tính… thì hệ quả chắc chắn là thê thảm rồi!”
“Anh có vấn đề rồi thì có!”
“Không. Gặp chú anh mới nói mấy chuyện này. Thực sự là con gái anh
với thằng rể có vấn đề. Nhưng anh không thuyết phục được bà xã là để tụi nó tự
giải quyết! Bà xã anh không hiểu là trong tình yêu cũng cần có khoảng cách,
không cần thiết phải biết mọi thứ về nhau. Nhưng anh cũng có lỗi là nuông chiều
bà xã hỏi gì anh cũng trả lời thật thà hết nên bà ấy nghĩ là đàn ông có trách
nhiệm, bổn phận trả lời thật thà hết với bà xã. Rồi bà ấy đi dạy con gái y
chang mà quên thời đại của mình đã qua, quên may mắn cá nhân của bà xã anh là
đã lấy được tên chồng nói thật.”
“Rõ rồi ông anh! Cuộc sống là va chạm không ngừng. Hôn nhân là
liên tiếp đấu tranh cùng nghịch cảnh. Nên vì thế đừng quá so đo. Trong các mối
quan hệ chỉ cần đắn đo sao cho không quá xa mà cũng đừng quá gần. Không xa
không gần là cách nắm giữ bền lâu. Ai cũng có từ trường của mình, quá gần sẽ bị
hút vào, quá xa thì khó có thể hấp dẫn. Quan hệ biết điều chỉnh thì tình cảm
tốt hơn, lâu dài.”
“Chú có lý. Anh còn nghĩ: sống chung là học hỏi. Nhưng không phải
ai cũng biết người biết ta cho thích hợp. Anh được bạn bè khen là chiều bà xã.
Nhưng hại con gái là mẹ dạy nó phải y chang như mẹ. Trong khi thằng rể là thằng
rể chứ đâu phải ông ngoại của thời đại xa xưa. Tình cảm đâu có ai đặt đúng vị
trí một lần, mà là sự điều chỉnh cân bằng và hợp lý theo thời gian để duy trì
mối quan hệ bền vững, lâu dài. Tình cảm không thể áp đặt, nhất là với những
người trẻ bây giờ. Họ lớn lên trong tinh thần bình đẳng, tự do… mà cứ mang quan
niệm lấy chồng thì nhà khỏi mua trâu, thì ai mà chịu được!”
“Có gì đâu mà nổi nóng vậy ông anh.. Không phải là con trâu già
trước mặt em đã bị đóng khung trong quan niệm vợ chồng là duyên phận từ số
mệnh. Thời của anh vẫn còn tin là trời sinh ra anh để làm chồng của chị; và chị
cũng nghĩ vậy nên mọi chuyện to hoá nhỏ để còn có thể sống tới hết đời bên
nhau. Thời của anh, tỷ lệ ly dị là mười tới mười ba phần trăm. Trung bình thời
gian chung sống của một cặp vợ chồng tới ra toà ly dị là hai mươi năm. Nhưng
thống kê mới nhất cho tỷ lệ ly dị ở Mỹ là gần năm mươi phần trăm; và số năm
trung bình sống chung của một cặp vợ chồng ly dị là mười năm (vào năm 2010 –
kiểm tra dân số) nhưng nay chỉ còn bảy năm. Những giáo sư, sinh viên làm thống
kê còn ghi chú: Đó là những cặp vợ chồng có hôn thú nên phải ra toà ly dị thì
những người làm thống kê mới biết được. Còn con số những người chung sống như
vợ chồng nhưng không có hôn thú ở Mỹ thì chỉ được các chuyên viên ước định là
nhiều hơn; và thời gian chung sống của họ thì ít hơn nhiều so với 7 năm của
những người chung sống có hôn thú…
Anh có thấy anh vĩ đại tới mức đã sống chung với chị nhà bốn mươi
năm. Xin bỏ mười năm tìm hiểu, nếu hợp sẽ tiến xa… Vì anh mà nhớ thêm mười năm
đưa đón ấy bao nhiêu phiền nữa thì anh nhồi máu cơ tim mà chết mất! Nhưng qua
nửa thế kỷ cũng đáng tự hào đấy chứ! Có phải bay giờ anh chỉ nhốm đít là chị đã
biết anh mắc một hay mắc hai. Còn cái đầu của anh nghĩ gì thì đâu mắc mớ tới
đàn bà, vì họ cần ở người đàn ông những thứ khác!”
“Vậy theo chú…”
“Theo em là bán nhà, cháy nhà, hay ít nhất cũng mang tội đốt nhà…
Anh nên thức thời nhất là tự biết thời đại của anh đã qua. Tới thế hệ em sau
anh mà cũng đã mang tư tưởng đời người là những lữ khách trên chuyến xe chung
có vô số trạm dừng, nên rất ít ai có thể đi cùng nhau từ đầu đến cuối, cho dù
là người thân, bạn bè, tình nhân… Chuyến xe ấy đón người lên kẻ xuống anh ạ!
May mắn lắm với ai đã đi cùng nhau một đoạn ngắn hay dài thì rồi họ cũng phải
xuống xe, chỉ có lời tạm biệt bằng cả tấm lòng biết ơn là nên nhất. Nếu mệnh số
có thật thì ở trạm tiếp theo sẽ có người khác đi cùng đoạn đời còn lại…
Anh thấy đây, chẳng cần đâu xa hay trừu tượng. Ly cà phê chúng ta
đang uống đắng hay ngọt đâu bởi cái thìa hay cách khuấy ly cà phê. Hoàn toàn ở
lượng đường đã bỏ vào. Nếu anh đã quên bỏ đường thì hoặc uống cà phê đắng, hoặc
làm lại từ đầu là bỏ đường trước khi khuấy. Tình cảm. Có khi em nghĩ như chiếc
áo len, tỉ mỉ đan từng mũi que đan với tất cả ân tình, nhưng rút ngược một cái
là xong hết công trình…
Cuộc đời dài hay ngắn đều đúng. Nên đúng nhất là trân quý thời
gian bên nhau, bởi thời gian không trở lại. Anh nóng nảy vô ích. Trong lỗi của
người vợ thì người chịu trách nhiệm không ai khác là chồng; lỗi của con cái thì
trách nhiệm ở cha mẹ đã giáo dục ra sao?
Anh còn sức và đủ minh mẫn để thay đổi thì đừng ngồi đó oán trách.
Anh còn biết oán trách là vẫn chưa biết giữ khoảng cách cho từng quan hệ trên
khái niệm chung là đừng quá gần mà cũng không nên quá xa trong cõi u minh này…”
…
Nhưng tạm biệt người bạn đã lâu gặp lại. Tạm biệt anh, hay tạm
biệt mình. Tạm biệt một đoạn đời đã không biết giữ khoảng cách cần thiết cho
mọi quan hệ nên chỉ còn hệ lụy cho phần đời còn lại. Có lẽ ai cũng biết thế nên
cầu an là lời cầu nguyện thường nghe thấy nhất. Nhưng bình an chỉ thuộc về
những người đã chết.
Phan
__._,_.___
No comments:
Post a Comment