MÙA
XUÂN, CHIẾN TRANH VÀ TÌNH YÊU
Sáng Mùng Một Tết Nguyên Đán, gia đình các
bác, các cô chú và gia đình Măng tôi đồng tụ tại nhà ông bà Nội tọa lạc ở phần
đất cao nhất của xóm Đường Đá, Phủ Cam và trải dài xuống gần Bến Ngự. Một truyền
thống của đại gia đình qua bao nhiêu năm, kể từ khi tôi bắt đầu có trí nhớ.
Nghe kể lại, ông Nội dậy sớm nhất bước ra khỏi nhà, tự đạp đất nhà mình trước
khi tất cả con cháu đến chúc Tết. Gia đình nào đến trước sẽ vào thăm bàn hoa quả
bánh mứt của Bà Nội ở nhà chính, hoặc đứng ngoài sân chờ đợi, chuyện trò rộn
ràng với nhau trong khi những đứa con nít cùng trang lứa tranh nhau chạy chơi
trong sân vườn rộng lớn. Khi mọi gia đình có mặt đầy đủ, tất cả đồng kéo qua tập
trung trước căn nhà riêng của ông Nội, nằm chéo góc bên cạnh nhà lớn.
Khi ông bà Nội đồng an vị vào 2 chiếc ghế
dựa lớn để ngay ở cửa chính được mở rộng, mặt mày rạng rỡ trong áo gấm đỏ, lễ Mừng
Tuổi bắt đầu bằng tràng pháo nổ tưng bừng từ dây pháo dài treo trên cây. Riêng
tôi bắt đầu ngất ngây với tiếng pháo nổ chát tai, xác pháo đỏ văng tung toé và
mùi thuốc súng. Trong không khí trang nghiêm của ngày đầu xuân, Bác của tôi bao
giờ cũng là người đầu tiên mở đầu cho buổi lễ, khúm núm đứng trước ông bà Nội
xướng to những lời chúc mừng, trước khi cả 2 vợ chồng cùng quỳ trên chiếu vái lạy
thân sinh. Tôi vẫn còn nhớ rõ Bác tôi kêu ông bà Nội bằng Thầy Mạ. Sau Bác là đến
phiên các chú các cô, bao gồm luôn cả rể và dâu, trong đó có Măng tôi, cùng tiến
đến quỳ lạy Thầy Mạ. Bấy giờ, ông Nội mới từ tốn ban lời mừng Tân Xuân cho từng
người con, cũng theo thứ tự, từ con trai trưởng cho đến cô út.
Sau thế hệ con đến thế hệ cháu với mỗi gia
đình theo thứ tự lần lượt bước vào chiếu hoa. Thông thường người con lớn nhất
hiện diện tại chỗ đứng giới thiệu tên từng đứa em trong gia đình mình với ông
bà Nội trước khi tất cả đều quỳ lạy mừng tuổi ông bà. Ông Nội thường hay hỏi từng
đứa cháu về chuyện học hành, gia cảnh nếu đã lập gia đình, trước khi nói lời
chúc đầu năm. Có những năm, tất cả các cháu được cho đứng sát với nhau và đồng
quỳ lạy chúc mừng ông bà Nội một lần, sau khi một cháu lớn nhất đại diện mở đầu
lời Mừng Tết ông bà Nội..
Kế thế hệ cháu là đến thế hệ chắc, cùng quỳ
lạy chung một lúc trong khi chắc lớn tuổi nhất trong đám nói lời cầu chúc ông
bà Cố, với sự nhắc lời, trợ giúp của bậc cha mẹ bên ngoài. Trong những cái Tết
trước khi ông Nội tôi mất vào năm 1962, ông bà Nội tôi đã có trên cả chục đứa
chít.
Xong lễ mừng tuổi ông bà Nội, các người
con cùng dâu rể bước đến gần trò chuyện thân mật hơn, rót trà rượu đưa mời Thầy
Mạ của mình. Đó là lúc tôi thoáng thấy các phong bì đỏ được đưa vào tay ông Nội
và cả bà Nội. Sau đó, Bà Nội mới thủng thỉnh mời tất cả mọi người vào nhà lớn
thưởng thức các món Tết. Tôi nhìn thấy đủ loại mứt, từ mứt hột sen, mứt thơm, mứt
dừa, mứt gừng, mứt mãng cầu, mứt kim quật, mứt khoai, mứt củ sen, đậu phụng
ngào, hột dưa… cho đến các món mặn như nem, chả heo, chả bò, chả thủ, tré, thịt
quay, gà nấu đậu, vịt nấu măng khô, cải xanh nấu với giò heo, xôi lạp xưởng
& tôm khô, xôi gấc, rồi bánh tét dưa món, bánh tét chiên, củ hành dầm nước
mắm, củ kiệu, bánh chưng, bánh su sê, bánh thuẫn, bánh bột nếp, bánh hột sen và
đậu xanh cái tròn cái vuông gói trong giấy kiếng nhiều màu sặc sỡ…
Bao nhiêu món ngon vật lạ dọn bày trên mấy
cái bàn khiến tôi nhìn vào thấy no mắt, và no luôn cả bụng vì mãi ham rượt đuổi
nhau bên ngoài. Bao nhiêu hương vị ngọt ngào, hiếm quý và cổ truyền của một cái
Tết Âm Lịch do chính tay bà Nội làm cùng các người con trong gia đình đem đến từ
ngày hôm trước. Khi lớn hơn và ở xa hơn, tôi cũng đã từng đạp xe đạp đem đồ Tết
của nhà mình đến biếu ông bà Nội.
Buổi ăn chấm dứt, đại gia đình xúm xít lập
sòng chơi đổ tam hường, chơi bài cartê (5 lá bài), bài xì lác, tứ sắc, bài xịp…Tiếng
la hét của người hên bạc kẻ thua tiền, tiếng reo hò vui cười, chọc ghẹo hòa
cùng với tiếng xoang xoảng của những con súc sắc đổ trong tô sứ, tiếng pháo lẻ
nổ đì đùng ngoài sân từ lũ con nít chúng tôi làm không khí Mùng Một Tết thêm
hào hứng. Sau phần chúc Tết ông bà Nội, các gia đình lần lượt kéo nhau đến đạp
đất từng nhà một, nhà Bác trước rồi đến nhà các cô, chú, lập lại màn chúc Tết
nhau, rồi ăn uống, và lì xì cho con nít. Truyền thống này vẫn tiếp nối dù sau
này chỉ còn có bà Nội, vẫn trang trọng và ấm cúng dù mức độ nhỏ hơn vì số con
cháu thưa dần với các anh chị con bác và cô chú vì sinh kế, lập gia đình và đi
học nơi xa nên khó về.
Đó là những năm tháng thanh bình tại Huế,
nơi tôi được nuôi dưỡng, lớn lên và đến trường, trước cuộc Cách Mạng tháng 11
năm 1963. Tiếp theo là những năm của phong trào sinh viên Phật Giáo tranh đấu bạo
động, những chỉnh lý chính trị ở trung ương, sự hiện diện của quân đội Mỹ đưa đến
những biến động trong quần chúng và dấu hiệu leo thang dần của chiến cuộc, nhất
là vào năm cuối của tôi ở Trung Học và năm đầu tiên ở Đại Học. Tuy nhiên, do ở
thành thị, đa số học sinh sinh viên như chúng tôi vẫn thờ ơ hưởng thụ, vẫn ngây
thơ với sách vở, chưa hề có khái niệm chín chắn về cuộc chiến dù có theo dõi
tin tức chiến sự, dù nhìn thấy lính tráng xe tăng máy bay, hay có anh chị, như
trường hợp nhà tôi với anh đầu tôi là một BS và anh rể đầu của tôi cũng là một
DS đều trưng tập vào Quân Y, hoặc có bà con mình ở trong quân đội và thỉnh thoảng
nghe tin người quen nầy tử trận, người bà con nọ bị thương… Chúng tôi vẫn nghĩ
cuộc chiến xa lạ này không phải của mình và đang xẩy ra ở miền quê hay núi rừng
xa xôi, hay tại những địa danh hẻo lánh. Cho đến Tết Mậu Thân, 1968.
Đúng vậy! Có ai ngờ quân CS đã mưu mô xé lệnh
hưu chiến, đem chiến tranh đến tận các thành phố trong những ngày thiêng liêng
của đất nước trong Tết năm 1968. Biết bao nhiêu người đã sống lo âu sợ hãi khi
nhìn thấy chiến tranh với bom đạn và chết chóc đến ngay tận làng xóm mình, ngay
tận nơi nhà mình? Đã nhìn thấy cảnh đổ nát kinh hoàng của thành phố, đã bị kẹt
giữa hai lằn đạn? Đã chứng kiến sự dã man tàn ác của phe gọi là giải phóng? Có
bao nhiêu người là chứng nhân cho sự thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế khi người
thân trong gia đình, người quen trong khu phố bị giết chết, bị bịt mắt đem đi
thủ tiêu, bị tra khảo, đập vào đầu trước khi bị xô xuống khe suối hay bị cột
chùm chôn sống với 2 tay bó chặt đàng sau lưng bằng dây điện thoại? Ở đâu ra những
hố chôn tập thể tại trường Gia Hội, Gò Cát, Bãi Dâu, Tây Lộc, Phú Thứ, Đá Mài…?
Và biết bao ngàn người đã ai oán khóc trong căm hờn và đã chít khăn tang?
Biến cố Tết Mậu Thân 1968 xẩy ra khi tôi
đang học giữa năm Thứ Nhất Trường Y Khoa Huế. Vào đêm 30, gia đình 3 người Măng
tôi, chị tôi và tôi đang ở trong căn phòng lớn trên lầu 3 của trường Đồng
Khánh, có cửa sổ lớn phía sau nhìn về Lao Thừa Phủ ở sau lưng Tòa Hành Chánh Tỉnh.
Đêm ấy, chúng tôi thức khuya chuẩn bị các món Tết cho ngày Mùng Một. Vào giao
thừa, tiếng nổ xa xa của pháo Tết nghe hơi khác thường và càng lúc càng dồn dập
chen với những tiếng nổ lớn hơn. Vài giờ sau, tôi nghe tiếng chân người chạy
thình thịch trên thang gỗ bên ngoài phòng, rồi hàng loạt tiếng súng nổ chan
chát, cùng với tiếng súng bắn trả từ Lao Thừa Phủ trúng vào tường và cửa sổ căn
phòng chúng tôi khiến tiếng dội nghe ghê rợn và mảnh gỗ văng tung tóe. Chúng
tôi nằm yên trên sàn nhà, dưới bộ ván dày, tránh gây tiếng động, đọc kinh cầu
nguyện.
Qua ngày hôm sau, khi tiếng súng lắng dịu,
tôi rón rén bò đến cửa sổ phía trước, nhìn xuống sân trường Đồng Khánh. Cả trăm
lính VC, với nón cối và quân phục màu xanh lục, đang đóng quân, đào hầm, đặt
súng lớn trên bãi cỏ, hay dưới các gốc cây phượng. Biết không thể làm gì hơn,
gia đình tôi đành mở cửa đi xuống lầu, mang theo chút áo quần và thức ăn Tết
như bánh tét, và đến tạm trú trong phòng học cùng với những gia đình quen thuộc
khác trong trường và sau đó những gia đình dân từ Bến Ngự hoặc Ga chạy đến.
Tôi nhận thấy đơn vị CS đóng ngay đây có lẽ
là quân chính quy, với đa số lính nói giọng Quảng Bình. Nhiều toán lính đi đi về
về, cáng theo hàng loạt đồng đội tử thương và bị thương. Có lẽ trường ĐK nằm giữa
mặt trận, nên tiếng súng nhỏ lớn nghe liên tục, có khi từ hướng bờ sông Hương,
khi thì từ hướng đường Lê Lợi của Tòa Hành Chánh Tỉnh. Các khẩu súng phòng
không thường xuyên bắn nổ rền trời nhắm vào những chiếc trực thăng bay trên
cao. Mức độ trận chiến có vẻ dữ dội trong suốt gần cả mười ngày. Cho đến sau một
đêm bỗng dưng hoàn toàn yên tĩnh, sáng hôm sau khuôn viên trường ĐK hoàn hoàn vắng
lặng, không một hình bóng của người lính CS, họ đã lặng lẽ rút đi trong đêm. Đến
trưa toán lính TQLC Mỹ tiến dần về phía chúng tôi, giải tỏa hoàn toàn trường ĐK
và hướng dẫn tất cả mọi người di tản về hướng an toàn.
Liền sau đó, nhóm chúng tôi gồm chừng bốn
năm chục người im lặng dắt nhau bước đi thật vội trên đường Lê Lợi hướng về trường
Kiểu Mẫu, dưới bầu trời xám xịt có mưa phùn. Cũng con đường hàng ngày tôi thường
qua lại bao nhiêu lần nay trông thật điêu tàn và xa lạ, im lặng một cách rùng rợn
và phảng phất mùi tử khí. Bên kia sông Hương và cột cờ, khung cảnh vẫn mờ dại
trong mây mù. Chiến tranh đang thực sự ở trước mắt và xung quanh tôi, với hiện
trường y như trong cảnh phim. Lá cây và cành cây gãy tràn ngập lối đi. Đây đó
những cột đèn và thân cây nằm nghiêng ngửa, như muốn che đậy những xác chết, quân
có dân có, ta có địch có. Có những xác nằm ngay trên mặt đường, bên lề đường.
Có những xác nằm sấp hay cong queo trong các hầm cá nhân dưới các gốc cây, nhất
là ở gần phía bờ sông. Rải rác đây đó là xác xe Jeep, xe cứu thương dân sự và
các xe honda, lỗ chỗ vết đạn với xác người bên cạnh. Nhiều biệt thư to lớn trên
con đường bị đổ nát, hư hại nặng. Khi đến gần khu Morin, tôi lặng người nhìn thấy
cầu Trường Tiên bị gãy một nhịp.
Và
tôi thấy chiếc cầu gãy nhịp
Trong
tiếng bom khói lửa chiến trường
Dòng
sông yêu dòng sông máu đỏ
Áo
em màu trắng áo tang thương (1)
Sau vài ngày tạm trú ở trường Kiểu Mẫu,
khi biết tin gia đình người tôi yêu đang lánh nạn tại Dòng Chúa Cứu Thế, tôi tức
tốc tìm đến thăm dù đường đi còn vắng hoe, nguy hiểm với dấu tích tàn phá và chết
chóc hai bên đường… chỉ để kịp nhìn gặp nàng vài ba phút, thăm hỏi đôi ba câu
trước khi nàng vội vã quay vào với gia đình. Hình ảnh xanh gầy của nàng với đầu
tóc ngắn thân thuộc trong một buổi sáng đầy gió lạnh và mây xám trên trời mãi
mãi ám ảnh tôi từ dạo đó.
Nàng là một cô bé nhỏ nhắn mặc áo đầm vàng
đi dạo cùng Mẹ và các em trong công viên trước trường Đồng Khánh mà tôi đã tình
cờ nhìn thấy trong một chiều óng ánh đầy nắng vàng vào cuối hè 1967. Vài ngày
sau tại nhà tôi, tim tôi đập lỗi nhịp đầy thích thú khi bất ngờ gặp chính cô bé
đó đem bánh của Mẹ làm đến biếu “Bà Vú”, tiếng nàng gọi Măng tôi, vì Măng tôi
là Vú Đỡ Đầu cho Mẹ nàng khi Ba Mẹ nàng làm đám cưới. Đây cũng là nhân vật
trong bức ảnh gia đình, một món quà tặng của Mẹ nàng cho Măng tôi từ bao năm
trước, được treo trên tường, gần bàn học của tôi. Mỗi khi nhìn đến, tôi thường
liên tưởng rằng có ngày tôi sẽ có được nàng, như một ám ảnh, một ước mơ thầm
kín. Một nguyện cầu vu vơ. Dù bấy giờ nàng chỉ là một cô bé tuổi 13, đang học lớp
Đệ Ngũ trường ĐK.
Do sự quen biết giữa 2 gia đình, thỉnh thoảng
tôi đến thăm nàng tại nhà, làm quen với gia đình và chơi đùa với các em nàng,
ngoài sân trước, trong phòng khách, hay dưới nhà bếp. Nhờ đó tôi có dịp nhìn thấy
nết đoan trang và sự chu đáo của nàng khi phụ giúp Mẹ săn sóc các em. Có một lần,
ngồi dựa lưng trên thành cửa sổ nhỏ phòng nàng, tôi hát bài Mưa Hồng vì tôi
thích câu “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, do xúc động giọng của tôi xuống
thấp không hát tiếp được, nàng im lặng không dám cười, nhưng tôi can đảm xin
hát lại lần thứ hai.
Khi một phần nhỏ của Hữu Ngạn Huế vừa được
giải tỏa, và Bệnh Viện Huế vẫn còn bỏ trống, cùng với vài đàn anh trong YKhoa,
chúng tôi tình nguyện phụ giúp ngày đêm một BS. giải phẫu người Mỹ từ Đà Nẵng
được trực thăng chở thẳng đến Bệnh Viện. Đó là thời gian tôi đã nhìn thấy, tiếp
thu học hỏi nhiều nhất khi trực tiếp làm việc dưới sự điều động của YS. Thiếu
Tá Thomas Herod cùng với các đàn anh. Từ cách nhận bệnh nhân cả quân sự lẫn dân
sự với các vết thương chiến tranh, săn sóc họ, chuyền nước biển trước khi
khiêng họ vào phòng mổ, đưa lên bàn mổ rồi khiêng về giường bệnh sau mỗi ca giải
phẫu hoàn tất, giúp rửa sạch các vết thương trước khi băng bó, theo dõi tình trạng
hậu giải phẫu, lau chùi phòng mổ, lau chùi và hấp dọn các dụng cụ giải phẫu, phụ
đưa dụng cụ trong phòng mổ… Toán 7-8 người chúng tôi ngủ ngay sát bên phòng giải
phẫu, kể luôn cả một chị y tá chuyên đánh thuốc mê, tự nguyện làm tất cả những công
việc cần thiết, từ y công cho đến y tá, cùng chia nhau tâm trạng vui buồn theo
diễn tiến tốt hay xấu của các bệnh nhân và chia nhau phần lương khô C Ration.
Bẵng đi cũng vài ba tuần hăng say phụ giúp
trong bệnh viện, tôi không đến nhà cô bé dù lòng luôn hướng về nàng. Mãi cho đến
khi tình hình an ninh Huế tốt dần, bấy giờ tôi mới đến thăm nàng được vài lần,
kể vội cho nàng nghe một vài câu chuyện trong phòng mổ, những điều tôi học hỏi
được hay một vài cảnh khổ của người dân bị thương tật. Bao giờ nàng cũng chỉ im
lặng ngồi nghe, hiếm khi có thêm ý kiến trong câu chuyện. Vào cuối mùa Xuân 68,
đến ngày kề cận phải rời Huế vào Sài Gòn học tiếp nửa năm còn lại, tôi lấy hết
can đảm viết cho nàng một lá thư không viết nháp, không soạn thảo, không nắn
nót, không trau chuốc, nghĩ sao viết vậy. Đó là lá thư tình đầu đời và duy nhất
của tôi. Ngang tàng, mang tính cách hài hước nhưng rất chân thật, không có giọng
chìu lụy, van xin tình cảm.
Dĩ nhiên thư tôi không được hồi âm.
Trong suốt mùa hè năm 1968, sau khi từ Sài
Gòn trở về Huế để tham dự chương trình Huấn Luyện Quân Sự Học Đường, tôi tiếp tục
đến thăm và đưa nàng những đoản văn, không phải thư tình, mà những bài viết của
tôi bày tỏ quan điểm yêu quê hương đất nước, mang tính chất hào hùng của người
trai, hoặc những bản dịch ra tiếng Việt từ những bài hay trong cuốn Les Grand
Coeurs mà hầu như tôi nằm lòng khi học trung học chương trình Pháp. Tuy về sau
tôi biết có bản dịch tiếng Việt là Những Tâm Hồn Cao Thượng, tôi vẫn không nghĩ
mình đã phí công khi những bản dịch thuật của mình gián tiếp chứng minh tính
cương trực và lòng chân thành của tôi. Nhưng ở nàng vẫn là một sự im lặng… đáng
sợ!
Sau hè 1968, tôi lại rời Huế vào Sài Gòn học
tiếp năm thứ Hai YK. Vài ngày trước Tết năm 1969, từ Sài Gòn về Huế thăm nhà,
Măng tôi cho biết gia đình nàng sẽ rời Huế trong vài ngày sau Tết vì Ba nàng nhận
nhiệm sở mới ở Nha Trang. Tôi suy nghĩ và quyết định không đến thăm, nói lời tạm
biệt với nàng, dù ngậm ngùi cảm giác cuộc tình đang xa dần. Tôi quyết định chờ
đợi, cho mình chín chắn hơn. Cho một thời cơ thuận tiện tốt đẹp. Hay để cho nàng
lớn thêm hơn vài tuổi!?
Những năm sau biến cố Mậu Thân, chiến
tranh leo thang dần. Biết bao đồng môn, người thân quen nhận giấy tờ trình diện
nhập ngũ. Lớp học vắng dần những khuôn mặt quen thuộc sau mỗi lần tựu trường.
Truyền hình, tin tức, báo chí nhắc đến những trận chiến càng ngày càng khốc liệt,
tên của những trận đánh như Ben Hét, Khe Sanh, Dak Tô, Pleime, Đức Cơ, Đồng
Xoài… dần dần đi vào lòng dân. Chị thứ năm Mai Tâm của tôi bỏ học dù đang là
sinh viên năm cuối của phân khoa CTKD của ĐH Đà Lạt, và quyết định lấy chồng là
Tiểu Đoàn Trưởng TĐ11 BĐQ khi tiểu đoàn đến giải tỏa thị xã Đà Lạt trong vụ CS
tấn công vào Tết Mậu Thân. Lần chị đem người yêu về trình diện gia đình, tôi
thích anh liền. Không những vì anh đã xuất thân từ khóa 16 VBQGĐL mà vì anh
trông anh cao ráo, điển trai, rất điềm đạm và thật hào hùng trong bộ đồ rằn ri.
Có lẽ cũng từ đó tôi có suy nghĩ nếu muốn lấy cảm tình một người đẹp, chắc tôi
phải tạo cho mình một hình ảnh sắc đá oai hùng của một chàng trai đúng nghĩa của
thời chiến. Đúng với hình ảnh “Em là gái trong khung cửa, Anh là mây bốn phương
trời…”
Do sự đổ nát điêu tàn của thành phố Huế
trong Tết Mậu Thân, Chính Phủ Trung ương thành lập ủy ban trùng tu và tái thiết
Huế để xây dựng lại các cơ sở bị tàn phá cũng như để tạo thêm niềm tin cho dân
Huế nói riêng và toàn dân trong nước nói chung. Linh Mục Cao Văn Luận, trước
đây là Viện Trưởng viện ĐH Huế, nhận lãnh trách nhiệm khó khăn đó. Khoảng gần
cuối tháng 2 của mùa Xuân 1970, nhà văn Nhã Ca, trong một phái đoàn văn nghệ sĩ
từ Saigon ra thăm Huế, cùng đi với Linh Mục Cao Văn Luận ghé đến trường Đồng
Khánh trong một ngày mưa và lạnh, tặng hai trăm ngàn đồng cho trường xây dựng lại
phòng thí nghiệm hóa học và vạn vật bị hư hại nặng. Hồi đó tôi vẫn ở trong trường
với Măng tôi nên đã chứng kiến nhiều cảnh cảm động.
Linh Mục Cao Văn Luận từ hàng chục năm trước
cũng từng dạy ở Quốc Học, Đồng Khánh. Từ cô Tường Loan, hiệu trưởng, tới các thầy
cô đang dạy Đồng Khánh năm ấy đều là học trò cũ của Cha. Khi chủ tọa việc cô hiệu
trưởng Tường Loan nhận khoảng hiến tặng từ nhà văn Nhã Ca, lời phát biểu của
Linh Mục trước thầy trò Đồng Khánh được mở đầu bằng câu “Hôm nay ông nội trở lại
trường thăm các cháu…”
Trong phái đoàn thăm trường ĐK hôm ấy còn
có nhà văn Doãn Quốc Sỹ và nhạc sĩ Cung Tiến là hai người rất được dân ĐK ngưỡng
mộ, Cho tới nay tôi vẫn nhớ hình ảnh ngày ấy, khi chị Nhã Ca khoác tay người em
gái là học sinh tại trường đi dưới mưa với cô Hiệu Trưởng Tường Loan và cô phụ
tá giữa rừng vỗ tay cám ơn ngập trời của các học sinh toàn trường.
Qua ngày hôm sau, Nhã Ca đến trường YK Huế
của tôi, cũng trao tặng hai trăm ngàn đồng trong một buổi lễ đơn sơ nhưng trang
trọng gồm có sự hiện diện của GS.. Viện Trưởng Viện ĐH Huế, GS. Khoa Trưởng trường
YKH, ban Giáo Sư, ông Tỉnh Trưởng và một số thân hào nhân sĩ cùng đại diện Sinh
Viên YK. Trong cùng năm, giải Nhã Ca với năm mươi ngàn đồng được trao tặng cho
BS. Hà Thúc Như Hỷ khi trình luận án Tiến Sĩ YK về một đề tài Y Học Dân Tộc: Y
Học Đông Phương và Huyệt Đạo. Qua năm sau, người nhận giải là BS. Trần Nhơn. Cả
hai hiện đang hành nghề tại Quận Cam, California. Giải Nhã Ca cho Luận Án Tiến
Sĩ xuất sắc hàng năm của Y Khoa Huế còn được tiếp tục cho tới ngày Miền Nam sụp
đổ. Người liên lạc, điều hợp giải thưởng hàng năm này là GS. Nguyễn Thanh
Trang, phụ tá Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu.
Thật là một cử chỉ cao quý đáng khâm phục,
nhất là sau đó tôi được biết nhà văn nữ này đã chia toàn bộ lợi nhuận bán sách
“Giải Khăn Sô Cho Huế” của mình giúp đỡ xứ mẹ. Nhưng không phải vì vậy mà cuốn
sách trở thành nổi tiếng ở Huế và toàn quốc, mà chính do nó lột tả được sự thật
của thảm trạng, tư thù, ân oán, dã man của những cá nhân vốn nằm vùng và những
cựu sinh viên trốn vào rừng nay trở về không ngần ngại gieo máu lửa, giết đồng
loại cho dù không cùng một trận tuyến một cách không gớm tay, bằng sự thảm sát
hàng ngàn người dân vô tội, kể luôn cả chôn sống 4 vị GS. YK người Đức của trường
YK Huế ngay trong sân chùa Tường Vân, một vết chàm ô nhục không bao giờ phai mờ.
Và cũng từ đó, khi nhắc đến biến cố Mậu Thân 68 hầu như ai cũng biết “Giải Khăn
Sô Cho Huế”. Một đề tựa quá chính xác nhân chứng cho nguyên một thành phố thân
yêu phải chịu tang.
Tôi và nàng vẫn kẻ ở Huế, người Nha Trang.
Không một thư từ, không một trao đổi tin tức. Tôi vẫn tiếp tục lên lớp cao dần ở
trường YK và gián tiếp theo dõi tin tức nàng đang ở những năm cuối trung học.
Sau gần 3 năm xa cách nàng, tôi tự hỏi mình nhiều lần đây có phải là tình yêu?
Người ta thường nói cách mặt xa lòng! Tưởng tình yêu đơn phương âm thầm tan biến
theo thời gian, thế nhưng nó vẫn còn đó, như những cơn gió lao xao chợt đến.
Như những tiếng gọi không chờ đón. Những cơn mưa nhẹ đem đến một thoáng mát, một
thoáng nhớ, một thoáng ray rức không nguôi. Khi trốn sầu trong cơn rượu thì sầu
lại đến trong cơn say. Khi nhắp một ngụm cà phê đắng để trốn chạy thì tiếng vọng
tình yêu càng thôi thúc trong đêm khuya.
Tình tôi không nhận thêm nuôi dưỡng nào
ngoại trừ những nhung nhớ, những kỷ niệm và những hoài bão!? Trong tôi, càng muốn
quên thì lại càng quay quắt nhớ. Càng muốn chôn vùi kỷ niệm hiếm quý bên nàng
thì hình bóng nàng càng khắc ghi sâu đậm. Càng xa vắng nàng lại càng nhận hiểu
trái tim tôi chỉ biết nhung nhớ một mình nàng. Thế mới biết “kỷ niệm vẫn còn là
lòng vẫn còn yêu”! Thế mới biết “yêu là mộng mơ- yêu là sầu nhớ”!
Không lẽ chỉ có một thời để thương, để nhớ
để yêu rồi mãi mãi xa nhau, mất nhau sao?! Dù không một tin tức trực tiếp
của nàng, tôi vẫn quyết định đến thăm nàng vào mùa Xuân 1972 khi nàng đang theo
học năm thứ Nhất khoa CTKD ở Đại Học Đà Lạt.
Này tư tưởng có linh chăng tá
Trở
về đây cho thỏa lòng chờ
Trở
về cảnh cũ lối xưa
Cho
cung cầm khỏi ngẩn ngơ tiếng đàn
Tôi đến Đà Lạt với tư cách một cộng sự
viên của Sinh Viên Vụ quay phim chụp hình cho phái đoàn SV Viện Đại Học Huế
tham dự Đại Hội Thể Thao Liên Viện do ĐH Đà Lạt đứng ra tổ chức. Đến nơi, tôi
trao hết đồ nghề cho một bạn khác, và trong suốt 3 ngày liên tục của Đại Hội, tôi
không làm gì hơn ngoài việc tìm thăm nàng, người tôi yêu và đeo đuổi trong nhiều
năm qua, từ Huế vào đến Nha Trang và nay Đà Lạt. Sáng tôi đón nàng ở Kiêm Ái,
chiều đến tôi trả nàng về lại cư xá. Nàng và tôi đã đi bộ qua bao con đường
quanh thị xã, cùng ngồi chuyện trò ở sân Cù trong nắng ban mai, ngắm Hồ Xuân
Hương, dạo phố Hòa Bình, đưa nhau đi ăn sáng, ăn trưa, ăn tối…Với tôi, đó là 3
ngày hạnh phúc nhất trong quãng đời, dù ngắn ngủi, nhưng đã ghi sâu trong tim
tôi những kỷ niệm đậm đà không hề phai. Ba ngày le lói bên nàng, để bù lại,
thêm một lần nữa, trên 3 năm “bonjour tristesse” khi ở nơi xa, tôi chỉ cầu mong
nàng trong những “đêm mai cô đơn đi về, xin người hãy nhớ tình tôi.”
Vào các mùa Xuân năm 1971-1972, chiến
tranh sôi động với các chiến dịch Toàn Thắng 42 đánh qua Mỏ Vẹt, Lưỡi Câu, đến
sát hang ổ của Cục R ở Cao Mên, với cái chết của Tr. Tướng Đỗ Cao Trí, vị tướng
quân mà trên ngôi mộ có mang hàng chữ “sống giữa ba quân, chết giữa ba quân”;
chiến dịch Lam Sơn 719 hành quân vào Hạ Lào, với những tên quen thuộc như Đồng
Hà, Khe Sanh, xa lạ như Đường số 9, Bản Đông, Tchepone, Đồi 31, Đồi 30 với bản
nhạc bất hủ “Anh Không Chết Đâu Anh”; Không Quân Mỹ sử dụng thường xuyên B 52
bên cạnh kế hoạch từ từ rút quân và Việt Nam hóa chiến tranh.
Giữa mùa Xuân 1972, CS vượt vĩ tuyến và tấn
công vào Đồng Hà và Quảng Trị, đồng thời mở rộng chiến tranh ở Bắc Tây Nguyên
và Miền Đông Nam của vùng III bao gồm Lộc Ninh, Bình Long, với trận chiến “Bình
Long Anh Dũng, An Lộc Kiêu Hùng”; trận thư hùng của BĐQ ở đồi Chu Pao để lại
nhân gian câu thơ khí khái “Chu Pao ai oán hờn trong gió- một chiếc khăn tang một
tấc đường”, trận tử chiến Đồi Charlie của TĐ 11 ND với bản nhạc hào hùng ghi ơn
“Người ở lại Charlie”, và sau đó Tân Cảnh, sân bay Phượng Hoàng, Ben Hét và…
Hai tuần trước khi Quảng Trị rơi vào tay
giặc thù vào cuối mùa Xuân, 1972, một số anh em của trường YK Huế gồm có tôi
trong đó tình nguyện ra phụ giúp cho BV Quảng Trị trong 10 ngày. Thêm một lần nữa
tôi đã xúc động khi thấy được sự tàn khốc của chiến tranh gây ra bởi quân xâm
lược CS qua những vết thương, lỗ đạn trên cơ thể của các bệnh nhân. Đó là chưa
kể về sau là những hình ảnh khủng khiếp và câu chuyện đau lòng của hàng ngàn
người vừa dân vừa quân bị phơi thây vì pháo và phục kích không thương tiếc
trên “Đại Lộ Kinh Hoàng” khi trốn chạy về hướng Nam. Rồi đến phiên người dân Huế,
trong đó có cả Măng tôi vừa kịp đến tuổi về hưu, quá sợ vì đã chứng kiến việc
giết người, chôn người không gớm tay của bọn VC trong Mậu Thân, tức thời bỏ Huế
ra đi không chần chờ.
Ngồi trên lầu của Câu Lạc Bộ Thể Thao, mấy
anh em chúng tôi trong nhóm SV YK tình nguyện ở lại phục vụ BV Huế, nhìn cảnh
người bồng bế chen lấn, xe cộ nối đuôi nhau đông như kiến trên cả 2 cầu Trường
Tiền và Hương Giang trong suốt một ngày trời mà lòng quặn đau, xót xa cho dân
nước mình chịu cảnh chinh chiến trong bao năm qua. Những ngày sau đó, tôi thật
xốn xang khi nhìn thấy thị xã Huế và lân cận hầu như bỏ phế, ngoài đường chỉ
vài bóng người thất thần bước vội. Thành phố bỏ trống im lặng đến sợ, ngoại trừ
tiếng xe quân đội thỉnh thoảng chạy nhanh hoặc tiếng gầm gừ từ những con chó
hoang dành ăn chạy trên đường phố không người và tiếng tru ma quái của chúng về
đêm và những tiếng nổ đây đó của hỏa tiển 122 ly do CS pháo bừa bải vào thành
phố
Vào khoảng cuối tháng 5, 1972, Quân Đội
VNCH bắt đầu đổ quân về Huế chuẩn bị cho việc tái chiếm Quảng Trị với trận chiến
rất dữ dội và đẫm máu kéo dài gần 3 tháng với sự tham dự của nhiều đơn vị thiện
chiến bao gồm toàn bộ 2 Sư Đoàn ND & TQLC, LĐ 81 Biệt Kích Dù, các liên
đoàn BĐQ, Kỵ Binh Thiết Giáp, Pháo Binh, Không Quân… cho đến ngày 16 tháng 9,
1972, lá cờ vàng ba sọc đỏ chính thức phất phới trên nền trời tự do tại Cổ
Thành Quảng Trị trong tiếng vang dậy của cả nước qua các bản hùng ca “Cờ Bay, Cờ
Bay Trên Cổ Thành Quảng Trị” và “Trên Đầu Súng Ta Đi”. Cũng vào thời điểm đó,
không quân Mỹ bắt đầu gia tăng đánh phá Miền Bắc, nhất là vào cuối năm với B 52
trải thảm bom ngay tại Hà Nội, như một áp lực lên đàm phán hòa bình đang diễn
ra ở Paris.
Chiến tranh Việt Nam bước qua một giai đoạn
khác sau khi Hiệp Định Paris được ký kết vào tháng Giêng 1973, nối tiếp là những
đơn vị quân đội Mỹ lần lượt rời VN, và những trao trả tù binh. Tôi có mặt trong
phái đoàn sinh viên tham dự lần trao trả tù bình Việt Nam tại sông Thạch Hãn
vào giữa mùa Xuân 1973. Nhìn thấy trên cả ngàn tù binh Bắc Việt được nuôi ăn
nuôi mặc tươm tất sạch sẽ với xách tay mới trên tay, chỉ để đổi lấy có vài trăm
quân nhân của ta xơ xác, yếu ốm… mới hãnh diện nhìn thấy lòng nhân đạo và tinh
thần đánh giặc cao thượng của VNCH, ngay cả trong cách cư xử với tù nhân chính
trị hay tù binh chiến tranh. Một sự thật mỉa mai sau này tôi mới càng thấm thía
khi ở trong trại tù cải tạo CS.
Tưởng như cuộc chiến sẽ tốt đẹp hơn sau Hiệp
Định Paris. Không ngờ chỉ sau vài tháng tạm yên tĩnh, CS leo thang dấy lại cuộc
binh đao, quyết tâm dồn mọi sức lực tấn công Miền Nam trong tư thế thượng phong
với toàn bộ chủ lực quân vẫn nằm ém tại Miền Nam, chiếm đất dành dân, lợi dụng
thể chế tự do dân chủ của Miền nam để xúi giục các thành phần thứ Ba biểu tình,
các nhóm dân biểu đối lập liên tục gây áp lực đả phá chính quyền, các linh mục
“tiến bộ” như Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ… công khai
gián tiếp nối giáo cho giặc. Chiến cuộc dần xoay chiều và có vẻ bất lợi cho
phía ta.
Chính trong bối cảnh điên đảo này, tôi tốt
nghiệp YK tháng 6, 1973, sau 7 năm miệt mài với sách vở, luôn mang trong lòng một
bầu nhiệt huyết với đất nước, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất cứ nơi đâu, bất
cứ trong vị trí nào khi đất nước kêu gọi. Song song với giấc mơ dài của trai thời
loạn, tôi vẫn giữ kín cho mình niềm mơ ước có ngày tôi sẽ trùng phùng với người
tôi vẫn mãi yêu thương và nhung nhớ, dù cho nàng ở xa ngoài tầm với, như một thôi
thúc diệu kỳ và mãnh liệt không dứt trong tâm tưởng.
Sau 6 tháng làm việc tại trường YK trong bộ
môn giải phẫu, tôi nhận giấy tờ nhập ngũ vào cuối năm 1973 và trình diện vào đầu
năm 1974 tại Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ ở Sài Gòn, nằm ngay đường Tô Hiến
Thành, gần Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa nơi Măng tôi dọn đến từ trường ĐK Huế vào
trong thời điểm của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Vì lứa chúng tôi đã có học qua chương
trình Quân Sự Học Đường trong 2 mùa hè liên tiếp của 1968/69, nên sau khi nhập
ngũ, nhận số quân và trang bị tối thiểu, chúng tôi tự gắn lon Tr. Úy lên 2 cầu
vai và đi thẳng về ghi danh ở Trường Quân Y, theo học khóa 16 YND Trưng Tập gồm
hơn 160 học viên.
Sau vài tuần học tại đây, chúng tôi được
tin Hải Quân VNCH vừa đánh một trận hải chiến với Trung Quốc tại quần đảo Hoàng
Sa vào ngày 19, tháng Giêng 1974. Thêm một lần nữa, lòng yêu nước của chúng tôi
lại có dịp dâng cao hơn. Ngày tốt nghiệp khóa 16 Trưng Tập, vì có chủ ý trước,
tôi chọn Quân Y Nhảy Dù không một do dự, liền ngay sau người bạn thân Bùi Cao Đẳng.
Tất cả chúng tôi gồm 9 người trong đó có 7 BS là Bùi Cao Đẳng, Lê Quang Tiến,
Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Thành Liêm, Nguyễn Đức Vượng, Nguyễn Tấn Cương và tôi,
NS Tùng và DS Khánh, đồng trình diện TĐQYND và theo học khóa Dù cùng lúc với
nhau.
Gần 2 tháng tập luyện, rèn dũa thể xác,
thách thức sức chịu đựng và vượt qua sự sợ hãi tại Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù
với 7 sauts, kể cả 1 saut nhảy đêm và 1 saut nhảy trận với đầy đủ quân trang
súng ống đạn dược, cuối cùng tôi được trao nhận Bằng Dù. Cầm Bằng Dù trong tay,
tôi thật sự xúc động và hãnh diện, biết mình đã qua được một giai đoạn quan trọng
của đời lính chiến trong rèn luyện thể xác vững mạnh, trong chuẩn bị và xây dựng
bước đầu của tinh thần Nhảy Dù Cố Gắng trước mọi hoàn cảnh thách đố cũng như tạo
cho mình niềm tự tin, sự tự hào bắt buộc có của một người lính Nhảy Dù làm nghề
bác sĩ. Hay đúng hơn, của một Thiên Thần Mũ Đỏ.
Chưa kịp ăn mừng với nhau về Bằng Dù gắn
trên ngực ngày hôm trước thì ngay ngày hôm sau, nhóm chúng tôi được điều động
ra Đà Nẵng trình diện Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh SĐ Dù và Th.Tá Trần Đức Tường,
TĐT/ TĐQY ND tại Bộ Chỉ Huy Tiền Phương ở căn cứ Non Nước. Vào đầu tháng 7,
1974, tôi chính thức trở thành một y sĩ tiền tuyến khi nhận lãnh trách nhiệm
làm Y Sĩ Trưởng cho TĐ1ND. Như con chim nhỏ được mẹ dắt dìu chập chững tập những
đập cánh đầu tiên, tôi được TĐ1ND thân ái ôm choàng, che chở và giúp tôi mở rộng
đôi cánh Thiên Thần bay vút vào bầu trời đầy lửa đạn, để từ đó dấn thân vào
chinh chiến cùng với đơn vị lừng danh hàng đầu này trong suốt trận đánh Thường
Đức & Đại Lộc và Đồi 1062.
Trên bước đường chinh chiến với TĐ1ND, tôi
quen dần với những di hành trong im lặng tuyệt đối, quanh co trên các sườn đồi
hay trong rừng rậm, quen dần với những lần dừng quân ngắn, những lần đóng quân
nhanh gọn nhưng an toàn qua đêm, hay những vui đùa với binh sĩ. Tôi cũng quen dần
với mức độ trận chiến càng lúc càng dữ dội, với những trận pháo 130 ly và hỏa tiễn
122 mỗi ngày 3 cử, với những cơn mưa rừng suốt tuần, những ly cà phê pha với đế,
những điếu thuốc chia nhau hút chung và đi ngủ lạnh run với giày saut dưới chân
và áo quần trận ướt trong tư thế sẵn sàng tác chiến bất cứ lúc nào, và quen dần
với những tiếng rè rè suốt đêm của máy vô tuyến, những tiếng lóng truyền tin.
Hoặc phân biệt được hướng của ta và địch, định hướng pháo ta pháo địch, hơi thở
của trực thăng tản thương trong rừng rậm…
Bên cạnh học hỏi thực tế quân sự, tâm hồn
tôi chùng lại khi nhìn ngắm những triền đồi tràn ngập bởi màu tím hoa sim lãng
mạn nhưng đầy nguy hiểm vì địch chôn đầy mìn cá nhân, những ghềnh suối đẹp, những
chùm hoa phong lan màu sắc rực rỡ nở rộ trên cành cao, tận hưởng cái đẹp thiên
nhiên của rừng già nguyên thủy, của đất nước sơn hà…
Đã bao lần tôi đau đớn bó tay trước những
vết thương quá nặng của thương binh, hay âm thầm nhỏ lệ trước những xác chết của
cả quan lẫn quân gói chặt trong poncho nằm hai hàng bên bãi đáp chờ được bốc
đi. Phải có một cái gì linh thiêng, một niềm tin bất khuất, một tình đồng đội
cùng sống cùng chết, cùng tiến cùng lùi với nhau, một tinh thần dũng cảm của Nhảy
Dù Cố Gắng, mới khiến các chiến sĩ ND coi nhẹ thân mình, đội pháo trên đầu liên
tục xung phong hay tạm lùi trước áp lực địch để sau đó phản công như vũ bão
đánh chiếm các công sự địch ẩn núp trên các ngọn đồi, lúc đầu thấp rồi cao dần.
Những ngọn đồi không tên. Những ngọn đồi với con số cao độ vô cảm. Đơn giản thế
đó nhưng là nơi bao thân người nằm xuống! Bao máu chảy thịt rơi!
Tôi rời TĐ1ND vào Sài Gòn trước Tết 1975, lãnh
nhiệm vụ mới làm Y Sĩ Trưởng TĐ15ND Tân Lập. Như định mệnh được an bài,
tôi vui mừng biết gia đình nàng nay cũng ở Sài Gòn. Đúng vào chiều Mùng Một Tết,
hiên ngang trong bộ hoa dù mũ đỏ, và chững chạc trong phong cách, hạnh phúc dồn
dập đến với tôi khi tôi tìm đến thăm nàng tại nhà, sau hơn 3 năm xa cách. Mối
tình tôi từ từ chuyển hướng thuận lợi theo thời gian. Dưới mắt nàng, tôi không
còn là một bạch diện thư sinh mà một con người dày dạn phong sương, tự tin và lạc
quan. Trong suốt cả tháng 2, hầu như chiều nào tôi cũng nhảy lên xe ôm đến thẳng
nhà nàng tiếp tục chinh phục nàng, trao nàng những lá thư tình đậm đà thương nhớ
viết từ trong trại hay từ chỗ hành quân, hoặc trổ tài miệng lưỡi chiếm cảm tình
của gia đình họ hàng nàng, đưa em nàng đi nhổ răng tại phòng Nha Khoa của
TĐQYND, đưa nhau đi ăn hàng quà, kể cả “đi dạo phố mùa xuân” hoặc cùng nhau về
thăm bên ngoại nàng ở Thủ Đức…
Mùa Xuân 1975 là một mùa Xuân thăng hoa
tràn ngập yêu đương của tôi trong niềm vui riêng, nhưng là một mùa Xuân thảm họa
cho đất nước đang từ từ tan vỡ với những di tản chiến thuật, những bỏ ngỏ bỏ của
chạy lấy thân. Những câu chuyện bi hùng tráng của quân và dân từ Cao Nguyên, từ
Miền Trung Huế, Đà Nẵng đến dần Nha Trang, Phan Rang, Xuân Lộc... Những trận
đánh đẫm máu bất cân xứng trong những giờ thứ 25.
Theo thời gian, tình hình chính trị xấu dần,
tình hình quân sự càng bi đát hơn. Dân chúng ùn ùn kéo nhau đổ về Sài Gòn. Người
quyền thế và giàu có bắt đầu di tản ra khỏi nước. Tôi đi vào trận cuối đời
lính của mình thanh thản và hạnh phúc trong sự tuyệt mỹ của tình yêu. Không một
níu kéo vị kỷ, không một đắn đo do dự. Hoàn toàn phó mặc trong tay Chúa. Những
căng thẳng của tuần cuối. Những bồn chồn mất ngủ của những ngày và đêm 27, 28
và 29 tháng 4. Dù vậy tinh thần chiến đấu của TĐ15ND vẫn bất diệt. Cá nhân tôi
vẫn bình tĩnh làm phận sự của mình và vẫn theo sát chân TĐ15, vẫn chiến đấu tại
cầu Bình Triệu, khu nhà thờ Fatima. Cho đến ngày cuối cùng: 30 tháng 4. Giờ cuối
cùng: sau khi được lệnh buông súng. Nghẹn ngào trong sững sờ. Bàng hoàng trong đau
đớn. Xót xa trong tủi nhục!
Chiều cùng ngày, tôi về đến nhà nàng trước
khi về nhà Măng tôi. Như muốn tìm một nơi an ủi duy nhất để bám víu. Với quyết
định không để lạc mất nhau trong những năm tháng đen tối sắp đến, nàng can đảm
nhận lấy tôi, dang rộng tay ôm choàng tôi, che chở tôi khi đôi cánh thiên thần
của tôi vừa sụp gãy, giấc mơ dài bị tan vỡ. Chúng tôi trở nên vợ chồng 3 ngày
sau khi mất nước, trong ngôi nhà nguyện nhỏ tại nhà thờ DCCT ở đường Kỳ Đồng. Một
đám cưới thật đơn sơ chạy tang cho đất nước. Chắt chiu hạnh phúc trong cơn lốc
đổi đời.
Cho dù giờ đây cầu Trường Tiền được chiếu
sáng đèn màu mỗi đêm, hình ảnh chiếc cầu gãy trong Tết Mậu Thân vẫn là một chứng
tích mãi mãi tồn tại trong tim óc những người con Huế! Cho dù các ngôi mộ những
nạn nhân trong biến cố Mậu Thân bị chính quyền mới bắt dời chỗ, thay đổi mộ bia
trong cố gắng xóa đi những bằng chứng phạm tội diệt chủng, ở trong nước
hay hải ngoại, trên khắp thế giới tự do, ngoài những kỵ giỗ vào mỗi dịp Tết
hàng năm, con dân gốc người Huế chọn thêm ngày 23 tháng Năm Âm Lịch mỗi năm,
nguyên thủy là ngày Kinh Đô Huế bị thất thủ vào tay quân ngoại xâm Pháp vào năm
1885, để tưởng nhớ và cầu siêu cho bao ngàn vong linh bị giết hại trong biến cố
Mậu Thân.
Xin thắp những nén nhang cho bao anh hùng
đã gục ngã vì chống trả quân thù trên mảnh đất quốc gia Việt Nam. Cho bao đồng
đội, chiến hữu đã nằm xuống vì Tự Do. Xin tưởng nhớ đến bao triệu sinh linh vô
tội bị giết chết trong cuộc chiến, kể luôn cả hàng trăm ngàn người bỏ xác trên
các đường di tản, vượt biên, vượt biển. Xin dâng lời cầu nguyện cho một Mùa
Xuân vĩnh cữu đến với Việt Nam trong Tự Do, Dân Chủ và Nhân Ái.
Hình ảnh của 41 năm trước và 41 năm
sau
Vĩnh Chánh
Tháng Giêng 2016
Bên bờ hồ Mission Viejo, CA
(1): “Cho Những Người Còn Nhớ Huế”. Tác giả Lê Nhật
Thăng
__._,_.___
Posted by: "Patrick Willay"