From: Minh Pham
Bài rất cảm động! Theo tui nghĩ thì NT đã viết bài này cho Mẹ mình nhưng chắc đây cũng là bài cho hầu hết cho những người Mẹ, người Vợ của những "Người Tù" dưới chế độ CS sau tháng tư đen năm 1975! Xin chuyển đến các Quan, các thân hữu đọc để thấy cái định nghĩa đích thực của hai chữ Thủy Chung, chiều sâu của tình nghĩa vợ chồng, bao la của tình mẫu tử. Đặc biệt sự hy sinh của tác gỉa bài viết, một người chị cả thay Cha, thay Mẹ dìu dắt, dạy dỗ 7 đứa em nhỏ dại trong căn nhà lá ở vùng kinh tế mới, phèn chua hiu quạnh. Đáng phục thay Một người Chị và một người Thầy! Xin chuyển! |
Tùy bút:
KHÉP LẠI NÚI RỪNG
"Con coi chừng em, mẹ đi ..." chỉ nói vỏn vẹn ngần ấy chữ trong nước mắt rồi mẹ tôi
quảy gánh đi ! Một gánh tình đầy ăm ắp, trông sao quá luộm thuộm thế này nhỉ
!?
Dáng người khệ nệ ôm, tay xách, tay mang, khuôn mặt khắc khổ của lo toan bỗng trở nên già nua tột cùng chắc cũng động lòng Trời ? Hai cái bao bố tời, một chiếc thùng giấy, hai giỏ đệm xách tay... thế mà Mẹ tôi đếm đi đếm lại không biết bao nhiêu lần trước khi rời ngôi nhà! Duy nhất chỉ có mình Mẹ tôi biết trong ấy đựng những gì …
Những con ruốc rang vàng thơm tóp
mỡ, muối, đường và lẫn cả những giọt nước mắt âm thầm rơi trong đêm được nén
trong những chai nhựa với kích thước khác nhau, thế là thành một khối ruốc
tùy theo hình dạng của cái chai ! Tình Yêu năm tháng đã ươm vàng con ruốc,
con tim người Vợ ... để mong được vừa khẩu vị Chồng như ngày xưa ...
Thế nhưng, người Vợ đã chăm chút tỉ mỉ từng muỗng muối, gia vị như một
người đang trổ tài nấu ăn trong tháng ngày mới về làm vợ .
Cái sắt son thủy chung
tự thuở nào ...
Gói hết yêu thương của một người gởi
đến một người xa vạn dặm dẫu hương trà không là vị thuốc hồi sinh cứu tử
người Chồng trong cơn đói nghiệt ngã, nhưng "gô" trà sẽ hiện ra
bóng người Vợ tần tảo như tích xưa Nàng hiện ra trong đáy cốc tình ...
Hỡi nguồn nước từ núi
cao, xin hãy xuôi giòng về với người khốn khó trong tù đày, để giòng nước
trong sẽ nuôi dưỡng tấm thân ngày càng lụn bại, để ngụm trà thơm sẽ đem lại
chút hạnh phúc thâm tình chồng vợ, chút ân nghĩa bạn bè phương xa ... Đừng để
giếng cạn khơi giòng chắt chiu miếng nước đục ngầu mà đau lòng ngụm trà buồn
canh khuya .
Hỡi sắt se của núi rừng Việt Bắc, xin hãy dừng lại cái khắc
nghiệt của thời tiết như chút lòng nhân ban cho người trong lao lý khi hai
tay gầy gò ôm "gô" nước trà nóng, miếng cafe ấm bỗng dưng trở lạnh
vội vàng theo cơn rét buốt người .
Ánh lửa tù có đem lại niềm hy vọng cho
ngày thoát cùm gông không hay sẽ dần tàn theo đóm lửa nhỏ từ những thanh củi
lượm mót góp nhặt ?
Đường may có lẽ vụng về khi tuổi
người Vợ không còn đôi mươi như xưa nữa, mắt nhá nhem cố chắp lại cho khít
khao như đem ấm lạnh đến người sống trong núi đá nghìn trùng. Người Vợ vẫn
còn những mấy mươi năm trong lời nguyện ước " Trăm Năm Giai Ngẫu "
thuở nào, thế thì từng mũi kim đâm xé lòng để nguyện cầu người Chồng còn sống
sót đợi ngày về đoàn tụ sẽ thấu được tấm lòng Ơn Trên chăng ?
Trong bao cát ...
Cây kim của người tù như là một dụng cụ của người tiền sử - chỉ cần đâm thủng
một miếng vải thì được gọi là kim ! Người xưa có câu ví von rằng: Có công mài
sắt, có ngày nên kim .
Quả đúng như vậy trong những trại tù ! Họ đã mài sắt
thành kim để khâu khíu lại những mảnh vải mục rách đã từng ngâm bùn, ngâm
nước ướt rồi khô thành quần áo . Gọi là quần áo chứ không có một danh từ nào
để đặt cho "những cái quần, cái ảo" ấy, vì hễ miếng vải nào được
phủ lên thân người thì được gọi là "quần áo" rồi !
Càng nhiều vải
để đắp lên thì càng đỡ lạnh, chỉ đỡ lạnh thôi chứ chưa được gọi là ấm đâu vì
mặc vào rồi để trầm mình xuống nước lạnh thì làm sao mà ấm, thế nhưng trong
đầu vẫn nghĩ "mình có áo", nhỡ ướt rồi sẽ phơi khô được !
Người Vợ vẫn chưa
nói được gì sau hai câu nói của người Chồng, chỉ cúi mặt khóc, rồi lấy tay chùi
nước mắt vội vàng (vì có kẻ canh giữ tù ở hai bên đầu góc bàn "ngăn cấm"
dòng lệ rơi !) .
Như một bi kịch đầy nước mắt, đôi mắt người Chồng nhoà lệ theo đôi mắt người
Vợ, theo từng câu nói của mệnh số dâu bể đổi thay ... Không phải là màn kịch
trên sân khấu mà là sự thật trước mắt mọi người - nơi chốn mà lẫn lộn người
với nhân tính và người vô nhân tính !
Không được khóc - một ngôn ngữ của Sa
tăng dưới tầng địa ngục bỗng dưng trồi lên mặt đất và được lập lại như một
điệp ngữ thể hiện oai quyền !
Vì họ cần
phải sống dẫu cả hai đang rướm máu dưới chân Thánh Giá của quân dữ ...
Thưa không ạ... Vì người Vợ đã trằn trọc từng đêm, rồi khóc khi
không biết chồng mình phải làm cách nào để chịu được cái lạnh của núi rừng
sâu thẳm. Xưa, đan áo len cho tình trong ngọt ngào, diễm phúc; nay, từng mũi
kim đan là gói ghém bấy nhiêu tình nghĩa phu thê trong nghẹn ngào. Đan xong
lại cân xem nặng bao nhiêu vì "người tù" đâu có được nhận quà với
số lượng tự do. Cân hết ân tình nặng tợ thiên kim ấy... cũng đành thôi ! "Anh
mặc vào đi để họ không nói anh đã nhận được nhiều "quà" quá và họ
lấy bớt thức ăn của anh !".
Không ai là tù nhân - như định nghĩa của tù nhân là một
người phạm tội. Ai là cai ngục chốn này? Tất cả những dãy núi hoang trùng
trùng điệp điệp, những ngọn đồi tiếp nối những ngọn đồi, những cánh rừng già
dường như chưa từng có bước chân người đến, những loại cây cỏ chưa bao giờ
thấy được, nhưng có thể làm chết người vì ngộ độc khi đói ăn, những con sông
cạn sâu chỉ có Trời biết, dòng suối chảy xiết dâng ngập đến cổ và lạnh ngắt
làm run rẩy thân tù ... và những con người lạnh như viên đạn giết người!
Chồng mình sẽ biến mất trước mắt của mình... có thể sẽ không bao giờ
được gặp lại sau khi nhìn dáng Chồng đi chầm chậm, không dám ngoái đầu nhìn
lại, rồi khuất dần sau lán trại.
Người Chồng không còn nói được gì nữa, vói
tay xoa nhẹ trên hai đầu vai của Vợ, rồi lặng lẽ quảy gánh lầm lũi bước đi
... Bóng chiều nhòa nhạt và trời bắt đầu sẫm tối . Mọi người đi "thăm
nuôi" lại hối hả quay ngược lại quãng đường mình đã đi qua cho kịp nghỉ
đêm ở một góc nhà trọ, góc rừng thưa nào đó ...
|
||
|
||
Từ lúc bước chân ra khỏi nhà và
nói vói lại một câu: "Con coi chừng em, Mẹ đi ...", tôi chỉ
biết Mẹ tôi đi thăm Ba tôi thôi, chứ không biết đi đâu cả ngoài hai chữ "Tận
Bắc" ! Đi bao nhiêu ngày cũng không biết, có về hay không tôi cũng
không nghe Mẹ tôi nói nữa ... Cái khờ khạo của một đứa con nít, dẫu làm chị
một bầy em 7 đứa thiệt ngốc nghếch làm sao ... Nhưng tôi biết sợ Mẹ tôi không
về hay chết dọc đường ! Rồi chợt nghĩ nếu Mẹ không về thì tôi cho em tôi uống
thuốc rầy chết hết cùng lượt !
Mỗi năm "câu nói khép cửa" ấy của Mẹ tôi lại trở về theo định kỳ vào thời gian gần Tết . Bước đi dặn dò con muôn ngàn chuyện: Coi chừng em chết đuối dưới kinh rạch, đừng để em lùa vịt chạy đồng quá xa, buổi chiều nhớ cột cửa cẩn thận - đến đây thì tôi phải mở ngoặc một chút cho cái chữ "cột cửa". Nhà lá ở quê thì cánh cửa được làm bằng lá chằm có nẹp bằng khung, tối đến chỉ cần cột cái nẹp ấy vào góc cột nhà với một sợi dây dừa là đóng cửa ! Mỗi lần Mẹ đi hay Mẹ về ... đều như một người đàn bà nào rất đỗi khác lạ . Cái khác lạ của thất hồn, thất thần, tâm trí đâu đâu, ốm thêm và thức khuya nhiều thêm, để rồi dẫu có quay lại với cuộc sống thường nhật, dường như người vẫn còn để hồn nơi núi rừng Việt Bắc với ba tôi . Lạ một điều là Mẹ tôi không nhuốm bệnh bao giờ !!!
Cái sức mạnh thiêng liêng của Tình Mẫu Tử và Tình Chồng
Vợ đã vực một thể xác gầy còm đứng vững để chống chèo với bão táp cho tay
nách 8 đứa con và người chồng trong tù ngục. Rồi ngày qua ngày, tuần lễ này
đến tuần lễ khác, tháng năm qua dần với những lo toan cơm áo và thấm thoát 13
năm trôi qua với những ngày tháng nuôi chồng như một thời khóa biểu cố định,
vì vậy, nếu cận Tết rồi mà Mẹ tôi nhìn lại góc nhà - nơi để hai cái bao tải
định mệnh - chỉ lưng lửng bao thì giống như Mẹ tôi hao gầy thêm, xoay đi xoay
lại chỉ muốn cắt xén đầu này, đầu nọ để có tiền mua quà để dành cho Ba tôi .
Ăn gì, mặc gì ở nhà qua loa và qua bữa rồi cũng xong, cây cỏ ngoài vườn,
ngoài ruộng, con cá ngoài sông lạch rồi sẽ lớn dần cho cái ăn ... Bao nhiêu
món ngon - chỉ là dăm ba miếng thịt không có mỡ, thì đã là ngon lắm rồi - cất
dành lại cho vào hủ mắm, từng con cá của vó lưới được chừng gang tay là nỗi
mừng hiện ra trên ánh mắt Mẹ ... Này phần cho Chồng, này phần cho con - còn
Mẹ là phần Vui !
Khi Mẹ tôi đi Bắc lần thứ nhất, tôi ngơ ngác lắm ... đến lần thứ hai thì chợt hiểu ra điều gì trong trách nhiệm của người chị cả ở nhà chăn bầy em ! Đến những lần sau thì muốn đi theo Mẹ, nhưng rồi vẫn nghe lại câu nói quen thuộc: "Con coi chừng em, Mẹ đi ..." và từ đấy tôi khóc khi chợt hiểu tận tường nếu điều gì xảy ra cho Ba tôi và cho Mẹ tôi dẫu bấy giờ không còn là thời của chiến tranh tên bay lạc đạn nữa . Ba vắng nhà, Mẹ tôi làm Mẹ và không có Mẹ ở nhà, tôi là Mẹ của bầy em ! Nhưng đêm về thì tôi rất sợ ... cái sợ vô hình của một người chị gái có những đứa em gái trong nhà mà không có Ba Mẹ thật giàu tưởng tượng . Giữa chốn đồng không mông quạnh, lỡ một người đàn ông nào đó đạp cánh cửa lá chằm để vào nhà thì quả thật là tôi chỉ biết khóc !
Rồi em bệnh, rồi nắng mưa ngoài ruộng,
bên đồng cạn, đồng sâu, tất cả đã làm tôi trở thành người thức khuya đến mòn
mỏi rồi mới ngủ - chỉ để canh cửa không cho ai lẻn vào giữa khuya ! Năm ấy
tôi đã 19 tuổi đầu rồi sao mà còn khờ đến vậy !? Độ tuổi ấy tôi không còn ham
chơi nữa, không có mơ ước nào hơn là được có Mẹ ở bên cạnh để tôi không thấp
thỏm lo sợ từng đêm trong suốt hơn tháng trời Mẹ tôi đi "thăm nuôi"
Ba tôi .
Tuy nói thế, nhưng tôi cũng "gan lì" trong một việc lắm ngộ nghĩnh: Đi chứng giấy "Thăm nuôi học tập cải tạo" ! Cái chuỗi từ ngữ ấy lạ lẫm làm sao, nhưng nó là niềm vui của Mẹ Con tôi . "Tờ giấy phép" ấy ban đầu là một cực hình cho tôi khi phải thức dậy khuya lúc 3 giờ sáng, đi bộ hay đạp xe đạp lọc cọc qua hết mấy mảnh vườn trên những con đường mòn len lỏi bên những bờ ao, gốc chuối để đến văn phòng Xã . Người ta ký giấy phép cho Vợ đi thăm Chồng ! Chuyện lạ trên thế gian nhưng đã xảy ra như chuyện bình thường .
Đôi khi trăng còn treo lơ lửng giữa màn trời trong nửa đêm về sáng
là tôi đã phải đi rồi vì bọn xã chỉ làm việc đúng 15 phút, không giờ giấc cố
định, chúng chỉ ngồi chò hõ trên cái băng ghế gỗ hay ngồi tán dóc ngoài bụi
chuối, lận con dấu trong túi ...
Tôi mà không đi sớm thì sẽ thấy cái nhà
trống không và phải đội nắng về nhà để ngày mai đi tiếp cho đến bao giờ có
được mảnh giấy phép tắc ấy trong tay . Đó là phân nửa đoạn đường của người
Nam thăm tù Bắc, vì nếu không có mảnh giấy ấy thì sẽ không ai mở cửa
"địa ngục" cho mình vào !
Gánh đời, gánh tình trong một nỗi lòng quạnh hiu thế mà Mẹ tôi đã rất vững vàng, can đảm nữa là khác . Người phương Nam, kẻ trời Bắc - lẻ đôi én nhạn thế nhưng nét xuân sắc thuở xưa vẫn còn - Mẹ tôi rất đẹp, nước da đen ngăm đen và hai má lúm đồng tiền đã làm Ba tôi thua cuộc ! Bắt đầu từ cuộc phân ly, Mẹ tôi đã xếp lại những màu áo xưa một thời ... Rồi 5 năm trôi đi, 10 năm thoắt đã bạc trắng tóc xanh thuở nào .
Đôi lúc tôi đã tự hỏi chữ thủy chung
bắt đầu từ đâu trong ý nghĩ của Mẹ tôi để người vẫn còn giữ một kiểu tóc kể
từ ngày lấy chồng vì người chồng yêu thích kiểu tóc ấy mãi cho đến khi nhắm
mắt xuôi tay . Phải chăng bắt đầu từ một lời nguyền của duyên nợ trăm năm hay
vì đàn con khờ dại ? Để từ đó mỗi lần cần "chứng giấy" trên xã, Mẹ
tôi đứng đợi tôi ngoài bụi chuối, chứ không đi vào tận trong văn phòng xã,
nơi có những người đàn ông của kẻ địch trạc tuổi Ba tôi !
Lúc ấy, tôi còn
chưa hiểu điều ấy, nhưng chỉ thắc mắc tại sao, hai Mẹ con phải cùng đi với nhau,
thay vì một mình Mẹ tôi đi là đủ rồi ... Mãi khi lớn lên một chút thì tôi mới
hiểu ra ẩn ý của Mẹ .... ở đời ai biết được chữ "ngờ" , nên chẳng
bao giờ lòng mình không an tâm mà lại bước chân vào !
Trên bước đường vạn dặm
ra Bắc cũng vậy, lúc nào cũng có một đứa em trai của tôi đi theo cùng . Khổ
cực nhất là thời gian đi buôn tuyến đường dài ... buôn lậu gạo, đường ...
cũng lại dắt theo đứa con trai lớn nhất của Mẹ ! Chữ sắc hương của một thời
hương sắc dẫu đã tàn phai, nhưng vẫn còn nét chấm phá của nhan sắc đâu đấy
...
Rồi nhan sắc ấy lầm lũi giữa dòng đời trong những buổi chợ sớm trưa, những sớm mai qua bắc trên giòng sông đầy lục bình ... nổi trôi bềnh bồng, những chiều hoàng hôn tắt nắng vội vã về với bầy con, Mẹ tôi đã hóa thân thành một Cái Cò lặn lội. Gánh gạo trong Ca dao tích xưa nay đã thành hiện thực . Để nuôi con - Mẹ tôi đã tảo tần buôn bán, bán tất cả những món gì được bày bán giữa chợ:
Từ những con cá vó lưới, xúc tép, xúc mòng, dăm ba mớ rau xanh non
mởn trong vườn nhà người, bó lá dừa, bó lá chuối khô, đến gánh cơm tấm, gánh
xôi ... Cái bếp trong nhà đã trở thành "giang san" của người chị cả
đóng vai người Mẹ và Mẹ tôi đã lăn lộn với cái bếp ngoài chợ ! Nồi niêu,
soong chảo, củi, lửa, chén, tô, đũa từ trong bếp nhà đi theo cái đòn gánh với
Mẹ tôi từ tờ mờ sáng đến khi chiều tắt nắng mới về ...
Bao nhiêu mưa nắng tháng ngày đã làm phai nụ hương ấy - cũng đành ! Nét mày vòng nguyệt của phấn son nay đã chìm theo mệnh nước, thay vào đấy là dấu chân chim bắt đầu hằn lên khóe mắt . Bao nhiêu vụng về trong những bữa chợ đắt, ế hàng rồi cũng qua đi ... chỉ còn lại tấm lòng vô biên của người Mẹ "Chạy Chợ Nuôi Con" ! Mẹ tôi bán món gì, chúng tôi được ăn món ấy, có khi là dĩa cơm tấm nóng hổi đầu tiên, lắm lúc lại là miếng xôi khô khốc cuối cùng . Con nít mà, rồi cũng quên đi miếng ăn trong cái tuổi ngây thơ ấy !
Gót chân hồng
của thời con gái Mẹ tôi đã nứt nẻ lằn ngang dọc, bàn tay khô sạm nắng - Tình
Mẫu Tử cao vời quá, biết nói sao cho vừa, không ngôn từ nào đủ diễn đạt, chỉ
có Trái Tim luân lưu giòng máu ấm sẽ bày tỏ được điều ấy chăng ... để tôi có
cảm tưởng rằng Mẹ tôi là người buông bắt kế sinh nhai thật tuyệt vời !
Tựa
như mỗi ngày trong đầu Mẹ tôi chỉ nghĩ đến việc: Làm sao có đủ tiền nuôi con
!? Lũ con dại quá, chỉ biết ngồi nhà ngoan ngoãn chứ không phụ với Mẹ một tay
được, đứa nhỏ nhất chỉ mới 6 tuổi mà, biết làm sao hơn ? Có lẽ đã có những
giọt nước mắt thầm trong những buổi chợ chiều ế ẩm, trong những lần gánh về
nhà "số tiền lời hàng họ còn lại trong phần cơm ế " hay biết đâu
những nỗi vui ngập tràn khi được trở về nhà sớm với con vì bán đắt . Bán hết
hàng - xong gánh nợ trần ai của một ngày là Mẹ tôi quay về lại mái ấm của lũ
chim há mỏ chờ mồi !
Ngày rồi qua, đêm về, cõi lòng vọng phu trong đêm trường lặng lẽ ngóng trông, hy vọng, khẩn cầu Ơn Trên mọi điều bình an cho Chồng . Anh sẽ phải về với Mẹ Con em vì em cần anh, con cần anh - xin hãy ráng sống để còn có Ngày Trở Về ... Xin hãy vì Con, vì Em ... Em chỉ có thể thay anh, một điểm tựa vững chắc, một chốc lát thôi, chứ em không thể làm Ba thay anh mãi mãi được !
Một chốc
lát ấy đã là 13 năm trường ... ai có ngờ đâu ... Nếu ngày Ba tôi ra đi dặn
rằng: Ba tôi đi chốc lát về thì chắc là lòng tôi sẽ nghĩ như thể là dăm ba
bữa Ba tôi đi hành quân theo mấy bác, mấy chú trên đoàn công voa bụi mù trời
!
Chuyện xưa, Người Vợ Vọng Phu hóa đá với núi non, tô điểm thêm cho giang sơn gấm vóc và minh họa nên câu thủy chung vẹn nguyền; chuyện nay, biết bao nhiêu tấm lòng Vọng Phu khi tàn cuộc binh đao ? Phải chăng người phụ nữ là người mà Thượng Đế ban cho một đặc ân như là thiên chức - sinh những đứa con trai cho xã hội, dâng hiến con mình cho nước non trong thời chiến chinh, rồi ngóng Chồng, ngóng Con trở về suốt hết một quãng đời xuân sắc ? Dường như điều bất công ấy chỉ có thể trao cho phận liễu yếu gánh vác ? Bởi vì họ chịu đựng hai chữ "Gánh Gồng" bằng trái tim của riêng mình . Mẹ tôi đã "làm Ba", làm người kiếm tiền ngoài xã hội nuôi gia đình như ngày Ba tôi còn ở nhà. Tấm áo, miếng bánh cho con đã là niềm vui hàng ngày của Mẹ tôi khi nhìn thấy chúng tôi xúm xít nhau khen ngon đáo để - thời buổi miếng thịt nạc chút mỡ còn sót lại bên cạnh cọng sườn heo già hay cái đầu tôm xuất khẩu không được đã là những món ăn thèm thuồng của lũ trẻ !
Tôi
biết Mẹ tôi khóc khi ngồi ướp thịt sườn nướng cho khách bên gánh cơm tấm, vì
trong lòng nghĩ con mình gặm xương sườn mà chúng còn mừng đến chừng đó ...
nên Mẹ đã ướp gia vị cho những cọng sườn thật ngon tuyệt . Thơm và quyến rũ như
thịt sườn thật sự !
Chúng tôi mút mút cái mằn mặn của muối đường, hành tiêu
bám cọng sườn rồi lùa cơm ngon lành ...Còn Mẹ tôi ăn gì ấy hả ? Miếng cơm
cháy dưới đáy nồi cơm tấm trước khi quảy gánh về nhà ... Mẹ ăn cơm no rồi,
các con ăn đi ! Một chữ NO đoạn trường, Mẹ ơi ....
Ngày mưa, chiếc nón lá và manh áo tơi sũng nước, nhưng gánh cơm ráo hoảnh, rồi Mẹ đặt gánh xuống lề đường khấn Trời "Xin cơn mưa nguôi tạnh cho con bán hết gánh cơm nuôi con" .
Ngày nắng, lại lạy Trời cho ông bớt nắng để
miếng thịt nướng của Mẹ không khô - Trời cũng chiều lòng Mẹ vô cùng, khách
ghé ăn cơm sáng điểm tâm, rồi mua về cho cơm trưa vì thương Mẹ, thương bóng
nắng trên đỉnh đầu Mẹ, thương giọt mưa trút xuống bàn ghế khách ngồi ăn và Mẹ
vội vàng lau khô vì sợ khách bỏ đi (chứ ai lại ăn cơm tấm cho hai buổi như
thế bao giờ ! ) . Nụ cười má lúm đồng tiền của ngày xưa thời con gái và của
một thời làm vợ nay trao lại cho người đời thay cho lời cám ơn khi nhận tiền
từ khách mua cơm .
Ngồi trên bàn ghế với gánh cơm xong Mẹ tôi lại có lúc ngồi bệt dưới đất với từng chiếc bánh bông lan làm tại chợ ! Thế là cà ràng, ông Táo, than và khuôn bánh lại bôn ba theo mệnh người . Chiếc bánh vàng ươm hay khét lẹt là tất cả nỗi buồn vui hàng ngày của Mẹ con tôi - nhất là những lúc khách mua đến đặt hàng cho quả bánh cưới vào độ cuối năm . Một quả bánh cưới ở nhà quê có thể sắp chừng chục bánh thuẫn hay 40 bánh bông lan nho nhỏ .
Họ đến đặt quả bánh rồi
quày ra chợ đi mua sắm và trở lại nhận quả . Bao nhiêu ngày tốt lành trong
tháng Mẹ tôi đều lật lịch Tam Tông Miếu xem trước cả ! Bao nhiêu đám hỏi, đám
cưới trong vùng Mẹ tôi đều đoán trúng phóc. "Hôm nay sẽ bán đắt" và
chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng tươm tất để chạy đua với những con đò sang sông từ
khách hàng đặt quả bánh .
Đò chạy là khách chạy theo đò và Mẹ con tôi chạy
theo khách để hối "ông Táo" nướng bánh cho giỏi ! Tội nghiệp ông
Táo bằng than chứ đâu phải bằng điện đâu mà hối ... và cũng thấy thương cho
hai cánh tay đánh trứng, bỏ đường, bỏ bột cho khéo từ 5 giờ sáng đến chiều
tối . Thời ấy, chiếc máy đánh trứng là một món hàng xa xỉ phẩm, nên người làm
bánh đều làm bằng tay hết cả .
Một đứa con gái như tôi chỉ giỏi nhảy dây, nhảy cò cò, chơi u mọi ... thì chuyện làm bánh nghe như "huyền thoại" ! Ấy thế mà, tôi là người đánh trứng và Mẹ tôi là người nướng bánh đấy. Mỗi ngày đánh chừng 200 cái trứng vịt, ông Táo cũng phát sợ cho cái lò nóng hực than từ sáng sớm đến khi Mẹ con tôi dọn hàng .
Con gái người ta " 17 tuổi bẻ gãy sừng trâu"
ở đâu không biết, còn ở tuổi 17 của tôi đánh nổi được chừng ấy trứng đã là
một kỳ công hiển hách lắm rồi . Miếng cơm, manh áo và nhất là tình thương Mẹ
đã dạy tôi biết phải làm sao để phụ Mẹ - biết cách chọn trứng mới qua cách
nhìn trứng dưới ánh sáng mặt trời và mua trứng to qua nắm tay của tôi, chọn
bột mì xốp (nắm một nắm bột trong tay, rồi buông ra bất ngờ, nếu bột rơi lả
tả xuống là bột tốt, còn bột dẻ dặt hay dính lại trong tay là bột bị pha bột
xấu), nhen lửa than sao cho nhanh và vừa đủ một khuôn bánh !
Nói dễ đấy,
nhưng làm thì như thể là làm bài thi trong trường học ! Tôi đã rời trường học
để bước xuống trường đời (chứ không phải bước ra trường đời), nên mọi thứ đều
học nên từ thất bại mà thành - dẫu sao bên cạnh tôi, tôi còn có Mẹ trong lăn
lộn giữa cơm áo chợ đời .
Nơi người một phụ nữ luống tuổi, làn da nơi cổ và bàn tay xác định được nét thời gian đi qua cuộc đời người phụ nữ ấy - hai điều này không thể dấu hay xóa đi bằng mỹ phẩm được, dấu chân chim nơi đuôi mắt thì mỹ phẩm có thể xóa đi chút đỉnh). Bàn tay của Mẹ tôi hằn rõ nét nhất với những đường gân của bưng, xách, gánh, gồng khi da tay đã được "nung" dần với nhiệt độ nóng mỗi ngày một chút, từ bữa cơm cho hạnh phúc gia đình đến việc buôn gánh bán bưng, mọi thứ của cái trần trụi nắng mưa . Xưa trong dòng sữa ấm của Mẹ, Mẹ ôm con và cho con bú no đủ rồi con khôn lớn; nay giữa giòng đời, Mẹ ôm con dại bằng hai bàn tay gân guốc, đen sạm ấy cho con trẻ cảm thấy yên lòng "Có Mẹ bên con".
|
No comments:
Post a Comment