Niềm Tin: Chìa
Khóa Cải Thiện Xã Hội
Phương Tôn
Đọc lại bài “Những
lời khuyên của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma” của Albert Link, bài đăng bên cạnh những
bức hình hở hang của các cô gái trẻ đẹp vẫn không làm tôi khó chịu, ngạc nhiên
mà lại làm tăng thêm niềm cảm phục lâu nay tôi đã dànhcho Ngài, người được xem
là vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo ngày nay.
Không có gì ngạc nhiên khi Albert Link, một cây viết hàng đầu của những tạp chí, những tờ nhật báo uy tín tại Đức, cùng Ngài cách đây gần một thập niên lại chọn tờ báo „Bildzeitung“ để phổ biến những tư tưởng của Ngài. Tờ báo này vốn được xem là báo “lá cải” chỉ dành cho giới thợ thuyền, lao động đọc. Thật là thích thú khi thấy những lời khuyên nhủ của Ngài được đăng trên tờ báo này, thích thú vì đây mới chính là „cái kiểu Đạt-Lai Lạt-Ma”: Khôn ngoan, bình dị. Còn cách nào khôn ngoan hơn để xâm nhập sâu rộng vào quần chúng hầu có thể truyền bá những tư tưởng yêu thương đồng loại bằng cách trực tiếp đi vào giới lao động? Vậy nay bài viết của Ngài được đăng bên cạnh hình ảnh những cô gái ăn mặc hở hang, thì có chi để làm cho mình khó chịu? (Đọc đến đây biết đâu có người lại la toáng lên, như thế là nhục mạ vị lãnh đạo tinh thần của Phật Giáo!) Câu nệ chi những chuyện đó, cái chính là làm sao cho người ta dễ đọc để nhận chân ra đâu là lẽ phải.
Không ngạc nhiên, khi bài viết của Ngài thật dễ hiểu. Khác với hiện tượng “chưa tu mà đã hóa thành Phật” của một số người sính chữ hiện nay, hễ mở miệng là “chữ nghĩa Phật Giáo” cứ tuôn tràn như nước chảy. Ngài dùng chữ thật đơn giản, viết mà như nói chuyện cùng bạn bè anh em. Ngài không có nhu cầu chứng minh trình độ tu chứng của mình mà chỉ mong ai đọc cũng có thể hiểu được để sửa đổi hầu giúp cho cuộc đời tươi vui hơn và thế giới nhân ái thêm mà thôi.
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma tạo được „Thương hiệu“ riêng đó là không câu nệ những gò bó được đặt ra. Như từng xảy ra tại thủ đô Berlin, đang khi là khách danh dự của Đại hội người Thiên Chúa Giáo, Ngài rời khán đài xuống ngay trên đường phố nắm tay ca hát nhảy múa cùng các thanh niên thiếu nữ đến tham dự đại hội. 20,000 thanh thiếu niên vỗ tay tán thưởng Ngài như là những sao thần tượng nhạc của họ. Thanh niên thiếu nữ cùng ca múa xem Ngài như là người bạn lớn tuổi. Cũng với kiểu cách bình dị đó, tại Central Park New York Ngài đã từng được 40 000 người chào đón như một ngôi sao trong làng nhạc Rock. Ngài được chào đón vì giới trẻ tin rằng, Ngài thích đến với họ chứ không phải đến để làm „màu“.
Các chính trị gia, các nhà trí thức, khoa học gia, doanh nhân, nghệ gia danh tiếng tầm cỡ trên thế giới cũng yêu chuộng, thích thú được đón tiếp Ngài bất chấp áp lực, chống đối từ nhà nước Bắc kinh có quan điểm „Bạn của kẻ thù, là kẻ thù của ta“. Mến mộ Ngài họ chỉ „mất“ chứ chẳng được lợi chi. Những cánh cửa quyền lực mở rộng đón tiếp Ngài dù rằng họ biết chắc rằng, Ngài không mang đến lợi nhuận kinh tế, chính trị mà chỉ đến với nụ cười thân thiện, chân thật.
Có thể nói Đức Đạt-Lai Lạt-Ma là một trong những người hiếm hoi trên thế giới hiện nay được chào đón, mến mộ từ mọi tầng lớp xã hội, từ mọi khuynh hướng chính trị tại Tây Phương và từ mọi Tôn giáo. Vậy thì Ngài đã làm gì để được yêu, mến chuộng như vậy, cái mến mộ mà hầu như mọi vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo, lãnh đạo quốc gia đều ao ước mà không đạt được?
Thiện cảm của thế giới dành cho Ngài không phải tự nhiên mà có mà là một quá trình „Gieo nhân lành, gặt quả tốt“. Ngoài những tố chất đặc biệt như thông minh, tài thuyết phục, người ta đến với Ngài là do niềm Tin. Đến với Ngài để được nghe những lời khuyên chân thành chứ không phải là những lời sáo ngữ. Người ta biết, Ngài sống sao thì nói vậy. Người ta tin tưởng vào Ngài vì biết lời nói của Ngài phát xuất từ một con người sống theo phương châm „Chỉ nói những gì đã làm, và phải làm những gì đã nói“.
Cũng với phương châm đó, khi nhận ra những đòi hỏi cần thiết của thế giới ngày nay: “Hiện chúng ta đang thiếu sự yên tĩnh trong tâm hồn, thiếu bình yên và thiếu những cảm giác hầu có thể làm cho thế giới này tươi đẹp hơn” và để góp phần vào việc cải thiện thế giới Ngài không hô hào chiến lược mới, một tư duy chính trị mới mà thật là đơn giản, Ngài kêu gọi những người làm chính trị phải giữ Chữ Tín làm đầu. Đừng hứa hẹn suông mà phải cố gắng thực hiện cho được những gì mà họ đã hứa hẹn với quần chúng. Thế giới thay đổi ngay từ chính mình.
* * *
Gửi đến những chính trị gia
Bất kỳ một xã hội nào cũng có những chính trị gia phù hợp để sinh hoạt cùng nhân dân. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã nhận ra, nếu như một xã hội chỉ nghĩ đến tiền bạc và quyền lực thì cũng không có gì lạ khi xã hội này đã nảy sinh ra số chính trị gia tham nhũng thối nát.
Thói thường các nhà làm chính trị thì lại hay hứa hẹn hầu kiếm phiếu của cử tri. “Các ông bà sẽ thấy, tôi sẽ làm cái này, tôi sẽ thực hiện cái nọ”. Theo ý tôi, nếu như các ông bà chính trị gia này muốn được người dân xem trọng tín nể thì họ nên thành thật, họ chỉ cần chứng minh bằng hành động thì ai ai cũng kính nể yêu thương họ.
Nếu đã một lần hứa mà không thực hiện được thì hãy đừng lấy làm lạ khi người dân tỏ ý khinh bỉ mình. Thành thật là một cá tính căn bản quan trọng. Trong thời gian hiện nay, lúc mà lực lượng thông tin qúa mạnh, họ sẵn sàng phơi bày những hành động của những nhân vật quan trọng trong chính trường ra trước công luận, thì không gì tốt hơn hết cho nhóm người chuyên làm chính trị này là phải thành thật- thành thật với chính mình và hãy thành thật với cử tri.
Một khi ta đã chứng tỏ lòng thành của mình, thì tất cả những người thích thú với đường lối chủ trương của chúng ta đưa ra, sẽ ủng hộ rồi góp tay giúp sức hết lòng cùng chúng ta.
Một khi ta chỉ hứa và hứa nhưng đến kỳ bầu cử kế tiếp, những lời hứa hẹn của ta không thể thực hiện được thì khi đó cái giá mà chúng ta phải trả mới thật là đắt: Cử tri không còn tin ta nữa. Những hành động hứa hẹn vu vơ cho có như vậy không những là thiếu đạo đức mà còn được xem là ngu xuẩn. Tại sao ta lại phải cố gắng thật nhiều để làm gì một khi ta lại không lọt được qua cuộc bầu cử kế tiếp?
Một khi bạn đã đạt được quyền lực trong tay, bạn phải suy nghĩ thật chính xác, không những về những gì bạn thực hiện, mà ngay cả cho những tư duy của bạn. Khi bạn là ông bà bộ trưởng, là vị Tổng Thống hoặc là vị lãnh tụ đầy quyền lực, bạn sẽ được mọi phía đón chào, suy tôn. Bạn là người có nhiều ảnh hưởng quan trọng, chính tại vị trí đó bạn phải đặc biệt chú ý đến những tư tưởng và mục tiêu của bạn. Nếu không, sợ rằng bạn sẽ gặp phải mối nguy là đánh mất ra khỏi tầm mắt, sứ mạng cao cả mà người dân giao phó cho bạn. Thật là dễ hiểu: Cứ có càng nhiều người bảo vệ thân mạng cho mình, thì mình lại càng phải tự bảo vệ canh chừng tư duy của mình.
Có rất nhiều người, trước khi đắc cử thì họ có nhiều tư tưởng sáng tạo trong sáng, mong được phục vụ người dân. Nhưng đến khi được khoác cho chức vụ quan trọng nào đó thì họ lại tự thỏa mãn với chính mình và quên đi những mục tiêu mà mình đã từng tự đề ra.
Họ tự xem mình là người tốt, là người chuyên chăm lo và bảo vệ người dân. Họ cho rằng, đã phục vụ nhân dân tốt đẹp, nên dần dần họ tự cho mình cái quyền được hưởng những gì mà họ nghĩ là họ có quyền được hưởng, bất kể hậu quả. Đây chính là những người đang dần bước vào hàng tham nhũng.
Một khi chúng ta bắt đầu có quyền lực và ảnh hưởng, chúng ta phải cẩn thận gấp hai lần bình thường.
Ngày hôm nay người dân đã mất dần lòng tin dành cho những chính trị gia. Đây là điều đáng buồn. Rất nhiều người lại cho rằng chính trị là “lối làm ăn dơ bẩn”. Sự thật thì chính trị không có gì gọi là dơ bẩn. Chẳng qua, con người đã làm cho nó dơ bẩn đi mà thôi. Cũng giống như, ta không thể kết luận hàm hồ là một tôn giáo nào đó, ngay từ bản thân của nó là xấu xa, chẳng qua là thỉnh thỏang cũng có những tín đồ lợi dụng, làm mất lòng tin của người ta dành cho tôn giáo đó mà thôi.
Chính trị chỉ bắt đầu trở nên dơ bẩn khi nhà chính trị bắt đầu có những hành động thiếu đạo đức. Điều này gây ảnh hưởng không đẹp cho chúng ta, vì rằng các chính trị gia được xem là khuôn mẫu cho người dân, là những gì không thể thiếu được. Nhất là trong thế giới dân chủ, chúng ta cần có những chính trị gia và những đảng phái chính trị được chúng ta tôn trọng.
Để giảm bớt trách nhiệm cho các nhà chính trị, là người dân, chúng ta không được quên rằng: Xã hội tạo nên các nhà làm chính trị. Một xã hội chỉ nghĩ đến vật chất và quyền lực, không lo lắng cho đạo đức tâm hồn thì cũng đừng lạ khi lại có quá nhiều chính trị gia xấu xa hư đốn. Khi đó ta cũng đừng xô đẩy trách nhiệm đến cho một mình họ.
Nguồn: “Những lời khuyên của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma” bản dịch Việt ngữ của người viết
* * *
Chữ Tín không những chỉ nâng cao nhân cách con người, không những cần thiết trong sự giao thiệp thường tình với mọi người, mà còn là cái không thể thiếu khi hoạt động chính trị. Không có bất kỳ sự biện minh nào có thể bào chữa cho sự bất tín. Một khi không thành khẩn với dân, lừa dối dân thì đừng nên chờ đợi người thuận theo và sẵn sàng hy sinh cho mình khi cần.
Tạo niềm tin, giữ được chữ Tín đối với quần chúng là việc khó khăn nhưng dù sao khi thực hiện được người làm chính trị vẫn có được cái lợi, họ được quần chúng tin tưởng, được khen ngợi, tiếp tục được giao phó trách nhiệm. Giữ và hành những lời hứa cho chính mình mới là chuyện khó hơn, động cơ thôi thúc là chính mình chứ không phải là ngoại giới, chẳng được ai khen thưởng biết đến. Nhưng đây chính là điều kiện thiết yếu cho người làm chính trị hay các vị lãnh đạo tinh thần. Giữ chữ Tín cho chính mình như chuyện ngày xưa, thầy Đường Tăng đi qua Ấn Độ để thỉnh kinh Phật. Thầy phải một mình một ngựa vượt qua sa mạc Gobi thuộc Mông Cổ. Sau một ngày đường đi được chừng trăm dặm, thầy lạc lối trong sa mạc Gobi, lại hết nước uống. Thầy quay ngựa trở lại đường cũ tìm người xin nước. Nhưng đi trở lại thầy bỗng hối hận, nhớ lời phát nguyện: “Nếu chưa đến được Tây Trúc (Ấn Độ) thì dù chết cũng không quay trở lại.” Thế là thầy quành ngựa tiếp tục đi, bất chấp người và ngựa khát khô trên sa mạc. Thầy giữ được chữ Tín với chính mình và cũng nhờ vào đó mà về sau người đời mới có một Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang. Giữ chữ Tín cho chính mình luôn luôn có giá trị dù ở một nền văn hóa nào, bất kỳ thời gian nào và dù ở Phương Đông hay Phương Tây chăng nữa, vẫn không khác nhau. „Tự mình hứa điều gì mà không giữ được là con đường kế tiếp để trở thành con người vô gía trị và không có tính cách“ như Friedrich Hebbel nhà thơ người Đức đã từng nói ngay từ thế kỷ 17.
Muốn xây dựng một xã hội lành mạnh trước hết phải biết hướng xã hội đến cái Thiện mà ở đó niềm tin, tạo nên chữ Tín, phải trở thành kim chỉ nam trong các quan hệ ứng xử ở mọi lĩnh vực. Niềm tin là chỗ dựa, là động lực tinh thần cho mọi sự ổn định và phát triển. Nếu không có niềm tin sẽ không có sự cộng tác, hợp tác tin cậy và chặt chẽ để tạo nên sức mạnh chung cho xã hội.
Phương Tôn
No comments:
Post a Comment