From: <ngontdanang>
Date: 2013/12/8
Subject: Cõi Chết Không Buồn
Cõi Chết Không Buồn
Xin thưa ngay cùng các bạn, tôi là một người đàn ông có một cuộc sống đầy
đủ và hạnh phúc, từ lúc thiếu thời cho đến khi kể cho các bạn nghe câu tự
chuyện có vẻ huyền bí này. Nhưng thực sự, tất cả đã xảy ra mà diễn tiến đúng
như những gì tôi sắp kể, không hề có ý bớt, đặt điều.
Các bạn tin hay không tin, cũng không phải là điều thật sự cần thiết, vì
ý của tôi là chỉ muốn được có cơ hội nói ra tất cả những cảm giác khác thường
của một người đã chết đi sống lại trong một khoảng thời gian khá dài ngay tại xứ
sở được tiếng là văn minh tiến bộ nhất này, mà đối với lý luận khoa học, chưa
bao giờ có sự thừa nhận chính thức, cho dù chính mắt họ là những người đã có
mặt bên cạnh tôi từ khi tôi được đưa vào bệnh viện cho đến khi tôi được các bác
sĩ khám nghiệm chứng nhận đã sống lại và đã trở về sinh hoạt như bao nhiêu
người bình thường...
Chưa hết, còn chính mắt bè bạn, thân nhân vợ con tôi là những nhân chứng
sống nữa cơ mà. Tất cả, họ đã chứng kiến tận mắt và vẫn đang hiện diện nơi đây.
Tôi chắc họ cũng chẳng ngại ngùng gì để sẵn sàng làm chứng cho điều tôi tự
thuật về "một lần ra đi và một lần trở lại" của một xác chết hồi
sinh, trở lại sống kiếp người bình thường...
Sáng hôm ấy là ngày sinh nhật thằng con út của tôi. Mẹ nó và con chị,
cùng với cả các bác các anh chị cô chú trong gia đình nội ngoại của chúng tôi ở
đây, từ cả tháng trước đã sắp đặt một chương trình vui chơi cho nó. Xem vậy mà
tôi chỉ là một nhân vật phụ trong những dịp tổ chức như thế này trong gia đình
cho nên tôi chỉ cần thi hành đầy đủ những gì mà vợ con tôi đề nghị. Quan trọng
nhất là việc làm tài xế lái xe cho mẹ nó và hai cháu. Muốn đi đâu họ cứ việc
nói, tôi chở đi ngay, còn bao nhiêu chuyện khác, mọi người đã sắp đặt toan tính
đâu vào đó cả.
Nhiệm vụ "then chốt" của tôi chỉ có vậy, cho nên, cá nhân tôi, tự
nhiên được nhờ ơn vợ con họ hàng, các anh các chị thương yêu "kẻ sĩ",
đâm ra sung sướng, chẳng phải quán xuyến chuyện gì. Mỗi khi có hội hè đình đám
trong gia tộc là tôi cứ lè phè, không bị mệt đầu óc tính toán này kia. Muốn đi
đâu làm gì tùy ý với cái máy gọi (pager) phải luôn luôn mở (turn-on). Và như
thế, bổn phận tài xế của tôi, nhất thiết, không thể lơ là. Lý do cũng dễ hiểu
vì các con còn bé, vợ tôi thì suốt gần 20 năm làm bạn với màn ảnh computer ở sở
cũng như ở nhà nên đôi mắt nàng có đẹp và quyến rũ thật nhưng lại bị cận thị
quá nặng nề nên thời tiết và ban đêm mà bảo nàng lái xe đi đâu, kể như ... xúi
trẻ con đi ăn cướp nhà băng ở đất Mỹ.
Lễ sinh nhật của thằng con tôi được mẹ nó, các bác các cô, các anh chị nó ấn
định vào cuối tuần để cho mọi người trong nhà có thời giờ đến tham dự vui chơi
ăn uống, đánh bài "mà chược", "xì phé", ca hát
"karaôkê". Buổi sáng thứ bảy đó, giống như bao nhiêu vụ hội hè đình
đám gia tộc chúng tôi đã làm như một thói quen không bao giờ thiếu ở xứ Mỹ này,
điện thoại trong nhà gọi đi order thức ăn ở nơi chuyên làm thức ăn đãi tiệc, có
lúc chuông reo inh ỏi của các chị em bạn gái trong nhà gọi đến từ những vùng
lân cận, chẳng có lúc nào ngưng, đường dây cứ thế mà bận liên tục...
Dù tôi không có nhiệm vụ phải dậy sớm cũng không thể nào ngủ nướng thêm
được với một buổi sáng rộn rịp như thế này, đành phải ra khỏi cái giường êm ấm.
Định gọi một anh bạn thân, xuống cái quán quen ở khu Bolsa uống cà phê tán láo,
cũng không thể xen vào "đường dây điện thoại đỏ" đang được vợ tôi và
các cô em xử dụng liên hồi.
Tôi chẳng lấy thế làm phiền não về chuyện này giống như tôi đã từng không
phiền não trước hàng trăm thứ chuyện xảy ra hàng ngày trên đất Mỹ, bèn ra phòng
ăn cầm ly cà phê sữa còn ấm vợ tôi đã pha sẵn, rồi tôi lững thững với gói thuốc
lá bước ra sân sau, chỗ cái bàn bằng nhựa trắng ngồi uống cà phê một mình, ngắm
khung cảnh ẩn hiện qua làn sương mai ở dưới cuối chân đồi đang được ánh nắng
đầu ngày điểm cho một màu vàng trác tuyệt.
Trước khi tới cái bàn nhựa kê ở góc sân, tôi đảo bước chân theo thói quen
dọc theo con suối nhân tạo mà tôi đã mất nhiều tốn kém và công phu thuê mấy
người "Landscaper" (thợ làm cây cảnh cho tư gia) đến xây dựng cho, từ
ngay khi chúng tôi mua căn nhà giá cả khá cao nằm trên đỉnh đồi này, nên trong
khuôn viên sau căn nhà chúng tôi có một khung cảnh tương đối sang trọng nên thơ
và đẹp mắt với một hòn non bộ đầy màu sắc, các loại cây cảnh Trung Quốc xỏa
tàng lá đó đây bên dòng suối quanh co nước chảy róc rách với lũ cá cảnh xanh trắng
đỏ vàng, chung quanh khu vườn đầy hoa tươi rực rỡ.
Tôi bước trên những phiến đá gập ghềnh còn đọng ướt, trơn trợt sương đêm. Bỗng
nhiên bàn chân trái của tôi vô ý bước lọt vào giữa hai cục đá, ly cà phê bên
tay trái, gói thuốc lá và cái bật lửa bên tay phải của tôi bất ngờ bị hất tung
lên trời, cả người tôi mất thăng bằng ngã ngang trên con suối nhỏ mà bờ suối
không quá rộng, ở bên kia cũng có những cục đá xếp lô nhô lên như chờ đợi đón
lấy các đầu của tôi sẽ đập xuống một cách vô tình chưa đầy một phút đồng hồ.
Tôi nghe một tiếng rầm thật to, thật vang động trong đầu tôi rồi không còn biết
gì ở thực tại mà tôi vừa hiện diện nữa.
HỒN LÌA THÂN XÁC LẨN QUẨN BÊN VỢ CON
Người tôi ngay sau phút ấy không còn trọng lực nữa, tôi nghe nhẹ hẩng
trong không gian, việc xê dịch, đi đứng khoan thai thật thảnh thơi dễ dàng,
không còn chút trở ngại nặng nề cùng với một cảm giác lâng lâng hạnh phúc. Từ
một khoảng 180 độ đằng trước mặt, tôi có thể nhìn rõ tất cả những gì hiện ra
trước mắt.
Nhưng 180 độ phía sau lưng, mỗi khi ngoái đầu nhìn lại, tôi chỉ thấy một
vùng sương trắng dầy đặc, không có bất cứ vật thể gì. Tôi còn nghe được rõ ràng
mọi người đang nói chuyện với nhau lao nhao láo nháo hết sức ồn ào. Vợ tôi đang
cuống cuồng trả lời những gì các ông bà Mỹ đến lập thủ tục, điều tra. Thường
nhật nàng vốn là một phụ nữ có đầy nghị lực, không khóc lóc dễ dàng, nhưng
giọng nói và tia mắt lúc này thì quá đỗi phiền muộn, trông thật là tội nghiệp.
Hai đứa con của tôi thì vô cùng thê thảm, chúng quấn quít bên cạnh cái xác của
tôi giống như lúc thường có tôi nằm ngủ và chúng thì lẩn quẩn ở bên hoặc xem
video con nít, hoặc xoay quanh những món đồ chơi điện tử trong nhà. Giờ đây
chúng im lìm không nói gì cả. Chúng cứ dán mắt vào thân thể nằm thẳng đơ của
tôi đặt nằm trên một chiếc băng ca, sắp sửa được chuyển ra chiếc xe cấp cứu
đang cùng đậu chung với xe cứu hỏa, xe cảnh xát, đèn chớp loang loáng trước sân
nhà.
Tôi được chuyển vào một bệnh viện lớn, qui mô nhất ở gần nhà một cách
khẩn cấp sau khi vợ tôi ký tên trên những văn kiện hành chánh theo đúng thủ tục
bình thường. Rồi bốn năm vị bác sĩ nam nữ người Mỹ cùng với một nữ bác sĩ giải
phẫu người Việt Nam bu lại chung quanh xác tôi. Tùy theo phương vị của từng
người, họ đang làm những thủ tục khảo nghiệm. Sau cùng, trên tờ báo cáo y khoa
sơ khởi, họ giải thích cho vợ con cùng các anh chị họ hàng trong thân quyến tôi
nghe:
- Ông ta bị té đập mạnh đầu vào một viên đá nhọn. Tình trạng hôn mê tê liệt
nặng nề nhưng chưa chết vì thân nhiệt vẫn còn, cho nên chúng tôi sẽ cho áp dụng
những phương pháp cấp cứu hiện đại nhất để hy vọng giữ được mạng sống của ông
ta.
Một hai ngày sau, hồn của tôi cũng chẳng cần ngó ngàng gì tới thân xác cũ
của tôi vẫn còn nằm cứng đơ trong phòng hồi sinh với cả chục y sĩ, y tá suốt
ngày đêm khám nghiệm, theo dõi, hết sức lo lắng, tận tình. Nhìn thấy vợ con
tôi hằng ngày buồn phiền ủ rũ sa sút bên cạnh xác tôi, tôi cảm thấy ái ngại và
thương xót họ tận cùng nhưng không thể làm hay nói gì hơn được.
Đã mấy lần tôi đến đứng trước mặt vợ và ôm lấy hai đứa con đầy yêu dấu của tôi
để nói với nàng rằng tôi không có sao cả, tôi lúc nào cũng ở cạnh họ và có lẽ
chỉ ít hôm nữa là tôi có thể trở về, nhưng thật là oái oăm, họ không hề nghe
được những gì tôi đã nói, cảm được những gì tôi đã làm như là tôi đã ôm từng
đứa con, xoa đầu, nắm tay và hôn chúng, giúp cho vợ tôi tránh suýt đi đụng phải
một cái cột đèn trong khu parking lot của bệnh viện và giúp mở khóa phòng ngủ
cho họ lúc trở về đến nhà. Có lẽ vì quá xúc động và còn đang bị ám ảnh về tai
nạn chết chóc của tôi nên họ không hề để ý. Thậm chí, hai đứa nhỏ nhà tôi, khi
vắng tôi trong những đêm đi ngủ, chúng cứ trằn trọc lăn qua xoay lại trên
giường và không ngủ được, tôi đã ôm lấy chúng thì thầm với chúng bên tai như
thường lệ thì dường như chúng chỉ cảm được ở trong lòng mà không hề biết tại
sao mình đang được an ủi vỗ về, chừng đó mới chịu nằm im rồi chìm dần vào giấc
ngủ cho đến sáng hôm sau, nhỏm dậy ngó quanh quất trong phòng, câu đầu tiên
chúng hỏi mẹ là:
- Bố đâu?
Mẹ nó, lệ ướt lưng tròng trên đôi mắt mất ngủ, sưng vù và đỏ hoe vì thầm khóc
đã mấy đêm, chỉ nhỏ nhẹ nói:
- Các con dậy sửa soạn tắm rửa ăn uống rồi vào với bố ở nhà thương, nhanh lên,
mẹ đã hẹn với bác sĩ ở đó rồi!
Hai đứa con tôi lầm lũi rủ nhau đi vào phòng tắm. Thằng út còn bé, không thể với
tay lấy được cái bàn chải đánh răng riêng biệt mẹ nó để ở trên cao nên đang cố
gắng nhón gót lên lấy, nhưng bàn tay bé nhỏ của nó vẫn không thể nào với tới
được. Cố nhưng lấy không được, cu cậu tức quá cằn nhằn. Tôi đứng nhìn nó mà
phát phì cười, vội lấy cái bàn chải đưa dùm cho nó, nhưng hỡi ôi! Bàn tay tôi
chỉ đặt vào không mà thôi, chiếc bàn chải bé nhỏ lọt qua bàn tay tôi như lọt
vào khoảng không vô ảnh, tôi cũng chẳng giúp gì được cho con trai tôi dù chỉ là
một việc hết sức bình thường như vậy.
Tuy thật gần gũi vợ con cùng tất cả mọi người thân thiết, chia xẻ với họ
tất cả mọi điều, nhưng tôi không có cách nào tham dự và làm cho họ nghe, họ
thấy được ý mình muốn gì. Tôi nản chí rời khỏi họ và bắt đầu một mình đi phiêu
bạt khắp nơi với ý nghĩ tại sao hồn tôi không lợi dụng hoàn cảnh này để chu du
mọi nơi, mọi chốn mà lúc sinh thời, mình từng mong ước được đặt chân đến hoặc
trở lại những vùng đất cố hương mà đã gần 20 năm qua, vì lưu lạc và sinh kế,
tôi đã chưa thể trở về thăm viếng lại. Nhất là cái làng Cồn Tròn hiền hòa bé
nhỏ nằm cạnh ven biển thuộc Tỉnh Nam Định miền Bắc nước Việt Nam, nơi mà cho
đến bây giờ bao nhiêu hình ảnh cùng kỷ niệm thời thơ ấu thần tiên vẫn còn in
dấu trong tâm khảm của tôi.
Những kỷ niệm đẹp đẽ và êm đềm đến độ xót xa mỗi khi tôi hồi tưởng lại
hoặc tiếc thầm cho quãng đời thơ dại của các con, các cháu của tôi ở nơi xứ lạ
quê người, chúng đã đánh mất hẳn đi nhiều cơ hội được sống và trải qua những
ngày tháng bé thơ, những hình ảnh thiên nhiên chân chất vẹn toàn, không hề vương
vấn chút gì về những tiến bộ văn minh cơ khí, cho dù so với thời đại của tôi,
đời sống vật chất của chúng tôi đầy đủ hơn rất nhiều. Nghĩ xong là tôi quyết
định làm theo ước muốn.
ĐI VÀO CÕI CHẾT
Nhưng tôi quên chưa kể cho các bạn nghe về những giây phút đầu tiên khi
hồn tôi rời khỏi thân xác. Nó thật là hữu ích và mang tính chất khác thường.
Hữu ích, theo ý tôi suy luận, là để cho chính tôi hoặc các bạn, sau này nếu có
một lần nào đó, trong giờ phút lâm chung hồn phải lìa khỏi xác, thì mình đã biết
trước để không bị bỡ ngỡ và làm theo một số qui cách, hoặc chuẩn bị cho một
chuyến đi vĩnh cửu, không vướng những phiền bận sau này về một chuyển nghiệp
tái sinh.
Như đã kể cho các bạn nghe ở phần mở đầu câu chuyện có vẻ huyển hoặc này.
Tôi bị mất trọng lực một cách tự nhiên, rồi gần như không còn cảm thấy bất cứ
điều gì nữa. Nhưng thực sự không hẳn là như vậy. Có nghĩa là tôi vẫn còn có
riêng ý thức của tôi, vẫn còn biết thật rõ rệt tôi là một thực thể đang bị một
sức hút vô hình cuốn đi thật nhanh và thật mạnh, mạnh đến đỗi tôi tưởng không
có gì có thể cản lại được. Trong tia nhìn mọi người mọi vật, tôi có thể thấy
thấu suốt tất cả mọi thứ được che dấu bằng gỗ, bằng xi măng hay bằng các loại
vải vóc y phục trên thân thể mọi người.
Ngay lúc bấy giờ, có khoảng 5 vùng hào quang màu sắc khác nhau với các
luồng ánh sáng từ sáu cõi cùng phóng hiện ra ở quanh tôi và dường như vùng ánh
sáng nào cũng có một sức hút riêng rẽ, như sẵn sàng để hút lấy tôi và cuốn vào,
sau đó sẽ ra sao thì tôi không được biết. Tôi tự hỏi: "đây là những vùng
hào quang và ánh sáng gì? Có nên hòa nhập vào nó?" Mãi về sau khi được
sống lại, tìm đọc các loại sách thông thiên huyền bí, tôi mới có cơ hội hiểu
được ý nghĩa của các hào quang và ánh sáng đó như sau:
-Luồng ánh sáng mờ là của Chư Thiên.
-Luồng ánh sáng màu lục mờ là của A-Tu-La.
-Luồng ánh sáng màu vàng mờ là của loài người.
-Luồng ánh sáng xanh mờ là của loài xúc sanh.
-Luồng ánh sáng đỏ mờ là của loài quỷ.
-Luồng ánh sáng xám mờ khói là của địa ngục.
Riêng tôi lại bay bổng, lửng lơ và thoát đi bằng một tốc độ siêu phàm,
trôi ra một không gian biệt lập, chỉ có một bên là bóng tối mênh mông và một
bên là dày đặc sương mù, cũng mênh mông không kém. Tôi chới với trong cõi không
vô tận. Tuy không cảm thấy gì đáng lo sợ, nhưng cũng có hơi chút quản ngại về
những giây phút sắp tới của mình.
Bất đồ, tôi như được một sức mạnh đẩy tới vòng bên ngoài chung quanh các
vị Trì minh với vô số các nhóm Không Tiến Nữ (tiên giới). Nào là các vị Không
Tiến Nữ của tám chỗ hỏa táng, Không Tiến Nữ của bốn giai cấp ta bà, Không Tiến
Nữ của 3 nơi tạm trú, Không Tiến Nữ của 30 vị chí thánh cùng của 80 chỗ hành
hương, rồi đến các vị anh hùng, nữ anh hùng, các thiên tướng, các thiên thần
bảo vệ đức tin nam nữ, mỗi vị được trang sức với sáu món mang trên người: một
tấm phướn to lớn hình như làm bằng da người, tàn che và cờ hiệu cũng làm bằng
da người. Những vị này vừa đốt mỡ người cho khói bay lên vi vút, vừa mang vô số
nhạc cụ và làm cho vang động thiên giới bằng cách khua, đập hay rung các loại
nhạc cụ ấy cho chúng phát ra những âm thanh huyên náo, mạnh mẽ đến nhức óc đinh
tai. Các vị này cũng nhảy múa theo các nhịp điệu khác nhau. Họ xuất hiện, dường
như để nghênh đón những người vừa mới lìa đời, hiền lương hoặc tội lỗi.
Tôi nhìn thấy vô số con người đã có mặt ở nơi tụ hội này. Họ tuần tự đến
đây trước tôi, sau tôi liên tục thật đông đảo, đủ mọi màu da sắc tộc, đủ cả
giai cấp lớn bé già trẻ giống như một ngày hội cực kỳ lớn ở trên dương trần.
Lần lượt, tất cả mọi người được các vị Thiên tướng nêu trên đón và đưa vào hai
ngõ chính: cuốn hút lên không gian chín tầng hoặc lao sâu xuống 7 tầng địa
ngục, để rồi sau đó sẽ như thế nào thì tôi không có cơ hội được biết.
Các luồng hào quang, ánh sáng vẫn liên tục chiếu sáng, nhã nhạc, âm thanh
vang động cùng khắp cõi trời. Từng làn gió mát mẻ quyện theo hương thơm ngào
ngạt tỏa rộng cùng khắp mọi nơi. Tôi đứng nhìn mãi, chẳng thấy ai ngó ngàng chi
đến mình, cũng không hề bị cuốn hút vào các luồng ánh sáng ngũ sắc để đi sâu
xuống hoặc đi lên một cõi nào đó của tầng trời, tôi đang ở cõi an nhiên tự tại
vô cùng, bèn lang thang bồng bềnh xoay chuyển tâm thức về miền tục giới.
Bạn không thể nào tin được hiện tượng hết sức lạ lùng xảy đến cho tôi
trong tâm thức như thế này. Đó là, mỗi khi tôi nghĩ đến bất cứ nơi nào, người
nào dù còn sống hay đã chết, ở trần gian hay âm giới với ước muốn chân thành
tôi muốn được giáp mặt hoặc được hiện diện nơi đó, thì chỉ trong vòng một
"séc-na" ngắn ngủi là tôi đã được toại nguyện tức thì, có nghĩa là,
nghĩ đến ai, nơi nào hoặc những ao ước về cảm xúc, ngay lập tức, tôi cảm nhận
được liền một cách rõ ràng đầy đủ và trọn vẹn hơn cả lúc thường.
Như tôi đã kể cùng các bạn rằng lúc còn bình thường ở dương trần, tôi vẫn
nuôi một ước vọng là được trở về thăm lại làng Cồn Tròn của tôi ở tận Bắc Việt,
nơi chôn rau cắt rốn cùng những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi ấu thơ. Tôi cũng đã
được về, chỉ trong khoảnh khắc. Nhưng tôi đã thất vọng não nề vì làng cũ còn,
nhưng cảnh làng sau hơn bốn mươi năm dâu biển, chẳng còn chút gì là dấu tích
năm xưa. Tôi đã cố gắng vận dụng tất cả tiềm thức để cố tìm lại một vài di
tích, địa thế trong làng thì tôi đã làm được điều đó. Như con sông nhỏ chảy
quanh trong làng ra một cái lạch lớn thì đã bị lấp bằng từ thuở nào.
Bên cạnh con sông nhỏ về hướng tây bắc, có cây đa gốc bự cả chục người ôm
là cơ ngơi gia phả của cha mẹ tôi hồi trước với một ngôi nhà chính năm gian, có
bàn thờ Thiên Chúa ngự trị trang trọng ở giữa nhà, hai bên là những phòng ngủ
có cửa sổ nhìn ra cái sân lót gạch màu đỏ khang trang, gồm một cái bể lớn chứa
nước mưa mát lịm dùng để ăn uống cho cả nhà quanh năm không bao giờ cạn, có
những cây cau già cao ngất ngưởng, cạnh đó, là một dãy nhà ngang nối liền nhà
trên với nhà dưới gồm có bếp, nhà kho, nhà cho các anh chị gia đinh cư trú, ở
trong nhà và bên ngoài khu vực đó là chuồng nuôi heo thành giống như một cái
hình chữ U. Sau dãy nhà bếp là một vườn cây xum xuê hoa trái quanh năm với một
hàng rào tre trúc ngập lá vàng.
Chính ở hàng rào tre trúc này là thiên đường thơ ấu của anh chị em chúng
tôi suốt thời kỳ thơ ấu với những giấc ngủ trưa hè êm đềm thơ mộng hoặc là chỗ
trốn bắt chơi đùa, nghịch ngợm. Cũng là lối đi riêng biệt kín đáo để chốn tránh
cha mẹ, do anh chị em chúng tôi tự làm lấy để có chỗ đi về nhà mỗi khi phạm
lỗi, chúng tôi bị la mắng, có khi ôn bài học hay cùng ăn và ngủ chung nhau cũng
chính ở nơi đây, dưới gốc cây sung thật sai trái năm nào.
Phía sau nhà là cái ao mênh mông của cha tôi nuôi và dụ bắt cá vào ao
trong những mùa nước lũ hàng năm từ một cánh đồng ngay đó chảy vào. Đến thời kỳ
di cư vội vã, cha tôi đã thả xuống ao biết bao nhiêu lư đỉnh thau đồng mâm bạc
quí giá, là những tài sản mồ hôi nước mắt của gia đình và tài kinh thương của
ông thì nay cũng chẳng còn, giờ chỉ là bình địa với một nhà máy chế tạo muối từ
nguồn nước biển ở cạnh trong làng mọc lên.
Thậm chí đến ngôi giáo đường cổ kính với tháp cao, ngạo nghễ giữa bầu
trời, nơi anh em chúng tôi và lũ trẻ trong làng leo lên đó đánh đáo bắt chim,
nghe tiếng sáo diều, nay cũng đã thay đổi. Gác chuông đã bị sập từ năm nào và
giáo đường thì tiêu điều hoang phế. Dân trong làng, cố nhiên, tôi không thể nào
biết được một ai, thành ra xa lạ hết, chẳng bù với bốn chục năm xưa, niềm thân
ái với tất cả mọi người trong làng đã trở thành một sợi dây thân tình gắn bó,
không chuyện gì vui buồn sướng khổ xảy ra mà ở nhà này mà nhà kia không biết,
để chia xẻ, ủi an. Bờ biển năm xưa bằng phẳng với những hàng thông chạy dài
trên bãi cát trắng phau trải ngập lá thông khô sù sì, giờ bỗng mọc lên những
cây cầu tân lập chạy xa ra ngoài biển dùng để tiếp nhận và chuyên chở hải
sản...
HỒN VỀ THĂM SÀI GÒN
Ngao ngán trong lòng với
giấc mộng về thăm quê cũ, tôi bèn nghĩ đến một quê hương thứ hai "Sài
Gòn" thì ngay lập tức tôi đã đứng giữa bùng binh của chợ Sài Gòn có công
trường Quách Thị Trang. Tượng Quách Thị Trang cũ nay không còn, thay vào đó là
một cái "kiosque" với đầy khẩu hiệu mang những ý nghĩ kỳ cục ở chung
quanh. Không khí bụi bậm, ồn ào và ngộp thở giữa ánh nắng chói chang của mùa hạ
với những cơn mưa bóng mây ào xuống bất chợt... Đường phố nhà cửa cũ kỹ tiêu
điều với phần lớn là xe đạp, xe gắn máy dầu, xe hơi chen chúc nhau bò qua lấn
lại, nhớp nhúa ghê hồn.
Ngắm làm gì cái phố xá hỗn tạp và nghèo nàn tả tơi này. Tôi nghĩ đến con
đường Trương Minh Giản khi xưa. Tìm mãi mà cũng không thấy tên đường nào như
vậy, dù chính đây là cây cầu bắt ngang con lạch nước đen ao tù, nối liền Trương
Minh Giản với đường Trương Minh Ký về hướng nhà thờ thánh Thomas, nhà thờ Tân
Sa Châu, Lăng Gia Cả rồi đến khu phi trường. Tôi không thể nào lầm lẫn hay quên
những địa điểm này được. Nhưng tên các con đường nay đã được đổi thành tên các
chiến sĩ anh hùng của chế độ mới. Chính vậy mà tôi ngỡ đã bị lầm.
Căn nhà lầu của gia đình tôi xưa kia nay vẫn còn đó, nhưng kiểu cách, màu
sơn căn nhà cũ nay đã thay đổi hoàn toàn. Nơi đây, cha mẹ tôi đã, cách nhau
khoảng 3-4 năm thở hơi cuối cùng với một nguyện vọng được trông thấy mặt tôi
lần cuối, nhưng tôi đã không về trong giờ các cụ lâm chung. Cha mẹ tôi, dù đã
được ơn chết lành giống như người say ngủ theo như thư từ hình ảnh mà các em
tôi gởi sang Mỹ cho tôi trước đây, dù sao, lúc về trời, các cụ cũng không khỏi
ngậm ngùi vì không được thấy mặt tôi lần cuối, đứa con trai mà hai cụ thương
yêu và đặt nhiều kỳ vọng nhất trong gia đình.
Ngay tức khắc, tôi đảo mắt đi tìm hình bóng hai cụ trong âm giới, nhưng
nào thấy đâu. Tôi định bụng sẽ đi kiếm vị phán quan giữ sổ thiên tào để tìm ra
cha mẹ sau khi thăm viếng gia đình các em các cháu của tôi.
Tôi liên tưởng ngay đến phía trong căn nhà thì thấy cô em gái của tôi,
nay đã là một bà già thật sự với số tuổi trên 40 một vài năm gì đó, đang ngồi
trên võng với một đứa trẻ còn phải ẵm trên tay. Tôi biết đứa trẻ này là cháu
nội của Thư, cô em gái ngang ngược của chúng tôi ngày nào...
Cô Thư với đứa cháu nội, con của thằng cháu Thăng (con trai trưởng vợ
chồng Thư) kháu khỉnh và đẹp như thiên thần đang đong đưa à ơi trên võng. Còn
chồng của Thư, chú Thịnh thì đang mải miết với cái tiệm làm xe đạp ở gần khu Lữ
Gia Phú Thọ. Chú Thịnh, lúc này trông cũng tươi tốt với cái hàm râu quai nón,
đang "điều binh khiển tướng" trong phân xưởng chế tạo của mình. Thằng
cháu Thăng thì giờ đây đã là một ông kỹ sư chuyên môn về trồng trọt. Vợ nó, một
cô gái tuổi ngoài hai mươi cũng khá xinh đẹp và trẻ trung, cũng đang tíu tít
bận rộn trong một ngân hàng.
Còn chú Khoa, em trai kế của tôi, có vợ đã sang Mỹ với tôi, đi cùng tàu
với hai đứa cháu trai là con chung của Khoa, nhưng nay vợ Khoa đã bỏ nó đi lấy
chồng khác người Hawaii, bỏ Khoa ở lại Việt Nam. Khoa cũng đã lấy một cô gái
trẻ đẹp từ Hànội vào Nam. Hai vợ chồng Khoa xem ra cũng hạnh phúc, công việc
làm ăn có vẻ là một anh nhà giàu với hai ba cửa hàng bán đồ điện tử, máy hát.
Tôi nhìn thấy vợ chồng chú ấy, nhưng cả hai lại rất vô tình, không đếm
xỉa gì đến tôi lúc đó với tâm trạng thật nôn nao khó tả vì được gặp lại những
người thân yêu.
Tôi liên tưởng đến người bạn thân, anh Nguyễn Đình Kính nhà ở số - đường
Hai Bà Trưng - Tân Định. Giờ đây Kính đã nghiễm nhiên là một ông trung niên râu
tóc bạc phơ um tùm, trông y như một ông tây mũi tẹt, anh đã lấy lại phong độ
của một ông công tử khi xưa với cửa hàng gia truyền chuyên làm nệm da ghế cho
xe hơi các loại.
Tôi nhớ lại tất cả kỷ niệm năm xưa với gia đình người bạn chí cốt này
cùng hai cô em gái tên Hồng và Hạnh. Hồng thì đã đi tu ngay từ năm học xong đại
học. Còn Hạnh thì nay cũng đã hết giận tôi, nàng vẫn giữ nguyên nhân dáng của
một cô chủ nhà, tiểu thư và đài các, trên đôi mắt long lanh ngấn lệ thuở nào
nay còn vương in nỗi buồn vạn cổ, thân thể của Hạnh chỉ hơi đẫy đà và vết sẹo
trên lưng vì đạn pháo kích hồi Tết Mậu Thân nay chỉ còn lại một vết mờ trên tấm
lưng tròn trịa, trắng mềm như tuyết, khiến tôi không dám để mãi tầm mắt âm lực
có thể trông thấy thấu suốt mọi loại y phục che thân của con người trên thân
thể lồ lộ của Hạnh.
Tôi nhìn Hạnh mà nghe tâm tư xao động với những kỷ niệm tình ái hiện về.
Thôi, Hạnh ạ! Âu cũng là duyên mệnh phù du. Dạo ấy, tôi vừa mới ra trường quân
sự, người ngợm đen như hòn than, đầu tóc nhẵn thín như vị sư, hướng đời chưa
biết dọc ngang may rủi bởi chiến tranh sẽ như thế nào. Chỉ vì tội nghiệp Hạnh
nên tôi làm tuồng, giả vờ cứng cỏi, từ chối hôn nhân với nàng theo lời đề nghị
của cha mẹ tôi và gia đình của Hạnh. Nàng giận tôi, buồn riêng suốt nhiều năm
tháng cho đến lúc tôi đến được Mỹ đã gần bốn năm. Kính báo tin cho tôi biết
Hạnh đã lấy thằng Hoàng, con trai cụ Cử Phán, hắn là một luật sư, nay đang là
cố vấn pháp luật cho nhà nước đương thời, nhưng hai vợ chồng Hạnh, Hoàng không
sanh được đứa con nào hết.
Tôi và Kính đều hiểu rõ lý do tuyệt tự này từ lúc thằng Hoàng còn đi học.
Nó ỷ nhà giàu, ăn chơi hoang đàng chi địa, bị bịnh và sẽ không thể có con.
Nhưng nó dấu Hạnh, không cho Hạnh biết lý do này cho nên Hạnh chỉ buồn vì không
có con mà không hề biết tại sao vợ chồng nàng lại hiếm muộn như vậy, suốt đời
nàng cứ đi hì hục khấn vái, mà trời đất lại chẳng động tâm. Tôi nhìn thằng
Hoàng dâm tặc đang ngồi trong văn phòng riêng tại tòa án với đám nữ thư ký xoắn
xuýt hai bên, đã biết hắn từng làm cho Hạnh khổ sở thật nhiều. Tôi trừng mắt
nhìn hắn, tiến lại định cho hắn cái tát nên thân, song khổ nỗi, tôi vốn chỉ là
một hồn ma vô hình, tôi không thể nào làm được bất cứ chuyện gì cần đến dương
lực của một con người trên trần thế.
Tôi tiến lại chỗ Hạnh đang ngồi hong nắng. Tấm thân Hạnh trắng ngần, gương mặt
êm đềm với đôi mắt đen đậm buồn suốt kiếp. Cô người ở từ trong bưng ra một tách
trà nghi ngút khói, đặt trên chiếc bàn lim bên cạnh cây đàn dương cầm của Hạnh,
rồi khép nép bước vào nhà trong. Tôi đứng trước mặt nàng, lòng rộn lên bao
nhiêu là xúc động. Bỗng Hạnh có ý đứng lên. Tôi tự chế không dám động tĩnh gì,
bèn đến bên Hạnh thì thầm nho nhỏ:
- Chào Hạnh anh đi. Rồi tôi hôn nhẹ lên mái tóc Hạnh ướp đẫm hương trầm của tôi
ngày nào.
PHÁN QUAN CÕI ÂM NÓI
CHUYỆN QUẢ BÁO
Rồi tôi nghĩ đến việc
phải đi tìm cha mẹ.
Bỗng một vị phán quan hiện ra trước mặt, sửng sốt ngó tôi:
- Tại sao anh còn ở lại chốn này? Số của anh chưa đến ngày đến tháng, chỉ là
một sự lầm lẫn của người giữ sổ thiên tào mà thôi. Hãy mau trở về, vợ con anh
và mọi người đang bấn loạn vì không biết phải xử trí ra sao với cái xác của anh
vẫn còn hơi nóng.
Tôi khúm núm trình rõ sự tình cùng ước nguyện truy tìm tông tích của cha
mẹ. Vị phán quan già chậm rãi nói với tôi:
- Người cha già mà anh đang đi tìm đó chính là thằng con út của anh bây giờ.
Ông già của anh trong giờ chết, vẫn còn quá nhiều luyến ái vì chưa được gặp
anh. Sau khi cứ lần lữa mãi không chịu đi, thiên tào đã cho ông ta đầu thai làm
con trai của anh để cho thỏa lòng thương nhớ.
Tôi ra vẻ không tin. Vị phán quan ôn tồn:
- Anh hãy trở về nhập lại thân xác rồi xem kỹ trên cánh tay phải và chỗ thiên
căn trên đỉnh đầu của con anh, sẽ có in những dấu tích của cha anh khi còn sinh
tiền. Còn bà mẹ anh, nhờ hiện nghiệp suốt đời khổ hạnh và chay tịnh, bố thí làm
phúc nên bà ta đã thoát ra khỏi vòng luân hồi tử sanh, hiện bà ta là tiên nữ ở
cõi thứ sáu của tầng trời. Anh không còn cơ duyên gặp lại nữa.
Tôi muốn nhân cơ hội hy hữu này nấn ná trò chuyện với vị phán quan để tìm
biết thêm về một số điều bí ẩn của con người còn tồn tại ở trên dương thế. Vị
phán quan bắt tôi phải hứa không được tiết lộ qui luật nhà trời và ông đã cho
tôi được biết riêng rất nhiều điều hết sức quý báu. Những điều đó thật ra, khi
còn tại thế, không những tôi mà muôn triệu người khác đã thấy, đã đọc nhan nhãn
trong các bộ kinh Phật, kinh Chúa cả rồi. Chỉ có điều là con người quá ư là
ngạo mạn, miệt thị cả thánh thư cho nên rất nhiều người có đời sống mà xem như
đã chết, có đọc đó mà chẳng hiểu biết, mở mang được điều gì cho phần tư duy
thánh thiện rồi cứ như một dòng sông chảy xiết chẳng có lúc ngừng để gạn lọc
cho đến ngày tận số về trời, lãnh lấy những nghiệp báo của đời sau.
Chỉ sang những cửa ngục đọa hình, vị phán quan phân giải cho tôi thấu
hiểu từng loại tội phạm với những khổ hình đau khổ, kể sao cho xiết. Tôi nhận
được nhiều khuôn mặt nhân dáng thân sơ. Tôi nhớ ra được rõ rệt từng thành quả
của họ đã tạo nghiệp ở đời. Có người tôi ngỡ ăn ngay ở lành, thì tại nơi đây,
họ đang cam tâm thọ án. Chả là vì khi còn sống, những người này quá khôn khéo
che đậy những tội ác của họ mà thôi.
Lại có những người trước đây tôi có định kiến, xem họ là những người xấu,
ở nơi đây họ lại là những hồn lành, hưởng phước đời đời nếu họ không còn trong
vòng tử sinh tái kiếp, chỉ vì họ là những người trung trực không hề gian dối
che lấp những ý nghĩ và hành động thật sự trong lòng.
Nhưng đa số những vong hồn khi còn sống là những kẻ thất thế nghèo nàn,
sa cơ lỡ vận, thường bị những hàm oan thống khổ, khi về trời, họ lại được đền
bù và an ủi bằng tất cả ân phước của đấng tối cao.
Vị phán quan nhìn tôi chằm chằm:
- Thấy rồi thì nên sám hối, không được tự dối chính bản thân ngươi. Nếu không
ngục tối cực hình dành cho nhà ngươi không phải là điều không thể có. Hãy mau
quay gót trở về.
Lòng tôi cảm động bồi hồi. Hứa với phán quan sẽ quay về nhập xác, trở lại dương
trần cam tâm đền trả cho hết kiếp phàm nhân sau khi cố nài nỉ xin được ít phút
giây tìm lại những người quen biết đã lìa đời. Phán quan vui lòng chấp thuận.
Tôi cúi đầu lạy tạ để đi ra.
Hồn phách tôi siêu thăng đến khắp cõi ta bà, lâng lâng thanh thản, nhẹ
nhàng tựa như sương khói không chút vướng bận suy tư. Trong suốt khoảng thời
gian này, tôi không hề còn lại chút gì thuộc trạng thái vui buồn khổ ải, ưu tư
của suốt bằng ấy năm tháng đằng đẵng với kiếp làm người, cũng không hề bận tâm
về con đường sinh, lão, bệnh. Chỉ có mỗi một niềm thanh nhẹ hân hoan vui vẻ tận
cùng. Liên tưởng đến đâu, nơi đó đã hiện ngay ở trước mặt rồi. Ao ước điều gì
hạnh phước gì nó đã xảy đến ngay trong tiềm thức hư vô. Ngôn ngữ và cảm giác
nơi đây là ngôn ngữ và cảm giác được kinh qua bằng một cách thức vô hình. Chỉ
cần có sự ước ao đã hẳn nhiên biến thành sự thật tức thì.
Tôi đã gặp được hầu hết những người quen biết thân sơ, cả những cá nhân tôi chỉ
nghe tăm tiếng của họ lúc sanh tiền mà chưa bao giờ có cơ hội thân thiết. Tất
cả đều có mặt nơi đây.
Nhưng tùy theo mệnh nghiệp của từng người. Ở chốn này, có người thì quằn
quại thọ phạt khổ hình. Sau đó, sẽ bị đọa làm kiếp tái sinh, tùy theo phước
báu, công tội lúc sinh thời.
Có rất nhiều người khi sống, phải cam chịu nghèo khổ lam lũ nhọc nhằn,
hoặc từng bị những hàm oan đố kỵ, nhưng vẫn nhất mực cam tâm, không kình chống
lại hiện nghiệp mệnh trời. Nay họ là những chư liệt vị thuộc giới chư thiên cao
cả, hạnh phúc tột cùng, bay bổng nhẹ nhàng với thiên đường trăm hồng nghìn tía,
nhởn nhơ nhàn nhã ung dung, đàn ca múa hát đúng thật là cảnh giới viên mãn siêu
thăng tịnh độ của cõi Thiên Đường.
Có những vong hồn nam nữ dung mạo no đầy rượu thịt, thú tính dâm ô, mưu
thần chước quỷ, hãm hại đồng loại chúng sanh để thu tóm bổng lộc uy quyền, vơ
vét cái ăn cái mặc, cùng bao nhiêu danh lợi vốn là của chung đem về cho riêng
mình, cùng những tật xấu xa đê tiện, ngôn khẩu giết người, dèm pha đố kỵ, lợi
dụng trí lực, hành hạ đồng loại, họ đang bị quằn quại bi thương, bị banh da lóc
thịt, rên xiết kêu khóc đêm ngày, ăn uống thì được cho ăn như loài ngạ quỷ,
toàn là thịt hôi thúi máu thiu, diện mạo kinh khiếp khác hẳn lúc thường...Thân
thể thì lõa lồ ngày đêm dòi bọ đục rữa, nhất là với những vong hồn có tiền kiếp
dâm ô, đĩ điếm, dối gạt quanh co.
Phán quan cho biết, của cải thực phẩm cùng hạnh phúc là của chung nhân
loại. Tại sao xảy ra cảnh kẻ giàu người nghèo? Tại sao có nạn người uy quyền kẻ
nô lệ. Những người này đã dùng mưu thần chước quỷ, phế bỏ luật trời, nên bây
giờ sau khi chết, họ phải trả quả và sẽ bị đọa vào hậu kiếp tái sinh, họ sẽ
phải làm loại súc sanh đê tiện, làm thân trâu ngựa hùm beo rắn rít vì những tội
lỗi tham dục tàn nhẫn tạo nghiệp trên đời.
TRỞ VỀ NHẬP XÁC
Trước bối cảnh kinh hoàng như vậy, hồn tôi bỗng lạc vào một vầng sáng màu
vàng nhạt mênh mông lai láng. Tai thoáng nghe những âm thanh quen thuộc của mấy
chục năm làm người. Tôi lại nhìn thấy xác của tôi trong một căn phòng hồi dưỡng
với năm sáu người mà tôi đã trông thấy họ ở thế giới bên kia. Họ đã chết thật
rồi vì tôi đã thoáng nhìn thấy họ bị cuốn sâu vào từng luồng ánh sáng vô biên,
đi mãi ngàn năm và không thể trở lại được nơi này, còn tôi thì tự nhiên bị đẩy
bật ra khỏi sức hút của những luồng ánh sáng đó, đi phiêu bạt đó đây rồi được
phán quan khuyến cáo phải trở lại gấp nơi này để nhập xác.
Nhưng tôi tự tìm mãi mà không thấy được cửa sinh tử môn nằm giữa đỉnh đầu
thì làm sao tôi có thể nhập vào thân xác? Đợi mãi cũng chẳng làm được gì vì cửa
sinh môn đang bị bịt kín bởi một cái nón có trang bị những dụng cụ duy trì sự
sống cho cái xác của tôi. Tôi nhìn thấy một cái cửa phụ nằm ở kẽ xương quai hàm
bên vai trái, tuy nhỏ và rất đau đớn khi hồn tôi nhập vào, nhưng còn cách nào
hơn cơ chứ!
Nắng ngoài sân bệnh viện đã lên cao. Hàng ngàn tiếng lao xao báo hiệu một ngày
làm việc tất bật của khu bệnh viện lớn lao này. Vợ và hai đứa con của tôi thì
đang ngồi đợi chờ ở "front-desk" trong bệnh viện, họ đến để tiếp tục
kiên nhẫn ngồi canh bên cạnh cái xác còn nóng hổi của tôi.
Dường như hôm nay là thời hạn chót để các vị bác sĩ chuyên khoa về tử thi
họp bàn quyết định về số phận của cái xác không hồn này. Chính nhờ vào những
tiến bộ của khoa học mà ngoài nhiệt độ duy trì cho cái xác thoi thóp sống, nó
còn không bị thối rữa như những xác chết bình thường sau chừng 5 ngày cho đến
hơn một tuần lễ.
Xem lại lối vào chỗ khớp xương quai xanh một lần nữa rồi tôi vận hết sức, dùng
nội lực để len vào. Một cảm giác đau đớn tận cùng tỏa khắp hồn tôi trong một
khoảnh khắc nhanh chóng. Thoát nhiên, cảm giác đau đớn đó chuyển động và chạy
ran khắp cái thân xác đang nằm bất động ở trên giường.
Trạng thái đầu tiên tôi ghi nhận được khi hồn tôi trở về với thân xác cũ
đã nằm bất động gần trọn một tuần là cơn buồn phiền ngột ngạt và còn có một sức
nặng nề ghê hồn trì kéo nặng nề trên toàn thân thể. Tôi như bị kềm hãm trong
một cái khuôn không cách thoát ra được. Sau đó là xúc giác đau đớn trĩu nặng ở
trên đầu, phía sau ót. Tôi nhớ lại rồi. Điều này không có gì là khó hiểu. Đó
chính là vết thương sau sọ chưa thực sự lành lại sau khi được các vị tây y chữa
trị và khâu lại vết nứt bên ngoài.
Sức trì kéo nặng nề tôi vừa kể vẫn bao phủ trong toàn thân tôi. Ngoài sự
đau đớn ở vết thương trên đầu, tôi cảm thấy toàn thân như rũ liệt, rồi cơn đói
bổ đến cồn cào. Bao tử của tôi hoàn toàn trống rỗng sau nhiều ngày được các y
sĩ tẩy uế. Thân thể của tôi chỉ được dinh dưỡng bằng những phương thức vật lý y
khoa trị liệu cho nên giờ đây nó bắt đầu làm việc với những đòi hỏi cấp bách
nêu trên.
Ngước đôi mắt mệt mỏi nhưng vô cùng tỉnh táo nhìn lên trần phòng với
những hộp đèn néon trắng dịu, tôi vẫn nhớ như in chuyến hành trình thần tiên
vừa qua từ cõi âm đầy khác lạ trở về. Linh hồn tôi không có dấu hiệu hoặc dư vị
nào của thương tích, vẫn mạnh mẽ bình thường. Nhưng cái xác của tôi thì thật sự
yếu đuối, bởi nó bị thương và bất động đã mấy ngày qua. Vận dụng nghị lực, tôi
cố nhổm người lên, đảo mắt nhìn chung quanh căn phòng hồi dưỡng im lìm với
những thân người nằm ngay đơ bên trong làn vải trắng. Hình ảnh này tôi đã thấy
ban nãy khi tôi trở về, nên không lấy gì làm lạ.
Tôi còn có thể đoán chắc, có hai cái xác, một ở cuối phòng là một cô gái người
Mỹ và một là người đàn ông gốc Do Thái đang nằm cách tôi hai xác nữa. Cô gái Mỹ
bị lăn té trên thang lầu và người đàn ông Do Thái thì bị nghẽn mạch máu. Họ bị
"chết giả", bị hôn mê, và họ cũng sắp sửa "trở về", sắp sửa
hồi tỉnh giống y như tôi vừa mới hồi tỉnh. Tôi từng nhìn thấy họ ở thế giới bên
kia. Cơn đói trần gian khiến tôi vô cùng khổ sở và liên tưởng ngay đến thói
quen bó buộc phải ăn uống của người trần. Tôi mong vợ con tôi thật chóng trở
vào để giúp tôi trở về nhà cũ. Mùi nhà thương khiến tôi ngộp thở lắm rồi, lại
còn bị hành hạ bởi những cơn đau đớn và cái đói kỳ khôi.
Ngay lúc đó, ổ khóa lách cách kêu lên. Cánh cửa phòng hồi dưỡng mở ra.
Tôi thấy bóng dáng vợ tôi ủ rũ và rất mệt mỏi bước vào, đi cùng với người gác
nhà thương và một hai gia đình người Mỹ khác. Tôi cố gắng nhúc nhích để cho vợ
tôi biết rằng tôi đã hồi tỉnh, đã "trở về" mới đúng. Quả nhiên, nàng
nhận ra ngay và òa lên khóc um sùm vì quá mừng rỡ khiến người gác phòng hồi
dưỡng hiểu ra ngay rằng có một xác chết đã năm sáu ngày nay bỗng hồi sinh.
Ông ta chụp lấy cái điện thoại ở trên tường và thông báo ngay lập tức cho
vị y sĩ trực hôm đó là một nữ bác sĩ người Trung Hoa. Bà ta cùng bốn năm vị bác
sĩ đàn ông khác xuống tận chỗ, khảo nghiệm lại "tử thi" hồi sinh của
tôi rồi ra lệnh cho y tá đẩy chiếc giường của tôi trở lại phòng cấp cứu hôm nào
để làm không biết bao nhiêu là thử nghiệm khác để xác nhận rằng thể xác của tôi
đã hoạt động lại hết sức bình thường, ngoại trừ vết thương trên đầu cần được
tái khám đúng hẹn và phải uống thêm thuốc trong một vài ngày nữa ở nhà thương.
Đợi đến lúc không còn ai hiện diện, tôi nói quả quyết với vợ tôi:
- Anh không có sao cả. Chỉ hơi nhức đầu và mệt mỏi mà thôi. Em cố gắng tìm đủ
mọi cách đưa anh về nhà, khung cảnh và mùi vị nhà thương làm cho anh sợ lắm. Đi
đi em! Đi tìm bà bác sĩ người Tàu năn nỉ bà ta chắc sẽ có kết quả.
Cuối cùng vợ tôi đã đạt được sự thành công với điều kiện nàng phải ký giấy cam
kết, chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc này. Tôi gật đầu ra dấu cho nàng cứ
ký giấy cam kết. Sau đó, vợ tôi dìu tôi đứng dậy khoác hai tay tôi lên vai hai
cô y tá đỡ tôi ngồi lên chiếc xe lăn, rồi đẩy tôi ra xe đã được nàng lái đến
đậu sẵn tại cửa chánh bệnh viện để trở về nhà.
- Thật là một phép lạ vô thường vì lời khấn nguyện van vái thần linh Chúa Phật
liên tiếp nhiều ngày đêm của em và hai con cho anh được thoát khỏi tai nạn ngặt
nghèo và quả là linh hiển. Em đã được các vị thần linh nhận lời, anh đã hồi
tỉnh.
Tôi im lặng nhìn dáng vẻ của vợ tôi nghiêm trang thành khẩn kể lại những
gì mà nàng đã tận sức để níu kéo lại đời sống của người chồng đầu ấp tay gối.
những ý nghĩ của tôi thì giữ kín trong lòng không nói gì với nàng cả. Tôi không
nỡ làm tiêu tán đức tin thánh thiện của nàng đối với các đấng bề trên. Bởi tôi
đã bị chết đi và sống lại một cách tình cờ, không phải vì thượng đế không linh
hiển mà chỉ vì định mệnh cuộc đời của tôi chưa đến lúc phải ra đi. Thần linh
không hề can dự vào số phận của một đơn vị quá bé nhỏ là tôi.
Đó chỉ là một tai nạn bất ngờ để cho tôi có một cơ hội bằng vàng đi về bên kia
thế giới, thăm thú, và tìm hiểu xong rồi lại được trở lại trần gian để đi hết
kiếp người.
Tôi thầm cảm tạ ơn trời ở điểm, số tôi chưa đến, còn được sum vầy đoàn tụ
với vợ con để mà kiểm chứng thêm những hiểu biết về cõi âm luôn luôn mang tính
cách bí mật muôn đời. Ngoài điều này ra, cõi phàm trần thực chẳng có gì đáng để
cho tôi cần phải luyến tiếc đến nỗi chuốc lấy ngàn vạn khổ đau. Vì có mấy ai
chịu chấp nhận một sự thật là cuộc sống chính là con đường đang được rút ngắn
để trở về, trở về chốn quê hương vĩnh cửu, xóa sạch những vướng vít, nợ nần với
thế gian.
HẾT