Popular Posts

Tuesday, September 30, 2014

Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 29.9.2014




Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 29.9.2014 

Chỉ trong 7 ngày, 3 người bạn ra đi.
Nay lại thêm một "ông" bạn nữa.


* Lời tác giả.-
Gửi các bạn bài tuần này " CHỈ TRONG 7 NGÀY, 3 NGƯỞI BẠN RA ĐI ". Vậy mà ngày 22 lại thêm ông bạn Đinh Hữu Tú, Trung tá Không Quân ở San Jose, là người bạn thứ 4 giã biệt cuộc đời. Rất tiếc là bài tôi đã gửi các báo nên không thể viết thêm. Rất buồn. VQ.

* ... và thêm mắm muối.-
Thôi thì đành độc ẩm " uống cạn ly đầy, rót đầy ly cạn ...", tiếp tục ghi và xướng danh những ông bạn sắp bỏ cuộc chơi vậy. Buồn vô hạn. NL.


~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Tôi hy vọng chia sẻ bài này với bạn đọc đã từng phải vĩnh viễn chia tay với những người bạn thân trong đời. Nhưng chỉ trong một tuần lễ, vỏn vẹn 7 ngày mà có tới 3 người bạn thân ra đi trong khi mình ở cái tuổi gần đất xa trời hơn thì làm sao tránh khỏi chạnh lòng, bỗng cảm thấy cuộc đời ngắn ngủi và vô thường quá chừng!
Văn Quang

Nguyễn Xuân Hoàng và Văn Quang 10 năm trước
Chỉ trong vòng 7 ngày vừa qua, ba người bạn tôi “ra đi”. Tất cả đều kém tuổi tôi, thậm chí có ông mới chỉ 58 tuổi mới ra đi ngày 20-9, một ông 76 ra đi ngày 12-9 và một ông 77 ra đi ngày 13-9. Trong khi ngày 21-9 là ngày sinh nhật thứ 82 của tôi. Lẽ ra trong số những người này, tôi phải là kẻ ra đi trước tiên mới đúng… luật “già trẻ”. Nhưng trên đời này bao giờ cũng có những “ngoại lệ” đau lòng.

Ở đây, tôi không phân biệt “văn nghệ lớn hay văn nghệ nhỏ” và với tôi cũng chẳng có thứ hạng nào trong văn học nghệ thuật cả. Ông nào làm được gì cứ làm, suy tính làm gì tới những chuyện vớ vẩn đó. Chuyện đáng nói là anh sống với mọi người ra sao, thế thôi. Đã là bạn, ông nào tôi cũng kính trọng và thương nhớ dù là tướng hay là lính cũng là con người cả thôi. Văn hay võ, chẳng có gì quan trọng. Miễn là họ đã sống với tôi và trong tôi như thế nào. Một anh bạn tù, đôi khi tôi chẳng còn nhớ anh ta làm nghề gì, ở đâu, nhưng vẫn có những phút giây khiến tôi nhớ mãi đến một thái độ, một hành động, một câu nói ân tình của người đó.

Tôi hy vọng chia sẻ bài này với bạn đọc đã từng phải vĩnh viễn chia tay với những người bạn thân trong đời. Nhưng chỉ trong một tuần lễ, vỏn vẹn 7 ngày mà có tới 3 người bạn thân ra đi trong khi mình ở cái tuổi gần đất xa trời hơn thì làm sao tránh khỏi chạnh lòng, bỗng cảm thấy cuộc đời ngắn ngủi và vô thường quá chừng!

Về người ở xa, anh Nguyễn Xuân Hoàng

Với ba người bạn vừa ra đi, mỗi người đi một cách khác nhau. Tôi muốn kể đến người ở xa trước. Đó là anh Nguyễn Xuân Hoàng 77 tuổi ở San Jose. Anh kém tôi 5 tuổi và thật sự tôi không thể nhớ quen biết anh từ bao giờ. Trước năm 1975, tôi và anh chưa quen biết bởi mỗi người làm việc trong một môi trường khác nhau. Anh là nhà giáo “chính hiệu”, còn làm báo đối với anh lúc đó chỉ là nghề tay trái. Còn tôi, làm việc trong quân đội.

Tôi nhớ khi mới gặp nhau lần đầu ở Sài Gòn, có lần Nguyễn Xuân Hoàng hỏi tôi:
- Hồi xưa (trước năm 1975) anh đã từng làm chủ bút mấy tờ báo Quân Đội, lại là sĩ quan trừ bị, anh có đủ điều kiện xin giải ngũ, ra Bộ Thông Tin, xin cái giấy phép làm tờ nhật báo rồi lao vào nghề hoặc cho thuê manchette cũng được vài trăm ngàn một tháng, tha hồ sống khỏe mà chẳng phải làm gì.

Tôi phải giải thích:
- Đáng lẽ tôi được giải ngũ theo luật định, nhưng lại cũng theo luật định, tôi được giữ lại Quân Đội vì lý do “sĩ quan chuyên môn không có trường đào tạo”. Thời kỳ đó Quân Lực VNCH có đủ các trường như Pháo Binh, Thiết Giáp, Truyền Tin… nhưng không hề có trường nào dạy báo chí và truyền thông. Thế là cứ ở với quân ngũ dài dài và suốt đời vẫn chỉ là sĩ quan trừ bị. Vả lại sau một thời gian phục vụ trong quân đội, tôi thấy yêu cuộc đời quân ngũ và bằng lòng với tuổi trẻ của mình.
Hoàng cười:
- Và cũng tại hồi đó các cô gái Sài Gòn đều là “em gái hậu phương, thương anh trai tiền tuyến”. Đúng không?
Tôi không phủ nhận tâm trạng này nhưng chỉ là một phần trong đời sống của tôi.
Sau này, khi anh NX Hoàng làm Tổng Thư Ký cho tờ báo Việt Mercury ở Mỹ, tôi bắt đầu hợp tác với báo anh làm. Từ đó chúng tôi hiểu nhau và dễ dàng thông cảm với nhau. Đôi khi có dịp về Sài Gòn, không lần nào anh không tìm gặp tôi cùng vài người bạn.

Có buổi chiều chúng tôi đi bộ trên những con đường đầy bóng cây cổ thụ, anh nói:
- Không bao giờ ngờ lại có ngày đi với Văn Quang trên những con đường xưa như thế này.
Anh dốc bầu tâm sự về đủ thứ chuyện, kể cả chuyện tình cảm riêng tư, có lẽ tôi là người hiểu rõ anh hơn hết những người bạn ở đây. Tôi không nhớ anh về Sài Gòn bao nhiêu lần, có lần anh và chị Trương Gia Vy, vợ anh, cùng về và cùng đến nhà tôi ăn vài món gia truyền của gia đình tôi.

Chị Vy là “con cháu nhà đại gia” mà tôi biết khi thân phụ chị là một vị dân biểu rất nổi tiếng ở Hạ Nghị Viện VNCH mà phóng viên của Đài Phát Thanh Quân Đội có vài lần phỏng vấn. Phải nói thật là chúng tôi cũng tìm cách vận động để ngân sách của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị đưa ra Quốc Hội được ông cùng một số dân biểu ủng hộ, không bị cắt xén như những tổng cục khác.

Chị Vy có đặc tính của phụ nữ miền Nam, thật thà, đôn hậu, thực tế trong khi Nguyễn Xuân Hoàng lại có tính lãng mạn của mấy anh nghệ sĩ với những mơ ước tưởng như không bao giờ với tới được. Có lẽ chính vì vậy họ hợp thành một cặp rất đẹp đôi cho đến cuối đời.
Đằng Giao, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Xuân Hoàng ở quán Cà Phê Ân Nam Sài Gòn

Chị Vy, Ng Xuân Hoàng cùng bạn bè ở nhà Văn Quang năm 2004

Những ngày sau cùng

Khi anh Hoàng và chị Vy làm tờ báo Việt Tribune riêng của mình, tôi vẫn hợp tác, ngoại trừ thời gian tôi bị “hỏi thăm sức khỏe,” bị “cấm viết ra nước ngoài” và bị phạt vì tội “vi phạm internet,” cái thứ tội mà tôi không thể hiểu rõ đó là tội gì.

Hoàng điện thoại hỏi thăm nhưng thời gian đó điện thoại và internet nhà tôi bị cắt hết, anh hỏi thăm qua bạn bè. Hoàng rất thông cảm nhưng cũng chẳng thể làm gì hơn. Sau đó, tôi lại tự mình đứng lên, “tự mình tha tội cho mình” và lại tiếp tục con đường tôi phải đi.
Hoàng lại giục tôi gửi bài cho báo anh. Bài hàng tuần tôi viết cho khá dài nên tôi nói Hoàng cứ “tự do” xén bớt cho hợp với báo của mình. Tôi hoàn toàn tin ở anh. Có điều rất lạ là Hoàng thường tỏ ra buồn chán, tôi không thể hiểu hoàn toàn lý do nào. Sau một thời gian tôi mới biết Hoàng bị bệnh khá nặng.

Trong thời gian vài năm sau này, thỉnh thoảng tôi nhận được một cái mail của Hoàng, ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa của một căn bệnh “chán chường”. Thỉnh thoảng tôi điện thoại thăm hỏi, anh còn nói chuyện được năm ba phút. Nhưng lần sau cùng, cách đây khoảng hơn một tháng, khi tôi gọi, Hoàng bắt máy, nhưng chỉ nói được đúng một câu sau cùng “Tôi mệt quá anh ơi!” Tôi vội vàng cúp máy và thăm dò bệnh tình Hoàng qua những người bạn ở San Jose. Và điều tôi hiểu là Hoàng sẽ phải vĩnh viễn từ giã cuộc đời trong một ngày không xa.
Tôi hồi hộp chờ đợi một tin buồn sẽ đến, một thứ tin buồn được báo trước. Rồi tôi cũng nhận được điện thoại của người bạn ở San Jose báo tin này ngay sau khi Hoàng từ trần vào lúc gần 11g sáng ngày 13-9. Tôi chỉ kịp gửi đến chị Vy vài hàng chia buồn bởi tôi biết lúc này chị chẳng còn thì giờ,chẳng còn tâm trí đâu mà đọc.

Hàng ngày vào internet, tôi đọc được rất nhiều lời phân ưu, thương tiếc của rất nhiều bạn bè anh ở khắp nơi trên thế giới. Có lẽ ít có người nào dù ở bất kỳ thành phần nào được bạn bè yêu quý đến thế, ngoại trừ những ông “chính khách” thì toàn là những thủ tục chia buồn cho đúng phép xã giao, buồn đấy mà chưa chắc đã là buồn hay vui nữa. Với Nguyễn Xuân Hoàng, bạn “mày tao” cũng có, bạn xưng là anh, xưng là em cũng có, đàn ông đàn bà, già trẻ đủ cả trên khắp các trang báo, các trang web, các diễn đàn… Một người ra đi như thế thật hiếm. Anh phải sống như thế nào mới được tiễn đưa như thế.

Hoàng sống chân thật, chan hòa với bản tính điềm đạm, bình dị và nhún nhường, chưa bao giờ tỏ ra mình là một “nhà văn lớn” hay “một cái gì đó” quan trọng trong xã hội. Ở Hoàng, tôi nhận thấy anh luôn tỏ ra “Tôi chỉ là một con người rất tầm thường.” Đó chính là phong cách làm nên một nhà văn lớn.
Nhiều lần tôi đã định viết về anh nhưng đã có quá nhiều bạn anh viết về anh rồi, nhất là cuộc đời và tác phẩm của anh. Cho nên tôi vẫn ngần ngại. Nhưng cuối cùng, đến hôm nay tôi cảm thấy cần phải viết đôi dòng về anh với những cảm xúc không thể cưỡng lại và nỗi tiếc thương sâu sắc. Ở đây tôi chỉ nói đến tình cảm anh chia sẻ cùng tôi suốt chặng đường dài. Tôi mất một người bạn đúng nghĩa, vĩnh biệt Nguyễn Xuân Hoàng nhưng tôi biết chắc rằng trong cuộc đời còn lại của tôi luôn có hình ảnh anh ở bên.
 Về Hoàng Vũ Đông Sơn
Di ảnh Hoàng Vũ Đông Sơn
Có lẽ cái tên ấy còn xa lạ vời nhiều bạn đọc. Anh không sáng tác nhiều và cũng không hẳn là một nhà văn, nhà thơ thường xuyên góp mặt trên các trang báo. Sự nghiệp sáng tác của anh chỉ rộ lên từng thời kỳ, tùy hứng. Hay nói cho đúng hơn là vì thiếu “đất dụng võ” nên anh không có nhu cầu phải viết nhiều. Vẫn có những con người như thế. Thiếu “đất dụng võ” nên cũng không thúc đấy được hứng thú làm việc. Đành cứ “được đến đâu hay đến đó”.

Trong cuộc đời tôi đã từng gặp khá nhiều người quen biết như thế. Có tài, có khả năng nhưng vì một lý do nào đó để tài năng chết yểu. Hoàng Vũ Đông Sơn thì hơi khác. Anh cố gắng song chẳng “trụ” được ở nơi nào lâu. Tuy vậy anh không bỏ cuộc như những người khác, suốt cuộc đời anh vẫn sống cho văn chương và thơ phú. Lâu lâu anh gửi cho tôi đọc vài bài của anh.
Nhưng rồi anh cũng vào ra bệnh viện vài lần cùng thời gian với tôi. Cho nên chúng tôi không thể đến thăm nhau.
Thế rồi buổi sáng ngày 12 tháng 9, chị Đông Sơn điện thoại cho tôi báo tin “Nhà em vừa mất lúc 9 giờ sáng nay rồi bác ơi!”.
Tôi sững sờ, gọi cho Hàm Anh, lúc đó cô đang trên đường tới bệnh viện đưa thi hài người bạn về nhà. Một căn nhà cũ trong chung cư Thanh Đa siêu vẹo, anh chị vẫn sống ở đó cùng người con trai duy nhất từ nhiều năm nay. Nó còn thê thảm và hiểm nguy rình rập hơn cả cái chung cư tôi đang ở.

Tôi báo tin cho Uyên Thao, Hoàng Song Liêm, Thanh Thương Hoàng ở Mỹ, tất cả đều bàng hoàng thương tiếc. Năm nay anh 76 tuổi, một người bạn cam chịu với số phận, không thích tranh đua.
Trong số những tác phẩm của anh, tôi còn giữ được một vài bài. Mời bạn đọc một đoạn trong bài thơ của anh sau đây có thể là một tượng trưng cho đường lối sáng tác của anh:

Thưa với người đi
Ta cứ chôn chân mãi đất này
Tứ thời bát tiết nhìn mây bay
Ruồi nhặng vo ve quấy đảo quá!
Gay …
HVĐS

Người đi vạn ngả sông hồ
Có hay “thóc giống một bồ” ngả nghiêng
Lời thề sông Hát còn thiêng?
Văn Thân Sát Thát đâu riêng thời nào
Đinh Lê Lý Nguyễn… anh hào
Trần Lê Hồ Mạc vẫn gào quốc dân
Bảo vệ cương vực xa gần
Tấc suối phân đất ta cần bảo lưu
*
Tâm trong sáng – óc trí mưu
Sẽ biện biệt rõ: ân, cừu, thế nhân
Trong cốt cách Việt tinh thần
Bình Nam – kháng Bắc góp phần dựng xây
Mặt trời đâu mọc hướng Tây
Cường thù hăm hở cứ bày cuộc chơi
Gớm thay cho lũ con trời
Còn hang Dấu Gỗ muôn đời giặc đau
*
Ngô Quyền Hưng Đạo trước sau
Và còn sau nữa cùng nhau tiếp dòng
Quốc vận sao lắm long đong
Những trang quốc sĩ an lòng được sao…
Hoàng Vũ Đông Sơn 7/7/2012
Người bạn thứ ba, trẻ nhất vừa ra đi
Lương Quang Khôi và những trẻ em nghèo tại Campuchia

Đó là anh Lương Quang Khôi, năm nay mới 58 tuổi. Khôi không viết văn làm thơ, nhưng anh lại là một con người luôn gắn bó với những anh em “làm văn nghệ”. Nhất là những công việc từ thiện của bất cứ hội đoàn nào, anh cũng nhiệt tình tham gia.

Trong khoảng 5-7 năm gần đây, khi tuần báo Văn Nghệ Úc mang quà của Mái Ấm Tình Thương của bà con người Việt ở Úc về Việt Nam giúp đỡ rất nhiều gia đình nghèo khổ từ Nam chí Bắc và sang cả Biển Hồ Campuchia giúp nhiều gia đình người Việt rất khốn khổ ở xứ người, anh Khôi là một trong số người tình nguyện đi theo cả tháng trời. Anh không nề hà mang vác những thùng quà nặng trĩu, thức đêm, dậy sớm, anh làm việc như một “phu khuân vác” chính hiệu.

Tôi đã từng đi nhiều nơi cùng anh và đi cả Biển Hồ ở Campuchia với đoàn từ thiện Mái Ấm Tình Thương. Trong cả đoàn, anh là người trẻ tuổi nhất, xông xáo và tận tâm lo cho từng gia đình. Anh đã từng ôm những đứa trẻ con từ chiếc thuyền nan cũ nát sang chiếc bè giữa biển khơi và phát cho chúng những gói quà mà chúng tưởng như chẳng bao giờ có được giữa trời nước mênh mông ở xứ Chùa Tháp này, những thân phận dường như chẳng ai thèm đoái hoài đến.

Anh có cái dáng dấp lực sĩ, bảnh trai của một Ronaldo, tôi ví von như thế là quá đáng, nhưng để bạn đọc dễ hình dung ra con người này. Anh luôn giúp đỡ tôi khi phải mang hành lý lên máy bay hoặc xuống những con thuyền tam bản nhỏ xíu giữa những con suối chạy dài trong hệ thống kinh rạch chằng chịt của miền Tây Nam Bộ. Có khi chúng tôi ngồi hàng nửa ngày trong lòng ghe chật hẹp, chui qua những cái cầu khỉ cheo leo, đôi bờ đầy lau lách. Người đầu tiên khuân vác hàng quà lên đi vào các xóm nghèo chính là Hoàng Trọng Khôi. Bản tính anh rất hiền lành, yêu “văn nghệ” và con người làm văn học nghệ thuật bằng những hành động thiết thực, chan chứa tình nghĩa mà chẳng bao giờ nói ra.

Ở Sài Gòn, hồi sau này, biết tôi sức yếu không đi đâu nên thỉnh thoàng anh đi xe gắn máy lên đón tôi đi cà phê, ăn sáng. Mới vài ngày trước đây thôi, chúng tôi ăn sáng và ngồi ở quán café mới mở ngay trong chung cư. Anh vẫn điềm đạm, ít nói và còn hẹn nhau đến thàng 12 này, tòa báo Văn Nghệ Úc lại về làm từ thiện. Tôi nói chắc kỳ này không thể đi được, anh cố nài nỉ tôi đi cùng anh em đến một địa điểm nào gần Sài Gòn thôi hoặc đi máy bay lên Đà Lạt phát quà cho mấy trại tâm thần rồi để tôi nghỉ ngơi. Tôi vẫn lắc đầu vì sợ tôi chỉ làm phiền cho các anh thôi nếu tôi… lăn đùng ra đó. Khôi có vẻ buồn không thuyết phục được tôi.
Thế mà, chiều ngày 20-9 vừa qua, Thanh Sài Gòn điện thoại báo tin sét đánh “Khôi ra đi lúc 6g chiều rồi anh ơi!”. Tôi hỏi nguyên nhân, chỉ là vì bị đột quỵ, máu đã tràn ra khắp đầu, các bác sĩ giỏi nhất đành bó tay. Cái thứ bệnh khó có ai ngờ trước được.

Buổi chiều ngày 21-9- 2014 vừa qua, cũng là ngày sinh nhật thứ 82 của tôi, chúng tôi đến nhìn anh lần cuối cùng. Trong số tất cả anh em ở tuần báo Văn Nghệ Úc đến những anh em ở Sài Gòn, người trẻ tuổi nhất lại ra đi trước bỏ lại người góa phụ còn trẻ cùng hai đứa con thơ.
Trong cuộc đời chúng ta, chẳng phải chỉ có những người thân trong gia đình, trong cùng sự nghiệp mới là bạn mà cạnh đó còn những con người đã dành cho chúng ta một thứ tình cảm thầm lặng cũng rất đáng trân trọng khiến chúng ta không bao giờ quên.

Khôi (từ phải qua) và Đoàn Dự, Văn Quang, Thanh Sài Gòn sau một chuyến đi làm từ thiện ở Đà Lạt

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
* Trang bài viết của Nhà văn Văn Quang - VienDongDaily.com

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
__._,_.___

Posted by: Nhat Lung 

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List