Popular Posts

Saturday, December 27, 2014

Pierre Duval : « Tiếng gọi ruộng đồng »


TẠP CHÍ VĂN HÓA

Pierre Duval : « Tiếng gọi ruộng đồng »

  •  
  •  
  •  
  • Share

Sinh trưởng trong một gia đình tư sản vùng Bretagne (Pháp), Pierre Duval sang Đông Dương làm việc trong một đồn điền trồng cao su của một người Marseille. Dần dần, ông khẳng định vị trí của mình tại đây khi làm chủ một trong những trang trại rộng nhất Đông Dương và tạo việc làm cho người dân Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận.

36 năm kinh nghiệm tại nơi ông coi là quê hương được ông viết lại trong cuốn hồi kí «Tiếng gọi đồng ruộng - L’appel de la rizière» sau khi ông quay về Pháp vào năm 1960. Chỉ với mục đích lưu lại kỉ niệm cho gia đình và người thân, cuốn hồi kí của ông được chép thành nhiều bản, trong đó có một bản do cha Gérard Moussay giữ (Missions Etrangères à Paris, MEP).

Fabien Chébaut, tiến sĩ cổ sử Việt Nam, chuyên ngành địa-lịch sử miền Nam Champa, tình cờ phát hiện và kết hợp với Nhà xuất bản Les Indes Savantes xuất bản cuốn sách này. 

Trong lời tựa, anh nhận xét: « Cuốn sách kể lại chuyện của một người đam mê với công việc và yêu con người Việt Nam. Những kỉ niệm của ông tái tạo cảnh quan của đất nước qua cách sống, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, cũng như qua sự uể oải, hay tính hào phóng và khả năng tự xoay sở của họ. Pierre Duval chia sẽ với độc giả một cuộc đời đầy khám phá, học hỏi và gặp gỡ trên mọi phương diện với Lịch sử ».
RFI Việt ngữ có dịp trao đổi với anh Fabien Chébaut về Pierre Duval. Sau đây là toàn bộ buổi phỏng vấn.

RFI : Chào anh Fabien Chébaut, anh có thể cho biết Pierre Duval là ai không? Và tại sao ông tới Việt Nam?

Fabien Chébaut : Chào chị. Pierre Duval xuất thân từ một gia đình gốc tư sản vùng Bretagne. Từ bé, ông đã tỏ ra se rebeller và mong thoát khỏi thế giới tư sản để phiêu lưu. Và hoàn toàn ngẫu nhiên, một người Marseille đã thuê ông. Rồi ông tới các khu trồng cao su tại khu vực Sài Gòn trong những năm 1920.

Chính trong những khu trồng cao su này, trong điều kiện làm việc vô cùng khó khăn, ông đã chia sẻ cuộc sống hàng ngày với những người Việt Nam cũng bị ông chủ Marseille bóc lột. Sau đó, ông bị mắc bệnh và phải nghỉ việc. Vào năm 1926, cùng với bố của mình, ông đã mua lại một khu nhượng địa rộng lớn tại Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Đây chính là bước đầu của cuộc phiêu lưu của ông.

RFI : Xin anh cho biết, tại sao ông lại tới Phan Rang? Ông ở lại đó bao lâu? Và đâu là những thời điểm quan trọng trong thời gian ông sống tại đó?

Fabien Chébaut : Ông tới Phan Rang vào năm 1926 với bố của mình. Ông đã mua lại khu nhượng địa của một người Pháp. Ông đã nâng giá trị vùng đất Phan Rang bằng cách tạo ra rất nhiều kênh rạch để tưới đất đai và phát quang rừng. Thay vào vị trí của rừng, đất hoang và các đầm lầy là những cánh đồng mênh mông. Từ thời gian này trở đi, vùng đất Phan Rang bắt đầu phát triển. Cuộc sống của Pierre Duval chính là cuộc sống của một người nông dân. Ông kể lại những gì họ đã làm để làm tăng diện tích trồng trọt, cũng như là thử nghiệm một số giống cây mới chưa có tại Việt Nam.

 Cứ thế, trải qua nhiều giai đoạn, họ thử những điều mới, những giống cây trồng mới. Chúng ta thấy cuộc sống này trong cuốn hồi kí của ông.

Nhưng rồi cuộc sống của một chủ trang trại bị xáo trộn bởi những sự kiện quốc tế mà Việt Nam trải qua trong lịch sử của mình. Sự kiện thứ nhất là việc người Nhật vào Việt Nam năm 1940. Pierre Duval chứng kiến người Nhật tới đóng quân tại Phan Rang. Sau đó là người Pháp cuối cuộc chiến 1945. Chúng ta nhận thấy là Pierre Duval ít có cảm tình với những người đó. Và sau đó nữa, là chiến tranh Việt Nam. Pierre Duval kể lại cuộc sống của ông trong ba thời điểm này. Đây cũng là điểm lý thú trong hồi kí của ông. Đến năm 1960, ông quyết định về Pháp vì áp lực ngày càng nặng nề hơn trong bối cảnh chiến tranh như vậy.

RFI : Anh có thể cho biết tại sao anh không sử dụng từ « thực dân » khi nói về sự nghiệp của Pierre Duval tại Đông Dương ? Ông đã gây dựng và thắt chặt mối quan hệ với người bản địa như thế nào, đặc biệt là với các dân tộc thiểu số, vì chúng ta có thể nhận thấy, trong số những người làm cho ông, không có người Pháp nào.

Fabien Chébaut : Điều lý thú trong hồi kí của Pierre Duval là giúp chúng ta xem xét lại mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam theo một cách hoàn toàn khác. Với tôi, Pierre Duval không phải là một « thực dân ». Có nghĩa là, ông không tới Việt Nam để đô hộ Việt Nam. Trong suốt sự nghiệp của mình, phải coi ông như bất kì chủ doanh nghiệp nào. Điều này rất quan trọng. Ông không bóc lột người làm của mình. Ông trả lương họ như bất kì chủ doanh nghiệp nào. Chính bản thân ông đã trải qua vị trí « thực dân » trong thời gian làm việc tại đồn điền cao su của một « thực dân » Pháp với những người Việt Nam khác. Còn ông thì lại có mối quan hệ hoàn toàn khác với người Việt Nam. Ông học tiếng Việt và ông kết hôn với một cô gái Phan Rang. Và ông thắt chặt mối quan hệ với người dân Phan Rang. Với ông, điều quan trọng nhất là cá tính của con người, những giá trị và những kinh nghiệm mà họ có. Hơn nữa, ông có mối quan hệ thân thiết với một người Việt Nam. Người này đã bảo vệ ông và theo ông tới lúc cuối.

Một điều lý thú khác trong hồi kí, đó là ông biết sử dụng những điểm mạnh của người dân sống trong vùng. Ví dụ, để chặt rừng, ông đã sử dụng người miền núi giỏi phát quang cây cối. Tiếp theo, ông đã sử dụng hiểu biết và kinh nghiệm của người Chăm sống tại đó để xây dựng một hệ thống thuỷ lợi khá chắc chắn, cho phép tưới tiêu những vùng đất và cánh đồng mới. Sau đó, là người Kinh tham gia vào việc trồng cấy, chăn nuôi súc vật. Đây cũng là điều lý thú tại trang trại này, nơi mọi tộc người sống và làm việc chung. Chính vì thế, chúng ta không thể nói Pierre Duval là « thực dân » vì ông ở đây không phải cho việc đó. Ông ở đây để kiếm sống, như bất kì chủ doanh nghiệp nào. Chính vì thế, ông đối xử với người Kinh, người miền núi hay người Chăm như người lao động của mình.
Vẫn trong ý tưởng cuộc sống tại địa phương, Pierre Duval chia sẻ cuộc sống với người dân. Chúng ta sẽ thấy ông trong nhiều tình huống khác nhau, như đi săn voi hay hổ với người dân miền núi. Người ta thấy ông ở những thời điểm khác với người Kinh, như tại các lễ hội tôn giáo. Rồi ông cũng có mặt bên cạnh các quan chức địa phương, trưởng làng hay trưởng tộc. Người đàn ông này thật sự yêu vùng đất Phan Rang, nước Việt Nam, vùng đất nơi ông lập nghiệp. Vì đó là nơi ông có những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời. Chính tại đó ông gặp những người dân mà dần dần, giữa họ nảy sinh tình cảm ngày càng thân thiết và sự hợp tác chặt chẽ.

RFI : Nếu như tôi hiểu ý anh vừa nói, thì quyển sách này giúp chúng ta thay đổi cách nhìn về khái niệm, một bên là « thực dân », còn bên kia là « người bị trị » ?

Fabien Chébaut : Chị có lý, vì chúng ta không quên được là Đông Dương nằm dưới sự cai trị của Pháp và một bộ phận người Pháp tại Việt Nam cư xử như « thực dân ». Nhưng Pierre Duval không phải là trường hợp đó. Và chúng ta có thể nói là có rất nhiều người Pháp sống tại Đông Dương, đặc biệt là tại Việt Nam, ngẫu nhiên tới đó và yêu mến đất nước, và hoàn toàn không có ý tưởng « đô hộ ». Và đây là điều hiển nhiên trong trường hợp của Pierre Duval.

Cách ông cư xử với người Kinh, người Chăm hay người miền núi, là những người dân địa phương, cho phép nhìn nhận trên góc độ xã hội. Một bên là chủ lao động, bên kia là người lao động. Nhưng người lao động không đồng nghĩa với người bị bóc lột. Họ có vị trí trong doanh nghiệp và đóng góp sức lực, kinh nghiệm của mình. Còn chủ doanh nghiệp, là Pierre Duval, có mặt tại đó để điều phối công việc để cơ nghiệp của mình tiếp tục hoạt động và dĩ nhiên là để làm giàu. Nhưng lợi nhuận và thành quả lao động được chia đều cho mọi người. Chính vì thế mà giữa họ hình thành một mối liên hệ, với toàn bộ người lao động trong khu vực trang trại. Và cuối cũng mỗi người đều tìm được lợi ích trong đó. Vì thế, Pierre Duval không phải là một « thực dân », mà là một chủ doanh nghiệp. Đó chính là một phần lịch sử cá nhân ông, và là một phần lịch sử sự hiện diện của Pháp tại Đông Dương.

RFI : Qua bản hồi kí, tôi thấy ngạc nhiên là Pierre Duval chống Nhật, rồi bị Việt Minh bắt đi. Sau đó, tại sao ông lại được thả ?

Fabien Chébaut : Đúng thế, đó chính là hai sự kiện khá quan trọng trong cuộc sống của Pierre Duval. Khi người Nhật tới vùng Phan Rang trong cuộc chiến 1940, họ muốn trưng thu thóc lúa của ông, cũng như thóc lúa do người Việt trồng trong khu nhượng địa. Ông đã chống Nhật, đây cũng là mặt nổi loạn, cứng đầu của ông. Vì thế, việc người Nhật lấy lúa trong khu khai thác nông nghiệp của ông gây bất lợi cho chính bản thân, đồng thời cho những người làm của ông.

Đúng là ông đã bị lính Nhật bắt giam tại Nha Trang. Ông đã được người dân và người làm của mình giúp đỡ. Qua đó, chúng ta thấy được cả một mạng lưới tương trợ nhau và mối quan hệ mà ông gây dựng được trong khu khai thác của mình. Sau đó, trong cuộc chiến tranh Đông Dương, Việt Minh đã bắt Pierre Duval đi. Nhưng ở điểm này, Việt Minh cũng rất thận trọng vì Pierre Duval giúp một lượng lớn người dân sống được tại Phan Rang. Và cũng không thể nào bắt ông rời Phan Rang, vì điều này sẽ gây rối loạn cho công việc khai thác nông nghiệp. Cuối cùng, Việt Minh đã thả Pierre Duval.
Để tiếp ý trên, có một chuyện khá lý thú. Pierre Duval bị mắc bệnh khiến ông không tự đi được. Vì thế, lúc nào ông cũng có hai người Kinh, ở bên cạnh để khiêng ghế. Và khi Pierre Duval bị Việt Minh bắt đi, hai người này cũng bị bắt theo. Trong suốt thời gian giam lỏng, ông chia sẻ cuộc sống hàng ngày với họ, cũng như với bộ đội Việt Minh. Chính vì thế, mà không có sự đối đầu trực tiếp giữa Pierre Duval với bộ đội Việt Minh. Đây cũng là điều lý thú trong hồi kí của ông.

RFI : Năm 1960, Pierre Duval rời Đông Dương về Pháp, vậy ông đã để lại gì cho người dân Phan Rang-Ninh Thuận ?

Fabien Chébaut : Đúng là cuộc chiến Đông Dương khiến khu khai thác nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Năm 1960, ông rời Việt Nam. Với ông, đây là sự chia cắt với nơi ông lập nghiệp, vùng đất ông gắn bó. Pierre Duval đau lòng chia tay Phan Rang về Pháp, đất nước mà cuối cùng ông chẳng biết gì, vì ông rời bỏ từ lúc còn rất trẻ, và ông cũng không có cảm giác mình là người Pháp. Với ông, ông gắn bó với quê hương của mình là vùng đất Phan Rang. Vả lại, tựa đề của cuốn sách Tiếng gọi đồng ruộng (L’appel de la rizière) cũng chứng minh rằng, với ông, ruộng đồng là quan trọng nhất. Đó mới là nơi ông thích được sống.

Ngày nay, khi chúng ta đi thăm Phan Rang, chúng ta ngạc nhiên thấy rằng vùng đất vẫn giữ trong mình những di sản còn lại từ công trình của Pierre Duval. Bạn sẽ thấy những kênh nước tưới tiêu lớn mà Pierre Duval đã cho xây. Cần nhấn mạnh lần nữa là không phải mình ông, mà cùng với người Kinh, người Chăm và người miền núi. Chúng ta cũng thấy trong quang cảnh ngày nay những dấu tích của công trình tập thể này. Thêm vào đó là những cánh đồng bên cạnh hệ thống kênh rạch. Phần lớn những cánh đồng tại Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, có từ khu nhượng địa khai thác nông nghiệp của Pierre Duval.

Và khi chúng ta nói chuyện với người dân địa phương cao tuổi, một số người vẫn còn nhớ tới Pierre Duval. Kỉ niệm về ông vẫn tồn tại ở một số làng. Và ngay cả việc đặt tên một số cánh đồng, người ta vẫn lấy mốc là khu trang trại của Pierre Duval. Như vậy, kỉ niệm về Pierre Duval vẫn tồn tại ở Ninh Thuận và đó cũng là một điểm quan trọng trong cuốn sách này.

Câu chuyện về Pierre cũng chứng minh mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và Pháp, không phải chỉ là mối quan hệ bạo lực hay chiến tranh, mà còn là mối quan hệ tình cảm, xã hội. Đó là một câu chuyện đẹp giữa Pháp và Việt Nam mà trường hợp của Pierre Duval là một ví dụ.
*
Fabien Chébaut cho biết bằng chứng mà Pierre Duval mang lại có tầm quan trọng đặc biệt đối với những nhà sử học, vì nó cho phép đánh giá lại mối quan hệ giữa các dân tộc sống trong thuộc địa. Thật vậy, cuốn hồi kí mang lại một cái nhìn mới về Đông Dương, khác xa với cách nhìn « vơ đũa cả nắm » : Một bên là « thực dân » và bên kia là « người bị đô hộ ». 

Pierre Duval nằm trong nhóm những người Pháp muốn chu du phương xa và, trong trường hợp của ông, thoát khỏi cuộc sống của một gia đình tư sản. Có lẽ thế mà ông không ngại khi kết bạn với những nhân vật có quá khứ đặc biệt, như Nguyễn Thơm, người thân cận của ông, đã từng đi tù, hay những lính lê dương mà ông thích giành nhiều thời gian tiêu khiển với họ.

Trong hồi kí của Pierre Duval, hình ảnh Đông Dương hoàn toàn khác với hình ảnh mà các tấm bưu thiệp thường khêu gợi trí tưởng tượng của người dân Mẫu quốc. Đó là hình ảnh thực được vẽ lên từ kinh nghiệm của một người đã biến vùng đất Phan Rang thành nơi gây dựng cơ nghiệp của mình.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List