NIỀM
VUI GIÁNG SINH
Nguyễn Văn
Thông
(Thân chúc quí bạn-hữu mùa Giáng Sinh
an-lành, tràn hồng-phúc và niềm vui vì Thiên Chúa đến ở cũng chúng
ta.)
Mùa đông đến với miền đông-bắc nước
Mỹ một cách sớm-sủa và dữ-dội. Mới cuối tháng 11 mà một trận tuyết
khổng-lồ đổ xuống thành-phố Buffallo NY một lớp tuyết dày trên dưới 2
mét. Trận bão từ chân trời sầm-sập kéo đến như một trận cuồng-phong cát
bụi khổng-lồ. Chỗ tôi ở cách đó khoảng 7 tiếng lái xe về phía đông
nên tuyết chỉ trải một lớp như tấm thảm trắng mênh-mông. Trận bão tuyết ấy
không phải là chuyện lớn ở Mỹ.
Nhạc Giáng-Sinh đã bắt
đầu rộn-ràng ở nhiều đài phát-thanh khi lên xe nổ máy. Trên
truyền-hình thì mọi hình-ảnh rực-rỡ của Giáng Sinh được gắn liền với các
mặt hàng. Nhà cửa dọc theo đường-phố đã lấp-lánh điện
trang-hoàng đủ kiểu, đủ màu. Trước cửa các nhà thờ là máng cỏ
Giáng Sinh. Tin-tức hàng ngày có đủ mọi tin từ việc lành mùa Giáng
Sinh đến việc dữ như tượng Chúa Hài-Đồng bị đánh cắp. Tất cả đã
cho chúng tôi một không-khí Giáng Sinh rực-rỡ, êm-ấm, no-đủ và
rộn-ràng.
Thế nhưng điều ấy
bao giờ cũng khiến tôi chạnh lòng nghĩ về những cảnh nghèo-khổ, cùng-cực,
bị đàn-áp, bị bóc-lột, bị tra-tấn và thậm-chí bị giết. Những sự việc ấy
xảy ra nhiều nơi trên thế-giới và trên quê-hương Việt Nam. Tôi phải
nghĩ làm sao khi tôi được hưởng mùa Giáng-Sinh với sự
tràn-đầy hân-hoan, và tin rằng Chúa xuống thế để ban an-bình cho con
người trong khi bao người chẳng có chút hương-vị gì của sự bình-an
Giáng Sinh.
Tôi sắp giải-bày tâm-sự với các
bạn-hữu của tôi trong và ngoài niềm tin vào Thiên Chúa. Tôi có nhiều
bạn nhưng có lẽ cũng như nhiều người là có một số ít bạn
thân, chỉ có điều đáng nói là dù không chung niềm tin, tôi vẫn rất
thân và rất quí những người bạn đó. Hồi nhỏ tôi
theo một bạn đi chùa mỗi mồng một, ngày rằm và ngày Tết. Bạn chỉ
theo tôi đi nhà thờ ngày lễ Giáng Sinh. Sau mười mấy năm mới liên-lạc được với
nhau, anh ấy bảo thỉnh-thoảng mang lá thư hồi nhỏ tôi viết cho
anh ấy ra đọc. Tôi cảm-động suýt khóc.
Đối với tôi,
niềm tin của tôi vào Chúa là một hành-trình hơn là một
di-sản gia-đình dù tôi cảm-phục sâu-xa cuộc sống đức tin của
bố mẹ tôi. Tôi khám-phá ra Chúa dần dần. Từ nhỏ tôi đau-xót khi
thấy người trong làng quê của tôi qua đời, và uất-ức
tưởng như nghẹt thở khi em tôi chết lúc được chín tháng tuổi, đang đẹp
như một thiên-thần. Tới 18 tuổi, tôi còn cảm thấy chết là phi-lí, tôi
không thể chấp-nhận được. Không nói ra nhưng tôi thầm trách Chúa
có trách-nhiệm để cho có sự chết và những sự đau-khổ
xem ra phí-lí ở trên cuộc đời này.
Bởi thế niềm vui, vẻ
rực-rỡ của mùa Giáng Sinh đối với tôi như che-dấu một
thực-thể phũ-phàng nào đó. Có phải Chúa xuống để mang bình-an không
khi mà ban kèn Don Bosco Thủ Đức của chúng tôi thổi kèn lễ sớm Giáng
Sinh chiều 24/12 ở những trại lính Thủy Quân Lục Chiến trước
khi họ được bốc đi Kontum hay Quảng Trị ngay trong đêm đó? Có
phải những tiểu-đoàn ấy ra đi đêm Giáng Sinh sẽ
trở về bình-an và nguyên-vẹn? Vợ con họ có được bình-an khi
lòng họ canh-cánh âu-lo trong trại gia-binh hay không?
Bước đầu, tôi
khám-phá được rằng, Chúa sinh ra trong chuồng bò vì không được con
người tiếp-đón; Chúa bị giết và chết trên thập-giá - hình-phạt lớn
nhất dành cho một tử-tội thời đế-quốc Roma. Và cuối cùng, tôi
khám-phá ra được, Chúa đã xuống trần làm con người, chịu
phận con người và sống như con người.
Vâng, tôi đã khám-phá hay đúng hơn là cảm-nhận được dần-dần.
Chúa không xuống thế để làm
phép mầu biến sự chết đi khỏi cuộc đời này nhưng Chúa chết để sống
lại - sự chết không còn làm chủ, không còn làm con người
khiếp-sợ nữa. Chết là sự bước qua, là chiếc cầu, là phương-tiện đến sự sống
trường-cửu. Chúa không xuống trần để xóa mọi đau-khổ của thể-xác và
tinh-thần nhưng làm cho chúng có giá-trị yêu-thương, cảm-thông, đùm-bọc,
tương-thân, tương-trợ, tìm-tòi, sáng-tạo và cuối cùng là mang giá-trị
cứu-rỗi.
Con người khi được
tạo-dựng thì được tạo-dựng với sự tự-do khác hẳn các tạo-vật
khác. Con người đã dùng sự tự-do ấy để chống lại Đấng
dựng nên mình (Sách Sáng Thế). Nhưng Thiên Chúa Đấng Tạo-Hóa không bỏ mặc con
người, trái lại hoạch-định một chương-trình cứu-rỗi. Con Thiên Chúa sẽ
xuống thế làm người, mang con người về làm hòa cùng Thiên
Chúa Cha. Những dòng Thánh Kinh thu-gọn ấy tôi chỉ cảm-nhận được
dần dần và phần nào nhưng như những giọt nước thấm vào lòng đất
khô. Tôi cảm-nhận rằng, không phải chỉ có nguyên-tổ Adam và Eva
sa-ngã mà chính con người, chính tôi sa-ngã hằng ngày vì chúng
ta mang bản-tính con người.
Khi Con Thiên Chúa giáng
thế trong sự-kiện Giáng Sinh, nhân-loại được đổi mới, được sống
trong hi-vọng được cứu-rỗi với sự cộng-tác của mình - con
người vẫn có sự tự-do để từ-chối. Suy-gẫm điều ấy, tôi
chưa thấy mình được cứu-rỗi ở một thiên-đàng xa-vời nhưng
thấy mình được cứu-rỗi ngay trong cuộc đời thường. Tôi ăn, uống,
ngủ, nghỉ, làm-việc, học-hành, âu-lo, hi-vọng ... tất cả mọi
hành-vi đều được chia-sẻ với cuộc sống của Con Thiên
Chúa, vì Chúa đã xuống thế làm người, và sống như con
người.
Chúa cũng đã khát, phải xin nước người phụ-nữ
Samaritan bên bờ giếng Giacop. Chúa đã đói phải cùng các môn-đệ tuốt những
bông lúa bên đường mà ăn. Miếng ăn của người nghèo và người ăn
xin không còn là miếng nhục, vì Chúa cũng đã xin ăn. Nhưng
Chúa cũng dự bao nhiêu bữa tiệc, Chúa dâng lời tạ-ơn, nói lời nhận-xét người
dự tiệc như thế nào là xứng-đáng, người phục-vụ thì phục-vụ thế nào
là vì tình-yêu, sự cảm-mến hay vì khoe-khoang.
Từ đó tôi cảm-nhận được nhiều hơn
lời Thánh Phaolo: "Dù tôi ăn hay uống, tôi thức
hay ngủ, tôi làm vì danh Chúa." (1Cor 31) Thánh Teresa Nhỏ được
tôn-phong tiến-sĩ Giáo Hội vì tìm ra đường nên thánh bằng các
việc nhỏ.
Chúa giáng-sinh để đem
lại phẩm-giá cho con người trong đời thường và trong ý-thức
hệ. Đức Giáo Hoàng Francis trong khi bàn về vấn-đề nô-lệ của
thời-đại đã nói rằng: "Xưa và nay,
vấn đề
nô lệ đều được bắt nguồn từ ý-niệm về con người như
là một thứ đồ vật. Khi tội-lỗi làm băng-hoại lòng
người và tách con người khỏi Đấng Hóa-Công thì người
ta không coi tha-nhân là những hữu-thể có nhân-tính và phẩm-giá
bình-đẳng. Con người không được nhìn là hình-ảnh của Thiên
Chúa. Từ đó con người bị cướp đi quyền
tự-do, nhân-tính và phẩm-giá, bị áp bức,
bóc-lột về thể-lý hoặc tinh-thần. Họ bị bán đi thành
sản-vật của người khác." (Sứ-Điệp Chuẩn-Bị Cho Ngày Hoà Bình 1.1.2015)
Bạn biết không,
cảm-nhận được sự nhiệm-mầu Chúa Giáng
Sinh, tôi sở-hữu được niềm vui-sướng là có Chúa ở với tôi,
có Chúa sống đồng-hành với tôi trong cuộc đời.
Tôi hãnh-diện - nhiều khi âm-thầm - biết rằng cuộc sống đời
thường của tôi không tầm-thường. Cuộc đời tôi được mời-gọi để kết-hợp với thân-thể và cuộc đời của Chúa,
như sợi tơ dệt thành tấm vải. Dù ở vị-trí nào, ở mép
riềm hay trung-tâm, xấu hay đẹp, được nhuộm màu
tối hay sáng, nổi bật hay ẩn-chìm vào hậu cảnh, tôi vẫn
có vai-trò trong toàn-thể và giá-trị trước mặt Chúa.
Tôi
dù vẫn là con người mỏng-dòn, yếu-đuối nhưng tôi không
còn nhìn đau-khổ và sự chết là phi-lí nữa.
Chúa đã nêu gương và là mẫu-mực cho tôi trong đau-khổ và sự chết.
Tôi có niềm vinh-dự được mời-gọi đóng-góp và chia-sẻ với Chúa
trong công-trình cứu-rỗi.
Quì trước Máng
Cỏ Giáng Sinh, ánh điện lấp-lánh và tiếng nhạc du-dương
không làm nhòe đi ý-thức của tôi về những cọng
rơm sưởi ấm Con Thiên Chúa vừa hạ sinh. Lòng tôi tràn-ngập
niềm vui và tạ-ơn vì Thiên Chúa đến ở với chúng
ta - Emmanuel.***
Nguyễn
Văn Thông
12/2014
|
__._,_.___
No comments:
Post a Comment