Popular Posts

Monday, December 25, 2017

Bà Bầu Kim Chưởng đệ nhất anh hùng lưu diễn


Bà Bầu Kim Chưởng đệ nhất anh hùng lưu diễn

Soạn giả Nguyễn Phương
Inline images 1
Cuộc đời của nữ nghệ sĩ Kim Chưởng là tấm gương của người đam mê nghệ thuật sân khấu, học hỏi không ngừng. Sự thành tựu của nghệ sĩ Kim Chưởng gắn liền với sự phát triển của nghệ thuật sân khấu trong các thập niên 50, 60, 70.
Cô Kim Chưởng tên thật là Cao Thị Chưởng, sinh năm 1929, tại Cồn Ông, xã Trường Long Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, là con áp út trong gia đình có 7 anh chị em.
Khi cô Chưởng lên tám tuổi, ba của cô là ông Cả ở Cồn Ông, Ba Động qua đời. Vì cha cô bịnh lâu mới mất, gia sản tiêu tan lần hồi theo tiền thuốc thang chữa trị nên khi ba của cô mất, chôn cất xong là má cô rời bỏ làng quê, dẫn cô về thị xã Trà Vinh, sống bằng nghề mua gánh bán bưng.
Cô Kim Chưởng phải thức khuya dậy sớm giúp mẹ gói bánh tét, bánh ú đem ra chợ bán, gia đình bữa đói bữa no. Trong lúc đi bán bánh ở chợ, cô nghe máy hát hát những bài ca vọng cổ, cô học theo để ca nghêu ngao những khi buồn. Anh Hai của cô nghe cô ca, bèn nói với mẹ là giọng ca của con Chưởng nghe ngọt lắm, xin mẹ cho cô đi theo gánh hát, học hát. Mẹ cô Chưởng không muốn xa con, do dự mãi, đến khi thấy là bà không đủ sức nuôi dưỡng và giúp cho con có một nghề để sinh sống nên bà mới bằng lòng cho cô Chưởng theo đoàn hát.
Anh của cô Chưởng quen anh Tư Sum nên nhờ Tư Sum giới thiệu cho cô Chưởng theo gánh hát để học hát. Anh Tư Sum là anh chị bự, một võ sĩ có hạng được bầu gánh hát mướn gát cửa để ngăn ngừa bọn du đảng quấy phá. Vì địa vị của Tư Sum trong gánh hát thấp kém nên cô Chưởng được Tư Sum giới thiệu vào thì cũng chỉ được làm người ở đợ không lương, giúp việc vặt cho ông bà bầu và đào kép chánh.
Công việc của cô Chưởng làm trong gánh hát là buổi sáng phụ bếp nấu cơm hội cho nghệ sĩ, giặt đồ của ông bà bầu và buổi tối bán nước sâm của bà tẩm khậu nấu, mỗi tối được bà tẩm khậu cho vài đồng bạc tiêu xài. Cô Chưởng còn giặt đồ, đấm bóp cho cô Mỹ Giàu, đào chánh để được Mỹ Giàu dạy cho ca các bản cổ nhạc nhỏ. Hằng đêm, khi đoàn đang hát thì cô Chưởng ngồi một góc rạp xem và học nhẩm theo cách ca của cô đào chánh Mỹ Giàu. Khi màn bỏ xuống thì cô bưng nước sâm đi bán. Mỗi đêm học hát như vậy, cô Chưởng thuộc nhiều vai tuồng của cô Mỹ Giàu, thần tượng của cô.
Cô Chưởng theo các cô vũ nữ trong đoàn học múa, siêng năng học kỏi nhưng chưa được lên sân khấu lần nào. Nhưng rồi có dịp may, một cô vũ nữ bịnh bất ngờ, cô Chưởng được ông bầu cho lên múa thế. Cô Chưởng được người giúp đánh phấn thoa son, mặc y phục vũ nữ, cô múa rất đẹp và rất đúng như cô đã được ông thầy dạy vũ dạy trức tiếp. Đêm đó là đêm hạnh phúc nhứt của cô, vừa được múa hát trên sân khấu, vừa được hưởng lương của một người vũ nữ.
Năm sau, anh rể của cô gởi cho cô theo đoàn hát Tân Thiếu Niên của ông bầu Ba Đô. Cô làm em nuôi của đào chánh Ba Quyên và làm tỳ nữ trong các tuồng của thầy Ba Đô. Làm em nuôi giống như ở đợ, phải giặt quần áo, dọn dẹp tủ làm tuồng trước và sau khi hát cho chị nuôi, có nhiều đêm phải đấm bóp cho chị nuôi để được chị nuôi dạy cho hát vài ba câu hát. Cô Chưởng còn âm thầm tự học, ca nhái theo mỗi khi cô núp bên cánh gà xem cô Quyên hát. Nhiều tháng trôi qua, cô Chưởng thuộc nhiều vai tuồng hát của cô Ba Quyên, cô Chưởng được ông thầy đờn đờn cho cô ca thử, ông bầu Ba Đô nghe qua thích lắm.
Cô Chưởng tự học thêm bằng cách núp bên cánh gà xem các nghệ sĩ hát, cô chú ý các vai đào mùi, đào độc, cả vai mụ, cách hát ra sao, bộ đi, cách đứng, đưa tay múa như thế nào. Ban ngày cô ra sau rạp hát hay lựa chỗ vắng người, hát lại cho thuộc, tập múa lại cho quen các động tác đã học lóm được của các diễn viên trong đoàn.
Sáu tháng sau, trong dịp Tết cô đào chánh Ba Quyên bỏ đoàn bất ngờ, đi hát cho gánh khác. Đêm đó bán vé hát complet mà gần đến giờ mở màn ông bầu Ba Đô mới biết là cô đào chánh Ba Quyên đã chở rương tráp đi mất. Không thể nghỉ hát hoàn tiền cho khán giả vì ông đã dùng tiền bán vé hát đó để phát trước cho nghệ sĩ trong dịp Tết, ông phải kiếm người thế tuồng cô đào chánh. Các cô đào kia không người nào thuộc tuồng và không ai dám thế vai cô Ba Quyên. Khi ông hỏi đến cô Chưởng thì cô nói cô thuộc tuồng nhưng không biết hát thế cô Quyên được không? Ông Ba Đô nói: Mầy thuộc là được rồi, cứ ra hát giống như nó. Tao ở trong cánh gà, nhắc lớp hát cho mầy. Cứ bình tĩnh, tao làm mặt cho mày…(tức là đánh phấn tô son hóa trang cho nhân vật)
Đêm đó cô Chưởng thế tuồng cho cô đào chánh Ba Quyên, cô hát như một cô đào chánh chánh hiệu. Cả gánh hát đều mừng vì đêm đó mùng 1 Tết, đoàn khỏi phải trả vé và cô Chưởng hát thế vai mà được khán giả nhiệt liệt ngợi khen. Từ hôm đó cô Chưởng trở thành đào chánh, cô hát thế tất cả những vai của cô Quyên, hát hay hơn, ca hay hơn cô đào chánh cũ. Năm đó cô Chưởng mới được 13 tuổi, là đào chánh trẻ nhứt, đẹp nhứt, ca hay nhứt. ông thầy Ba Đô đặt nghệ danh cho cô là Kim Chưởng. Ông Ba Đô nói: Theo chữ nho Chưởng là trồng, Kim là vàng, Kim Chưởng là trồng vàng. Ông Ba Đô dạy thêm cho cô Kim Chưởng về nghệ thuật diễn xuất và ca cổ nhạc: ba Nam sáu Bắc. Nghề nghiệp Kim Chưởng ngày càng vững vàng, cho đến năm 1943, ông Ba Đô giải tán gánh hát Tân Thiếu Niên, Kim Chưởng được đoàn Văn Hí Ban mời cộng tác.
Cô Kim Chưởng còn cộng tác với đoàn hát Tân Xuân của bầu Tư Hélène (bà ngoại của nghệ sĩ Thanh Hằng, Thanh Ngân), đoàn hát Tân Tiến của cô Giáo Lựu, đoàn Tương Lai của Bầu Sinh và đoàn Bầu Bòn (năm 1948).
Cô Kim Chưởng được ông Bầu Bòn chỉ dạy thêm về diễn xuất. Năm 1949, cô Kim Chưởng kết hôn với anh Hai Thâu (tên thật là Nguyễn văn Sen) con trai của ông Bầu Bòn. Vợ chồng cô Kim Chưởng chung sống 50 năm, có được 3 trai, hai gái. Ba con trai của cô hiện định cư tại Đức và Mỹ, hai cô con gái là giáo sư Đại Học Anh Văn tại Saigon. Chồng của cô Kim Chưởng mất năm 1999 tại Saigon.
Thời gian hát cho gánh Bầu Bòn, ngoài việc được học thêm về diễn xuất, cô Kim Chưởng giúp cho cha chồng trong việc chăm sóc sân khấu (mà sau này người ta gọi với danh từ Đài Trưởng). Cô cũng học cách quản lý gánh hát từ việc tổ chức phòng bán vé hát đến việc quảng cáo, chọn bãi bến mới cho đoàn diễn, cô biết những việc làm của người quản lý của gánh hát. Điều này giúp cho cô rất nhiều khi cô là bầu gánh hát liên tục trong 20 năm (từ năm 1955 đến năm 1975).
Cô Kim Chưởng cộng tác với đoàn hát Phụng Hảo năm 1951 và năm 1953 cô hát cho đoàn Thanh Minh Bầu Nghĩa, cùng đứng chung sân khấu với danh ca Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Phước Trọng, các nữ danh ca Kim Anh, Thúy Nga.
Năm 1955, cô Kim Chưởng cùng với các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Thanh Tao, Thúy Nga, Phước Trọng rời đoàn Thanh Minh, họ chung vốn thành lập đoàn Kim Thanh – Út Trà Ôn.
Đoàn hát Kim Thanh – Út Trà Ôn chỉ trong vòng 6 tháng là thu đủ vốn, trả hết nợ nầng, hai năm sau (1957) dứt hợp đồng, bốn nghệ sĩ chủ bầu gánh Kim Thanh – Út Trà Ôn tách ra lập thành bốn đoàn hát. Út Trà Ôn hợp tác với kép độc Hoàng Giang lập thành gánh hát Thống Nhứt – Út Trà Ôn. Kim Chưởng kết hợp với danh ca Thanh Hương lập gánh hát Kim Chưởng – Thanh Hương. Thúy Nga – Phước Trọng lập gánh hát Thúy Nga và Thanh Tao lập gánh hát Thanh Tao.
Nghệ sĩ Kim Chưởng có giọng ca trong trẻo, khoẻ khoắn, có lối diễn xuất sống động, nóng sân khấu do ảnh hưởng của lối hát bội pha cải lương mà cô được cha chồng là ông Bầu Bòn truyền dạy. Nữ nghệ sĩ Kim Chưởng đem áp dụng kinh nghiệm bản thân ngay khi mới được làm bầu gánh hát. Cô nói: Khán giả đi xem hát là muốn giải trí. Họ thích nghe ca cổ nhạc, thích xem nghệ sĩ múa, hát, mặc trang phục đẹp, cốt chuyện tuồng thì đủ hỉ, nộ, ái, ố… trung thắng nịnh, ở hiền gặp lành, làm ác gặp dữ, tình yêu của nhân vật chánh thì lúc đầu gặp trắc trở nhưng kết cuộc thì đoàn tụ, hạnh phúc. Nếu dang dở thì nhân vật nữ đi tu, nhân vật nam thất tình thì say rượu liên miên…Có nhiều vở tuồng văn chương, thơ nhạc rất hay, rất trữ tình. Thế nhưng tác giả dường như mê mải làm văn mà quên mất là mình đang viết tuồng cải lương. Tuồng cải lương đâu có giống như tiểu thuyết và khác xa với thoại kịch…Nếu không chú trọng đến phần diễn xuất cá nhân của từng nhân vật (tức là từng diễn viên) cũng như những mảng miếng mà sân khấu cải lương cần phải có thì không thể nào lôi cuốn được khán giả suốt hai tiếng đồng hồ của một đêm hát cải lương.
Nghệ sĩ Kim Chưởng còn cho là khán giả luôn thích xem tuồng mới, họ là lớp người bình dân, ở các thành phố nhỏ xa Saigon thì họ thích cải lương hơn người dân ở tại thành phố lớn. Do đó đoàn Kim Chưởng thường lưu diễn ở các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, ở miền Trung và có nhiều khi vô hát ở các huyện xa xôi. Báo chí kịch trường tặng cho đoàn Kim Chưởng mỹ hiệu là Anh Hùng Lưu Diễn.
Soạn giả cộng tác thường trực của đoàn hát Kim Chưởn có Thu An, Hoài Linh, Phong Anh, Thanh Cao, Quy Sắc.
Nghệ sĩ đoàn Kim Chưởng có: Út Bạch Lan, Thành Được, Ngọc Hương, Ngọc Lan, Phương Quang, Ngọc Giàu, Trường Xuân, Diệp Lang, Trương Ánh Loan, Ánh Hồng, Phượng Liên, Thanh Nguyệt, Đức Lợi, Dũng Thanh Lâm, Thanh Hải, Quang Nhiều,… Trong số nghệ sĩ này có 6 nghệ sĩ được sự đào luyện của nữ nghệ sĩ Kim Chưởng mà nhận được huy chương vàng diễn viên xuất sắc giải Thanh Tâm: Ngọc Giàu, Diệp Lang, Thanh Nguyệt, Trương Ánh Loan, Ánh Hồng, Phượng Liên.
Tuồng hát trên sân khấu Kim Chưởng: Người Anh Khác Mẹ, Chưa Tắt Lửa Lòng, Lá Đào Rơi, Con Gái Nữ Thần, Oan Hồn Trên Tháp Đá, Tiếng Hát Đề Bá Lạc, Trăng Nửa Đêm, Hai Chiều Ly Biệt, Áo Trắng Nàng Mộng Trinh, Lá Huyết Thư, Người Gọi Đò Bên Sông, Quỷ Bão, Thần Điêu Đại Hiệp Song Long Thần Chưởng, Nước Mắt Kẻ Sang Tần, Kiếm Mộng Phù Tang, Nhặt Cánh Mai Vàng, Thuyền Ra Cửa Biển, Nửa Bản Tình Ca, Mùa Trăng Nhiều Nước Mắt, Tỉnh Mộng, Trăng Nước Lam Giang, Người Đi Chẳng Hẹn Về, Mặt Trời Đêm, Người Đẹp Kinh Bắc, Bên Đồi Trăng Cũ, Theo Chân Người Đao Phủ Thủ, Ảo Ảnh Châu Bích Lệ, Cô Gái Sông Đà…
Khi hỏi sau năm 1975 tại sao cô không lập gánh hát mặc dù tài chánh cô không thiếu, không cần đi vay mượn ai? Cô Kim Chưởng cho biết là năm 1976, cô lập gánh hát Hoa Lan Kim Chưởng nhưng khi gánh hát hoạt động được đều đặn, hát có doanh thu thì cô được lịnh “Tập Thể Hóa” đoàn hát. Cô giao gánh hát cho Sở Văn Hóa tỉnh Cần Thơ, họ đổi thành đoàn cải lương Cần Thơ, quyền làm chủ là Sở VH mà đại diện là cán bộ của Sở đưa xuống với các nghệ sĩ được bầu vô Ban Quản Trị. Bà lui về sống với các con.
Nhiều nghệ sĩ lão thành từng góp công xây dựng nền nghệ thuật sân khấu cải lương lần lượt qua đời sau tháng tư năm 1975. Trong số đó có các nam nghệ sĩ Năm Châu, Ba Vân, Năm Nở, Sáu Thoàng, Ba Thâu, Hai Tiền, Thanh Tao, Bảy Cao, Mai Lan Phương Ngọc Chiếu, các nữ nghệ sĩ Năm Đồ, Hai Nữ, Kim Thoa, Kim Cúc, Kim Lan, Sáu Ngọc Sương, Sáu Nết, Bảy Nam, Phùng Há…
Mỗi lần làm lễ an táng, khi đọc điếu văn, nhà cầm quyền và các cán bộ có chức có quyền trong lãnh vực nghệ thuật sân khấu đều nói là họ rất tiếc không có thu hình hoặc ghi chép lại được kinh nghiệm sáng tác hay ca diễn của các nghệ sĩ tài danh đó để truyền dạy lại cho các nghệ sĩ kế thừa…
Nói là nói vậy để cho các nghệ sĩ và mọi người tưởng là họ quý trọng tài năng sân khấu của dân tộc nhưng thật ra là từng bước họ xóa dần những thành quả nghệ thuật của các tài năng đó.
Khi nghệ sĩ Năm Châu còn sống, các tác phẩm của ông không được sử dụng, ông phải chuyển thể các kịch bản miền Bắc, hát trên sân khấu đoàn cải lương Saigòn 1 để có thu nhập sống qua ngày như các vở tuồng Nghêu Sò Óc Hến, Bình Tây Đại Nguyên Soái… Sáng tác mới của ông không được Hội đồng kiểm duyệt cho phép và người ta cũng không dùng ông làm giáo sư kịch nghệ như trong thời trước năm 1975.
Nghệ sĩ Bảy Cao mất, người ta đọc điếu văn, nói là tiếc chưa khai thác được kinh nghiệm của Bảy Cao trong việc phối hợp nghệ thuật sân khấu và điện ảnh, chưa tổng kết được kinh nghiệm và xảo thuật của đoàn hát Hoa Sen khi đoàn này diễn tuồng xã hội chiến tranh. Nói là vậy nhưng họ không thu dụng nghệ sĩ Bảy Cao ở các đoàn hát thành phố mà để cho ông trôi dạt kiếm sống theo các đoàn hát nhỏ ở tỉnh. Nữ nghệ sĩ Kim Luông, vợ của nghệ sĩ Bảy Cao thì cho theo đoàn cải lương Tiếng Ca Sông Cữu để làm bà Từ, đốt nhang và trông coi bàn thờ Tổ. Khi đoàn hát ở rạp nào đó thì nữ nghệ sĩ Kim Luông ngồi gác cửa sau.
Nữ nghệ sĩ Kim Lan, một thời là đào chánh đoàn hát Việt Kịch Năm Châu, sau năm 1975, nghệ sĩ Kim Lan cũng làm bà Từ và gác cửa sau của đoàn cải lương Saigon 3…
Nếu kể ra thêm thì còn nhiều nghệ sĩ tiền phong đã mất mà những tài năng và kinh nghiệm của họ không lưu lại được gì cho các nghệ sĩ các thế hệ sau. Người ta vẫn nói là rất tiếc nhưng ngay khi các nghệ sĩ tài danh đó còn sống, còn sức khỏe và còn hoạt động nghệ thuật được thì người ta không làm gì hoặc là nghĩ đến việc ghi lại hình ảnh, âm thanh và kinh nghiệm của những nghệ sĩ tài danh đó.
Tại sao? Có một câu trả lời đơn giản và ai nghe cũng biết là đúng! Tại vì họ không phải là đảng viên cộng sản! Họ là nghệ sĩ, thuộc về thành phần tiều tư sản, là những người có tự do tư tưởng, không chịu lệ thuộc theo định hướng chính trị của đảng Cộng Sản độc tài toàn trị.
Đó là sự thật mà họ không nói đến và mọi người đều hiểu nhưng không ai thốt ra bằng lời: Đó là nghệ thuật sân khấu, dù là hát bội, hát chèo, cải lương hay kịch, đối với nhà nước hiện nay phải được dùng như là công cụ tuyên truyền của đảng và nhà nước Cộng Sản. Ngành nghệ thuật nào tuyên truyền được đường lối và chủ trương của đảng tức là hoạt động đúng định hướng thì ngành nghệ thuật đó tồn tại và được chánh phủ quan tâm phát triển. Ngành nghệ thuật nào chỉ là làm nghệ thuật đơn thuần thì sẽ chết dần mòn trong cái “cơ chế” hiện nay thôi.
Buồn cho con nhện giăng tơ!
Cải Lương ngày cũ, bây giờ ra tro!
Soạn giả Nguyễn Phương
Tháng 12/2017


__._,_.___

Posted by: Truc Chi

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List