Popular Posts

Tuesday, October 30, 2018

ĐỨC PHẬT VÀ THIÊN MA


ĐỨC PHẬT VÀ THIÊN MA
Toàn Không
(Tiếp theo)
 3) MA VƯƠNG HÀNG PHỤC:
     Ta nói tiếp:
“- Hành tận ắt khổ tận, khổ tận ắt kết tận, kết tận ắt Niết Bàn”.
    Thiên Ma hỏi:
“- Có thể dùng pháp (sự việc) diệt pháp chăng?”
     Ta trả lời:
“- Có thể dùng pháp diệt pháp được.
     Tệ Ma lại hỏi:
“- Thế nào là dùng pháp diệt pháp?
     Ta giải thích:
“- Dùng chính kiến diệt tà kiến, dùng tà kiến diệt chính kiến; đối với chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạn, chính tinh tấn, chính niệm, chính định cũng như thế, lấy chính diệt tà, lấy tà diệt chính. Đó là dùng pháp diệt pháp
     Thiên Ma nói:
“- Sa Môn hôm nay tuy có những lời như thế, ở chỗ này khó khắc phục, ông mau đứng dậy, đừng để ta nắm chân ném ra biển”.
     Ta lại bảo Ma Vương:
“- Xưa kia Ta tạo công đức vô kể, còn ông chỉ tạo phúc có một lần được làm Ma Vương cõi Trời Dục giới nên lời của ông khó thực hiện được”.
     Thiên Ma Ba Tuần đáp:
“- Ông tự xưng đã tạo vô số phúc đức, đó chỉ mình ông biết, ai có thể chứng cho ông?
     Lúc ấy, đang ngồi, Ta duỗi bàn tay phải thẳng xuống dưới, đồng thời bảo Ma Vương:
“- Công đức Ta đã tạo, Địa Thần cũng biết”.
     Ta nói dứt lời, Địa Thần từ dưới đất vọt lên chắp tay thưa:
“- Bạch Ngài, con chứng biết công đức của Ngài”.
     Địa Thần vừa nói xong, Ma Vương Ba Tuần buồn rầu khổ não, liền biến mất cùng với bốn binh chúng Ma.
LỜI BÀN:
     Đại Bồ Tát nói: “Hành tận ắt Khổ tận, Khổ tận ắt Kết tận, Kết tận ắt Niết Bàn” là sao? Chúng ta thử phân tích:
- Hành tận: Là khi không còn tác ý, không có ý muốn, khi không suy nghĩ muốn làm gì cả.
- Kết tận: Không bị ràng buộc bởi: 1. Kiến Kết (Ngã Kiến), do chấp cái ta; 2. Giới Thủ Kết (Giới Cấm Thủ Kiến), do chấp Ngã kiến, Biên kiến và Tà kiến; 3. Nghi Kết (Nghi Kiến), do nghi ngờ Chính pháp.
- Niết Bàn: Do chữ Nibbana Nam Phạn (Pali) và chữ Nirvana Bắc Phạn (Sanscrit), Chữ Ni là không, chữ Vana là dệt, ái dục. Niết Bàn là không dệt, diệt ái dục, tuyệt định tĩnh, tuyệt huệ, giải thoát v.v...
1- Hành tận ắt khổ tận là sao?
Là khi diệt trừ hết các ý muốn, không còn ý niệm tạo tác, không còn khởi sinh các việc điên đảo (Hành tận) như việc được mất, vinh nhục, hay dở, phải trái v.v… thì làm gì còn tranh giành, sẽ hết khổ (Khổ tận).
2- Khổ tận ắt kết tận là sao?
Là khi hết buồn khổ rồi (Khổ tận) thì làm gì còn bị sự nọ việc kia dính mắc trói buộc (Kết tận).
3- Kết tận ắt Niết Bàn là sao?
Do không bị dính mắc ràng buộc (Kết tận) nên được giải thoát mọi sự (Niết Bàn).
     Khi Ma Vương hỏi Đại Bồ Tát: “Có dùng pháp diệt pháp được không?”, Ngài giảng cho Thiên Ma rằng có thể dùng pháp diệt pháp: “Dùng chính diệt tà, dùng chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạn, chính tinh tấn, chính niệm, chính định, để diệt tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạn, tà tinh tấn, tà niệm, tà định”. Chúng ta phân tích sự khác biệt giữa chính và tà như sau:
1- Dùng Chính kiến diệt Tà kiến là sao?
     Là thấy chân chính đúng sự thật (Chính kiến) để diệt trừ sự thấy sai (Tà kiến) do ái dục sinh ra.
2- Dùng Chính tư duy diệt Tà tư duy là sao?
     Là suy nghĩ chân chính (Chính tư duy) để diệt trừ ý nghĩ sai (Tà tư duy) do tham sân thúc đẩy.
3- Dùng Chính ngữ diệt Tà ngữ là sao?
     Là lời nói chân chính, lời thật thà ngay thẳng công bình (Chính ngữ) để diệt trừ lời nói sai sự thật, nói dối, nói xuyên tạc, nói thêu dệt, nói ác (Tà ngữ).
4- Dùng Chính nghiệp diệt Tà nghiệp là sao?
     Là hành động chân chính đúng với chân lý lẽ phải (Chính nghiệp) để diệt trừ những hành động sai quấy đưa đến khổ đau cho chúng sinh (Tà nghiệp).
5- Dùng Chính mạng diệt Tà mạng là sao?
     Là cách mưu sinh chân chính (Chính mạng) để diệt trừ sinh sống bằng nghề trộm cắp, gá bạc, sát hại, mối lái dâm dục, v.v... (Tà mạng).
6- Dùng Chính tinh tấn diệt Tà tinh tấn là sao?
     Là siêng năng chuyên cần (Chính Tinh tấn) trong việc lấy chính diệt tà, tránh sự giả bộ siêng năng (Tà tinh tấn).
7- Dùng Chính niệm diệt Tà niệm là sao?
     Là nhớ nghĩ điều hay lẽ phải lợi người (Chính niệm) để diệt trừ những nhớ nghĩ hại người (Tà niệm), v.v...
8- Dùng Chính định diệt Tà định là sao?
     Là tập trung tâm ý, tư tưởng vào một mục tiêu như ly dục lìa ác, kiên cố nhiếp trì, nhất tâm thiền định (Chính định) để diệt trừ sự tập trung tinh thần vào các việc ngẫm nghĩ điều ác hại người (Tà định), v.v...
     Mặc dù Đại Bồ Tát đã nói những lý lẽ phải, Ma Vương không thể tranh cãi được, nhưng vẫn cố dùng lời đe dọa, hòng lung lạc tâm Ngài. Lúc đó, Đại Bồ Tát cho Ma Vương biết rằng Ngài đã tạo công đức vô lượng, trong vô số kiếp, còn Ma chỉ mới tạo được một lần phúc đức mà được làm Thiên Ma Vương, nên lời đe dọa không thể thực hiện được. Rồi Ngài dùng bàn tay phải duỗi chỉ xuống đất, thì Địa Thần hiện lên làm chứng cho lời nói của Ngài là đúng. Do đó Ma Vương thất bại, buồn thảm rút lui biến mất.
4)- CHÍNH PHÁP CÒN PHẢI
BỎ HUỐNG CHI TÀ PHÁP:
(Còn tiếp)

__._,_.___

Posted by: Tien Do 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List