Popular Posts

Sunday, September 15, 2013

Ðêm Đọc Cổ Thi


 

DanChuCa.org
kính mời Quý Vị và Các Bạn vào “links” sau đây để nghe bài hát:

Đêm Đọc Cổ Thi

DanChuCa phổ nhạc từ hai bài thơ dưới đây của tác giả Lý Đông A và Vô Ngã.

 

Nhân đây, DânChủCa cũng xin cảm ơn tác giả Viên Linh về bài viết giới thiệu: Nhà Thơ Vô Ngã Với “300 Năm Thơ Văn Cổ” mà DânChủCa xin đính kèm dưới đây cùng với hai bài thơ phổ nhạc.


 

Kính mời Quý Vị vào thăm trang nhà danchuca.org qua “link” sau đây:


 

Kính

DanChuCa.org

 




Ðêm Đọc Cổ Thi

Thơ: Lý Ðông A - Vô Ngã

Nhạc: Dân Chủ Ca

 

1.

Ðêm đọc cổ thi,
Chữ còn, chữ mất,
Trên vách tường,
Trăng múa thúy hoa.

Ðêm đọc cổ thi,

Người đi xa đã khuất,
Nhấn phím đàn,
Cất tiếng ly ca.

 

Ta vỗ án hét thành Ca Chính Khí
Một ngày lạnh, nước người không tri kỷ
Thấu buốt tận lòng người trong cốt tủy.

Ðông thê thê như gió thổi u hồn

Ta vỗ án hét thành Ca Chính Khí
Một ngày lạnh nước người không tri kỷ
Thấu buốt tận lòng người trong cốt tủy.

Ðông thê thê như gió thổi u hồn

 

2.

Ðêm đọc cổ thi,

Gió thổi thiết tha,
Lá trúc bay phơ phất,
Nắng thu vàng
Nay đã xưa xa.

 

Sông Bạch Ðằng sóng vỗ thuyền cắc cắc

Nước Mê Linh trăng thu còn vằng vặc
Ðồng Ðống Ða xương người phơi man mác.

Non Chi Lăng gió cuốn rừng cung đao
Chiều tịch dương chìm khuất,
Trên tơ đàn, tí tách mưa sa...

 

Ta vỗ án hét thành Ca Chính Khí
Một ngày lạnh, nước người không tri kỷ
Thấu buốt tận lòng người trong cốt tủy.

Ðông thê thê như gió thổi u hồn

 

Chiều tịch dương chìm khuất,
Trên tơ đàn, tí tách mưa sa...
Chiều tịch dương chìm khuất,
Trên tơ đàn, tí tách mưa sa...

 

Chính Khí Việt

Lý Ðông A

 

Một ngày lạnh, nước người không tri kỷ
Ta vỗ án hét thành ca chính khí
Ðông thê thê như gió thổi u hồn
Thấu buốt tận lòng người trong cốt tủy.

Nước Mê Linh trăng thu còn vằng vặc
Sông Bạch Ðằng sóng vỗ thuyền cắc cắc
Non Chi Lăng gió cuốn rừng cung đao
Ðồng Ðống Ða xương người phơi man mác.

 

Ðêm Đọc Cổ Thi

Vô Ngã

 

Ðêm đọc cổ thi,
Chữ còn, chữ mất,
Trên vách tường,
Trăng múa thúy hoa.
Người đi xa đã khuất,
Nhấn phím đàn,
Cất tiếng ly ca.

Gió thổi thiết tha,
Lá trúc bay phơ phất,
Nắng thu vàng
Nay đã xưa xa.
Chiều tịch dương chìm khuất,
Trên tơ đàn,
Tí tách
Mưa sa...

Nhà thơ Vô Ngã với ‘300 Năm Thơ Văn Cổ’

Viên Linh

 

“300 Năm Thơ Văn Cổ” là tiền đề của bộ sách do tác giả Vô Ngã Phạm Khắc Hàm viết và sửa lấy bằng nhu liệu Microsoft Word trên máy vi tính riêng của ông, trong một thời gian dài trên hai mươi năm, đọc tới sửa lui nhiều lần. Với chiều dài Lịch Sử Nền Ðộc Lập của nước ta từ sau khi Ngô Quyền đánh tan quân Tầu (939, thế kỷ mười), qua Tiền Lê, Lý, tới hết Nhà Trần, (vài năm qua thế kỷ mười lăm), nội dung sách gồm hai bộ, bốn quyển, tổng cộng 1270 trang thơ văn của tiền nhân, nhà thơ Vô Ngã đã trao bản thảo cho tôi để in ấn càng sớm càng tốt.


Tôi đã làm ngay phần đầu cuối tuần qua, 370 trang sưu khảo và phẩm bình thơ văn của Nhà Ngô, Nhà Tiền Lê, và Nhà Lý. Sự việc này đã khiến tôi tới gần người bạn vong niên hơn nữa. Anh năm nay 86 tuổi, và chúng tôi đã đọc thơ văn cổ trong ánh sáng của lịch sử, mặc dù bên kia đường Lâm Truy, nẻo vào Vô Tích, dưới những ngọn đèn lồng trước cửa cao lâu xanh, mấy nhà học giả đạo mạo đang sướt mướt nâng xiêm áo ngạt ngào hương xả để ca ngợi tấm gương bán hoa mua sự yên thân cho lão Vương già.

Anh Vô Ngã Phạm Khắc Hàm viết về Thơ Văn Cổ như sau: “Qua thơ văn, ta sẽ thấy mỗi tác giả - thường là những nhân vật lịch sử - kể lại một mẩu chuyện về đời mình, khiến cho trang văn học trở thành những trang lịch sử sống động.”

“Như vậy, văn thơ (cổ) đã minh họa lịch sử,... các biến cố lịch sử luôn luôn là bối cảnh của văn thơ. Văn thơ và lịch sử đi đôi với nhau như bóng với hình như thế nên muốn hiểu rõ nội dung một bài thơ, ta cần biết rõ bối cảnh lịch sử của nó, và ngược lại, đôi khi nhờ thơ văn, ta có thể hiệu đính các sai lầm trong các sách viết về sử.” (tr.25, cuốn 1, Thơ Văn Ðời Ngô Lê Lý)

Bản văn cổ đầu tiên của bộ sách chỉ có 95 chữ, là “Ðại kế phá Hoàng Thao” của Ngô Quyền. Tác giả Phạm Khắc Hàm đã dịch từng chữ một, giải nghĩa hết 95 chữ, với chữ Hán in trước, rồi phiên âm sau mới dịch nghĩa. Sau đó là Lời Bàn, tổng cộng 16 trang khổ lớn. Mới nghe qua, người nghe tưởng sẽ rất khô khan; không phải, đó là 16 trang hứng khởi, hưng phấn, vừa giận vừa đau, vừa vui vừa sướng, đọc đến đâu hình ảnh chiến trận, trong trướng tham mưu, ngoài sông đỏ máu, hiện ra đến đó.

“Kế Lớn Phá Hoằng Thao”

“Hoằng Thao (chỉ là) một đứa trẻ ngốc mà thôi. Cầm quân (từ) xa lại, binh sĩ mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn (đã) chết, không (có) nội ứng, khí (thế của chúng) đã bị mất (ngay từ) trước. Chúng ta lấy sức (nhàn) đón (đánh) mỏi mệt, tất phá được chúng.

Tuy nhiên, (kẻ) kia lợi (thế) ở hạm đội, nếu không phòng bị trước việc đó, cục diện thắng bại chưa thể biết trước được.
Nếu trước đó, sai người trồng cọc lớn tại cửa biển, đầu vót nhọn, bịt sắt; thuyền kia theo (nước) triều lên, vào trong (chỗ đóng) cọc; nhiên hậu ta (sẽ) dễ dàng chế (ngự) chúng. Không có (kế nào) ngoài kế này.”

Chỉ có thế! Ðọc “Kế Lớn Phá Hoàng Thao” của Ngô Quyền (899-944) ta được biết thân thế người anh hùng làng Ðường Lâm, Giao Châu (vùng Sơn Tây), và lời ông nói với tướng sĩ kế sách phá tên Tướng Hoằng Thao ra sao, để sau này sông Bạch Ðằng trở thành nơi diễn ra trận đánh lịch sử, đưa dân tộc tới đài độc lập sau gần ngàn năm bị Bắc phương đô hộ. Lời Bàn nhắc đến đôi câu đối “Cột đồng tới giờ rêu chưa xanh / Sông Ðằng từ xưa máu còn đỏ,” mà tác giả Phạm Khắc Hàm sưu tầm, đem vào sách, để đưa ra nhận định rằng nội cái tên con sông ấy cũng đã làm Bắc phương phải nhục, vì nó đã trở thành câu đối đáp giữa sứ Ðại Việt và chức quyền Tầu sau này. Ðọc và viết về Thơ Văn Cổ Dân Tộc, theo ông, chính là ôn lại lịch sử. Thơ văn cổ chép sử, và nhân vật trong những áng văn xưa nhiều người là anh hùng dân tộc. Có thể có nhiều người biết như thế, song nói ra được, nói ra mà làm người ta tin, lại là một việc khác.

Tác giả Phạm Khắc Hàm dùng tên thật làm bút hiệu, khi làm thơ ký là Vô Ngã, sinh ngày 19 tháng 2, 1928 tại Phương Du, Yên Khánh, Ninh Bình, đỗ Tú Tài Toán (1948) tại trung tâm Yên Mô, Ninh Bình. Giáo sư trường Trung Học Tân Việt, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa (1949), sĩ quan Trừ Bị Khóa I Nam Ðịnh (1951), tác chiến trong Tiểu Ðoàn Biệt Lập 23, tại Quảng Bình (1951-54), tới năm 1956 giải ngũ, sang Pháp du học (1956), đậu Tiến Sĩ Vật Lý Vi Tử và Lý Thuyết (1964).

Về nước, ông dạy tại các Ðại Học Khoa Học Sài Gòn (1965-1981), Nông-Lâm-Súc Sài Gòn, Ðại Học Cần Thơ, Ðại Học Huế và Ðại Học Ðà Lạt (1968-75). Vượt biên, định cư tại Hoa Kỳ (tháng 8, 1981), hiện cư ngụ trong một ngôi nhà lưu động với vợ ông, Bác Sĩ Minh Châu. Cả hai đã về hưu. Với cuộc đời đã trải qua từ Ðông tới Tây, từ võ sang văn, từ khoa học vi-tử tới thơ vô ngã, con người ấy lại rất lặng lẽ, rất âm thầm, ngày ngủ, đêm thức, miệt mài nghiên cứu cổ thư, dõi bóng Lý Ðông A một triết gia kỳ bí của quê hương Ninh Bình, hồn hướng về ngọn Nga My vọng chân nhân cứu nước, lòng lưu vong mà thao thức khôn nguôi một đất nước tro than dấy mộng phượng hoàng:

 

Một ngày lạnh nước người không tri kỷ
Ta vỗ án hét thành ca chính khí
Ðông thê thê như gió thổi u hồn
Thấu buốt tận lòng người trong cốt tủy.

Nước Mê Linh trăng thu còn vằng vặc
Sông Bạch Ðằng sóng vỗ thuyền cắc cắc
Non Chi Lăng gió cuốn rừng cung đao
Ðồng Ðống Ða xương người phơi man mác.
(Lý Ðông A, Chính khí Việt)

 

Ðêm đọc cổ thi,
Chữ còn chữ mất,
Trên vách tường,
Trăng múa thúy hoa.
Người đi xa đã khuất,
Nhấn phím đàn,
Cất tiếng ly ca.

Gió thổi thiết tha,
Lá trúc bay phơ phất,
Nắng thu vàng
Nay đã xưa xa.
Chiều tịch dương chìm khuất,
Trên tơ đàn,
Tí tách
Mưa sa...
(Vô Ngã, Ðêm đọc Cổ thi)

 

Do niềm kính trọng đối với một nhà thơ tiền bối, một soạn giả Hán học uyên thâm, một người bạn vong niên có tầm nhìn sâu suốt, tôi viết những dòng này và nhận xuất bản cuốn sách cho anh. Tôi tin rằng “300 năm Thơ Văn Cổ” của Phạm Khắc Hàm là một bộ sách quí giá sẽ được hiện ra trong Tủ sách Văn học Dân tộc và người đọc chọn lọc đâu đó sau này. 

 


No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List