Đối xử khoan dung với người khác, sẽ được
người khác đối xử khoan dung lại
Có câu thành ngữ: “Nhân vô thập toàn. Ai cũng có lỗi.” Có
nhiều người tại phương diện này thì hiền đức, nhưng tại phương diện khác thì
vẫn phạm sai lầm. Do vậy, nếu không thể khoan dung với người khác thì đó chính
là một chủng tính cách vô cùng bất hảo.
Có những người luôn chỉ thấy bản thân mình đúng đắn, còn người
khác thì sai lầm. Mỗi khi phát sinh mâu thuẫn, họ đều đổ lỗi cho người khác, họ
đối với người kia tật đố và ác độc như kẻ thù. Chủng tính cách đó tất nhiên sẽ
tạo nên những nhân duyên bất hảo, gây thù chuốc oán. Khi họ không thể khoan
dung, lượng thứ và thiện đãi người khác, vậy thì đương nhiên người khác cũng
khó mà khoan dung, lượng thứ và thiện đãi đối với họ.
Nhiều nhân sỹ thời Đường (618-907 sau Công Nguyên) đã giải quyết
thù oán bằng sự khoan dung, như trong câu chuyện của Đỗ Sở Khách.
Lấy đức báo oán
Đỗ Sở Khách và người chú là Đỗ Yêm cùng phục vụ trong quân đội của
Vương Thế Sung. Triển vọng thăng quan của Sở Khách rất thấp, vì Vương Thế Sung,
người đã nổi lên sau khi phế truất vị vua cuối cùng của nhà Tùy (581-618 sau
Công nguyên), đã bị quân đội nhà Đường bao vây ở phía Tây.
Đỗ Yêm rất ghét anh em nhà Đỗ Sở Khách. Đỗ Yêm đã vu oan cho người
anh cả của Đỗ Sở Khách, khiến Vương Thế Sung ra lệnh giết chết người này. Đỗ Sở
Khách cũng bị bỏ đói đến gần chết ở trong tù ngục. Tuy nhiên, Đỗ Sở Khách đã
không hề oán hận người chú của mình.
Sau khi Lý Thế Dân (598-649 sau Công Nguyên) đánh bại Vương Thế
Sung, Đỗ Yêm bị định tội chết.
Một người anh trai khác của Đỗ Sở Khách, Đỗ Như Hối, là một mưu sĩ
thân tín của Lý Thế Dân. Đỗ Sở Khách không nghĩ gì đến hiềm khích trước kia, đã
đi gặp anh trai của mình, nước mắt lưng tròng van xin anh trai cứu mạng cho
người chú của họ. Ban đầu Đỗ Như Hối từ chối.
Đỗ Sở Khách thuyết phục: “Thúc thúc đã hại chết đại ca của chúng
ta. Nếu huynh cứ theo oán hận cũ mà không cứu thúc thúc, trong gia tộc của chúng
ta cứ giết hại qua lại như thế, huynh không thấy đau lòng hay sao?”
Nghe Đỗ Sở Khách nói như vậy, Đỗ Như Hối đã rất cảm động. Ông đã
vứt bỏ mối thù cũ và đáp lại sự oán hận của người chú bằng tấm lòng khoan dung.
Theo thỉnh cầu của Như Hối, Lý Thế Dân đã tha mạng cho Đỗ Yêm.
Khoan dung và trọng dụng, thu phục được lòng người
Sau khi được thả, Đỗ Yêm chuẩn bị đầu quân cho thái tử Lý Kiến
Thành, anh trai cả và cũng là đối thủ của Lý Thế Dân. Phòng Huyền Linh, một cố vấn
cao cấp của Lý Thế Dân, lo ngại rằng Lý Kiến Thành sẽ bày ra gian kế nếu có được
Đỗ Yêm. Phòng Huyền Linh đã đề nghị Lý Thế Dân phong cho Đỗ Yêm một chức vụ
tương xứng với tài năng của ông ta.
Năm 625, Khánh Châu tổng quản Dương Văn Can nổi dậy. Sau khi bị
trấn áp, bọn phiến quân thú tội là chúng đã làm theo lệnh của Lý Kiến Thành, nhưng
lại đổ lỗi cho Đỗ Yêm đã xúi giục Lý Thế Dân, gây ra bất hòa giữa Lý Thế Dân và
Lý Kiến Thành. Lý Thế Dân biết rõ rằng Đỗ Yêm vô tội và đã thưởng cho ông ta
300 lượng vàng.
Sau khi Lý Thế Dân lên ngôi vua Đường Thái Tông vào năm 626, ông
đã chỉ định Đỗ Yêm làm Thượng thư bộ Lại, phụ trách mọi cấp bậc quan lại trong
triều. Đỗ Yêm đã tiến cử hơn 40 chức quan để phục vụ triều đình, đa số trong số
họ đã trở thành những nhân tài nổi tiếng.
Một mạng người được tha
Sau khi cứu mạng Đỗ Yêm, Đỗ Sở Khách sống ẩn dật ở núi Tung thuộc tỉnh
Hà Nam ngày nay, cách xa hàng trăm dặm về phía Đông của kinh đô nhà Đường. Năm
Trinh Quán thứ tư, Đỗ Sở Khách quay lại phục vụ triều đình, và được thăng quan
tới chức Thượng thư.
Đỗ Sở Khách bị bắt vì trợ giúp Ngụy Vương Lý Thái, con trai thứ tư
của Đường Thái Tông hối lộ các triều thần hòng tranh đoạt ngai vàng, phá vỡ kế
hoạch truyền ngôi trị vì do Đường Thái Tông chuẩn bị trước.
Khi Đường Thái Tông biết được vai trò của Sở Khách, ông đã nhẫn
nại giữ im lặng. Chỉ đến khi sự việc bị bại lộ, ông mới công bố sai phạm của Sở
Khách, nhưng đã tha mạng cho Sở Khách. Không lâu sau, Hoàng đế bổ nhiệm Sở
Khách làm huyện lệnh, cấp cho ông ta cơ hội bù đắp lại lỗi lầm bằng cách phục
vụ đất nước.
Khi Đỗ Yêm phạm sai lầm, Đỗ Sở Khách đã khoan dung và tha thứ cho người
chú của mình. Sau này khi chính mình phạm lỗi, ông đã được Hoàng đế tha thứ.
Như vậy, Đỗ Sở Khách cuối cùng đã được thiện báo vì đã đối xử tốt với người chú
của mình trong quá khứ.
Đây là cách mà mọi người thuộc các tầng lớp trong triều Đường giải
quyết ân oán – đó là sự tha thứ và khoan hồng đối với lỗi lầm của người khác.
Đây chính là nguyên nhân Đường triều hưng thịnh trong suốt thời gian Đường Thái
Tông trị vì.
(Theo Cựu Đường thư, liệt truyện 16)
__._,_.___
No comments:
Post a Comment