Popular Posts

Monday, April 16, 2018

Chuyện Loài Cổ Thụ


 
Chuyện Loài Cổ Thụ
Khúc An


Nó hiền hòa, đơn thuần và dễ chịu. Nó không được người ta đặt cho một cái tên để gọi. Người ta dùng cái tên chung cho cả một loài để gọi nó. Bạn không biết nó đã định cư ở đó từ lúc nào. Chỉ biết rằng khi bắt đầu có trí nhớ, bạn đã thấy nó. Bạn leo trèo, chạy nhảy chung quanh nó. Nó ân cần che nắng, cản gió cho bạn. Trưa hè, nó rì rào ru bạn ngủ. Đôi khi, nó nghịch ngợm thả xuống bên cạnh bạn một phần thân thể của nó. Nó báo cho bạn biết mùa màng thay đổi ra sao. Mùa xuân nó mướt mát, mùa hè nó lao xao, mùa thu nó u uẩn, mùa đông nó xác xơ. Nhưng mùa xuân trở về, nó là đứa báo cho bạn biết tin vui. Tuổi thơ bạn trôi đi bên cạnh nó. Nó rủ chim chóc, bướm, ong, cào cào, châu chấu về đùa chơi với bạn.
Lớn lên, bạn đến trường. Mỗi sáng, nó đong đưa niềm phấn khởi đầu ngày. Nó lao xao gửi gió lời chúc một ngày mới đến bạn. Lớn thêm chút nữa, qua bài học về thảo mộc, về cây cối bạn nhận ra nó còn là đứa làm tươi mát không gian, đem lại dưỡng khí cho bầu trời bạn hít thở. Chiều tan học về, nó là đứa đứng chờ, vẫy tay chào bạn và rì rào hỏi han.
Bạn nghe thấy lời nó nói không? Nó nhờ gió mang đến cho bạn những tâm tình thân ái. Rồi bạn qua tuổi dậy thì. Bạn biết nhớ nhung, biết mong đợi. Bạn khắc tên người bạn yêu thương lên thân thể nó. Chẳng những không nề hà mà nó còn giữ cho bạn những thề nguyền của thời mới lớn, mới biết phải lòng ai kia.
Nó quý mến, yêu thương bạn hết lòng. Nó sống chết với bạn. Nó không bao giờ bỏ rơi bạn.
Nhưng người ta muốn giết nó.. Người ta đem cưa, búa, đục, kéo… Người ta dùng đến cả cái thứ chainsaw hung hãn, rầm rộ; thứ vũ khí tàn độc để triệt hạ nó. Bạn nhìn đăm đăm những vết cưa tru tréo làm ứa ra những giọt nhựa trong vắt như những giọt nước mắt. Bạn có nỡ để người ta hủy diệt nó không?
Nó là cây bàng, cây muồng, cây xà cừ, cây đa, cây duối, cây long não, cây lộc vừng, cây bồ đề, cây đỗ quyên, cây me, cây bằng lăng, cây sếu, cây keo, cây sồi, cây ngô đồng, cây sấu, cây gạo, cây bạch dương trước nhà bạn. Nó là cái cây to mấy vòng tay ôm, với những tàng lá cổ thụ rợp bóng bên đường, ngay trước nhà bạn đấy.
Người ta cưa nó thành từng khúc. Bạn nhớ bài học môn thực vật. Bạn nhìn những vòng thời gian trên thân thể cắt ngang của nó. Bạn tẩn mẩn đếm tuổi cái ông cổ thụ ấy. Bạn không ngờ nó già hơn bạn tới cả mấy trăm năm. Thì ra nó đã từng là bạn của ông cố, ông nội rồi đến bố mẹ của bạn. Nó là nhân chứng bền bỉ nhất. Nó là người tình thủy chung nhất. Nó chứng kiến tất cả những đổi thay, những thăng trầm của một ngôi nhà, của những ngôi nhà, của con đường, của cả khu phố, của thành phố, của cả một đất nước. Và nếu nó là cái cây ở quê nhà năm xưa của bạn, nó còn giữ được cả vết cắt mảnh hỏa tiễn 122 ly của cái lần bọn khủng bố Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam bắn vào thành phố để lại trên thân thể nó.
Hôm trước tôi đọc trong một cột báo bài viết ngắn về một cây sồi “cao niên” ở phía tây bắc thành phố Toronto. Một cây sồi khổng lồ với cành lá rậm rạp vươn lên tận bầu trời xanh với thân cây bề thế đến mức phải mấy người níu tay nhau mới nối trọn vòng ôm. Cây sồi ấy có mặt nơi đây khi thành phố chưa ra đời. Hơn ba trăm năm hiện diện trên thế gian, rễ cây đâm sâu dưới lòng đất, trải rộng một vùng, luồn cả vào dưới nền tảng (foundation) của những ngôi nhà quanh đó. Bao nhiêu “năm sống chung hòa bình” sắp kết thúc. Chủ nhân ngôi nhà và khu đất muốn chặt cây sồi ấy đi để tránh hư hại cho căn nhà và để dễ bán khu đất.
Tác giả bài báo ghi nhận chính ngôi nhà mới là kẻ ăn nhờ ở đậu, chính ngôi nhà mới là thứ “out of place”. Cây sồi đã có mặt ở đó trước ngôi nhà rất lâu. Muốn cứu cây ấy, hội đồng thành phố phải thương lượng với chủ nhân khu đất để mua lại khu vực ấy và biến nơi ấy thành một công viên thu nhỏ, để cây ấy tiếp tục sống.. Theo bộ lâm sản tỉnh bang, cây sồi này đã trên 300 tuổi. Nghĩa là rễ nó đã khởi sự luồn vào lòng đất trước 1793, năm mà John Graves Simcoe thiết lập thành phố York, nơi sau này sẽ thành Toronto.
Thành phố phải làm gì đó để cây sồi này tiếp tục sống qua những thế kỷ sắp tới là câu kết luận của tác giả bài báo.
Không biết bạn nghĩ thế nào? Những người bạn tôi làm nghề địa ốc chắc sẽ bỏ phiếu chặt bỏ cây sồi này. Tôi không phải chuyên viên địa ốc, cũng không phải tín đồ của giáo phái “ôm cây” (tạm dịch từ chữ tree-hugger) nhưng trong đầu tôi lẫn trong hình ảnh gã cổ thụ tàng lá sum suê kia cứ mập mờ bóng dáng của một ông cụ – cụ, nhưng vẫn xuân sắc; chỉ là “cụ” khi so sánh với tuổi đời của một con người – vẫn không ngại ngần dang tay che chở cho những kẻ nương nhờ dưới bóng của mình. Câu chuyện cây sồi ở thành phố tôi chưa biết sẽ ra sao. Sẽ có nhiều phiên họp hội đồng thành phố. Sẽ có chuyện ra giá thật cao, bắt ép thành phố mua lại cả khu đất. Tiền thuế của dân thành phố sẽ được dùng để cứu mạng cây sồi già đã có mặt ở nơi ấy hơn ba trăm năm; cái thuở đất nước Canada chưa hiện diện trên bản đồ thế giới.
Cũng là cây nhưng số phận khác nhau tùy cây ấy mọc ở đâu. Cũng như con người. Cũng đầu, mình và tứ chi nhưng có quốc tịch Canada hay quốc tịch Mỹ thì chắc chắn cái mạng sẽ không rẻ mạt như mang quốc tịch của nước Việt cộng. Trong khi hội đồng thành phố bên này họp lên họp xuống để bàn về số phận cây sồi ấy, thì ở đất nước có cái tên dài lê thê Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Cộng (viết mỏi cả tay, đọc mỏi cả miệng) kia, hàng ngàn cây thuộc loại cổ thụ đã bị chặt bỏ. Ban đầu là những rừng gỗ quý. Sau đó đến cây cối trong thành phố.
Bọn cầm quyền cho phá rừng, chặt cây, lấy gỗ bán hoặc lấy gỗ quý cho quan chức xây dựng những dinh cơ đồ sộ. Ai cũng biết (chỉ có đám cầm quyền Mafia đỏ kia là – tảng lờ – không biết) rừng là môi trường sống của nhiều loài sinh vật khác nhau. Phá rừng thì đương nhiên gây xáo trộn môi trường sống của các loài thú. Các ông bạn nhậu của tôi sẽ biện bạch rằng các loài thú thực sự cũng chẳng cần rừng để trú ẩn, bởi chúng nó sẽ bị săn bắt đem về phục vụ các làng nướng, các quán nhậu tràn ngập lãnh thổ hình chữ “S” kia.
Thêm vào đó, chặt cây, phá rừng sẽ gây lụt lội, mưa lũ, làm hư hoại mùa màng là chuyện chẳng ai mà không biết. Tôi nhớ vài bài báo trong nước, có hình ảnh những bông hồng ai đó đặt trên phần còn lại của thân cây bị cưa ngang. Những cánh hồng đỏ thắm như những giọt máu, rỉ ra từ trái tim những con người còn biết đâu là lẽ phải.
Cây cối là nguồn dưỡng khí cho con người. Các nhà khoa học không ai phủ nhận rằng rừng là “lá phổi” của trái đất. Phá rừng, chặt cây là hủy hoại nguồn dưỡng khí, là hủy hoại tương lai con cháu chúng ta.
Những thổ dân dù ở Mỹ châu, Úc châu hay bất cứ nơi nào khác có một điểm chung là luôn kính trọng thiên nhiên. Họ gọi Thiên Nhiên là Mẹ, là Mother Nature. Riêng bọn cầm quyền ở cái đất nước bên kia bờ Thái Bình Dương thì Thiên Nhiên là cái sân sau nhà bọn họ, nơi họ muốn đào, muốn bới, muốn đốt, muốn cắt, muốn phóng uế, muốn hủy hoại tùy ý thích của họ.
Dường như bạn có vẻ không tin. Thì đây một đoạn bản tin  ngày 24 tháng 07, 2015:
“Ngày 24/7, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Trung tâm dịch vụ bán đấu giá (Sở Tư pháp Hà Nội) cho hay, ngày 23/7, đơn vị này đã đấu giá xong đợt một 3 lô gỗ xà cừ, muồng, phượng, keo, bàng, sếu, bằng lăng… thuộc đề án cải tạo thay thế cây xanh và gỗ thu hồi được sau khi chặt hạ cây trên đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân.”
Tôi bảo đảm nếu trí tuệ của bạn không thuộc loại đỉnh cao, bạn sẽ chẳng thể nào hiểu “cải tạo thay thế cây xanh” là cái @#$% gì.
Bạn đã thấy tội nghiệp những cây mọc ở khắp phố phường Hà Nội, tội nghiệp những cây mọc ở một Sài Gòn đã mất tên chưa nào?
Khúc An

__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List