TÔI CHỈ LÀ NGƯỜI EM
GÁI THÔI
TT-Thái
An
Cũng vì biến cố tết Mậu Thân mà tất
cả trường học trong thủ đô Sài Gòn phải đóng cửa vài tuần. Sau
khi trường mở cửa lại, tôi và Hạnh lại đi học lại. Năm đó
chúng tôi đang học lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ).
Ông thầy dạy Anh văn của chúng tôi lai Ấn Độ, nhưng có cái tên đặc
Việt Nam. Chúng tôi gọi ông là thầy Lợi. Khi học đến bài
Taj Mahal trong cuốn English For Today, ông dạy thật lâu, kéo dài cả mấy
tuần từ trước khi nghỉ tết cho đến bây giờ. Ông bắt chúng tôi
học thuộc lòng từng đoạn để lên trả bài.. Tôi không hứng thú
gì khi học bài nói về cái đền Taj Mahal, có lẽ vì cảm thấy ông
thầy cố ý ép buộc học sinh phải khâm phục và nhập tâm về nền văn
hóa Ấn Độ của thầy. Nhưng vì thầy rất dữ, không thuộc bài sẽ
bị thầy quất vào tay mấy roi nên tôi và Hạnh phải lo học cho thuộc
từng đoạn. Vì mỗi tuần thầy bắt học thuộc một đoạn khác
nhau.
Chúng tôi học buổi sáng. Ngày nào Hạnh cũng chở tôi đi học bằng
xe Honda dame. Bố mẹ nó cho nó chạy xe gắn máy từ đầu năm đệ
ngũ, nó rất dạn lái xe. Nhà nó và nhà tôi gần nhau nên đi chung
xe rất tiện. Hạnh rủ tôi mỗi chiều qua nhà nó học bài Anh văn
rồi dò cho nhau. Tôi trả bài cho nó, nó trả bài cho tôi.
Như thế sẽ mau thuộc bài.
Như thường lệ, chiều hôm đó tôi qua nhà Hạnh để học bài. Nhà
nó hôm nay sao đông khách thế, mặc toàn quân phục rằn ri đang ngồi
ngoài phòng khách với mấy bà chị nó và mẹ nó.
Tôi và Hạnh rút vào phòng trong nằm học bài. Từ trước đến giờ
là như thế, ngồi học ở bàn mau chán, leo lên giường nằm học thoải
mái hơn. Mỗi đứa cầm một cuốn sách tự đọc lẩm nhẩm cho đến
khi học xong. Ở nhà học một mình không vui, tôi thích vui nên hay
qua nhà nó học chung. Mà có lẽ vì thân nhau nên gặp nhau ở lớp
chưa đủ, phải gặp thêm ở nhà nữa mới vừa lòng nhau.
Chúng tôi đang lẩm nhẩm học bài thì một anh lính bước vào. Tôi
và Hạnh chẳng để ý đến anh; anh ngồi xuống cái giường ở góc bên
trái hỏi:
-
Hai đứa đang học gì thế?
Tôi và Hạnh phải bỏ sách xuống khi bị
hỏi. Tôi hơi lúng túng vì đang nằm học bài nên phải ngồi dậy
chào khách. Hạnh trả lời:
-
Chúng em học bài Anh văn để trả bài cho
ông thầy.
Anh
lính hỏi Hạnh:
-
Bạn Hạnh đấy à?
Hạnh
trả lời:
-Bạn
em, tên An.
Quay
sang tôi, Hạnh giới thiệu:
-Đây
là anh Cường, anh họ của tao.
Tôi
lại phải chào:
-Chào
anh Cường.
Anh Cường gật đầu chào lại rồi ngồi im. Tôi
và Hạnh lại nằm xuống học bài tiếp. Anh Cường hỏi:
-Sao
học Anh văn mà không đọc lớn lên cho dễ nhớ?
Tôi và Hạnh nhìn nhau cười, không biết trả lời
sao. Tôi nghĩ thầm “Có anh ngồi đây ai mà dám đọc to lên, lỡ đọc
sai bị anh cười sao?”
Một lúc sau bà Sùng, mẹ Hạnh từ ngoài phòng
khách bước vào đến ngồi cạnh anh Cường. Mẹ Hạnh lên tiếng
trách:
-Hai đứa chúng mày hư thật, có anh đến chơi mà
không ngồi dậy chào anh.
Tôi và Hạnh lại phải ngồi dậy. Tôi chào anh
Cường thêm lần nữa. Hạnh nói ngay:
-Ban nãy chào rồi.
Anh Cường cũng đỡ cho chúng tôi:
-Các em chào rồi mợ ạ.
Tôi nhìn anh Cường cười vì chẳng biết nói cám ơn
anh. Xong xuôi hai đứa lại nằm xuống học tiếp. Tôi cầu mong
cho anh Cường đi trở ra phòng khách cho chúng tôi học bài, chứ anh cứ
ngồi đó tôi thấy thế nào ấy. Tôi chẳng muốn học bài mà có
người ngồi nhìn nên đứng dậy chào ra về. Hạnh hỏi ngay:
-Mày thuộc hết chưa?
-Gần hết rồi. Tao về nhà học tiếp.
Sáng hôm sau tôi qua nhà Hạnh để đi chung.
Nhưng hôm nay nó bỏ xe ở nhà bảo là chị nó cần xe đi đâu đó.
Thế là hai đứa đi bộ đến trường, vừa đi vừa nói chuyện nên cũng
thấy mau đến nơi.
Lúc gần giờ tan trường, tự dưng tôi thấy hồi hộp
như có linh cảm một việc gì đó sắp xẩy ra, thấy bồn chồn trong lòng
lắm. Tan trường, tôi và Hạnh vừa bước ra đến cổng ngoài, Hạnh
có vẻ nhìn quanh tìm kiếm. Nó reo lên rồi chỉ tay qua bên kia
đường:
-Anh Cường kìa!
Tôi nhìn theo tay nó. Thì ra anh Cường đã lái
xe Jeep đến đón tôi và Hạnh. Nó kéo tôi băng qua đường đến bên xe
của anh. Nó tự động leo ra phía sau, đẩy tôi lên phía trước
ngồi. Tôi biết ngay là Hạnh và anh Cường đã dàn xếp với
nhau. Thảm nào nó bỏ xe ở nhà ngày hôm nay vì đã hẹn với anh
Cường đến rước. Tôi ngượng quá, tự dưng bị ngồi gần anh
Cường. Không lẽ tôi bỏ đi bộ về coi sao được, ngày nào hai đứa
cũng đi chung với nhau mà. Tôi bảo Hạnh đổi chỗ, nó nhất định không
chịu. Tôi đành ngồi phía trước với anh Cường mà run quá
đỗi. Hai tay tôi vịn vào ghế xe để ngồi cho vững. Anh Cường
lặng yên lái xe.
Anh Cường rất ít nói nên suốt con đường về anh
chỉ nói vài câu thăm hòi. Tôi trả lời xong thì hết chuyện
nói. Tôi không thích thú gì khi bị anh Cường đi đón thế
này. Vì tôi thấy anh Cường là người lớn, anh lớn hơn tôi 13
tuổi; mà tôi thì sợ nói chuyện với người lớn lắm.
Về đến nhà Hạnh, tôi xuống xe sau khi cám ơn anh
Cường rồi về thẳng nhà mình.
Ăn cơm trưa xong, chưa nghỉ ngơi gì cả tôi đã nghe
thấy tiếng guốc của Hạnh kéo lê quèn quẹt trước nhà tôi. Nó
cố ý làm thế cho tôi biết là “Tao đến đây, ra mà mở cửa!”. Sau
đó nó sẽ la thật lớn tiếng một câu cố hữu, mấy nhà chung quanh ai
cũng nghe thấy:
-Nhỏ ơi Nhỏ, mở cửa!
-Nhỏ ơi Nhỏ, mở cửa!
Nó chỉ lớn hơn tôi nửa năm mà lúc nào cũng gọi
tôi là “Nhỏ”, cứ như là nó lớn hơn tôi nhiều lắm vậy. Nhưng tôi
lại thích nghe nó gọi tôi cách thân thương đó. Vì ngoài tôi ra,
nó chẳng gọi ai là “nhỏ” nữa dù mấy đứa khác nhỏ hơn nó cả một
hay hai tuổi.
Tôi ra mở cửa, nó nói ngay:
-Anh Cường gọi mày sang nhà tao chơi.
Tôi thấy ngượng quá, nói với nó:
-Thôi, tao không qua đâu.
Nó lại la lên:
-Qua một chút thôi mà, mau lên tao chờ.
Thế là tôi phải đi theo nó vì tôi chẳng bao giờ
cãi lại nó.
Anh Cường đang ngồi ở phòng khách.. Tôi bước
vào, anh chào tôi, tôi chào anh. Anh chỉ nói:
-An ngồi chơi.
Tôi ngồi xuống, chẳng nghe anh nói thêm gì.
Yên lặng quá, bầu không khí đối với tôi quá căng thẳng. Giá mà
anh nói chuyện trên trời dưới biển cho tôi nghe thì tôi cảm thấy dễ
chịu hơn. Tôi cũng chẳng biết nói gì với anh. Ngồi vài
phút tôi xin phép ra về vì thấy ngượng ngùng quá.
Cứ thế, anh lái xe Jeep đến đón tôi và Hạnh hầu
như mỗi ngày. Có hôm anh cho anh lính tài xế người Thượng đi
theo, anh bảo anh lính người thượng ra sau ngồi với Hạnh. Còn anh
cầm tay lái, tôi ngồi hàng ghế trên cạnh anh.
Chiều nào anh cũng bảo Hạnh qua gọi tôi sang
chơi. Tôi qua ngồi vài phút rồi ra về vì anh chẳng nói gì cả.
Tôi cứ thắc mắc không hiểu sao anh Cường gọi mình sang chơi mà
không có gì để nói.. Hai người ngồi yên lặng vài phút tôi đã
thấy lúng túng lắm rồi. Tôi rất sợ cái bầu không khí yên lặng
đó.
Tôi chơi với Hạnh từ năm đệ thất (lớp 6) mà chẳng
bao giờ nghe nó nói về anh họ của nó cho đế khi anh Cường xuất
hiện. Tôi hỏi nó thì nó chỉ nói anh Cường đi lính ít khi ghé
nhà nó. Vì Sài Gòn bị Việt Cộng tấn công vào tết Mậu Thân nên
lực lượng Đặc Biệt (còn gọi là Biệt Kích Dù) của anh Cường mới
được điều động về giải vây Sài Gòn. Đoàn của anh đang đóng quân
ở xưởng dệt Vina Texco gần Hốc Môn.
Hạnh còn kể đôi chút về anh Cường, rằng anh đang
học luật thì bỏ đi Võ Bị Đà Lạt. Bây giờ anh đang mang lon trung
úy. Tôi còn ngây ngô hỏi lại:
-Sao mày biết nhìn lon của lính?
-Thì tao nghe anh Cường nói.
Nó còn đố tôi biết tại sao có người đeo hoa mai
màu đen, có người đeo hoa mai mầu vàng đồng. Tôi chịu thua.
Nó bảo sỹ quan tác chiến thì đeo hoa mai đen, sỹ quan văn phòng thì
đeo hoa mai vàng. Tôi phục nó quá vì nó biết nhiều hơn tôi. Từ
đó tôi để ý thấy anh Cường và mấy anh bạn của anh đều đeo lon hoa mai
màu đen.
Một hôm Hạnh rủ tôi đi Vina Texco thăm anh Cường
. Anh cho anh lính người Thượng lái xe Jeep đến đón tôi và
Hạnh. Xe vào đến bên trong, anh Cường ra đón chúng tôi. Hạnh
theo mấy anh khác đi qua một góc sân xa xa để mình tôi ngồi với anh
Cường ở góc sân cỏ bên này. Anh Cường nói vài câu rồi thôi, tôi
lúng túng không biết nói gì hơn. Tôi ân hận vì đã nghe lời Hạnh
lên đây nên lâm cảnh khó khăn này. Tôi bảo anh Cường tôi muốn đi
về. Lúc đó anh mới nói ngồi chơi chút nữa anh đưa về. Tôi
vẫn không hiểu tại sao anh Cường luôn gọi tôi đến chơi mà không có gì
để nói. Còn Hạnh thì luôn tránh đi đâu để mình tôi ngồi với anh
Cường. Tôi rất lúng túng, ngượng ngùng vì sự yên lặng của
anh.
Một buổi chiều anh hỏi tôi thích đọc sách của
ai. Lúc đó tôi chỉ đọc các tác giả tiền chiến và Tự Lực Văn
Đoàn nên trả lời như thế. Anh hỏi lại:
-Đó là sách học trong trường, ngoài ra An còn
thích đọc sách của tác giả nào?
Tôi đang đọc truyện dài trường kỳ của Văn
Quang trên báo Tiền Tuyến nên trả lời ngay: “Văn Quang”.
Chiều hôm sau anh bảo Hạnh gọi tôi sang chơi, anh đưa
cho tôi cuốn “Người Yêu Của Lính” của Văn Quang. Tôi cảm động
nhận lấy và ngầm hiểu anh đang trao cho tôi một thông điệp gì
đó. Anh Cường bảo tôi mở trang trong ra đọc. Anh chỉ viết
vỏn vẹn vài chữ: “Sai Gòn ngày...Mến tặng An” và ký tên “
Hoàng Xuân Cường”.
Chữ anh viết lớn và đều đặn, vững chắc; nét chữ
quá đẹp! Tôi chưa thấy ai viết chữ đẹp như thế. Nhiều năm
sau này cũng chẳng thấy một nét chữ nào giống như thế.
Bà Sùng mẹ Hạnh đã nói với mẹ tôi rằng anh
Cường muốn cưới tôi làm vợ, nhưng anh sẽ chờ đến khi tôi được 18
tuổi, thi xong tú tài, anh sẽ cưới tôi. Nhưng anh Cường dặn mẹ
Hạnh đừng nói gì cho tôi biết để yên cho tôi học. Mẹ tôi nghe thế thì
biết thế, mẹ chẳng bác bẻ gì. Như thế có nghĩa là mẹ Hạnh
đã thay cho anh Cường nói chuyện với mẹ tôi. Và hai bà đã đồng
ý với nhau về việc này. Có lẽ mẹ tôi chơi thân với mẹ Hạnh nên
cũng tin tưởng gia đình này.
Hơn nữa, thân thế của anh Cường khiến cho mẹ cảm
thông vơi anh. Anh theo vợ chồng người anh di cư vào Nam khi anh chỉ
13 tuổi. Mẹ già còn ở lại ngoài Bắc. Anh Cường chẳng
khác gì mồ côi cả cha lẫn mẹ mà không hư hỏng, anh vẫn học hành và
nên người.
Tuy mẹ Hạnh đã dặn mẹ tôi đừng cho tôi hay ý định
của anh Cường, nhưng mẹ tôi vẫn kể cho tôi nghe.
Mẹ kể cho tôi nghe thế thôi, không có ý ép buộc
tôi. Quyền quyết định vẫn là nơi tôi. Vì bố mẹ tôi theo
chủ nghĩa “tự do dân chủ”, nghĩa là để cho con cái tự do chọn lựa
người bạn đời của mình.
Nhưng lúc đó tôi còn quá bé. Nghe xong, mỗi
lần gặp anh Cường tôi lại càng run hơn.
Nhưng vừa học xong tú tài, chỉ vừa 18 tuổi mà
phải lấy chồng là điều tôi không nghĩ đến. Tôi đâu muốn lấy
chồng ở tuổi 18; tôi còn muốn học lên nữa chứ. Nhưng lại nghĩ
nếu làm vợ anh Cường, tôi sẽ là chị dâu của Hạnh, bạn thân của tôi,
tôi thấy cũng vui nên không phản đối việc lấy anh Cường. Hơn thế
nữa, tôi không hề có chút ác cảm với anh Cường. Tôi không nghĩ
ra được điểm nào để chê anh. Nhưng tôi chỉ mới 14 tuổi thôi,
còn 4 năm nữa mới được 18 tuổi, chẳng biết sau này sẽ ra sao.
Đôi khi tôi lại nghĩ thầm hay là lấy anh Cường
xong, tôi vẫn ở lại Sài Gòn với bố mẹ để đi học tiếp, thỉnh thoảng
anh Cường về phép thăm tôi là được rồi. Đó là đầu óc đơn sơ
của tôi lúc đó chỉ thấy thế là được rồi, tôi chẳng nghĩ đến chuyện
chồng đi đâu thì vợ theo đó. Cũng có thể vì tôi còn sợ sệt khi
gặp anh Cường nên không muốn ở gần anh mỗi ngày.
Một hôm anh Cường được tin mẹ anh vừa chết ở
ngoài Bắc, anh có vẻ buồn vì không được gặp mẹ lần cuối. Mẹ
tôi sang nhà Hạnh chia buồn với anh. Anh trả lời:
-Không sao đâu bác. Thời buổi này mà mẹ cháu
sống được đến 60 là thọ lắm rồi.
Mẹ tôi có vẻ cảm động về câu nói của anh
Cường. Mẹ nói với tôi:
-có lẽ anh Cường nhìn thấy bạn bè đồng đội của
anh chết khi còn quá trẻ nên mới nói thế.
Mẹ lại nói tiếp:
-Tội nghiệp những người như anh Cường, không biết
sống chết lúc nào!
Riêng tôi, nghe tin mẹ anh chết, tôi chẳng biết nói
một câu an ủi anh. Tôi chỉ nhìn anh ái ngại. Cả tôi và anh
đều ngồi im như mỗi lần anh gọi tôi sang chơi. Được vài phút thì
tôi xin phép anh ra về.
Một hôm mẹ của Hạnh đưa anh Cường sang nhà tôi để
thăm mẹ tôi cho phải phép. Tôi đem nước trà ra mời rồi trốn luôn
trong nhà. Anh Cường ngồi chỉ độ nửa giờ rồi ra về. Anh
đến chào mẹ tôi để theo đơn vị rút về căn cứ ở Nha Trang vì Việt
cộng đã bị đẩy lui ra khỏi Sài Gòn. Lực
lượng Biệt Kích Dù của anh đã hoàn
tất sứ mạng tại Sài Gòn.
Tối hôm đó anh và vài người bạn đồng ngũ mời mẹ
Hạnh, mẹ tôi, mấy chị em Hạnh cùng chị em tôi ra bò bảy món Ánh
Hồng để ăn bữa ăn chia tay. Sáng mai các anh sẽ trở về đơn vị.
Những người kia ai cũng đi, riêng tôi xin được ở
nhà. Lý do là vì tôi rất sợ ngồi cứng ngắc trước mặt anh
Cường vì tôi biết anh chỉ nhìn tôi thôi mà chẳng nói năng chi. Và
tôi thì không muốn anh Cường ngồi nhìn tôi như thế, làm sao tôi ăn cho
nổi. Từ nhà tôi đi bộ đến bò bảy món Ánh Hồng chỉ khoảng
mười phút; thỉnh thoảng bố tôi hay dắt cả nhà đến đó ăn nên tôi
chẳng tha thiết đi với anh Cường đến đó.
Thế rồi thỉnh thoảng có bạn được về phép, anh
Cường lại biên thư cho tôi và Hạnh, nhờ bạn cầm về. Cũng có khi
anh gửi thư cho tôi và Hạnh qua bưu điện. Lần nào nhận được thư
của anh, tôi cũng hồi hộp mở ra xem, chỉ có vỏn vẹn vài dòng, hỏi
thăm việc học hành của tôi và kể chuyện trời mưa trời nắng ngoài Nha
Trang. Anh chẳng bao giờ kể chuyện hành quân, tác chiến của các
anh. Và anh chẳng bao giờ nói thương nói nhớ gì tôi cả.
Tôi không hiểu anh Cường, tôi không biết anh Cường
có thương tôi thật không. Tôi thấy trong tiểu thuyết, người ta hay
nhắc đến những bức thư tình thật lãng mạn, yêu thương nồng nàn.
Còn những bức thư của anh Cường gửi cho tôi chỉ là loại “gửi người
em gái hậu phương”. Ngược lại, tôi trả lời thư cho anh Cường cũng
đại loại kể chuyện học hành, chuyện nắng mưa và hỏi thăm anh cùng
các bạn anh mà tôi đã gặp.
Thế nên, tôi không bao giờ nghĩ giữa tôi và anh
Cường đã có một mối liên hệ tình cảm trai gái, của hai người yêu
nhau. Tôi còn nhỏ quá, mười bốn tuổi biết gì mà yêu! Hơn
thế nữa, từ khi còn bé, tôi hay mơ mộng viển vông, hay nghĩ đến một
hoàng tử đẹp trai, sang trọng, uy quyền đến cưới tôi. Mà anh
Cường thì không đẹp trai, không giống hoàng tử chút nào cả. Tôi
thấy anh Cường trông cũng được, anh không cao lắm, người khỏe mạnh,
không gầy gò. Trông anh có vẻ đàn ông, thế thôi. Mà trông
“đàn ông” cũng phải vì lúc nào gặp anh cũng chỉ có bộ áo trận rằn
ri hoa lá rừng mà thôi. Trên tay áo lại còn huy hiệu con hổ bay
qua cái dù nữa, trông oai quá chừng đi chứ!
Một buổi chiều Hạnh qua nhà tôi trao thư của anh
Cường. Hạnh bảo có anh Huế và anh Tiếu về phép nên anh Cường
nhờ anh Huế cầm thư về cho tôi và Hạnh. Anh Huế thì tôi đã gặp,
còn anh Tiếu thì chưa.
Tối hôm đó anh Huế và anh Tiếu mời mấy mẹ con
Hạnh và mẹ con tôi ra bò bảy Món Ánh Hồng để ăn tối. Kỳ này
không có anh Cường nên tôi không ngại, tôi đồng ý đi. Đối với tôi,
gặp bạn đồng ngũ của anh Cường thì cũng giống như gặp được anh
Cường rồi, như thế tôi đã thấy vui mà không phải ngại ngùng vì phải
ngồi chết cứng vì sợ anh Cường nhìn tôi mà không nói năng chi.
Lúc đó tôi với Hạnh chỉ có áo đầm đủ kiểu để
mặc đi chơi, còn áo dài thì chỉ có áo trắng để mặc đi học.
Hạnh và tôi đều ái ngại khi đi với mấy anh lính về thành mà mặc
đầm sợ mấy anh nhìn không quen nên cả hai cùng mặc áo dài trắng cho
thoải mái..
Đến bò bẩy món Ánh Hồng, nhà hàng cho chúng tôi
ngồi vào một cái bàn tròn lớn kê sát góc sân trước, gần hàng
rào. Trời hôm đó trong xanh, mát dịu. Chúng tôi gồm mười
người. Hai anh Huế và Tiếu ngồi đối diện tôi. Mẹ Hạnh và
ba chị em Hạnh ngồi góc trái. Mẹ tôi ngồi cạnh mẹ Hạnh, rồi đến
tôi.
Chỉ có anh Huế và anh Tiếu uống bia, mọi người
còn lại uống nước ngọt. Khi các anh uống đến chai bia thứ hai,
anh Tiếu nói với tôi một câu thật bất ngờ:
-
Tôi nghe nói về cô An đã lâu mà hôm nay
mới hân hạnh được gặp. Phải chi cô An chưa thuộc về Trung Úy
Cường thì tôi sẽ xin cưới
cô An. Nhưng mà trung úy Cường là xếp của tôi, tôi đâu dám qua
mặt xếp.
Mặt tôi nóng bừng lên. Tôi thảng thốt nhìn
anh Tiếu rồi nhìn hai bà mẹ cầu cứu. Chẳng ai lên tiếng cứu
nguy cho tôi. Cả hai bà hình như ngồi đờ ra nhìn anh Tiếu.
Tôi nhìn anh Tiếu rồi nhìn anh Huế. Anh Huế ngồi lặng
thinh, không nói gì. Trong thâm tâm, tôi chưa bao giờ nghĩ tôi đã
là “cái gì” của anh Cường. Cứ đọc mấy cái thư “gửi người em
gái” của anh, tôi chẳng thấy anh yêu thương tôi gì cả.
Anh Tiếu còn nói tiếp, tai tôi bắt đầu thấy lùng
bùng, triệu chứng của sự căng thẳng và sợ hãi. Tôi nói với anh
Tiếu:
-Nãy giờ anh nói gì, em không hiểu.
Anh Tiếu có vẻ tức giận, nói lớn hơn:
-Phải rồi, anh Cường là trung úy, còn tôi chỉ là
thiếu úy nên cô An không chịu hiểu tôi!
Tôi lại càng hoảng hốt hơn nữa khi anh so sánh cấp
bậc của anh với anh Cường. Tôi thấy oan ức quá vì anh Cường làm
quen với tôi chứ tôi đâu làm quen với anh Cường mà bảo là tôi thích
anh Cường vì hai cái hoa mai của anh. Đối với đầu óc non nớt
của tôi lúc đó, hễ ai đi lính thì sẽ từ từ được lên lon, hết Thiếu
Úy thì lên Trung Úy, cách nhau một lon có gì là to tát đâu. Sao
bây giờ anh Tiếu công kích tôi cứ y như tôi là người xấu lắm, chỉ
nhìn cấp bậc của các anh mà thôi. Tôi cảm thấy xấu hổ vì bị
anh Tiếu lên án oan. Đã thế, anh Cường có bao giờ nói thương yêu
gì tôi đâu. Tôi còn không biết tôi là gì của anh Cường nữa
kìa. Sao bây giờ anh Tiếu bảo tôi đã là của anh Cường? Đã
thế, anh Tiếu còn gọi tôi là “cô” nữa, nghe có vẻ dữ quá. Tôi
mới 14 tuổi thôi, chưa có ai gọi tôi là “Cô” bao giờ cả.
Tôi lại nhìn hai bà mẹ rồi nhìn chị Thu,
nhìn Hạnh xem có ai đỡ đòn cho tôi được không. Tất cả đều ngơ
ngác nhìn anh Tiếu chẳng nói nên lời. Không ai nói giùm tôi, tôi
đành phải trả lời mà như nói với chính mình:
-Em đâu là gì của anh Cường đâu. Em cũng không
biết cấp bậc của mấy anh ra sao. Tại sao anh nói gì lạ
vậy? Em không hiểu gì hết.
Anh Tiếu lại càng lớn tiếng hơn:
-Phải rồi cô An cố tình không hiểu tôi, vì tôi chỉ
là thiếu úy. Còn anh Cường là trung úy nên cô chỉ hiểu anh
Cường.
Tôi muốn òa lên khóc vì cảm thấy bị anh Tiếu ăn
hiếp công khai trước mặt mọi người . Tôi nói gì cũng bị anh
bắt bẻ. Tôi có cảm tưởng như bị anh dồn vào chân tường.
Tôi cũng đâm bực bội hai bà mẹ không chống đỡ giùm tôi một
lời. Tôi cố mím môi để khỏi bật lên tiếng khóc, tôi cảm thấy
bất lực trước người đàn ông vừa mới quen chưa được hai giờ đồng hồ
này. Tôi hối hận vì đã đi theo hôm nay. Phải chi tôi cứ ở
nhà thì đâu phải nghe anh Tiếu nói những lời này khiến tôi bối rối,
sợ hãi và xấu hổ biết bao nhiêu. Một lúc sau chị Thu nói một
câu khiến anh Tiếu giận dữ hơn:
-Thôi anh Tiếu say rượu rồi, đừng nói nữa.
Anh Tiếu phản ứng ngay:
-Tôi chỉ mới uống có hai chai bia thôi, làm sao say
được chứ?
Mẹ Hạnh cũng mở miệng nói được một câu vô thưởng
vô phạt:
-Thôi anh Tiếu về nhà nghỉ ngơi, có lẽ anh mệt
rồi.
Anh Tiếu còn nói thêm nhiều câu, nhưng tai tôi đã
quá lùng bùng, mặt tôi đã bừng bừng nóng có lẽ hơn người say
rượu. Tôi chỉ muốn bỏ ra về trước nhưng không dám xin phép mọi
người nên đành ngồi cúi đầu xuống bàn, hết dám nhìn anh Tiếu nữa.
Anh Huế đứng dậy tính tiền. Buổi tiệc tan
sớm.. Trên đường về tôi đi với Hạnh phía trước. Vừa đi tôi
vừa nói với Hạnh:
-Biết thế tao không đi hôm nay. Tao sợ anh Tiếu
quá. Anh nói năng kỳ cục, dữ dằn quá. Tao không hiểu gì
hết. Mà tại sao anh ấy nói tao đã thuộc về anh Cường? Sao
anh Cường không nói gì với tao hết vậy?
Hạnh chỉ ậm ự cho qua, nó nói có lẽ anh Tiếu
say. Đêm hôm đó hai anh Huế và Tiếu ngủ lại nhà của Hạnh.
Sáng hôm sau sẽ trở về đơn vị.
Riêng tôi, tối nay tôi không sao ngủ được. Tôi
vẫn còn ấm ức vì thái độ và những câu nói của anh Tiếu. Anh
Tiếu đã đẩy tôi vào cơn sợ hãi và bối rối tột độ. Tôi lại
càng hối hận vì đã lỡ dại đi ăn với hai anh. Tôi biết thế nào
câu chuyện cũng đến tai anh Cường.
Sáng hôm sau tôi vẫn phải dậy đi học dù rất mệt
mỏi vì mất ngủ. Tôi qua nhà Hạnh để đi chung như mọi ngày.
Hạnh báo cho tôi hay hai anh Huế và Tiếu đã đi từ lúc 6 giờ
sáng. Anh Tiếu gửi lời xin lỗi tôi và nhận rằng có lẽ anh đã
say tối hôm qua. Thực tâm, tôi không giận anh Tiếu. Làm sao tôi
có thể giận được một người đã công khai bộc lộ tình cảm với
tôi? Tôi chỉ thấy sợ lối nói chuyện như hỏa diệm sơn đang phun
lửa của anh và sợ phải gặp lại anh.
Tối hôm sau, tôi biên thư cho anh Cường. Nhưng
kỳ này, thay vì chỉ nói chuyện nắng mưa, học hành, tôi khờ dại kể
lại chi tiết những lời anh Tiếu đã nói và câu tôi đã trả lời anh
Tiếu “Em đâu là gì của anh Cường”. Vì tôi nghĩ rằng nếu
tôi không nói thì Hạnh cũng sẽ nói, anh Huế cũng sẽ nói. Chẳng
thà tôi nói ra cho nhẹ nhõm trong lòng với hy vọng anh Cường sẽ viết
cho tôi đôi dòng trấn an.
Nhưng thư đi mà không có thư lại. Kể từ đó,
anh Cường không còn biên thư cho tôi nữa. Nhưng anh Cường vẫn biên thư
cho Hạnh. Mỗi khi nhận được thư của anh, nó khoe với tôi.
Tôi thắc mắc hỏi nó tại sao anh Cường không biên thư cho tôi nữa, nó
không trả lời câu hỏi của tôi.
Tôi cảm thấy buồn bã và tủi thân vì anh Cường đã
dứt khoát với tôi rồi. Nói trắng ra là anh Cường đã bỏ
tôi. Tôi mang cái mặc cảm bị bỏ ở lúc tuổi chưa đến
15. Tôi thấy giận anh Cường vì người lớn mà chấp với “trẻ
con”. Tôi không ngờ anh lại cố chấp như thế. Tôi thực sự
không biết điều gì trong bức thư của tôi đã làm anh giận đến nỗi
đoạn tuyệt với tôi. Bây giờ thì tôi thấy anh Cường thật bí
hiểm, thương cũng chẳng nói, ghét cũng không hở môi. Tôi lại
càng ân hận hơn vì đã đi ăn với hai anh Huế và anh Tiếu nên ra nông
nỗi này. Đối với tôi, hôm đó là một buổi tối “tai họa”.
Vì gặp anh Tiếu mà tôi mất anh Cường. Anh Tiếu thì làm tôi
sợ hãi, anh Cường thì làm tôi buồn ngơ ngác.
Hơn một năm sau, chị Thu của Hạnh báo tin cho tôi hay anh Cường vừa
được thăng chức lên Đại Úy. Tôi mừng cho anh như cho một người
lính được lên lon vậy thôi. Chị cũng nói bâng quơ với tôi rằng
có hai cô khác thích anh Cường lắm, họ quen với anh Cường trước tôi
mà anh Cường không thích họ nên không theo cô nào hết. Tôi nghe mà
dửng dưng vì anh Cường chẳng liên quan gì đến tôi nữa.
Năm lên lớp Đệ Tam, theo thường lệ, tôi qua nhà rủ Hạnh đi ghi
tên. Hạnh cho tôi hay nó đã ghi danh ở một trường tư thục khác
rồi. Tôi hoảng hốt hỏi nó:
-Sao
mày không cho tao hay để tao cũng ghi danh học với mày?
Hạnh
dửng dưng trả lời:
-Hết
hạn ghi danh rồi!
Tôi
lại hỏi lại:
-Sao
mày không cho tao hay trước khi hết hạn?
Nó có vẻ khó chịu, chỉ nhún vai. Tôi
như người bị tình phụ. Một nỗi đau nhói lên trong tim. Lúc
anh Cường đoạn tuyệt với tôi, tôi cũng chưa thấy đau như thế này.
Tôi lặng lẽ ra về. Kể từ đó tôi không còn đến nhà Hạnh
nữa. Và Hạnh cũng chẳng qua nhà tôi nữa. Vì đường ai nấy
đi, trường ai nấy học.
Tôi là người chịu hụt hẫng chứ không phải
Hạnh. Nhà nó có đông chị em gái, không có tôi, nó không cảm
thấy cô đơn. Còn tôi, nhà tôi không có chị em gái, tôi hay qua nhà
Hạnh vì nhà nó vui hơn nhà tôi, lúc nào cũng có người để tôi nói
chuyện. Tôi lại thích chị Thu và chị Dung của nó lắm; hình như
cả nhà nó ai cũng thích tôi. Và ngược lại, tôi xem gia đình nó
như gia đình thứ hai của tôi vậy. Bây giờ không qua nhà nó nữa,
tôi mất đi một gia đình và mất thăng bằng trong cuộc sống. Không
ai hiểu cho tôi được điều này.
Tôi đi học một mình, buồn vô hạn. Tôi phải
qua nhà Bình để đi chung với nó dù tôi quen biết nó nhiều năm, từ khi
còn bé tí. Nhà nó cũng có chị em gái, nó nhỏ hơn tôi một
tuổi, chị nó hơn tôi hai tuổi, em gái nó nhỏ hơn tôi sáu tuổi nên ít
gần gũi. Nhưng Bình hay chị nó vẫn không thay thế được Hạnh và
chị em Hạnh. Mỗi nhà mỗi khác, không khí của nhà này không
giống nhà kia. Tôi đã quen với gia đình Hạnh rồi, nó gần gũi
với tôi hơn.
Năm tôi mười bẩy tuổi, một buổi chiều chị
Thu của Hạnh qua tìm tôi để báo tin dữ, chị nhìn tôi có vẻ ngại
ngùng rồi nói:
-
An ơi, anh Cường tử trận rồi!
Hai tay tôi bỗng dưng lạnh buốt, tim tôi như lỡ một
nhịp đập. Tôi mím chặt môi để khỏi phát ra tiếng nấc. Tôi
không muốn khóc trước mặt chị Thu. Tôi chớp mắt nhiều lần để
nước mắt không trào ra. Tôi cúi xuống để tránh nhìn chị.
Chị Thu lại nói tiếp:
-Anh Cường
chết rồi. Anh mới chết hôm qua thôi. Đáng lẽ ông Thiếu Tá
Huế (không phải anh Huế ở trên, là Đại Úy) phải theo máy bay trực
thăng đi trinh sát mặt trận nhưng ông ấy bị nhức đầu nên anh Cường
tình nguyện đi thế. Máy bay trực thăng chở anh Cường bị đạn của
Việt cộng bắn rớt. Ngày mai sẽ đem xác anh Cường về. Mày
nhớ đi đám tang của anh Cường nghe nhỏ?
Đầu óc tôi
quay cuồng, sao anh Cường có thể chết được? Tôi không bao giờ
nghĩ sẽ có một ngày anh Cường ra đi vĩnh viễn. Nhưng anh Cường
đi thật rồi! Mà dù anh Cường còn sống, tôi và anh Cường
cũng không bao giờ gặp lại nhau. Nhưng tôi vẫn muốn anh Cường
sống. Chị Thu lại hỏi tôi lần nữa:
-Mày đi
đám tang anh Cường nghe nhỏ?
Tôi rùng
mình khi hình dung đến cái hòm ôm kín cái xác của anh Cường.
Tôi không can đảm nhìn nó. Tôi cũng không có can đảm nhìn đến bạn bè
đồng ngũ của anh, những bộ quân phục biệt kích dù của họ sẽ nhắc
tôi nhớ đến anh. Tôi cũng không muốn bất cứ ai thấy tôi khóc cho
anh Cường. Tôi còn tự ái lắm vì mặc cảm bị anh Cường bỏ vẫn
tiềm tàng trong tôi. Tôi nuốt nước mắt vào lòng, lắc đầu thay
cho câu trả lời.
Chị Thu có
vẻ ngạc nhiên hỏi đi hỏi lại tại sao vì có lẽ chị nghĩ “Nghĩa
tử là nghĩa tận”; dù anh Cường giận tôi hay tôi giận anh Cường
thì cũng xí xóa cho nhau. Tiễn anh đến mộ phần là điều tôi nên
làm đối với một người vừa nằm xuống. Nhưng tôi không thể làm
được vì bấy nhiêu lý do. Chị thuyết phục tôi một chốc nữa nhưng
tôi không lay chuyển, tôi chỉ lắc đầu mà không nói được với chị một
lời. Nếu tôi mở miệng ra nói vơi chị lúc đó, tôi sẽ òa khóc
ngay. Đó là điều tôi không muốn.
Chị Thu
thất vọng nhìn tôi một lúc rồi ra về. Khi chị đã đi khỏi, tôi
gục mặt vào đôi tay để thút thít khóc vì cố gắng cầm giữ khá lâu
rồi. Sau đó, tôi lau khô nước mắt đi báo tin cho mẹ
hay. Mẹ tôi xúc động ra mặt, rơm rớm nước mắt nói: “Tội
nghiệp!”. Sau đó mẹ qua nhà chị Thu hỏi thăm bà Sùng mẹ
chị.
Anh Cường
để tiền tử lại cho ông Sùng là cậu chứ không để lại cho người anh
ruột. Ông Sùng sẽ dùng số tiền này mua một lô đất trong
nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi để an táng anh Cường và xây mộ cho anh.
Sáng thứ
Bảy tuần đó mẹ tôi đi đưa đám tang anh Cường. Mẹ hỏi tôi có
muốn đi theo không, tôi vẫn nhất định không, dù trong lòng rất
muốn.
Tôi ở nhà
chờ mẹ về mà lòng ray rứt buồn. Anh Cường cô đơn quá, chỉ có
mấy đứa cháu gọi bằng chú để tang cho anh, và mấy người em họ trong
đó có Hạnh để tang cho anh thôi.
Lúc gần
trưa, tôi lại thấy bồn chồn trong lòng như có ai nhắc. Khi mẹ
về, mẹ kể lại mấy anh bạn của anh Cường hỏi mẹ tại sao tôi không
đến. Mẹ nói:
-Mấy anh
bạn của anh Cường hỏi: “Bác ơi, tại sao An không đến?”
Tôi hỏi
mẹ:
-Mẹ trả lời sao?
-Mẹ trả lời sao?
Mẹ bảo:
-Có lẽ em
nó bị nhức đầu, không đi được.
Tôi lại
hỏi mẹ:
-Mẹ có
biết tên người hỏi không?
Mẹ trả
lời:
-Ai mà
biết, có mấy anh hỏi, mẹ đâu nhớ tên mấy anh ấy.
Tôi nghĩ
thầm có lẽ anh Cường vẫn im lặng, không nói cho các bạn anh ấy biết
anh đã dứt khoát không thư từ liên lạc với tôi từ hơn hai năm
rồi. Họ vẫn nghĩ rằng khi tôi được mười tám tuổi anh Cường sẽ
cưới tôi chăng? Vì thế họ quá ngạc nhiên khi tôi không đến đưa
tiễn anh lần cuối. Như thế, tôi đã làm cho họ thất vọng lắm
nhỉ?
Tôi vẫn
không hiểu được anh Cường, tôi thấy anh thật bí hiểm. Tôi không
đọc được ý nghĩ của anh.
Hai năm sau
ngày anh Cường chết, khi tôi đã được mười chín tuổi, Hạnh tìm đến
tôi để làm lành. Nó không nhắc gì đến chuyện “nghỉ chơi” giữa
tôi và nó. Chỉ nói chuyện quẩn quanh và hỏi thăm đôi điều, sau
đó nó rủ tôi đi thăm mộ anh Cường. Nó rủ tôi với một thái độ
rất chân thành: “Mày đi thăm mộ anh Cường với tao không?”.
Anh Cường
đã mồ yên mả đẹp được hai năm, sao bây giờ nó lại có lòng muốn tôi
đi thăm anh Cường? Tôi cảm động trước nghĩa cử làm lành của
Hạnh nên nhận lời đi với nó thăm mộ anh. Hạnh vui ra mặt khi
thấy tôi gật đầu. Nó hẹn hôm sau sẽ đến đón tôi lúc hai giờ
chiều. Lúc này bố mẹ tôi đã dọn nhà đi nơi khác, nhưng
cách nhà cũ chỉ một đoạn đường mà thôi.
Hạnh và
tôi không còn hồn nhiên như xưa nữa. Cả hai chúng tôi vừa trải qua
một cuộc tình bồng bột, một cuộc tình không thực sự là “chuyện
tình” nên cả hai cùng rút lui.
Hạnh lái
xe Honda đến đón tôi. Tôi ngồi lên phía sau mà bồi hồi nhớ lại bốn
năm trước, khi tôi và Hạnh còn học chung trường, tôi ngồi trên xe Hạnh
như thế này mỗi ngày, nói chuyện với nhau hoài không hết. Một
tình bạn hiếm quý như thế, mà sao Hạnh lại đánh rơi dễ dàng?
Khi đến
gần nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, có một hàng bán hoa ở lề đường, phía
đối diện với cổng, Hạnh dừng xe lại để mua một bó hoa cho anh
Cường. Tôi lấy tiền ra trả, Hạnh ngăn lại dành phần trả.
Tôi thật thà không nghĩ ra việc mua thêm một bó hoa nữa cho anh, như
thế anh sẽ có hai bó hoa. Tôi thản nhiên không dành trả tiền với
Hạnh nữa vì tôi thấy nó quyết liệt lắm, khăng khăng nhét tiền vào
tay bà hàng hoa. Sau này nghĩ lại, tôi thấy mình quá vô tình không
đem hoa đến cho anh. Vì số tiền trong ví tôi lúc đó có đủ để
mua cả chục bó hoa.
Mua hoa
xong, Hạnh chạy xe vào nghĩa trang. Có lẽ Hạnh vào đây thường
xuyên nên nó thuộc đường lắm. Qua khỏi cổng, Hạnh rẽ trái vào
con đường nhỏ, chạy đến khoảng hai phần ba đường rồi rẽ phải vào
một đường nhỏ khác. Chạy qua cả chục ngôi mộ, Hạnh dừng xe lại
trước một ngôi mộ xây bằng đá cẩm thạch trắng phía bên trái.
Hạnh chỉ tay và nói với tôi:
-Tới rồi, mộ
anh Cường đó!
Hạnh dựng
xe rồi cầm bình hoa đã cạn khô chạy đi lấy nước rồi đem về cắm bó
hoa mới vào. Có lẽ Hạnh đến thăm anh Cường thường xuyên nên
thạo việc lắm.
Tôi bước
xuống xe trông thấy ngay bức ảnh của anh Cường trên bia mộ. Bức
ảnh quá sống động khiến tôi cảm thấy run rẩy, bồi hồi như trông thấy
anh hiện ra trước mắt. Ánh mắt anh như lúc còn sống, giống như
anh đang nhìn tôi vậy. Có lẽ bức ảnh được anh chụp lúc
vừa lên đại úy nên trên cổ áo có đeo ba hoa mai đen. Không
ngờ đó là bức ảnh chuẩn bị làm bia mộ cho anh. Anh chết rồi
tôi mới dám nhìn thẳng vào di ảnh của anh, lúc này tôi mới thấy anh
đẹp trai, và oai nữa.
Kỷ niệm
cũ lại hiện về, mới ngày nào anh Cường đưa đón tôi, viết những bức
thư ngắn ngủi cho tôi, tặng tôi cuốn tiểu thuyết “Người Yêu Của Lính”,
giờ đây anh chỉ còn là một nắm bụi đất nằm dưới phần mộ này vài
tấc thôi. Nước mắt tôi cứ muốn tuôn ra mà lòng thì cố cầm giữ
lại. Tôi vẫn không muốn Hạnh nhìn thấy tôi khóc cho anh Cường.
Tôi không
tin linh hồn của anh Cường còn lảng vảng quanh đây. Tôi nhìn lên
bầu trời, trời hôm đó trong xanh, có vài cụm mây trắng. Tôi tự
hỏi không biết linh hồn anh đang ở nơi nào, có đang trôi lang thang theo
những cụm mây trên kia không? Tôi biết anh là người Công Giáo,
nhưng tôi không biết đức tin của anh ở mức độ nào. Nhưng tôi vẫn
muốn nói với anh Cường vài điều, có lẽ là nói cho tôi nghe thì đúng
hơn. Tôi nói với anh rằng: “Em xin lỗi anh, anh mất đã hai
năm rồi, hôm nay em mới đến thăm anh. Anh giận em điều gì sao anh
không nói? Anh nỡ giận em đến chết hay sao?”
Nói đến
đây nước mắt tôi đã lăn trên má, tôi không chuẩn bị đem theo khăn tay nên
lấy tay gạt rồi bôi vào áo. Tôi quay qua một bên để Hạnh không
nhìn thấy tôi khóc. Tôi phải cố gắng lắm để khỏi phát ra tiếng
nấc. Tôi còn nói với anh Cường vài điều nữa, khi đã nói
hết nỗi niềm của mình tôi thấy lòng mình bớt nặng nề. Tôi quay
sang Hạnh, thấy nó đang nhìn di ảnh của anh Cường, vẻ mặt có vẻ
thành khẩn lắm, nó đang lâm râm trong miệng. Tôi đoán nó đang
khấn với anh Cường điều gì đó. Có lẽ nó nói với anh Cường
rằng “Em đưa cái An đến thăm anh rồi đó!”.
Sau đó một
tuần cả hai chúng tôi cùng đi thi tú tài đôi. Hạnh thi đậu, còn
tôi thi rớt.
Vài tuần
sau mẹ Hạnh là bà Sùng đến thăm mẹ tôi, tiện thể hỏi thăm tôi:
-Hôm hai
đứa đi thăm mộ anh Cường, cái Hạnh khấn với anh Cường phù hộ cho nó
thi đậu mà linh thế đấy. Cháu có khấn với anh Cường phù hộ cho
thi đậu không?
Tôi vỡ lẽ ra
lý do tại sao Hạnh rủ tôi đi thăm mộ anh Cường: vì nó muốn anh phù
hộ cho nó thi đậu. Thì ra nó nghĩ rằng lỗi tự nó nghỉ chơi
với tôi nên tôi không đi đám tang anh. Vì thế nó muốn chuộc lỗi
với anh bằng cách đến làm lành với tôi, như thế nó mới rủ tôi đi
thăm anh được. Và nó tin rằng khi dẫn được tôi đến thăm anh, anh
sẽ phù hộ cho nó.
Tôi thưa
với bà Sùng rằng tôi không khấn với anh Cường hoặc với một người
chết nào cả. Vì tôi không tin người chết có thể phù hộ cho
người sống. Tôi thi rớt vì tôi không học bài kỹ, vì tôi để
ngoại cảnh chi phối tâm trí mình nhiều quá.
Đó là lần
duy nhất tôi đi thăm mộ anh Cường. Sau này thỉnh thoảng Hạnh vẫn
đến thăm tôi, nhưng Hạnh không rủ tôi đi thăm mộ anh Cường nữa.
Khi chạy ra
khỏi nước ngày 30 tháng Tư 1975, tôi chợt nghĩ đến anh Cường, tôi thấy
anh chết trước mà có phước hơn những người ngã gục trong thời điểm
này. Vì anh còn được chôn cất đàng hoàng tử tế, còn có nấm
mồ. Trong khi bao nhiêu người khác chết mất xác, chết dọc đường
không được chôn, người nhà không biết nơi đâu mà tìm xác.
Năm 1983
nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi đã bị chánh quyền mới giải tỏa, những ai
có thân nhân thì đươc người nhà dời mộ đi nơi khác. Còn anh, gia
đình ông bà Sùng đã chạy di tản hết phân nửa ngày 30 tháng Tư,
1975. Sau này ông bà được con cái bảo lãnh đi Mỹ. Gia đình
người anh của anh có còn ở Việt Nam để lo cho anh? Nếu không có
lẽ người ta sẽ cho anh vào nơi vô thừa nhận hay vứt bỏ một chỗ nào
đó. Nhưng đó là số phận chung của nhiều người, chẳng riêng gì
anh. Tôi chỉ lo phần linh hồn của anh thôi.
Tháng năm
dần trôi, tôi đã trải qua bao thăng trầm, chẳng có thời gian nhớ đến
anh. Tôi đã hoàn toàn quên bẵng anh.
Nhưng đến
năm 2006, khi xem DVD Asia số 50, chủ đề Anh Không Chết Đâu Anh, nhạc của
Trần Thiện Thanh. Nhìn thấy những hình ảnh cũ trên các chiến
trường của những người lính nhẩy dù mũ Đỏ, mũ Xanh. Những anh
hùng đã nằm xuống, hình ảnh của họ còn lưu lại, đầy vẻ phong trần,
khắc khổ, nhưng hào hùng.
Những bộ
quân phục rằn ri màu lá hoa rừng nhắc tôi nhớ đến anh Cường, một
người Biệt Kích Dù đã nằm xuống trên 30 năm về trước. Một cơn
xúc động mạnh chợt đến, tôi bật lên tiếng khóc, khóc không cần kềm
hãm. Tôi khóc mãi cho đến khi xem hết cả hai đĩa của Asia 50.
Xem xong,
tôi đi ngủ. Thông thường, tôi cầu nguyện với Chúa trước khi
ngủ. Nhưng đêm nay tôi không tập trung được để cầu nguyện.
Tôi lại òa lên khóc, khóc thật lớn, tiếng khóc tôi vỡ tung từ lồng
ngực, nước mắt tôi tuôn rơi tự do như bị chứa trong một cái bể thủy
thinh đã quá lâu; giờ đây thì “Tức nước, vỡ bờ”. Bất
chợt, tôi lại nghĩ đến linh hồn của anh Cường giờ này đang ở đâu.
Nghĩ đến điều này khiến lòng tôi quặn đau, tôi vừa khóc vừa
gào lên với Chúa rằng:
-Chúa
ơi! Chắc là con thương anh Cường. Ngài biết con còn hơn con
biết con nữa. Con không dấu Chúa được điều gì. Chúa cho con
biết anh Cường đang ở đâu? Chúa ơi! Chúa cho con biết anh
Cường đang ở đâu?
Tôi khóc
lóc kêu gào với Chúa một lúc thì nguôi ngoai, như trút được gánh
nặng ngàn cân. Sau đó tôi thấy lòng mình bình yên và tôi nằm
xuống ngủ. Giấc ngủ đến thật nhanh, thật dễ dàng.
Khi gần
sáng, tôi có một giấc mơ. Trong giấc mơ, tôi thấy mình đi chung
với một đám đông người để đi dự tiệc, ai nấy cười nói hớn hở.
Khi đến nơi, tôi thấy ông ngoại tôi đang đứng trước cổng chào đón mọi
người. Ông mặc bộ quần áo trắng. Tôi mừng rỡ không ngờ
gặp lại ông ở đây. Ông cười thật vui khi nhìn thấy tôi; ông chỉ
tay vào trong nhà và nói:
-Anh Cường
đang ở phía trong kìa.
Nghe ông
nhắc đến anh Cường, tôi ngạc nhiên nhưng quá vui mừng bước vào.
Bên trong là một gian phòng tiếp tân thật lớn, thật dài, có nhiều
dãy bàn ăn đã phủ khăn trắng, có bầy ly bằng thủy tinh, đĩa sứ mầu
trắng, khăn ăn mầu trắng trên bàn. Chưa có khách nào ngồi vào bàn
cả. Tôi đi dọc theo gian phòng cố ý tìm anh Cường. Khi đến
một cái cửa thông qua phòng bên cạnh thì tôi thấy anh Cường đang đứng
ngay cửa.
Tôi gọi
anh:
-Anh Cường!
Gọi xong
tôi hồi hộp chờ phản ứng của anh, vì tôi lo anh vẫn còn giận
tôi.
Trông thấy
tôi, anh Cường vui ra mặt. Anh cười với tôi thật nhẹ nhàng, vẻ
mặt anh không có chút gì buồn giận tôi cả. Anh mặc chiếc
áo sơ mi trắng và cái quần tây mầu xám nhạt. Tôi vui mừng khi
thấy anh không giận tôi. Tôi hỏi anh Cường: “Anh Cường ở đây
hả?”.
Anh Cường
toan trả lời thì chiếc đồng hồ báo thức của tôi reo lên khiên tôi
giật mình ra khỏi giấc mơ.
Thức dậy,
tôi tiếc giấc mơ quá chừng. Tôi nhớ rõ từng chi tiết. Tôi biết
ngay giấc mơ này đến từ Chúa, Ngài đã trả lời câu hỏi của tôi “Anh
Cường đang ở đâu?”
Ông ngoại
tôi đã qua đời năm 1978, đến năm 2006 là đã 28 năm. Lâu lắm rồi
tôi không còn nghĩ đến ông, thì không thế nào bảo là vì hay nghĩ đến
ông nên nằm mơ thấy ông. Nhưng tôi biết ông tôi là người Tin Lành,
tin Chúa vững vàng và ông đã lên Thiên Đàng với Chúa sau khi
chết. Khi còn sống, ông tôi chưa tiếp xúc với anh Cường bao
giờ. Nhưng trong giấc mơ, ông quen biết anh Cường. Như thế,
anh Cường, người Công Giáo, đang ở chung một nơi với ông tôi, nghĩa là
anh cũng đang ở Thiên Đàng với Chúa.
Trên Thiên
Đàng thì chỉ có con dân của Chúa, chứ không có giáo phái nào nữa
hết.
Tôi
vui mừng quá đỗi vì sự trả lời của Chúa qua giấc mơ. Tôi biết
Chúa quan tâm đến tôi, Ngài đã an ủi tôi. Tôi an tâm vì anh Cường
đang ở Thiên Đàng với Chúa, như thế khi tôi qua đời, tôi cũng sẽ lên
Thiên Đàng và sẽ gặp lại anh Cường.
Mấy ngày
sau tôi cứ suy nghĩ về giấc mơ và hiểu rõ ràng hơn. Không
những Chúa cho tôi biết anh Cường đang ở đâu, mà Chúa còn cho tôi biết
Ngài đem tôi lên Thiên Đàng vào thời điểm nào nữa. Trong giấc mơ,
tôi đi chung với một đám đông để đến đám tiệc. Mà là tiệc của
Thiên Đàng.
Trong Kinh
Thánh nói về tiệc cưới của Chiên Con, là Chúa Jesus. Cô dâu của
Chúa Jesus là hội thánh. Khi sắp đến thời đại nạn trên đất,
Chúa sẽ đem hội thánh lên không trung để tránh 7 năm đại nạn và sẽ
dự tiệc cưới của Ngài.
Như thế,
Chúa đã cho tôi hay Ngài sẽ đem tôi đi khỏi trái đất cùng với hội
thánh của Ngài. Vậy thì ngày đó đâu xa gì, vì tôi đâu thế nào
sống đến vài trăm tuổi?
Giờ đây sau
hơn 40 năm, đủ trưởng thành để suy xét lại. Anh Cường tuy hơn tôi
13 tuổi, nhưng anh sống lùi lại cả vài thập niên, của những năm đầu
thế kỷ hai mươi. Còn tôi, tôi là người của cuối thế kỷ hai mươi.
Vì thế, anh không hiểu tôi và tôi cũng không hiểu anh. Bản tính
anh ít nói nhưng chắc chắn trong suy nghĩ và cả trong tình cảm.
Anh đã yêu tôi một tình yêu rất cao thượng, không hề muốn trói buộc
tôi vào một lễ đính hôn khi tôi còn quá bé, chỉ 14 tuổi. Anh
không muốn tôi biết anh yêu tôi vì anh biết tôi chưa đủ khôn ngoan để
biết mình muốn gì. Và anh cũng không muốn làm tôi sợ. Vì
thế anh chỉ muốn tôi xem anh như một người anh để anh có thế nuôi
dưỡng với tôi một liên hệ nhẹ nhàng cho đến khi tôi được 18
tuổi. Hơn nữa, anh cũng không chắc mình có thể sống được đến
khi tôi được 18 tuổi đâu.
Tuy không
cho tôi biết, nhưng anh không thể dấu kín với bạn bè một tình yêu anh
đang nuôi dưỡng. Vì thế, bạn bè anh, Hạnh và gia đình Hạnh ai
cũng biết anh yêu tôi. Chỉ có tôi là không biết. Vì tôi ảnh
hưởng văn chương hiện thực, yêu thì nói yêu, thương thì nói
thương. Phải sống rõ ràng và chân thật. Nhưng đừng bộc lộ
tình cảm cách dữ dằn như anh Tiếu, làm tôi sợ quá sợ.
Nhưng giờ
đây tôi cũng hiểu được anh Tiếu, anh phải nói gấp những tâm tư của anh
với tôi ngay hôm đó vì anh không chắc có cơ hội gặp lại tôi lần
nữa.
Khi tôi
hiểu ra được những điều này thì tôi đã hiểu được những giòng chữ
tôi viết cho anh Cường “Em không là gì của anh Cường cả” đã vô tình
như một mũi dao nhọn đâm vào tim anh. Anh không còn biết nói gì
với tôi vì anh đã hiểu lầm rằng tôi đã xác định rõ ràng anh không
là gì của tôi cả. Sự hiểu lầm này khiến cả anh và tôi cùng
đau khổ. Sao anh không hiểu cho tôi, tôi còn nhỏ tuổi quá, không
diễn tả đúng những gì mình muốn nói.
Nhưng giờ
đây tôi biết chắc một điều là anh Cường yêu tôi cho đến khi anh
chết.
Anh Cường
không giận tôi chút nào. Mọi giận hờn không hiện diện trên Thiên
Đàng. Mọi hiểu lầm đã được sáng tỏ.
Ở cuối
thế kỷ hai mươi và thế kỷ hai mốt này, chẳng có ai yêu cách bao dung
và cao thượng như anh Cường đã yêu tôi. Một tình yêu chân thật,
thuần tình cảm, không nhuốm mầu sắc dục. Anh nghĩ cho tôi chứ
không nghĩ cho anh.
Định mệnh
khiến tôi, anh Cường và anh Tiếu gặp nhau. Để rồi cả ba cùng
mang một nỗi buồn.
Nhưng tôi
sẽ gặp lại anh Cường trên Thiên Đàng. Còn anh Tiếu thì sao?
Không biết anh có còn sống sót sau chiến tranh? Nếu còn, tôi cầu
mong anh Tiếu sẽ chọn con đường lên Thiên Đàng.
Trên Thiên
Đàng không có cưới gã. Nhưng ai đã là vợ chồng ở thế gian thì
lên Thiên Đàng vẫn là vợ chồng, vẫn là một gia đình với nhau.
Còn tôi và
anh Cường chỉ là người yêu trên quả đất này dù chưa bao giờ có cơ
hội nói yêu nhau.
Không biết
lên Thiên Đàng có được làm người yêu không hả Chúa? Nếu không,
con sẽ tiếp tục làm “em gái” của anh Cường vậy.
Tôi nhớ
lại những câu thơ của Lưu Trọng Lưu viết từ năm 1939 mà như viết cho
riêng tôi.
“Em chỉ là người em gái thôi,
Người em sầu mộng của muôn đời,
Tình em như tuyết giăng đầu núi,
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời”
Một Mùa
Đông -II (Thơ Lưu Trọng Lư/ Tiếng Thu 1939)
TT-Thái An
Viết cho anh Hoàng Xuân Cường
1/10/2018
__._,_.___
No comments:
Post a Comment