Popular Posts

Sunday, April 15, 2018

Ngọc Đan Thanh- loài hoa nở muộn


Ngọc Đan Thanh- loài hoa nở muộn
Soạn giả Nguyễn Phương
Ngọc Đan Thanh- loài hoa nở muộn

Sau khi chấm dứt chiến tranh Pháp – Việt, hòa bình lập lại (1954)… Saigon và các tỉnh thành có nhiều gánh hát mới thành lập, nhiều rạp hát mới xây, dân chúng được tự do buôn bán, có nhiều việc làm nên cuộc sống được ấm no, dư dả, dân có tiền mua vui, xem hát giải trí. Các gánh hát thu hút nhiều khán giả, nghệ sĩ cải lương nổi danh trong thập niên 1950, 1960 đều tạo được sự nghiệp huy hoàng trong đời sống cá nhân và nghệ thuật: đó là các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Thanh Tú, Dũng Thanh Lâm, Tấn Tài, Thanh Sang, Thanh Tuấn, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh, Việt Hùng, Minh Chí, Hoàng Giang, Út Hiền, Út Hậu…; các nữ nghệ sĩ Kim Thoa, Kim Hui, Kim Chưởng, Kim Anh, Thúy Nga, Kim Luông, Thanh Hương, Út Bạch Lan, Ngọc Nuôi, Thanh Nga, Lệ Thơ, Thu Ba, Ngọc Giàu, Ngọc Hương, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Kim Nên, Hoàng Vân,…
Các nghệ sĩ này được bầu gánh hát ký contrat biểu diễn trong hai năm: có người được hưởng vài triệu đồng; người ký contrat thấp nhất cũng trên một trăm ngàn đồng…Cũng nên biết thời giá một chiếc xe hơi Peugeot 203 mới nhập cảng giá 80.000 $, Peugeot 403: 120.000 $. Một chiếc xe Vespa spring mới 21000 $, một ngôi nhà lợp tole 4 thước x 20 thước ở mặt tiền gần chợ Hòa Hưng giá 40.000$ Nghệ sĩ được hưởng lương hát rất cao, chấm dứt cảnh ăn quán ngủ đình.
Các nghệ sĩ sanh ra từ thập niên 50, 60 không được may mắn như nghệ sĩ kể trên vì khi các cháu lớn lên (từ năm 1963 đến 1972) thời cuộc bất ổn (đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhiều cuộc chỉnh lý, thay đổi chánh phủ tiếp theo khiến cho Đô Thành Saigon, Chợ Lớn, Gia Định và các tỉnh thành lớn bị giới nghiêm ban đêm), đó là chưa kể đến Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng đánh vô đô thành và các tỉnh thành, gây cảnh chết chóc, máu lửa. Trong thời điểm này, dù nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh có tài ca hay hát giỏi cũng không được hưởng những contrat hậu hĩ của bầu gánh hát vì các gánh hát đều ế khách, có gánh phải tan rã vì thời cuộc chiến tranh ảnh hưởng không nhỏ đối với sinh hoạt của tất cả dân chúng trong thành phố và cả ở những quận, huyện trù phú trước kia.
Nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh tên thật Lê Thị Huệ, sanh năm 1952, tại Saigon. Cô học trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon, chuyên khoa cải lương cùng lúc với các nghệ sĩ Kiều Phượng Loan, Tú Trinh. Khi lên năm thứ hai khóa cải lương, Ngọc Đan Thanh đã cùng với các nữ nghệ sĩ Phương Ánh, Tú Trinh được mời làm diễn viên của các Ban cải lương Phương Nam (của soạn giả Nguyễn Phương), Ban Thành Công, Ban Mây Tần của Đài Phát Thanh Saigon và Đài Phát Thanh Quân Đội. Nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh, Tú Trinh, Phương Ánh, Mộng Tuyền cũng là diễn viên của Ban Kịch Phương Nam, Ban Kịch Thẩm Thúy Hồng, Ban Kịch Sống Túy Hồng, Ban Cải Lương Phụng Hảo, Ban Cải lương Thanh Lịch của Đài Truyền Hình Việt Nam trong những năm từ 1967 đến 1972.
Nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh rất đẹp, nước da bánh mật, nụ cười quyến rũ, đôi mắt long lanh, Ngọc Đan Thanh được đánh giá là nữ diễn viên đẹp sắc sảo, rất ăn ảnh khi được thu hình ở Đài Truyền Hình hay khi đóng phim. Giọng ca của Ngọc Đan Thanh được đánh giá là chuẩn mực khi ca các bài bản cổ nhạc dùng trong sân khấu cải lương, âm lượng khoẻ khoắn, lối ca đúng điệu, đúng bài bản như phần lớn các học viên của trường Quốc Gia Âm Nhạc, nhưng chưa có bản sắc riêng như các diễn viên Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Mỹ Châu.
Ngọc Đan Thanh trước năm 1975 không đi hát cho các đoàn hát cải lương vì khi cô chưa tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc thì năm 1968 đô thành Saigon xảy ra vụ Tết Mậu Thân, chiến sự xảy ra nhiều đợt trong đô thành Saigon, Chợ Lớn khiến cho nhà cầm quyền phải ban bố tình trạng thiết quân luật ban đêm. Nhiều gánh hát không hát được, có gánh hát phải tan rã, có nhiều gánh hát phải đi lưu diễn ở các tỉnh Hậu Giang và miền Trung.
Sau Tết Mậu Thân, Ngọc Đan Thanh gia nhập Ban văn nghệ Hoa Rừng của binh chủng Biệt Động Quân (1968 – 1971). Rời Biệt Đông Quân, Ngọc Đan Thanh được điều về Tiểu đoàn 50 Chiến Tranh Chánh Trị đến1975.
Năm 1972, Ngọc Đan Thanh đóng phim Kiếm hiệp Báu Kiếm Rửa Hận Thù, do hãng phim Mỹ Ảnh của ông Trương Dĩ Nhiên sản xuất. Ông Trương Dĩ Nhiên là chủ hãng phim Mỹ Ảnh, kiêm chủ rạp hát bóng Đại Nam và rạp Kinh Thành Chợ Lớn. Đạo diễn và équipe thu hình, thu thanh, chuyên viên ánh sáng đều là người Đài Loan, những người từng thực hiện nhiều bộ phim kiếm hiệp Hồng Kông và Đài Loan.
Diễn viên phim Báu Kiếm Rửa Hận Thù có các nghệ sĩ Út Bạch Lan, Hoàng Long, Ngọc Đan Thanh, Văn Ngà, Bảo Lâm, Ba Nghĩa, các võ sĩ của võ đường Việt Nam với võ sư Lý Huỳnh. Lúc đó Nguyễn Phương là phụ tá đạo diễn, viết lời thoại cho phim này. (Cốt truyện phim của đạo diễn Đài Loan, thông dịch viên tiếng Quan Thoại là hai sinh viên Á Trần và Á Lâm. Chụp ảnh test và quảng cáo do nhiếp ảnh viên chuyên nghiệp Á Hùng.)
Tôi còn nhớ một cảnh vai nữ kiếm khách Ngọc Đan Thanh phi thân lên nhánh cây cao cách mặt đất hơn năm thước. Lúc đó đạo diễn chọn một cây sao rất cao, có nhánh gie ra cách mặt đất trên năm, sáu thước. Ngọc Đan Thanh phải lên đứng trên nhánh cây đó nhảy xuống. Hai máy camera quay một lượt, một máy quay phim chạy ngược và một máy quay phim chạy xuôi. Như vậy khi chiếu ra thì máy thu phim ngược sẽ cho hình ảnh nữ kiếm khách nhảy lên cây mặc dù khi thu hình thì Ngọc Đan Thanh nhảy xuống đất.
Đạo diễn nhờ thang máy của Sở Cứu Hỏa đưa Ngọc Đan Thanh lên đứng trên nhánh cây sao đó. Khi xe cứu hỏa kéo thang máy de xa ra thì đạo diễn hô máy quay, Ngọc Đan Thanh rút kiếm ra và phi thân xuống. Ở dưới đất, chỗ cho Ngọc Đan Thanh rớt xuống, đạo diễn để nhiều thùng carton không, bên trên để hai tấm nệm mousse.
Phải nói là nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh rất gan dạ, nếu không thì chỉ cần đứng trên nhánh cây cách mặt đất năm, sáu thước, người nào yếu bóng vía thì sẽ run hoặc té xỉu rồi, chớ không thể diễn xuất hiên ngang như Ngọc Đan Thanh.
Các nghệ sĩ Út Bạch Lan, Hoàng Long, Ngọc Đan Thanh, Văn Ngà được chuyên viên võ thuật Đài Loan và võ sư Lý Huỳnh dạy cho đánh từng lớp, chậm như khi học đánh võ trong tuồng hát bội, đánh chậm nhưng chú trọng điệu bộ và động tác đẹp như đánh võ thiệt. Khi quay phim, họ quay tốc độ chậm, 8 frames một giây, khi chiếu hình 24 frames một giây thì động tác nhanh như đánh võ thiệt. Ngọc Đan Thanh nhờ có học vũ, múa đẹp nên thành công xuất sắc trong phim này. Ngọc Đan Thanh còn quay thêm hai phim: Xóm Tôi, đạo diễn Lê Dân, và Chàng Ngốc Gặp Hên, đạo diễn Lưu Bạch Đàn.
Sau năm 1975, ở đoàn Kịch Kim Cương, Ngọc Đan Thanh diễn các vai quan trọng trong kịch Dưới Hai Màu Áo, Người Tình Trễ Xe, Về Nguồn, Trở Về Mái Nhà Xưa.
Năm 1980 – 1987, Ngọc Đan Thanh hát cho đoàn cải lương Sông Bé (bầu Xuân, cựu bầu đoàn Dạ Lý Hương), sau đó cô cộng tác với đoàn hát Thanh Nga.
Vì cần tăng cường nghệ sĩ cải lương gốc miền Nam nên nữ nghệ sĩ trẻ đẹp Ngọc Đan Thanh được Sở Văn Hóa điều động về đoàn cải lương Trần Hữu Trang, Ngọc Đan Thanh thủ vai đào chánh, vai Thanh Vân trong tuồng Tình Yêu và Lời Đáp, cùng diễn xuất với các nghệ sĩ Phương Quang, Ngọc Giàu, Thanh Nguyệt, Phú Quý, Minh Châu, Thái Ngân, Công Tài…
Ngọc Đan Thanh diễn xuất sắc vai Thanh Vân trong tuồng Tình Yêu và Lời Đáp, được thu thanh và thu truyền hình trực tiếp trên sân khấu lúc đang diễn. Khán giả nhiệt liệt tán thưởng các vai do Ngọc Đan Thanh, Ngọc Giàu, Thanh Nguyệt, Phương Quang, Minh Châu thủ diễn. Ba tháng sau, đoàn Trần Hữu Trang thu nhận một nam danh ca và vợ. Ban Quản trị đoàn đã lấy vai tuồng của Ngọc Đan Thanh trao cho vợ của danh ca mới về đóng. Họ cho rằng khi đóng vai người nữ cán bộ thì lý lịch diễn viên phải trong sạch về chính trị. Họ tung tin là Ngọc Đan Thanh có chồng là sĩ quan ngụy, đi tù cải tạo nên không được đóng vai Thanh Vân nữa. Thời kỳ nầy người ta thường lấy lý lịch để làm tình làm tội những kẻ yếu thế. Ngọc Đan Thanh không cần đính chánh là cô có chồng hay không mà cô trả lời bằng cách vượt biên tìm tự do và công bằng xã hội. Ngày 22 tháng 5 năm 1988, Ngọc Đan Thanh vượt biên đến đảo tỵ nạn Pulau Bidong, Malaysia.
Ngày 9 tháng 2 năm 1990 Ngọc Đan Thanh đến Hoa Kỳ, định cư tại California. Hai tháng sau cô cộng tác với Trung tâm băng nhạc Người Đẹp Bình Dương trong một số băng video ca nhạc.
Từ tháng 10 năm 1990, Ngọc Đan Thanh chuyển âm phim bộ Hồng Kông của Ánh Hằng, sau đó cộng tác với Việt Thảo trong những bộ phim Đài Loan, với Vina Film trong những bộ phim Đại Hàn.
Từ năm 2010, cộng tác với Đài Truyền hình SET tại Orange County với vai trò xướng ngôn viên tin tức, sau chuyển sang SBTN. Thời gian này Ngọc Đan Thanh làm MC cho Trung Tâm Asia với Nam Lộc, Thùy Dương và thực hiện chương trình Bảo tồn Cổ nhạc Tiếng Tơ Đồng với nghệ sĩ Chí Tâm.
Gần cuối tháng 12 / 2017, Ngọc Đan Thanh bị đột qụy được con trai là Andy Nguyễn đưa đi nhà thương giải phẫu kịp thời. Sau thời gian điều trị trong nhà thương, Ngọc Đan Thanh đã hồi phục sức khoẻ, về nhà và có thể tiếp tục công việc mà cô ưa thích và đã cống hiến trọn đời cho khán thính giả bốn phương.
Thông qua quá trình hoạt động nghệ thuật của Ngọc Đan Thanh trong bối cảnh chiến tranh ở VN trong hai thập niên 60, 70 và trong thời kỳ cả nước phải chịu đói nghèo và mất tự do dưới sự độc tài toàn trị của đảng CS, khán thính giả đều thương mến và thông cảm những trở lực đã ngăn bước tiến thân của nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh. Cô dám chống lại bọn cường quyền ác bá, vượt biên, đương đầu với biển khơi sóng cả, chín chết một sống để chọn cho mình được tự do trong đời sống, tự do suy nghĩ, không bị bắt buộc phải làm, phải nói hay suy nghĩ theo định hướng của chính trị độc tài của kẻ nào cả.
Cô đã đến được đất nước Hoa Kỳ, được hưởng quyền tự do của công dân một nước văn minh tiên tiến. Cuộc sống kinh tế, vật chất dồi dào sung túc. Về nghề nghiệp và tinh thần thì Ngọc Đan Thanh được thoải mái, hài lòng với công việc phù hợp với khả năng của cô mà lợi nhuận lại cao, cuộc sống ổn định, gia đình hạnh phúc, các con học thành tài.
Khán thính giả của Trung Tâm Asia, thưởng thức giọng ca và cách giới thiệu duyên dáng của MC Ngọc Đan Thanh bên cạnh MC Thùy Dương, Nam Lộc đều có cảm tình mến yêu Ngọc Đan Thanh, tặng cho cô mỹ hiệu Loài Hoa Nở Muộn.
Viết tiểu sử Ngọc Đan Thanh, tôi có cảm giác phong thái người chiến sĩ Biệt Động Quân còn ẩn khuất trong tâm trí và hành động của người nữ nghệ sĩ kiều diễm Ngọc Đan Soạn giả Nguyễn Phương Thanh.
Soạn giả Nguyễn Phương

__._,_.___

Posted by: Truc Chi

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List