Popular Posts

Tuesday, July 31, 2018

Người già ở Mỹ


Người già ở Mỹ
Huy Lâm
Người già ở Mỹ
Trong văn hoá người Việt chúng ta, một điều tự nhiên đến độ không ai thắc mắc là khi cha mẹ già yếu thì luôn được con cháu trong nhà chăm sóc. Sự phụng dưỡng ấy là để tỏ lòng hiếu thảo và cũng là cơ hội đền đáp công ơn cha mẹ nuôi dạy từ khi lọt lòng cho đến lúc trưởng thành. Niềm hạnh phúc lớn nhất của người già là được sống gần con cháu, được nhìn thấy cây gia đình do chính tay họ vun trồng nay ngày càng đơm hoa kết trái và những công lao khó nhọc đã không bị uổng phí. Sự phụng dưỡng và bảo bọc trong vòng tay của gia đình là nét văn hoá đẹp của một dân tộc văn minh.
Nét văn hoá này không chỉ có ở riêng người Việt chúng ta, hay của người Á đông nói chung, mà nó còn bàng bạc trong văn hoá của người Mỹ nữa. Từ bao thế hệ nay, nước Mỹ có truyền thống là những người già yếu vẫn thường được con cái hoặc những người mạnh khoẻ hơn trong gia đình trông nom săn sóc cho. Người Mỹ thường có tính tự lập và chỉ khi nào sức khoẻ không cho phép thì lúc đó họ mới chịu để cho con cái hay người thân giúp đỡ – có người dọn về ở chung, nhưng cũng có người vẫn ở riêng và con cháu hay người thân ghé qua mỗi tuần một đôi lần để trông chừng xem họ cần gì.
Thế nhưng ngày nay, càng ngày càng có nhiều người Mỹ già yếu nhưng lại không có người thân trong gia đình ở gần bên vào những lúc cần thiết, và hiện tượng này cho thấy một tương lai rất ảm đạm cho những người già ở Mỹ sau khi đã về hưu, và nhất là khi sức khoẻ yếu đi thì lấy ai giúp đỡ họ trong những lúc tối lửa tắt đèn. Đó là điều đang làm nhiều nhà nghiên cứu về xã hội lo lắng.
Tình trạng thiếu người chăm sóc đến vào lúc khi mà số người Mỹ đang bước vào tuổi hưu trí nhưng lại eo hẹp về tài chánh ngày càng nhiều. Phần thu nhập trung bình của những người này, bao gồm tiền an sinh xã hội và quỹ hưu trí, trong nhiều năm nay đã không tăng. Đã vậy, nhiều người trong số họ lại còn gặp cảnh nợ nần, một phần là do họ trước đây phải chăm sóc cho cha mẹ già của họ khi còn sống. Và nay đến phiên họ cần được chăm sóc thì lại gặp khó khăn, vì một lẽ là từ thế hệ của họ trở về sau có ít con quá, và hơn nữa, một số lại sống ở xa không thể chăm sóc cho họ được.
Theo kết quả nghiên cứu của công ty tài chánh Merrill Lynch năm 2017, người ta phỏng đoán ở Mỹ hiện nay có khoảng 34.2 triệu người đang làm công việc chăm sóc cho những người tuổi từ 50 trở lên mà không nhận thù lao. Những người làm công việc chăm sóc miễn phí này, trong đó có khoảng 95% là người trong gia đình, và từ lâu được xem là cột xương sống của hệ thống chăm sóc người già của nước Mỹ, cung cấp công việc chăm sóc miễn phí tính ra mỗi năm trị giá khoảng $500 tỷ tiền công – gấp ba lần chi phí chăm sóc cho người già và người bệnh của chương trình y tế Medicaid của chính phủ liên bang – và nhờ lực lượng những người làm không công này đã giúp nhiều người già yếu không phải vào sống trong những viện dưỡng lão với chi phí rất tốn kém mà không phải ai cũng có đủ điều kiện.
Tuy nhiên, nguồn cung cấp nhân lực những người chăm sóc miễn phí này ngày càng ít dần đi vào lúc khi mà nước Mỹ cần họ nhiều nhất. Mỗi ngày nước Mỹ có khoảng 10,000 người bước vào tuổi 65, tức tuổi chính thức về hưu. Đến năm 2020, sẽ có 56 triệu người Mỹ là 65 tuổi hoặc hơn, tăng từ con số 40 triệu vào năm 2010.
Trong khi đó, tỷ lệ giữa người chăm sóc và người cần chăm sóc đạt mức cao nhất năm 2010, và kể từ đó đến nay con số đó cứ tiếp tục rớt dần xuống, mà phần lớn lý do là vì có những thay đổi trong cơ cấu gia đình của người Mỹ: nhiều gia đình có ít con hơn trước, càng ngày càng có nhiều người chưa từng lập gia đình hoặc ly dị và sống độc thân, con cái sống xa cha mẹ do hoàn cảnh công việc – theo như ghi chú một cuộc nghiên cứu năm 2016 của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia.
Mà dịch vụ chăm sóc tư không hẳn là sự lựa chọn hợp lý đối với nhiều người già. Người ta phỏng đoán trong vòng một thập niên tới, số người già cần tới dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại gia sẽ tăng cao trong khi ngành dịch vụ này cung ứng không đủ, và số cầu sẽ vượt số cung khoảng 3 triệu người – nghĩa là có 3 triệu người già lâm vào cảnh không có người chăm sóc. Thậm chí nếu dịch vụ này cung ứng đủ thì vẫn có nhiều người già không đủ khả năng tài chánh để chi trả. Theo kết quả nghiên cứu của Genworth, một công ty chuyên về bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ, chi phí cho việc chăm sóc sức khoẻ tại gia toàn thời gian là $49,000 một năm.
Thậm chí những chương trình hỗ trợ của chính phủ cũng không theo kịp với đà tăng hiện nay. Chương trình y tế Medicare và một số chương trình khác của chính phủ liên bang chỉ cung cấp một phần nhỏ dịch vụ hỗ trợ chăm sóc mà những người già cần để còn có cơ hội ở lại trong căn nhà của họ. Chương trình Medicare thường không trả cho dịch vụ chăm sóc dài hạn ở những viện dưỡng lão, mà nhiều nơi chi phí dành cho một phòng riêng tách biệt có thể lên tới gần $100,000 mỗi năm.
Để có thể vượt qua được những khó khăn trở ngại người ta bắt buộc phải tìm giải pháp, có thể là giải pháp tạm thời, nhưng có còn hơn không, nhất là trong những lúc đau ốm. Có thể là vợ chồng cũ nay tìm cách giúp đỡ lẫn nhau. Hoặc đó là những người bạn thuở ấu thơ nếu có chút thì giờ rảnh rỗi lại tạt qua trông chừng dùm cha mẹ của những người bạn vì hoàn cảnh phải dọn đi xa. Nhưng cũng có người không được may mắn thì phải tự xoay sở lo lấy thân.
Những người già này trước kia họ cũng từng trải qua thời kỳ chăm sóc cho cha mẹ của họ. Cha mẹ qua đời rồi thì nay tới họ cũng đang bước vào tuổi già và cần sự giúp đỡ, chăm sóc từ người khác. Nhiều người trong số này hiện đang không biết trông chờ vào ai đây.
Người ta kể câu chuyện bà Clesta Dickson, 86 tuổi, chưa từng lập gia đình. Bà là một giáo viên về hưu sống một mình trong căn chung cư bé xíu trên tầng hai của khu Pleasantview Towers, là khu chung cư dành cho người già và người khuyết tật ở thị trấn Vienna thuộc tiểu bang West Virginia.
Khi cha mẹ của bà già yếu, bà mua một căn nhà cho ba người cùng ở để bà dễ dàng chăm sóc cho họ. Cha mẹ bà mất cũng đã khá lâu rồi. Bà có một người em trai, nhưng ông này nay cũng 82 tuổi và sức khoẻ thì cũng không khá hơn bà. Bà không có con cái và vì vậy nhiều lúc bà tự hỏi là điều gì sẽ xảy ra với bà khi không có người chăm sóc ở gần bên.
Ý nghĩ đó cứ vảng vất trong đầu làm bà lo lắng. Thế nên, bà đã quyết định tự sắp xếp và lo lấy trước phần tang lễ cho chính mình vì bà đã phải chứng kiến nhiều người quen biết có hoàn cảnh giống bà nên khi chết đi đã không có được một cái đám tang nho nhỏ, không người phúng điếu, và thậm chí không cả một lời cáo phó đăng trên báo.
Một câu chuyện khác có thể sẽ làm người nghe ấm lòng hơn. Đó là câu chuyện kể về ông cụ Norm Wien, 80 tuổi, đã từng mất liên lạc với người vợ cũ là bà Karen trong nhiều năm sau khi hai người ly dị vào năm 1976. Nhưng nay thì ông tìm đến thăm nom bà thường xuyên, ít nhất là mỗi tuần một lần tại khu nhà dành cho những người già ở thành phố Pittsburgh thuộc tiểu bang Pennsylvania. Bà Karen bị mắc căn bệnh mất trí nhớ.
Ông Wien cho biết ông chăm sóc cho bà là vì ông muốn giúp cho người con gái chung của hai người là cô Emily Wien Fagans, hiện đang sống cùng chồng và hai con ở California nên không thể phụng dưỡng cho mẹ già. Ông Wien thường xuyên chụp hình bà Karen rồi sau đó gửi cho cô Emily, và nếu có bất cứ thay đổi nào ở bà thì ông cho cô con gái biết tin ngay.
Trước đây ông Wien cũng vướng vào hoàn cảnh đường xa cách trở như thế. Trong khi ông sống ở Pittsburgh thì cha mẹ ông sống ở mãi tận New Jersey, cách nhau tới 350 dặm, nên sự di chuyển đi đi về về rất khó khăn. Khi cha mẹ ông già yếu bệnh tật thì đã được những người hàng xóm tốt bụng giúp đỡ. Ông ghi nhớ mãi công ơn này. Nay ông cũng đang làm công việc chăm sóc đó để giúp đỡ cô con gái, và đồng thời là để trả cái ơn những người hàng xómkhi xưa đã từng chăm sóc cho cha mẹ già của ông.
Ông Wien cho biết có đôi khi ông cũng bực mình vì gặp trở ngại không biết nói chuyện cách nào cho bà Karen hiểu. Thế nên nhiều khi ông chỉ biết đứng xoa cổ bóp vai cho bà rồi ra về. Một đôi lần bà nhận ra ông, nhưng những lần khác thì lại lầm tưởng ông với người nào đó. Có điều an ủi là những lúc bà tỉnh táo, mỗi khi thấy ông bước vào thì mắt bà sáng lên vì mừng vui.
Riêng với ông Wien trí óc còn minh mẫn nên ông biết con đường phía trước của ông sẽ là thế nào. Hiện nay sức khoẻ còn tốt thì không nói gì nhưng vài năm nữa khi sức khoẻ kém đi thì đến lúc đó không biết kiếm ai để chăm sóc cho ông đây. Cứ mỗi khi nghĩ tới điều đó thì lại làm ông đau lòng, nhưng tuyệt đối không oán hận vì ông hiểu chuyện gì phải đến sẽ đến.
Câu chuyện trên cho chúng ta nghiệm ra một điều là người Mỹ cũng sống bằng tình cảm chứ không hẳn là lạnh lùng và chỉ biết lo cho riêng mình như nhiều người đã trách lầm. Tuy nhiên, làm người già, cho dù sống ở Mỹ hay ở bất cứ đâu, cũng là điều thiệt thòi – nhất là vào thời điểm này khi mà số người già ở Mỹ ngày càng đông trong khi lực lượng những người có khả năng chăm sóc cho người già thì ngày càng ít đi, và do đó làm nhiều người đâm ra lo lắng cũng phải.
Huy Lâm

__._,_.___

Posted by: Truc Chi 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List