Popular Posts

Friday, November 16, 2018

Đức Phật Và Phạm Thiên Vương (1)


ĐỨC PHẬT
 VÀ PHẠM THIÊN
Toàn Không
1). ĐẤU TRÍ VỚI PHẠM THIÊN:
     Một thời Đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Bấy giờ có một Phạm Thiên Vương ở cõi Trời Phạm, nghĩ rằng: “Chỗ này là thường hữu, chỗ này là thường hằng, chỗ này trường tồn, chỗ này quan yếu, chỗ này là pháp không hoại diệt, chỗ này là xuất yếu, ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào khác nữa, mà có bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng”.
     Lúc ấy, Đức Phật bằng trí biết cùng khắp (Tha Tâm trí), biết rõ tâm niệm của Phạm Thiên kia đang nghĩ. Ngài liền nhập định biến (Như Kỳ Tượng Định), chỉ trong khoảng thời gian co duỗi cánh tay, Ngài biến mất khỏi vườn Cấp Cô Độc, tới ngay chỗ vị Trời ấy tại cõi Trời Phạm. Phạm Thiên trông thấy Đức Phật liền chào nói:
- Kính chào Đại Tiên Nhân, rồi Phạm Thiên nói những lời giống như đã nghĩ ở trên.
    Đức Phật nói:
- Này Phạm Thiên, cái không thường ông bảo là thường, cái không hằng ông bảo là hằng, cái không trường tồn ông bảo là tường tồn, cái không quan yếu ông bảo là quan yếu; cái hoại diệt ông bảo là không hoại diệt, cái không xuất yếu ông bảo là xuất yếu. ông còn bảo: ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào khác, mà có bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng. Này Phạm Thiên, ông có cái vô minh này, ông đang chìm đắm trong si mê này.
     Lúc đó có Thiên Ma Ba Tuần nói:
- Này Sa Môn, chớ nên trái lời Phạm Thiên, chớ có chống đối Phạm Thiên; nếu ông không nghe lời lại còn chống đối, cũng như người gặp hên may mà lại xua đuổi đi, lời Sa Môn nói ra cũng như vậy. Cho nên ta bảo ông chớ trái lời, chớ chống đối Phạm Thiên; nếu ông chống trái lời Phạm Thiên, ông cũng như người từ núi cao rơi xuống vực sâu thẳm, tuy dang hai tay hai chân bám vào hư không, nhưng chẳng bám được gì. Lời Sa Môn nói ra cũng như vậy.
     Này Sa Môn, ta bảo chớ chống trái lời Phạm Thiên, vì sao? Vì Phạm Thiên có phúc lớn (phước hựu), là bậc hóa sinh, là đấng tối tôn, tạo dựng tất cả, là Tổ phụ của tất cả chúng sanh đã sinh và sẽ sinh, tất cả đều do Ngài sinh ra; những gì Ngài thấy biết là trọn thấy biết.
     Này Đại Tiên Nhân, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào ghê tởm hủy báng địa đại (đất), thì khi chết chắc chắn sinh làm Thần kỹ nhạc trong chốn hạ tiện nhất. Cũng thế, nếu ai ghê tởm, chống đối, hủy báng Phạm Thiên, sau khi qua đời chắc chắn sinh làm Thần kỹ nhạc trong chốn hạ tiện nhất.
     Trái lại, này Đại Tiên Nhân, nếu có ai ưa thích tán thán Phạm Thiên, thì sau khi chết (mạng chung) chắc chắn sinh làm bậc tối thượng cõi Phạm Thiên; này Đại Tiên Nhân, ông há không thấy đại quyến thuộc của Phạm Thiên như bọn tôi đang ngồi đây sao?
     Lúc ấy, Đức Phật nghĩ rằng: “Ma Ba Tuần này chẳng phải Phạm Thiên, cũng chẳng phải quyến thuộc Phạm Thiên, nhưng lại tự xưng là quyến thuộc Phạm Thiên. Nếu bảo rằng có Thiên Ma Ba Tuần thì đây chính là Ma Ba Tuần”, biết rõ như vậy rồi, Ngài bảo:
- Này Ma Ba Tuần, ông chẳng phải Phạm Thiên, cũng chẳng phải là quyến thuộc Phạm Thiên, nhưng lại tự xưng quyến thuộc Phạm Thiên; nếu cho rằng có Ma Ba Tuần, thì chính ông là Ma Ba Tuần.
     Ma Ba Tuần liền nghĩ: “Thôi rồi, Sa Môn Cù Đàm đã biết ta, Như Lai (Phật) đã biết ta”; biết như thế, Ma Ba Tuần rất đỗi buồn rầu, rồi vụt biến mất.
     Bấy giờ vị Phạm Thiên Vương ấy nói lại lời nói trước đó, Đức Phật cũng nói y như đã nói rằng lời Phạm Thiên nói là sai là vô minh.
     Nghe vậy, Phạm Thiên nói:
- Này Đại Tiên Nhân, thuở xưa có Sa Môn, Phạm Chí mạng sống rất lâu dài, còn ông thọ mạng quá ngắn, ông không biết sự ngồi yên trong khoảnh khắc của các vị Sa Môn, Phạm Chí kia, vì sao? Vì các vị ấy biết trọn vẹn, thấy trọn vẹn thật sự chỗ này không hoại, là nơi xuất yếu, ngoài chỗ này không còn chỗ nào khác tối yếu hơn, nơi đây có bậc tối thắng, tối diệu, tối thượng.
     Này Đại Tiên Nhân, đối với chỗ xuất phát ra tất cả chúng sinh, ông bảo là không phải; đối với chỗ không phải là chỗ xuất phát ra tất cả chúng sinh, ông bảo là phải; như vậy, ông sẽ không có xuất yếu và trở thành đại si, vì sẽ không bao giờ có cảnh giới ấy cho ông.
     Này Đại Tiên Nhân, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào ưa địa đại, tán thán địa đại, thì vị ấy tùy sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai. Cũng thế, bất kỳ ai, nếu ai ưa thích Phạm Thiên, tán thán Phạm Thiên, vị ấy tùy sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai. Ông nếu ưa thích địa đại, tán thán địa đại, thì ông cũng tùy theo sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo lệnh ta sai.
     Đức Phật bảo:
- Này Phạm Thiên, theo cái gọi là “Chân Đế” mà ông vừa nói, nếu Ta theo đó mà ưa thích tán thán, thì những điều ấy vẫn như thế. Này Phạm Thiên, Ta biết rõ ông từ đâu đến đây và sẽ đi đâu. Nếu có Phạm Thiên thì Phạm Thiên ấy có Thần thông biến hóa (đại như ý túc), có vô số công đức (đại oai đức), có phước vô số (đại phúc hựu), có uy nghi tự tại (đại oai thần).
     Phạm Thiên nói:
- Này Đại Tiên Nhân, ông làm sao biết được điều ta biết, làm sao thấy được điều ta thấy? Ta như mặt trời, tư tại soi sáng cả nghìn thế giới, ông làm sao biết rõ được, ông có được tự tại không, ông có biết những nơi nào không có ngày đêm không và ông đã có lần nào qua chốn đó chưa?
     Đức Phật nói:
- Này Phạm Thiên, Ta như mặt trời soi sáng khắp nơi, bao trùm cả ngàn thế giới, trong nghìn thế giới Ta được tự tại, và biết nơi không có ngày đêm, và đã qua lại rất nhiều lần.
     Này Phạm Thiên, có ba cõi Trời là Quang Thiên, Tịnh Quang Thiên, và Biến Tịnh Quang Thiên; nếu ba loài Trời này có tri kiến gì thì Ta cũng có tri kiến ấy, nếu ba loài Trời này không có tri kiến khác, Ta vẫn có tri kiến khác ấy.
     Này Phạm Thiên, ông và quyến thuộc của ông có tri kiến gì, Ta cũng có tri kiến đó, nếu ông và quyến thuộc của ông không có tri kiến khác, Ta vẫn có tri kiến khác ấy. Thế nên ông và quyến thuộc của ông không thể bằng Ta về tất cả, đối với ông và quyến thuộc của ông, Ta là tối thắng, tối diệu, tối thượng.
     Nghe vậy, Phạm Thiên nói:
- Này Đại Tiên Nhân, do đâu ông dám nói như thế, ông có phải là nói khoác lác không? Sau khi nói xong, không biết có tăng sự ngu si chăng, vì sao? Vì biết rõ vô lượng cảnh giới, nên có vô lượng tri kiến, vô lượng chủng loại phân biệt; trái lại, ta biết riêng rẽ từng cái: Là địa đại ta biết đó là địa đại. Với thủy đại, hỏa đại, phong đại, thần ngã, chư Thiên, v.v..., cũng giống như thế, là Phạm Thiên ta biết đó là Phạm Thiên.
     Bấy giờ Đức Phật bảo:
- Này Phạm Thiên, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào đối với địa đại nghĩ rằng: “Địa là ta, địa là của ta, ta là của địa đại” thì đã chấp địa đại là ta rồi, nên vị ấy không thực biết địa đại.
     Ngược lại, nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào đối với
địa đại nghĩ rằng: “Địa không phải là ta, địa không
phải là của ta, ta không phải là của địa đại”; nhờ
không chấp nhận địa là ta, nên vị ấy mới thực biết địa đại.
     Đối với thủy đại (nước), phong đại (gió), hỏa đại (lửa), thần ngã (thức), chư Thiên, Phạm Thiên, vô phiền Thiên, vô nhiệt Thiên, tịnh Thiên, v.v... biết tất cả chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, ta chẳng phải là của các thứ ấy; nhờ không chấp nhận, các thứ ấy không phải là ta, nên ta mới thực sự biết về các thứ ấy.
     Nghe xong, Phạm Thiên nói:
- Chúng sinh ai cũng ưa thích có (hữu), muốn có, chỉ riêng ông không ưa thích có.
     Rồi Phạm Thiên nói kệ:
Nơi có thấy sợ hãi,
Không có thấy sợ gì?
Cho nên đừng ưa có,
Có làm sao chẳng dứt?
 LỜI BÀN:
 (C òn tiêp)

__._,_.___

Posted by: Tien Do 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List