Popular Posts

Thursday, April 30, 2020

TRÍ HUỆ


TRÍ HUỆ
Toàn Không 
1). TRÍ HUỆ LÀ GÌ? 
   Trí Huệ: Do chữ Nam Phạn (Pali) “Panna” chữ 
Bắc Phạn (Sancrit) “prajna”, là hiểu rõ sự lý cùng tột, 
là Bát nhã, là trực nhận tánh không, là giác ngộ, 
là “Trí biết tục đế, Huệ thông chân đế”. Có thể nói 
Trí là thể tính sáng suốt trong sạch, Huệ là cái sáng 
chiếu soi, Trí Huệ rộng lớn (Ba La Mật) là thể tính 
sáng suốt soi sáng một cách tinh tường không thể 
nhầm lẫn; Trí Huệ là sự hiểu biết siêu việt cùng tột, 
là Giải thoát. 
2). TẠI SAO CẦN CÓ TRÍ HUỆ? 
   Con người sống từ vô thủy tới nay luôn luôn si mê 
nên mới khởi tham sân tà kiến, tạo biết bao nhiêu 
đau khổ cho mình, cho người và chúng sanh; đó là 
đầu mối của vô minh, do vô minh sinh ra ý nghĩ các 
điều sai trái, miệng nói những lời điên đảo, thân làm 
các việc động trời. Vì thế bị trôi lăn trong sáu cõi, 
chịu biết bao khổ đau; muốn hết đau khổ, người 
Phật tử phải hết si mê, muốn dứt si mê phải tu để 
có Trí Huệ. Khi có trí huệ sẽ hết vô minh, hết vô 
minh sẽ không còn có ý khẩu thân điên đảo; ý 
khẩu thân không điên đảo sẽ không còn tạo nghiệp, 
không tạo nghiệp sẽ không còn sinh tử luân hồi tức 
là Giải thoát, bởi thế chúng ta cần có Trí Huệ là vậy. 
3). TRÍ HUỆ KHÁC TRÍ TUỆ RA SAO? 
   Trí Tuệ là danh từ thường dùng trong đời sống con 
người, Trí Tuệ được hiểu như là sự thông minh sắc bén, 
hiểu biết tinh mẫn, thông minh linh hoạt. Trí Tuệ là của 
bộ óc tìm tòi phát minh sáng chế theo suy luận, v.v…
   Chúng ta không nên hiểu lầm Trí Tuệ của thế gian 
cũng giống như Trí Huệ của Phật giáo, vì Trí Tuệ của 
thế gian chỉ có thể như các nhà Khoa học, Triết học, 
Bác sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư, Bác học v.v…  có kiến thức 
hiểu biết về một lãnh vực nào đó, chứ không thể 
là bậc đã đạt đạo có Trí Huệ thấy biết như thật cùng 
khắp vũ trụ vạn vật, có đủ Ba minh, Bốn trí, Sáu thần 
thông, Năm nhãn v.v…của bậc Thánh.
   Muốn đạt Trí Tuệ cần phải học hỏi suy nghĩ, nghiên cứu 
thí nghiệm, nghiền ngẫm lý thuyết; muốn đạt Trí Huệ 
cũng cần học hỏi nghiên cứu, nghiền ngẫm giáo pháp, 
và còn đi xa hơn nữa, đó là “Hành trì”, “Thiền định”; 
nếu muốn dùng chữ Trí Tuệ, chỉ được coi như những 
người thông minh học nhiều nhớ giỏi, chứ chưa phải 
là người đạt Trí Huệ đạt Giác ngộ tức Giải thoát. 
   Dù trong nhận thức trực tiếp hay trong suy luận người 
có Trí Huệ sẽ luôn luôn đúng, trong khi người có Trí Tuệ sẽ 
có khi đúng có khi sai. Do đó chúng ta thấy rõ sự khác 
biệt giữa Trí Huệ và Trí Tuệ. 
4). CÓ MẤY LOẠI TRÍ HUỆ? Có hai loại:
A). CĂN BẢN TRÍ:
     Là Giác tính minh diệu mà mọi chúng sanh đều có sẵn, 
nhưng bị vô minh che lấp nên chưa xuất hiện; thí dụ như 
chất vàng lẫn trong quặng đất sỏi đá, như mặt trời bị che 
bởi sương mù về mùa đông. 
B). HẬU ĐẮC TRÍ:
     Là Trí Huệ có được nhờ công phu tu tập, ví như vàng 
đã được lọc luyện từ quặng đất sỏi, vàng không còn lẫn lộn 
với bất cứ chất gì khác; người tu hành đến khi hết vô minh 
phiền não, Trí Huệ hiện ra. 
   Tuy phân ra hai loại nhưng chỉ là một, cũng như một thứ 
vàng; sau khi tu đạt Hậu đắc trí tức Trí Huệ hiện, các thức 
được chuyển biến thành các trí như sau: 
1. Thành sở tác trí:
     Năm thức Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân trở thành trong sạch 
không còn một tí gì bợn nhơ của Năm trần là Sắc, Thanh, 
Hương, Vị, Xúc, nghĩa là không còn vẩn đục bởi phàm trần. 
Tâm hành giả: như hồ nước trong lặng không gợn sóng, 
lúc đó năm thức biến thành “Thành sở tác trí”; nghĩa là năm 
giác quan của chúng ta trở thành có năng lực thần diệu kỳ 
bí, chứ không còn là giác quan của kẻ phàm phu chỉ nhận 
biết một cách hạn hẹp mà thôi. 
2. Diệu quan sát trí:
     Thức thứ sáu, Ý thức là thức góp ý nhận biết cho 
Năm thức nêu trên, thức này làm việc suốt ngày đêm 
không ngưng nghỉ. Ban ngày suy nghĩ tưởng nhớ hết 
việc này qua chuyện khác, lo lắng buồn khổ, hân hoan 
sung sướng v.v…, ban đêm khi ngủ mộng mơ đủ cả. 
Khi tâm viên ý mã (tâm ý  như khỉ ngựa) ấy đã được 
cột lại một chỗ hết đường cựa quậy qua sự tu hành rồi, 
thức này chuyển thành “Diệu quan sát trí” có công năng 
quan sát thâm diệu cùng khắp. 
3. Bình đẳng tính trí:
     Thức thứ bảy Mạt Na là thức tự ý thức về chính mình, 
ô nhiễm cho rằng mình có một cái ta, Mạt Na phân biệt 
chủ thể khách thể tạo nên ý thức nhị nguyên chấp ngã (ta) 
nhân (người) chúng sanh (muôn loài). Năm giác quan cùng 
Ý thức báo cho Mạt Na thông tin từ bên ngoài, chính Mạt Na 
là kẻ đánh giá và ra lệnh cho sáu thức kia phản ứng hành động, 
đồng thời Mạt Na lại đưa tất cả các cảm giác (chủng tử) vào 
A Lại Da là Thức thứ tám. Khi tu hành phá vỡ tan tành chấp 
tướng ngã nhân của Mạt Na thì nó chuyển thành “Bình đẳng 
tánh trí”, nghiã là Trí Huệ này có năng lực nhận thức chân thật 
về tính bình đẳng vô ngã trong muôn pháp. 
4. Đại Viên cảnh trí: 
     Khi cảm giác của tất cả các hoạt động của Năm căn và 
Ý thức được Mạt Na đưa vào A Lại Đa, thức này có nhiệm 
vụ giữ gìn tất cả các tin tức ấy, gọi là chấp trì sinh mạng 
chủng tử. Khi tu hành đạt đến địa vị Vô lậu (không còn ô 
nhiễm), thức này chuyển thành “Đại Viên cảnh trí”, tức là 
thành cái Trí Huệ sáng suốt trong sạch như chiếc gương 
khổng lồ tròn đầy trong sạch soi chiếu cùng khắp, tương 
ưng cho chân tâm chân như Phật tánh. 
5). LÀM SAO CÓ TRÍ HUỆ?
(Còn tiếp)






 
TRÍ HUỆ
Toàn Không
(Tiếp theo) 
5). LÀM SAO CÓ TRÍ HUỆ? 
   Muốn có Trí Huệ, Đức Phật đã dạy tám vạn bốn nghìn 
pháp môn tu, người Phật tử có thể chọn bất cứ pháp môn 
nào thích hợp với mình để tu hành, đều có thể đạt được 
Trí Huệ tức là Giải thoát. Tuy nhiên, căn cứ Duy thức học, 
sau khi tu theo Duy thức, khi hành giả đạt Trí Huệ sẽ có 
Bốn trí nêu trên; ngoài ra, trước khi tu chúng ta cần tìm hiểu 
nghiên cứu cho tường tận, không còn một điều gì nghi ngờ 
khó hiểu. Rồi còn phải suy gẫm xem pháp môn tu có thích 
hợp với mình không, có những trở ngại gì cần phải vượt qua, 
nghiã là hành giả phải hiểu biết pháp môn mình sẽ tu. Sau 
khi đã hiểu rõ pháp môn tu, hành giả mới bắt đầu tu tức là thực 
hành; khi đã thực hành rồi, phải tinh tấn chuyên cần không 
ngưng nghỉ không gián đoạn, kiên cố thực hành sẽ có ngày đạt 
Trí Huệ, tức là Giải thoát. 
6). CÔNG NĂNG CỦA TRÍ HUỆ RA SAO?      
     Như trên đã nói, Tám thức chuyển thành Bốn trí, Bốn trí 
có công năng diệu dụng vô cùng rộng lớn, khó mà diễn tả hết 
được, nhưng có thể nêu ba công năng như sau: 
1. Khi Trí Huệ phát sinh thì phiền não hết, như ánh sáng phát 
ra thì bóng tối không còn nữa. 
2. Khi Trí Huệ khai mở chiếu soi sự vật, sẽ thấy rõ thực thể bản 
chất, thực tướng của vạn vật đều được phơi bày. 
3. Khi Trí Huệ bừng sáng thấy rõ tâm cảnh đều là Chân Không, 
nên thể nhập được Chân lý, tức là Giác ngộ vậy. 
7). TRƯỜNG HỢP THỂ HIỆN TRÍ HUỆ: 
     Trong bộ Tăng Nhất A Hàm, quyển 1, trang 312 viết: 
Một thời, Tôn giả Đại Ca Chiên Diên, đại đệ tử của Đức Phật 
Thích Ca, dẫn một số đông đảo Tỳ Kheo đi du hóa đến nước 
Bà Na. Khi Tôn giả đang ở bên một bờ hồ, có Trưởng lão Bà 
la môn tên Thượng Sắc dẫn một số đông đảo đệ tử đến gặp, 
Sau khi chào hỏi xong, vị Trưởng lão nói:
- Như Ca Chiên Diên đây nói là người tu hành, nhưng không 
hành đúng pháp luật của người tu, vì Tỳ Kheo trẻ tuổi mà không 
làm lễ các bậc trưởng thượng cao đức Bà la môn của chúng tôi. 
   Tôn giả Ca Chiên Diên trả lời:
- Các vị Bà la môn nên biết, Đức Phật Thích Ca thuyết hai địa vị, 
một là địa vị già cả, hai là địa vị trai tráng. 
   Bà la môn hỏi:
- Thế nào là địa vị già cả, thế nào là địa vị trai tráng? 
   Tôn giả đáp:
- Cho dù người tuổi sáu mươi, bảy mươi, tám mươi, mà không 
dừng được ái dục tham sân si, làm các việc ác, chấp chặt các 
việc ở đời; người này tuy có thể bảo là già, mà thực ra họ ở 
địa vị trai tráng. 
   Còn người tuổi độ hai mươi, ba mươi, bốn mười, năm mươi; 
người ấy chẳng tập quen dâm dục, sạch hết tham sân si, chẳng 
chấp việc đời, cũng chẳng làm các hạnh ác, đó là người trai tráng 
ở địa vị già cả. 
   Ba la môn lại hỏi:
- Trong đại chúng của ông có một Tỳ Kheo nào không hành ái 
dục, chẳng tạo hạnh ác chăng? 
   Tôn giả trả lời:
- Trong đại chúng của chúng tôi đây không có một Tỳ Kheo nào 
ái dục tập dục, không có một Tỳ Kheo nào làm hạnh ác cả; tất 
cả Tỳ Kheo đây, người nhỏ nhất cũng đã thấy dấu đạo, vì sao? 
Vì Tỳ kheo nhỏ nhất cũng đã đạt qủa vị Tu đà hoàn, một qủa vị 
trong bốn qủa vị của bậc phạm hạnh là Tu đà hoàn, Tư đà hàm, 
A na hàm, và A la hán. A la hán là bậc đã sạch hết các nhơ bẩn, 
có Trí Huệ đầy đủ, và đã thoát ra khỏi cảnh khổ sinh tử luân hồi. 
   Bà la môn nghe nói như vậy, liền đứng dậy vái và nói:
- Các ông tuổi trai tráng mà ở địa vị già cả, thật qúy hóa thay, 
còn tôi già cả mà còn ở địa vị niên thiếu, thật đáng trách; rồi Bà 
la môn nói tiếp:
- Xin cho con được quy y Ngài. 
   Tôn giả nói:
- Ông chớ quy y tôi, ông nên quy y nơi bậc mà tôi đã quy y. 
Ngài là bậc Chính Đẳng Chính Giác, là bậc Đại Trí Huệ, là Thầy 
của Trời và Người, là Như Lai, Phật. Ngài đã nhập Niết Bàn mất rồi! 
   Trong khi nói, Tôn giả quỳ hướng về nước Câu Thi nơi Đức Phật 
nhập diệt mà vái lạy, Bà la môn thấy Tôn giả lạy, nói như thế thì thưa:
-  Nếu Như Lai còn ở đời, con không quản ngại đường xa đến kính lễ, 
nay Như Lai đã Nhập Niết Bàn, con xin quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ Kheo. Xin Ngài chấp nhận cho, con sẽ học hỏi và tuân hành theo các lời Ngài dạy. . .
 (Còn tiếp)


__._,_.___

Posted by: Tien Do 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List