THIỀN ĐỊNH
Toàn Không
I).
THIỀN ĐỊNH LÀ GÌ?
Thiền phiên âm theo tiếng
Phạn là Thiền na, là tư duy, suy nghiệm, suy cứu đối tượng của Tâm thức; cũng là
tĩnh lự, dùng tâm vắng lặng để thẩm sát sự việc.
Định theo tiếng Phạn là
Tam muội, đồng nhất, chuyên nhất, tâm ý không tán loạn; nhờ định mà hành giả đạt
tới trạng thái sâu lắng của tâm thức trong việc chú ý đến tâm hoặc vật, khả năng
đạt định là một trong những điều kiện tiên quyết của tu tập thiền.
Thiền
định gồm có Chỉ và Quán:
1).
CHỈ (Xa ma tha):
Gọi là Thiền vắng lặng, là ngồi tĩnh lặng cho hết tư tưởng vọng niệm nổi lên để
được thanh tịnh, tức là dứt niệm quên trần để tâm vắng lặng.
2).
QUÁN (Tỳ bà xá na):
Còn gọi là Thiền Minh Sát, là ngồi tập trung tư tưởng vào một đối tượng, đề mục
nào đó, không cho tán loạn vọng tưởng, cho tâm được thanh tịnh để quán sát suy nghiệm
chân lý.
II).
MỤC ĐÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH:
Người
có ý chí quyết tâm tu thiền sẽ đưa đến đồng nhất giữa vũ trụ và bản thể chân
tâm, đó gọi là giác ngộ, giải thoát; Tiến sĩ tâm lý học, cũng là Thiền sư người
nước Anh tên David Fontana nói: “Thiền không có nghĩa là ngủ gục, để tâm
chìm lặng vào hôn mê, xa lià thế gian, vị kỉ chỉ nghĩ về mình, vào các vọng tưởng
điên đảo, quên mất mình đang ở đâu và làm gì; Thiền định là giữ tâm tỉnh táo,
chú tâm, tập trung đầu óc vào một đối tượng thuần nhất, biết mình là ai, và
đang ở đâu?”
Thiền
định có mục đích duy nhất là kinh nghiệm tỉnh giác, giác ngộ, giải thoát; Thiền
định dẫn hành giả đạt một tâm trạng tập trung lắng đọng như một hồ nước mà người
ta chỉ có thể nhìn tới đáy hồ khi nước trong vắt không còn một tí gợn sóng lay
đông; tâm trạng bình yên lắng đọng này có thể đạt được qua nhiều cách khác nhau
trong việc tập trung tâm trí vào một đối tượng.
Thiền
định còn có mục đích bao gồm tất cả các pháp: tu Chỉ như ngăn giữ không cho suy
nghĩ tưởng nhớ nổi lên; tu Quán, như quán Hơi Thở, quán Thân Không Sạch, quán Bốn
Niệm Xứ “thân, thọ, tâm, pháp”, quán Từ Bi, quán Năm Ấm “sắc, thọ, tưởng, hành,
thức”, quán Mười Hai Nhân Duyên “vô minh, hành, thức, danh sắc, sáu nhập, xúc,
thụ, ái, thủ, có, sinh, già chết” v.v…
III).
CÁC LOẠI THIỀN ĐỊNH:
Thiền
định là phần thứ năm trong Sáu Độ (Lục độ), người muốn cầu Thánh đạo phải tu
thiền, lià thiền không có đường nào khác; đến như người niệm Phật cầu sinh cõi
tịnh độ cũng phải tu các phép quán, mới có kết qủa, không thể chỉ có niệm Phật
mà cho là đủ được.
Các loại
thiền được chia ra:
1).
THIỀN NGOẠI ĐẠO:
Người chấp sai khác, ưa cõi trời, chán cõi trần mà thiền là thiền ngoại đạo.
2).
THIỀN PHÀM PHU:
Người tin nhân qủa, cũng ưa cõi trời, chán cõi người mà thiền là thiền phàm
phu. Thiền này có hai thứ:
A).
CĂN BẢN VỊ THIỀN: gồm:
1. Tứ thiền: Tu Thiền định đạt
bốn qủa vị Thánh, muốn đạt thiền này phải thoát ly buồn rầu khổ não.
2. Tứ vô lương
tâm: Tu Thiền quán “Từ Bi Hỉ Xả”
3. Tứ không: Người nhàm chán cảnh
sắc giới tu Tứ không là: Vô lượng Không, Vô lượng Thức, Vô sở hữu, Phi Hữu tưởng
Phi Vô tưởng.
Người
tu 12 phẩm nêu trên có cảm giác vui thích (lạc thọ) của thiền, nên gọi là Căn bản
vị thiền.
B).
CĂN BẢN TỊNH THIỀN: gồm
có:
1. Sáu diệu môn [Sổ tức (đếm hơi
thở), tùy tức (theo dõi hơi thở), chỉ, quán, hoàn (phản bản hoàn nguyên), tịnh
(bản tánh thanh tịnh)]: Người có huệ tánh nhiều thì tu sáu diệu môn.
2. Mười hai phẩm: Người có thể định
tĩnh nhiều thì tu mười hai phẩm nêu trên.
Căn bản
tịnh thiền để phát sinh trí vô lậu, nên muốn đạt vô lậu cần phải tu Thiền định.
3).
THIỀN XUẤT THẾ GIAN:
Người biết rõ lý ngã không mà thiền, cũng gọi là Căn bản thiền, như quán
chín lỗ của thân người không sạch, quán vô ngã, quán khổ v.v…Đối tượng của các
Thiền quán trên là lấy vật chất (pháp hữu vi) làm đối tượng suy nghiệm, nhưng
có thể đi đến kết qủa ly dục, phát sinh trí vô lậu (hết nhiễm ô).
4).
XUÁT THẾ GIAN THƯỢNG THIỀN:
Người ngộ được pháp ngã đều không, cũng gọi là Đại thừa thiền. Kinh Địa
Trì giải thích đại thiền này là: “Quán sát thật tướng của tâm, không cần đối
tượng ngoại cảnh. Thiền của chúng sinh có đại thiện căn tu hành khó tu, thâm diệu,
bao gồm tất cả các hạnh của Bồ Tát; nó có công năng tự hành hóa tha, đoạn trừ
phiền não đau khổ cho chúng sinh, và làm cho chúng sanh an lạc trong hiện tại
và tương lai”.
5). TỐI
THƯỢNG THỪA THIỀN:
Người ngộ tư tâm xưa nay vốn thanh tịnh, đầy đủ trí huệ vô lậu, tâm ấy tức là
Phật, y theo tâm ấy mà tham thiền, tức là trực chỉ nhân tâm kiến tánh
thành Phật là Tối thượng thừa Thiền. Cũng gọi là Chân như tam muội, Nhất hạnh
tam muội, niệm niệm tu tập lâu ngày tự nhiên được trăm nghìn Tam muội, môn đệ
chư Tổ truyền xuống là Thiền này.
IV).
TU THIỀN PHẢI NHƯ THẾ NÀO?
Có bốn
vấn đề cần phải tuân theo như sau:
1). VỀ
CÁC DUYÊN: Có
năm điều:
1. Giữ giới, nếu
phạm giới, dù nhẹ (khinh) hay nặng (trọng) cũng phải sám hối.
2. Biết đủ,
từ mặc tới ăn, và tất cả nhu cầu đều phải biết đủ, không mong cầu để tâm được
an tịnh.
3. Ở chỗ yên tịnh,
tránh nơi ồn ào, để tâm dễ thanh tịnh.
4. Dứt các sự ràng
buộc, không giao kết việc đời, không làm thợ giỏi, không làm thầy bói, thầy
tướng, thầy bùa phép v.v… để chuyên nhất Thiền định.
5. Gần gũi Thiện
tri thức để học hỏi Thiền định, cùng tu để nhắc nhở cảnh sách lẫn nhau.
2). VỀ
NĂM DỤC: Năm
dục thuộc Năm căn (Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) đắm nhiễm Năm trần (Sắc, thanh,
hương, vị, xúc) cần phải tránh là mắt đắm sắc đẹp, tai ưa nghe tiếng hay, mũi
thích ngửi mùi thơm, lưỡi cảm vị ngọt, thân xúc chạm khoái lạc đều phải xa lià.
Nếu say đắm Năm dục, sẽ bị loạn động tâm, không thể có tâm thanh tịnh, vì Năm dục
nếu cầu được càng hăng, như lửa thêm củi. Nên tất cả các loài chúng sinh đều bị
Năm dục này sai khiến và bị đọa đầy, Cổ nhân nói: “Năm dục là giặc cướp phá
hoại tài sản, là đạp phải rắn độc không thoát khỏi táng thân mất mạng, là lửa dữ
thiêu đốt cả gia tài và mạng sống, cần phải tránh xa”.
3). VỀ
TÂM Ý: Có
năm thứ:
(Còn tiếp)
THIỀN ĐỊNH
Toàn Không
(Tiếp theo)
3). VỀ
TÂM Ý: Có
năm thứ:
1- Bỏ dâm dục:
Trong khi ngồi thiền, ý khởi ham muốn nhục dục phải bỏ liền, không cho tiếp tục.
2- Bỏ sân giận:
Khi tọa thền, nếu tâm suy nghĩ qúa khứ rồi khởi sân hận oán thù, phải gấp xả bỏ
không cho tăng trưởng, phải quán từ bi nhẫn nhục cho tâm lắng xuống.
3- Bỏ dao động:
Khi tâm ý dao động ngồi không yên, khi dao động suy nghĩ tưởng nhớ đủ chuyện,
không thể nhiếp tâm vào định được.
4- Hối hận:
Khi đã chót hưởng Năm dục, hưởng tham dục, giận hờn, dao động rồi, khi ngồi thiền
mới hối việc trước đã làm, đâm ra lo buồn che đậy cả tâm tính, mũi tên hối hận
này đã cắm sâu vào tâm khó nhổ ra được; nên khi phạm các lỗi này, phải hối hận
sám hối, xong không còn phiền lo nữa, như thế tâm được yên ổn.
5- Bỏ nghi ngờ:
Nếu có lòng ngờ vực sẽ chướng ngại cho Thiền định, như:
- Nghi mình: Nghi mình ngu tối,
chướng sâu tuệ ít, khởi như thế, Thiền định không thể phát sinh; muốn tu, chớ
có khinh mình, vì căn lành nhiều đời đâu thể lường được.
- Nghi Thầy: Nghi thầy không đủ
tư cách dạy mình là khởi mạn làm chướng ngại Thiền định, dù thầy chưa hoàn toàn
thanh tịnh, nhưng vẫn tưởng như Phật mới được.
- Nghi pháp: Người đời khi mới
thụ giáo thường hay nghi giáo pháp, nên tự làm chướng ngại, tuy ở trong Phật
pháp mà không được gì cả, nên phải bỏ nghi mới dễ dàng nhập đạo.
4). VỀ PHÁT TÂM:
Người tu mới học thiền:
phải trước hết phát đại nguyện độ hết thảy chúng sinh, nguyện đem tất cả
phúc đức các đời trước và đời này để cầu thành Phật đạo vô thượng.
5). VỀ THỰC HÀNH:
Để việc thực hành
được kết qủa mỹ mãn, hành giả cần:
1- Có lòng mong muốn
ưa thích Pháp môn Thiền định.
2- Tinh tấn siêng
năng, nhất tâm hành trì trong việc tu Thiền định.
3- Nhớ những điều hữu
ích của Pháp môn Thiền định, tôn trọng qúy mến.
4- Phải chọn Pháp môn
Thiền cho đúng, thích hợp với hành giả.
V). THIỀN BỆNH VÀ
MA SỰ:
1). THIỀN BỆNH:
Thiền
bệnh là trong khi thiền, hành giả thấy “cảnh lạ”, chấp cảnh ấy là thực, rồi sợ
hãi hoặc thích thú với cảnh ấy, cần phải tỉnh táo, không để nó gây loạn hoặc dẫn
dắt. Trong khi tu thiền, có người chấp cảnh “không”, để tâm rơi vào hư vô, đây
cũng là bệnh, cần phải tỉnh táo chú tâm vào Thiền định. Có ba loại bệnh và cách
trị:
1- Báo chướng:
Mười tám giới gồm
Sáu căn, Sáu trần, và Sáu thức làm duyên khởi lên các cảnh trong tâm không dừng
nghỉ. Làm cho tâm tán loạn không kìm chế được, người tu phải quán “Sổ tức”: đếm
hơi thở ra vào để đối trị loạn tưởng. Nếu trong khi thiền bị buồn ngủ mờ mịt
hôn trầm, hành giả phải quán “Tùy tức”: theo dõi hơi thở vào ra ngắn biết hơi
thở vào ra ngắn, hơi thở vào ra dài biết hơi thở vào ra dài. Tâm theo hơi thở
như thế trị cả hôn trầm lẫn tán loạn. Nếu thân tâm bực bội không yên, tán
loạn lộn xộn, khi ấy hành giả phải áp dụng “Chỉ”: để tâm ngay đầu mũi hay chỗ rốn.
2- Phiền não
chướng:
Trong khi thiền nếu tham dục phiền não nổi lên, dùng quán “thân không sạch” (bất
tịnh). Quán từ chủng tử không sạch đến chỗ ở của bào thai không sạch; thân thể từ
trong ra ngoài đều không sạch, dơ bẩn, nhơ nhớp, thối tha. Nếu sân hận nổi lên,
quán “Từ bi hỉ xả” đối trị, nếu tà kiến ngu si phát sinh, quán “Mười hai nhân duyên”
để đối trị.
3- Nghiệp chướng:
Trong khi thiền, tâm tự nhiên mờ mịt, đó là nghiệp chướng hắc ám, hành giả phải
nhớ tưởng niệm Phật có trí sáng suốt thanh tịnh; nếu bỗng nhiên khởi ác hay thấy
ác cảnh hiện ra, đó là nghiệp chướng dữ từ qúa khứ hiện; hành giả phải niệm Phật
có công đức thường lạc và bản tánh không sinh chẳng diệt thường hằng, để đối trị
nghiệp chướng.
2). MA SỰ:
Ma tiếng Phạn là Ma la, người Tầu dịch là Sát, nó cướp của công đức và giết mạng
trí tuệ của người tu thiền; Sự là lấy công đức trí huệ độ thoát chúng sanh là Phật
sự. Phá hoại chúng sinh, khiến phải sinh tử luân hồi là Ma sự, có hai loại:
1- Ma phiền não, ma
chết:
Là những việc thông thường ở đời, tùy tâm người sinh ra, nên phải tự tâm chân chính
mà trừ bỏ nó.
2- Ma qủy thần:
Trong khi thiền, cảnh ma hiện ra đủ cả, từ những con vật dữ dằn đến những sinh
vật nhỏ bé để phá hoại, trêu chọc, làm náo loạn người thiền. Có khi là cảnh cha
mẹ đã khuất bóng, có khi là cảnh người nam nữ đẹp như mộng để làm cho tâm đắm nhiễm,
loạn động; đây là những cảnh ma, người thiền phải cho là không thật, là huyển,
không chấp, giữ tâm bình lặng, ma tự nhiên tiêu diệt mất. Nếu khởi tâm lo sợ cảnh
dữ dằn, hoặc yêu thương, vui mừng tham đắm cảnh đẹp, sẽ bị ma náo loạn, làm mất
Thiền định và sinh cuồng loạn tâm trí; nếu người nào thường hay gặp cảnh ma mỗi
khi thiền thì phải niệm: “Nam mô Tam Bảo Phật Pháp Tăng thường trụ khắp
mười phương”, hoặc đọc Công đức Bảo Sơn Thần Chú: “Nam mô Phật đà
gia, nam mô Đạt ma gia, nam mô Tăng già gia. Án, tất đế hộ rô rô, tất đô rô chỉ
rị ba, cát rị bà, tất đạt rị, bố rô rị sa phạ ha”.
VI). LỢI ÍCH CỦA
THIỀN ĐỊNH: Có
10 lợi ích:
01). AN TRỤ TRONG
UY NGHI:
Tu Thiền
định phải theo đúng phương pháp mà hành trì, trải qua thời gian lâu dài, Năm
căn được định tĩnh, chính định phát khởi sẽ được an tịnh trong pháp thức oai
nghi.
02). ĐẠT CẢNH GIỚI
TỪ BI:
Tu Thiền
định khởi tâm từ bi thương yêu chúng sinh, muốn cho muôn loài được an ổn.
03). DIỆT TRỪ PHIỀN
NÃO:
Nhờ
năng lực Thiền định mà các phiền não tham sân si không còn phát sinh.
04). SÁU CĂN YÊN ỔN:
Thiền
định giữ được Sáu căn không bi ngoại cảnh mê hoặc.
05). VUI VỂ AN LẠC:
Người
tu thấy Thiền định là món ăn qúy giá hơn tất cả các món ăn của thế gian.
06). XA LIÀ ÁI DỤC:
Khi
Thiền định tâm niệm ái dục lắng xuống không còn phát sinh làm ô nhiễm tâm nữa.
07). CHƯỚNG ĐƯỢC
CHÂN KHÔNG:
Thiền
định đưa tới chứng được Chân không, nhưng không rơi vào chỗ đoạn diêt hư vô, tức
là chứng được Chân không mà Diệu hữu.
08). GIẢI THOÁT:
Thiền
định cởi mở được hết những trói buộc xưa kia của tâm.
09). ĐẠT TRÍ HUỆ:
Khai
phát trí huệ vô biên, và an trú tâm trong cảnh giới của chư Phật.
10). GIẢI THOÁT TRI
KIẾN:
Đạt Giải
thoát rốt ráo, không còn Hữu lậu khổ mghiệp, thành Vô lậu giải thoát.
Tóm lại,
Năm căn được tự tại, phiền não được dứt trừ, Từ bi được thành lập, Trí huệ phát
chiếu, cảnh giới Giải thoát được phơi bày trước mắt. Thiền định có công năng
qúy báu, có diệu dụng phi thường, làm sao mà bỏ qua cho được? ., .
NGỒI THIỀN
VÀ QUÁN HƠI THỞ
Toàn Không
I). CHUẨN BỊ:
1). VỀ
THÂN:
Đối với
người mới tập thiền, không nên ngồi thiền trong lúc qúa no đói, có bệnh, thiếu
ngủ, khát nước, quần áo qúa chật, qúa nóng lạnh, qúa ồn ào, không có tọa cụ;
khi ngồi thiền, thân thể, quần áo phải sạch sẽ.
2). VỀ
TINH THẦN:
Để dễ tập trung vào việc thiền, người hành thiền phải dứt các lo lắng ràng buộc
với công việc, chấm dứt các tham muốn, không còn các sự lo lắng, giận hờn, ghen
tị v.v… nghĩa là muốn hành thiền mau tiến bộ phải tránh tham sân, phải bớt tiếp
xúc với sáu trần là sắc đẹp, thanh hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm dịu, pháp tưởng
nhớ. Cũng cần phải tin pháp môn hành trì, tin thiện tri thức, tin chính mình có
đủ khả năng, không một chút nghi ngờ về các điều nêu trên, gọi là có chính
tín.
3). VẬT DỤNG:
Tọa cụ để ngồi, có thể dùng môt cái chăn mền gấp làm tư, một cái gối bằng bông
dầy mỏng tùy ý. Nếu nền ngồi có thảm, chỉ cần một cái gối là đủ.
II). CÁCH
NGỒI:
Chăn mền: gấp làm tư trải xuống, để gối trên mền ngay ngắn, ngồi thế nào để
chân sẽ không đụng gối.
1). NGỒI
BÁN KẾT GIÀ:
Để chân
trái trên đùi phải hay chân phải trên đùi trái, bàn chân nằm ngửa bằng với đùi
(nếu không thể để trên đùi, để trên bắp chân). Chân kia nằm ngửa phiá dưới, bằng
đùi kia (hay giữa đùi và bắp chân).
2). NGỒI
KẾT GIÀ:
Cũng giống như ngồi bán kết già nêu trên, nhưng phải kéo bàn chân kia lên nằm
ngửa trên đùi và bằng đùi kia(cách ngồi này rất khó, chỉ dễ đối với người đã ngồi
quen rồi hoặc còn trẻ tuổi).
Người mới tập ngồi thường hay bị tê chân, qua thời gian hết tê thì đau mỏi, về
sau khi hết đau mỏi rồi, ngồi bao lâu cũng được; nới lỏng dây bụng, cổ áo, cho
rộng rãi thoải mái, sửa cho ngay ngắn.
1. Về tay:
Tay trái nằm ngửa để trên chân ở giữa hai đùi, tay phải cũng nằm ngửa để trên
tay trái (hay ngược lại), các ngón chồng lên nhau, trừ ngón cái vừa đụng nhau,
rồi hai bàn tay kéo sát vào người vừa phải thoải mái, không cho xê dịch.
2. Về lưng cổ:
Giữ cho xương sống và cổ ngay ngắn, không cong, không nghiêng vẹo.
3. Về đầu mặt:
Đầu hơi cúi một chút như thế nào để tầm mắt nhìn thẳng chạm đất xa khoảng 1 mét
5 (khoảng 5 feet) cách chỗ ngồi.
III). TRƯỚC
KHI THIỀN:
1). CÁCH
THỞ:
Tiếp theo dùng miệng thở hơi ra dài, đừng gấp cũng không nên mạnh qúa mà từ từ
nhẹ nhẹ, rồi dùng mũi hít vào cũng từ từ như khi thở ra. Khi thở ra hít vào tưởng
tượng như các mạch máu trong người đều theo hơi thở mà lưu thông cùng khắp;
cũng có thể tưởng tưởng khi thở ra tất cả những buồn phiền lo lắng và khí độc
trong người đều ra hết, và khi hít vào những khí trong lành đều lưu thông cùng
khắp cơ thể. Thở ra hít vào 3 lần hoặc nhiều hơn tùy ý. Khi thở xong, để hơi thở
tự nhiên, nhẹ nhàng, không nên cố thở, không nên kìm giữ hơi thở, không nên làm
cho bụng phồng xẹp phải theo ý mình.
2). MIỆNG
LƯỠI:
Xong ngậm miệng lại, hai môi khép kín vừa phải, hàm dưới trong, hàm trên ngoài,
răng để khít nhau, lưỡi để sát lên trần của hàm trên.
3). MẮT:
Mắt nhắm vừa đủ để che ánh sáng bên ngoài đối với ban ngày hoặc có đèn sáng,
không cần phải nhắm nghiền, trong khi thiền nhắm mắt dễ bị hôn trầm (mờ mịt buồn
ngủ), mở mắt to dễ bị tán loạn. Nếu thiền ban đêm hay trong phòng tối nên mở mắt
một nửa có lợi tránh được buồn ngủ.
Từ đây: giữ hơi thở điều hòa, không gấp không chậm, không gây thành tiếng, thân
ngồi ngay thẳng vững vàng, không cử động xê dịch, và bắt đầu hành thiền.
IV). THỰC
HÀNH THIỀN:
(Còn tiếp)
NGỒI THIỀN
VÀ QUÁN HƠI THỞ
Toàn Không
(Tiếp theo)
VI).
QUÁN HƠI THỞ:
Có 3 cách quán hơi thở:
1).
QUÁN SỔ TỨC:
Là quán đếm hơi thở. Quán hơi thở là căn bản để trị hôn trầm tán loạn. Tất cả
các pháp môn, trong khi thiền đều có thể xảy ra hôn trầm và tán loạn. Nên chúng
tôi viểt cách quán này vào đây, hy vọng nó không thừa, để giúp cho người mới tập
thiền có bước đầu tiên vững chắc. Quán Sổ Tức là đếm hơi thở, có ba cách đếm:
1. Đếm
hơi lẻ:
Là thở hơi vào đếm một, thở hơi ra đếm hai, thở hơi vào đếm ba, thở hơi ra đếm
bốn . . . cứ thế thở và đếm cho đến mười; rồi lại bắt đầu đếm từ một đến mười,
cứ thế đếm đi đếm lại từ một đến mười, trong nửa giờ, một giờ hay hai giờ tùy
ý.
2. Đếm
hơi chẵn:
Là thở vào rồi thở ra đếm một, thở vào rồi thở ra lần nữa đếm hai, cứ như thế
thở và đếm tuần tự tới mười; khi đếm đến mười rồi, tiếp tục đếm lại từ một cho
đến mười, như thế đếm cho tới khi xả quán.
3. Đếm
nghịch:
Là dùng một trong hai cách đếm trên, nhưng là đếm ngược từ mười đến một.
Nói thì dễ nhưng làm không dễ, thường hay đếm lẫn lộn, phải đếm lại. Các khuyết
điểm như:
- Đếm
nhảy, như mới đếm đến bốn liền nhảy lên sáu, mới đếm đến sáu liền nhảy
lên tám v.v...
- Đếm
thừa, như đã đếm đến sáu lại đếm năm, đã đếm đến bảy lại đếm bảy nữa
v.v...
- Đếm
quên: Đang đếm bỗng quên không nhớ là đếm đến mấy rồi!
Trường hợp Tôn giả Chu Lợi Bàn Đặc Ca đần độn tụng một bài kệ bốn câu trong
ba tháng mà không thuộc, lúc quên đầu, lúc sai đuôi; Phật thấy thế ban cho cách
“đếm hơi thở vào ra”, Tôn giả bèn cứ thế mà thực hành không hề ngưng nghỉ,
chỉ chú tâm đếm theo hơi thở, ngoài hơi thở ra không suy nghĩ tưởng nhớ sự vật
gì khác, cho đến vi tế tột cùng, Tôn giả thấy hết thảy đều sinh (sinh ra), trụ
(có thấy đó), dị (biến hoại), diệt (mất đi) từng mỗi sát na, và đạt đến tâm định
tĩnh rỗng rang tự tại vô ngại; Tôn giả Chu Lợi Bàn Đặc Ca đã được Phật ấn chứng
là bậc A La Hán (Bậc Thánh).
2).
QUÁN TÙY TỨC:
Tôn giả Tôn Đà La Nan Đà mỗi khi ngồi thiền tâm thường loạn động,
Đức Phật thấy thế dạy quán “tướng trắng trên chót mũi”, chuyên chú tập
trung tất cả vào đó. Tôn giả quán sát kỹ trên đầu mũi như thế, sau 21 ngày Tôn
giả thấy hơi trong mũi thở ra vào như khói, thân tâm thế giới trong ngoài rỗng
suốt trong sạch như ngọc lưu ly. Rồi dần dần tướng khói tiêu mất, mà hơi thở lại
biến thành sắc trắng, tâm được khai ngộ, các lậu hoặc phiền não khai trừ sạch,
hơi thở ra vào biến thành quang minh soi khắp cùng mười phương thế giới; Tôn giả
đã được Đức Phật ấn chứng là bậc A La Hán, và thọ ký cho Tôn giả sẽ đắc qủa Bồ
đề (thành Phật) trong tương lai.
3).
QUÁN AN BA BAN NA:
Tôn giả La Vân là con ruột của Đức Phật thường lo buồn, hay suy nghĩ tưởng nhớ
đủ thứ chuyện được Đức Phật chỉ cho cách tu “An Ba Ban Na” một cách đầy đủ.
Sau khi ghi nhận lời dạy một cách chu đáo, Tôn giả La Vân liền đến gốc cây ngồi
kết già, chính thân chính ý, không nghĩ tưởng chuyện khác, buộc tâm ở chót đầu
mũi. Tôn giả thở vào dài biết thở vào dài, thở ra dài biết thở ra dài; thở vào
ngắn biết thở vào ngắn, thở ra ngắn biết thở ra ngắn; thở vào mát cũng biết thở
vào mát, thở ra mát cũng biết thở ra mát; thở vào ấm cũng biết thở vào ấm, thở
ra ấm cũng biết thở ra ấm. Quán khắp thân thể: hơi thở vào ra thảy đều biết cả;
lúc có thở biết có thở, lúc không thở biết không thở; hơi thở từ ngoài vào biết
hơi thở từ ngoài vào, hơi thở từ trong ra biết hơi thở từ trong ra.
Tôn giả La Vân tư duy như thế, dục tâm liền được giải thoát, có giác có quán,
hoan hỉ an lạc đạt Sơ thiền. Có giác có quán hỉ, chuyên chú nhất tâm, nhập tam
muội không giác không quán, hỉ lạc đạt Nhị thiền; không còn niệm hỉ lạc, tự giữ
giác tri thân lạc, xả niệm hỉ đạt Tam thiền; khổ vui đã diệt hết sầu lo, không
khổ không vui, xả niệm thanh tịnh đạt Tứ thiền. Do tam muội này, tâm thanh tịnh
sáng suốt, biết từ đâu sinh ra, biết vô số kiếp về trước của mình, biết chỗ khởi
tâm suy nghĩ của chúng sanh, biết nhân qủa lành dữ của hết thảy chúng sanh. Do
tam muội này, thấy biết như thật về khổ, nguyên nhân gây ra khổ, cách diệt khổ,
và con đường dẫn đến Đạo. Do tam muội này, tâm dục lậu đã sạch, liền được giải thoát,
sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, biết rõ không còn tái sinh,
đã ra ngoài vòng luân hồi sinh tử của sáu cõi.
Lúc ấy, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: “Tỳ Kheo La Vân là người trì cấm giới thứ
nhất, cũng là người thứ nhất sạch hết hữu lậu trong các vị đắc A La Hán”.
ĐỨC PHẬT DẠY:
Người vững vàng tinh tấn, người kiên trì hành thiền, vượt được mọi ràng buộc,
thành tựu Niết Bàn tối thượng
__._,_.___
__._,_.___
No comments:
Post a Comment