Popular Posts

Sunday, May 3, 2020

THẾ NÀO LÀ MỘT PHẬT TỬ?

THẾ NÀO
LÀ MỘT PHẬT TỬ?
Toàn Không
    Phật tử là con Phật, người Phật tử tôn kính Đức Phật làm đạo Sư của mình. Có hai loại Phật tử: Phật tử xuất gia và Phật tử tại gia. Phật tử xuất gia xa rời gia đình, sống không gia đình, ở trong chùa am, tịnh thất v.v… Phật tử xuất gia được thể hiện bề ngoài là cạo râu tóc, mặc quần áo của người tu để học hỏi Phật pháp, tu hành và dẫn dắt chúng sinh trên đường học hỏi và tìm kiếm chân lý. Phật tử tại gia là: những người sống tại nhà, công nhận Phật giáo là Tôn giáo của mình; trong bài này chúng ta chỉ bàn về loại Phật tử tại gia, và người như thế nào được gọi là một Phật tử tại gia?
     Tuy nói là Phật tử tại gia, nhưng nếu phân tích ra, chúng ta thấy có nhiều loại: Có người cả đời chẳng bao giờ tới chùa, có người chỉ tới chùa khi có lễ Cầu Siêu cho bạn thân hay bà con chết. Có người lâu lắm mới tới chùa một lần, có người chỉ tới chùa trong các dịp lễ lớn như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan. Lại có người tới chùa hàng tháng hoặc hàng tuần v.v...
     Đạo Phật không câu chấp về sự có mặt tại chùa của người Phật tử tại gia, Đạo Phật thể hiện sự tự do bằng hai chữ “tùy tâm”, tùy hoàn cảnh, tùy duyên của mỗi người, không có sự gò bó bắt buộc; người Phật tử có quyền đến chùa mà mình ưa, nghĩa là có thể tùy hỉ tới bất cứ chùa nào không kể xa gần. Đứng về phương diện tổ chức, chúng ta thấy Phật giáo qúa lỏng lẻo, ai tới chùa nhiều thì tốt, còn ai không tới chùa cũng được, không có chuyện nhắc nhở bằng cách này hay cách khác v.v…
     Cũng vì những lẽ đó, mà trình độ hiểu biết giáo lý về Phật giáo của người Phật tử rất thiếu sót và không đồng đều, không thể nào so sánh sự hiểu biết của người Phật tử nói chung về triết thuyết Phật giáo với sự hiểu biết của tín đồ Tôn giáo khác về giáo điều Tôn giáo của họ được. Nghĩa là người Phật tử không hiểu biết nhiều về Tôn giáo của mình trong khi tín đồ Tôn giáo khác họ hiểu giáo điều Tôn giáo của họ rất tường tận; tuy nhiên, cũng có một số Phật tử nghiên cứu thâm sâu giáo thuyết Phật giáo của mình chứ chẳng phải tất cả mọi Phật tử đều có trình độ yếu kém về Phật pháp.
     Sở dĩ các Tôn giáo khác họ đào tạo được tín đồ của họ là vì tổ chức chặt chẽ, hàng tuần đều phải có mặt tại cơ sở Tôn giáo của họ; nếu người nào quên, được nhắc nhở bằng nhiều cách khác nhau, nhất là các thế hệ trẻ lại càng được để ý chăm sóc kỹ lưỡng.
     Về Kinh sách, các đạo khác thường chỉ có một hai quyển Kinh chính và một số sách giải thích Kinh nên tương đối không phức tạp, người học dễ ghi nhớ; trong khi Phật giáo có 12 bộ Kinh, Luật, Luận và biết bao nhiêu sách, lại cao siêu khó hiểu, nhất là phần lớn các Kinh được dịch từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ. Lại chữ quốc ngữ, nhiều khi không có những từ ngữ tương tự thích hợp, không có đủ chữ để diễn tả ý Kinh nên dịch giả phải dùng chữ Hán Việt; người Phật tử phần lớn không được học chữ Nho, Hán tự, khi đọc Kinh sách gặp các chữ ấy không hiểu, lúng túng, phát nhức đầu, chán nản, nhiều người bỏ luôn không đọc nữa.
     Tại các chùa, thường ban đầu chùa nào cũng có thuyết giảng giáo lý mỗi tuần, mới đầu cũng có nhiều người tới nghe; nhưng vì bận công ăn việc làm nên khi đến khi không, thành ra sự hiểu biết chỉ lõm bõm một vài vấn đề. Sau một thời gian, số Phật tử đến nghe giảng càng ngày càng thưa dần, nên cuối cùng ngưng luôn, chỉ còn có thuyết giảng trong các dịp có đại lễ mà thôi, nên kết qủa chẳng được là bao.
     Như trên đã nói, Kinh sách của Phật giáo rất nhiều so với các Tôn giáo khác, người nghiên cứu nhiều hết lời ca ngợi, ngay cả những người không theo đạo Phật nhưng có nghiên cứu tìm hiểu Kinh sách của đạo Phật một cách khách quan đều khen ngợi đạo Phật là đạo trí tuệ. Như một số các nhà trí thức, khoa học, Bác học Tây phương đã từng ca tụng đạo Phật mà ai cũng đã biết; vậy mà nhiều người Phật tử chỉ hiểu Tôn giáo của mình một cách đại khái, có khi nói những điều ngược lại đường lối của đạo Phật mà chẳng biết chẳng hay.
     Chúng ta thấy rõ ràng rằng một số người Phật tử không hiểu nhiều về đạo của mình, nên cần tự chấn chỉnh bằng cách tìm đọc Kinh sách; hoặc năng tới chùa, xin được nghe giảng giáo lý để trám cái lỗ trống thiếu hiểu biết Giáo lý của Phật từ bao lâu nay.
     Đến đây, chúng ta thử phân tích thế nào mới là một Phật tử, đúng ra, chỉ gọi là Phật tử khi nào đã quy y Tam Bảo. Vậy những ai từ hồi còn nhỏ đến giờ chưa hề quy y, mà tưởng rằng không cần quy y vẫn đương nhiên là Phật tử, nên đến một chùa nào mà mình thấy rằng vị Thầy ở chùa ấy có đầy đủ đức hạnh để xin quy y Tam Bảo; chúng ta phân tích xem thế nào là quy y Tam Bảo?
I). QUY Y TAM BẢO
    Thế giới này, con người sống trong dục vọng mê mờ, nước mắt con người trong khổ đau nhiều hơn nước biển cả; chúng ta muốn thoát khỏi chỗ bùn nhơ, nhưng chúng ta không thể tự thấy được con đường sáng sủa để thoát khỏi; vậy ai là người có đủ phương pháp thần diệu và lòng vị tha để chỉ đường cho chúng ta đi? Đấng cao cả từ bi có đầy đủ năng lực ấy là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chỉ có giáo pháp của Ngài mới cứu được con người ra khỏi vô thường đau khổ mà thôi; vậy còn ngần ngại gì mà chẳng chịu quy y Tam Bảo?
1). QUY Y LÀ GÌ?
     Quy có nghĩa là trở về, y có nghĩa là nương tựa, được che chở, ví như người con bỏ nhà đi hoang, bây giờ trở về nương tựa cha mẹ để được che chở, quy y là trở về nương tựa, còn có nghĩa là phục tùng kính vâng.
2). TAM BẢO LÀ GÌ?
     Tam Bảo là ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng, vàng bạc châu báu dù qúy giá cũng không thể cứu con người khỏi khổ của sống già bệnh chết; còn Phật Pháp Tăng có đủ năng lực dẫn dắt con người ra khỏi sinh tử luân hồi, bởi vậy mới nói Phật Pháp Tăng là Tam Bảo, ba ngôi qúy báu là vậy.
1. PHẬT LÀ GÌ? Phật do chữ Phạn “Buddha” phiên âm ra, có người gọi là Bụt, là Giác giả, nghĩa là bậc sáng suốt hoàn toàn giác ngộ. Phật là người thấu suốt tất cả hai phần “Tính” (Tánh, thể tánh) và “Tướng”(dung mạo, hình dạng) của hết thảy vạn vật trong vũ trụ.
2. PHÁP LÀ GÌ? Do chữ Phạn “Darma” dịch ra, là phương pháp đối xử, cách tu hành mà Đức Phật đã nói ra để diệt trừ mê muội, khổ đau, và chứng qủa giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Ba tạng Kinh điển “Luật, Kinh, Luận” của Phật giáo gọi chung là Pháp.
3. TĂNG LÀ GÌ? - Tăng hay Tăng già do chữ Phạn “Sanga” phiên âm ra, là hòa hợp chúng, một đoàn thể tu hành từ bốn người trở lên sống chung hòa thuận cùng giữ giới luật của Phật để tu hành và hướng dẫn chúng sinh trên đường học đạo.
3). TẠI SAO LẠI QUY Y?
(Còn tiếp)


THẾ NÀO
LÀ MỘT PHẬT TỬ?
Toàn Không
(Tiếp theo)
3). TẠI SAO LẠI QUY Y?
1. TẠI SAO QUY Y PHẬT?
     Đức Phật là đấng hoàn toàn sáng suốt, hiểu biết hết thảy vạn vật vũ trụ, từ bi vô lượng, phước huệ vô biên, đức hạnh viên mãn. Ngài đã giác ngộ hoàn toàn, có kinh nghiệm bản thân giải thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, nên Ngài là vị dẫn đường đúng nhất vĩ đại nhất, trên thế gian này không có người nào hơn Ngài. Do đó chúng ta quy y Phật. Quy y Phật có nghĩa là quy y Phật ba đời (qúa khứ, hiện tại, và tương lai), song lấy một vị Phật đã xuất thế để chứng minh.
2. TẠI SAO QUY Y PHÁP?
     Chỉ có phương pháp của Đức Phật nói ra từ sự thấy biết và kinh nghiệm của bản thân mới thật sự chân thật, thật sự đầy đủ công năng đưa con người ra khỏi bể khổ, trầm luân, đến bờ giải thoát cũng như Ngài vậy. Giáo pháp của Ngài chân thật bất hư, có một không hai trên thế gian này, nếu ai thực hành theo đúng đều được kết qủa mỹ mãn, và đã có biết bao người đã tới đích sau khi áp dụng thực hành theo giáo pháp của Ngài. Đó là bằng chứng hùng hồn đích thực cho người Phật tử chúng ta suy gẫm, và đó là lý do tại sao chúng ta quy y Pháp.
3. TẠI SAO QUY Y TĂNG?
     Tăng là người hy sinh gia đình tiền của danh vọng thế gian để học hỏi giáo lý của Phật và tu hành. Tăng cũng là những người tình nguyện thay Phật để hướng dẫn chúng sinh về giáo lý và thực hành những điều lợi ích trên bước đường tìm chân lý giải thoát. Đó là lý do tại sao chúng ta quy y Tăng.
4). TAM BẢO GỒM NHỮNG GÌ?
    Tam Bảo gồm có ba bậc:
A). ĐỒNG THỂ TAM BẢO:
1. Đồng thể Phật bảo: Tất cả chúng sinh cùng có thể tính sáng suốt như Chư Phật.
2. Đồng thể Pháp bảo: Tất cả chúng sinh cùng có đức tính bình đẳng từ bi như Chư Phật.
3. Đồng thể Tăng bảo:  Tất cả chúng sinh cùng có thể tánh thanh tịnh như Chư Phật.
B). XUẤT THẾ TAM BẢO:
1. Xuất thế Phật bảo: Các Đức Phật mười phương đều ra khỏi sự ràng buộc của thế gian và đều tự tại vô ngại.
2. Xuất thế Pháp bảo: Tất cả chính Pháp của Phật đều đưa chúng sanh thoát khỏi ràng buộc của thế gian.
3. Xuất thế Tăng bảo: Tất cả các vị Thánh Tăng (đã đạt đạo) đều đã ra ngoài ràng buộc của thế gian và đều tự tại vô ngại.
C). THẾ GIAN TRỤ TRÌ TAM BẢO:
1. Thế gian trụ trì Phật bảo: Là hình ảnh, tượng, xá lợi của Phật.
2. Thế gian trụ trì Pháp bảo: Là các Kinh, Luật, Luận của Phật.
3. Thế gian trụ trì Tăng bảo: Là hàng Tăng Ni tu hành chân chính, nghiêm trì giới luật đầy đủ.
5). CÓ MẤY LOẠI QUY Y?
    Quy y được chia làm hai loại:
A). QUY Y BÊN NGOÀI: Cũng gọi là Sự (sự việc làm), Quy y rồi về bề ngoài phải làm những gì?
1. Đối với Phật: Cung kính Phật là người đã vì chúng sinh mà giảng giải giáo lý trong suốt cuộc đời của Ngài. Lễ bái Phật với tâm tôn kính, nguyện noi theo bước chân của Ngài trên bước đường giải thoát.
2. Đối với Pháp: Nguyện học đọc tụng giáo lý cao siêu của Phật và áp dụng triệt để.
3. Đối với Tăng: Thực hành quy y Tăng Ni, vâng nghe những lời chỉ bảo chân chính, hễ thấy người tu hành chân chính thì kính nể qúy trọng, xem như vị đó là đại diện của Phật.
B). QUY Y BÊN TRONG: Cũng gọi là Lý (nghĩa lý), nếu chỉ quy y bên ngoài (Sự) mà quên không quy y bên trong (Lý), chúng ta chưa thực hành đúng với nghĩa Tam Quy. Bên trong chúng ta cũng có đủ Tam Bảo, chúng ta cần thực hành Tam Tự Quy Y: Tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tăng. Nói vậy, chứ chúng ta không nên kiêu ngạo ngã mạn về cái bản ngã đầy đủ các đức tính của mình.
1. Tự quy y Phật: Là quay về với bản tính chân như đầy đủ công đức, trở về với Phật tính tràn đầy trí tuệ sáng suốt của mình; quy y Pháp thân (Phật tính) chứ không quy y sắc thân (thân mình), tuy nhiên sắc thân là chỗ nương tựa của Pháp thân. Phật dạy mỗi người đều có Phật tính, vì mê muội nên bị vọng tưởng che lấp, nhưng Phật tính vẫn còn đó chứ không bao giờ mất, khi hết vô minh, Phật tính hiện ra.
2. Tự quy y Pháp: Là quy y cái vô dục, vâng làm theo Pháp tính quang minh chính đại của mình như trì giới nhẫn nhục, từ bi hỷ xả, bình đẳng trí tuệ v.v…, là tự quy y Pháp.
3. Tự quy y Tăng: Hướng về công đức qủa vi Thánh, tánh thanh tịnh của mình xưa nay vẫn có, cũng như Tăng già hiện thân thanh tịnh hòa hợp bên ngoài, có hòa hợp mới thanh tịnh được, nên tự quy y  hòa hợp thanh tịnh là vậy.
6). NGHI THỨC QUY Y:
     Phải được thực hiện do một vị Tăng tại chùa, chư Tăng hướng dẫn, trong đó trước tiên phải sửa soạn bằng cách tắm rửa thơm tho, quần áo sạch sẽ cho thân thể bên ngoài, không tham sân buồn phiền bên trong. Khi quy y, mỗi người được vị Tăng ban cho một tên hiệu gọi là “Pháp danh”, phần chính của quy y là phát nguyện như sau:
- Đệ tử suốt đời quy y Phật,
- Đệ tử suốt đời quy y Pháp,
- Đệ tử suốt đời quy y Tăng.
      Sau khi phát nguyện, người Phật tử đã gieo hạt giống Bồ Đề và sẽ thoát khỏi ba cảnh Địa Ngục, Ngạ Qủy (ma qủy), Súc Sinh, vì thế người quy y nói:
- Đệ tử quy y Phật rồi khỏi đọa Địa Ngục.
- Đệ tử quy y Pháp rồi khỏi đọa Ngạ Qủy.
- Đệ tử quy y Tăng rồi khỏi đọa Súc Sinh.
     Sau chót, người quy y tự nguyện nói:
- Đệ tử quy y Phật rồi, nguyện trọn đời không quy y Trời, Thần, Qủy, Vật.
- Đệ tử quy y Pháp rồi, nguyện trọn đời không quy y ngoại đạo tà giáo.
- Đệ tử quy y Tăng rồi, nguyện trọn đời không quy y ác nhân ác đảng.
7). LỢI ÍCH CỦA QUY Y:
    Có hai lợi ích của việc quy y:
1. KHÔNG ĐI LẠC ĐƯỜNG:
Mọi người đều ngụp lặn trong biển khổ sinh tử triền miên, nếu không có sự hướng dẫn sáng suốt, chúng ta còn quay cuồng mãi mãi trong luân hồi không có ngày ra khỏi. Cái ánh sáng ấy là Đức Phật, phương tiện là Pháp (Kinh sách), và người hướng dẫn là chư Tăng. Có những sự qúy báu như thế mà chúng ta không chịu nắm lấy, chẳng khác người sắp chết đuối thấy cái bè trôi qua lại không chịu bám vào.
2. DỄ GIỮ LỜI HỨA:
     Có người nói:”Kính Phật trọng Pháp tin Tăng là đủ, cần gì phải Quy Y nữa?”; sự thực, về phương diện tâm lý, một lời nguyện trước sự chứng tri của Phật, Tăng, trong khung cảnh Quy Y làm cho người quy y khó mà quên được vậy, nên cần phải quy y.
     Quy y còn đi đôi với Ngũ Giới, gọi là Tam Quy Ngũ Giới. Nếu một Phật tử đã Quy Y rồi mà không biết Ngũ Giới thì thiếu sót, và chưa thật sự là người Phật tử; nói đúng hơn, cũng như một người đã bước chân vào cổng chùa, nhưng đứng đó không tiến bước vào chùa, chúng ta sẽ phân tích xem thế nào là Ngũ Giới.
II). NGŨ GIỚI.
 (Còn tiếp)

  
THẾ NÀO
LÀ MỘT PHẬT TỬ?
Toàn Không
(Tiếp theo)
II). NGŨ GIỚI.
     Ngũ Giới là năm giới, năm điều ngăn cấm, phải giữ của người Phật tử tại gia; sở dĩ Đức Phật đặt ra năm giới, vì Ngài mong muốn cho người Phật tử tại gia hưởng được qủa báo tốt đẹp. Người Phật tử không thể chỉ thọ Tam Quy mà không trì Ngũ Giới, người quy y là đã bước một nấc thang đầu tiên, nếu không giữ giới có nghĩa là dừng lại tại đó, không tiến bước tới nữa. Năm giới này để được tái sinh lại cõi người, để tiến bước trên đường giải thoát, và còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, xã hội.
     Người Phật tử tại gia đã quy y, giữ từ một tới năm giới sau đây:
1- Không sát sinh, 2- Không trộm cướp, 3- Không tà dâm, 4- Không nói dối, 5- Không uống rượu.
     Đức Phật không bắt buộc người Phật tử phải tuân theo triệt để, cũng không hăm dọa nếu không tuân theo phải bị chịu hình phạt, có giữ giới hay không là tùy thuộc mỗi người tự liệu lấy; Đạo Phật khác với các Tôn Giáo khác một phần là ở điểm này. Năm giới là năm thành trì ngăn chặn cho chúng ta đừng đi vào đường ác, là năm hàng rào cản cho chúng ta khỏi rơi vào vực sâu tội lỗi.
    Để hiểu rõ tường tận: chúng ta lần lượt phân tích từng giới một.
1). KHÔNG SÁT SINH:
     Không sát sinh bao gồm không giết hại từ con người đến súc vật lớn như voi, ngựa, trâu, bò v.v…, cho đến các loài nhỏ bé như côn trùng, sâu bọ, kiến v.v… Không những không giết hại mà còn không làm tổn thương đau đớn con người và các loài, người Phật tử cũng không bảo người khác, bày mưu kế cho người khác làm các việc hành hạ, giết hại chúng sinh các loài; khi thấy người khác đánh đập, sát hại con người và súc vật, sinh lòng thương xót và khuyên can ngăn cản.
     Sự giữ giới không sát sinh nhằm mục đích bảo vệ công bằng, mọi chúng sinh đều muốn sống sợ chết, mọi chúng sinh đều có Phật tính như nhau. Giữ giới sát sinh là nuôi dưỡng lòng từ bi, người có lòng nhân không nỡ sát hại người hay vật. Giữ giới sát sinh tránh được nhân qủa báo ứng, vì nợ máu sẽ phải trả bằng máu không ở kiếp này thì ở kiếp sau, như vậy nghiệp oán xoay vần không có ngày chấm dứt.
     Từ trước đến nay, loài người đã giết hại rất nhiều bằng đủ thứ phương tiện như làm lưới, câu v.v… bắt cá dưới nước; làm bẫy, cung tên, súng đạn giết loài cầm thú trên không, dưới đất, và nhất là dùng đủ thứ mưu mẹo để giết hại con người.
LỢI ÍCH CỦA KHÔNG SÁT SINH:
-        Bố thí đức không sợ hãi đối với mọi chúng sinh.
-        Khởi tâm từ bi đối với chúng sinh.
-        Dứt được tính nóng nảy giận dữ, oán kết tự trừ.
-        Thân thường ít bệnh tật, lại được sống lâu dài.
-        Thường được hàng Quỷ Thần bí mật bảo vệ.
-        Khi ngủ thường không có ác mộng.
-        Không đọa đường ác vì tránh được nghiệp dữ.
     Người giữ giới sát sinh luôn luôn có tâm an ổn, nét mặt hiền hòa. Nếu mọi người trên thế giới đều không sát sinh, thế giới không còn chiến tranh giết hại nữa.
2). KHÔNG TRỘM CƯỚP:
    Không trộm cướp có nghĩa là không cho không lấy, từ nhà cửa, ruộng vườn, của cải, tiền bạc cho đến các vật tư hữu nhỏ bé. Cũng gọi là trộm cướp, khi lấy của tư hay của công, của công ty hay của nhà nước; khi cưỡng ép người ta bằng vũ lực hay quyền hành; khi dùng những thủ đoạn lừa gạt, mưu mẹo v.v… để đoạt chiếm sở hữu, tiền bạc như quịt nợ, giật hụi, đầu cơ tích trữ, cân non đong thiếu, trốn khai lậu thuế, v.v… cũng như trộm cướp không khác. Tóm lại tất cả các việc gian tham, lấy của bất chính đều là trộm cướp, người Phật tử không được bày mưu kế cho người khác trộm cướp; khi thấy người khác làm các việc trộm cướp, phải khuyên bảo can gián.
     Giữ giới không trộm cướp là: giữ được sự công bằng bình đẳng giữa người với người, mỗi người đều có quyền sở hữu riêng tư, xã hội không công bằng khó tồn tại lâu dài được. Không trộm cướp còn thể hiện lòng từ bi, vì một người phải cực khổ để làm ra tiền nuôi thân, gia đình, và dành dụm phòng khi đau yếu hoặc tuổi già; nếu bị mất sẽ đau khổ vô cùng, tuyệt vọng có khi đi đến tự tử.
    Chúng ta nhiều khi cũng buồn khổ vì mất của, xét người khác cũng vậy; chúng ta không muốn ai trộm cướp của mình, không nên trộm cướp của người, đó là lẽ công bằng; người trộm cướp, cho dù có thoát khỏi lưới pháp luật, nhưng lương tâm lúc nào cũng lo sợ, và nhân qủa nghiệp báo ở kiếp sau không thể tránh khỏi.
LỢI ÍCH CỦA KHÔNG TRỘM CƯỚP:
   Có những lợi ích:
- Tiền của có hoài, giặc, nước, lửa và con phá không làm tan mất hết được.
- Nhiều người yêu mến, khen ngợi, tiếng lành đồn xa.
- Không bị lừa gạt, không lo tổn hại, ở chỗ đông người không sợ.
- Thường sẵn lòng bố thí, khi qua đời được sinh lên cõi trời.
- Người không gian tham, đời này sống yên ổn, đi đâu cũng có người tin cậy, nếu sinh làm người, được phúc báo giàu sang.
   Về xã hội: nếu mọi người đều không gian tham trộm cướp, nhà không cần đóng cửa then cài nữa.
3). KHÔNG TÀ DÂM:
    Không tà dâm là không dụ dỗ hay dùng thủ đoạn để cướp vợ người khác, không ép buộc người khác phải thỏa mãn tình dục với mình, không hãm hiếp đàn bà, con gái. Người Phật tử không được xui bảo, bày mưu cho người khác làm việc tà dâm, cũng không vui, mà còn phải khuyên can, lên án khi thấy người làm điều tà dâm; mặc dù Phật chỉ cấm tà dâm, nhưng giữa vợ chồng cũng phải giữ lẽ, điều độ, biết tiết dục, để cho thân được khỏe, tâm được trong sạch nhẹ nhàng.
 LỢI ÍCH CỦA KHÔNG TÀ DÂM:
    Giữ giới không tà dâm có lợi ích:
-        Mọi căn điều hòa, sức khỏe thuận lợi.
-        Xa lià mọi phiền toái, bậc trí khen ngợi.
-        Vợ chồng con cái không ai xâm phạm.
     Không tà dâm để bảo vệ sự công bình, bảo vệ hạnh phúc cho gia đình mình và gia đình người; không tà dâm còn tránh được oán thù và qủa báo xấu, vì không có sự oán thù nào mãnh liệt cho bằng sự oán thù do lừa dối tình hay phụ tình gây ra.
     Nếu mọi người đều giữ giới không tà dâm, gia đình được đầm ấm, xã hội có luân thường đạo lý, không có những sự thù hằn chết chóc vì tà dâm nữa; người tu phải trừ cả dâm dục trong tư tưởng mới mong chứng qủa được.
4). KHÔNG NÓI DỐI:
(Còn tiếp)
THẾ NÀO
LÀ MỘT PHẬT TỬ?
Toàn Không
(Tiếp theo) 
4). KHÔNG NÓI DỐI:
    Nói dối là nói láo, nói không đúng sự thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có làm cho người nghe hành động sai vô cùng tai hại.  Không nói dối còn bao gồm cả ba điều khác của miệng là không nói lời hai lưỡi, đòn càn (xóc) hai đầu, làm cho hai người khác ghét nhau, thù nhau. Kế tiếp là không được nói lời thêu dệt, thêm bớt, có ít xít ra nhiều, nói châm chọc, nói bóng bẩy làm cho người nghe buồn phiền; còn không được nói lời độc ác, thô tục, cộc cằn như nguyền rủạ chửi mắng thậm tệ làm cho người nghe sợ hãi đau khổ; người Phật tử không được xui bảo người khác nói các điều như trên, và khi thấy người khác nói những lời không đẹp ấy thì phải không vui, và khuyên can chê bai người ấy.
    Trong Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Phật bảo Tôn Giả A Nan, Thị giả của Phật rằng: “Người ta sinh ra ở đời, họa từ trong miệng mà sinh ra, nên phải giữ gìn cửa miệng hơn cả lửa mạnh, vì lửa mạnh có đốt cháy cũng chỉ đốt cháy một đời này mà thôi, còn như nói ác sẽ đốt cháy trong vô số kiếp. Lửa chỉ đốt cháy nhà cửa, của cải của thế gian, còn lời nói ác đốt cháy bảy thứ của cải của Thánh nhân; vì thế, này A Nan, chúng sanh họa từ trong miệng mà sinh ra, miệng lưỡi thực là búa sắc tự bổ vào mình, là cái họa để tự diệt mình”.
    Phật tử cần giữ giới này vì đạo Phật là đạo của sự thật nên phải tôn trọng sự thật, vì nuôi dưỡng lòng từ bi, người Phật tử phải tránh sự dối trá lừa gạt để không gây cho người khác sợ hãi, buồn phiền, đau khổ. Đây cũng là để bảo tồn sự trung tín trong xã hội, mọi người tin cậy, đoàn kết giữ cho xã hội được ổn cố, vì nếu xã hội không ai tin ai, mọi công việc từ nhỏ đến lớn đều thất bại.
LỢI ÍCH CỦA KHÔNG NÓI DỐI:  
    Nếu giữ được không nói dối, sẽ có lợi ích:
- Miệng thường thơm, không bị các bệnh về miệng.
- Được mọi người tin cậy, nể phục, vâng theo.
- Không bị lừa dối, tâm thường được vui vẻ thoải mái.
- Nói không lầm lẫn, có trí tuệ, không ai chế phục được.
5). KHÔNG UỐNG RƯỢU:
    Giới cấm này mới nghe thấy có vẻ không quan trọng, nhưng xét kỹ thấy thật quan trọng, chính vì uống rượu say mà có thể gây phạm bốn giới cấm nêu trên là sát sinh, cướp của, nói dối, tà dâm. Như thời đức Phật Ca Diếp có người uống rượu say mà phạm gian với vợ người khác, rồi bắt gà của người ta giết làm thịt ăn, đến khi người ta hỏi lại chối là không làm gì cả. Cũng không được ép người khác uống rượu đến say mê mẩn, mửa tháo, và khi thấy người khác nghiện rượu, nên tùy lúc mà khuyên can. Giới cấm uống rượu còn bao gồm cả việc dùng các thứ ma túy, vì nó cũng làm cho tinh thần người sử dụng mất sáng suốt minh mẫn.
    Mặc dù tội say rượu chưa phải là túc nghiệp (chưa đầy đủ nghiệp), nhưng vẫn phải chịu qủa báo cuồng loạn, mất trí, hay điên dại ở kiếp sau.
LỢI ÍCH CỦA KHÔNG UỐNG RUỢU:   
    Người không uống rượu có các lợi ích:
- Tránh được sự hao tốn tiền bạc.
- Thân ít bệnh tật, tuổi thọ cao.
- Trí tuệ tăng trưởng. 
- Sinh con cái khoẻ mạnh thông minh.
- Gia đình yên vui, xã hội yên ổn, tránh được mọi sự bất hòa xáo trộn trong gia đình và ngoài xã hội.
    Trong Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Phật còn lưu ý người Phật tử tại gia giữ năm giới không làm các nghề như:
1- Không làm nghề nuôi, buôn bán súc sinh, nếu có nuôi súc vật, sau khi thụ Ngũ giới được phép bán nhưng không được bán cho nhà đồ tể.
2- Không làm nghề chế tạo, buôn bán cung tên đao kiếm, súng đạn mìn bom, v.v…, nghĩa là tất cả các thứ dùng vào việc giết người, khủng bố, chiến tranh đều không nên làm, không khen ngợi mà phải lên án phản đối. 
3- Không làm nghề sản xuất, buôn bán các loại rượu và các loại ma túy.
III). KẾT LUẬN VỀ QUY Y NGŨ GIỚI:
     Nếu Tam Quy là nền tảng thì Ngũ Giới là năm bậc thang của người Phật tử tại gia bước dần lên đường lành, trong bước đầu, nếu người Phật tử giữ đủ năm giới thì tốt, nếu vì sự ràng buộc chưa thể giữ cả năm giới, có thể giữ một vài giới mà mình thấy thực hành được, rồi sau sẽ phát nguyện giữ thêm các giới khác; nếu không giữ được giới nào, sao gọi được là người Phật tử? Có những người không phải là Phật tử còn có thể giữ được ba giới không trộm cướp, không nói dối, không uống rượu, huống chi là một Phật tử muốn vượt lên trên đời tầm thường của thế nhân. Một Phật tử không giữ được giới nào, chưa phải là người Phật tử.
    Người giữ giới sẽ được an vui khỏe mạnh sống lâu, kiếp sau sẽ được sinh lên cõi trời muốn gì được nấy. Hoặc sinh lại cõi người ở nơi tốt lành, có địa vị giàu sang, ít bệnh, sống lâu, không hoạn nạn, gia đình hạnh phúc yên vui, v.v…
    Người không theo đạo Phật hay chưa phải là Phật tử cũng nên giữ năm giới được nhiều chừng nào tốt chừng ấy. Năm giới nói trên chỉ là bài học thông thường không chỉ để áp dụng riêng cho Phật tử, mà nó còn hữu ích cho tất cả mọi người nếu biết áp dụng để có cuộc sống an vui tiến bộ. Nếu xã hội nào áp dụng triệt để năm giới này, xã hội đó văn minh và gương mẫu nhất thế giới vậy.,.




__._,_.___

Posted by: Tien Do 
__._,_.___

Posted by: Tien Do 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List