>>VUI HƯỞNG TUỔI GIÀ
>>Thái Việt
>>
>>"Già vô sự ấy là tiên", tuy chỉ có mấy chữ mà không phải ai cũng quan tâm đến nó, thực hành nổi nó. Không kể khi chúng ta còn sống tại Việt Nam trong cái nền "kinh tế xã nghĩa" lẽ dĩ nhiên phải nhập gia tùy tục: Đói đầu gối phải bò, phải đi bán vé số, phải gánh hàng rong đi bán xôi chè, bán tầu hủ, bán bánh canh...có cụ còn có sáng kiến mang cái cân ra trước cửa bưu điện Sàigòn để kiếm chút cháo nhờ những người no cơm ấm áo...
>>Thái Việt
>>
>>"Già vô sự ấy là tiên", tuy chỉ có mấy chữ mà không phải ai cũng quan tâm đến nó, thực hành nổi nó. Không kể khi chúng ta còn sống tại Việt Nam trong cái nền "kinh tế xã nghĩa" lẽ dĩ nhiên phải nhập gia tùy tục: Đói đầu gối phải bò, phải đi bán vé số, phải gánh hàng rong đi bán xôi chè, bán tầu hủ, bán bánh canh...có cụ còn có sáng kiến mang cái cân ra trước cửa bưu điện Sàigòn để kiếm chút cháo nhờ những người no cơm ấm áo...
>>Sang đến cái xứ tư bản bị bóc lột hết mức, lê cái thân làm cu ly tới tuổi 65, cái tuổi được cấp carte d' or: nó chính thức được luật pháp xác nhận được quyền nghỉ ngơi, được nhà nước cung cấp một khoản tiền để đủ sống cho có tư cách, không ai dám lên án là mình ăn bám xã hội nữa.
>> Ai thì không biết chứ kẻ viết bài này, từ khi về hưu sao mà nó sung sướng thế. Này nhé muốn ngủ lúc nào thì ngủ, muốn thức lúc nào thì thức. Đêm bỗng nhiên giật mình thức dậy không ngủ tiếp được nữa, thì giở quyển sách ra xem, thích đọc gì xem nấy, đọc đến khi nào nhíp mắt lại thì khò, chả lo mai đi làm trễ, ông chủ nhăn mặt, chú cai phàn nàn. Đời không gì sướng hơn có hai chữ tự do: không bị ai sai bảo, không đụng chạm với các bạn đồng nghiệp, không phải làm những việc mình không thích mà vì miếng cơm manh áo vẫn buộc phải cày.
Không thích thì không làm, đừng nể vì do bạn bè lôi kéo mà vô các tổ
chức chính trị, tôn giáo hay đoàn thể vô vị lợi... vô thì dễ ra thì
khó, ra thì mất hết tình nghĩa, mất hết bạn bè, mà có bạn lúc già là vô cùng
quan trọng, không có nó cuộc đời vô vị lắm.
Hãy có độ một hai người bạn thân có
thể chút lòng, năm ba người bạn có thể tán dóc, nói chuyện bù khú, khi uống cà
phê, còn vô số bạn gặp nhau có thể bắt tay, nói vài ba câu chuyện xã giao...
Tuyệt đối đừng mua thù chuốc oán, đến mức gặp nhau không muốn nhìn mặt thì khổ
lắm.
Giận người không biết người có khổ hay không nhưng chính bản thân mình,
lòng mình cũng nóng như lửa đốt. Biết thân mình chưa tu đắc đạo đến mức mọi sự
đời đều để ngoài tai, tâm không bị nhiễu, thì nên tránh những chỗ dễ gây cho
mình cảm giác khó chịu.
Biết mình nghèo, mình dốt thì chớ đến nơi tụ họp của
những người quyền quí, học rộng tài cao, họ coi người như rác...
Đừng có ảo
tưởng được chơi với họ ta sẽ thơm lây mà bé cái nhầm, hãnh diện vừa tới cái
nhục theo sát bên ngay.
Hãy kính nhi viễn chi với quí vị làm lớn từ ngày xửa
ngày xưa, sang đây chỉ chuyên nói về dĩ vãng: Thời xưa tao bỏ tù thằng này
thằng nọ, hắn trước là sĩ quan tùy viên của moi, cứ làm như mọi việc đều dừng
lại không có gì thay đổi...
>>Đừng lệ thuộc vào bất cứ ai kể cả vợ con mình, đừng để khi họ cười ta mới thấy vui, họ nhăn ta lại thấy khổ, thì khi nào có cuộc sống hạnh phúc được.
Sống chung trong gia đình, mỗi ngưới một tính, một tật, nếu ta chấp nhận tính
tình của mỗi ngưới là như vậy thì sẽ thoải mái, không cảm thấy khó chịu hay
vướng bận.
Ta không thể nào bắt người khác phải thay đổi tính tình theo ý ta
nếu họ không muốn. Hãy biết phân công rõ ràng công việc nhà: bà nấu ăn tôi rửa
bát, bà đi chợ tôi nấu cơm, bà lau nhà tôi đổ rác, bà nhặt rau tôi giặt quần
áo, việc ai ấy làm, làm một cách chu đáo, có tinh thần trách nhiệm, không dẫm
chân vào nhau, không làm mất thì giờ vô ích của nhau.
Bà thích la cà ở chợ hàng
tiếng đồng hồ chỉ để mua có vài mớ rau, mấy bìa đậu thì đừng buộc
tôi phải tháp tùng, rồi ngồi ngoài chầu chực. Trong khi tôi lại thích vào Internet
nghe tin tức năm châu bốn biển, xem đủ loại báo chí trên hoàn vũ, xem chuyện lạ
bốn phương.
>>Không nên tùy thuộc nơi kẻ khác để tạo hạnh phúc cho mình. Những ai còn trông chờ người ta ban bố cho mình những thỏa mãn trong đời sống còn tồi tệ hơn kẻ ăn xin quì lậy, kêu gào van lơn từng bát cơm chén cháo.
>>Hãy chia thời giờ trong một ngày cho có khoa học: Sáng dậy tập thể dục độ một tiếng đồng hồ cho bay hết đau mình nhức xương, máu huyết lưu thông, nhớ đừng quên tập “Dịch cân kinh”, vẩy tay trên ngàn cái bệnh chướng sẽ tiêu trừ. Đừng tập vội vội vàng vàng, tập nhanh, tập ẩu cho hết giờ qui định thì cái sướng nó giảm đi phân nửa.
Hãy từ tốn mà tập, coi như tập xong cũng không có
việc gì phải làm tiếp, cứ nhẩn nha mà tập, mình đâu có việc gì mà vội, hôm nào
chả là ngày nghỉ cuối tuần. Lúc tập chỉ chú tâm vào tập, lúc này coi tập thể
dục là quan trọng nhất trọng nhất trong cuộc đời mình, đừng vừa tập
vừa nghĩ tập xong để còn giặt quần áo, để gọi phôn cho ông nọ bà kia, thì hiệu
quả của việc tập cũng bị giảm. Tập hàng ngày, tập cho nó thành thói
quen, không tập không chịu được, tập thiếu đô cũng không thỏa mái, thế là đã đi
vào nề nếp đấy.
>>Tập xong ngồi vào bàn nhẩn nha ăn điểm tâm, uống ly cà phê cho tỉnh người. Rồi rút vào “phòng tin tức” lên mạng lưới, đừng để bị bệnh “dot.com” nó hành. Phải có thời khóa biểu: thứ hai nghe BBC, đọc báo Người Việt, thứ ba VOA, đọc Việt báo, thứ tư nghe RFI đọc báo Hà Nội v.v...
Trừ khi nào bạn bè cho hay có tin lạ, có tin hay tại
đài nào đó thì du di chút đỉnh.
Hôm nào lại có hứng viết một vài trang thì cứ
việc “gõ” trên phím. Già rồi đừng buộc mình phải viết bài này cho đúng hạn,
viết quyển sách kia cho kịp ngày... thì đáng lẽ là thú vui nó lại thành cái
ách.
Danh giá gì đến lượt mình, hãnh diện gì cái tuổi mình, cái tuổi cúp bình
thiếc, lại mắc cái bệnh “Chung Vô Diệm”, làm thằng đàn ông dù già đi nữa mà mắc
cái bệnh này rồi thì là đồ bỏ, vênh vang cái mặt làm gì cho tủi mặt trượng phu!
>>Dù mùa đông lạnh buốt, mùa hè mát mẻ, mùa thu mưa dầm... mỗi ngày nên đi bộ ra ngoài hai tiếng: Mùa hè trời đẹp đeo cái túi vải trong đựng quyển sách mỏng, đừng đem sách dày như cuốn tự điển đeo nặng vai mất thú, nhớ mang theo chai nước suối loại 500 ml để uống, độ mươi lăm phút làm một ngụm, nó có tác dụng trị táo bón một cách thần kỳ.
Rồi đi bộ thong thả ra cái công viên nào gần
nhà nhất, đi bộ quanh vườn độ một vòng, lúc mỏi ngồi xuống ghế đá, dựa lưng cho
đỡ mỏi, rút quyển sách ra đọc từ từ chả việc gì phải vội, nhớ được đến đâu hay
đến đó, có ý nào hay nhớ ghi ngay vào trang cuối của sách, sau đỡ phải tìm tới
tìm lui, vỗ đầu vỗ trán.
Đọc mỏi mắt lại đi, vừa đi quanh cái hồ vừa ngắm cảnh
nhìn mấy con vịt bơi từng nhóm, từng nhóm vài ba con một trên mặt hồ rộng mênh
mông, bơi một cách khoan thai, bơi để mà bơi đâu cần tới đích sao mà thanh thản
thế, nhìn mặt hồ tĩnh lặng cũng khiến cho tâm mình an lạc.
Ngắm cái bồn nước
giữa hồ, có mấy chục vòi nước phun luôn luôn đổi dạng: lúc vút lên như muốn
ngang với tầm cao của mấy cây cổ thụ mọc ven bờ hồ nhưng không đạt; có lúc tất
cả các vòi ngưng lại để dồn sức cho một vòi độc nhất vọt thật mạnh muốn đụng
tới mây xanh, những hôm gió mạnh ngồi trên bờ hồ vẫn hưởng được vài hạt nước
nhỏ li ti bắn vô mặt, hít vào được một chút hơi nước mát dịu giúp cho nhiệt độ
hạ đi; lúc đồng loạt hạ xuống thấp tỏa ra như cái hoa sen những tia nước nhỏ
lóng la lóng lánh như phun những sợi bạc, hàng chục kiểu khác nhau trông thực
vui mắt, lòng cũng thêm phấn khởi hơn, vui hơn, mắt bớt mỏi rồi lại đọc.
Cứ đọc
như vậy nay một chút mai một chút sách nào cũng được miễn là hợp với ý thích
của mình, đừng có miễn cưỡng phải đọc cho được sách của triết gia này triết gia
nọ đang nổi tiếng như cồn.
Đọc theo cái kiểu đọc sách của Lâm Ngữ Đường: nhiều
suối góp lại thành sông, rồi sông sẽ chảy ra biển...có hiệu quả vô cùng. Nhưng
cái tật của người lớn tuổi thích đọc truyện xưa để đối chiếu với ngày nay. Khi
già rồi ít tiếp cận với thực tế sôi động, nhìn tương lai thì mắt đã mờ, họa
chăng mắt mình sáng lại khi nhìn dĩ vãng.
Đọc đến một lúc nào đó sẽ nảy ra ý
phải cầm bút viết về vấn này, không viết không chịu được, không viết nó ấm ức
trong lòng, viết được coi như giải tỏa, cũng như ăn vào thì phải tiêu ra, khoái
lắm!
Thành ra cái thời gian đọc sách thời gian suy nghĩ vấn đề càng dài, càng
chín, thì lúc cầm bút càng dễ dàng bấy nhiêu. Nên chớ có bị xúi dại mà nhận lời
viết định kỳ cho một tờ báo nào hay thuyết trình một vấn đề mà mình không thích
cho một tổ chức nào, nhận rồi lo ngay ngáy, tâm mất cả an.
>>Đi một park phong cảnh không thay đổi cũng dễ chán, thì lấy bus đi park xa hơn, tại đất Montréal này thiếu gì park, lớn có nhỏ có, xa có gần có. Có những Park cách xa thành phố cả nửa giờ xe, lại gần bên bờ sông gió thổi y như nhà quê vậy, đi về thấy nhẹ cả con người.
>>Mùa đông ngày mưa cũng đừng có ngại đi ra ngoài, chỉ cần ngại một lần, cái lười nó đến ngay lập tức. Nhớ mua vé bus hàng tháng có nửa giá tiền cũng thêm một động lực thúc mình ra ngoài vì đã mua thì phải dùng chẳng nhẽ để vé mốc. Tập cho có thói quen ngày nào không ra khỏi nhà một lần coi như có cái gì thiêu thiếu.
Những ngày xấu trời chớ cậy sức khỏe mà đi hàng mấy cây số dưới
tuyết lạnh về đau vợ con nó cằn nhằn. Đị bộ một quãng xa gần tùy lực rồi chui
vào Métro là an toàn trên xa lộ. Rồi hôm nay chọn khu này để ngồi đọc sách, mai
lựa khu khác, nay thư viện này mai thư viện khác.
Có chịu khó đi mới thấy cái
câu của cụ Nguyễn công Trứ:
>>Kho trời chung mà vộ tận của mình riêng.
>>Kho trời chung mà vộ tận của mình riêng.
>>Là chí lý. Có những lâu đài lát đá hoa cương bóng lửng, ghế sa-lông bọc da sang như nhà triệu phú, ngồi vừa êm vừa ấm, thả mình trên ghế bành, ngả đầu thành ghế mà thưởng thức một áng văn hay, một truyện ngắn đặc sắc, mỏi mắt hãy nghỉ một chút, ngắm cái trần, cái cột vừa cao vừa to vừa trạm trổ đủ kiểu hoa văn đẹp ơi là đẹp, cái nền lâu đài rộng thênh thang soi thấy mặt.
Nghĩ thương
cho những nhà triệu phú giờ này đang lao vào kiểm soát sổ sách, họp hành bàn kế
hoạch sẽ đầu tư vào nghành nào cho có lời nhất, đâu có thì giờ mà hưởng. Rốt
cuộc họ xây cho những người biết hưởng!
Họ là những người vớ được quyển sách
ước, quyển sách này lạ lắm, ước gì cũng được nhưng có một cái lạ: khi anh ước
có cái xe hơi đẹp thì nhà bên cạnh có cái xe đẹp hơn, khi ước có ăn nhà vừa đẹp
vừa to thì nhà láng giềng lại có cái biệt thự to đẹp hơn nhà anh nhiều...Do đó
mà đời anh không bao giờ sung sướng. Anh bèn không ước nữa!
>>Người biết hưởng là người có sức khỏe, chứ ốm nhề nhệ thì hưởng sao nổi; người biết hưởng là người biết đủ, biết đủ thì giầu, không biết đủ thì có bao nhiêu tiền cũng vẫn than nghèo, vì luôn sánh mình với người khác.
Cái khó
là làm sao biết đủ! Càng vui khi rủ được bạn tâm đầu ý hợp đi cùng, trưa đến
bụng hơi cồn cào gọi tô phở, uống ly chocolat nóng cho ấm cái bụng cùng nhau
bàn về cuốn sách viết về thiền của vị thiền sư nọ sao mà đạt thế, mình học bao
nhiêu cũng không viết nổi! tài ơi là tài, giỏi ơi là giỏi, có thể Ngài đã chứng
đắc.
Rồi hai bạn già suýt: Mình viết được vậy thì khoái nhỉ!
>>Đọc chán, ngồi chán lại đi, ở cái đất Montréal này biết bao nhiêu trung tâm buôn bán nằm sâu dưới lòng đất rộng thênh thang, chạy dài cả năm sáu cây số, một đường hầm nối liền đường Métro màu xanh với đường màu cam.
Hồi mới sang
không hiểu tại sao lại chôn các gian hàng tráng lệ to lớn này dưới lòng đất
trong khi biết bao đất còn bỏ hoang tại hòn đảo này. Nay ở lâu mới hiểu: đó
chính là thành phố của mùa đông, mùa đông bão tuyết đang hoành hành trên đường
phố chỉ cần chui vào Métro thấy mùa xuân trở lại, đi dạo qua các trung tâm buôn
bán lặn dưới các lâu đài, các dinh thự là thấy được cái phồn thịnh, cái nhộn
nhịp của thế giới “âm ti” của người dân miền bắc cực.
Dân vùng đất lạnh này là
dân ăn nhậu đi đâu cũng thấy tiệm ăn, tiệm ăn lan tràn ở các trung tâm thương
mại, đủ các món ăn: Tàu, Mỹ, Nhật, Hy lạp, Việt Nam, Pháp... Đủ hạng từ tay cầm
giá vài ba đô cho đến vài chục tùy theo túi tiền của bạn, tùy theo khẩu vị của
bạn, tùy theo sức chứa của bạn.
Muốn ăn lúc nào tùy hứng từ 7 giờ sáng đến 12
giờ khuya. Nhưng đừng mê quá quên cả điện thoại về nhà, để vợ con nó chờ, nó
lo, nói đoán già đoán non: Bố lại đi với mấy cụ bạn tới cuộc hội thảo, hay lại
tạt vào quán bia nào nhậu say quên cả đường về! Có ngon cũng đừng ăn phình căng
bụng, nhất là buổi tối nó ấm ách, ngủ đâu có được.
Bữa cơm về chiều nên ăn
nhiều rau hơn thịt, bớt đi vài muống cơm cho cái bụng nhẹ nhàng, khi nằm thoải
mái giấc ngủ đến liền kéo khò một giấc.
>>Mùa đông đi trong đường hầm, quên mẹ mùa đông lạnh cóng, quên luôn đường đang ngập tuyết dơ, quên cả cơn gió ào ào thổi từ miền Bắc cực đổ về khiến độ lạnh tăng thêm chục độ.
Mùa Giáng sinh về ngoài trời thì khô héo, bàu
trời thì xám xịt, tuyết đang xuống. Những bông tuyết non đầu mùa bay nhè nhẹ
lửng lơ như ngại đáp xuống hạ giới. Có bông tan lửng trong không trung, có bông
cố rơi xuống mui xe đang chạy cũng tan ra thành nước.
Nhưng cái thành phố ngầm
của chúng tôi trên “vòm trời” ngàn ánh sao tỏa sáng lung linh, mộng ơi là
mộng... Lúc mình trồi lên trạm Métro ngồi đợi xe Bus đến, thấy tụi Tây, Đầm đi
làm về mặt mày phờ phạc chạy vội chạy vàng cho kịp chuyến xe sắp lăn bánh,
giống hệt như mình vài năm trước đây, sao mà họ khổ thế! Thì mới thấy được cái
sung sướng của kẻ “già vô sự ấy là tiên”. Già thì phải sống vô sự, già không
nên hữu sự.
Béo bở gì chuốc lấy chữ lo vào mình, quyền lực gì với người chân đi
đã hơi run run, cúi xuống hơi khó khăn, ăn không nổi hai chén cơm nhỏ, ngủ
không đẫy giấc đêm đi tiểu vài lần. Danh giá gì với kẻ: kính đang ở trên sống
mũi mà cứ đi tìm, rồi gắt nhặng lên: Tao vừa để cái kính đây không biết đứa nào
lại cất đi nơi khác...
>>Lúc trẻ đọc những bộ sử thời xưa thấy Khương Thượng nhẫn nại chờ thời ngồi câu cá bên bờ sông Vị, đến lúc gặp Chu Văn Vương mới mang tài ra giúp nước, góp phần đánh đổ Trụ vương lập nên triều đại nhà Chu, danh còn lưu lại. Kẻ này khâm phục!
Nhưng thử hỏi ở đời này mấy khi anh hùng gặp được minh quân
để thi thố tài năng mà thường đời đa số lại gặp phường bá đạo dùng xong rồi
giết, mà giết một cách tàn nhẫn giết cả ba họ giết tuyệt giống không còn một
người trông coi từ đường, hương khói. Nên câu già vô sự vẫn là câu gối đầu
giường cho kẻ đã gần thất thập.
Tôi đã thấy hai anh em ông chủ nhà hàng Waldman
chuyên bán cá, cửa hàng to lớn, khách hàng lui tới mua bán tập nập. Hai anh em
nhà ông cứ bò mình trên két thu tiền, thở không ra hơi, có hôm tôi bắt gặp ngồi
ngủ gà ngủ gật ngay tại két.
Tôi cứ tự nhủ đồng tiền là gì mà sao nó hấp dẫn
con người quá vậy, bao giờ thì hai cụ mới chịu về hưu an hưởng tuổi già, hay là
làm cho đến lúc chết. Mà họ làm cho đến khi chết thật: tôi thấy lâu ngày vắng
bóng một cụ, hỏi ra mới biết cụ đã qui tiên cách đây vài tuần.
Cụ em
thấy anh mình đi sang bên kia thế giới chẳng mang được cái gì theo, mà bỏ lại
nào xe hơi, nào nhà lầu, nào tiền bạc trong két, nào cổ phần trong các công
ty... Nên cũng tỉnh ngộ sang lại cửa hàng, nghỉ được vài tháng cũng đi theo ông
anh!
>>Có người khuyên già rồi nên tu, không nên khất lần khất lượt nữa, già không tu thì còn bao giờ mới tu. Thực ra thì lúc trẻ đã nên tu: vì tu là sửa, sửa cái sai, cái quấy của mình thì lúc tu sớm chừng nào hay chừng ấy. Nhưng mình lúc trẻ đã chót ham đủ thứ nào danh nào lợi, nào sắc nào tài.
Rồi còn thời
cuộc nó cuốn mình bay theo cơn lốc dễ gì ngưng được, nên cùng đành chịu thân
phận “nước trôi bèo dạt”. Nay già nghĩ lại phải tu, nhưng thói quen đâu dễ bỏ,
làm sao ngồi với tư thế bán già với cái lưng thẳng để tụng một thời kinh dài
chừng hơn một tiếng, mà chân không tê, thắt lưng đừng để bị mỏi rồi chùng
xuống, nhất là cái đầu giữ sao không suy nghĩ lăng xăng, ngồi tụng kinh mà cứ
nghĩ về câu truyện vừa đọc, về bài sắp viết thì tán loạn rồi còn gì. Nói thì
dễ, nhưng làm khó lắm, không dễ đâu.
Quí vị nào có đi chùa thì thấy ngay điều
đó. Tôi đã gặp các vị bằng cấp đầy mình, thông minh tột đỉnh, chức tước không
nhỏ, nghị lực không kém cũng vào sinh ra tử, cũng vượt lắm gian truân.
Thế mà
nay về già chỉ làm một công việc rất tầm thường là giữ tâm ít động trong một
thời kinh mà làm không nổi!
>>Tôi cũng chưa làm nổi, nhưng chả nhẽ chịu thua, nên tôi nương theo cái thú ham đọc mà hướng về Phật bằng cách mỗi tối để ra một giờ đọc sách của các vị Bồ tát, Thiền sư, Hòa thượng và các bậc trí giả viết về Phật pháp.
Cứ đọc từ
từ, từ dễ đến khó, đọc hoài nay cũng vỡ ra đôi chút, cũng biết được cái sơ
đẳng, cái căn bản của đạo. Cái chứng nghiệm đầu tiên mà tôi thấy được là đọc
các lời Phật dạy trước khi đi ngủ: dễ ngủ và ngủ ngon giấc. Già ngủ được ấy là
tiên.
>>Đi chùa, nhiều vị là đệ tử ruột của một vị chân tu nào đó, chỉ đi một chùa duy nhất là chùa của thày mình, không bao giờ đi chùa khác. Tôi đi tới chùa chỉ biết lễ Phật, không chạy theo với bất cứ thày nào, tôi không là đệ tử cưng của một thày nào cả, chẳng thày nào biết đến tên tôi.
Tôi đi khắp các
chùa, nhận thấy: mỗi chùa lên khóa lễ lại có nghi thức tụng niệm khác nhau,
thời gian hành lễ dài ngắn khác nhau, và cái không khí sinh hoạt khác nhau.
Có
chùa ta có cái cảm tưởng đây là cái chùa của một làng, tất cả mọi người đến
chùa đều quen biết nhau, chào hỏi nhau vui vẻ, nói chuyện vồn vã như những
người cùng một họ.
Có chùa ta lại nhận thấy cái tính chất thập phương của nó,
ai đến cũng được chẳng ai để ý đến ai, lúc thọ trai mọi người xếp
hàng bình đẳng.
Có chùa vẫn giữ theo nghi thức cổ xưa: cúng vong thật kỹ, thật
nghiêm trang kéo dài gần cả tiếng sau đó mới lên chính điện cúng Phật, khi thọ
trai ngồi thành bàn sáu người một cỗ, gần như được ấn định trước ai ngồi với
ai, ít khi thay đổi... Đi nhiều chùa có cái thú thay đổi không khí, chủ nhật
này gặp một số bạn, chủ nhật sau số bạn khác, trao đổi chuyện trên trời dưới
đất cũng có cái vui.
Đi chùa luôn thành một thói quen, chủ nhật nào không đi
cũng nhớ, thế là vào nếp.
>>Đối với gia đình: không can thiệp vào công việc của con cái, để chúng tự do thoải mái, chúng mới ở với mình. Chúng vui mình vui theo, chúng có chuyện buồn mình giữ im lặng..
Ngay cả vợ chồng cũng đừng va chạm vào sở thích của
nhau. Chúng mình đã đồng cam cộng khổ, lao động hết mình, trải nhiều
biến loạn, nuôi con cái trưởng thành, có nghề có nghiệp, có miếng cơm ăn.
Nay
được sống dưới một chế độ tôn trọng con người, hàng tháng cấp dưỡng cho một số
tiền nhiều thì không nhiều nhưng đủ ăn để giữ được nhân phẩm, không phải nịnh
ai để vay tiền, không phải nuốt nước miệng khi thấy người ta ăn
miếng ngon. Thèm thuồng khi người ta có quần áo đẹp.
Đừng có ghen tị, thấy
người ta ở nhà to, vườn rộng, mà tưởng họ sống hạnh phúc hơn mình mà bé cái
lầm. Sau khi cơm ăn áo mặc rồi, sướng hay khổ là do cái tâm, giầu hay nghèo là
do biết đủ.
Giầu bạc triệu mà thấy người ta có trăm triệu vẫn than mình nghèo.
Phần lớn sinh viên đại học Harvard nói thẳng rằng: họ kiếm 50 ngàn một năm,
trong khi các bạn đồng học chỉ kiếm được phân nửa số đó, còn hơn kiếm cả 100
ngàn trong khi bạn học khác kiếm 200 ngàn, mang theo cái tư tưởng ghen tị đó
thì cả đời khổ!
Người giầu có một lợi thế mà người nghèo không bì kịp là có
tiền thừa dám đem bố thí, dám làm phúc nuôi các trẻ mồ côi, giúp các viện dưỡng
lão...còn có tiền mà bo bo tích lũy gửi đầy ở ngân hàng, lấy thú vui
ở đời là chương mục mỗi ngày mỗi tăng làm lẽ sống thì...!
>>Ta cứ khao khát tìm kiếm những gì mình chưa có vì tưởng mình nghèo, mà không biết hưởng những gì mình đang có:
>>-Ta đang còn sống, trên đời này quí nhất là sự sống.
>>-Ta có sức khỏe: ăn biết ngon, ngủ đẫy giấc.
>>-Ta không bị khuyết một căn nào trong lục căn.
>>-Ta có tự do, không bị cái gì ràng buộc.
>>-Ta có đủ ăn đủ mặc, không bị đói rét.
>>-Ta có tình thương của gia đình và bè bạn.
>>-Ta có một vốn hiểu biết trung bình, để đọc hiểu sách.
>>Sống xấp xỉ thất thập mà có đủ sáu cái thú trên thì còn đòi hỏi gì thêm nữa cho mệt! đó chính là viên ngọc quí của cuộc đời, hãy biết mà vui hưởng! đừng than nữa, có được như vậy cũng là quá nhiều rồi, quá phúc đức rồi còn ham gì nữa, phải không các bạn?
>>
quá chuẩn rồi!
ReplyDelete_________________
hat dieu vo lua – hat dieu lua