From: NGUYỄN VÂN TÙNG <
Date: 2015-01-25 21:36 GMT-06:00
Subject: Những Tờ Lịch Cũ: Bài viết hay quá
To:
Trần Mộng Tú
Những Tờ Lịch Cũ
Tờ lịch đầu năm rớt hững hờ
Mới hay năm tháng đã thay mùa (Thanh Nam)
Khi còn ở quê nhà, mỗi
năm tôi đều mua một cuốn lịch để bàn, loại lịch xé mỗi ngày một tờ, không chỉ
mua riêng cho tôi mà còn cho tất cả các bàn làm việc trong hãng Thông Tấn AP.
Tờ lịch xé ra ghim vào một miếng gỗ có cái cây sắt nhọn để ngay bên cạnh cuốn
lịch.
Hết năm,
những ký giả theo truyền thống của Mỹ, thích đứng ở cửa sổ văn phòng, từ từng
lầu thứ tư của Building Eden vào đúng ngày 30 cuối năm dương lịch, thi
nhau thả những tờ giấy ghi ngày tháng cũ bay như bươm bướm xuống mặt đường. Tôi
rất thích truyền thống này. Bao giờ tôi cũng đợi làm người sau cùng thả xuống,
để không phải tranh chỗ với ai. Tôi thích nhìn tháng ngày của tôi bay xuống
riêng một mình, không lẫn vào tháng ngày của người khác.
Có tờ bay thật là xa,
nếu gặp gió có thể bay qua tới rạp Rex bên kia, cách cả hai con đường và cái
công viên nhỏ ở giữa; có nhiều tờ vướng lại trên những cành me, của cây me bên
dưới cửa sổ; có tờ đáp trên nóc một chiếc taxi đang đậu gần đó, hoặc rơi ngay
vào lòng một chiếc xích-lô vừa tấp vào lề; có tờ rơi vào những gánh hàng rong
đi ngang hay rơi trên vai một người vừa đi tới, như bướm đậu rất tình cờ. Khi
tất cả đã rơi xuống thì mặt đường đầy những tờ lịch trắng bằng lòng bàn tay với
những con số in trên đó, đôi khi còn có cả những hàng chữ ghi xuống của các ký
giả, của các nhân viên dùng lịch nữa.Thả thời gian đi cũng có nghĩa là thả theo
cả công việc của một năm qua.
Rơi như thế nào,
thì từ trên khung cửa sổ cao ngó xuống, tôi đều thấy đẹp vô cùng. Những cánh
bướm thời gian đang quay vòng luân vũ. Lúc đó, tôi còn trẻ nên chưa biết tiếc
thời gian, chỉ thấy mang mang buồn vui lẫn lộn giữa cái không khí thay đổi của
vạn vật trong đất trời.
Tuổi trẻ, nhìn ngày
tháng cũ bay bay trong không gian thấy lòng mình lạ lắm. Tiếc ngày qua thì ít,
nhưng mong ngày mới đến với tất cả hân hoan. Cuối năm dương lịch, tức là sửa
soạn vào Tết âm lịch. Tết với bao nôn nao của tuổi trẻ, tuổi đang yêu đương mơ
mộng. Trong thời chiến, biết bao người con gái mong đợi Tết đến, người yêu
trong quân ngũ sẽ được nghỉ phép về ăn Tết. Sự trở về đó mang bao nhiêu thương mến!
Một điều gì đó có tên là
hạnh phúc đón chờ mình trong những ngày mới đang đi tới.
Những năm tháng đó không
bao giờ còn tìm lại được nữa.
Bốn mươi năm đã đi qua.
Tôi bây giờ đứng đây, nhớ lại ngày xụp đổ miền Nam vẫn tưởng như một cơn mộng
dữ. Trời đất mới vào tháng 3 âm lịch. Nhà nông mới bắt đầu xới đất trồng đậu,
trồng cà. Cả một chuỗi ngày tháng xếp đặt cho mọi công việc trước mặt. Người
dân miền Nam cần cù như những con ong bắt đầu làm mật.
Chúng ta tất cả,
bỗng nhiên phải đối mặt với định mệnh nghiệp ngã của đất nước. Chúng ta tan tác
như chưa từng bao giờ tan tác như thế. Người ở núi chạy xuống đồng bằng, người
ở đồng bằng chạy ra biển. Cha mẹ mất con, vợ mất chồng. Tướng mất quân, quân
mất dân. Một cơn đại hồng thủy lửa và máu nhiều hơn nước.
Kim đồng hồ đứng lại.
Thời gian ngừng trôi. Hàng ngàn, hàng vạn cái chết tức tưởi không ai ghi rõ
ngày giờ.
Tờ lịch ngày thứ Tư, 30
tháng 4 năm 1975 đã đứng lại trong trái tim của tất cả con dân Việt từ Nam Quan
cho đến Cà Mau.
Chỉ có sự khác biệt, mỗi
người Việt đã giữ lại ngày 30/4 đó trong tim họ như thế nào.
Chắc chắn cái ký ức nạm
vàng của kẻ này đã là ký ức máu và nước mắt của người kia. Điều đáng tủi buồn,
cả hai người đó cùng là người Việt Nam.
Thế mà, bốn mươi cái Tết
đã đi qua rồi đấy!
Trong mấy tháng đầu tiên
ở Mỹ, có một lần tôi tìm được ở garage sale một cái đĩa sứ in nguyên năm
lịch của năm 1975. Tôi đã mua đem về treo trong nhà và vẫn giữ cho đến bây giờ.
Chiếc đĩa này tôi sẽ trao cho con tôi, để mai sau khi tôi không còn nữa, chúng
sẽ nhớ ngày, nhớ tháng, nhớ năm, mẹ phải bỏ nước ra đi.
Cuối năm, năm ngoái, khi
ghé vào hiệu sách gần nhà, lang thang tìm mua mấy cuốn sách nhi đồng cho cháu,
tôi chợt nhìn thấy loại lịch để bàn, xé từng tờ mỗi ngày. Tôi đứng ngẩn người
ra ngắm, như ngắm một người bạn cũ lâu ngày gặp lại.
Tất cả dĩ vãng xa xưa
chạy về trong trí óc của một phụ nữ luống tuổi. Tôi ngắm nghía từng cuốn lịch
với những đề tài khác nhau. Bối rối không biết nên chọn cho mình cuốn nào, để
mỗi lần xé là một lần nhắc về quá khứ.
Tìm mãi chẳng có cuốn
nào đúng theo ý mình. Cuối cùng tôi đành chọn một cuốn, mỗi ngày có một câu nói
vui, để giúp lòng thanh thản. Mua về để trên bàn viết, ngay sát máy vi tính để
nhớ xé. Kiếm sẵn một cái hộp để cạnh cuốn lịch, khi xé tờ nào thì cất ngay vào
đó. Hai tháng đầu, tôi nhớ lắm, mỗi ngày xé một tờ, dần dần bận chuyện hàng
ngày, cả tuần quên xé. Khi nhìn con số ghi ngày trên lịch và con số ở góc máy
vi tính khác nhau, mới vội vàng xé. Đã có lúc tôi quên nguyên một tháng không
xé, khi phải xé một nắm dày thời gian trong tay thấy lòng chùng hẳn xuống.
Tôi đã đủ già, để biết
tiếc thời gian.
Những tờ lịch mới luôn
luôn là một đề tài lôi cuốn trong đời sống. Nên mỗi năm, người ta làm lịch đủ
mọi hình thức và mang những nội dung khác nhau, dù cũng chỉ là đếm ngày tính
tháng. Bức hình phong cảnh thanh nhã hay hình súc vật hiền lành, hình ca sĩ,
tài tử lộng lẫy,v.v…thì cũng vẫn ngày tháng đó. Hình ảnh hấp dẫn tới đâu cũng
không kéo tháng dài ra thêm một ngày hay cắt đi ngắn một ngày trong tuần
được.
Những câu danh
ngôn, câu thơ in trên lịch cố níu kéo thời gian trên cánh chim mùa xuân, hay
thả thời gian bay như cánh ong mùa hạ cũng chẳng giúp được gì. Tờ lịch thản
nhiên làm nhiệm vụ rất nghiêm chỉnh của nó: Rơi từng giọt thời gian mỗi giây,
mỗi phút.
Thời gian tự nó trôi đi
chứ không phải chờ tờ lịch rơi xuống mới đi theo.
Thi sĩ Thanh Nam, định
cư ở Seattle, Washington khi cám cảnh thời gian của người di tản là chính mình,
đã viết:
Một năm người có mười
hai tháng
Ta trọn năm dài Một
tháng Tư.
Cái tháng Tư đứng lại
trong tim, trong trí mỗi người Việt di tản chứ không đứng lại trên tờ lịch.
Chúng ta đã thay tới cuốn lịch thứ bốn mươi rồi. Bốn mươi năm đó biết bao nhiêu
sự việc xảy ra chung quanh đời sống chúng ta. Có ai nhìn xuống cuốn lịch rồi
bâng khuâng tự hỏi: Ta đã làm được gì cho mình, cho người, cho quê hương đất
nước. Dòng thời gian bốn mươi năm ta xé mỗi ngày, có sót lại chút gì trong lòng
bàn tay không?
Sang Mỹ mấy chục năm,
tôi quên cái hình ảnh những cánh bướm thời gian thả vào một buổi chiều cuối năm
dương lịch, quên cái nôn nao của yêu đương, mơ mộng và đôi khi quên mất tuổi
mình.
Cuối năm dương lịch vừa
đi qua, tôi mở chiếc hộp thời gian ra, nhặt lên những tờ lịch chính tay mình đã
xé, thấy lòng mình chùng xuống. Bây giờ mang nắm thời gian này thả đi đâu? Tôi
không ở cao ốc, làm sao mà mở cửa sổ tung xuống đường như những ngày còn ở Sài
Gòn. Cái balcony nhà tôi không đủ cao và nếu tôi có vứt xuống thì chính
tôi sẽ là người phải đi gom lại, vì sợ thời gian của tôi bay tung khắp nơi, làm
phiền hàng xóm. Tôi đành bỏ tất cả vào lại trong hộp, chờ ngày 23 tháng chạp âm
lịch, hóa lịch thay cho hóa vàng, tiễn ông Táo về trời.
Tôi đi mua một cuốn lịch
để bàn cho năm 2015. Tôi lại bắt đầu xé thời gian mỗi cuối ngày. Tôi hỏi vào
không gian trước mặt:
-
Tôi còn xé thời gian như thế này của bao nhiêu cuốn lịch nữa?
Không gian im lặng.
Tôi biết rằng nếu tôi có
hỏi một ai đó, cũng sẽ không ai trả lời cho câu hỏi của tôi rõ rệt được. Họ chỉ
phỏng đoán và phần đông đều đoán sai.
Tôi xé thời gian ra từng
mảnh
sao vẫn còn nguyên tháng
Tư buồn
tôi hóa thời gian theo
vàng mã
tàn tro bám chặt ở trong
hồn (tmt)
Đã bao nhiêu tờ lịch rơi
xuống, bay đi trong bốn mươi năm, nhưng tờ lịch ngày 30 tháng Tư thì hình như
không rơi xuống, không bay đi được, nó nằm chôn sâu trong lòng những người miền
Nam và thời gian dừng lại ở đó…..ở đó. Thời gian không có tác động gì với những
trái tim người di tản.
Trần Mộng Tú
Tết Ất Mùi -2015
__._,_.___
No comments:
Post a Comment