Tiếng
Việt Trong Nước Quá Nhiều Tiếng Lóng và Ngôn Ngữ Chợ Búa
Tiếng lóng (slang) là ngôn ngữ của các
băng đảng, lưu manh côn đồ, cờ bạc, đĩ điếm, hoặc bọn du thủ du thực nói chuyện
với nhau để không cho người ngoài biết hoặc che mắt cảnh sát, lực lượng an
ninh, hoặc để tỏ ta đây “anh chị”, “hơn đời”.
Trước năm 1975 cũng
đã có khá nhiều tiếng lóng, chẳng hạn như:
-Cớm= cảnh sát. Cớm gộc=
cảnh sát trưởng hoặc quan to.
-Ghế = gái
-Choạc= Chục
-Bò= Trăm
-Khứa= khách. Khứa lão=
khách già, lớn tuổi
-Nhí (nhỏ) = Bồ nhí tức
già rồi mà còn “chơi trống bỏi” tức cặp với cô gái/cậu trai nhỏ tuổi
bằng con mình.
-Biến= Chạy đi
-Bỉ vỏ= Dân bỉ vỏ là dân cờ bạc
-Thổi= Lấy cắp
-Thuổng= Lấy cắp
-Khoắng= Vào nhà lấy trộm, trộm
-Cuỗm= Lấy đi. Thí dụ: Hắn cuỗm
vợ của bạn hắn.
-Chôm/chôm chĩa= Lấy cắp. Chôm
chĩa credit= Ăn cắp/cầm nhầm thành tích của ai.
-Xế hộp= Xe mới đắt tiền
-Ngầu= Hay, giỏi, đẹp, bảnh bao
-Chì: Gan lì
Ngay trong đại học, chẳng hạn như Đại Học Havard của Mỹ, cũng có rất nhiều
tiếng lóng do sinh viên chế ra để nói chuyện với nhau, vừa nghịch ngợm (Nhất
quỷ nhì ma, thứ ba học trò) vừa để tỏ ra đây là “sinh viên” hay “Havard”.
Dù do sinh viên hay Havard chế ra, tiếng lóng không bao giờ được coi là
ngôn ngữ chính của đất nước. Quý vị cứ mở bất cứ cuốn từ điển Việt Ngữ - dù
xuất bản trước hay sau 1975 xem có tiếng lóng nào không?
Thế nhưng không hiểu sao ngày nay, báo chí trong nước, tiếng Việt xuất hiện quá
nhiều tiếng lóng. Nếu không phải là tiếng lóng thì lại là loại ngôn ngữ “ đường
phố” hay “chợ búa” của những người ít học. Đọc những bài
báo có loại tiếng lóng hoặc ngôn ngữ “đường phố” chúng ta nhận ra ngay
phần lớn xuất phát từ Miền Bắc chứ không phải Miền Nam.
Hiện nay, mạng lưới truyền thông của cả nước đều
do những người “nói tiếng Bắc” nắm giữ. Có thể nói không sợ sai lầm rằng tiếng
Việt bây giờ bị thống ngự bởi “tiếng Bắc” và giết chết loại ngôn ngữ trong
sáng, giản dị, lịch sự, dễ hiểu mà Miền Nam xây dựng trong 20 năm.
Xin nhớ cho ngôn ngữ, dù ở Đàng Trong hay Đàng Ngoài thời Trịnh-Nguyễn Phân
Tranh và ngày nay Miền Nam hay Miền Bắc trong cuộc chiến “VietnamWar” thì cũng
đều là tài sản chung của đất nước. Dù chính quyền có khả năng tác động tới ngôn
ngữ nhưng ngôn ngữ của một đất nước không phải hoàn toàn do một chế độ hoặc
chính quyền áp đặt hoặc chế ra. Ngôn ngữ của một dân tộc là sản phẩm đi lên từ
cuộc sống - xây dựng bởi các học giả, khoa học gia, các giáo sư đại học, dịch
giả, nhà ngôn ngữ học, nhà văn hóa, tiểu thuyết gia, các nhà thơ, nhạc sĩ, nhà
báo lỗi lạc cống hiến cho cuộc sống chung rồi được công chúng và hệ thống giáo
dục chấp nhận rồi trở thành khuôn thước cho cả nước.
Chúng ta không nên úy kỵ,
dị ứng hay kỳ thị bất cứ ngôn ngữ của vùng, miền nào nếu nó hay, đẹp, giản dị,
dễ hiểu. Đất nước càng phát triển thì ngôn ngữ càng phong phú thêm. Và chúng ta
cũng phải có can đảm loại bỏ loại ngôn ngữ thô lỗ, chợ búa, lai căng, xúc phạm,
bát nháo, bất lịch sự và thấp kém (do ít học) … ra khỏi gia tài ngôn ngữ Việt
Nam…dù là trên bảng quảng cáo, các trang báo điện tử v.v…
Báo chí là phương tiện truyền thông đại chúng cần phải trong sáng, dễ hiểu. Sự
tường thuật một biến cố không những trung thực mà còn phải đúng mức
(decent) nữa. Khi quần chúng đọc một bản tin là muốn biết một sự kiện diễn ra
như thế nào, chứ không phải đọc chuyện tiếu lâm hay nghe anh hề diễu cợt trên
sân khấu. Việc dụng tiếng lóng trong các bản tin làm người đọc khó chịu và liên
tưởng tới tác giả có thể xuất thân từ giai cấp chợ búa hay băng đảng mới gia
nhập làng báo. Xin nhớ cho: “Văn tức là người”.
Nói như thế không có nghĩa là cấm không được sử dụng tiếng lóng. Trong các tác
phẩm văn chương, chẳng hạn khi mô tả một mụ tú bà gọi điện thoại nói chuyện với
một tên ma-cô giắt mối, hoặc băng đảng nói chuyện với nhau…thì việc sử dụng
tiếng lóng là hợp lý và làm tăng tính hiện thực của tác phẩm. Thế nhưng để cho
độc giả dễ hiểu, nhà văn cũng cần cước chú vì không phải ai cũng hiểu hết tiếng
lóng.
Nghe một nhóm người nói chuyện với nhau bằng
tiếng lóng mình đã khó chịu rồi. Nhưng không có gì kinh hoảng cho bằng nghe một
cô hoa hậu, người mẫu hay một sinh viên mở miệng nói ra toàn tiếng lóng hay
ngôn ngữ “đường phố” chứ không phải “Cửa Khổng sân Trình” tức
ngôn ngữ của người được cắp sách đến trường. Xin nhớ cho ngôn ngữ biểu lộ trình
độ giáo dục và tư cách của con người. Nhà đạo đức nói lời xâu xa nghĩa lý. Nhà
giáo nói lời bảo ban nhỏ nhẹ. Mẹ hiền nói lời nhẹ như ru. Nhà tu hành nói lời
cứu độ. Kẻ trí thức nói lời lịch sự. Người hiền lành nói lời chân chất. Bọn côn
đồ nói lời dao búa. Bọn trộm cướp, xã hội đen nói với nhau bằng tiếng lóng. Bọn
trọc phú nói lời kênh kiệu. Kẻ ác tâm nói lời cay nghiệt. Kẻ buôn gánh bán bưng
giành giật miếng cơm manh áo từng ngày nói lời “đường phố”.
Dưới đây là một số những minh chứng cho
việc sử dụng quá nhiều tiếng lóng và ngôn ngữ “chợ búa” của tiếng Việt
trong nước bây giờ:
-Cà-phể đểu= Đây là loại ngôn ngữ
“chợ búa”. Tại sao không nói “Cà-phê giả” cho đứng đắn và
rõ nghĩa?
-Bôi trơn sổ đỏ= Hối lộ, đút lót
để được cấp sổ đỏ. “Bôi trơn” là một loại tiếng lóng.
-Bảo kê sòng bài, bảo kê
xe quá tải qua mặt trạm cân= Đỡ đầu/bao che cho sòng bài, đỡ
đầu/bao che cho xe quá tải vượt trạm cân. Hai chữ “bảo kê” ảnh
hưởng từ phim bộ loại đâm chém, bắn giết của Hồng Kông như : Bảo kê, bảo
tiêu.
-Nhập viện= Có rất nhiều “viện”,
nào là: Viện Kiếm Sát Nhân Dân, Viện Hàn Lâm, Viện Uốn Tóc, Kỹ Viện, Viện Ung
Bướu, Viện Bào Chế, Viện Dưỡng Lão, Viện Mồ Côi, …vậy “nhập viện”
là nhập “viện” nào? Do đó, một cách rõ ràng và đầy đủ nhất phải nói, “vào
bệnh viện” hay “đưa vào bệnh viện”. Thí dụ: “Ông Nguyễn
Văn A đã phải vào bệnh viện” hoặc “Người ta đã đưa nạn nhân vào bệnh viện.” hoặc
“Tối qua cháu bé lên cơ sốt nặng cho nên gia đình đã phải đưa cháu vào bệnh viện.”
-Trạm trung chuyển: Nghe có vẻ cầu
kỳ, khó hiểu. Tại sao không nói, “trạm chuyển tiếp” vừa giản dị
vừa dễ hiểu?
-Tuyển quốc gia: Có biết bao nhiêu
thứ “tuyển” như: Tuyển quân, tuyển phu, tuyển mỹ nhân, tuyển thủ, tuyển chọn,
tuyển lựa tài tử, tuyển cử…vậy “tuyển quốc gia” là gì? Là tuyển
chọn xem quốc gia nào tốt, đẹp…chăng? Xin thưa đây là lối viết tắt rất “bát
nháo” ở trong nước bây giờ của đội tuyển quốc gia. Hầu như trong
nước bây giờ các chữ: đội tuyển thanh niên, đội tuyển Việt Nam, đội tuyển Bình
Dương… đều viết thành: tuyển thanh niên, tuyển Việt Nam, tuyển Bình Dương. Thật
bừa bãi quá sức tưởng tượng!
-Phượt, dân phượt. Tôi đố bạn ở
hải ngoại hiểu “phượt” là gì ? Xin thưa bây giờ nó có nghĩa là “du
lịch” đó. Tôi có cảm tưởng chữ này dịch từ tiếng Miên mà ra?
-Chuyên cơ: Nghe có vẻ cầu kỳ, làm dáng và khó hiểu. Chữ
“cơ” có nghĩa là máy móc. Vậy “chuyên cơ” có nghĩa là “máy móc đặc biệt”
chứ hoàn toàn không có nghĩa “phi cơ” hay “máy bay” gì cả. Tại
sao không dùng: Phi cơ đặc biệt, phi cơ riêng đã có
từ lâu ở Miền Nam cho giản dị và dễ hiểu?
-Các họa sĩ biếm lo ngại sau vụ Charlie
Hebdo: Đây lại là một lối viết tắt vô cùng cẩu thả. “Họa sĩ biếm”
là họa sĩ gì? Đúng đắn nhất nên viết: “Các họa sĩ vẽ tranh châm
biếm lo ngại sau vụ Charlie Hebdo”
-Điều tra hợp tác xã chi khống tiền hỗ trợ
nông dân: Chi khống là gì? Hai chữ này có vẻ địa phương hay đường phố
hay là một loại tiếng lóng? Tại sao không nói “lập hồ sơ giả” cho
rõ nghĩa? Nếu đúng thế thì tiêu đề sẽ là, “Điều tra hợp tác xã lập hồ sơ
giả để lấy tiền hỗ trợ nông dân.”
-Mercedes-Benz trình làng mẫu xe tự lái
cực “chất”: Cực chất là gì? Đúng là muốn viết gì thì viết và coi thường
độc giả quá mức. Tại sao không viết, “Mercedes-Benz trình làng mẫu xe tự
lái thật tối tân”, “Mercedes-Benz trình làng mẫu xe tự lái thật tiện nghi”.
Đây là hậu quả của việc thiếu kiến thức cho nên bạ đâu viết đó.
-Huyền thoại đấm bốc Muhammad Ali đã được
“giải bệnh”: Đây là một tiêu đề vừa chen tiếng Tây “ba rọi” (đấm bốc)
vừa chế chữ, đùa rỡn một cách lố bịch. Được bệnh viện cho về sao có thể gọi là
“giải bệnh” được? Giải bệnh có nghĩa là chữa bệnh. Do đó
tiêu đề đúng đắn phải là, “Huyền thoại quyền Anh Muhammad Ali đã rời bệnh
viện” hoặc “Tay đấm huyền thoại Muhammad Ali đã rời bệnh viện”
-“Đại ca” mang súng “làm cỏ” đối thủ, bố
bị chém chết, con nhận án tù”: Khi tường thuật một biến cố, phóng viên
hay ký giả không được phép đùa rỡn mà phải dùng chữ cho đứng đắn. Hai chữ “làm
cỏ” ở đây là tiếng lóng không nghiêm túc. Hơn thế nữa hai chữ “đại
ca” cũng thừa thãi, vô bổ. Tiêu đề đứng đắn nên là, “Đem súng
định thanh toán chủ nợ, bố bị chém chết, con nhận án tù”
-Xét xử gã choai hiếp dâm trẻ em:
Chữ “choai” ở đây không đứng đắn (có tính cách mỉa mai) cho một
bản tường thuật về một sự kiện xã hội. Phóng viên hay ký giả không phải là “quan
tòa” , “nhà đạo đức” hay một “anh hề” để phê phán, chế riễu
bất cứ ai. Bổn phận của phóng viên là tường thuật - tức mô tả lại một cách đầy
đủ, không thiên kiến, không nhận định riêng tư và bằng giọng văn mẫu mực. Không
biết ông ký giả này có tốt nghiệp trường báo chí nào không và trường này dạy
những gì?
-“Á hậu dính nghi án đập đá.” Thú
thực, đọc tựa đề này tôi không hiểu ra làm sao. Tôi cũng thử đoán xem có phải
cô này dính vào vụ “đập” hay “đá” ai đó (bạo hành). Thế nhưng khi đọc phần tin
chi tiết mới biết cô á hậu này bị nghi là có cuộc sống trụy lạc, uống rượu và
hút xì-ke ma túy nhưng đã được tác giả tường trình bằng loại tiếng lóng. Ngoài
ra hai chữ “nghi án” hoàn toàn lạc điệu. Cô á hậu này có dính vào
một vụ án nào đâu, mà có thể chỉ có cuộc sống bê tha thôi, sao gọi là “nghi
án” được? Có thể nói, trình độ Việt ngữ của ông phóng viên này quá thấp đến
nỗi không phân biệt được thế nào là “nghi ngờ” và thế nào là “nghi án”.
Thật đáng buồn cho một nền báo chí như vậy!
-“Lương tiếp viên hàng không “khủng”hay
“bèo?” Đây là lối nói của mấy tay mánh mung, buôn lậu đang ngồi ở một
quán nhậu vỉa hè chứ không phải ngôn ngữ của báo chí “dòng chính”
(mainstream).
-Kết cục buồn của bà nữ ĐBQH Châu Thị Thu
Nga: Trời đất ơi! Đã “bà” rồi còn “nữ”.
Đúng là loại tiếng Việt cẩu thả. Không biết tờ báo này có chủ nhiệm, chủ bút
không? Hay có bài vở nào là cứ đăng bừa lên để chạy đua với báo khác mà chẳng
để ý câu văn, nội dung ra sao? Đối với các hãng thông tấn quốc tế, các bản tin-
dù do thông tín viên chuyên nghiệp gửi về, vẫn được chủ bút coi và duyệt lại
trước khi phổ biến. Việc duyệt lại này được cước chú dưới bản tin. Có thể đây
là một câu văn “để đời” cần đem vào sách giáo khoa để dạy học
sinh. Nhưng cũng có thể ông nhà báo này quá cẩn thận. Đã dùng chữ “bà”
rồi còn sợ người ta không hiểu và ngộ nhận là “đàn ông” cho nên
phải thêm chữ “nữ” cho chắc ăn!
-Mồm không biết ngượng: Từ lúc cha
sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chỉ nghe nói “Nói không biết ngượng” chứ
chưa bao giờ nghe nói, “Mồm không biết ngượng”. Đúng là loại ngôn
ngữ “đường phố” và vô cùng thô lỗ.
-Quan chức Việt Nam “xạc” nhà thầu Trung
Quốc (VOA tiếng Việt): Đây cũng là một loại tiếng lóng để chỉ “khiến
trách”, “la mắng” xuất xứ từ tiếng Pháp “charge” nếu
nói chuyện riêng tư với nhau thì được, nhưng thiếu đứng đắn khi loan tin về một
biến cố liên quan đến hai quốc gia.
-Việt Nam hạ giá tiền đồng (VOA
tiếng Việt): Không biết người dịch bản tin này ra Việt Ngữ có phải là người
Việt Nam không? Hay ông ta là một ông Tàu hay ông Mỹ cho nên nó ngây ngô
làm sao ấy. Cả 90 triệu dân Việt Nam không ai nói”tiền đồng” cả,
mà họ chi nói “đồng bạc”. Do đó tiêu đề đúng là tiếng Việt phải
là , “Việt Nam hạ giá đồng bạc”. Xin tác giả tiêu đề này nhớ cho:
1000 đồng là trị giá (mệnh giá) của đồng bạc. Tên của nó không phải là “đồng”
mà tên của nó là “tờ giấy bạc Việt Nam ” hay “đồng bạc Việt
Nam”.
"Rất ít xã hội ngày nay tin vào tôn
giáo hơn 40-50 trước” (BBC tiếng Việt). Đây là câu văn dịch theo kiểu “mot
à mot” cho nên làm người đọc nhức đầu. Câu văn bớt nhức đầu là, “Khác
với 40, 50 năm trước, ngày nay xã hội tin vào tôn giáo ngày càng ít hơn.”
-“Năm
2015 sẽ kiểm tra về chất cấm trong thức ăn chăn nuôi”. Trời đất quỷ thần ơi! Các chữ “thực phẩm nuôi gia súc” đã có từ lâu lắm rồi sao
không đem ra dùng mà lại còn chế ra “thức ăn chăn nuôi” nghe nó dị hợm làm sao ấy.
-“Chính thức chốt phương
án nghỉ Tết Nguyên Đán dài 9 ngày” Đây chỉ là quyết định của chính phủ cho phép
nghỉ chín ngày trong dịp Tết Nguyên Đán mà dùng toàn những danh từ đao to búa
lớn như “chốt”, “phương án” giống như một kế hoạch hành quân, phục kích.
Muốn đơn giản và tránh nhức đầu, chỉ cần viết,
“Thủ tướng chính thức
quyết địnhTết Nguyên Đán nghỉ 9 ngày ”
-“Sao Barca khiêm tốn mừng
chiến thắng không tưởng”
và “Chiến thắng không tưởng của đội bóngChelsea”.
Với
tiêu đề này, người viết thực sự không hiểu nghĩa của hai chữ “không tưởng” và “không thể tưởng tượng được”. Không tưởng (utopian) là một ảo tưởng không thể xảy ra và sẽ không bao
giờ xảy ra. Thí dụ:
“Hắn là con của một gã ăn mày lang thang giữa chợ nhưng
lúc nào cũng mơ kết hôn với công chúa. Đúng
là chuyện không tưởng.”
“Trung Quốc mơ chiếm hết Biển Đông, đánh gục nước Mỹ rồi
trở thành siêu cương thống trị thế giới. Đúng là giấc mơ hão huyền, không tưởng.
Còn “không thể tưởng tượng được” (unbelievable,unimaginable)
có nghĩa là chuyện đã xảy ra nhưng ngoài dự liệu, ước mơ hay tiên đoán của
mình. Thí dụ:
“Thật không thể tưởng tượng được một em bé sáu
tuổi có thể nhảy xuống nước cứu người chị sắp chết đuối.” “Thật
không thể tưởng tượng được một vị sư ở Ấn Độ nhịn ăn sáu tháng mà vẫn khỏe
mạnh.”
“Thật không thể tưởng tượng được đội Đức hạ đội Ba Tây
5-1 trong trận chung kết 2014.”
Do đó, hai tiêu đề trên chính
ra phải viết như sau:
“Danh thủ Barca khiêm tốn mừng chiến thắng mà
chính anh cũng không ngờ”
“Chiến thắng không thể tưởng tượng nổi của đội bóng
Chelsea”
Tóm lại người viết tiêu đề này hoàn toàn không phân biệt được nghĩa của hai chữ
“không tưởng” và “không thể tưởng tượng nổi” nhưng lại cố “sáng chế”,
làm ra vẻ rành tiếng Việt lắm nhưng thực tế trái ngược.
-“Cuộc đua xe đạp Xuyên
Việt 2014 Cúp Quân Đội diễn ra đầy kịch tính.” Đọc tiêu đề này tôi có cảm tưởng cuộc đua
diễn ra một cách tếu và hài hước như trên sân khấu. Nhưng khi đọc kỹ nội dung
thì thấy cuộc đua đã diễn ra sôi nổi, nhiều màn bứt phá, bám đuổi với kết quả
thật bất ngờ…nhưng đã được ông phóng viên nào đó phang cho một câu “đầy kịch tính” giống như chuyện đùa ở trên sân khấu.
-“Trận bóng đá giữa Than Quảng Ninh và Đồng Tháp diễn ra đầy kịch tính.” Là ngươi mê đá bóng từ nhỏ, tôi thật sự không hiểu một trận đá banh đầy kịch tính là trận đá banh như thế nào? Phải chăng đó là một trận đấu đầy diễu cợt, trình diễn lộ liễu, có pha chút khôi hài, tếu nữa? Chẳng hạn như thủ môn nhào ra bắt bóng nhưng thực tế chỉ là biểu diễn và cố tình để bóng lọt lưới? Hoặc hàng hậu vệ cố tình đốn ngã trái phép một cầu thủ đối phương trong vòng cấm địa dù bóng không có gì nguy hiểm để phải chịu phạt đền… rồi nhe răng cười?
Hoặc hàng hậu vệ đứng nhìn không chịu
truy cản đối phương để họ dẫn bóng khơi khơi và ghi bàn? Nếu đúng thế thì đây
là một trận đấu có sắp xếp trước giống như kiểu bán độ chứ làm gì có “kịch tính”? Do đó tiêu đề đúng đắn nhất nên là, “Trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Đồng Tháp giống
như được dàn xếp trước.”
hoặc: “Quảng Ninh- Đồng Tháp:
Một trận cầu hết sức lạ lùng.“ Hiện nay tại Việt Nam bất cứ sự kiện thể
thao nào có cái gì là lạ như quá hào hứng, thắng đậm, thua đau, nhiều màn đi
bóng hấp dẫn đều được “phang” cho một câu “ đầy kịch tính”. Đúng là một sự “sáng tạo” chữ nghĩa
vô cùng bừa bãi. Xin hãy đọc:
-Solo và Bolero đêm chung kết 4 đầy kịch tính.
-Đua xe đầy kịch tính theo phong cách ‘Fast &Furious’.
-Hai vụ bắt cóc con tin đầy kịch tính đang diễn ra tại
Pháp. (Nếu
người Pháp đọc được bản tin này chắc họ sẽ vô cùng phẫn nộ vì đã diễu cợt nỗi
đau của họ)
-Giá vàng kịch tính ngay những ngày đầu năm mới. (Tôi thật sự không hiểu giá
vàng lên xuống có kịch tính hay không? Giá vàng lên-xuống cũng giống như thị
trường chứng khoán, thời tiết - sáng nắng chiều mưa, làm sao tiên đoán được và
làm sao có kịch tính? Các cụ ngày xưa nói không sai, “Đã dốt thường hay nói
chữ.”
-“Mặt mộc mới nhất của sao
Việt.”
Thật không thể tưởng tượng nổi là người ta có thể gọi mặt cô gái chưa trang
điểm là “mặt mộc”. Đồng ý “gỗ mộc” là gỗ chưa sơn phết gì cả.
Nhưng khi ứng dụng cho con người cũng cần phải nên ý nhị. Tại sao lại không thể
nói, “Da mặt chưa trang điểm/da mặt tự nhiên của cô A, cô B…”
-“Soi da xấu-đẹp của kiển
nữ Hàn khi để mặt mộc.”
Ngoài vấn nạn “mặt mộc”, trong nước bây giờ, khi chú ý đến người nào,
phân tích , tìm hiểu chuyện gì, đồ vật gì…cũng đều dùng chữ “soi’ hay ‘săm soi’ ”. Chẳng hạn như “Săm soi chuyên cơ của Tổng Thống
Obama.” Đây là một loại Việt ngữ thật quái đản. Tại sao không nói, “Thử ngắm nhìn làn da của các kiểu nữ Đại Hàn khi
chưa trang điểm.”
hoặc, “Tìm hiểu phi cơ riêng
của Tổng Thống Obama.”
hoặc “Phi cơ riêng của Tổng
Thống Obama có gì đặc biệt?” Hai chữ “săm soi” làm
người ta liên tưởng tới một người cầm cái que chọc chọc vào đâu đó. Còn chữ “soi” làm chúng ta liên tưởng tới một người cầm
chiếc đèn pin chiếu vào mặt người ta.
-“2 bé trai sành điệu ăn
mặc cực ngầu gây sốt.”
Chữ “ngầu” là tiếng lóng ý chỉ “đẹp,bảnh
bao” chỉ nên xử dụng trong lúc nói chuyện thân tình, riêng tư. Còn khi phổ
biến trên báo chí là thiếu nghiêm túc.
-“Lác mắt xem người Nhật
gói quà đẹp từng chi tiết.” Hai chữ “lác mắt” là ngôn ngữ “hơi thấp”.
Một cách đứng đắn và lịch sự, nên viết, “Ngạc nhiên trước nghệ thuật gói quà đẹp, tỉ mỉ của người Nhật.”
-“Phát cuồng siêu xe sang
chảnh tựa ngôi nhà di động.” Tôi tự hỏi không biết câu văn này có phải là tiếng Việt
hay không? Đây là một tiêu đề quái dị, xử dụng ngôn từ “đường phố” văn
bất thành cú.
-“Để sở hữu eo thon.” Tức cười thật! “Để có eo thon” vừa giản dị, vừa thuần tiếng Việt không chịu
nói, lại chen vào hai chữ “sở
hữu” để
chứng tỏ ta đây giỏi chữ Nho. Đúng là lối viết rởm đời. Ngoài ra lại còn “mục sở thị “ nữa chớ! “Chính mắt nhìn/tận mắt nhìn” không chịu nói, lại bắt chước tiếng Tàu lạ
hoắc!
-“Công an phát hiện trên
xe có một cá thể hổ đã chết.” Trời đất quỷ thần ơi! Một con hổ không chịu nói mà lại nói “một cá thể hổ”. Đúng là loại tiếng Việt điên khùng. Nếu loại
tiếng Việt điên khùng này phổ biến rộng rãi thì sẽ có loại ngôn ngữ như sau:
-Mẹ tôi vừa đi chợ mua một cá thể gà.
-Nhà tôi hôm qua mới ăn một cá thể cá.
-Bữa tiệc thật linh đình, có tới cả chục cá thể heo quay.
- “Sân
Long An bùng nổ, hơn 10.000 vé bị thổi bay”: Ý của người viết muốn nói, sân vận động Long
An như muốn nổ tung. Mười ngàn vé bán hết trong chớp nhoáng. Nhưng khi dùng chữ
“bị thổi bay” khiến người đọc có cảm tưởng
10,000 tấm vé bị ai lấy cắp. Chữ “thổi”
trong chốn giang hồ là “ăn
cắp”,
chẳng hạn bọn trộm cắp nói chuyện với nhau, “Tao vừa “thổi” được một chiếc xế hộp” tức “Tao vừa ăn cắp được một chiếc xe đắt tiền.”
-“Top
quán lẩu, nướng vỉa hè giới trẻ Hà Nội thích nhất”. Tôi đố các bạn hiểu câu văn chen tiếng Mỹ ” ba
rọi”, lủng củng và trình độ rất thấp này. Một cách rõ nghĩa và đứng đắn, tiêu
đề nên viết, “Giới trẻ Hà Nôi ưa
chuộng lẩu, thịt nướng vỉa hè.”
-“Món ngon Đà Nẵng tại Hà Nội, quán nào ổn?”. “Ổn” ở đây là ổn định, xong rồi hay cũng
khá ngon? Không ai hiểu nổi câu văn bí hiểm này.
-“Toàn cảnh Sapa tuyết rơi
lãng mạn qua ống kính dân phượt”. Tuyết,
hoặc phong cảnh không thể “lãng mạn”. Lãng mạn là tình cảm ướt át của
trai gái. Nhưng cảnh tuyết rơi có thể “gợi cảm” cho
người ngắm, nhiếp ảnh gia…Ngoài ra giọng văn đang có không khí “lãng mạn” nhưng tác giả lại thêm vào chữ “phượt” làm người đọc cụt hứng. Chúng ta có thể góp ý
với tác giả với vài câu như sau:
-Tuyết Sapa vô cùng gợi cảm trước ống kinh của lãng tử.
-Tuyết rơi êm đềm trên đỉnh Sapa.
-Tuyết Sapa làm tâm hồn du lịch trở nên lãng mạn.
-“Thay
mới vũ khí trên tuần dương
hạm hạt nhân Nakhimov”. Thay vì viết, “Thay vũ khí mới trên tuần dương hạm Nakhimov”. Hiện nay, do dịch thuật từ
báo chí ngoại quốc, trong nước đã xuất hiện loại tiếng Việt “đổi đời” phá hủy ngôn ngữ truyền thống Việt như: “Nga vừa đóng mới bốn tàu ngầm”, “xây mới mấy căn hộ”. Đúng văn phạm phải viết, “Nga vừa đóng thêm bốn tàu ngầm” và “Vừa xây thêm mấy căn nhà.” Viết như thế đương nhiên
người đọc hiểu là đóng thêm tàu chiến mới, xây thêm căn nhà mới rồi. Xin nhớ
cho, xây thêm hoặc đóng thêm đương nhiên là nhà mới, tàu mới. Không ai đóng tàu
cũ, xây thêm nhà cũ cả. Do đó, thêm chữ “mới” là
thừa. Tuy nhiên câu văn dưới đây, chữ “mới”
không có nghĩa là “mới hay cũ” mà là “vừa mới”, ý chỉ thời gian. Thí dụ: “Mẹ mới mua cho anh em chúng tôi mấy bộ quần áo.”
-“Ngỡ ngàng với cô gái bán
kẹo hát hay hơn ca sĩ,”
Ngỡ ngàng là tình cảm rất bất ngờ, không ưng ý, không đúng như dự đoán hay ước
vọng của mình. Thí dụ: “Sau 25 năm xa cách, từ Mỹ trở về, tôi thật ngỡ ngàng
không nhận ra cô nữ sinh khả ái năm xưa nay trở thành một bà già tiều tụy.”
hay, “Tôi thật ngỡ ngàng và xấu hổ khi cô ta tự xưng là á hậu nhưng mở miệng
nói ra toàn tiếng lóng và ngôn ngữ thô tục “. (Vì tôi cứ ngỡ rằng cô ta đẹp
đẽ như thế thì lời ăn tiếng nói phải lễ độ và lịch sự)
Còn ở đây, thấy một cô gái
bán kẹo mà hát hay hơn ca sĩ, chúng ta ngạc nhiên hoặc thích thú- tự hỏi sao có
chuyện lạ như vậy chứ chẳng “ngỡ ngàng” gì cả. Xin tác giả bài này đọc thêm các tiểu thuyết giá
trị của Việt Nam hoặc kiếm thày/cô dạy Việt Ngữ hỏi, lúc đó sẽ hiểu rõ nghĩa
của hai chữ “ngỡ ngàng”.
Ngoài ra, trong nước
bây giờ, để kiếm sống, các tờ báo thường xuyên cho đăng những hình ảnh quảng
cáo cho các cô người mẫu, hoa hậu với những lời chú thích rất ngây ngô hoặc rẻ
tiền như: đẹp hút hồn, đẹp ngỡ
ngàng, đẹp khó cưỡng, đẹp gây sốt…Qua văn chương, báo chí, tôi đã từng học, từng
biết về những vẻ đẹp như: đẹp mê hồn, đẹp não nùng, đẹp liêu trai, đẹp quyến
rũ, đẹp yêu kiều, đẹp lả lơi, đẹp hấp dẫn, đẹp chết người, đẹp như chim sa cá
lặn, đẹp như tiên nga giáng thế, đẹp như tiên, đẹp khuynh quốc khuynh thành
(sau khôi hài thành đổ nước nghiêng thùng), đẹp như Tây Thi, đẹp kiêu sa, đẹp
lộng lẫy, đẹp quý phái, đẹp thiên kiều bá mỵ, đẹp mặn mà, đẹp phúc hậu, đẹp
thanh tao, đẹp tự nhiên, đẹp ngây thơ, đẹp mảnh mai, đẹp như búp-bê…nhưng chưa
thấy…đẹp hút hồn, đẹp khó cưỡng, đẹp gây sốt, đẹp ngỡ ngàng. Có thể tại
Việt Nam bây giờ có những cô gái “đẹp kinh khủng” như thế mà thế
giới chưa biết chăng? Bạn nào gặp một cô gái có vẻ đẹp”gây sốt” chắc về nhà
phải uống Aspirin hay Tylenol. Còn bạn nào gặp một cô có vẻ “đẹp khó cưỡng”
chắc vào tù quá?
Tạm
Kết Luận:
Chiến tranh đã qua rồi 40
năm. Đây là thời kỳ xây dựng con người, xây dựng tình cảm và xây dựng đất nước.
Xin bỏ lại sau lưng tất cả những ngôn ngữ của thời kỳ chiến tranh. Chiến tranh
nặng về tuyên truyền, căm thù, tranh thắng mà ngôn ngữ là khí cụ cho nên ngôn
ngữ bị biến dạng. Thời bình không cần những loại ngôn ngữ đó nữa mà cần nhân ái,
giản dị, hiền hòa, dễ hiểu, cảm thông, xây dựng. Xin đừng kéo lê những di sản
nhức nhối của quá khứ để truyền cho những thế hệ mai sau.
Âm thanh hòa lòng người. Ngày xưa Khổng Tử đi qua nước
Trần thấy âm nhạc nước này ủy mị quá ngài than chắc nước này diệt vong quá. Quả
nhiên nước Trần sau bị xóa tên trên bản đồ. Âm nhạc, tiếng nói biểu hiện lòng
người. Chẳng hạn như tại Iraq, Afghanistan, Ukraina, Yemen, Nigeria, Lybia bây
giờ chắc chắn âm thanh sát phạt và nặng mùi tử khí. Âm nhạc kích động biểu hiện
một xã hội cuồng loạn dễ đi tới cực đoan, quá khích. Âm nhạc hiền hòa là dấu
hiệu của một xã hội êm đềm “Trăm họ âu ca”. Ngôn ngữ hiền hòa, lễ độ thể
hiện một xã hội an lành, mọi người thương yêu tin tưởng nhau. Ngôn ngữ tràn đầy
tiếng lóng và “đường phố” biểu hiện một xã hội bất ổn, mánh mung.
Ngoài ra, ngôn ngữ còn phản
ảnh trình độ giáo dục của con người. Còn văn chương, chữ nghĩa lại phản ảnh
trình độ văn học của một quốc gia. Khi một đất nước tiến lên không phải chỉ nhà
chọc trời, xa lộ, cầu cống, đập thủy điện, các khu thương xá lộng lẫy, truyền
hình, phim ảnh, thi hoa hậu, người mẫu, thời trang, đá bóng, son phấn, ipad,
iphone, ăn mặc giống Mỹ là đủ…mà cần cử chỉ, cách đối xử với nhau, với người
ngoại quốc và nhất là cách ăn nói sao cho lễ phép, nhã nhặn. Tôi cho rằng muốn
có một sự thống nhất về mặt ngôn ngữ cho Việt Nam thì phải làm sao tổng hợp
được nét văn chương, ý nhị, bóng bẩy của Miền Bắc với tính giản dị, trong sáng,
dễ hiểu của Miền Nam.
Người Miền Bắc do đồng bằng
nhỏ hẹp kinh tế khó khăn cho nên trong quá khứ hễ có một tí của thì khoe
khoang và thường hay ngoa ngôn, cường điệu và tính tình cay nghiệt. Còn người
Miền Nam, do thiên nhiên ưu đãi, ruộng lúa bạt ngàn, cây trái đầy vườn cho nên
tính tình cởi mở, hiền hòa, giản dị, chân chất…và không ưa kiểu nói dóc, một
tấc lên trời hoặc viết hay nói theo kiểu “khó khăn”
nhức đầu nhức óc.
Văn chương và ngôn ngữ là di
sản do tổ tiên đề lại, là con cháu chúng ta phải chung lưng xây đắp sao cho mỗi
ngày mỗi phong phú và sáng đẹp. Do đó, tôi xin tất cả những người đang cầm bút,
đánh máy (trên máy điện tử) để truyền đi những bản tin hay viết một đề mục quảng
cáo, bài bình luận hãy hết sức thận trọng.
Muốn viết giỏi, ngoài năng
khiếu còn phải đọc sách thêm rất nhiều. Nếu chưa tin vào trình độ Việt Ngữ của
mình thì nên ghi danh theo học các lớp văn chương Việt Nam ở các đại học hoặc
tham khảo các tác phẩm văn chương lớn như Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ
Ngâm, các tác phẩm văn học của Cao Bá Quát, Hàn Thuyên, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn
Bình Khiêm, Ngô Gia Văn Phái… các tiểu thuyết của Thời Tiền Chiến, các cuốn
biên khảo về lịch sử, triết học, xã hội học, tôn giáo, luật học…không ngoài mục
đích trang bị cho mình thêm kiến thức hầu cống hiến cho độc giả những bài viết,
bài bình luận, bản tin vừa hài lòng người đọc vừa làm mẫu mực cho các thế hệ
mai sau. Đó chính là gia tài văn hóa quý báu của một quốc gia. Mong lắm thay!
Đào Văn Bình
(California
ngày 14 Tháng 1, 2015)
__._,_.___
No comments:
Post a Comment