Thân chúc quí
bạn và gia-đình Lễ Tạ Ơn nhiều ý-nghĩa và ơn lành.
Nguyễn Văn Thông
Giết Người Làm Ơn
Nguyễn Văn Thông
Được về hưu,
rộng-rãi thì-giờ hơn nên vợ-chồng tôi rủ nhau đi lễ mỗi ngày. Tuy vậy, phải
thú-thực rằng, nếu có ai sau buổi lễ hỏi về các bài đọc hôm ấy thì tôi
luống-cuống ngay. Tôi tự an-ủi mình rằng, làm sao mà nhớ hết cho được. Không
phải mình nghe kinh như vịt nghe sấm nhưng mà mình nghe lời Chúa lúc ấy, thấm
vào người lúc ấy chứ nhớ làm sao được một ngày ít nhất hai bài đọc, một tuần
hơn 14 bài chứ ít sao! Không phải bàn tiệc Lời Chúa như lương-thực hằng ngày,
ăn vào biến thành chất dinh-dưỡng, thành thịt máu nuôi cơ-thể mình thì ăn xong
rồi mấy khi mình nhớ được là đã ăn món gì!
Ấy vậy mà
thỉnh-thoảng có những bài đọc đánh-động tôi hết sức, tôi không những chỉ nhớ
trong một ngày mà còn nhớ trong cả tuần. Chắc là “có tật giật mình”, vì Lời Chúa
vốn là lưỡi gươm rạch-ròi tâm-hồn người ta, hoặc như ngọn gió của Chúa Thánh
Thần mà Ngài muốn thổi nơi nào tùy ý.
Suốt nhiều ngày,
bài Cựu Ước nói về Ngôn-Sứ Samuel sức dầu thánh phong vương cho Saulê làm vua
dân Do-Thái. Sau đó Đavit được chuẩn-bị tiếp-nối Saulê. Từ khi còn là cậu bé
chăn chiên, Đavit đã được chọn để giúp Saulê chiến-thắng quân Philitin.
Chuyện kể cậu bé
Đavit quật ngã tướng Goliat như thế nào thì ai cũng đã biết. Có phần sau câu
chuyện chắc nhiều người không để ý thì lại đánh động tôi. Đoạn ấy như thế này:
“Sau khi hạ-sát tên
Goliat, Đavit trở về. Các phụ-nữ từ mọi thành Israel tuôn ra ca hát nhảy-múa
với đàn-địch trống-phách, vui-vẻ đón vua Saulê. Các cô hát rằng: ‘Saulê giết
một ngàn quân địch, Đavít giết mười ngàn!’ Saulê buồn-bực vì lời ca ấy làm phật
lòng ông. Ông nói: ‘Họ tặng Đavít mười ngàn, còn Ta chỉ có một ngàn. Như vậy y
chỉ còn thiếu có ngai vàng của ta thôi!’ Từ ngày đó trở đi, Saulê nhìn Đavít
với vẻ căm-tức.
Saulê bàn với con ông là
Gionathan và tất cả những cận-thần của ông để sát-hại Đavit. Nhưng Gionathan
rất thương mến Đavít, nên tiết-lộ cho Đavít rằng: ‘Thân-phụ tôi tìm kế giết anh
đấy. Vì thế, xin anh từ sáng mai nên thận-trọng tìm nơi kín-đáo mà ẩn mình. Tôi
sẽ ra ở gần cha tôi ngoài đồng nơi anh ẩn-trốn, tôi sẽ nói chuyện anh với cha
tôi. Thấy thế nào, tôi sẽ báo cho anh biết’.
Vậy Gionathan nói với
cha Saulê rằng: ‘Tâu phụ-vương, xin chớ hãm-hại tôi-tớ của phụ-vương là Đavit,
vì anh không có lỗi gì đến phụ-vương, mà lại đã lập nhiều công-trạng giúp
phụ-vương. Anh đã liều mạng sống để chiến-đấu với Goliat và hạ-sát hắn cùng
nhiều quân Philitin. Chúa đã dùng anh mà giải-thoát toàn dân Israel. Phụ-vương
đã thấy tận mắt và đã hân-hoan. Vậy tại sao phụ-vương lại toan đổ máu người
không có lỗi gì mà lại có công là Đavit?’ Saulê nghe Gionathan nói như vậy thì
nguôi giận mà thề rằng: ‘Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, nó sẽ không bị giết’.
Gionathan gọi Đavit và thuật lại cho anh nghe tất cả các lời ấy, rồi dẫn
Đavit đến trước Saulê, và anh hầu-cận Saulê như trước.”
(Samuel 1, 18-19)
Bạn có cảm được cái động-lực đủ mạnh của Saulê để tiến đến chỗ “giết” Đavit
không? Nếu nhìn vào sự ca múa của các cô gái ca-tụng chiến-công của Đavit, nhờ
Đavit mà toàn dân thoát được sự tàn-sát và ách thống-trị của kẻ thù thì ta thấy
Saulê không thể rút gươm mà giết Đavit cho được. Con gái thiếu gì, tụi nó dù có
đẹp nhưng nhà quê so sao cho bằng các cung-nữ của Saulê. Là vua cả nước, Saulê
muốn gì chả được.
Nhưng Saulê nhìn xa hơn. Dân-chúng ca-tụng Đavit kiểu này – mười ăn một, hắn
mười ngàn ta có một ngàn; rõ-ràng là chúng đòi “diễn-biến hòa-bình”, đòi bỏ
phiếu, đòi dân-chủ đây – thế thì nguy to. Ngai vàng của ta lung-lay là cái chắc.
Vậy thì không gì bằng là giết phứt hắn đi để trừ hậu hoạn.
Với cái lí-do này, có thể chúng ta tạm hiểu được sự ghen-tức của Saulê đối với
Đavit. Nhưng không lẽ chúng ta đồng-ý để Saulê giết Đavit? Không, chúng ta chỉ
đặt mình vào chỗ đứng của Saulê trong cơn mê quyền-lực như ta đặt mình vào chỗ
đứng của thằng say rượu để hiểu được tại sao hắn ra ngoài đường giữa chỗ đông
người mà chửi từ chủ-tịch đảng trở xuống, từ côn-đồ công-an phường trở lên mà
không sợ gì.
Thế cho nên một
mặt ta tin rằng, người say coi trời bằng vung, kẻ ghen-tị có thể giết người;
một mặt khác ta ngỡ-ngàng tưởng không thể tin được rằng sự thiện lại phải đầu
hàng sự ác trong cuộc đời này, con người có thể bị giết khi chẳng làm gì sai,
có khi lại làm điều tốt mà vẫn bị giết dù người ta không sống trong chế-độ cộng-sản.
Sự thiện đúng ra phải thắng mới phải vì có như thế con người ta mới vươn lên
được trong việc hành thiện. Nếu sự thiện thua và thua mãi, chúng ta có nên đặt
lại vấn-đề có nên sống thiện hay không?
Chúng ta chắc ít
có cơ-hội được lãnh giải Nobel hay tượng vàng
, khó lòng được lên truyền-hình
hay mặt báo, nên không sợ ai ghen hay ganh, không lo bị giết, tha hồ ăn no ngủ
kĩ. Thế nhưng những chuyện nhỏ thì sao nhỉ, có ai ganh với ta vì ta có xe mới,
nhà đẹp hay được chọn hát solo trong một ca-đoàn không nhỉ? Và ta có ganh-tị
với ai không? Thôi, coi như ta thuộc phe tốt, phe thánh-nhân, không biết ghen,
chỉ có người khác ghen ta mà thôi cho dễ tính-toán.
Nhiều năm trước, lần đầu tiên chúng tôi mua được chiếc xe mới, xe mini van. Vợ
con vui vô cùng. Từ nay không sợ trời tuyết nữa, không sợ hư xe dọc đường, lại
tha hồ rộng-rãi cho vợ con bày-biện khi đi đây đi kia. Suốt đêm thỉnh-thoảng
tôi lại vạch cửa sổ từ trên lầu hai nhìn xuống sân sau chỗ đậu xe để thấy xe
mình đẹp, nhìn góc nào cũng đẹp. Tôi ngủ chập-chờn vì vui sướng. Sáng sau
thức-dậy đi làm, tôi đi vòng quanh xe để chiêm-ngưỡng đứa con yêu-dấu thì bỗng
nhìn thấy một miếng gỗ nhỏ đặt đằng sau một bánh xe. Kể ra miếng gỗ nhỏ bằng
hai ngón tay vương-vãi trên sân là chuyện bình-thường, nhưng vì yêu-quí chiếc
xe của mình nên tôi cúi xuống lấy miếng gỗ ra. Trời đất, một chiếc đinh
ốc dài xoáy qua miếng gỗ, để ngửa gài dưới bánh xe của tôi.
Người Mỹ xung-quanh
chắc không trèo hàng rào vào sân sau nhà tôi làm gì. Người đồng hương thuê lầu
dưới được chúng tôi lấy rẻ hơn giá thường đã là nghi-can của chúng tôi. Dù
không có bằng-chứng nào, tình hàng-xóm của chúng tôi không còn được tự-nhiên
như trước nữa. Điều quan-trọng hơn là, vì không tìm ra mình đã làm phật lòng
người ta điều gì cho nên tôi bắt-đầu e-dè khi mình có gì nổi-bật hơn người khác.
Một người bạn làm ăn cần-cù nuôi con ăn học ra trường. Nhờ cháu ngoan, chăm-chỉ
nên sau hai năm đã mua được một căn nhà single trong một khu trung-lưu khang-trang.
Sau 30 năm sống trong một apartment trên lầu, dù là nhà của mình nhưng
chật-chội, bây giờ họ mới có một chỗ ở thoải-mái. Tôi mừng cho gia-đình bạn, và
thường lui tới giúp-đỡ những chuyện lặt-vặt. Chị mua nhà rồi mà vẫn lo-lắng hỏi
ý-kiến chúng tôi về đủ mọi thứ từ trong nhà ra đến ngoài sân, cây-cối, bờ dậu…
Chúng tôi bảo, căn nhà với giá này là rất xứng-đáng, rất đẹp không mua mắc đâu.
Vườn-tược như thế này là được săn-sóc kỹ rồi. Mùa thu dĩ-nhiên nhìn xờ-xạc,
phải chờ mùa xuân rồi sẽ thấy, rất đẹp đó.
Hóa ra, chị cho biết, càng những người gần-gũi thì lại càng chê-bai nhà chị,
nào là nhà mua mắc quá, nhà xây kiểu Mễ, cần phải phá chỗ này cho rộng ra, cắt
cột kia đi nhìn cho khỏi vướng.
Nào là thua nhà họ xa, nom không có chút
cảnh-quan gì. Họ làm chị cứ cuống cả lên. Thế rồi chị than-thở: “Người ta chỉ
muốn mình thua kém để họ an-ủi chứ không muốn mình bằng họ đâu.”
Có những người cứng-rắn, có những người cần bạn, nhưng tội-nghiệp khi họ chỉ
tìm được những bạn muốn đứng trên người khác mà thôi chứ không muốn làm bạn với
người bằng họ, hay không muốn bạn bằng mình, chưa cần nói hơn.
Sự ngang bằng không phải chỉ về tài-sản, tài-năng, kiến-thức mà cả về đức tính.
Nhiều năm trước, mỗi lễ Giáng Sinh, các cộng-đoàn Việt Nam tiểu-bang chúng tôi
qui-tụ mấy ngàn người tại nhà thờ Chính Tòa để dự thánh lễ do Đức Hồng-Y Tổng
Giám-Mục chủ-tế. Ngài rất thương người Việt nên bao giờ cũng dành tối ngày 24
dâng thánh lễ Giáng Sinh cho cộng-đoàn Việt Nam. Hơn 10 năm trời tôi được hân-hạnh
là người dịch bài giảng của ngài, thường phải dịch trực-tiếp từng câu hoặc từng
đoạn. Dịch kiểu này khó nhưng sống-động hơn là đọc bài viết sẵn. Vì thế tôi
phải chuẩn-bị bằng cách đọc kỹ các bài đọc và các lời nguyện trong thánh lễ.
Rồi khi xếp hàng trong phòng áo lễ, ĐHY cũng nói qua với tôi ý chính trong bài
giảng của ngài. Một cha cho biết, năm nào ngài cũng yêu-cầu tôi là người dịch.
Không biết ngài đánh giá bằng cách nào trong khi ngài không hiểu một chữ tiếng
Việt.
Điều tôi muốn nói là tôi không bao giờ thấy mặt mình trong những cuốn video
chung. Có cuốn tôi nghe tiếng của tôi nhưng không thấy hình mình đâu cả. Và một
lần, trước giờ lễ, vị linh-mục trưởng ban tổ-chức mới đến cộng-đoàn, cho người
đến bảo tôi, “Cha (…) sẽ là thông-dịch viên, anh không phải dịch nữa.”
Nói cho đúng, tiếng Anh của tôi làm sao so được với thế-hệ con cháu mình, mình
có hơn là ở phần diễn-đạt tiếng Việt thôi. Mình hiểu làm sao thì mình diễn-tả
lại cho người khác hiểu làm vậy. Cho nên tôi chưa bao giờ phàn-nàn hoặc tìm
cách lấy danh-dự cho mình. Chuyện xảy ra vài chục năm rồi, nay tôi mới kể lại.
Cũng vài chục năm sinh-hoạt ca-đoàn, một trong những khó-khăn tôi gặp phải là
chọn người đơn-ca. Chọn đúng người hát hay không phải là tiêu-chuẩn dễ được
chấp-nhận dù khách quan, mọi người trong cộng-đoàn đều khen-ngợi. Tôi thấy cần
phải tạo cơ-hội cho mọi người phát-triển khả-năng – hát hoặc điều-khiển
ca-đoàn. Nhưng khi đã làm được vài lần, ai cũng nghĩ rằng mình hát hay hoặc
đánh nhịp giỏi. Thế là có chuyện.
Trên kia ta cố xếp ta vào hàng ngũ các vị thánh, không biết ganh-tị, chỉ có
người khác ganh-tị với ta thôi. Nhưng nghĩ lại, ta biết rằng tính ganh-tị là
một trong bẩy tội đầu-mối của con người, ai cũng có, không ít thì nhiều, chỉ
khác là ta có kiểm-soát được nó hay không. Không kiểm-soát được nó, con thú ấy
ngày một lớn và hung-dữ. Con chó pit bull bỗng dưng một ngày kia cắn chết một
em bé hiền-lành dễ-thương hoàn-toàn vô-tội là chuyện đã xảy ra.
Chẳng mấy khi có việc lớn, mà nếu có chưa chắc ta làm được. Tuy nhiên, việc nhỏ
thì đầy-rẫy quanh ta. Rất may chúng ta được sống trong một xã-hội văn-hóa biết
trọng nhân-phẩm. Ta sẵn-sàng nói lời xin lỗi và cảm ơn. Có những nơi người ta
rất ngại nói chúng vì cho rằng nói xin lỗi là mình sai, người khác đúng. Nói
cảm ơn là mình phải mang ơn, chịu ơn. Khen người khác hay, tốt là coi như mình
dở! Thật là những mặc-cảm tự-tôn hợm-hĩnh. Không phải chúng ta là con người, mà
con người là một tạo-vật kết-hợp cả vật-chất lẫn tinh-thần hay sao? Đời sống
con người là cuộc hành-trình về Chân Thiện Mỹ. Vậy thì việc làm sai chưa hẳn
đáng trách cho bằng không chịu sửa sai. Trầm-trọng nữa là nghĩ rằng mình không
làm sai như người khác, rồi từ đó nghĩ mình không thể dở hơn người khác, hiểu
ngầm là mình không thể khen người khác!
Gionathan là con Vua Saulê, anh ta là hoàng-tử, lẽ đương nhiên sẽ là người kế
vị cha mình. Anh ta đã nghe vua cha tức-bực gầm-gừ, “Bọn nó tặng Đavít mười ngàn, còn Ta
chỉ có một ngàn. Như vậy y chỉ còn thiếu có ngai vàng của ta thôi!” nghĩa
là Đavit cũng là mối nguy cho tương-lai của anh ta. Vậy mà Gionathan lại
bênh-vực Đavit khi kể công Đavit đã cứu cha mình và toàn dân. Trong khi vua cha
lo xa về mối hậu-họa Đavit thì Gionathan dùng việc làm của Đavit để thuyết-phục
cha mình. Không biết hai cha con có tranh-luận về giả-thuyết hậu-họa có thể xảy
ra không, nhưng Thánh Kinh ghi lại lòng thiện của Gionathan đã thắng nỗi
đa-nghi của cha mình.
Tôi không có
cơ-hội lớn để chứng-tỏ sự lương-thiện của mình như Gionathan nhưng có nhiều dịp
nhỏ đã để vụt mất. Thay vào đó, tôi đã để những việc nhỏ chứng-tỏ sự bất-lương
của tôi. Tôi đang nuôi nó lớn lên như con thú dữ ở trong tôi, chẳng hạn như khi
tôi ngại bày-tỏ sự cảm-nhận, tiếng cám ơn hay lời tán-dương người khác nhất là
người quen biết và người xung-quanh. Tôi rất giống với những người đồng-hương của
Chúa vài ngàn năm trước khi thấy Ngài làm những việc cả-thể, giảng dạy điều hay
thì bảo nhau rằng, không phải Giêsu là con ông thợ mộc Giuse và bà Maria quê
mùa như chúng ta đấy ư?!
Mỗi năm nước Mỹ có
nhiều cuộc trao giải-thưởng về rất nhiều bộ-môn từ kịch-nghệ, ca múa, điện-ảnh,
thể-thao, kỹ-thuật, kỹ-nghệ, đến y-khoa, quốc-phòng, từ-thiện. Nhiều người
háo-hức coi để thấy những kiểu áo mới đắt tiền đi trước thời-đại của các minh-tinh.
Đối với tôi, điều cao-quí nhất trong các chương-trình ấy là nói lên sự cảm-nhận
công-trình và sự phục-vụ mà các nghệ-sĩ hay tác-giả đã cống-hiến cho xã-hội.
Nghe những tràng pháo tay, những khuôn mặt rạng-rỡ của khán-giả, tôi cảm thấy
như được thúc-giục để hòa-nhập nói lên sự cảm-nhận biết ơn của tôi.
Mỗi người
trong nhóm họ như một đóa hoa làm đẹp cho đời, hoa to và hoa nhỏ. Những người
khác, trong đó có tôi, có thể là những đám cỏ nhưng chúng tôi cũng hãnh-diện về
màu xanh mượt-mà của chúng tôi làm nền cho màu hoa rực-rỡ. Rễ của chúng tôi lan
ra bện lấy nhau giữ hơi ẩm cho đất và không để đất trôi đi khỏi khu vườn trong
những cơn mưa. Cỏ có nên quên cái đẹp và giá-trị của mình để ganh-tị với hoa
không?***
Nguyễn Văn Thông
__._,_.___
No comments:
Post a Comment