Popular Posts

Monday, February 27, 2017

Khi loài chim cánh cụt... ghen!


Khi loài chim cánh cụt... ghen!

HOÀI MỸ
Image result for loài chim cánh cụt.


Ghen? Thường quá! Đánh ghen? “Chuyện nhỏ”! Thần thánh cũng ghen đấy. 
Chẳng hạn trong truyện thần thoại của Hy Lạp, các thần hại nhau rùng rợn chỉ vì máu ghen. Nào Seth còn gọi là thần Horus ghen đến độ “can không nổi,” hạ được địch thủ Osiris rồi mà vẫn chưa hết ghen. 
Thần Apep hay Apophis cũng chẳng kém, ghen “tơi bời hoa lá” với thần Mặt Trời Ra. Tử chiến khủng khiếp. Apep hạ được Ra khiến vũ trụ tối tăm vậy mà chưa thỏa mãn may mà loài người phần không chịu nổi bóng đêm, phần thấy Apep ác quá, bèn xóa tên thần này khỏi “sổ bụi đời,” tức danh sách thần thánh, không thờ phượng nữa.

Huống chi loài người. Phải, người ta có máu ghen từ trong trứng nước, từ tận xương tủy. Cụ Nguyễn Du đã từng xác nhận trong truyện Kiều: “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình” và “máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen”... Tuy nhiên, thế gian thường chỉ gán chứng ghen cho phái nữ mà thôi. Trong văn chương truyền khẩu, điển hình có những câu ca dao: “Ớt nào là ớt chẳng cay; Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng” hoặc “Vôi nào là vôi chẳng nồng; Gái nào là gái có chồng chẳng ghen?”... Hoặc cùng lắm hay bí quá, các tác giả “đổ tội” cho trời, cho định mệnh, cho thiên nhiên vốn vô tri vô giác: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” (Kiều), “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen” (Kiều) và: “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.” (Kiều)


Ghen là gì? Nếu “làm sao định nghĩa được tình yêu” thì với ghen cũng thế, nghĩa là chẳng thể giải thích thỏa đáng. Tuy nhiên bài này không đề cập đến thứ tình cảm bực tức khi thấy người khác hơn mình về một điểm nào đó - ghen kiểu này gọi là “ganh tị” - hay khi mình không được thứ mình mong muốn, trong khi người khác lại đạt được, thí dụ ghen với “thằng hàng xóm” mới mua chiếc chiếc xe láng coóng hoặc với “con mẹ ấy mặt mày xấu òm mà... dám xách cái bóp hàng hiệu.”

Ở đây người viết mạn phép chỉ đá động đến thứ tình cảm “ghen” đặc biệt; ấy là cảm thấy tức tối, buồn khổ, đau lòng khi chưa “chắc ăn” người mà mình yêu đã là “của riêng” của mình hoặc nghi ngờ hay biết chắc người mình yêu đã phản bội mình...


Loài vật có ghen không?
Loài vật có ghen không? Hẳn có độc giả giải đáp ngay: Có chứ. Thiếu gì con chó xồ ra cắn khi một người lạ chỉ mới đụng sơ vào tay chủ của nó. Vẫn thường xảy ra những trận thư hùng giữa các thú vật giống đực chỉ vì giành nhau một con cái. Vâng, ta có thể kết luận: Đã có máu đỏ hẳn nhiên có... máu ghen.

Thế nhưng câu chuyện về ghen liên quan đến một loài chim mà nhìn bên ngoài, ai cũng phải công nhận chim này hiền, “có cánh mà chẳng biết bay; chân đi khệnh khạng như... say rượu cần” khiến thỉnh thoảng nó lại ngã... lăn đùng ra. Vậy mà về khía cạnh tình ái, chim này ghen hơn bất cứ thứ chim nào khác. Thưa đó là chim cánh cụt (penguin).

Số là gần cuối năm 2016, tổ chức National Geographic đã chứng minh chim cánh cụt vốn sống ở trên vùng băng tuyết vĩnh viễn Châu Nam Cực nên tưởng rằng máu chim này đã... lạnh cảm từ khuya rồi chứ, nào ngờ khi lâm vào hoàn cảnh trớ trêu, máu ghen cũng sôi sùng sục để rồi chúng cũng phản ứng mãnh liệt, quyết “ăn thua đủ” với tình địch.

National Geographic “nói có sách mách có chứng” chứ không chỉ lý thuyết. Trong một phim video tài liệu - “Animal Figh Night” - gồm nhiều tập, được phổ biến từ ngày 7 tháng 11, 2016, người xem được chứng kiến những “thảm kịch tay ba.” Theo đó, một chim cánh cụt đực còn gọi là con trống trở về tổ của mình sau chừng ít phút đi ra ngoài. Một sự bất ngờ diễn ra: Con chim cánh cụt cái cũng gọi là con mái, tức “vợ” của chim đực này, đang “vô tư” nằm trên “giường” với một “chàng” mới. Lập tức bộc phát một trận quyết chiến vô cùng ghê rợn, đẫm máu. Lý do: Ghen!

Theo thuyết trình viên trong video của National Geographic, địa điểm họ đặt máy quay phim để thâu cuộc sống tình ái của loài chim cánh cụt là nơi thuộc Châu Nam Cực hàng năm cứ vào tháng 9 có tới khoảng tối thiểu 200,000 vợ chồng hay cặp uyên ương chim cánh cụt trở về qui tụ. Chúng chọn lựa một chỗ trong “vườn địa đàng” này sau khi cả đôi đã ưng ý rồi dọn dẹp, kiến tạo “một túp lều tranh với hai quả tim vàng” hay xây dựng một “lâu đài tình ái” để rồi truyền giống hoặc sinh nở... Cả một thế giới luyến ái đậm đà. Một niết bàn yêu đương. Tôi dám chắc nhận định này hoàn toàn đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chỉ khổ nỗi, một khi đã có “yêu” ắt đương nhiên cũng phải có “ghen”.


Trận chiến tàn canh gió lạnh
Nơi thế giới loài người, dường như chỉ có phái nữ mới biết ghen trong khi giới mày râu là... nạn nhân. Ngược lại ở loài vật, cách riêng chim cánh cụt, chỉ có con đực ghen mà thôi còn con cái bao giờ cũng “ngây thơ vô tội” cho dù “nàng” khơi khơi... ngoại tình. Mặc dầu vậy các nhà động vật học vẫn “ bầu” loài chim cánh cụt là một biểu tượng về đời sống vợ chồng, bởi vì không như bao loài thú khác, chúng chỉ quen “một vợ một chồng” cho tới cuối đời chứ trừ trường hợp xảy ra sự  việc nào khác như sẽ tường thuật dưới đây. Vườn thú Bremerhaven tại Đức đã cố tách các cặp chim cánh cụt đực bằng cách nhập khẩu các chim cánh cụt mái từ Thụy Điển và tách các cặp đực ra nhưng họ đã không thành công. Giám đốc vườn thú nói rằng các mối quan hệ "uyên ương" này là quá mạnh.

Như trên vừa kể, mỗi năm chỉ một lần, “đôi ta” mới trở về “thiên đàng hạ giới” để chỉ lo giao phối mà theo các nhà động vật học, trong khi hầu hết loài vật chỉ giao phối một lần mỗi năm/mùa, còn chim cánh cụt thì đều đều, “non-stop”. Trong suốt thời gian “ô mê ly” này, con cái luôn luôn nằm trong tổ ấm để chờ ngày “sinh hoa nở nhụy.” Theo đó, con cái đẻ ít trứng (1-2 trứng), ấp 65 ngày. Sau mỗi lần ấp, con cái giảm 40-50% khối lượng, nghĩa là xuống cân, xuống Ibs (pounds) mà không cần phương pháp “diet” nào cả. Trong khi con mái nằm ổ, con trống phải rời khỏi tổ để đi kiếm mồi.

Ấy thế mới sinh chuyện! Khi trở về “nhà” với lương thực, con trống bỗng “tá hỏa tam tinh” khi khám phá có một “con đực khốn nạn” đang nằm ung dung bên cạnh “vợ” mình. Không hiểu trước đó nó có “làm ăn” gì không, chỉ biết hiện tại nó có vẻ “thơ thới hân hoan” quá, cứ dương dương tự đắc nhìn đời... Máu ghen trong tận xương tủy của con trống bốc lên như thể tình trạng hỏa diệm sơn sắp sửa phun lửa.

Con trống vội nhả hết lương thực trong thực quản ra, xông tới đồng thời đập mạnh hai cái cánh cụt, há cái mỏ dài ra mà kêu nhưng lại không phát ra âm thanh. Hùng hổ vậy đó nhưng chiến lược của nó đơn giản: Tấn công tới tập tình địch cho tới khi “thằng khốn” biến khỏi; bằng không sẽ diễn ra cảnh tương tự “máu đổ trên sân chùa.”

Nơi tất cả loại chim khác xương cánh đều rỗng nhờ thế giúp chúng dễ dàng khi muốn bay. Thế nhưng chim cánh cụt không bay được, bởi vì cánh của chúng đã... cụt thì chớ, nhất là lại đặc và cứng nữa. Loài chim này vì thế dùng đôi cánh làm khí giới vô cùng lợi hại vốn chẳng khác gì hai cái chầy đánh banh của môn “baseball” (banh chầy) mà đập, nện nhau theo tốc độ 8 cú đập trong một giây. Vì thế đầu, mặt của hai kỳ phùng địch thủ này không tránh khỏi cảnh tượng máu me đầm đìa. Ấy là còn may ở điểm cần cổ của giống chim này mập lại lắm lông nên chúng dùng để đỡ đòn hầu che chở các bộ phận quan trọng.

Theo lời diễn giải của bình luận gia, con mái thường sử dụng biện pháp “có mới nới cũ” bằng cách tự chọn gã “nhân tình” mà bỏ “tên chồng” cũ. Tuy nhiên bi hài bịch vẫn chưa hạ màn. Con (chồng) trống cũ sau đó tuy mang thương tích nhưng vẫn lẽo đẽo theo sau đôi uyên ương mới về tổ mà trước đó đã từng là “tổ ấm” của nó. Chờ cho đôi tân “gian phu gian phụ” yên ổn bên nhau xong thì con chim trống bạc phước khởi sự mở lại các cuộc tấn công mới bằng cách dùng mỏ để đục khoét cái tổ của chúng.

Sau khi tìm cách đột nhập vào gian “nhà” cũ bất chấp nhiều thương tích, con trống bày tỏ những cử cử chỉ van xin cùng “vợ,” thế nhưng “nàng” dứt khoát từ chối bằng cử chỉ chạy đến đứng sát “tình nhân.” Cuối cùng thì con trống, tức “chồng” cũ với thân phận nhục nhã, lặng lẽ ra đi, biến mình trong cơn lạnh buốt thấu xương. Kẻ chiến bại này hoặc tìm một chỗ tạm trú qua cơn bão tuyết, liếm láp các vết thương với niềm hy vọng sẽ qua khỏi; tuy nhiên cũng rất nhiều kẻ âm thầm “ra đi vĩnh viễn.” Theo National Geographic mỗi mùa cũng có đến trên dưới một-phần-tư triệu trường hợp tương tự.


Phản ứng mạnh mẽ
Sau ít ngày cuốn video về trận chiến đẫm máu này được phổ biến, đã có hàng trăm ngàn người xem. Rất nhiều người đã kinh ngạc đến bật ngửa về “truyện tình không có phần kết” của loài chim cánh cụt, đặc biệt về những phản ứng của con trống. Phần đông khán/độc giả đã diễn tả trên Twitter với lòng trắc ẩn và nỗi ưu sầu.

Một người viết: “Tôi hết sức đau buồn khi nhìn gã này. Gã đã làm tất cả mọi sự trong cuộc phiêu lưu ái tình ấy, nhưng vẫn tiếp tục thua trận.”

Một người khác nữa: “Chim cánh cụt có tòa án hay không để nơi đây chúng có thể tranh đấu quyền chăm sóc và quyền thăm viếng? Chúng tôi cần câu trả lời.”

Cũng bởi... ghen mà ra!
Petter Bockman, nhà động vật học và giảng viên Đại Học tại viện Bảo Tàng Lịch Sử Thiên Nhiên thuộc viện Đại Học Oslo, giải thích con trống trong video ấy đã hành động theo bản năng: “Chim cánh cụt là loài động vật được tạo nên để sánh đôi. Ngay cả việc ấp trứng cũng tùy thuộc vào cả hai. Chẳng hạn khi chim mẹ mất con hoặc do các chim nhỏ này không chịu đựng được cơn bão đầu tiên trong đời, hoặc bởi các lý do khác thì cả chim mái lẫn chim trống bèn có ý đồ lấy trộm con của chim mẹ khác - có lẽ là để giảm sự thương tiếc con. Hành vi này làm các nhà khoa học kinh ngạc, do nó là một hành động bộc phát về tình cảm ngược lại với hành vi bản năng; là điều mà nhiều động vật hoang dã không bao giờ có khi chúng mất con.

Vì chim cánh cụt được cấu tạo 1 cặp  nên nhu cầu hay sự ước muốn duy trì đôi lứa rất mạnh mẽ. Điều này chúng ta cũng nhận ra nơi loài người chúng ta. Con người cũng được tạo dựng có đôi, có cặp. Điều này biểu lộ trong cơ bản là tình cảm ghen tuông vốn là một bản năng, một thiên tính”.

Giải thích về thái độ của chim mái trong việc chọn con trống mới đến sau vốn lớn hơn và khỏe hơn, Bockman diễn giải: “Con mái đã tìm được rồi chọn luôn một con trống mới trong khi con trống cũ rời khỏi tổ. Khi hai con trống quyết chiến với nhau tức là một cách thức đọ về sức mạnh thì người ta cũng nhận thấy con mái đã chọn lựa đúng đắn.”


Và sau cùng chỉ có... chết mà thôi!
Trong video người ta nghe nhà bình phẩm nói rằng con trống (cũ) sau cuộc tử chiến đã bị bỏ rơi, đành ra đi rồi tự liếm láp các vết thương để sống còn. Tuy nhiên nhà động vật học Petter Bockman không tin vậy: “Không chắc chắn trăm phần trăm, nhưng phần nhiều là con trống này chẳng thể sống nổi... qua tuần trăng, không phải vì các vết thương trên cơ thể, nhưng do những vết thương lòng mới thật sự gây tử vong, bởi nó lâm vào một hoàn cảnh mà những vết thương nội tâm ấy bất khả phai mờ.”

Được hỏi “phải chăng thứ tình cảm từ sự bất hạnh sẽ đưa đến hậu quả là cái chết cho con trống ấy?”, ông Bockman giảng giải: “Khi con vật mất  người.của mình, nó liền thay đổi thái độ, điển hình là những con thiên nga hay ngỗng, chúng trở nên như điên loạn và hung dữ. Trong một số trường hợp chúng khô héo nhanh chóng. Nơi con người cũng có thể xảy ra như vậy. Khi chúng ta cảm nhận nỗi đau đớn vì bị bỏ rơi, thì đó là thứ tình cảm cực kỳ mạnh mẽ, bởi vì nó là một bản năng thuần túy.”

Chuyên gia Bockman kết luận là tuyệt đại đa số chim cánh cụt vẫn chung thủy với nhau. “Chúng có một hệ thống xã hội giống như của loài người.” Chỉ khác, loài người có lý trí nên biết dùng thời gian làm thuốc chữa các vết thương lòng hoặc chế ngự được những nỗi đau nội tâm trong khi chim cánh cụt sống theo bản năng. (hm)

__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List