Thạch Lam, Những Ðiều Còn Nhớ
Song Kim
Thế Lữ thường nói về Thạch Lam bằng những lời rất ưu ái: “Một tâm hồn rất trong sáng, hồn hậu, một con người điềm tĩnh và có bản lĩnh.” Có một thời gian dài hai người cùng làm việc với nhau ở báo Ngày Nay. Lúc đó tờ báo có uy tín khá rộng rãi, hầu hết những cây bút chủ lực trên văn đàn như Xuân Diệu, Huy Cận, Anh Thơ, Tô Hoài, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên... đều được báo Ngày Nay giới thiệu. Tờ báo có một quy định chặt chẽ, tất cả những người trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn đều phải thay nhau làm chủ bút sáu tháng. Đó là một cách “đào tạo” rất đặc biệt. Vì trong thời gian đó năng lực và trách nhiệm của người chủ bút được bộc lộ hết. Trong thời gian làm báo, có lần Thế Lữ được giao việc kiểm tra lại và hủy bỏ số bài lai cảo gửi đến báo với số lượng lớn. Buổi đêm về nhà đọc lại, anh phát hiện một truyện rất hay của Tô Hoài bị bỏ qua. Ngay đêm đó Thế Lữ đi xe kéo đến nhà Thạch Lam. Sau khi đọc bản thảo truyện ngắn, Thạch Lam nói: “Suýt nữa chúng ta bỏ qua một bản thảo quý.” Và ngay sau đó truyện ngắn này đã được in trên Ngày Nay.
Tôi quen biết Thế Lữ khi
anh đã có những hoạt động trên kịch trường, tuy vẫn còn làm việc ở báo Ngày Nay
Rất nhiều bạn bè trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn như Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nhất Linh
đều phản đối, không muốn cho Thế Lữ làm kịch. Họ sợ “mất” con người văn chương
của Thế Lữ. Tuy bề ngoài vẫn lịch sự, nhẹ nhàng, nhưng bên trong có ý không tán
thành. Vì họ nghĩ rằng tôi đã “dụ dỗ” anh Thế Lữ đi theo sân khấu. Đành rằng
tôi sẵn có máu ham mê sân khấu, kịch trường từ nhỏ. Nhưng nếu như chiếc cầu nối
giữa cuộc sống của tôi với sân khấu không phải là anh, nhà thơ Thế Lữ, thì có
lẽ cuộc đời tôi đã đi theo một hướng khác.
Trái với cả nhóm Tự Lực
Văn Đoàn, Thạch Lam và Tú Mỡ rất lại ủng hộ việc làm kịch của Thế Lữ. Một số vở
kịch của Thế Lữ như Lọ vàng, Ông ký cóp, Gái không chồng... Thạch
Lam đều đi xem và sau đó có viết bài nhận xét. Tôi gặp Thạch Lam lần đầu trong
một đêm kịch. Sau giờ biểu diễn, anh Thế Lữ dẫn đến trước mặt tôi một người
bạn. Anh nói khẽ khàng nhưng không giấu vẻ xúc động và trân trọng: “Đây là nhà
văn Thạch Lam.” Trước mắt tôi, một người thanh niên cao, gầy, có cặp mắt rất
sáng, gương mặt trắng trẻo, đượm buồn, trông nhanh nhẹn và rắn rỏi. Thế Lữ kể
với tôi hồi đó có một thứ dụng cụ để thử bóp tay bằng lò xo. Khi thử sức mình
Thạch Lam thường bóp vào những số mà chỉ mấy anh “tây đen” mới đạt tới.
Từ khi làm bạn đời với
anh Thế Lữ, tôi lại càng có nhiều dịp gặp gỡ Thạch Lam. Ngày ấy, để đến được
với sân khấu, đến được với nhau, tôi và anh Thế Lữ phải nỗ lực rất nhiều để
vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc đời. Thời gian đầu chung sống,
chúng tôi chưa có nhà riêng. Thạch Lam đã mời vợ chồng tôi đến ở chung với gia
đình anh. Chúng tôi sống cùng với gia đình Thạch lam khoảng gần một năm. Đó là
năm 1941, căn nhà của Thạch Lam ở làng Yên Phụ, ven Hồ Tây. Nhà lá đơn sơ, gồm
hai gian, cửa nhà nhìn ra hồ, có một mảnh vườn nhỏ, có cây liễu rủ rất đẹp.
Thạch Lam rất yêu cây liễu này – chính anh đã trồng và chăm sóc nó. Có lần,
trời mưa bão, một cành liễu bị gãy khiến anh xót mãi. Đồ đạc trong nhà rất đơn
sơ, chỉ có hai cái giường và một bộ bàn ghế đã cũ, ở ngoài hiên có kê một cái
chõng tre. Bạn bè đến chơi thường ngồi ở đó chuyện trò. Tính tình Thạch Lam rất
điềm đạm, không bao giờ to tiếng. Anh thường chỉ nói sau khi đã suy nghĩ chín
chắn trong mọi chuyện. Anh trầm lặng, ít nói đến mức bị nhiều người tưởng là
kiêu kỳ. Tuy ít nói nhưng Thạch Lam là người rất hóm hỉnh. Nhà tôi kể lại rằng,
khi bác sĩ báo cho Thạch Lam biết anh bị lao phổi, anh cũng chỉ thở dài, rồi im
lặng. Thời gian ở nhà Thạch Lam, chúng tôi ăn cơm cùng một mâm với gia đình
anh. Lúc này, vợ chồng anh đã có hai con. Cháu gái đầu lòng và cháu trai thứ
hai. Mỗi buổi sáng, Thạch Lam thường mặc đồ tây, quần áo chỉnh tề đi đến tòa báo
làm việc, tối mới về nhà. Thạch Lam và nhà tôi thường xuyên nói chuyện với nhau
thâu đêm suốt sáng về chuyện văn chương. Vợ Thạch Lam là một người đàn bà tính
tình xởi lởi, chị hơn Thạch Lam mấy tuổi Tôi nghe kể Thạch Lam lấy chị, ngoài
tình yêu còn có tình cưu mang.
Thỉnh thoảng Thạch Lam
lại rủ bạn bè về thăm trại Cẩm Giàng, quê hương thời thơ ấu của anh và nơi đó
cũng là nơi mẹ anh sinh sống. Nhà ở Cẩm Giàng của gia đình Thạch Lam gồm có năm
gian nhà gỗ, mái lợp rạ, đẹp, thoáng mát và rất giản dị. Bà Thông Nhu, thân mẫu
của Thạch Lam là một người cao lớn, thông minh, sắc sảo và rất có uy tín với
đàn con thành đạt của mình. Bà có thói quen là cứ đến tối lại chuẩn bị một ngọn
đèn rất sáng cho các con ngồi học. Sau này cụ đi tu ở chùa Hai Bà Trưng, rồi vào
Đà Lạt và mất ở đó.
Từ khi biết mình bị bệnh
lao phổi, Thạch Lam vẫn sống bình thường, hầu như không bao giờ anh nhắc nhở gì
đến căn bệnh hiểm nghèo mà mình mắc phải. Khi bệnh trở nặng, anh phải nằm
bẹp một chỗ, khoảng gần một tháng rồi mất. Khi chị Thạch Lam có mang cháu thứ
ba, mẹ anh đi xem tử vi, ông thầy bói nói là, nếu lần này vợ anh đẻ con trai
thì anh sẽ không sống nổi. Khi người nhà báo tin vợ đẻ con trai, Thạch Lam
không nói gì, chỉ lặng lẽ cười. Sau đó mấy ngày bệnh tình anh xấu hẳn đi. Mẹ anh
cho người đến nhà hộ sinh đón vợ con về. Khi bà chị bế đứa con trai mới sinh
đến cho Thạch Lam xem mặt, Thạch Lam còn nói: “Thằng này rồi sẽ cao đến một mét
bảy.” Lúc Thạch Lam hấp hối chúng tôi cũng có mặt ở nhà anh (thời gian này
chúng tôi đã có nhà riêng). Trước khi mất, Thạch Lam gọi bà chị gái, bảo chị
“đỡ em ngồi lên cao một chút để nhìn thấy cây liễu...” Em út Thạch Lam là bác
sĩ Nguyễn Tường Bách, sau khi xem bệnh cho anh vội quay mặt nhìn ra hồ. Thạch
Lam gọi tên người em mấy lần, nhưng Bách không quay lại. Chúng tôi nhìn thấy
nước mắt giàn dụa trên mặt anh.
Khi Thạch Lam mất, nhà
tôi rất buồn. Anh đau ốm suốt. Anh Tú Mỡ rất lo cho nhà tôi. Anh Tú Mỡ bảo tôi
nên chuyển nhà đi chỗ khác, vì nhà của chúng tôi cũng ở trong làng Yên Phụ, gần
nhà Thạch Lam. Sau đó, Tú Mỡ tìm cho chúng tôi một căn nhà ở đường Láng và nhất
định bắt chúng tôi phải chuyển đến ở. Mãi những năm sau này nhà tôi vẫn hay
nhắc nhở đến kỷ niệm những ngày cùng sống và làm văn chương với Thạch Lam.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment