Popular Posts

Monday, February 20, 2017

Văn học thổ dân Mỹ


Văn học thổ dân Mỹ

TRAN DOAN NHGO

Nhà văn Navarre Scott Momaday.
Tôi làm việc tại trung tâm ghi danh của một Sở Giáo Dục Công Lập thành phố. Học sinh ghi danh đủ mọi sắc dân. Một hôm, một phụ huynh trông có vẻ da trắng đến ghi danh cho con vào học tiểu học với cái họ khá lạ: YAZZIE. Hỏi ra mới biết học sinh thuộc một sắc dân khác: thổ dân Hoa Kỳ (Indian), bộ lạc Cherokee. Thấy lạ, tôi hỏi han đôi điều về sinh hoạt của người thổ dân. Thay vì kể chuyện, người phụ huynh hẹn trở lại, biếu cho tôi một cuốn truyện, có tựa đề “House Made of Dawn.”
Cuốn truyện dài chưa tới 200 trang. Tên tác giả hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Ðọc qua mới hay, đây là một nhà văn nổi tiếng của Hoa Kỳ, Navarre Scott Momaday. Tác phẩm này là tiểu thuyết đầu tay của ông, đoạt giải Pulitzer năm 1969. Momaday sinh tại ở một lãnh địa thổ dân, tiểu bang Oklahoma. Cha thuộc bộ lạc Kiowa, mẹ da trắng lai Cherokee. Cả hai đều là giáo sư, dạy học tại nhiều lãnh địa. Do đó, Momaday chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa thổ dân khác nhau. Ngoài Pulitzer, năm 2007, ông còn nhận được “Huân Chương Nghệ Thuật Quốc Gia” (National Medal of Arts) do Tổng Thống Bush-Con tặng, “vì các bài viết và các tác phẩm của ông ca ngợi và duy trì nghệ thuật và truyền thống truyền khẩu của Thổ Dân Mỹ.”
House Made of Dawn kể về một người đàn ông tên là Abel, sau khi tham gia đệ Nhị Thế Chiến, trở lại nhà với ông nội, là người đã nuôi nấng ông khi mẹ ông chết. Ông nội cố kéo ông về với truyền thống tổ tiên, nhưng chiến tranh và những chuyện lăng nhăng khác trong đó chuyện dan díu với một phụ nữ tên Angela, khiến Abel cảm thấy tìm thấy mình hoàn toàn bị cắt đứt khỏi nguồn cội của mình. Trong một lần gây gổ nhau với một người đàn ông khác, bị gọi là “dân da trắng,” Abel tức giận đâm chết ông ta và bị tù. Ra khỏi tù, Abel làm bạn với những người thổ dân khác, cố gắng hòa hợp, nhưng vẫn thất bại. Abel đi làm, rồi gây gổ, đánh lộn, say sưa, bị mất việc,… Một lần, Abel bị đánh gần chết, bạn anh phải đưa vào bệnh viện. Sau đó, Abel trở về lãnh địa của mình ở New Mexico để chăm sóc ông nội đang hấp hối. Ông kể lại những câu chuyện cũ và nhấn mạnh đến sự quan trọng phải gắn liền với truyền thống tổ tiên. Khi ông nội mất, Abel tự mình tẩm liệm và chôn cất ông. Ông tham dự vào những nghi lễ cổ truyền. Nhờ thế, Abel trở về với thế giới với cộng đồng của mình.
House Made of Dawn và giải Pulitzer đã đưa cộng đồng thổ dân Mỹ vào hiện thực Hoa Kỳ. Ðồng thời tạo nên một phong trào văn chương thổ dân. Tiếp sau Momaday là Leslie Silko với truyện dài Ceremony, mô tả những nghi lễ cổ xưa pha trộn cùng các cuộc tranh đấu hiện tại của thổ dân. Năm 1982, Geary Hobson cùng với nhiều nhà trí thức thổ dân khác chính thức đứng ra thành lập “Câu Lạc Bộ Thổ Dân Hoa Kỳ” (NWCA = Native Writers Circle of the America) quy tụ tất cả những nhà văn thổ dân trên khắp nước, giúp họ nhận ra bạn đồng hành nhằm mục đích tạo nên sự hiện diện văn chương (literary presence) trong xã hội Hoa Kỳ. Một tuyển tập thơ văn thổ dân ra đời, “Growing Up Native American: An Anthology” do Patricia Riley chủ trương. Ðây là một tuyển tập gồm hai mươi bài viết của nhiều tác giả. Họ kể về thời thơ ấu, trong đó, họ bị bắt buộc phải nói chỉ tiếng Anh tại nhà trường. Họ bị trêu chọc, chế giễu, thậm chí bị cô lập, bị “đuổi xuống cuối phòng” nếu dám nói những câu thông thường bằng ngôn ngữ riêng của bộ lạc mình. Nói chung, nhà trường đề ra một số chính sách có tính cách cưỡng bách đối với học sinh thổ dân, chẳng khác gì áp dụng kỷ luật trong quân đội. Ðó là hậu quả của chính sách giáo dục thù nghịch đối với học sinh thổ dân.
Trong vòng hai mươi năm kể từ khi “Native Writers Circle of the America” được thành lập, cộng đồng văn chương thổ dân đã thực hiện một bước nhảy lớn lao. Nhiều tác phẩm văn chương của nhà văn thổ dân đã được đóng thành phim. The Lone Ranger and Tonto Fistfight in Heaven của Sherman Alexie được đóng thành phim Smoke Signals (1998). Truyện dài Skins (1995) của Adrian Lewis được đóng thành phim năm 2002. Tháng Mười Hai 2003, viện bảo tàng thổ dân “The National Museum of the American Indian” đã tổ chức đại hội phim ảnh lần thứ mười hai. Sự hiện diện văn chương dẫn đến một sự hiện diện khác: năm 2002, phi công John Bennett Herrington thuộc bộ lạc “Chickasaw Nation” đã trở thành phi hành gia không gian đầu tiên của thổ dân Mỹ bay trên phi thuyền Endeavour, kéo dài 13 ngày, 18 giờ và 47 phút.
Văn học thổ dân Mỹ
Phi hành gia John Bennett Herrington.
Thổ Dân Mỹ (American Indians) khoảng hơn 2 triệu 8 người, chiếm chưa tới 1% dân số Hoa Kỳ, nhưng đại diện cho hơn một nửa số lượng ngôn ngữ và sắc dân của quốc gia tạp chủng này. Như ta biết, từ Indian để chỉ thổ dân ở Hoa Kỳ là một lầm lẫn của Columbus vì ông tưởng nơi đặt chân đến là nước Ấn Ðộ (India). Nhưng thuật ngữ này đã được viết trong Hiến Pháp Hoa Kỳ để chỉ thổ dân, cho nên cuối cùng nó vẫn được dùng cho đến ngày nay. Mỗi bộ lạc được gọi bằng nhiều tên khác nhau, khi thì bằng tiếng Anh, khi thì bằng tiếng của bộ lạc đó, khi thì bằng tiếng Tây Ban Nha được thổ-dân-hóa, có khi lại bằng một thứ tiếng hỗn hợp nào đó. Do cuộc đấu tranh lâu dài, các bộ lạc được chính quyền Hoa Kỳ dành cho một số quyền lợi và nhiều quy định đặc biệt khác. Hiện nay, có khoảng chừng 550 bộ lạc được có chính quyền bộ lạc riêng, liên hệ với chính phủ liên bang dưới hình thức Chính phủ-Chính phủ. Chính quyền liên bang còn dành chừng 300 vùng đất gọi là lãnh địa thổ dân (Indian reservations) cho các bộ lạc và xem như đó là tài sản riêng của họ. Hầu hết trong số đó có hệ thống tòa án, bộ tư pháp và lực lượng cảnh sát riêng. Một số lãnh địa có diện tích đất đai rất rộng, rộng hơn nhiều tiểu bang. Chẳng hạn lãnh địa Navajo rộng đến mười bốn triệu acres, lớn gấp ba tiểu bang Massachusetts và lớn hơn tám tiểu bang khác. Có thể kể tên một số bộ lạc quan trọng: Mohawk (còn gọi là Iroquois), Mohican (hay Mohegan), Creek, Cherokee, Navajo, Zuni, Hopi, Yavapai, Apache, Kiowa, Pawnee (Pani, Panana hay Panimaha), Osage, Kwakiutl, Shoshone, vân vân
Hiện nay, hầu hết những người thổ dân đều đọc tác phẩm của những nhà văn thổ dân. Số lượng độc giả không nhỏ: từ hai đến ba triệu. Kim Blaeser, nhà thơ thổ dân, nhìn thấy triển vọng xa hơn của văn học thổ dân, “Từ quá lâu rồi, các dân tộc thổ dân đã được đại diện bởi những nhà văn, học giả, nhà làm phim phi-Thổ Dân. Chừng nào họ không đại diện cho chính họ thì họ sẽ vẫn tiếp tục là một dân tộc bị lệ thuộc.” Và Blaeser quả quyết: “Thế hệ mới của những nhà văn Thổ Dân sẽ nói với thế giới: chúng tôi là một phần của văn chương Hoa Kỳ và xa hơn thế nữa, là một phần của văn chương thế giới.”
Nhận xét này có chút gì rất gần gũi với văn chương của người Hmong đã được đề cập đến trong một bài trước: Người Hmong, văn chương tạo nên hiện hữu.
——
Tài liệu tham khảo:

-CNN, Reading into Native American Writers, 10/1/2004
http://www.nativeamericans.com
http://www.ou.edu/cas/nas/writers.html
http://www.bookawardsbizland.com/native_writer_circle.htm
-House Made of Dawn

__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List