...Tín lý Thiên chúa
giáo xem Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là một Ngày Buồn cho nên chẳng có con chiên
nào vui chơi ca hát hay tổ chức hội hè đình đám vào dịp đó.
.....các tín hữu Thiên
chúa giáo cử hành thánh lễ Karfreitag cũng mang cùng tâm trạng buồn đau thương
tiếc như người tỵ nạn cộng sản chúng tôi đón tiếp Ngày Quốc Hận.
Thứ Sáu
Tuần Thánh và Ngày Quốc Hận
BS.Trần Văn Tích
Ở nước Đức ra ngõ là gặp nhà thờ.
Nhà tôi cũng nằm cạnh một ngôi thánh đường Thiên chúa giáo. Cứ ngày lễ hay ngày
chủ nhật thì chuông nhà thờ lại ngân vang. Nhưng hôm thứ sáu 14.04 này thì
chuông nhà thờ im lặng.
Hai cha con tôi vốn mê đá banh và
cuối tuần nào chúng tôi cũng xem các trận đấu giữa mười tám đội hạng nhất của Đức.
Thường thì thứ sáu có một trận, thứ bảy có sáu trận và chủ nhật có hai trận.
Tuy nhiên thứ sáu 14.04 này không có đá banh.
Theo Kinh Thánh thì vào ngày Thứ
Sáu Tuần Thánh trong Lễ Phục Sinh, con Thượng Đế là Jesus bị kết án và bị đóng
đinh trên thập tự giá tại thành phố Jerusalem để nhận tội cho loài người. Từ thuở xa xưa văn hoá Thiên chúa giáo
xem ngày thứ sáu trước Phục sinh là ngày sám hối, là ngày chay tịnh, là ngày cầu
nguyện. Một trong những hình thức tôn giáo quen thuộc là diễn lại
cảnh Jesus vác thánh giá di chuyển trên mười bốn chặng đường gian khó trong một
bối cảnh buồn thương đau khổ. Trong Đức ngữ, Thứ Sáu Tuần Thánh được gọi là Karfreitag;
chữ kar vốn có xuất xứ từ chữ Đức cổ chara và mang ý nghĩa buồn rầu,
đau thương. Ngày đó chuông nóc Thánh đường và dàn đại phong cầm đều hoàn toàn
ngưng đánh ngưng rung. Nói chung, Karfreitag không phải là ngày tổ chức lễ mừng
mà là ngày để tang, Karfreitag không phải là ngày khánh tiết mà là ngày lễ giỗ.
Các sòng bạc đóng cửa và các máy đánh số trúng tiền ngưng hoạt động. Thậm chí
xưởng rửa xe ôtô cũng nghỉ việc và không có chợ trời; ngay cả tổ chức dọn nhà
cũng bị cấm chỉ. Các thành phố thường xuyên nhắc nhở dân chúng về những điều cấm
kỵ hay nên tránh vào dịp Karfreitag và nhân viên công lực sẵn sàng can thiệp nếu
thấy tập tục tôn giáo bị vi phạm. Mức phạt vạ có thể lên đến cả ngàn Âu kim.
Triệt để không được tổ chức vui chơi ca hát hay liên hoan khiêu vũ. Các rạp
hát, các ôpêra cũng phải chú ý đến ngày Karfreitag.
Tín lý Thiên chúa giáo xem
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là một Ngày Buồn cho nên chẳng có con chiên nào vui
chơi ca hát hay tổ chức hội hè đình đám vào dịp đó.
Người tỵ nạn Việt Nam cũng xem
ngày Ba Mươi Tháng Tư là một Ngày Buồn. Không ai nỡ lòng vui chơi nhảy nhót vào
ngày đó. Không ai muốn ngày Ba Mươi Tháng Tư mang một cái tên khác ngoài tên
Ngày Quốc Hận. Nếu Karfreitag là Karfreitag thì Ngày Quốc Hận không thể được gọi
là Ngày Tự Do chẳng hạn và tất nhiên chỉ có kẻ thù mới gọi là Ngày Giải phóng
mà thôi. Vào dịp Ngày Quốc Hận những ai còn nghĩ đến nền văn hoá dân tộc, đều
không thể tổ chức vui chơi, nhảy nhót, càng không thể tổ chức hội chợ ăn nhậu
tưng bừng, cho dẫu là ăn crawfish.
Quốc Hận là một
khái niệm văn hoá-chính trị trong từ vựng quốc ngữ. Các từ điển, tự điển đơn ngữ
Việt-Việt không hề có mục từ nào ghi khái niệm này. Không hề có mặt trong từ điển
nhưng đã hai lần khái niệm Ngày Quốc Hận lưu truyền rộng rãi trong ngôn ngữ dân
gian nhằm chỉ ngày 20.07 và ngày 30.04. Trong khi đó cộng đồng lưu vong Nga trước
đây, cộng đồng người Tàu Đài loan cũng như cộng đồng người Cuba đang sinh sống
tại nước ngoài hiện nay không có Ngày Quốc Hận.
Chuyển dịch sang ngoại ngữ, Ngày
Quốc Hận là Mourning Day, Jour de Deuil, Trauertag. Tấm hình các anh chị
nam nữ sinh viên quốc gia Việt Nam đầu quấn khăn tang lặng lẽ âm thầm cất bước
trên các đại lộ Paris là biểu tượng lịch sử vĩnh viễn ghi dấu Ngày Quốc Hận. Đối
với Đức ngữ, khái niệm kar trong Karfreitag được hiểu là mang nội dung Kummer,
Trauer (đau khổ, buồn rầu). Những người Việt Nam tỵ nạn cộng sản sinh sống
tại Đức hầu như cùng thống nhất chấp nhận chữ Trauertag nhằm chỉ Ngày Quốc
Hận. Gia đình chúng tôi đến Đức đầu năm 1984 nên không rõ ai đã dịch Ngày Quốc
Hận thành Trauertag và cũng không biết khi dịch như vậy, dịch giả vô
danh có liên tưởng đến Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh Karfreitag hay không
Riêng tôi
thì tôi vẫn nghĩ rằng có thể các tín hữu Thiên chúa giáo cử hành thánh lễ
Karfreitag cũng mang cùng tâm trạng buồn đau thương tiếc như người tỵ nạn cộng
sản chúng tôi đón tiếp Ngày Quốc Hận.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment