Popular Posts

Tuesday, April 4, 2017

Xin đừng mang giày vào nhà

Xin đừng mang giày vào nhà

Huy Lâm
Image result for Xin đừng mang giày vào nhà
Một trong những thói quen sinh hoạt được cho là đặc thù của người Á đông, trong đó có người Việt chúng ta, là để giày dép đi đường ở bên ngoài trước khi bước vào nhà mình hay nhà của bất cứ ai khác. Mặc dù đã di cư qua sống ở những quốc gia phương Tây như Mỹ và Canada trong nhiều thập niên, thói quen này vẫn còn được đa số người Á đông duy trì cho đến ngày nay.

Riêng đối với người Nhật (và nếu kể luôn người Đại Hàn), thói quen sinh hoạt này còn được xem như một nét văn hóa của dân tộc họ. Những căn nhà truyền thống trước đây của hai dân tộc này luôn được xây theo kiểu nhà sàn với sàn nhà cao cách mặt đất khoảng nửa thước tây, và trước khi bước chân lên trên bậc thềm để vào hẳn trong nhà, người ta không quên để lại giày dép ở ngoài và chỉ dùng vớ hoặc loại dép nhẹ để đi trong nhà.

 Lối kiến trúc này đến nay vẫn còn được áp dụng ở Nhật để cho phù hợp với thói quen này, cho dù đó là nhà riêng hay chúng cư: người ta dành một khoảng trống nhỏ ở phía ngoài cửa ra vào, một bậc thềm và toàn bộ nền nhà cao hơn bên ngoài. Người ta để giày ở cái khoảng trống nhỏ đó, và dù thời tiết bên ngoài khô hay ướt, bụi bặm hay đất cát sẽ không bị đưa vào trong căn nhà và sàn nhà luôn luôn sạch. Trong những căn nhà truyền thống trước đây của người Nhật, chiếu được trải lên hầu hết diện tích của sàn nhà, và vì vậy, nguời Nhật thường chỉ đi vớ hoặc chân không ở trên chiếu. Ngoại trừ một số nơi trong nhà không trải chiếu như nhà bếp, lối đi hành lang và nhà cầu, thì người Nhật mới dùng tới loại dép nhẹ.

Nguyên nhân người Nhật và người Đại Hàn có thói quen bỏ giày dép bên ngoài cũng dễ hiểu thôi là vì hầu hết mọi sinh hoạt trong nhà của họ xưa kia diễn ra trên sàn nhà: khi ăn uống họ ngồi bệt trên sàn và dùng loại bàn chân thấp; khi ngủ thì họ trải chăn nệm ra ngay trên sàn. Đó là lý do vì sao giữ cho sàn nhà thật sạch là điều hết sức quan trọng đối với họ. Truyền thống đó đến nay vẫn còn thấy ở hầu hết mọi gia đình.

Tuy nhiên, thói quen để giày dép bên ngoài nhà không chỉ độc quyền bởi người Á đông chúng ta đâu. Một số dân tộc ở châu Âu, điển hình là người Nga, cũng có thói quen truyền thống đó. Người Nga trước khi bước vào nhà luôn để đôi giày ở bên ngoài rồi xỏ vào đôi dép tapochki để đi trong nhà. Thậm chí, học trò còn đem theo đôi dép đó khi đến trường vì nếu ai lỡ quên không mang theo thì sẽ bị chận ngay ở cổng và không được phép vào lớp học. Nếu đến thăm bảo tàng viện sẽ được nhân viên bảo tàng phát cho mỗi khách một đôi bao nhựa để mang vào bên ngoài đôi ủng. Và khi đến thăm nhà một người bạn, khách tự động biết cởi bỏ đôi giày và mang đôi dép đã được chủ nhà để sẵn cho khách. Đối với người Nga, bước vào bất kỳ nhà ai, dù lạ hay quen, trong khi vẫn mang đôi giày đi đường là một việc thất lễ.

Nguồn gốc của thói quen này đến từ đâu thì không rõ, nhưng đôi dép tapochki giữ một vai trò quan trọng trong tâm lý của người Nga. Và lợi ích thực dụng của nó thì hiển nhiên – cũng giống như thói quen để giày bên ngoài của người Á đông nói chung – là để giữ cho nhà được sạch.

Trong một số tranh vẽ của họa sĩ Âu châu ở thế kỷ 15 và 16 đã có vẽ những đôi dép được cho là để dùng đi trong nhà. Trong khi đó, có nhà nghiên cứu cho rằng, cùng thời gian này, đế quốc Ottoman đã du nhập thói quen này vào lục địa Âu châu là vì người Ottoman khi đi ra ngoài thường có thói quen xỏ luôn đôi giày nhẹ đi trong nhà vào bên trong đôi giày đi đường, nhưng ngược lại, họ không bao giờ mang đôi giày đi đường vào trong nhà mà luôn để ở bên ngoài cửa. Một số dân tộc sống trong những khu vực từng bị cai trị bởi đế quốc Ottoman dường như đã bắt chước theo thói quen này, và việc đi dép trong nhà vẫn còn thấy ở một số quốc gia như Serbia và Hungary.

Mặc dù ngày nay người dân Pháp thường đi giày chứ không đi dép trong nhà, nhưng vào thế kỷ 17, rất nhiều đàn ông Pháp trong các bức vẽ chân dung trên chân có đi dép. Đến thế kỷ 18, những buổi họp mặt đông người trở thành trào lưu của xã hội, người ta bắt đầu thấy nhiều phụ nữ Pháp cũng bắt chước đi dép tại các buổi họp mặt này

Nhiều bức vẽ chân dung của giới thượng lưu Nga ở thế kỷ 18 và 19 cũng thường thấy người trong tranh mang loại giày nhẹ kiểu Ottoman hoặc dép để đi trong nhà. Tuy nhiên, giới lao động nghèo thì lại không có thói quen này. Người nông dân và giới lao động tay chân Nga thường thấy hoặc là đi chân không, hoặc là mang giày ủng khi đi làm ở bên ngoài trời, hoặc mang loại giày ủng valenki truyền thống của Nga. Có lẽ vì sự liên hệ giữa loại dép đi trong nhà và sự hưởng thụ của bọn nhà giàu, mà sau khi cuộc cách mạng Nga 1917 thành công thì người cộng sản đã lập tức cấm người dân không cho mang loại dép valenki nữa, coi đó như thứ tàn dư của chế độ cũ không thể tồn tại trong một xã hội Sô Viết mới.

Kể cũng lạ, người cộng sản nào cũng đều có chung một tâm lý luôn coi những sinh hoạt truyền thống cũ từ lâu đời như là loại văn hoá tàn dư nguy hiểm cần phải dẹp bỏ. Nhưng lệnh cấm đó không kéo dài lâu, chỉ một thời gian ngắn sau, những đôi dép valenki truyền thống lại xuất hiện trở lại trong nhiều gia đình và người dân Nga dưới chế độ Sô Viết, sau một ngày dài lao động cực nhọc để xây dựng “thiên đường” cộng sản, trở về nhà thì lại xỏ đôi dép quen thuộc đó vào chân để đi lại trong nhà cho thoải mái.

Hầu hết các quốc gia phương tây, trong đó có Mỹ và Canada, không có thói quen mang dép trong nhà mà chỉ đi giày từ trong nhà ra đến ngoài đường, rồi lại từ ngoài đường vào đến trong nhà, mang theo dưới đế giày không biết bao nhiêu thứ bụi bặm, đất cát và những thứ dơ bẩn khác. Điều trớ trêu là phần lớn nhà ở Âu châu, ở Mỹ và ở Canada đều trải thảm khắp nhà vì là xứ lạnh, mà thảm được ví như một cái bẫy, chỉ độ vài năm sau, nếu gỡ lên thì người ta thấy ôi thôi biết bao nhiêu thứ đất cát, bụi bặm, và đương nhiên là ổ của mầm sinh bệnh, âm thầm lặng lẽ nằm ẩn bên dưới đáy.

Những dân tộc nào đến nay vẫn còn có thói quen mang giày đi đường vào nhà thì nên suy nghĩ lại và thay đổi thói quen không hay mà cứ tưởng là văn minh đó. Nhiều nghiên cứu khoa học gần đây chứng minh cho thấy sự liên hệ giữa việc đi giày trong nhà và vấn đề vệ sinh, và những đôi giày đi đường không chỉ mang theo bụi bặm mà luôn cả những thứ vi khuẩn chỉ mới nghe tên thôi cũng đã đủ khiếp sợ đến hết hồn chứ chưa nói là mang chúng vào trong nhà. Đặc biệt là những nhà có các em nhỏ thích bò lê hoặc lăn lóc trên sàn nhà thì hãy nên cẩn thận.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Houston tìm thấy khoảng 40 phần trăm các đôi giày đi đường có chứa chấp vi khuẩn Clostridium difficile (C diff), là loại gây ra bệnh uốn ván. Mà loại vi khuẩn này lại không dễ chữa.
Cuộc nghiên cứu cho biết vi khuẩn C. diff không chỉ nằm ở dưới đế giày mà còn bò lan ra nhiều khu vực khác trong nhà như bồn cầu, trên mặt bàn, mặt tủ, và bất kể chỗ nền nhà nào có bụi bặm. Vi khuẩn này có khả năng sống trên các bề mặt khô trong một thời gian khá lâu.

Vấn đề là loại vi khuẩn này có khả năng chống lại hầu hết các thuốc kháng sinh. Điều này có thể làm cho vi khuẩn sinh sôi nẩy nở thêm và làm cho bệnh nhân khó phục hồi hơn.
Ngoài vi khuẩn C. diff còn có nhiều thứ dơ bẩn khác bám vào đế giày như bụi bặm, phân chim, phân chó, lá mục, v.v… Và lá mục chính là cái ổ nuôi dưỡng vi khuẩn.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Arizona đã thử đếm coi có bao nhiêu con vi khuẩn bám dưới đáy một đôi giày và con số đã không làm họ thất vọng. Các nhà nghiên cứu tìm thấy có 421,000 con vi khuẩn và họ phân loại thành 9 nguồn lây bệnh khác nhau, trong đó có nhiễm trùng mắt, phổi và bao tử. Và trong những nguồn lây bệnh đó có một nguồn mà ai nghe đến tên chắc cũng muốn bỏ giày để đi dép trong nhà – đó là vi khuẩn E.coli khét tiếng. Loại vi khuẩn này xâm nhập và sau đó tấn công bao tử và đường ruột gây cho bệnh nhân tình trạng ói mửa và tiêu chảy.

Vậy, những điều vừa trình bày ở trên đã đủ để bạn chấp nhận thay đổi một thói quen cũ và chịu tháo đôi giày đi đường để ở bên ngoài trước khi bước vào nhà chưa?
Hãy làm ngay đi vì điều đó mang lại rất nhiều lợi ích cho chính bản thân và gia đình. Trước hết là việc dọn dẹp nhà cửa sẽ bớt đi, thảm trải trong nhà giữ được lâu hơn, và nhờ vậy rốt cuộc tiết kiệm được một số tiền kha khá.

Người ta khuyên là hãy để cái giá hay rổ đựng giày cạnh cửa ra vào để mọi người, ngay sau khi bước vào nhà thì tự động cởi giày ra và để ở đó.
Tục ngữ Việt Nam có câu “nhà sạch thì mát”, nay phải nói thêm là nhà sạch còn hợp vệ sinh và tốt cho sức khỏe của mỗi chúng ta. Và nếu nhà có em bé nữa thì chúng có thể chơi đùa an toàn trên sàn nhà mà ta không còn phải lo lắng nữa.
Huy Lâm
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List