...Càng
nhớ chuyện xưa, càng hoang mang trước cuộc sống đau thương của người dân dưới
bàn tay cai trị sắt máu của cộng sản VN , chúng đang bán nước cho lũ Tàu cộng,
một lũ khát máu nhất trên trái đất này!
Nhớ chuyện 30 năm trước theo chân đoàn hát
Huỳnh Long
Soạn giả Nguyễn Phương Cô Thục Oanh Ca sĩ Đồng Tháp Mười
Năm 1986, các soạn giả Sài Gòn cũ được hưởng lệnh “cởi trói văn nghệ sĩ” của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, được Hội Sân Khấu tổ chức cho đi thực tế quan sát cuộc sống đổi mới ở tỉnh Đồng Tháp, trong đó có các xã chiến khu xưa. Đoàn hát tuồng cổ Huỳnh Long được điều động đi hát ở các xã đó để tạo điều kiện thuận lợi cho các soạn giả có dịp tiếp xúc với đông đảo dân chúng trong Đồng Tháp Mười.
Sau khi cán bộ văn hóa thông tin tỉnh Đồng Tháp giới thiệu những thành tựu kinh tế, xã hội, văn hóa văn nghệ của Đồng Tháp Mười sau mười năm chiến thắng, họ cho chúng tôi dự một đêm văn nghệ “bỏ túi”: chương trình ca tân và cổ nhạc do nghệ sĩ tỉnh Đồng Tháp và các xã Thiên Hộ, Hậu Mỹ, Đốc Binh Kiều trình diễn.
Nhiều giọng nữ ca theo lối chân phương, mộc mạc nhưng thu hút cảm tình của khán thính giả. Tôi chú ý đến lời giới thiệu của người điều khiển chương trình mà tôi nghĩ là ông ta lầm lẫn. Đó là lời giới thiệu nữ danh ca Thục Oanh, quê ở xã Hậu Mỹ, một cô gái câm vừa nói được sau ngày “giải phóng”.
Khi nghe giới thiệu “Cô gái câm trở thành danh ca”, tôi liền nghĩ đến câu chuyện Bạch Mao Nữ mà đoàn hát kinh kịch của tỉnh Quảng Đông ở Trung Quốc qua Việt Nam trình diễn tại rạp hát thành phố. Cốt chuyện đó như sau:
Chuyện Bạch Mao Nữ kể về một cô gái nông dân bị bọn địa chủ cưỡng hiếp và đày đọa, cô phản kháng bằng cách chạy trốn vào rừng. Bọn địa chủ cho gia nhân và bọn cận vệ đuổi theo bắt lại nhưng khi thấy đôi giày rơm của cô gái rớt lại bên bờ suối sâu, họ cho là cô gái đã nhảy xuống suối tự vận. Bọn địa chủ yên chí là cô gái đã chết nên không truy lùng nữa.
Cô gái sống trong hang động trên núi như một người rừng. Cô trốn tất cả mọi người, tự hái cây trái hay kiếm thú nhỏ để ăn sống vì không thể kiếm ra lửa để nấu nướng. Sống nhiều năm trong rừng, núp trong hang động, áo quần rách hết, cô kiếm lá cây kết lại để che thân. Vì không nói chuyện hoặc giao tiếp với người, cô quên tiếng nói của con người, cô chỉ còn kêu hú như một con dã nhân. Sống với nỗi kinh sợ triền miên, tóc cô biến thành bạc trắng.
Nhiều năm sau, khi Bát Lộ Quân của Trung Cộng đánh đuổi được quân Tưởng Giới Thạch, Bát Lộ Quân chiếm Đông Tam Tỉnh và cả một vùng rừng núi rộng lớn. Thường đêm một đơn vị thuộc Bát Lộ Quân nghe tiếng hú và thấy bóng một con dã nhân, xõa tóc trắng, chạy thật nhanh từ mõm núi xuống khu rừng gần nơi đồn trú của đơn vị. Họ nghi là dọ thám của quân Tưởng Giới Thạch nên tìm cách bắt sống con dã nhân.
Một hôm họ phục kích, thấy dã nhân xuống núi, họ đuổi theo đến hang động và bắt sống được dã nhân. Họ lấy đèn rọi, thì biết đó là một cô gái bị lạc trong rừng, họ đem về đơn vị, thuốc thang cứu trị. Cô gái ở chỗ đông người, được nghe người ta trò chuyện, nên dần dần nhớ lại tiếng nói của con người. Cô được trị bịnh và được đối xử tử tế. Cô phục hồi trí nhớ, kể lại lai lịch của mình và nói rõ vì sao cô phải lẩn trốn trong rừng. Đội Bát Lộ Quân truy bắt những tên địa chủ trước kia hành hạ cô. Cô gái và dân làng được chỉ cho thấy là dưới chế độ hà khắc của bọn địa chủ phong kiến, con người bị đối xử như một con thú, và người nghèo biến thành dã thú như trường hợp của Bạch Mao Nữ. Cái tên Bạch Mao Nữ để chỉ người con gái có suối tóc trắng (Bạch Mao) Và nhờ có Bát Lộ Quân cứu, con dã nhân mới được sống trở lại kiếp người, có đủ quyền tự do sinh sống, được hưởng mọi quyền lợi thiêng liêng của một con người phải có.
Chuyện Bạch Mao Nữ là một chuyện của Bát Lộ Quân bịa đặt ra để tuyên truyền mạt sát chế độ địa chủ quân phiệt của Tưởng Giới Thạch và đề cao tính nhân bản của giải phóng quân Trung Cộng. Có thể là chuyện cô gái câm biết ca ở xã Hậu Mỹ do cán bộ CSVN rập khuôn theo công thức tuyên truyền của CS Tàu để ám chỉ ở chế độ trước cô gái bị câm hay bị buộc phải câm miệng và ở chế độ mới, cô gái được phục hồi chức năng cơ bản của con người.
Nhân chuyến các soạn giả đi tham quan các xã tỉnh Đồng Tháp có anh Bạch Tùng Hương, trưởng đoàn cải lương Huỳnh Long và vợ là chị Bạch, người quê ở xã Hậu Mỹ, anh chị về thăm mồ mả ông bà nên ở lại vài ngày. Tôi cũng xin ở lại với vợ chồng Bạch Tùng Hương để đi quan sát cho biết các xã chiến khu xưa và nhân tiện tìm hiểu sự thật về nữ ca sĩ Thục Oanh, người câm biết ca mà cán bộ Thông Tin Đồng Tháp nhiều lời khoe khoang.
Theo lời người bà con của anh Bạch Tùng Hương, là anh Hai Toàn, người hướng dẫn chúng tôi đi tham quan nhiều xã ở Đồng Tháp Mười, thì: “Hồi thời chống Pháp, Việt Minh xây cản, đắp đập khiến cho nước không lưu thông, lục bình tập trung lại thành một vùng rộng lớn, ngăn cản không cho ghe xuồng, tàu bè thông thương. Vì vậy vùng này sanh ra muỗi và đỉa rất nhiều.
Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, chánh phủ VNCH cho nhiều chiếc xáng xúc đất, phá cản, phá đập, khai thông kinh rạch. Kinh rạch được đào sâu hơn, nước từ sông cái chảy thông thương, khiến cho cá tôm thêm nhiều, bớt muỗi mòng, có nước lớn nước ròng, ghe thương buôn đi từ miệt Hồng Ngự, Phong Mỹ về sông Vàm Cỏ, đi Cái Tôm, Bến Kè, Thủ Thừa, Tân An hay đổ về hướng Cái Bè, Cai Lậy cũng thuận lợi. Đất đào kinh được mấy chiếc xáng thổi sâu vô ruộng khiến cho có thêm nhiều đất canh tác. Do đó, dân chúng ở các nơi khác về cất nhà lập vườn, làm ruộng, giăng câu lưới cá, khiến cho vùng này trở nên trù phú.
Anh Hai Toàn lấy xuồng đuôi tôm chở vợ chồng anh Bạch Tùng Hương và tôi đi từ con kinh xã Hậu Mỹ ra chợ Thiên Hộ, xong anh cho xuồng đuôi tôm chạy dọc theo con kinh Nguyễn Văn Tiếp (kinh này hồi trước có tên là Kinh Tổng Đốc Lộc) chạy về hướng Láng Biển, tới ngã tư kinh 12, anh cho xuồng đuôi tôm chạy vô kinh 12, rồi qua kinh Năm Ngàn, đến kinh Bùi, anh cho trở ra kinh Bằng Lăng, rồi quoành trở lại kinh Nguyễn Văn Tiếp, sau đó về kinh Đốc Binh Kiều… Xuồng đuôi tôm chạy tới đâu, anh Hai Toàn giới thiệu địa danh của những nơi có chợ búa hoặc có nhiều nhà cửa khang trang, nhiều khu vườn chuối và cây ăn trái. Trở về Hậu Mỹ, anh chỉ ngôi nhà ngói đỏ ngay đầu vàm kinh Hậu Mỹ và kinh Nguyễn Văn Tiếp, anh nói nhà này là của cha mẹ cô ca sĩ Thục Oanh, hồi trước năm 1954, nơi đây là nhà thờ Thiên chúa ở Thiên Hộ, bị bom đạn đánh sập, cha cô Thục Oanh là một thương buôn có tiền nên được Hội đồng Hương chính xã chấp thuận bán khu đất này, cha của Thục Oanh mới cất lên ngôi nhà ngói khang trang nhứt trong xã.
Nhân dịp anh Toàn nói đến gia đình cô Thục Oanh, tôi hỏi chuyện về cô gái câm là có thật hay là chuyện bịa của Thông Tin tỉnh?
Anh Hai Toàn lặng im thật lâu, anh Bạch Tùng Hương mới nói xen vào: “Cô Thục Oanh là cháu, bà con với chúng tôi. Má của Thục Oanh là em bà con cô cậu với tôi và anh Hai… Anh Hai ngại anh là người lạ nên không dám nói ra… Anh Hai, tôi cũng nghe đồn chuyện này, anh Phương với chúng tôi cũng như người nhà, anh có thể kể sự thật về Thục Oanh cho chúng tôi nghe được không?”
Anh Toàn do dự một chút rồi kể: “Chuyện là vầy… Ba ruột của con Oanh (tức Thục Oanh) là anh Bảy Thảnh, bây giờ đã nghỉ hưu rồi. Hồi năm 1960, anh là thương buôn chở cá tra bột từ Hồng Ngự về bán cho mấy nhà nuôi cá tra ở xã Mỹ An, Thiên Hộ, Phụng Thớt, Hậu Mỹ và Kinh 12. Có nhiều khi bán hết cá tra bột, anh ghé lại ngủ nhờ nhà của anh Tám làm răng trên chợ Thiên Hộ. Lúc đó, con Tám em cô cậu của tôi, tức là má của con Oanh đây thường mua bán trên chợ Thiên Hộ. Hai người gặp nhau, thương nhau rồi anh Bảy Thảnh xin với dì tôi, cưới em Tám. Đám cưới đơn sơ nhưng anh Bảy Thảnh và em Tám sống hạnh phúc. Họ làm ăn ngày một khá. Năm 1962, vợ của Bảy Thảnh sanh được một gái đặt tên là Oanh tức là Thục Oanh sau này. Tưởng là cuộc sống của hai vợ chồng Bảy Thảnh bình yên làm ăn phát đạt không ngờ cái Tết Mậu Thân 1968, Hội đồng Hương chính xã phát giác ra anh Bảy Thảnh là cán bộ nằm vùng của T4. Họ bao vây rược bắt anh. Sau khi hai bên chạm súng với nhau, Bảy Thảnh bị bắn trúng chân, chạy không thoát nên bị bắt. Nghe đâu có người nói những người bị bắt trong đợt đó bị đày ra Côn Đảo. Con Oanh lúc đó được 7 tuổi ta, nó thấy cha nó bị đánh đập, bị thương, nó gào khóc dữ dội.
Vợ Bảy Thảnh sợ liên lụy nên dẫn con Oanh trốn lên Chợ Lớn, làm lụng mua gánh bán bưng để sống qua ngày, con Oanh đi ở đợ cho chệt Sủi. Con Oanh từ đó ít nói, phần vì nó bị “sốc” nặng khi thấy Bảy Thảnh bị đánh đập máu me đầy mình, phần vì đang sống ấm no ở quê nhà, bỗng trở thành kẻ ở đợ cho một gia đình người Tàu. Chủ nói tiếng Tàu, Oanh không hiểu, chỉ ra dấu, ra bộ để tìm hiểu ý của chủ. Cô càng buồn cho phần số của mình nên trở nên trầm tư, ít nói ít cười.
Năm 1970, khi thấy không có ai truy cứu hay nhắc đến chuyện Bảy Thảnh nữa, tôi lên Chợ Lớn kiếm má con con Oanh đưa về nhà cũ của Bảy Thảnh ở Thiên Hộ. Tôi có người bà con làm trong Hội đồng Hương chính xã Thiên Hộ, người đó cũng là bà con với má con Oanh nên họ lờ đi cái chuyện của Bảy Thảnh. Họ cho là Bảy Thảnh bị oan do có người ganh ghét vì tranh nhau trong công chuyện làm ăn nên mới phao vu hại Bảy Thảnh.
Ở xã được hai năm, vợ của Bảy Thảnh được tin chồng đã chết nên tái giá với anh ủy viên cảnh sát xã. Anh chồng mới này rất tốt với vợ và con riêng của vợ, là con Oanh. Anh ta cho Oanh đi học chữ, học may vá nhưng Oanh không học chữ được vì khi đến trường cô dường như không nói chuyện được, không đọc lớn tiếng như các bạn. Ông chồng sau của má con Oanh đưa Oanh đi bác sĩ, tìm mọi phương thuốc để chữa trị nhưng Oanh tuy có thể nói chuyện nhưng cô thường âm thầm một mình ngồi ở chỗ vắng người. Bác sĩ bảo đó là bịnh trầm cảm. Hồi đó ở xã, không ai hiểu bịnh trầm cảm là bịnh gì.
Anh chồng sau của cô Tám, má của Oanh, thôi làm cảnh sát xã được ba năm thì đến ngày 30 tháng 4. Vì lúc làm cảnh sát, anh không gây thù chuốc oán với người địa phương, anh thôi cảnh sát, ra làm dân thường ba năm rồi nên anh không phải đi học tập cải tạo. Anh là người làm ruộng cần mẫn, ăn ở tốt với người trong xóm nên được mọi người nể vì.
Đến năm 1978, một đêm mưa gió, có người khách lạ đi xuồng máy đến ghé tá túc nơi nhà của má cô Oanh. Ông khách đó chính là Bảy Thảnh.
Bảy Thảnh bị bắt năm 1968, bị đày ra Côn Đảo. Đến năm 1975, anh được cho về nhưng vì bịnh quá nặng nên họ chở ra miền Bắc chữa trị. Anh là cán bộ quân báo T4 nên được thăng cấp. Khi chữa trị lành mạnh, anh được cho về Nam. Lúc đó là năm 1978. Anh tìm về xã cũ để kiếm lại vợ con. Khi về đến ngôi nhà xưa thì vợ anh đã có chồng khác vì vợ anh được báo là anh đã chết từ năm 1968. Từ đó đến nay, anh bặt không cho gia đình biết tin tức của anh. Sau năm 1975, anh cũng không liên lạc với vợ con nên vợ con anh tin là anh đã chết rồi. Việc vợ anh bước thêm một bước nữa là một việc làm tự nhiên của một góa phụ còn trẻ khi biết chồng đã mất mười năm qua.
Cuộc tái ngộ giữa Bảy Thảnh với vợ thật là ngỡ ngàng vì vợ đã có chồng khác. Anh quyết đòi vợ lại nhưng anh chồng sau không phải giựt vợ người ta, anh là chồng hợp pháp của cô Tám nên cũng quyết giữ lại vợ của mình. Cuộc đấu khẩu giằng co giữa hai anh chồng mà cô vợ không biết ngả về phía nào. Oanh cũng không biết là cha ruột hay cha dượng của mình có lý.
Bảy Thảnh tức quá rút súng ra đe dọa. Anh chồng sau tưởng đùa, đưa ngực ra, bảo có giỏi thì bắn đi. Bảy Thảnh trong một phút không suy nghĩ, đã bóp cò, súng nổ chát chúa, trúng ngay tim kẻ tình định. Anh hoảng hồn, bảo vợ con phải im lặng và khi được hỏi do đâu có phát súng thì nên khai là người của Phục Quốc Quân đến bảo anh chồng của cô Tám gia nhập Phục Quốc Quân. Anh không chịu nên bọn chúng bắn chết rồi bỏ đi mất dạng. Nói xong Bảy Thảnh xuống ghe máy, chạy đi.
Khi nghe tiếng nổ, du kích được báo động, tập trung phục kích quanh nơi Ủy Ban Hành Chánh Xã để bảo vệ bí thư xã và các cán bộ quan trọng của xã. Đến hơn một tiếng đồng hồ sau, khi thấy im ắng, họ mới đi kiếm coi tiếng súng nổ ở đâu. Khi đến nhà cô Tám thì họ thấy chồng cô Tám bị bắn chết, nhà không bị cướp phá, không mất vật gì. Họ nghe lời khai của cô Tám nên họ tin là thật, một tổ chức Phục Quốc Quân nào đó đang len lỏi về xã hoạt động.
Sau khi khám xét nhà cô Tám, không thấy có súng ống hay có gì khả nghi, họ cho chôn anh chồng xấu số. Không ai biết được là Bảy Thảnh còn sống và đã có lần trở về quê cũ tìm vợ con.
Sau khi cha dượng chết, Oanh trở thành cô gái câm. Cô chẳng những lặng im không hề nhắc lại chuyện cha dượng cô chết mà cả với má cô, Oanh cũng không nói chuyện nữa. Cô muốn gì, chỉ ú ớ và ra dấu. Cả xóm đồn là cô bị sốc nặng sau cái chết bất ngờ của người cha dượng, cô khủng hoảng tinh thần đến độ mất tiếng nói, có vẻ như mất trí nhớ.
Trong phòng ngủ của Oanh có một bàn phấn phía trên có một tấm kiếng tròn lớn mà cha dượng của cô mua làm quà tặng cô khi cô được 20 tuổi. Khi cha dượng của cô bị cha ruột của cô bắn chết, cô có mặt tại chỗ, chứng kiến sự việc từ đầu đến lúc xảy ra thảm cảnh, cô nghe cha mẹ dặn là không được khai sự thật, cô phải giữ im lặng và vì vậy cô im lặng, khủng hoảng tinh thần đến độ trở thành một cô gái câm. Cô không thể trò chuyện với bất kỳ người nào khác, không muốn nói chuyện với mẹ của cô nữa. Oanh bị dằn vặt: Cha cô có tội không? Mẹ cô có tội không? Và cha dượng của cô có đáng bị giết chết không? Số phận của cô tại sao phải hứng chịu những thảm cảnh bất công như vậy? Những khi buồn khổ, Oanh vào soi mình trong tấm kiếng, tự nói chuyện nho nhỏ với hình bóng của cô. Ngoài những lúc tự tâm sự trước tấm kiếng đó, Oanh tuyệt nhiên không thốt ra một lời nào với ai nữa cả.
Một năm sau, sau khi cúng giỗ ông chồng xấu số bị chết vì viên đạn hờn ghen, cô Tám bảo Oanh mang bài vị của cha dượng gởi ở ngôi chùa mới cất ở ngã sáu. Khi Oanh đi rồi, cô Tám nói cho tôi biết là Bảy Thảnh còn sống, hiện ở Saigon, cô gởi cho tôi một túi xách nhỏ bảo trao lại cho con Oanh khi nó ở ngã sáu về (lời của anh Hai Toàn người kể chuyện). Cô Tám nói thật cho tôi biết là chính Bảy Thảnh đã bắn chồng sau của cô chết và Bảy Thảnh vẫn sống làm cán bộ quan chức lớn ở Sài Gòn. Cô gạt tui là cô cần lên Sài Gòn vài bữa, cô sợ con Oanh cản trở nên mới sai nó mang bài vị của cha dượng của nó lên gởi trên chùa. Tôi lại tưởng là cô Tám lên Sài Gòn để tìm Bảy Thảnh nên tôi bảo cô cứ đi, để tôi trông coi con Oanh giùm cho.
Độ chưa tới một tiếng đồng hồ sau, tôi thấy nhà ngói của cô Tám phát hỏa. Thì ra cô gởi lại cho con Oanh một số tiền và bức thư tuyệt mạng. Sau khi cúng giỗ ông chồng sau, cô sai con gái đi khỏi nhà, cô đổ xăng tự thiêu, cô Tám chết và ngôi nhà hạnh phúc với hai đời chồng cũng cháy thành tro bụi.
Khi con Oanh về, thấy nhà cháy, mẹ chết, cô gào la, hỏi mẹ cô ở đâu, tấm kiếng mà cô thường soi hình bóng của mình để tâm sự, tấm kiếng đó giờ ở đâu?
Cô Oanh, cô gái câm trước bao thảm cảnh của gia đình, giờ đây trước cái chết của mẹ và vì mất tấm kiếng hình bóng của chính cô, cô đã nói chuyện được, tuy nhiên câu nói gần như gắn ở đầu môi của Oanh là: Công lý ở đâu? Cuộc chiến này đem lại hạnh phúc cho ai? Đem lại những tai ương đau khổ cho ai? Cha ruột của cô giết chết ông chồng sau của má cô nhưng ông có đòi lại được người vợ mà ông đã bỏ rơi không? Ông giết người vậy mà sao vẫn không bị trừng trị? Cô gái nói được nhưng khi tỉnh khi khùng.
Tôi đưa Oanh đi Sài Gòn chữa trị, trong lúc đó có người bảo là nên cho Oanh học hát, học ca, học hò, học hát ru em. Tôi thấy Oanh đỡ hơn trước. Hiện nay thì Oanh tỉnh trí hơn nhiều Nhưng lời ca điệu ru của Oanh khi thốt lên vẫn mang một âm hưởng u buồn, sầu não. Họ nói cô gái câm trở thành danh ca, điều đó có được là nhờ nó xuất phát từ tâm hồn u uẩn của Oanh”.
Vợ chồng Bạch Tùng Hương và tôi nghe chuyện kể của anh Hai Toàn, chúng tôi cũng muốn trở thành những kẻ câm giữa cuộc đời nhiều chuyện nghịch lý đến phi lý như vậy. Ở một cái xã nhỏ gần như không ai biết đến ở giữa Đồng Tháp Mười, không phải những trận chiến kinh hồn giữa bom đạn, phi cơ tàu chiến hay súng cối hỏa tiễn, không phải những trận đánh đẫm máu mà hai bên đối địch có nhiều người chết, mà chỉ là một chuyện cỏn con, chuyện chồng vợ bị cách trở vì chiến cuộc và hòa bình, thế mà nó tàn phá tâm hồn con người, khiến cho người tỉnh trí nhất biến thành một kẻ câm, khiến cho người ta tự hỏi, cuộc chiến này đem lại hạnh phúc cho ai? Hay là nó tàn phá cuộc đời của kẻ chiến bại lẫn người chiến thắng?
Lũ soạn giả chúng tôi được cởi trói, cho vô chiến khu xưa tìm thực tế để viết tuồng hát tuyên truyền cho đảng, vậy thì cái thực tế thằng cán bộ bắn chết người dân, rồi được đồng bọn của hắn giấu che tội lỗi của hắn, cái thực tế nầy viết ra thành tuồng được không?
Trong cái xã hội mà người chiến thắng và kẻ chiến bại hận thù nhau cả mấy chục năm sau khi im tiếng súng, thử hỏi có hàng mấy trăm mấy ngàn cái nghịch cảnh như chuyện của gia đình Thục Oanh, còn biết mấy thế hệ nối tiếp nhau trong đau khổ và hận thù, làm sao mà xóa được hận thù và xóa được cái tư tưởng sắt máu của cộng sản trong mọi từng lớp cán bộ ỷ thế ỷ quyền như cái gã Bảy Thảnh đó? Chuyện này có thể viết thành tuồng và được Ban kiểm duyệt của đảng thông qua không?
Càng nhớ chuyện xưa, càng hoang mang trước cuộc sống đau thương của người dân dưới bàn tay cai trị sắt máu của cộng sản VN , chúng đang bán nước cho lũ Tàu cộng, một lũ khát máu nhất trên trái đất này!
Soạn giả Nguyễn Phương
__._,_.___
No comments:
Post a Comment