Cuộc Vượt Thoát Bi Hùng
(Chuyện
kể của Vũ Mạnh Hùng)(Ảnh bạn Vũ Mạnh Hùng)
Chụp trong tiệc Tất Niên tháng 2/16 tai Orange County,USA
Hôm ấy là sáng ngày 6 tháng 5 năm 1979, trước khoảng 700 tù gồm hơn 2 phần 3 là thành phần chính trị đang chờ xuất trại lao động, 2 tù nhân dáng vô cùng mệt mỏi, áo quần rách nát, một người trong họ sắc mặt đau đớn, hai tay ôm bụng, đứng giữa một đám rất đông công an mặt mày dữ tợn. Tất cả đều chăm chú nhìn tên công an đang ngọng nghịu to tiếng đọc:
– Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam độc lập tự do hạnh phúc, bộ nội vụ, trại Gia trung quyết định thi hành kỷ luật…
Ban giám thị tại cải tạo Gia trung xét phạm nhân Vũ Mạnh Hùng can tội sĩ quan ngụy, án phạt tập trung cải tạo. Trong quá trình học tập, phạm nhân Hùng đã luôn luôn chống đối, nói xấu chế độ, lười nhác lao động, âm mưu khích động và không chịu cải tạo. Điển hình vào ngày 12 tháng 4 năm 1979, phạm nhân đã cùng một số đồng bọn xấu hành hung chém cán bộ cướp súng trốn trại. Hành động này đã vi phạm trầm trọng nội quy, kỷ luật của trại. Ban giám thị trại Gia trung quyết định thi hành kỷ luật phạm nhân Vũ Mạnh Hùng can tội sĩ quan ngụy bằng hình thức cùm một chân trong thời gian vô hạn định, hưởng mức ăn 6 ký.
Đồng chí X, trực trại K1 có nhiệm vụ thi hành quyết định này.
Ngày 6 tháng 5 năm 1979.
Trung tá Y trại trưởng,
Tiếp theo là lệnh thi hành kỷ luật người tù ôm bụng Lương Tường Khánh cũng cùng một hình phạt như người trước. Ngay sau đó, 2 người tù này được áp tải xuống nhà kỷ luật ở cuối trại và cuộc vượt thoát bi hùng của các sĩ quan trẻ của Quân lực Việt nam Cộng hòa tại trại tù Gia Trung coi như kết thúc. Tổng số ra đi là 7 mà cuối cùng còn 2 và 1 không rõ tông tích. Hơn một tháng sau đó, người tù với vết thương nơi bụng cũng qua đời vì không đủ sức chịu đựng với nhục hình ở nhà kỷ luật. Người may mắn còn sống đang kể lại chuyện này…
Đầu năm 1979, một tuần trước Tết âm lịch, chúng tôi gồm 427 người bị chuyển từ trại tù thành ông Năm (Hốc môn) do bộ đội quản trị lên Gia trung, một trại tù của công an thuộc tỉnh Gia lai Kon tum. Tôi đã có ý định trốn từ trại Hốc môn này vì qua lời mẹ kể khi lên thăm thì tôi có người bạn thân Hải quân được thả về do bệnh mắt, yêu cầu chủ tàu vượt biên tìm cách cho tôi ra để 2 đứa “đánh” chung nhưng tôi không thể trốn ra được dù mất nhiều công sức lân la tìm hỏi vì vậy, khi lên xe tải tôi đã nhanh chóng tìm ngay chỗ sau lưng tài xế, nơi có một cửa vuông nhỏ đóng kín với hy vọng trên đường di chuyển biết đâu mình có cơ hội nhẩy xe chăng? Cùng lên phía trước đứng sát bên tôi là Giám, trung úy Đại đội trưởng Biệt động quân. Chúng tôi bắt đầu quen và thân thiết nhau vì cùng ở chung tổ, ăn chung mâm khi ở trại Long giao chuyển về thành ông Năm. Không rõ Giám biết ý định trốn của tôi ở đây không vì tôi chưa bao giờ nói ra nhưng trên xe Giám bảo:
“Nếu nó đưa mình ra Trung thì đúng là trời giúp mình.”
Lúc di chuyển tù nhân bằng xe tải, chuyện chật chội ai đã từng ở tù cộng sản đều biết nhưng lúc đó, tôi bị cảm nên Giám đã chen lấn, xô đẩy cố tạo cho tôi một chỗ tương đối có thể xoay trở. Khi đoàn xe đến đèo Cả, chiếc xe chở tôi ở cuối đoàn, tôi mở cửa sổ ra quan sát, chưa kịp thấy gì thì nghe tiếng hắng giọng bên trên, ngửa cổ lên thấy ngay anh bộ đội nhìn xuống hỏi:
“Anh định làm gì? Vào đóng cửa lại đi!”
“Ngộp quá nên mở ra thở chút thôi anh.”
“Vào đóng cửa lại đi, đừng nhẩy nguy hiểm lắm!”
Thấy tôi chần chừ, anh ta lại nói:
“Nếu muốn trốn để tôi nói tài xế dừng xe rồi đi.”
Vậy là coi như hỏng, tôi đành thụt vào và đóng cửa lại. Anh bộ đội này tôi còn gặp lại 10 năm sau ở Sài gòn trong một tình huống rất hi hữu nhưng đó lại là câu chuyện khác.
Cuối cùng thì cũng đến trại vào buổi chiều, đoàn xe ngừng trước cổng, các tù nhân trông rất thảm hại, từng đoàn đang xếp hàng vào trại nên chúng tôi phải chờ trên xe khá lâu, anh em bàn tán xôn xao đặc biệt về công an áo vàng. Không mấy người hiểu tại sao lại vào trại công an, sau này mới biết là vì qua một mốc mới cải tạo. Chúng tôi xuống xe và tập họp trước cổng để bàn giao từng người bằng cách đọc tên.
Khi vào trong trại thì không thấy bóng một tù nhân nào ngoài vài anh tù trẻ chạy lăng xăng, sau biết họ là trật tự. Bọn chúng tôi được đưa vào khu A có 3 dãy nhà bằng đất đắp, mỗi dãy lại chia làm 2 phòng. Chia nhóm đứng trước các phòng trống và bắt đầu bày hàng (kiểm soát tư trang) rồi vào phòng và phân chia chỗ nằm. Trong lúc này, anh em vẫn thì thầm bàn tán bỗng có tiếng gọi ra nhận cơm nước thì ra ban trật tự họ đã gánh lên. Một vài anh tìm cách tiếp xúc nhưng thấy thái độ của họ rất thù nghịch và xấc xược khiến có anh không dằn được chửi họ. Hậu quả đến ngay tức thì vì bỗng thấy mấy tay công an xuất hiện, ra lệnh dẫn anh này đi vào nhà kỷ luật. Tội nghiệp anh chắc bị đánh dữ lắm nên vài ngày sau, đưa về cứ nằm mẹp và rên hùi hụi, đến bữa chỉ ăn được chút cháo.
Nhận cơm nước xong tất cả bị lùa vào phòng và cửa khóa lại. Mọi người đều thảng thốt vì từ khi đi tù tới giờ chưa bao giờ bị nhốt như vậy. Hầu như ai cũng bàn tán, phân tích chuyện sắp tới nhưng làm sao tìm được câu trả lời đúng đây? Giám và tôi vẫn nằm sát bên nhau sau khi bàn tới lui như mọi người, Giám nói nhỏ với tôi:
“Chuyện gì thì gì, lên tới đây là Trời giúp mình rồi! Tôi hy vọng điều này từ lâu, nó giúp tụi mình đi trước được một đoạn đường dài… như vậy thiệt là quá tốt.”
Giám kể cho tôi ý định và cho biết thời trước đơn vị Giám đóng không xa đây mà địa hình từ đó đến biên giới Giám thuộc lòng sau bao lần hành quân. Giám bảo muốn tôi cùng trốn vì không muốn bỏ bạn và hứa sẽ lo hết sức cho tôi vì biết tôi chưa bao giờ biết rừng. Tôi đồng ý nhưng nói cần chuẩn bị và chờ đợi thời cơ, sẽ bàn bạc sau. Có lẽ Tết sắp tới nên bọn tôi không có việc gì làm ngoài việc ngóng các đội khác đi về, hy vọng sẽ gặp người quen để tìm hiểu về chỗ ở mới vì bị giới hạn trong khu nên vẫn mù mờ. Mãi đến hôm Tết được xuất khu lên hội trường, Giám bỗng gặp một anh hình sự lén đến nhận mặt.
Anh ta tên Mãng, từng là lính trong Đại đội của Giám và qua đó biết trại có 4 khu theo thứ tự A B C D, sau khu A là D chỗ ở của các tù thuộc thành phần gọi là tự giác, trật tự, thi đua và nhà bếp. Phía đối diện cách sân tập họp với đằng sau hội trường sẽ là khu B, C. Cuối trại là nhà bếp với một bên là bệnh xá và một bên là nhà kỷ luật. Thấy Mãng ốm o và mong manh trong bộ đồ tù; gặp thời tiết lạnh nên Giám đã lẻn về phòng lấy một bộ quần áo và tấm chăn mỏng cho Mãng sau khi đã bàn với tôi. Anh Mãng sau này đã đối xử với tôi vô cùng tốt trong suốt thời gian tôi ở trại Gia trung. Đặc biệt là khi tôi ra kỷ luật, mặc dù luật lệ ở trại rất gắt gao, tôi vẫn bị nhòm ngó nhưng Mãng luôn tìm mọi cách để tiếp tế bạn khi củ khoai mì lúc ít rau cỏ mà Mãng lén mang được vào trại. Để có thể trao cho tôi, Mãng phải giả bệnh xếp hàng chờ khám, canh khi đội tôi ra sân tập họp thì đưa vội rồi về lại đội mình. Tôi đã chứng kiến cảnh Mãng bị trực trại hoặc trật tự đánh dã man khi khám thấy đồ ăn Mãng lén mang vào, rất tội nghiệp nhưng Mãng bảo đó là bổn phận khi tôi yêu cầu đừng làm vậy nữa. Tôi sẽ không bao giờ quên ơn Mãng cũng như rất nhiều bạn tôi không thể nhớ bằng cách này cách nọ bảo bọc, che chở giúp đỡ tôi vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn sau khi ra khỏi nhà kỷ luật trở về đội lao động.
Tết vừa xong, bọn tôi được “biên chế,” may mắn là Giám và tôi vẫn ở cùng đội 11 và chuyển xuống khu D. Việc này đã khiến tôi và 2 người bạn Hải quân khác bị tách biệt, sẽ không thể cùng thực hiện việc trốn trại như dự định, chỉ biết bảo nhau hồn ai nấy giữ. Phòng chúng tôi là căn đầu ngay cổng ra vào, cách khu A một hàng rào phân khu, bên trái giáp vách là đội tự giác đa phần lao động thông tầm sáng ra trại chiều trở về, cũng có vài người làm trên cơ quan tức là nơi ở của công an trại… 2 người trong bọn họ không hiểu sao lại thích tôi, lén lút làm quen; lén lút là vì dù ở cùng dãy nhưng có lệnh cấm mọi tiếp xúc với bọn tôi. Một buổi chiều đang vẩn vơ trước cửa phòng chờ vô chuồng, tôi bỗng nghe:
“Chào anh, còn thuốc hút không?”
Quay lại thấy anh bạn hàng xóm đang chậm bước, tôi vội trả lời:
“Cám ơn, vẫn còn…”
“Coi chừng ăng-ten.”
Nói xong, anh trở về khu vực đội anh. Đêm đó, tôi kể cho Giám và anh rất thích thú, dặn tôi ráng làm quen tìm hiểu. Giám nói cũng đã gặp chớp nhoáng một đàn anh Biệt động quân, hy vọng bọn tôi có thể biết nhiều khi có cơ hội sau này. Hôm sau, cũng quanh quẩn chờ giờ vào chuồng, anh bạn ấy đi ngang qua và nói:
“Gặp anh ở nhà cầu…”
Rồi đi thẳng về hướng cầu tiêu ở cuối dãy. Tôi tà tà theo sau và tại đây, khuất sau bức tường, anh bạn trẻ đang giả bộ tiểu, thấy tôi vào vội giúi cho một gói nhỏ và nói: “Thuốc đó, hút hết hoặc cần gì thì nói tôi” xong anh đi ra. Tôi nhét vào người, nhìn quanh bỗng thấy dòng chữ rất to viết trên tường: “TIÊU CHÍNH LỖ” mà bật cười! Ba chữ này khiến tôi phải suy nghĩ cả buổi mới hiểu ra… Đúng là ngôn ngữ xã hội chủ nghĩa.
Đội 11 cùng vài đội nữa trong số anh em 427 được phân công đào hào xung quanh trại, hào có dạng hình thang ngược với đáy ngửa lên rộng khoảng 6m, sâu 2m và đỉnh 4m rộng, sát với hàng rào tre rất dầy cao chừng 3m mục đích để chống tù trốn trại. Công việc này kéo dài độ 2 tháng trời sau đó đội tham gia cuốc rỡ đất hay làm cỏ. Thời gian này Giám và tôi bắt đầu chuẩn bị… chờ khi bắp cao ngang ngực thì sẽ lẻn trốn vào lúc lao động. Theo lời Giám, mỗi tuần tôi khai bệnh một lần để nghỉ ở nhà, đợi khi đội đi lao động thì vào nhà cầu trong phòng mài mỏng kẽm gai đã đuợc cắt khúc, uốn thành lưỡi câu sau này câu cá; tuy vậy những lưỡi câu này vô tích sự vì trong đoạn đường vượt thoát đâu có giờ làm Lã Vọng vả lại lưỡi không có ngạnh thì làm sao bắt được cá… Đúng là tay mơ!
Tôi lại tham gia vào đội banh của trại, trước hết là cho đã cơn ghiền sau để tập cho đôi chân thêm cứng cáp. Chắc chắn trại biết thế nào bọn tôi cũng có kẻ tìm cách trốn nên mỗi lần tập xong chờ vào trại, tay cán bộ giáo dục thường răn đe bằng cách nói thẳng:
– Tôi biết trong số các anh mới lên thế nào rồi cũng có anh trốn nhưng báo trước là sẽ không thoát đâu, chỉ vài hôm là bị bắt lại thôi! Đã có nhiều vụ như vậy rồi nhưng đâu có ai thoát…
Kế hoạch của Giám là khi trốn được vào rừng sẽ tìm đến đỉnh Hàm rồng, nơi đóng quân của Giám thời xưa, lấy đó làm điểm xuất phát để tiến qua biên giới theo đường mà Giám bảo thuộc lòng vì lúc trước hành quân đã đi lại không biết bao nhiêu lần.
Âm thầm chúng tôi chuẩn bị nhưng thật ra đâu có gì đâu mà chuẩn bị! Giám bảo chỉ cần muối, còn lương thực thì có thể kiếm dọc đường. Sau vài lần tôi kín đáo tiếp xúc với 2 bạn hàng xóm, biết được họ trước kia là công an, sau phạm lỗi bị tù. Hai bạn trẻ này rất dễ thương, một người tên Dũng trắng trẻo cao ráo như thư sinh còn người kia da ngăm ngăm trông ra dáng nông dân tên Hoàng; cả 2 đều làm việc trên khung, nơi ở của cán bộ trại. Lúc này không khí cũng bớt căng thẳng nên có thể trực tiếp nói dăm ba câu thăm hỏi lúc chờ vào chuồng. Tôi nói dối là không có muối để đánh răng, thực tế vì đề phòng tù trốn nên mỗi bữa ăn, tù chỉ được phát… 2, 3 hột muối hột để đưa chút cơm tiêu chuẩn vào miệng.
Người bạn dáng nông dân thường tiếp xúc với tôi không chút nghi ngờ, hẹn hôm sau sẽ cho với lời dặn cẩn thận. Vài lần như vậy với những lý do này nọ, tôi đã tích trữ được một bi-đông muối. Tôi rất cảm kích tình cảm của 2 bạn này và thấy bứt rứt khi đã thoát ra được mà không biết họ có bị gì không?
Rất may là khi bị bắt về, sau kỷ luật rồi trả về đội để lao động, tấu xảo là tôi lại trở về phòng cũ và gặp 2 bạn này. Thái độ của họ đối với tôi vẫn không thay đổi, tiếp tục giúp đỡ thậm chí ở mức cao hơn, có lần họ cho tôi một lon gô chặt cứng thịt bò với lời dặn vào chiều hôm trước để biết chỗ lấy lúc ra chuồng buổi sáng. Khi kể đến đây, tôi phải nói lên lòng biết ơn các bạn, biết rằng không thể trả được ơn, chỉ biết cầu nguyện cho các bạn mọi điều tốt lành. Về phần Giám thì tìm cách tiếp xúc với vị niên trưởng Biệt động, biết được ý định bọn tôi nên ông đã chỉ dẫn kỹ càng khu vực đội ông hàng ngày làm việc, những chỗ phải lưu ý để có thể đi được đến Hàm rồng (đây là đoạn đường Giám cần biết) với lời chúc may mắn.
Đêm xuống, Giám hay nói cho tôi nghe về những địa điểm quan trọng khi trốn đi… tỷ như cách trại độ 10 km về hướng Bắc là Làng cùi… rồi dặn dò những gì cần trang bị với khả năng của mình khi đi trong rừng. Như vậy cho đến khi thực hiện cuộc trốn trại, tôi cũng chuẩn bị khá đầy đủ: túi đeo, bi đông, gô, tấm nilông để che mưa… Một vấn đề lớn là tôi không có giầy, chỉ có mỗi đôi dép râu tự chế. Giám nói phải tìm cách kiếm cho tôi đôi giầy, không thì không thể lội trong rừng được. Một hôm, tôi thấy anh bạn cùng đội lấy ra đôi giầy bố còn mới, loại học quân trường. Anh đi được vài ngày, rửa sạch rồi để ở chỗ quy định dưới cửa sổ, tôi lén thử thì thấy rất vừa. Không thể mua bán gì được vì anh cũng khá thân hay tiếp xúc nói chuyện nhưng anh có tật bô lu bô la nên chúng tôi không thể để anh nghi ngờ điều gì và rồi tôi cũng đã nghĩ ra cách.
Đêm trong phòng, tôi hay rủ vài người bạn dễ thương đến hút thuốc lào nói chuyện tầm phào, thuốc được cung cấp khá thường xuyên bởi 2 người bạn trẻ nên hút thoải mái. Mọi chuyện có vẻ đang suông sẻ như dự tính, tôi bỗng để ý thấy Hòa hay ngân nga trước sau có mỗi câu “It’s now or never” ở mọi nơi mọi chỗ và sáng sáng, khi ra khỏi buồng thường chạy lòng vòng hay chạy ngay tại chỗ mà mặt thì hướng về phía… rừng.
Để ý thêm, tôi thấy Hòa, Quốc, Quyền hay bàn tán và lại ngồi ăn cùng mâm. Tôi nói với Gíám điều quan sát này với ý nghĩ là họ cũng có cùng ý định như bọn tôi. Giám bảo sẽ tìm hiểu vì anh quen biết với họ từ lúc ở những trại trước.
Vài hôm sau, Giám xác nhận nhóm này có ý định trốn và rủ anh nhập bọn. Giám trả lời để suy nghĩ thêm. Giám nói đi đông quá dễ bị lộ nên phân vân hỏi ý tôi. Trước khi tôi nói cho anh biết hiện tượng tập thể dục của Hòa thì Giám cũng đã có ý rủ thêm một hai người nữa để tương trợ nhau khi đi trốn, chỉ 1, 2 người thôi và người mà cả hai đứa ưng ý nhất là Lập, rất kín tiếng, tướng tá lại rắn chắc tuy hơi thấp so với bề ngang nhưng anh ta lại từ chối. Bây giờ Gíám thấy khó xử vì như Giám đoan quyết là không ai rành rẽ điạ thế ở đây như anh mà nếu đi đông quá thì sẽ có nhiều trở ngại cho anh; lúc ấy, tôi không hiểu trở ngại gì nhưng sau này khi đã thoát vào rừng thì tôi mới hiểu!
Tôi lại báo cho Giám là mình vừa phát hiện ra một nhóm 2 người nữa có thể cũng muốn dông. Giám rất phân vân và nói có lẽ còn nhiều nhóm nữa cũng đang âm mưu, vấn đề là đám nào “đánh” trước là các nhóm sau sẽ hổng cẳng có khi còn bị liên lụy nữa. Một hôm, tôi thấy 3 người Quyền, Quốc, Hòa ăn chung bữa cơm với Khánh, Toàn (nhóm 2 người), họ nói chuyện khá lâu, tôi nói cho Giám biết suy nghĩ của tôi, phân tích thấy những bạn này đã ôm ấp ý định trốn trại từ lâu nên có sẵn kế hoạch cụ thể là khi lập đội 11, Quyền, Quốc, Khánh, Hoà đã tình nguyện ra làm tự quản đội. Lúc đó, tôi cũng bảo Giám ra giữ vai trò tổ trưởng và tôi làm tổ phó để dễ che đậy âm mưu và như vậy, đội 11 đã có dàn tự quản rất năng nổ gồm: Quyền đội trưởng; Quốc đội phó, Khánh thư ký, Hoà, Giám, Rạng và Bửu (khá lớn tuổi) làm các tổ trưởng. Bỗng nhiên, tôi hiểu ra và bảo Giám là họ sẽ bạo động trốn chứ không như mình âm thầm lủi đâu. Theo nội quy trại mà bọn tôi phải học trong thời gian ở không chưa đi lao động là phải luôn luôn giữ khoảng cách với cán bộ khi báo cáo 3m hay 6 bước gì đó. Làm tự quản dễ có lý do tiếp xúc gần, ít bị chú ý nên có thể chớp thời cơ cướp súng. Giám hỏi tôi nếu đúng như thế thì mình phải làm sao? Tôi trả lời là trốn thì mình chắc làm rồi nhưng nếu để họ “đánh” trước thì mình sẽ hết cơ hội, cách hay nhất là nhập bọn rồi khi đi thoát có thể đề nghị tách riêng. Vả lại nếu đi mà có vũ khí thì tốt hơn vì công an trại sẽ sợ không dám đuổi theo mà có khi còn kiếm thêm được súng dọc đường nếu gặp cơ hội. Giám suy nghĩ rồi đồng ý và bảo sẽ nói chuyện với Quyền.
Thế là một liên minh hành động đã được thành lập, để bảo mật thì cứ sinh hoạt như thường còn muốn thông tin gì thì các cấp “tự quản” nói chuyện với nhau. Tất cả đều chờ thời điểm thuận tiện.
Vài cơn mưa tháng tư bắt đầu, các đội nông nghiệp đã phát quang một diện tích khá lớn để gieo bắp; mưa làm đất trở nên dẻo quẹo, dính dép mỗi bước đi, đôi dép cao su tự chế cứ bị tuột quai nên nhiều khi tôi phải đi chân không. Giám bảo chắc không chờ bắp cao ngang ngực vì sợ mưa nhiều làm nước suối chảy xiết sẽ dâng cao nên ban “tự quản” phải họp. Một tối Giám nói:
“Tụi nó hỏi ông có dám chém chèo để cướp súng không?”
Tôi bảo:
“Nếu cần thì làm mặc dù tôi chưa bao giờ chém ai hết, vấn đề là phải có cơ hội đến gần.”
Vài ngày sau, Giám nói cho tôi biết:
“Thật ra các bạn muốn chắc chắn là tôi quyết tâm đi chứ đâu thể giao cho anh chàng tay mơ một việc có tính quyết định như vậy.”
Sau vài lần nói chuyện, Giám bảo cả bọn đã quyết định phải ra đi trong tháng 4 này không thể trễ hơn. Phần cướp súng được giao cho Quốc và Khánh vốn là đội phó và thư ký đội. Tôi đề nghị với Giám ráng đi trước khi trại lập đội văn nghệ mà nghe phong phanh là có thể họp vào thứ bẩy 14 tháng 4 này.
Tôi khó có lý do từ chối tham gia vì khá đông tù biết tôi vẫn hay đi hát rong nhiều lúc vượt rào qua trại khác để hát ở Hốc môn và “manager” của tôi không ai khác hơn Giám. Một vấn đề nữa mà mọi người đều đồng ý là phải chém thằng gian ác lấy súng, chứ chém thằng vệ binh tốt bụng thì tội nghiệp. May mắn vào đầu tuần đó, đội tôi gặp một tay vệ binh rất khó chịu, hối thúc làm việc và thậm chí không cho xuống suối tắm rửa sau khi lao động nữa, mọi người rất là tức giận, chửi bới, rủa sả và như thế bản án của hắn đã được định. Nói thêm một chút về đội 11 lúc đó, hình như tất cả anh em Việt gốc Hoa đều ở đội này và quản giáo nghe nói cũng là dân thiểu số đâu đó giáp biên giới Việt Hoa nhưng tôi chưa bao giờ thấy mặt. Thường khi ra khỏi trại thì thấy vệ binh cầm súng theo sau và cũng chỉ thấy có một anh thôi trong khi các đội bạn thường đi 2 người. Thời gian này, đội đang làm cỏ ở miếng đất nằm giữa trại và rừng, dọc theo một đường lộ chạy thẳng từ trại đến rừng là nơi các đội di chuyển với thế dốc lên cao nên khi lao động nhìn xuống vẫn có thể thấy trại.
Đêm 10 tháng 4, sau khi họp bàn, Giám bảo bọn tôi sẽ đi ngày 11 hay 12 khi có dịp vì ngày 13 là thứ sáu… kỵ! Giám dặn mặc 2 bộ quần áo, bên ngoài là đồ trận, bên trong là đồ tù, nếu có đồ dân sự cũng mang theo bỏ trong túi xách cùng các vật dụng khác có thể sử dụng được khi đi rừng đặc biệt là bi-đông muối. Khi ra lao động, nhớ để đồ của đoàn cạnh nhau cho dễ nhặt. Tôi vẫn không có giầy, sực nghĩ ra cách nói dối người bạn có giầy để không là tôi bị bong da chân do đi dép râu trơn trợt nên mong anh cho mượn đỡ đôi giầy đi vài hôm.
Không nghi ngờ anh vui vẻ đồng ý, vậy là sáng ngày 11 bọn tôi nai nịt như đã bàn, xuất trại lao động. Bẩy người chúng tôi gồm:
1- Tiền Quốc Quyền, Trinh Sát Sư đoàn 5 BB.
2- Nguyễn Hưng Quốc, Không quân.
3- Nguyễn Văn Hòa, Biệt cách 81.
4- Lương Tường Khánh, Sư đoàn 5 BB.
5- Nguyễn Văn Toàn, Sư đoàn 5 BB,
6- Trần Văn Giám, Biệt động quân và
7- Vũ Mạnh Hùng, Hải quân.
Cả ngày 11, bọn tôi vẫn chưa có cơ hội nhưng tôi lại phát hiện thêm Rạng và Lập cũng trang bị khác bình thường, Gíám bảo cứ giả như không biết chắc là bọn họ cũng chờ khi mình đi thì theo vì nếu ở lại sẽ không còn cơ hội trốn nữa. Giám còn nói chắc họ chỉ đoán là bọn mình định trốn thôi, không thể biết sẽ trốn bằng cách nào cũng như bọn mình bao nhiêu đứa? Hôm sau 12, không được xuống suối rửa ráy sau buổi lao động ban sáng, khi vào trại tôi bị tên trực trại chỉ mặt bảo phải hớt tóc nếu không hắn có biện pháp, tóc tôi lúc ấy cũng khá dài nhưng nghĩ là chiều nay sẽ dông bằng mọi giá như Giám xác định nên tôi mặc kệ.
Khi đang ăn trưa tôi quan sát thấy Toàn đã xả trang bị nên cảnh giác Giám. Giám đi tìm hiểu nhưng về nói không rõ và chỉ dặn là theo sát Toàn từ giờ để đề phòng chuyện không hay. Lúc tập họp xuất trại lao động buổi chiều, tôi ngồi sát Toàn quan sát động tịnh và ngay cả khi lao động tôi cũng dính sát. Thật hay là Toàn không có dấu hiệu gì lạ cho đến lúc tiếng kẻng báo hết giờ lao động, tên cán bộ vũ trang bảo thu cuốc xẻng thì tình huống thật bất lợi nhưng kế hoạch vẫn phải thực hiện. Lý do là toán tự giác về từ khu rừng bọn tôi định chạy vào, lại được lệnh ngồi nghỉ chỗ bọn tôi đang cuốc thay vì đi thẳng xuống suối tắm rửa như lệ thường. Hai tên vệ binh của đội này bỗng nổi hứng bất thường, ngồi nói chuyện với tên vệ binh canh chúng tôi mãi đến khi bọn họ rời đi chưa được vài phút thì kẻng. Tôi gom cuốc và theo Khánh lúc ấy đang cầm cây rựa dùng để phát quang đi đến nhà lô cất trong khi cả đội đang tập họp trên đường lộ theo lệnh của Quyền thì thấy Quốc tiến đến gần tên cán bộ giả bộ báo cáo rồi bất ngờ nhào tới ôm chặt hắn, trong lúc hắn đang vùng vẫy thì Khánh nhảy tới chém vào người hắn mấy rựa, hắn la hét và quị xuống thì Quốc đã lấy được khẩu súng hắn đang đeo và chạy ra, cùng lúc tôi nghe Giám gọi thất thanh:
“Hùng ơi… chạy mau.”
Tôi vội phóng đến chỗ để túi xách, chộp lấy và chạy theo Giám trong lúc toàn đội rúng động xôn xao. Chạy được vài chục bước, tôi quay qua Giám và nói:
“Mình phải ra đường lộ mới chạy nhanh hơn được vì đất ở đây mềm quá!”
Chạy ngang vài chục bước đến đường lộ, nhắm hướng rừng tăng tốc độ trong khi tiếng súng nổ rền. Vừa chạy vừa nhìn quanh, tôi thấy ngoài Giám đang ở bên phải lại có thêm Khánh và Hòa, còn Rạng không ngờ cũng chạy nhưng không cùng hướng với 4 đứa tôi, ngược lên phía Bắc, hướng lên Pleiku mà không thấy có mang gì theo cũng như chỉ mặc mỗi bộ đồ tù. Có lẽ Rạng sau buổi trưa hôm đó nghĩ rằng chúng tôi nghỉ chơi nên cũng xả chuẩn bị như Toàn chăng? Cho đến giờ tôi vẫn không rõ tình trạng Rạng ra sao? Đường vào rừng khá dốc nên chạy độ 50 m tôi mệt quá, đành đi bộ để dưỡng sức trong lúc súng vẫn nổ vang. Giám chậm lại chờ tôi và bảo ráng lên, khi tôi bắt đầu chạy trở lại được vài bước thì bỗng thấy trước mặt máu văng tung tóe, nhìn xuống tay trái thì máu đã thấm đẫm cánh tay áo. Quay qua Giám nói:
“Tôi bị bắn vào tay rồi.”
Giám lại bảo:
“Cứ chạy, vào được rừng sẽ tính.”
Bốn đứa chạy thêm độ vài phút nữa là tới bìa rừng, Giám hối mọi người ráng chạy sâu vào trong cho an toàn. Khoảng 10 phút sau thì đến một bụi cây khá to, Giám bảo tạm nghỉ để chờ Quyền và Quốc. Súng vẫn nổ lai rai, kiểm soát vết thương ở tay chỗ gần cùi chỏ, tôi thấy máu không ra nhiều nữa, chỉ rịn ra ở cái lỗ cỡ hơn đầu đũa. Giám xé miếng vải quấn chặt chỗ bị thương rồi dùng một miếng đeo cái tay trái tôi lên cổ. Chỉ vậy thôi, không có một chút thuốc men gì thế mà vài hôm sau, lúc chờ vượt đường 19, tôi tháo vải băng ra thì đã lành lặn hồi nào. Cả bọn đợi lâu lắm, tiếng súng đã dứt từ lâu mà vẫn không thấy động dạng gì của Quyền và Quốc, có lúc Hòa giả giọng kêu… vẫn im hơi. Bốn đứa bèn bàn với nhau là mình phải đi thôi, hy vọng 2 người kia cũng đã ở đâu đó trong rừng rồi và vì không gặp nhau nên họ đã đi riêng. Giám có vẻ hơi chần chừ, nói Quyền khoe có la bàn nhưng bây giờ lại bị lạc nhau, định hướng sẽ khó khăn.
Hòa và Khánh nói có la bàn hay không cũng phải đi thôi vì mình chờ quá lâu, dễ chừng đến hơn 2 tiếng. Vậy là cả bọn lên đường sau khi kiểm điểm lại đồ đoàn và ai cũng mang được túi của mình. Bốn đứa đi một hàng dọc, Hòa cầm rựa đi trước, tôi một tay đeo cổ, Giám sau tôi và Khánh cuối hàng. Đội hình di chuyển như vậy cho đến khi gặp đỉnh Hàm rồng.
Bấy giờ trời đã tối, ánh trăng 16 soi rõ cảnh vật nên cũng dễ đi, cả bọn cứ theo hướng Bắc lấy trăng làm chuẩn. Kể từ khi vào tù tôi chưa bao giờ có cảm giác sảng khoái như vậy, cứ nghĩ đến sáng mai không còn nghe và bị ràng buộc bởi tiếng kẻng là lòng tôi lại rung lên, cảm giác tự do thật khó tả. Thỉnh thoảng tôi lại la lên “Tự do hay là chết.” Các bạn tôi chắc cùng tâm trạng nên rất vui vẻ, bàn cãi lung tung đặc biệt là đoán phản ứng của những tay cán bộ ác ôn khi không còn dịp để đì chúng tôi nữa. Bỗng tôi hoảng hồn khi nghe tiếng rống, hỏi thì Giám bảo đó là tiếng tác của con Mễn, lấy đâu ra cọp mà sợ, thiệt là tẽn tò! Đi đến sáng thì Hòa nói chắc cũng xa lắm rồi, nghỉ ngơi một chút rồi coi có gì ăn chứ đói quá. Lúc đó mọi người mới nhận ra là từ bữa cơm trưa khiêm tốn hôm trước cả bọn chưa có gì bỏ bụng.
Nhưng đói thì chịu vì không có đứa nào có cái gì ăn được. Giám chỉ một cây lá khá dầy mầu hung hung và bảo: “Đây là cây vừng, ngắt ngọn ăn cũng đỡ” chát ngòm nên tôi chỉ ăn được vài lá thì bị nghẹn, đành uống nước cho đầy bụng, không ngờ đây là hành động sai lầm ghê gớm mà hậu quả đến ngay sau đó. Nghỉ ngơi “ăn uống” đầy đủ cả bọn lại lên đường. Hòa bỗng dẫn cả bọn đi vào một lối mòn và bảo lối này đã lâu không sử dụng nên chắc sẽ an toàn. Ước chừng thời gian giải lao lao động buổi sáng thì nghe có tiếng lao xao phía trước, Hòa ra dấu im lặng, cả bọn nhẹ nhàng tiến tới thì thấy phía trước là đồng trống và có một số tù đang cuốc, quan sát không thấy ai quen nên đoán rằng tù thuộc K khác. Lại thấy có 2 tên áo vàng cầm súng canh, cả bọn nhẹ nhàng rút và tiếp tục đi sâu vào trong. Bây giờ mới bắt đầu thấy khát, đứa nào cũng uống hết nước của mình rồi, Giám bảo Hòa tìm chỗ nào cây xanh và rậm hơn thì có suối.
Luẩn quẩn kiếm tìm nhưng chỉ gặp suối khô. Tất cả chú ý của cả bọn lúc này là tìm nguồn nước, đói cũng quên nhưng khát thì kinh hoàng, miệng mồm khô quắt, nuốt nước bọt cũng không được. Khánh đã phải uống nước tiểu của mình. Suốt đêm hôm đó và cả ngày hôm sau vẫn khô khốc và Khánh lại bắt đầu ho. Mặc dù xung quanh rất yên ắng có vẻ an toàn nhưng mỗi lần Khánh ho là rất tội nghiệp vì phải bóp hầu, bịt miệng để hạn chế tiếng ồn. Ho, đói, khát bọn tôi lúc ấy cứ như người bị mộng du, loanh quanh kiếm tìm, không kể phương hướng. Nửa đêm hôm đó, lúc mọi người sắp chết vì khát thì như có phép lạ, một dòng chảy loáng ánh trăng hiện ngay trước mặt, thì ra đó là kênh đào thủy lợi, nước đục ngầu. Không cần biết chuyện gì sẽ xảy ra, cả bọn ào xuống vừa ngâm vừa uống, uống đến no, ngâm cho rã mệt, rồi lấy nước trữ vào bất cứ thứ gì có thể đựng nước.
Trong tâm trạng phấn khởi cả bọn lại tiếp tục đi, sau khi vắt khô quần áo, vẫn Hòa dẫn đường lấy trăng làm chuẩn định hướng. Hòa đưa cả bọn đi vào một con đường mòn dẫn lên hướng Bắc, bảo đi vậy dễ và nhanh hơn. Gần sáng Giám phát hiện một khoảnh mì bèn nhổ vài gốc. Tất cả đều vui vì ít ra cũng có cái ăn. Không ngờ khi ánh sáng đã tỏ Hòa dẫn cả bọn tạt phải vào lối dốc bên hông đường mòn và ra dấu im lặng, té ra con đường dẫn vào làng Thượng. Vì trời đã tỏ và thấp thoáng bóng người nên Giám bảo nghỉ tại chỗ sát vào dốc đứng. Vừa ổn định xong là nghe tiếng ai nói râm ran ở trên, tội nghiệp Khánh cứ phải bụm chặt miệng để tiếng ho không phát ra. Khi mọi sự im ắng trở lại, Giám bảo lỡ rồi cứ núp ở đây, chờ tối sẽ vượt qua. Trong khi chờ sẽ nấu khoai ăn vì ai cũng đói lả. Lột vỏ cắt khúc nhét vào 2 gô, Giám đốt lửa đun trong khi tôi cầm cái nón vải tự may của mình quạt khói không cho bay lên sợ lộ tông tích. Không thể tả củ khoai mì ngon như thế nào và cơ thể sảng khoái ra sao khi cắn miếng đầu tiên sau hai ba hôm nhịn đói. Khánh cũng thấy khỏe hẳn ra dù đã bị cảm trước khi trốn đến giờ. Dầu lưng lửng nhưng mọi người thấy khoẻ, Giám đề nghị chia nhau ngủ nghỉ, chờ tối.
Khi trăng đã lên khá cao và mỗi đứa ăn thêm phần khoai mì buổi chiều thì cả bọn lên đường. Hòa dẫn thẳng vào làng, im lặng di chuyển, dọc theo 2 bên là những nhà sàn. Thỉnh thoảng nghe tiếng xầm xì trong nhà hoặc đèn bỗng thắp lên nhưng không có động tịnh gì. Cứ thế cả bọn im lặng đi tới. Khoảng gần nửa giờ thì ra khỏi làng và tiếp bước. Sáng hôm sau thấy thấp thoáng cây ăn trái bọn tôi cẩn thận tiến đến, vài chục gốc mì, dăm cây chuối đã có buồng.
Sau khi quan sát, Giám nói có thể đây là làng người cùi mà ông đàn anh Biệt động nhắc tới. Để cho an toàn, Giám đề nghị nhổ một hai gốc mì và đỡ một buồng chuối đã chín quá nửa rồi chuồn. Mặt trời đứng bóng khó định hướng, cả bọn quyết định tìm chỗ nghỉ ngơi ăn uống. Vài quả chuối trong phần ăn mỗi người khiến tinh thần sức lực lên cao để tiếp tục đi. Tối đó cả bọn gặp một lũng mà đất đai như đã được cầy lên bằng máy, đất rất xốp theo hàng, đi qua rất mất sức vì chân cứ như bị giữ lại. Rất lâu mới qua được lũng đó, cả bọn mệt lử nhất là Khánh vẫn cảm ho. Leo lên bờ dốc bên kia thấy có một bụi tre lớn bèn nghỉ lại, trải tấm ni lông ra ngủ.
Ngủ rất sâu đến sáng bảnh mới gọi nhau dậy, thu dọn, “ăn sáng” rồi mới đi. Dọc đường thấy có nhiều chum vại vỡ vương vãi, chưa kịp tìm hiểu thì có tiếng súng vang lên. Tất cả quay lại thì nhận ra bên kia dốc cách con lũng, bóng áo vàng công an thấp thoáng. Mấy ngày qua, từ hôm thoát trại đến nay bây giờ mới bị phát hiện, Giám và Hòa hối mọi người nhanh chân. Một cuộc rượt bắt diễn ra, bên này dốc con đồi chúng tôi trèo lên nhìn ngược lại thấy dăm chiếc áo vàng thỉnh thoảng nổ súng đang đổ dốc đồi bên kia. Cuộc rượt đuổi kéo dài mấy tiếng, bọn tôi cứ trèo rồi lại đổ dốc đồi này qua đồi khác, kéo theo đuôi đám áo vàng. Khi Khánh đã kiệt sức yêu cầu bọn tôi bỏ anh lại để đi cho nhanh nhưng tất cả đều từ chối và quyết định nghỉ một lúc cho Khánh lại sức thì tiếng súng bỗng êm, nhìn lại không thấy công an nữa. Lúc ấy là đang ở trên đỉnh ngọn đồi thứ năm mà cả bọn đã vượt qua. Thấy yên ắng đã lâu, Giám liền đi quan sát và mừng rỡ loan báo đường quốc lộ 19 đang ở dưới chân đồi. Tôi lần đến xem thấy xe cộ đang di chuyển phía dưới nhưng bé lắm, lòng cũng vui vì Giám nói lấy đường này làm chuẩn đi lên hướng Bắc thì có thể thấy Hàm rồng. Suốt chiều hôm đó cả bọn ngồi chờ trên đỉnh ngọn đồi nhìn xuống quốc lộ 19. Tôi kể cho Giám nghe chuyện muốn trốn ở Hốc môn và cả chuỳện gia đình sắp xếp cho vượt biên khi trốn lọt. Giám nói mình biết hết nên mới rủ rê tôi khi lên đây và bảo nếu muốn về Sài gòn thì tôi cứ tách nhóm rồi tìm cách đón xe về nhưng tôi không đồng ý vì muốn có bạn có bè. Giám có vẻ cảm động rồi rủ tôi hút thuốc rê, thuốc do Giám ngắt được từ vài cây thuốc héo chỗ bị phát hiện và bị rượt đuổi. Không còn giấy gì để vấn thuốc, sau một lúc suy nghĩ Giám lấy phong thư và rút ra lá thư bằng giấy perlure rồi bảo:
“Đây là thư cuả ba tôi, tôi định giữ làm kỷ niệm nhưng thôi giữ bì thơ lại cũng đủ, nếu qua được bên kia ít ra còn biết địa chỉ để gởi thơ về.”
Hai đứa xé lá thư ra vấn thuốc hút và Giám cất bì thư vào bóp. Đêm ấy, mây thấp nên không thấy trăng sáng, bọn tôi lần xuống đồi và vượt lộ. Trời rất tối, cả bọn bám sát nhau đi, khi chạm quốc lộ Giám ngồi xuống rờ mặt đường, có lẽ để tìm lại cảm giác xưa? Bỗng Hòa bảo nhỏ: “coi chừng kẽm gai” và cứ lần theo hàng kẽm gai dẫn đi. Khá lâu không thấy dứt, Hòa bảo cả bọn leo qua rào cao tầm ngang bụng và đi thẳng. Lọt vào trong, đứa nào cũng bị vấp ngã vài lần, té ra là những luống khoai lang rồi lần mò vượt qua từng luống thì bỗng có ánh đèn pha rọi tới, hoảng hồn nằm bẹp tại chỗ nghe ngóng. Nghe loáng thoáng tiếng người vang vọng nhưng quan sát không thấy ai, Giám bảo ra ngược lại và sẽ đi trên đường cho dễ, nếu có động tịnh thì nhảy vào lề núp. Thế là cả bọn lại lần mò đi ra và đứa sau nắm áo đứa trước rảo bước trên đường vắng không thấy bóng người hay xe cộ. Gần sáng Hòa dẫn chếch bên trái để tránh phiền phức và khi sáng đủ để nhìn thì mới hay đang trong một nông trường trồng bạch đàn (khuynh diệp), cây mới cao độ đầu gối nhưng ngút ngàn; mặt trời vừa nghiêng về hướng Tây là lại lên đường, chiều xuống nghỉ đợi trăng. Đêm đó bọn tôi vừa ra khỏi rừng bạch đàn thì nghe tiếng động cơ máy đang ủi đất cách độ 30 thước. Giám nghiên cứu xong bảo cả bọn ráng chạy nhanh qua phía sau xe để tránh ánh đèn khi nó quay lại. Đất mềm và mấp mô nhưng cả bọn vượt qua an toàn.
Một chuyện tức cười sẩy ra đêm sau là lúc Hòa đang cố dùng rựa cắt, dọn đường trong một trảng tranh mênh mông cao hơn đầu người bỗng rẽ quặt thẳng góc và đi rất nhanh kéo theo cả bọn hoang mang. Ra khỏi trảng, tìm được chỗ kín đáo Hòa mới dừng lại và bảo lúc nãy vừa tao ngộ bộ đội nên vội né chạy và phía bên kia cũng quẹo ngược đường, có lẽ họ cũng sợ. Nghỉ ngơi đến sáng thấy trưóc mặt là khoảng đồng trống ngút mắt mới tới rừng, giữa đồng có một người đang cày trâu. Bàn tính một lúc, Giám nói cứ ra hỏi đường về Pleiku vì lúc đó cả bọn không biết mình đã đi đến đâu?
Bốn đứa đi thẳng đến gặp một chú em độ 15, 16 đen nhẻm. Tôi nói mình là thanh niên xung phong từ Nha trang ra muốn hỏi đường về Pleiku vì bị lạc. Cậu ta chỉ bọn tôi đi về hướng nhà ở xa xa, bảo đó là trụ sở xã, nơi có xe chạy về Pleiku. Nghe vậy bọn tôi cám ơn và nhắm hướng rừng đi tới vì làm sao dám đến trụ sở xã. Đi được dăm bước quay lại thấy anh chàng đang cắm cổ chạy về xã, bốn thằng bèn co giò chạy thẳng vào rừng. Mấy hôm liền từ khi bị rượt đuổi, bọn tôi gặp trở ngại luôn nên không kiếm được gì thêm vào số lương thực có được trước đó, cũng may là trời cho vài cơn mưa nên có nước dùng bằng cách lấy tấm ni lông hứng nước. Bộ đồ treilli tôi mặc do mắc kẽm gai, bụi cây nên khá tơi tả nhưng lúc này thì tôi đã khỏi sử dụng được 2 tay bình thường cũng như Khánh hết bệnh ho hồi nào không hay.
Sáng sớm ước chừng ngày thứ 7 thứ 8 bọn tôi đi ngang qua một khoảng trống, cây cỏ xanh tươi, không khí mát lạnh, đến một mỏm thoai thoải thỉnh thoảng nhìn thấy vài lon hộp rỉ sét. Không thấy Giám đâu, loanh quanh tìm mới thấy Giám đang quì lạy, khấn vái và nói:
“Tôi tạ ơn trời đất vì cuối cùng rồi cũng cho tôi tới được Hàm rồng. Đây chính là chỗ tôi muốn đến, thấy lon hộp cũ không? Nơi đóng quân ngày xưa mà!”
Rồi lại tiếp:
“Từ hôm đi đến giờ tôi lo lắng lắm nhưng không nói ra vì sợ ảnh hưởng tinh thần ông, bây giờ yên tâm, tôi sẽ bảo vệ ông bằng mọi gíá vì ông dám tin mà giao mạng cho tôi.”
Sau đó Giám tụ cả bọn lại và tuyên bố:
“Kể từ giờ phút này, tôi sẽ là người chỉ huy, không thể mạnh ai nấy làm được. Nếu ai không đồng ý thì có thể tách riêng, còn nếu tiếp tục đi chung thì phải theo lệnh của tôi. Từ đây tôi tự tin có thể đưa mọi người đến biên giới.”
Hòa, Khánh suy nghĩ rồi đồng ý… Tiếp tục lên đường, lần này Giám đi trước, tôi, Khánh và Hòa cầm rựa đi sau cùng. Trưa đó, đang di chuyển thì gặp một người Thượng già chăn đàn bò. Giám đến hỏi chuyện, không biết nói gì nhưng sau bảo chúng tôi là hỏi ông ta chỉ đường đi tới biên giới, ông ấy nói có người con khi xưa đi lính VNCH tử trận, xin chúng tôi một bộ đồ lính, Giám tội nghiệp và lấy trong bọc ra bộ đồ dự trữ cho ông lão. Ông Thượng cám ơn rối rít, trước khi đi chỉ cho chúng tôi ăn một thứ trái mầu vàng tròn nhỉnh hơn quả chanh, thử thì thấy ngọt nên bọn tôi mỗi đứa hái một mớ rồi đi. Giám có vẻ rất tự tin nên dẫn cả đường mòn, chợt thấy một vuông mì, mỗi đứa lại nhổ thêm mấy bụi mang theo.
Tối đó; sau khi nghỉ ngơi ăn uống và xắt lát số mì còn lại để dễ mang và sẽ phơi trưa mai lúc nghỉ, chuẩn bị lương thực sau khi vượt biên giới vì Giám nói qua đó rồi, đất lạ không dễ kiếm ăn và luạng quạng còn bị lộ nữa. Theo bóng trăng cả bọn lại lên đường và đường tốt nên bọn tôi di chuyển khá nhanh, chợt Giám ra dấu im lặng… Té ra cả bọn lọt vào làng Thượng hồi nào không hay và đang đi giữa hai dãy nhà sàn. Im lặng đi, lạ một điều là không thấy chút phản ứng nào trong nhà như lần trước, im lặng cho đến khi vừa vượt qua rào cuối làng thì bỗng có tiếng hô:
“Ai đó, đứng lại!”
Hòa nhanh miệng trả lời:
“Đi kích.”
Lại im lặng nhưng cả bọn vội tăng tốc độ đi nhanh đến phía trước hướng rừng, đi rất lâu mới dừng lại nghỉ. Hôm sau không có trục trặc gì trừ chuyện trời bỗng chuyển mưa dữ dội. Gió thổi ào ào và sét giật liên hồi, cơn mưa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Giám chỉ về phía trước một hình dạng giống như nhà ẩn hiện dưới ánh chớp, bảo cả bọn cố đi nhanh đến đó. May lúc tất cả vừa vào trong thì mưa ào ạt đổ xuống. Dưới ánh chớp lập lòe, tôi thấy có nhiều củ mì đã xắt, cả lúa nữa. Giám giải thích đây là kho của người Thượng lập ở giữa rẫy và chắc sẽ phải có làng ở gần nhưng cứ ngủ nghỉ đã vì mưa lớn, lại tối rồi, họ có thói quen tối là tất cả về nhà và sáng mai những người khoẻ mạnh sẽ đi rẫy sớm, ở nhà chỉ toàn ông già bà cả và trẻ con. Cảnh mưa gió lại mệt mỏi khiến tôi ngủ rất ngon.
Lúc tỉnh dậy, thấy dưới chân vương vướng, lấy tay rờ thì ra một chú chó con đang cuộn dưới chân tôi ngủ. Gọi các bạn và kể sự việc thì Hòa nói mọi người đừng làm ồn, khi nào Hòa đếm một hai ba thì Giám và tôi bật quẹt lên soi sáng và Hòa cầm rựa đập anh chó chết tươi. Cả bọn bèn thu vén, lấy theo một số sắn khô, ẵm theo con chó và biến. Tôi để lại 20 đồng trong số tiền dấu diếm được từ những lần thăm nuôi ở Hốc môn, coi như trả tiền mua hàng. Trời vẫn mờ mờ nhưng chủ ý của chúng tôi là cứ nhờ rừng để không bị lộ, vả lại trời âm u không thể định hướng cứ đi sâu vào rừng đến khoảng giữa trưa thì ngừng lại. Khánh trổ tài làm thịt chú chó xấu số. Cũng thui, mổ và cắt miếng. Bộ lòng và cái đầu thì nấu với khoai mì, còn lại kho muối mặn cất để ăn khi qua biên giới. Khó tưởng tượng là chỉ với cái rựa mà Khánh đã cắt thịt được như vậy. Cả bọn có một bữa ăn protein ngon lành. Giám bảo do trời âm u nên không đi nữa mà kiếm chỗ nghỉ ngơi Tìm được hốc đá khá rộng, cả bọn vào trú cho đến hôm sau.
Mặt trời chói lọi hứa hẹn một ngày khô ráo, bọn tôi lại nai nịt lên đường. Trưa nghỉ ở một con suối nhỏ để tắm rửa, phơi khoai mì chờ chếch bóng tiếp tục. Chiều xuống đến bìa rừng, trước mặt là một bản làng rất lớn. Giám bảo núp lại để quan sát động tịnh rồi tối sẽ bọc ngoài làng vượt qua. Trong vài ngày kế tiếp bọn tôi đều di chuyển như vậy mỗi khi gặp làng mà hầu như ngày nào cũng gặp. Hôm đó, cũng núp bìa rừng quan sát khu làng lớn lắm thì bỗng nghe có tiếng chân bước phía sau. Bọn tôi bất ngờ vì mình cũng vừa từ đó ra nhưng rất vắng lặng đâu thấy ai.
Quay lại thì thấy một anh thanh niên đang vác cuốc đi đến. Tôi quyết định ra gặp vì thấy anh cũng sững lại khi nhìn thấy bọn tôi. Nói thẳng với anh là bọn tôi trốn trại, đang tìm đường đến biên giới. Quan sát bọn tôi, anh nói cũng là sĩ quan VNCH vừa được thả và bắt đi kinh tế mới đang ở làng trước mặt. Chỉ dẫn cho chúng tôi những gì anh biết về vùng này và nói:
“Tụi nó tập trung dân Thượng lại do đó có rất nhiều làng mới từ đây đến biên giới nhưng cứ chờ đêm đi cách làng khoảng 100m thì an toàn vì Thượng họ nhát lắm, cứ đêm xuống là tất cả rút vô làng.”
Rồi anh hỏi có giúp được gì chúng tôi không? Tôi bèn móc hết tiền đưa cho anh và nhờ mua cho bọn tôi cá khô, gạo, đá quẹt và thuốc rê. Anh cầm tiền rồi bảo chúng tôi chờ ở đây rồi đi về làng. Lúc ấy đã xập tối và trời bỗng nổi cơn dông, sấm sét ầm ĩ và mưa trút xuống ào ạt. Phủ bao ni lông che mưa và chờ lâu lắm. Hòa bảo chắc bọn mình phải bỏ đi chứ chờ như vậy quá nguy hiểm, biết đâu đã bị tố giác rồi và bọn chúng có thể đang bao vây. Khánh cũng đồng tình nhưng không biết sao tôi lại rất có lòng tin nên bảo Giám cứ đội mưa chờ. Giám bèn bảo Khánh, Hòa phân tán ra tìm chỗ khác để vừa tiện quan sát vừa không bị hốt trọn nếu thực như suy nghĩ.
Lâu lắm, phải đến 3 tiếng chờ đợi mới nghe tiếng ho nhẹ nhẹ rồi tiếng gọi khe khẽ “mấy anh ơi.” Trời dù đã hết mưa nhưng tối đen, tôi bảo Giám quẹt lên làm hiệu và anh tiến đến chúng tôi. Câu đầu tiên khi gặp lại là: “Các anh chờ chắc lâu hả? Tại vì tụi nó kiểm soát dữ lắm, tôi phải đi nhiều chỗ, mỗi chỗ mua một ít chứ không chúng nó nghi ngờ.” Rồi anh đưa cho chúng tôi cá khô, đá quẹt, thuốc rê, một chai dầu hôi… những thứ chúng tôi nhờ và cả vài nải chuối nữa. Anh nói:
“Chuối này là tôi mua tặng các anh, rất tiếc là tôi không có điều kiện hơn nữa.”
Tôi đại diện anh em cám ơn anh và xin anh cho biết tên cũng như điạ chỉ để nếu may mắn chúng tôi đi được thì còn có thể đền đáp. Anh nói:
“Mong các anh thông cảm vì an toàn tôi không thể nói được. Coi như chúng ta có chút duyên, cầu mong các anh được may mắn.”
Sau đó anh chào và trở về làng.
Hôm nay viết lại chuyện này, tôi vẫn rất xúc động và không quên ơn về nghiã cử của người chiến hữu. Rất mong anh may mắn và đã thoát khỏi kiếp nạn. Từ giã anh chúng tôi lên đường, túi bị nặng hơn với lương khô thực phẩm mới bổ sung, tinh thần phấn khởi hơn với những tin tức từ anh bạn. Chúng tôi đã đi qua nhiều làng một cách an toàn nhờ hướng dẫn của anh ấy. Tuy nhiên, tôi nhận thấy Giám có vẻ ưu tư và trầm lặng hẳn.
Một buổi nghỉ trưa, chợt nhận ra mình chưa đi vệ sinh lần nào từ hôm vượt trại vì thấy bụng quặn đau, tôi tìm chổ xả nhưng phân cứng ngắt và chỉ ra được một tí ngoài hậu môn rồi ngưng.
Hết cách tôi gọi Giám, Giám bèn lấy que gạt từng chút cho đến khi tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Tôi cám ơn thì Giám xổ tâm sự:
“Nói thiệt mấy hôm nay tôi lo lắm vì không thể nhận ra được chỗ nào quen biết khi xưa, làng quá nhiều mà hoàn toàn mới.”
Tôi nói:
“Thì mình cứ theo cách anh bạn chỉ dẫn rôi định hướng mặt trời mà đi, dẫu sao thì lương thực khá dồi dào nên cũng an tâm.”
“Nói ông nghe thôi, chứ tôi đã hứa là phải bảo vệ ông mà.”
Giám còn phải khều cho tôi một lần nữa vào hôm sau thì tôi mới hết bón. Hôm sau cũng theo con đường mòn bọn tôi thấy một vọt nước đang chảy ào ào, nước rất sạch và mát. Giám nói đây là cách người Thượng dẫn nước từ suối về, chỉ dùng tre buông thôi và giờ này người Thượng họ ở ngoài rẫy, ở nhà toàn người già và trẻ con thôi nên không ngại.
Tại chỗ vọt nước, tôi thấy một bi-đông và vài quả bầu đựng nước. Giám bảo lấy đầy bi-đông và 2 bầu rồi đi. Lúc đó bỗng thấy một anh lợn ỉ lon ton cùng vài chú vịt xiêm, cả bọn hè nhau đuổi bắt anh lợn nhưng không được vì anh ta chạy nhanh lắm. Cuối cùng, Hòa nói thôi bắt vịt xiêm cũng được và không lâu thì Hòa và Khánh mỗi người tóm được một con. Bốn đứa liền di chuyển sâu vào rừng nghỉ ngơi và làm thịt vịt. Cắt cổ nhưng không thể làm lông, Khánh liền thui cả 2, sau đó cắt ra và lại kho muối. Dĩ nhiên là mỗi đúa cũng được một ít ăn với khoai mì luộc cho thêm phần bổ dưỡng.
Một chuyện không may là trong lúc làm vịt, cán rựa của Khánh bị gẫy không dùng được nữa. May mắn là một hai ngày sau đó bọn tôi lại kiếm được con rựa khác trong một chòi Thượng lúc dừng lại ngủ đêm. Còn hai bầu nước thì để khỏi phải bưng tôi nên đã dùng dây rừng buộc và đeo nhưng do va chạm lúc di chuyển một đã vỡ, tiếc ôi là tiếc! Người Thượng chỉ dùng lá cuộn chặt làm nút mà kín vô cùng, đi lại xóc lên xóc xuống mà vẫn không rơi ra một hạt. Hôm đó, vào khoảng trưa đang đi ngon trớn bỗng gặp một con lộ chắn ngang. Thận trọng bọn tôi núp vào bụi tre lớn sát đường quan sát, con đường thật đẹp thẳng và khá rộng có thể chịu các loại xe. Bên kia đường là một bãi đất, cây cối chỉ cao ngang đầu gối, kéo khoảng 100m mới tới rừng dầy. Giám bảo đó là cách canh tác cuả người Thượng, đầu tiên hạ cây lớn đợi khô rồi đốt lấy tro làm phân rồi trồng bắp hay lúa giữa khoảng trống, dần dần sẽ bứng các gốc còn bỏ lại.
Buổi trưa, đường vắng, quan sát kỹ Giám bảo cả bọn vượt qua và đi nhanh vào rừng nhưng khi cả 4 đứa vẫn còn trên lộ thì bất ngờ xuất hiện 4 chàng đang nghênh ngang vác súng AK đi đến, cách độ mươi thước. Bọn tôi chỉ còn kịp bước vào bên kia đường và ngồi thụp xuống cạnh các gốc cây và nhìn ra. Rõ ràng tôi thấy họ phản ứng, súng cầm tay và nhìn chúng tôi. Tôi vốn không tin vào chuyện huyền bí nhưng thật sự không biết giải thích thế nào khi mình đã nhìn vào mắt họ lúc tựa gốc cây sát lề đường mà họ chỉ nhìn một lúc rồi kéo nhau đi. Họ có thấy chúng tôi không? Nếu thấy sao lại bỏ đi khi súng đã sẵn sàng.
Chịu… Chờ đến khi họ khuất bóng bọn tôi vội bước nhanh vào rừng, đi thật sâu đến một con suối khá rộng, nước trong vắt, cách không xa là một cây mai cổ thụ, gốc to lắm và hoa vàng rực đang phất phới rơi, liền hạ trại. Bắt đầu nấu ăn và tắm giặt.
Trong lúc tắm thấy cá lội tung tăng, cá lớn cỡ 2 ngón tay bơi rất nhanh, tôi và Giám đuổi bắt nhưng thất bại, liền thôi nhưng sau tôi bỗng trượt chân ngã ngồi xuống, tay trong lúc chống xuống bỗng đè được một chú và khoai mì luộc có độn thêm chú cá xấu số. Nghỉ ngơi tắm giặt phơi phóng đến chiều lúc Giám nói thu quân di chuyển thì phát giác cây mai với ngàn vạn hoa vàng rực rỡ đã chỉ còn vương vất vài nụ, hoa hầu như rụng hoàn toàn, thật lạ!
Hôm sau đi đến một gành đá khá rộng, kín đáo Giám tụ cả bọn lại và bảo hôm nay sẽ ở đây cả ngày và kỷ niệm 30 tháng tư, ngày mất nước. Tôi thật không ngờ Giám lại để ý đến vậy và tính đến hôm đó thì bọn tôi đã được tự do 18 ngày rồi dẫu có những lúc lo lắng và gian nan nhưng thật sự tôi rất sung sướng tự tại. Chiều đó, Giám dẫn tôi đến một thân cây lớn có bông tim tím và nhiều trái lớn cỡ ngón cái rụng dưới gốc, bảo tôi nhặt ăn vì đó là trái sim. Hai đứa ăn khá nhiều vì vị ngọt và hơi chát rất dễ chịu. Tối đó, bọn tôi theo đề nghị của Giám gầy lên một đống lửa, ngồi quanh và nói chuyện, đủ thứ chuyện đến khuya mới đi ngủ.
Một đêm an bình đã qua, chúng tôi lại phấn chấn lên đường. Chiều xuống, thấy thắp thoáng bản làng phía trước, Giám vui mừng báo tin là đã sắp đến biên giới và chỉ vào ngọn núi phía sau ngôi làng, Giám bảo:
“Qua khỏi ngọn núi đó là đất Miên nhưng phải nghỉ chân đợi tối vượt qua làng như vẫn làm những lần trước.”
Đi thêm một chút nữa cả bọn thấy một nhà kho bèn chui vào nghỉ. Phải nói nhà kho này là to nhất mà tôi từng gặp, bên trong lúa và khoai chất ngang đến ngực.
Leo lên đống khoai nằm, cả bọn hào hứng bàn tán thì Giám bảo kế hoạch thay đổi. Mọi người cứ ngủ, sáng sẽ đi vì theo Giám ước tính thì chỉ mất độ một buổi sáng là qua núi và sẽ cắt làng đi chứ không phải đi vòng nữa. Không ngờ đây là quyết định chết người của Giám.
Sáng đó, Gíám dẫn đầu như thường lệ và đi thẳng vào làng, có lẽ Giám nghĩ mọi người đã ra rẫy nên thoải mái đi tới. Đi độ mươi lăm phút Giám bỗng tạt vào ụ mối cạnh đường núp, bọn tôi vội theo thì vừa kịp thấy vài người đang đi tới. Có vẻ họ đã thấy chúng tôi nên đang nói râm ran bỗng nhiên im lặng và ngập ngừng đi qua. Chờ họ đi xa, bọn tôi lại tiến bước, mới được vài phút lại phải nhảy vào bụi bên đường núp vì có vài người nữa đang đến. Khi phải núp đến lần thứ ba thì Giám không đi thẳng nữa mà nhắm hướng rừng đi tới. Giám bảo vô đây đi cho an toàn, không ngờ dù rừng có nhiều cây cao nhưng đã bị thu nhỏ lại, do dân làm rẫy khai quang bốn phiá. Mấy lần bọn tôi phải dội ngược lại vì chỉ mới đi một chút là thấy quang đãng và bóng người thấp thoáng. Loay hoay một hồi, Giám bảo nghỉ ăn sáng rồi tính. Cả bọn tấp vào một bụi khá rậm và lấy thức ăn ra, tôi mở bị, phát cho mỗi người 2 quả chuối, 2 miếng vịt kho muối và một khúc sắn luộc. Chưa kịp ăn vì phải thu cất vào túi thì súng nổ và có tiếng hô:
“Giơ tay lên.”
Hòa la lên rất to:
“Xung phong.”
Rồi cùng Giám và Khánh vùng chạy. Tôi còn đang lúng túng thì thấy 3 bộ đội chĩa súng vào người và một anh la to:
“Ngồi yên không tao bắn.”
Thế là tôi bị bắt và đưa ra bìa rừng khi súng vẫn còn nổ vang. Một anh tự xưng là công an biên phòng, đang dựa vào ổ mối bảo tôi:
“Anh gọi đồng bọn ra hàng đi, các anh bị bao vây không thoát đâu.”
Tôi đang lưỡng lự thì anh ta nói tiếp:
“Gọi đi không bộ đội nó bắn chết hết, chúng tôi được dân báo các anh là Fulro có vũ khí, nếu không hàng thì chỉ có chết thôi.”
Tôi bảo bọn tôi có bốn người là thanh niên xung phong làm gì có vũ khí. Anh ta nổi nóng chửi thề và bảo:
“Mày có gọi chúng nó ra không thì bảo.”
Bấy giờ súng vẫn nổ vang và một anh bộ đội chạy đến thì thầm và đưa cho anh ta vật gì đó, quay qua tôi anh ta nói:
“Đấy xem đi, một thằng chúng mày đã bị bắn chết rồi đấy.”
Tôi nhìn ra cái bì thư của Giám, cái bì thư mang địa chỉ của Ba mà Giám giữ kỹ trong người như một kỷ niệm. Tôi hiểu ra rằng Giám đã bị bắn chết và mất tinh thần vì một cảm giác mất mát quá lớn. Đối với tôi, Giám không chỉ là người bạn mà còn là người anh đã lo toan chăm sóc, bảo vệ tôi; kể cả sau này dù đã mất đi, Giám vẫn giữ lời hứa (tôi cho là vậy) đã che chở, giúp đỡ tôi vượt qua được kiếp nạn trong nhà kỷ luật.
Cảm giác khi biết Giám đã mất lúc đó thât khó diễn tả, nghĩ không còn cách khác, tôi đồng ý cầm loa gọi bạn ra hàng. Gọi vài lần thì thấy Hòa bước ra rồi sau đó vài phút, thấy Khánh được 2 tay bộ đội kèm ra. Khánh mặt nhăn nhó đau đớn nói bị bắn vào bụng. Tay công an sau khi đoan chắc là không còn ai nữa ra lệnh cho tôi và Hòa võng Khánh đi sau khi được băng bó tạm.
Đi độ nửa tiếng bọn tôi được đưa vào một nhà đắp đất rất đơn sơ, ngang độ 6m có thêm một chái xụp xuống độ hơn mét làm nhà bếp; chiều sâu độ 4m có một bàn và 4 ghế, góc phải sát cửa là một giường tre. Ba đứa bị trói chân tay sau khi tay công an giao chúng tôi cho mấy người Thượng ở đó. Không khí có vẻ nhẹ nhàng, có thể họ tin chúng tôi là thanh niên xung phong chăng? Khoảng quá trưa, tay du kích canh chúng tôi bảo ra đầu nhà nấu ăn. Tôi và Hòa được cởi trói và 2 đúa nấu một nồi cơm khá to, lại còn ngắt một mớ đọt khoai mì luộc lên cho có chất rau xanh. Khi luộc đọt khoai mì, tôi có nghĩ đến công trình khảo cứu của một nhà khoa học “cách mạng”:
“3 ký đọt mì giá trị bổ dưỡng bằng 1 ký thịt bò.”
Đó là lần đầu và cũng lần cuối tôi ăn đọt khoai mì dẫu sau này có lúc đói đến rã họng, nghĩ là không cần giải thích thêm… Trong khi nấu cơm, Hòa quan sát địa thế rồi nói nhỏ với tôi:
“Ăn uống no đủ đi tối nay mình dông!”
Tôi hỏi:
“Đồ ăn thức uống bị đổ tháo hết rồi, làm sao?”
“Yên tâm, tôi có thủ riêng để đề phòng chuyện bất ngờ.”
Nấu xong, ba đứa ngồi ở chái bếp ăn, Hòa nói cho Khánh nghe dự tính. Khánh vì đau nên không ăn được nhiều, chỉ có tôi và Hòa bảo nhau ăn hết tất cả phần thịt dự trữ, chó vịt gì đều đánh sạch. Khánh nài nỉ bọn tôi đừng bỏ Khánh lại vì sẽ lãnh đủ. Tôi cũng phân vân vì đã đến đây rồi mà bỏ Khánh lại thì coi không được nhưng mang Khánh theo thì gánh nặng này quả là quá sức.
Chiều xuống, bọn tôi lại bị trói 2 tay quẹo ra sau và 2 chân cũng bị trói. Tay du kích bảo bọn tôi vào nằm trong chái bếp. Tôi nằm giữa 2 người. Khánh nàì nỉ đừng bỏ Khánh lại, Hòa im lặng không lên tiếng và tôi thì biết Khánh lo lắm vừa vì vết thương vừa nghĩ đến việc bị đưa về trại thì hậu quả khó lường.
Ngay sau khi Hòa quay qua nói nhỏ với tôi, đợi tối hẳn 2 đứa mở trói cho nhau để dông thì có tiếng gọi:
“Anh này ra đây làm việc.”
Ngó ra cửa, dưới ánh sáng hắt vào từ phòng ngoài tôi thấy một anh chỉ vào tôi. Lồm cồm bước ra nhìn thấy một anh nữa mang AK ngồi ở giường tre.
Anh chàng vừa gọi ra mở trói cho tôi và bảo ngồi vào bàn, anh ta ngồi đối diện nhìn ra cửa. Trời bỗng mưa lâm râm, cảm được khí lạnh thấm vào nhà Người đối diện tuổi trung niên, giọng lơ lớ:
“Tôi là Xã trưởng ở đây, anh nên thành thật khai báo. Cách mạng đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Tôi mong anh nói thật để hưởng sự khoan dung của cách mạng.”
Tôi vừa định lên tiếng thì trong bếp bỗng nghe động tịch và tiếng chân người. Tay du kích đang ngồi bật dậy, phóng ra cửa bắn mấy phát và la lên:
“Tụi nó bỏ trốn!”
Rồi phóng đi.
Tay Xã trưởng vội rút ra khẩu súng ngắn vùng đứng dậy chĩa vào đầu tôi và nói:
“Ngồi yên, mọi chuyện sẽ có cách mạng giải quyết.”
Tôi ngồi tại chỗ độ mươi lăm phút khi súng nổ lốp đốp vọng lại. Bất ngờ tay công an dẫn giải chúng tôi buổi sáng xông vào, đến gần giơ tay định tát tôi thì dừng lại, giận dữ:
“Mẹ chúng mày, mưa gió thế này mà chúng mày bắt tao phải truy đuổi, chút nữa là tao bị bắn rồi, ngồi yên đấy nhé.”
Ngay lúc đó tay du kích Thượng chạy về, hằn học chĩa AK vào đầu tôi và chửi mắng:
“Bắn bỏ mẹ mấy thằng phản động này đi.”
Tay công an vội gạt hắn ra và nói:
“Đồng chí không được làm vậy, việc gì cũng phải theo chính sách.”
Quay lại tôi hắn nói:
“Anh phải hiểu sự tức giận của chúng tôi, bản thân tôi cũng suýt bị giật súng trong nhà rông, nếu không có đồng chí này thì tôi đã bị nó bắn rồi.”
Không khí bớt căng thẳng và tay công an kể lại sự việc cho cả tôi lẫn tay Xã trưởng nghe: Thì ra trong lúc tôi đang ngồi ngoài “làm việc” thì Hòa tự cởi trói chân tông vách chạy ra ngoài. Bị đuổi, chạy đến nhà rông núp lại. Khi tay công an đến gần Hòa nhẩy ra vật lộn định lấy súng. Đau khổ cho Hòa là tay vẫn còn bị trói nên dù bất ngờ vẫn không lấy được súng tên công an. Đang khi vật lộn thì du kích chạy đến và bắn vào Hòa cứu đồng bọn. Sau đó hắn xả hết băng vào Hòa khi Hòa bỗng la: “BẮN ĐI, BẮN NỮA ĐI…” và nhẩy vào hắn. Đau đớn thay cái chết oai hùng của bạn tôi, không hổ danh Biệt cách. Tay công an còn cho tôi xem đồ đạc lấy được từ Hòa. Tôi nhận ra túi gạo và cái nồi nấu cơm buổi trưa mà Hòa bằng cách nào đó đã mang theo khi bỏ trốn. Tất cả đều đẫm máu! Tôi thấy bàng hoàng và thương tâm cho người bạn đã chết khi hai tay còn bị trói.
Bàn tán với nhau bọn họ đưa Khánh ra rồi trói hai đứa laị, cả tay lẫn chân, lần này rất chặt và bắt chúng tôi ngồi dựa vào vách, dưới gầm bàn hướng ra cửa. Do bị trói quặt tay ra sau nên từ đó chúng tôi chỉ có thể ngồi, ngồi ngủ và ngồi thức nhưng phải cựa quậy luôn vì muỗi. Hôm sau vào khoảng giữa trưa, có 3 anh trẻ mặc đồ bộ đội đi vào chào hỏi chúng tôi, tự giới thiệu là bộ đội nghĩa vụ. Nói chuyện hỏi thăm qua lại mới hay họ là con em của những người lính VNCH cũ bị bắt đi nghĩa vụ. Họ nói đời sống bộ đội cực khổ lắm, thậm chí gia đình phải tiếp tế thức ăn và hứa mai trở lại sẽ mang bông băng và thuốc lén cắp của đơn vị để thay băng cho Khánh
Chúng tôi vẫn bị trói chặt và ngồi dưới gầm bàn khi mấy bạn trẻ trở lại. Đúng như lời hứa, họ thay băng cho Khánh và cho Khánh một ít thuốc trụ sinh rồi đưa cho tôi một ít thịt vịt kho sả, bảo của gia đình tiếp tế muốn chia sẻ. Chuyện vãn một lúc tôi được biết là sư đoàn họ mới từ Kampuchia về đây dưỡng quân. Họ nói là bên ấy đáng sợ lắm, mìn bẫy khắp nơi, cả một trung đội banh xác chỉ một tuần trước khi về đây, một làng Thượng rất lớn mang tên làng BÒ và vì nghĩ bọn tôi là Fulro nên hôm ấy, họ đã bao vây chúng tôi với 1 đại đội kết hợp với du kích và công an biên phòng.
Họ cũng an ủi chúng tôi, bị bắt là may vì nếu qua biên giới thì không biết lành dữ thế nào vì bọn Pol pot tàn ác lắm. Lân la độ gần một tiếng thì họ ra về, không quên chúc bọn tôi may mắn. Rất tri ơn các em. Lại ngồi chò hỏ, Khánh có lẽ rất đau vì vết thương nên im lặng, thỉnh thoảng lại rên. Thành thật mà nói tâm trạng tôi lúc ấy rất thanh thản, có lẽ tâm lý đã chấp nhận mọi hậu quả nên không còn lo lắng. Chợt có tiếng phụ nữ ồn ào ngoài cửa:
“Nghe nói ngụy mà chưa biết mặt mũi chúng ra sao? Vào đây xem mặt mũi ngụy chúng mày ơi!”
Tôi đoán là việt cộng cái, nhìn ra cửa đúng lúc 4 nàng đứng chặn cửa, im lặng nhìn 2 đứa, tôi nhìn lại nhưng không thấy rõ nhan sắc vì mắt tôi cận mà từ khi vào tù bị cấm đeo nên kính đã mất đâu không biết. Một lúc tụi nó bỏ đi, tôi vẫn nghe kịp lời bình phẩm vọng lại:
“Mẹ, sao nó đẹp trai thế nhỉ?”
Lòng bỗng thấy tự hào…
Lại một đêm bị muỗi, Khánh vẫn im lặng không nói gì từ hôm hai đứa bị trói đưa ra ngoài, chắc mất sức vì mất máu hoặc đang lo lắng suy nghĩ chuyện sắp tới chăng? Nhìn qua chõng, 2 chàng du kích canh gác tay quạt đuỗi muỗi liên tục mà ao ước. Sáng sớm hôm sau, tay công an xuất hiện và loan báo chúng tôi sẽ theo xe thu mua lương thực về Pleiku. Họ giải chúng tôi đến một xe GMC và bảo leo lên nóc những bao đựng sắn lát khô ngồi chờ. Trên cao tôi nhìn xung quanh, biết được cái làng Bò này thật lớn, nhà sàn rất nhiều và san sát,chợt nhìn thấy hai tay bộ đội cầm xẻng đi về hướng rừng, tôi chỉ cho Khánh và đoán có lẽ họ đi chôn bạn tôi. Một lúc thấy 2 cô gái trẻ kêu gọi lên xe để đi thì có hai bộ đội nhảy lên ngồi chung ở cuối xe.
Nửa đường, xe ngừng họ ăn trưa ở một khu dân cư, bọn tôi vẫn phải ngồi trên nóc bao sắn, bộ đội áp giải không đồng ý cho chúng tôi ăn mặc dù các cô năn nỉ để xin cho chúng tôi ăn một ít mít mà họ mua từ những nhà trồng mít. Từ bé đến lớn, tôi chưa hề thấy mít được trồng nhiều và to như thế, nhà nào cũng trồng và mỗi cây có thể có đến một vài trăm quả đeo chằng chịt. Tôi không nhớ tên làng này, chỉ biết là rất nổi tiếng về mít. Ăn uống mua sắm xong lại lên đường, xế chiều xe ngừng tại một ngã ba, hai bộ đội bảo chúng tôi uống đi bộ vào thị xã Pleiku vì xe sẽ đi về hướng khác.
Tôi dìu Khánh đi trước, họ cầm súng theo sau, chúng tôi di chuyển rất chậm vì Khánh không có sức mà đường thì dốc, tôi lê Khánh đi trời mới bắt đầu chiều mà sao vắng lặng! Vắng và hết sức đìu hiu, tôi bỗng ngửi thấy trong không gian buồn bã ấy một mùi quen thuộc. Cái mùi mà dẫu có mù, có điếc chỉ còn khứu giác thôi tôi vẫn nhận ra: mùi “PHỞ.” Hít thật sâu và lắng nghe cái mùi ấy thấm vào bên trong, cái mùi đã hơn ba năm tôi chưa hề biết đến, con người bỗng phấn chấn nhẹ nhõm hẳn ra và Khánh hình như không còn tựa vào tôi nữa.
Tôi cũng tỉnh táo để biết rằng ở cái thời buổi này, Phở may ra chỉ vài cục xương để nấu thứ gọi là nước lèo, làm gì có thịt thà nhưng sao mùi thơm ấy quả tình vô cùng quyến rũ. Tôi dừng lại để hít thêm, quên mất mìmh đang bị áp giải cho đến khi bộ đội hối thúc. Lê trên đường đất đỏ độ một giờ, cả bọn vào một doanh trại có vẻ như trụ sở cũ của cảnh sát, chúng tôi được bàn giao cho trưởng trại… Đó là một viên công an cao lớn, có cách tiếp xúc thoải mái. Anh ta hỏi han vài chuyện rồi bảo chúng tôi ở tạm ở đây; tôi vẫn nói mình vượt biên với cái tên tự chế ra, anh ta dặn dò việc đầu tiên là xem vết thương của Khánh, hớt tóc cho tôi vì dài quá và áo quần rách rưới thì ngày tới sẽ đưa kim chỉ vá lại. Xong xuôi tôi được đi tắm trước khi vào buồng giam.
Trong phòng đã có sẵn 4, 5 anh em. Họ tiếp tôi rất niềm nở, thăm hỏi lý do bị nhốt, tôi vẫn nói mình vượt biên bị bắt. Có một anh đến cạnh lân la kể chuyện, nói họ hầu hết là những người phục quốc bị bắt sống tại đèo Cù mông sau khi bị phục kích mới vài tuần trước đây.
Đang nghe chuyện thì tôi được gọi ra ô cửa nhận cơm, cơm nóng và khá nhiều cùng 2, 3 con cá khô, có lẽ vừa chín tới. Ăn xong, chưa kịp phân chia chỗ nằm thì cửa mở và tôi có lệnh ra ngoài Đến gần cổng, thấy Khánh cũng đang được dìu ra. Định hỏi thăm thì tay trưởng đồn xuất hiện bảo có cán bộ trại Gia trung lên nhận. Tôi hơi bất ngờ vì không nghĩ ra họ thông tin nhanh như vậy. 2 công an áo vàng tiến đến, tôi nhận ra kẻ nhận chúng tôi khi mới nhập trại Gia trung và lên tiếng:
“Chào cán bộ.”
Anh ta vội nói:
“Không dám đâu, sợ các anh chém lắm!”
Thủ tục chuyển giao nhanh, họ đưa chúng tôi đến một xe Jeep và từng đứa lần lượt lên xe ngồi ở băng sau, đối diện nhau. Dĩ nhiên là phải trói, lần này họ trói hai chân chuyền lên 2 tay quặt ra sau, trói cả 2 ngón cái rồi vòng đến cổ tay trước khi nút lên trần xe. Khánh im lặng chịu đựng còn tôi khi họ trói tay chặt quá khiến tê rần thì có yêu cầu họ nới dây ra nhưng không được đáp ứng. Lúc xe di chuyển thì trời vừa tối, tôi nghĩ họ sẽ chở thẳng về trại, may ra tay tôi được cởi trước khi hư hại do máu không xuống được bởi vì từ đây về trại nghe nói chỉ độ 25 cây số thôi. Không ngờ bọn họ chạy ra thị xã vào một tiệm cơm ăn uống trong khi 2 đứa tôi bị trói bỏ ngồi ở ngoài. Một vài dân hiếu kỳ đến nhìn ngó, lắc đầu có vẻ ái ngại nhưng không có ai lên tiếng hỏi, chỉ có người chửi đổng vào trong tiệm. Phải mất cả tiếng họ mới ăn xong, ra xe rủ nhau đi mua mít ở chợ.
Tôi nghĩ họ rình rang là để hành hạ chúng tôi cho bõ ghét. Cuối cùng cũng chực chỉ Gia trung sau khi bỏ lên xe giữa 2 chúng tôi vài quả mít. Tất cả không chuyện trò, tù cũng như chèo, im lặng cho đến khi xe ngừng. Tôi vừa kịp nhận ra Trung tâm (nơi đóng bộ chỉ huy toàn trại) thì một đám công an chạy tới và tranh nhau thụi chúng tôi cùng những tiếng chửi rủa cho đến khi họ chở chúng tôi đi. Xe chạy thẳng vào khu nhà kỷ luật cạnh nhà bếp K 1, trại của tôi độ chục công an đứng sẵn. Tôi vẫn nghĩ 2 bàn tay mình hư rồi nên khi vừa được cởi trói, cảm giác máu chạy xuống hai tay khiến tôi không kịp nhận ra là mình bị cả đám ùa vào đánh. Bị đánh qua đánh lại như vậy không biết bao lâu, khi tỉnh lại dưới ánh sáng mờ mờ buổi ban mai mới hay mình đang bị cùm trong nhà kỷ luật.
Có lẽ tiếng rên của tôi đánh thức anh bạn cùng phòng nên dù chưa hoàn toàn tỉnh táo tôi cũng nhận ra lời chào hỏi. Tiếng nói yếu ớt của anh tự giới thiệu:
“Anh Hùng hả? Tôi là Hồng Quốc đây, cùng đội 11.”
Thì ra Hồng Quốc, người Việt gốc Hoa, thiếu úy Biệt động quân. Anh nói:
“Anh Hùng ơi, tôi rất tiếc là anh không thoát được nhưng sự việc đã vậy rồi mong anh khi làm việc nói dùm tôi… Anh cũng biết tôi đâu có dính dáng gì, chỉ vì nằm kế bên thằng Quốc, nói chuyện qua lại mỗi đêm mà bị nghi ngờ đem nhốt từ hôm đó đến nay, bị đánh đập dữ lắm!”
Tôi hứa sẽ nói sự thật về những người bạn không có liên quan gì đến chúng tôi để họ được tha kỷ luật. Mãi về sau khi đã trở lại sinh hoạt bình thường, tìm hiểu, tôi mới biết Quyền và Quốc bị bắn hạ ngay hôm đó, nghe kể hai người núp sau một gò mối bắn trả nhưng hết đạn nên tử thương.
Ngoài Hồng Quốc còn thêm 2 người nữa là Trần (?) Văn Hòa và Nguyễn Hoàng Sơn bị kỷ luật vì nghi có dính líu. Hồng Quốc có vẻ yên tâm hoặc sợ tai vách mạch rừng nên không nói chuyện nữa, tôi cũng quá mệt nên cũng không nói năng gì. Khi trời sáng, nghe tiếng lao xao vọng ra từ bếp rồi sau đó có tiếng kẻng. Tôi biết kẻng tập họp đi lao động, mấy mươi ngày qua không hề nghe thấy tưởng đã quên không ngờ tiềm thức mạnh quá khiến nhận ra ngay… Và tôi sẽ tiếp tục nghe kẻng dài dài thời gian rất lâu sau đó.
Có tiếng mở cửa và mở cùm gọi tôi. Khánh cũng đã có mặt, trông như sắp gục xuống bất cứ lúc nào. Tay công an trực trại mặt mũi hung dữ ra lệnh chúng tôi đi ra bãi tập họp. Bản án về tội cướp súng trốn trại được tuyên và một đoạn đời gian khó bắt đầu…
Trở lại nhà kỷ luật, tôi bị đem cùm phòng khác với một anh tù chính trị. Chưa kịp hỏi han thì bị đưa đi làm việc. Không có gì phải che dấu, tôi kể lại mọi chuyện và cũng xác nhận không có ai đồng lõa cả.
Chẳng biết họ có tin lời khai của tôi không nhưng hình như những bạn bị văng miểng được trả về đội không lâu. Độ 3 tuần sau khi bị bắt về, tôi lại bị gọi làm việc, lần này với một tay mặc dân sự nhưng thấy đám công an trại đối xử rất kính trọng. Ông ta khá cao tuồi và tự giới thiệu là ở viện kiểm soát tỉnh Gia lai Kontum và cũng những lời khai như trước nhưng chi tiết hơn, đặc bìệt là về các bạn cùng trốn với tôi. Tiếp theo đó khoảng 2 tuần, ông ta trở lại, sau khi lên lớp về chính sách, ông ta nói:
“Đúng ra là phải đưa các anh ra tòa án ngoài tỉnh để xử nhưng vì chết hết rồi không còn nhân chứng nên chúng tôi bỏ qua.”
Thực sự vậy, đến lúc đó thì chỉ còn mình tôi, Khánh vừa qua đời tuần trước. Khánh mất vì bệnh kiết lỵ. Hôm trước ngày Khánh mất trong một dịp đổ bô, tôi tình cờ gặp Khánh đổ xong đi ngược chiều, lựa lúc qua chỗ khuất tôi rờ bụng Khánh và hỏi hết chưa? Khánh mệt mỏi gật đầu… Tôi nói lời khuyến khích ráng chịu đựng, không ngờ hôm sau nghe “cùm nhân” bàn tán là Khánh đã mất! Thật tội cho Khánh, bình thường như tôi mà còn chịu không nổi đòn thù, huống hồ Khánh đã bị thương nặng. Có lẽ tôi chưa tới số nên trong thời gian làm việc, mặc dù mỗi ngày tôi được ăn 6 bữa: 2 bữa cơm (mỗi bữa 1 thìa cơm và một thìa mắm) và 4 bữa đòn (sau mỗi bữa cơm, lúc mở và lúc đóng chuồng). Trong các bữa đòn bao giờ chân cũng trong cùm và bị tên trực trại ngày hôm đó đánh, đấm, đá, đập đầu vào tường… mệt rồi nó bảo trật tự đánh! May là đánh tôi chỉ có mỗi trật tự Chinh mà có lần anh nói nhỏ:
“Anh thông cảm, lệnh cán bộ tôi phải thi hành nhưng anh để ý đi, tôi đánh anh đau chứ không vào chỗ hiểm đâu.”
Tôi cũng cảm thấy vậy nhưng mỗi lần “ăn” đòn đau lắm, nhất là tên cán bộ Phòng, hắn thường đập đầu tôi vào tường còn hăm dọa tinh thần vào lúc nửa đêm bên ngoài nhà cùm, hắn gọi vọng vào:
“Hùng đâu?”
“Dạ có, cán bộ”
“Mày có muốn ra ngoài ngủ với giun dế như mấy thằng kia không?”
Những chuyện đánh đập và hăm dọa như vậy kéo dài đến khi tôi được phán không bị đưa ra tòa. Bảo tôi chưa tới số là có lý của nó, bởi sau này tôi được anh tù trưởng bệnh xá nói tôi may lắm vì không mắc bệnh khi bị kỷ luật vì anh được lệnh không cho chúng tôi thuốc chữa. Đó là lý do Khánh qua đời vì kiết lỵ. Lại nữa, tôi chỉ bị đánh ké bởi Chinh trong lúc đó, có tới 3, 4 trật tự gốc hình sự, đặc biệt là Hiếu mệnh danh “Hiếu nhà xác” vì thành tích đã đánh chết mấy người tù! Chính hắn là người đã cùng công an đánh Trung tá Thanh nhẩy dù đến chết khi ông bị cùm trong nhà kỷ luật vì đã công khai chống lại cách đối xử của bọn chúng khi mới chuyển từ Bắc về nhưng đó là chuyện về sau. Chắc Giám vẫn bảo vệ, che chở cho tôi, tôi tin vậy.
Khoảng cuối tháng 8 năm đó tôi ra khỏi nhà kỷ luật, về đội đi lao động ngay ngày hôm sau. Tôi không thể qua được giai đọan này nếu không có sự giúp đỡ của các bạn tù, tiếp tế, lén chuyển, che chắn để tôi kiếm ăn bồi bổ sức khoẻ dĩ nhiên là với điều kiện vô cùng khắc nghiệt của trại tù, chuyện phục hồi quả rất khó nhưng có lẽ may mắn đã giúp tôi vượt qua. Cám ơn tất cả các bạn tù của tôi, những người đã vì tình nghiã mà chia xẻ củ khoai, trái bắp, viên thuốc bổ…
Cám ơn các bạn vô cùng.
Tóm lại chuyến vượt trại của chúng tôi coi như hoàn toàn thất bại nhưng hành động anh hùng của các bạn tôi sẽ còn mãi. Đã 35 năm qua, năm nay tôi muốn nhân mốc thời điểm này để vinh danh các bạn, đem sự kiện anh hùng cũ kể lại để mọi chuyện rõ và các bạn thật xứng đáng được nhắc nhớ, bởi có ai đem thành bại luận anh hùng đâu? Thời gian qua, tôi đã may mắn tiếp xúc được với gia đình (anh, chị, em) của Giám, Quốc, Hòa và có dịp trình bày suy luận của tôi về sự ra đi của các bạn. Mới đây gia đình Hòa đã tìm tới làng Bò trong một cuộc hành trình đầy khó khăn và cảm động để mang được Hòa và cả Giám nữa về chôn cất tử tế.
Tôi tri ân gia đình Hòa và đặc biệt anh Thuận (anh ruột Hòa) với bài viết: “Sống anh dũng, chết vinh quang” để vinh danh Hòa và các bạn khác cũng đã hy sinh trong chuyến vượt thoát này. Tôi cũng được biết khi ở trại Gia trung gia đình Quyền cũng mang Quyền về và đã có dịp nói chuyện với chị của Quốc hiện còn ở Việt Nam cũng như một số anh em tốt bụng quyên góp giúp đỡ gia đình Quốc. Chỉ còn Khánh tôi vẫn không biết hậu sự ra sao? Gia đình đã biết chuyện chưa? Cầu mong thân xác bạn dẫu sao cũng được an vị.
Trên hết mọi việc là nơi đây, miền nam Cali hàng năm chúng tôi đều có lễ giỗ các bạn trong vòng thân hữu, nhờ vào tình nghiã đặc biệt của bạn H.H. Phong Từ bao năm qua, Phong làm chuyện này không sót một lần. Thay mặt các bạn và gia đình, tôi vô cùng cám ơn bạn. Tôi cũng không quên công ơn nuôi dạy, lo toan của cha mẹ và những hy sinh thầm lặng của anh em trong gia đình đã giúp tôi vượt qua giai đoạn khốn khó.
Không ngờ tôi có thể nhớ hết chi tiết đến như vậy bởi đã 35 năm rồi và đôi lúc vì cuộc sống tưởng chừng đã quên dẫu có nhiều đêm trăng sáng bỗng dưng tôi không ngủ được! Khi “kể” lại câu chuyện này tôi cho rằng có sự tiếp sức của các bạn nên cứ như là chúng tôi đang cùng nhau lặn lội trong rừng, mọi chuyện cứ tuần tự tiếp diễn và vì là câu chuyện “kể” nên không thể văn vẻ, nhất là đối với một người mà thời Trung học luận văn luôn đội sổ. Mong rằng không ai lấy thế mà phê bình…
Thành thật cám ơn và như thế, câu chuyện “kể” về vụ bạo động cướp súng vượt trại tù Gia trung đến đây là hết.
Vũ Mạnh Hùng
Viết xong ngày 25/1/2014
__._,_.___
No comments:
Post a Comment