Popular Posts

Saturday, May 20, 2017

Ông Tơ Hồng se duyên lộn mối!


Ông Tơ Hồng se duyên lộn mối!

Soạn giả Nguyễn Phương

Trong hai thập niên 50, 60, các nghệ sĩ sống một cuộc đời phiêu bạt, rày đây mai đó. Các nam nghệ sĩ thì đông, nữ nghệ sĩ ít, trai thừa gái thiếu và trong hoàn cảnh sống luôn di chuyển như lục bình trôi, nay ở con sông nầy, mai ở lạch nước nọ, muốn đóng rêu cũng không dễ gì đóng rêu, làm sao mà kiếm được một người vợ tâm đầu ý hiệp. Bởi vậy khi có một cô gái nào ở địa phương ngỏ ý yêu đương, một vài nghệ sĩ nhớ ngay câu nói của Minh Tấn “Không yêu thì lỗ”, nên nhào vô: người khéo thì cô vợ khăn gói theo chồng nghệ sĩ, nối tiếp hai cuộc đời giang hồ với nhau. Người không may, đành cởi bỏ áo mão, vứt gươm giáo để theo con vợ về đồng ruộng, cày sâu cuốc bẫm, sống như một nông dân chánh cống ở bên nhà vợ.


Năm 1955, Hữu Phước và y tá Be cùng với tôi về giúp việc cho gánh hát Kim Thoa của ông bầu Ngô Thiên Khai, chồng của nữ nghệ sĩ Kim Thoa.
Trong đoàn hát có kép chánh Văn Lang trắng trẻo, đẹp trai, giọng ca quyến rũ, Văn Lang khi đóng vai Kinh Kha, anh vẽ đôi mắt xếch, lúc hát đôi mắt long lên sòng sọc, coi rất có thần, nhưng khi anh hát kép mặt trắng Lữ Bố thì đôi mắt của anh thật là sắc sảo tình tứ. Văn Lang nổi tiếng là kép đắt mèo nhứt trong đoàn hát.
Hữu Phước lúc đó còn trẻ, ca vọng cổ rất mùi, tuy anh mới vào đoàn hát, chưa có vai tuồng nào đáng kể nhưng khi Hữu Phước ca vọng cổ ngoài màn (trước khi mở màn hát tuồng chính của đêm hát) thì khán giả vỗ tay khen nhiệt liệt.
Hữu Phước được nghệ sĩ lão thành Hai Tiền và Văn Lâu dạy cho anh học các động tác múa vũ đạo tuồng Tàu, cách cầm quạt, uống rượu, cách đóng các vai quan văn khi nhập triều, và học hát vai kép võ, vuốt râu, đá giáp. Vì hơi mỏng, giọng hát trong trẻo nhưng âm lượng nhỏ, Hữu Phước hát vai kép mùi, kép ca thì thành công lớn. Anh đóng kép võ không oai vì sắc vóc nhỏ con. Hữu Phước được cái may mắn là có y tá Be, người bạn chăm lo sức khoẻ và giúp cho Hữu Phước thuốc men cùng phương pháp giữ cho làn hơi được sung mãn và trong trẻo.
Y tá Be ham vui, theo gánh hát làm người gác cửa hậu trường hoặc soát vé chỉ ghế nhưng anh Be chích thuốc giỏi, có học y tá nên anh cho thuốc trị bịnh cho anh em trong gánh hát cũng rất mát tay. Nhiều người bị cảm mạo, ho tắt tiếng, anh trị mau lành bịnh, tiếng hát rông như xưa nên các kép ca, các cô đào đều thương mến, tin cậy anh. Hồi đó, các nhà thương buôn giàu có hoặc người có học thức khi bị bịnh thì mới đi khám bác sĩ trị bịnh, chớ còn đào kép hát khi đau, thường mua thuốc cao đơn hườn tán, hoặc khá một chút là nhờ mấy anh chích dạo, cho toa chích thuốc, chớ không đủ tiền và thì giờ để đến nhà thương nhờ bác sĩ khám bịnh. Trong đoàn hát, ông bầu Ngô Thiên Khai là thiếu tá Quân y, ông bận quân vụ, chỉ thỉnh thoảng đến đoàn hát. Ông biết y tá Be từng là y tá của nhà thương Chợ Rẫy, ông tin tưởng y tá Be hiểu biết cách sử dụng thuốc men để trị những bịnh thông thường, nên y tá Be được công nhận như là một y tá chánh thức của đoàn hát.
Một chuyện tình éo le và không thiếu phần lãng mạn xảy ra giữa một cô gái đẹp với Hữu Phước đã khiến cho y tá Be vì tình bạn, phải đứng mũi chịu sào, chịu cảnh “vừa khổ vừa lỗ” để giải vây cho bạn và cứu mạng người bạn tình… của người ta!
Chuyện là vầy: Sau khi bị kẻ lạ mặt liệng một trái lựu đạn trên sân khấu rạp Nguyễn Văn Hảo, nghệ sĩ đoàn Kim Thoa bị chết ba người và nghệ sĩ Duy Lân bị cụt chân. Khán giả Saigon không dám đến xem hát nên đoàn hát phải dọn về hát ở miếu Quốc Công tỉnh Vĩnh Long trong chuyến lưu diễn ở miền Hậu Giang.
Đêm đầu tiên đoàn Kim Thoa hát tuồng Phụng Nghi Đình, kép chánh Văn Lang trong vai Lữ Bố, cô Kim Thoa vai Điêu Thuyền, Hữu Phước trong vai Lý Nhu, kép Văn Lâu trong vai Đổng Trác, ông Hai Tiền trong vai Tư Đồ.
Đêm hát thành công quá sức tưởng tượng. Kép chánh Văn Lang (vai Lữ Bố), mỗi lần anh vuốt lông trĩ, trụ bộ, hất mặt nhìn lên thì khán giả vổ tay ào ào. Cô Năm Kim Thoa (vai Điêu Thuyền) tình tứ hết biết! Kép lão Văn Lâu làm Đổng Trác khiến cho khán giả cười vỡ bụng. Hữu Phước (vai Lý Nhu) ca hai câu vọng cổ van xin Đổng Trác dung thứ cho Lữ Bố với Điêu Thuyền, giọng ca của Hữu Phước quá mùi, quá hay… Vai Lý Nhu là một vai kép nhì nhưng giọng ca của Hữu Phước lôi cuốn khán giả một cách mãnh liệt.
Gần vãn hát, một cô gái độ mười tám tuổi, đến cửa hậu trường xin vô gặp nghệ sĩ. Y tá Be ngồi gác cửa, không cho vô và nói nếu muốn gặp ai thì anh ta sẽ nói nhắn dùm cho. Cô bé lấy sổ tay, xé một tờ giấy ghi mấy chữ rồi nhìn vào trong phòng hóa trang, chỉ tay vô Y tá Be day vô, ngó thấy Hữu Phước khoát khoát tay như ra hiệu chào, Y tá Be đinh ninh là cô gái gởi thơ cho Hữu Phước nên anh ta nói: Được rồi, tôi sẽ trao thơ cho anh ta. Cô gái định nói gì thêm thì các anh dàn cảnh khiêng mấy tấm cảnh ra bên hông rạp, để đưa cảnh khác vô thay, thành ra cô bé lẩn quẩn một chút rồi đi ra khán phòng xem hát tiếp.
Y tá cầm tờ giấy vô cho Hữu phước. Nghệ sĩ Văn Lang ngồi kế bên Hữu Phước, thấy y tá Be vô, anh hỏi: Hồi nãy cô gái đó nói nhắn gì với tôi hả?
Y tá Be chợt nhớ, hồi nảy cô bé nhón chân nhìn vô phòng, chỉ chỏ hướng về phía Văn Lang và Hữu Phước, lúc đó thì Hữu Phước khoát khoát tay chào, còn Văn Lang thì gật gật cái đầu. Y tá Be là bạn của Hữu Phước nên thiên về Hữu Phước, anh trả lời với Văn Lang: “Không có ai nhắn gởi gì anh”. Nói xong, anh ta dúi bức thư vào tay Hữu Phước rồi trở ra gác cửa hậu trường.
Vãn hát, Hữu Phước rửa mặt bôi son phấn, mặc thêm áo măng tô rồi thả tà tà ra bờ sông, đi đến bungalow của tỉnh, nơi mà cô gái viết giấy hẹn khi nãy. Y tá Be rủ tôi đi theo để coi ai hò hẹn với Hữu Phước.
Hồi trước Bungalow là câu lạc bộ của sĩ quan Pháp. Sau đình chiến, Bungalow trở thành khách sạn sang trọng, tầng trệt là restaurant, bán hải sản và thức ăn đặc sản của địa phương.
Hữu Phước và một cô độ hơn ba mươi tuổi đang ngồi chờ bồi bàn dọn lẩu cá bông lau. Chúng tôi ngồi bàn phía cửa vô. Vài phút sau anh Văn Lang đến. Anh lại ngay bàn của cô gái và Hữu Phước đang ngồi. Thì ra cô gái và Văn Lang quen biết nhau, đêm đó cô mời Văn Lang đi ăn khuya, không ngờ y tá Be lại đưa thư mời cho Hữu Phước. Cô thích giọng ca của Hữu Phước nên sẵn dịp nầy Hữu Phước làm quen với cô.
Đêm đó Hữu Phước về rạp hát, kể cho chúng tôi nghe chuyện gặp gỡ vừa rồi. Cô gái đó tên Xuân, chủ của một tiệm bán vải trong chợ. Cô gái đưa thơ là cháu của cô Xuân, đứng bán vải trong tiệm. Vì lúc đưa thơ, cô chưa kịp nói đưa cho ai thì anh em dàn cảnh khiêng cảnh đi tới, cô lại thấy Văn Lang gật gật đầu chứng tỏ là Văn Lang đã thấy cô nên cô yên tâm ra xem hát tiếp. Không ngờ thơ đưa lầm cho Hữu Phước.
Tôi nói: “Tuy là thơ gởi lầm địa chỉ nhưng cô Xuân quá điệu nghệ, Hữu Phước cũng được mời ăn lẩu và làm quen với người đẹp. Bây giờ thì Hữu Phước nên rút lui, trả lại sân chơi cho anh Văn Lang. Phải vậy không?”
– Cô Xuân không phải là người tình của anh Văn Lang. Cô quen biết và ái mộ nghệ sĩ cải lương của nhiều đoàn hát. Những người có giọng ca hay, có điệu hát giỏi thường được cô mời đãi ăn, có khi tặng quà, tặng tiền. Cô nói cô thích giọng ca của tôi, tại sao tôi lại phải tự rút lui?”
Hữu Phước không công khai nói ý định của anh đối với cô Xuân nhưng rõ ràng là giữa Hữu Phước và Văn Lang bắt đầu có chuyện gay cấn.
Trong tuồng có màn đánh kiếm thì Văn Lang và Hữu Phước đánh với nhau tóe lửa, tôi phải chạy đi kêu ông Nguyễn Huỳnh Phước để ông ở trong cánh gà can ngăn hai người. Hát thì Văn Lang hát lướt những câu đối thoại của Hữu Phước. Hữu Phước bèn bỏ vô trong cánh gà ngồi để cho Văn Lang chới với một mình ở ngoài sân khấu, không biết phải hát ra làm sao. Cô Kim Thoa hay ông Hai Tiền phải ra sân khấu, hát cương để lôi kéo Hữu Phước trở lại sàn diễn. Hữu Phước tự nguyện ca vọng cổ ngoài màn để thu hút sự chú ý của khán giả về mình trong khi đó thì giọng ca vọng cổ của anh Văn Lang thua Hữu Phước khá xa.
Đêm thứ nhì hát tuồng Kinh Kha tráng sĩ, Văn Lang đòi hát vai Cao Tiệm Ly, để cho Hữu Phước đóng vai Kinh Kha. Anh nói vai Kinh Kha có nhiều câu vọng cổ hay, hợp với giọng ca của Hữu Phước. Vai Cao Tiệm Ly cũng có ca vọng cổ, phong thái của một người tiên phong đạo cốt, thổi sáo bên bờ sông Dịch Thủy để tiễn bạn sang Tần. Văn Lang từng hát cả hai vai nên anh đổi vai không có gì là khó khăn cả.
Riêng Hữu Phước, nhỏ con, ốm yếu mà phải thủ vai tráng sĩ Kinh Kha thì anh sẽ gặp khó khăn trong việc hóa trang một tráng sĩ thời Chiến Quốc.
Tôi hỏi Hữu Phước liệu đóng vai Tráng sĩ Kinh Kha được không?
Hữu Phước cười: Thì phải ráng chứ sao! Tối nay anh đứng bên cánh gà nhắc dùm tôi mấy câu vọng cổ. Bây giờ tôi đi kiếm chỗ yên tịnh để học tuồng.
Hữu Phước gặp ông Hai Tiền nhờ làm dùm cho Hữu Phước một bộ râu quai hàm, anh muốn hóa trang một Kinh Kha bậm trợn, mắt xếch, râu quai nón rậm ria. Ông Hai Tiền nhận lời vì ông là một tay chuyên làm đạo cụ sân khấu, làm râu, tóc giả nên ông có mang theo đủ dụng cụ và vật liệu cần thiết.
Hữu Phước bỏ đi đâu biệt dạng tới gần chiều tối mới thấy anh ôm một bọc vải đi về, vừa đi vừa ca vọng cổ, anh dò tuồng trước khi ra sân khấu.
Hữu Phước cho tôi biết là anh ta xin vé mời của ông bầu để đến mời cô Xuân và cô Thu Hà xem hát. Anh than thở việc Văn Lang chơi xấu, biết anh nhỏ con nên anh đẩy cho Hữu Phước đóng vai Kinh Kha tráng sĩ cho khán giả cười chơi. Cô Xuân và Thu Hà tình nguyện may hai cái áo bông lót bên trong, độn ngực, độn vai cho Hữu Phước nên khi mặc bên trong áo lót có độn bông gòn dày cui, tướng tá của Kinh Kha Hữu Phước cũng ra vẻ người có vai u thịt bắp, đường hoàng một tráng sĩ dọc ngang thời Chiến quốc.
Ông Hai Tiền hóa trang mặt cho Hữu Phước, ông gắn râu quai hàm, gắn chân mày xếch và ông dặm mặt cho Hữu Phước, thể hiện đúng là một trang tráng sĩ đầy khí phách. Giọng nói lối, giọng ca của Hữu Phước êm như ru hồn cả khán phòng. Tôi nghĩ là không cần tốn công quá lắm trong việc hóa trang vào vai Kinh Kha, chỉ riêng tiếng ca ngâm của Hữu Phước cũng đủ kéo khán giả trở về cái thời chiến quốc mấy ngàn năm trước để mà rơi lệ thương cảm cho một vị tráng sĩ, qua sông Dịch đi hành thích Tần Thủy Hoàng, khi ra đi đã gõ kiếm ca rằng Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn.
Đêm nay hai anh hát lớp nầy hay quá! Hữu Phước và Văn Lang đều tập trung khả năng, dùng giọng ca êm nhất, mùi nhất và gởi cả tấm lòng trong câu ca nên chẳng những khán giả xúc động trước tình bạn tha thiết giữa Kinh Kha và Cao Tiệm Ly mà chính Hữu Phước và Văn Lang, ca các câu vọng cổ nầy, hai anh cũng tự cảm thấy như đôi bạn tri kỷ đau lòng khi phải chia tay nhau. Hai anh bất giác ôm nhau, lặng đi trong một khoảnh khắc để tự thấy lòng mình thương bạn mình hơn bao giờ hết.
Có hai khán giả đặc biệt xúc động mạnh khi xem lớp hát nầy, đó là cô Xuân và cô Thu Hà. Hai cô biết hai người đàn ông suýt chia tay nhau vì một cuộc tranh tình, giờ đây họ đã về bên nhau, tình bằng hữu, tình đồng nghiệp của họ không có gì chia cắt được.
Ông bầu Nguyễn Huỳnh thở phào, nhẹ nhõm, hai kép chánh đã vui vẻ với nhau, ông dẫn Hữu Phước và Văn Lang đi ăn khuya để mừng hai bạn và cuộc hồi sinh phong độ của đoàn hát.
Hôm sau, tôi và y tá Be làm như tình cờ đi đến tiệm vải của cô Xuân, thấy cô cháu gái của cô Xuân nên ghé lại chào hỏi. Cô đó tên Thu Hà, thi rớt Trung Học, về đứng bán vải giúp cho cô Xuân. Qua câu chuyện tôi được biết cô Xuân là tình nhân của ông thiếu tá H, quyền tỉnh trưởng tỉnh Phú Bổn, một tỉnh mới được thành lập vùng Pleiku hay Kontum. Ông H ít khi về Vĩnh Long nên cô Xuân sống như một người độc thân.
Tôi nói với Hữu Phước: “Theo tao thì mầy đừng có lân la đến với cô Xuân nữa. Cô ta là tình nhơn hay là vợ bé của ông thiếu tá H. Người ta đi chiến đấu, mầy ở hậu phương, mầy không nên làm cái chuyện thất nhơn sát đức, đi phá hại gia cang của người ta. Cái chuyện đó tổn âm đức lắm Mầy sẽ lãnh hậu quả không tốt nếu như mầy đeo đuổi theo ý định chinh phục cô ta.”
Hữu Phước cãi lại: “Tôi chưa có ý chinh phục cô ta Cô Xuân tiếp đãi tôi cũng như cô đã tiếp đãi anh Văn Lang và nghệ sĩ khác. Hõng lẽ người ta ái mộ, giúp đở nghệ sĩ thì mình cho là người ta muốn mình sao?”
Tôi cứng họng vì Hữu Phước nói có lý, nhưng tôi thấy đôi mắt cô Xuân đắm đuối nhìn Hữu Phước khi nghe anh ca vọng cổ, tôi biết là giọng ca của Hữu Phước có ma lực làm say đắm lòng người.
Sáng hôm đó cô Thu Hà đến nói cô Xuân mời Hữu Phước, anh Văn Lang và hai anh bạn của Hữu Phước lại dùng cơm. Anh Văn Lang từ chối lời mời vì anh nói nhường sân cho Hữu Phước.
Bữa cơm thịnh soạn, thân mật như trong gia đình. Tôi thấy cô Xuân đối đãi với nghệ sĩ bằng một tấm lòng ái mộ không vụ lợi. Cô đã gần bốn mươi tuổi, tuổi của cô Xuân lớn gấp đôi tuổi của Hữu Phước. Không thể có tình yêu nẩy nở giữa hai người có cái tuổi chênh lệch như vậy.
Đêm thứ ba hát tuồng Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà, hai cô cháu cô Xuân vẫn ngồi hàng ghế thượng hạng. Hữu Phước ca: “Bạch Thu Hà, Bạch Thu Hà ơi, Nàng đã bao phen vượt suối trèo non để giữ vẹn tiết trinh, Ta mấy bận lao mình trong nắng gió. Chuyện hàn huyên chưa cùng nhau cạn tỏ thì giọt máu chung tình đã thắm đượm chinh y. Từ đây hết nợ hết duyên, hết ân hết ái, lưỡi gươm thiêng ta xin gởi lại cho người yêu lý tưởng Bạch Thu Hà.”
Trên sân khấu Hữu Phước – Võ Đông Sơ kêu Bạch Thu Hà ơi, Bạch Thu Hà hỡi, anh than van kêu khóc với Bạch Thu Hà. Trong khán phòng, cô Thu Hà ngồi xem hát mà cô tưởng như Hữu Phước đang tâm sự với cô, Hữu Phước kêu réo tên cô không ngừng… Thu Hà ôm mặt khóc ngất, giống như người yêu của cô đang kêu giã biệt Thu Hà.
Tuồng hát chưa dứt, có một kẻ nào đó quăng một trái lựu đạn khói ở ngoài trước cửa Miếu Quốc Công. Tiếng nổ lớn gieo kinh hoàng, khán giả ùn ùn bỏ chạy. Màn buông xuống, chúng tôi cũng kéo nhau chạy ra sau miếu núp. Một lúc lâu, không thấy có súng bắn hay lựu đạn nổ tiếp, chúng tôi trở vô rạp. Miếu Quốc Công tan hoang như một bãi chiến trường. Khán giả xô đẩy nhau chạy, làm gãy nhiều ghế, cửa miếu bị xô bung bản lề, có một ít máu vương vãi đây đó, có lẽ khán giả bị bể đầu, trầy chân khi xô nhau mà chạy trối chết khi tiếng lựu đạn nổ bất ngờ trước cửa rạp hát
Ngay đêm đó ông Nguyễn Huỳnh cho gỡ bảng hiệu Kim Thoa xuống, xếp y trang, phong cảnh vô rương. Ban quản trị Miếu Quốc Công yêu cầu đoàn hát dọn đi nơi khác chớ không cho mướn miếu để hát nữa. Ông Nguyễn Huỳnh phải mướn rạp Cầu Lầu cho nghệ sĩ tạm trú. Một tuần lễ ở không chẳng có việc gì làm, Hữu Phước và y tá Be thường đến tiệm vải của cô Xuân. Y tá Be đi chích dạo quanh xóm, khi về tiệm vải thì tán dóc với Thu Hà. Có đêm, hai người bạn của tôi vắng mặt trong rạp Cầu Lầu, chắc là đang ở nhà cô Xuân.
Hơn mười ngày sau đoàn hát mới dọn đi qua tỉnh Trà Vinh. Cô Xuân không ra đưa tiễn nhưng cô Thu Hà xách va ly theo đoàn hát. Ông bầu Nguyễn Huỳnh và cô Kim Thoa không cho vì theo tập tục của gánh hát, người phụ nữ trên bờ mà xuống ghe hát, khi cô đó mang bầu thì gánh hát sẽ rã. Không biết Thu Hà có thai thiệt không, và Thu Hà cặp với ai? Hữu Phước hay y tá Be?
Dầu sao thì khi đoàn hát chuyển bến lần đó, Y tá Be như Cao Tiệm Ly, ở lại bên bờ sông Vĩnh Long với cô bạn mới, anh từ giã ánh đèn, từ giã trống phách, giáo gươm để về cầm cây thước bảng, đo vải và gác cửa cho cô vợ trẻ. Lần đó Y tá Be cầm tay của tôi và Hữu Phước, khóc ròng như đưa tiễn chúng tôi sang Tần để hành thích Tần Thủy Hoàng. Anh ta hứa: “Khi nào nó đẻ xong, tôi sẽ khăn gói đi theo đoàn hát.”
– Tầm bậy! Mầy còn phải lo nuôi vợ nuôi con chớ! Ông Tơ hồng đã trao lộn mối. Thơ của Văn Lang mà mày đưa cho Hữu Phước. Nó chạy làng thì mầy phải nhào vô gánh hậu quả chớ!”
Tuy nhiên y tá Be khổ vì xa anh em gánh hát, nó vừa khổ, vừa lỗ mà cũng vừa sướng vì bỗng nhiên nó được an cư lạc nghiệp với một người vợ trẻ trong thời kỳ các gánh hát đều chịu cảnh long đong.
Soạn giả Nguyễn Phương
Tháng 5 / 2017

__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List