Popular Posts

Sunday, May 21, 2017

KỶ NIỆM MỘT THỜI

 

 
KỶ NIỆM MỘT THỜI
                                                 
Tạ Quang Khôi

Ngay từ nhỏ, mới học lớp nhì, lớp nhất bậc tiểu học tôi đã mơ trở thành thi sĩ. Khi bước chân lên năm thứ nhất thành chung, sau này gọi là bậc trung học, tôi bắt đầu làm thơ. Sở dĩ tôi mơ trở thành thi sĩ vì tôi có một thầy giáo kèm tại nhà là một thi sĩ có nhiều thơ được đăng trên các báo ở Hà Nội. Tỉnh tôi là một tỉnh nhỏ nên khi vị gia sư của tôi có thơ đăng báo thì ông trở thành một thi sĩ nổi danh ngay, ít nhất cũng là người tiếng tăm, tài hoa của cái tỉnh nhỏ bé, quê hương tôi. Có thầy học là thi sĩ nổi tiếng, tất nhiên tôi cũng mơ trở thành thi sĩ như thầy. Tôi đâu có biết rằng muốn làm thơ phải có tài chứ không phải làm được năm ba câu vè là thành thi sĩ ngay, nhất lả nhà thơ danh trấn một phương.

          Một hôm, tôi đưa bài thơ tôi vừa “sáng tác” cho Thầy xem. Đó là bài thơ đầu tiên trong đời tôi. Thầy xem xong, giữ im lặng một lúc khá lâu, rồi bảo tôi : “Cậu nên học hành chăm chỉ, đừng có thơ thẩn mà hỏng cả một đời.” Tôi gạn hỏi :”Nhưng anh (tôi quen gọi ông là anh) không cho em biết ý kiến của anh về thơ em.” Ông lại im lặng một lúc nữa rồi mớt trả lời : ”Cậu chưa biết làm thơ... hay nói thật cậu đừng buồn, cậu không có khiếu về thơ đâu.” Tôi thất vọng và đau dớn vì tự ái bị tổn thương. Nhưng sau đó, tôi nghĩ rằng ông thầy sợ tôi “cạnh tranh nghề nghiệp” với ông nên không muốn tôi cũng làm thơ như ông. Từ đó, tôi vẫn làm thơ và không thèm (hay không dám ?) đưa cho Thầy xem nữa. Tôi âm thầm tự coi mình là một thi sĩ.

          Khi đi kháng chiến chống Pháp, tôi cũng vẫn làm thơ. Chính nhờ những bài thơ tôi gửi đăng “báo viết tay” của đơn vị, tôi được chuyển  về làm trong tòa soạn “báo viết tay” của trung đoàn. Gọi là tòa soạn cho oai chứ thật ra chỉ có trần xì hai mống, một người biết vẽ và viết chữ đẹp, và một người soạn bài vở. Độc giả đa số là những chiến sĩ chưa qua bậc tiểu học. Ít ra tôi cũng nổi tiếng là thi sĩ của trung đoàn tôi. Xin giải thích về “báo viết tay”. Loại báo này không phải là bích báo (báo dán tương) mà cũng không phải là báo in đàng hoàng. Báo viết tay được viết trên một vài tờ giấy nhỏ, truyền tay cho nhau đọc vào những giờ nghỉ ngơi. Cũng có khi được đọc trong một buổi họp đông đủ mọi người. Loại báo này có tính cách thủ công nghiệp nặng về tuyên truyền hơn văn chương nghệ thuật.

          Giữa năm 1950, tôi bỏ kháng chiến, trở về Hà nội để đi học lại, rồi tiếp tục làm thơ. Thơ tôi được đăng trên một vài tờ tuần báo văn nghệ của đất Thăng Long. Nhờ những bài thơ đăng báo này tôi được quen biết một số văn nghệ sĩ của Hà thành hoa lệ. Chơi với tôi thân nhất là anh em anh Hoàng Phụng Tỵ và Hoàng Song Liêm, anh Lê Nguyên Ngư (vào Saigon đổi là Hồ Nam và Vương Tân), anh Song Nhất Nữ, anh Nguyễn Quốc Trinh, vv... Anh Hoàng Song Liêm còn có bút hiệu là Người Xứ Mộng trong tờ “Chiếu Bóng Tuần báo”, chuyên trả lời những thắc mắc của độc giả bốn phương về điện ảnh. Một trong những nữ độc giả trung thành của họ Hoàng sau đã trở thành Hoàng phu nhân khi Anh Liêm di cư vào Nam.

          Anh Hoàng Song Liêm và tôi dự định in chung một tập thơ, lấy tên là “Nắng Mới”. Thơ đã chọn lựa và gom góp đầy đủ, tiền in cũng đã sẵn sàng. Chỉ còn một việc cuối cùng là đem tiền và thơ tới nhà in là chúng tôi sẽ nổi tiếng như sóng cồn. Nhưng một việc không may đã xảy ra làm cuốn thơ tựa đề là “Nắng Mới” biến thành...nắng tàn, không bao giờ đuợc ra chào đời dù đã được chuẩn bị đầy đủ. Một buổi, anh Liêm và tôi rủ nhau đi ăn mừng tác phẩm sắp in. Chúng tôi vào một hiệu cà phê ở gần bờ hồ Hoàn Kiếm, uống cà phê và ăn bánh pâté chaud. Chúng tôi nhận ngay ra rằng paté chaud của hiệu Tùng Linh này ngon vô cùng, có thể coi như vô địch ở đất Thăng Long lúc bấy giờ. Thế rồi ngày nào chúng tôi cũng bỏ học (lúc đó Anh Liêm học đệ nhất ở Nguyễn Trãi, tôi ở Chu Văn An) để đến hiệu Tùng Linh “ăn mừng tác phẩm sắp in” Tôi nghĩ rằng mình sắp là thi sĩ rồi, cần gì phải học. Chẳng bao lâu, tiền in thơ của chúng tôi bị hao hụt trầm trọng. Anh Liêm và tôi kiểm điểm lại số tiền dành cho việc in thơ không còn đủ trả nhà in nữa. Anh Liêm nói đùa :”Thôi, mình không thèm làm phiền hội đồng giám khảo của hoàng gia Thụy điển nữa, chờ một dịp khác vậy.” Thế là mộng in thơ đã tan thành mây khói, hay đúng ra là tan thành cà phê và pâté chaud. Chúng tôi quy lỗi cho ông chủ hiệu Tùng Linh đã bóp chết một thi phẩm...”để đời” trong trứng nước.

          Di cư vào Saigon, anh Hoàng Song Liêm gia nhập quân đội, đeo lon chuẩn úy đồng hóa chiến tranh tâm lý bộ Quốc phòng. Vào dịp đó, nhà văn lão thành Tam Lang cùng một nhóm văn nghệ sĩ Bắc Kỳ di cư xuất bản tờ nhật báo Tự Do. Tôi xin được một chân thư ký nhà in. Tại đây, tôi có hân hạnh được quen biết các nhà văn, nhà thơ bậc đàn anh nổi tiếng, như  các anh Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Mặc Thu, Đinh Hùng và Như Phong... Thỉnh thoảng thơ của tôi cũng được đăng trên nhật báo Tự Do. Anh Như  Phong là một người làm việc rất tích cực. Ngoài chức tổng thư ký tòa soạn rất bận rộn, anh còn viết một truyện dài hàng ngày. Hậu quả của sự làm việc quá hăng say là bệnh lao phổi. Anh phải nghỉ để chữa bệnh. Người tạm thay anh là anh Nguyễn Hoạt tức Hiếu Chân. Lúc đó, anh Như Phong đang viết truyện dài “Một Triệu Đồng”. Đáng lẽ khi anh nghỉ thì truyện cũng phải tạm ngưng, nhưng các vị trong ban chủ trương không muốn bỏ ngang, nên các anh Nguyễn Hoạt, Đinh Hùng, Bùi Xuân Uyên, Mặc Thu phải thay phiên nhau viết tiếp. Thi sĩ Đinh Hùng cũng là người làm việc rất tích cực. Ngoài mục thơ châm biếm hàng ngày “Đàn Ngang Cung” mà anh ký là Thần Đăng, anh còn viết một truyện dài dã sử, tựa đề là “Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu” với bút hiệu Hoài Điệp Thứ Lang và vẽ tranh hài hước. 

Bây giờ anh lại phải viết phụ “Một Triệu Đồng” thì thật vất vả. Người nào cũng viết một vài kỳ, rồi không chịu tiếp tục nữa. Anh Nguyễn Hoạt một hôm bảo tôi : ”Cậu viết giúp một vài kỳ đi. Như Phong cũng sắp về rồi.” Tôi vừa ngạc nhiên vừa e ngại, vì tôi có viết truyện dài bao giờ đâu. Tôi rụt rè trả lời anh :”Nhưng tôi không đọc truyên của anh Như Phong, làm sao viết nổi.” Ngẫm nghĩ một lúc, anh bảo tôi : ”Thôi được, hôm nay tôi viết, ngày mai đến phiên cậu. Tối nay về xem lại từ đầu đi.” Tôi miễn cưỡng nhận lời. Tôi viết được vài kỳ thì thấy khổ sở và mệt mỏi quá vì vượt quá khả năng của tôi nên nhất định không viết tiếp nữa. 

Đúng vào lúc đó anh Như Phong đi làm lại. anh Nguyễn Hoạt nửa đùa nửa thật trách anh Như Phong đã làm khổ cả tòa soạn. Anh Như Phong viết thêm một vài kỳ nữa rồi chấm dứt truyện. Vì chấm dứt bất ngờ như vậy, khoảng trống đó chưa có truyện nào thay thế. Tòa soạn phân vân chưa biết tính sao thì anh Nguyễn Hoạt lại đề nghị :”Hay để anh Khôi viết trám chỗ đó đi. Mấy kỳ anh ấy viết thế truyên Một Triệu Dồng cũng được lắm.” Các anh Như Phong, Đinh Hùng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Thu đồng ý ngay. Anh Mặc Đỗ đi vắng nên không có ý kiến. Các anh bảo tôi thử viết trước một đoạn xem sao. Đêm hôm đó tôi đã thức trắng để viết thử. Sáng ra, tôi đưa cho anh Nguyễn Hoạt một xấp  giấy mới viết, lấy tên truyện là”Vực Thẳm”. Anh vừa đọc vừa gật gù có vẻ đồng ý. Anh Vũ Khắc Khoan cũng đọc bản nháp của tôi, rồi bảo :”Việc đ. gì mày phải lấy bút hiệu, cứ chơi tên thật cũng có sao đâu.” Anh Khoan là bạn học của mấy ông anh họ tôi ở Bưởi nên coi tôi như em. Tôi nghe lời anh bỏ bút hiệu mà tôi vẫn dùng khi làm thơ.

          Thế là tôi trở thành một cây viết feuilleton một cách tình cờ và bất đắc dĩ. Nhưng nhật báo Tự Do không sống lâu. Vào cuối tháng 4 năm 1956, nội bộ có chuyện lủng củng. Rồi báo đóng cửa vào đầu tháng 5. Mới đây, anh Mặc Đỗ (hiện ở Texas) cho biết  nguyên nhân chính khiến nhật báo Tự Do phải dẹp tiệm là chuyện chính trị, chứ không phải nội bộ lủng củng. Anh Như Phong Lê Văn Tiến trước khi qua đời cũng xác nhận điều đó. Phủ Tổng thống thấy báo Tư Do của dân Bắc Kỳ di cư được độc giả ủng hộ nồng nhiệt mà ban chủ trương của tờ báo không một ai là đảng viên Cần lao Nhân vị, lại không phải người miền Trung mà cũng không ai theo Thiên Chúa giáo nên muốn lấy tờ báo về cho đảng viên Cần lao. Khoảng một năm sau báo Tự Do tái bản, chủ nhiệm là anh Phạm Việt Tuyền, người của phủ Tổng Thống. Anh Như Phong lại làm thư ký tòa soạn. Nhà văn đường rừng Tchya Đái Đức Tuấn giữ mục chuyện phiếm hàng ngày “Nói Hay Đừng” với bút hiệu là Mai Nguyệt. Sau Mai Nguyệt là Tiểu Nhã hay Hà Thượng Nhân tức Phạm Xuân Ninh và Hiếu Chân Nguyễn Hoạt. Tôi không nhớ ai trước ai sau hay viết xen lẫn ?

          Khi tới Mỹ theo diện HO, anh Như Phong có ghé thăm tôi ở Falls Church (VA) và ở lại chơi một tuần. Trong dịp này anh kể một chuyện vui về nói lái. Nhà văn Mai Nguyệt có lần viết trong mục “Nói hay đừng” (mà Tiểu Nhã nói ngược lại là...nứng hay đòi) đụng chạm tới ông Cao Văn Tường, chủ tịch quốc hội. Ông Cao đòi trừng phạt báo Tự Do. Khi nghe tin này, Mai Nguyệt  không những không sợ mà còn viết thêm một bài nữa lấy tựa đề là “Cao Tặc”. Có thể người đọc chỉ nghĩ rằng Mai Nguyệt đã coi ông Cao Văn Tường là giặc khi đòi trừng phạt báo Tự Do. Nhưng có người đã mét với ông Tường là Mai Nguyệt xúc phạm nặng nề đến ông chủ tịch quốc hội, nếu đọc ngược lai. Câu chuyện tưởng đã thành lớn ngay, nhưng nhờ sự dàn xếp khéo léo của bác sĩ Trần Kim Tuyến mà được thông qua một cách êm thắm..

          Về phần tôi, sau khi báo Tự Do của nhóm cụ Tam Lang đình bản, tôi thất nghiệp. Đang chới với lo lắng thì nghe tin đài phát thanh Saigon mở kỳ thi tuyển biên tập viên. Tôi bèn nộp đơn và đã trúng tuyển. Nhưng ngồi soạn tin cho xướng ngôn viên đọc được một thời gian thì tôi bắt đầu cuồng cẳng, xin đổi sang ban phóng viên chạy ngoài. Trong thời gian làm phóng viên, tôi có hai chuyện để nhớ suốt đời. Chuyện thứ nhất là chuyện cùng một bạn phóng viên khác của đài Saigon về Cần Thơ xem xử tử loạn tướng Ba Cụt. Cảnh dầu rơi, máu phun tóe ra làm tôi sợ đến run người. Khi trở về Saigon, tôi lên cơn sốt ba ngày liền. Chuyện thứ hai là chuyện ám sát hụt tổng thống Ngô Đình Diệm ở Ban Mê Thuột. Thủ phạm dấu khẩu tiểu liên trong áo mưa nên chỉ bắn được có một phát rồi súng bị kẹt. Người ta cho rằng nếu cả băng đạn ra khỏi nòng một cách trơn tru thì tổng thống Diệm cũng không thoát mà các nhà báo vây quanh tổng thống cũng sẽ có nhiều người bị trúng đạn. Viên đạn duy nhất đã trúng ông bộ trưởng canh nông Đỗ Văn Công sau khi xẹt qua lưng ký giả Trực Ngôn của báo Tự Do. Thủ phạm bị bắt ngay tại trận. Đến sau chính biến giết anh em tổng thống Diệm vào đầu tháng 11 năm 1963, thủ phạm vụ mưu sát này đã được trả tự do.
          Trong thời gian làm đài phát thanh Saigon, tôi vẫn cộng tác với báo Ngôn Luận và Văn Nghệ Tiền Phong. Tôi viết truyện dài cho cả hai báo.  Văn Nghệ Tiền Phong có mục giải đáp tâm tình do bà Tùng Long phụ trách. Một hôm, độc giả gửi thư than phiền bà Tùng Long đã xúi người ta bỏ vợ, bỏ chồng. Cách đây nửa thế kỷ, ở Việt Nam, chuyện vợ chồng ly dị là chuyện ít xảy ra nên độc giả mới coi là quan trọng. Ngày nay, trên các báo hàng ngày ở Mỹ, các bà giải đáp tâm tình Mỹ thường khuyên độc giả ly dị mà có thấy ai phàn nàn gì đâu. Ông chủ nhiệm Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng quyết định “chấm dứt nhiệm vụ” của bà Tùng Long. 

Thoạt tiên, ông chuyển mục đó cho Anh Tử Vi Lang, tức Thày Gòn. Anh Tử Vi Lang viết cho cả hai báo, Ngôn Luận và Văn Nghệ Tiền Phong, lại mới cưới vợ nên lúc nào cũng than “ bận quá, bận quá”, bèn đẩy sang cho tôi. Vì không ai chịu nhận, tôi đành miễn cưỡng nhận và giao hẹn chỉ làm tạm một vài kỳ để kiếm người thay thế chính thức. Tôi lấy bút hiệu cho mục giải đáp tâm tình này là Diễm Hồng, tên một cô bạn học lớp đệ nhất Chu Văn An ở Hà Nội. Anh Tử Vi Lang chê cái tên “quá hiền lành”, e không “ăn khứa” nên thêm chữ Kiều  cho có vẻ cải lương. Bút hiệu Kiều Diễm Hồng xuất hiện từ ngày đó. Tôi chỉ giữ mục này có vài kỳ, rồi trả lại cho tòa soạn, vì tôi vừa làm đài phát thanh vừa viết truyện dài hàng ngày và vừa tiếp tục đi học. Tôi không rõ sau tôi là những ai đã từng mang tên Kiều Diễm Hồng, chỉ nhớ rằng tên đó đã được nhà báo Thái Linh dùng rất lâu, rồi mang sang báo Chính Luận sau này.                                       
          Vào cuối năm 1957, tôi có một chuyện buồn nên quyết định bỏ viết văn, viết báo để đi học lại toàn thời gian. Sau đó, tôi sống bằng nghề gõ đầu trẻ, một công chức nhà nước. Đến năm 1967, vào thời kỳ “Kinh tế kiệm ước” của ông tổng trưởng Phạm Kim Ngọc, lương công chức của tôi không đủ sống cho một gia dình năm người. Tôi phải chọn lựa hoặc đi dạy tư hoặc trở lại nghề viết báo. Dạy tư, nếu muốn kiếm đủ tiền để sống, tôi sẽ phải dạy nhiều lóp, mỗi lớp có vào khoảng từ 90 đến 100 học sinh. 

Cứ hai tuần lại phải chấm bài một lần. Số bài chấm sẽ rất nhiều, e không làm nổi. Trong khi đó, tôi vẫn phải dạy đủ số giờ quy định ở trường công.  Vì thế, tôi quyết định trở lại với báo chí. Vào dịp đó, Anh Đinh Từ Thức (bút hiệu Sức Mấy) phụ trách tòa soạn một tờ nhật báo mới xuất bản. Đó là tờ Saigon Báo mà chủ nhiệm là Anh Roch Cường, một giáo sư dạy Pháp văn nổi tiếng trong giới tư thục. Anh Đinh Từ Thức cần người giúp anh trong việc tòa soạn nên mời Anh Trịnh Viết Thành và tôi cộng tác. Tôi nhận lời ngay. Ngoài việc tòa soạn phụ cho Anh Sức Mấy, tôi còn viết một truyện dài và một phóng sự. Vì thấy tôi lo cho tòa báo nhiều việc, anh Đinh Từ Thúc đề nghị trả tôi 25 ngàn một tháng. Tôi không nhận số lương đó, chỉ xin 15 ngàn thôi, viện lẽ báo mới ra, chưa có nhiều độc giả. Anh Đinh Từ Thức và cả tòa báo đều ngạc nhiên. Trên cõi đời ô trọc này, chỉ thấy người ta xin tăng lương mà không ai đòi xuống lương.

          Một hôm, tôi gâp Anh Trần Phong Giao ở bưu điện Saigon. Anh hỏi tôi :
” Cậu viết lại rồi hả ?” Tôi gật đầu. Anh cười nói :”Đó là cái Nghiệp, làm sao trốn tránh được.” Tôi chợt nghĩ đến hai câu thơ của Nguyễn Du trong Kiều :
Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa!              
                                                                                TQK
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List