Popular Posts

Friday, May 3, 2019

THIÊN TỬ TU BỒ ĐỀ

 

THIÊN TỬ TU BỒ ĐỀ
Toàn Không
(Tiếp theo)
     Khi Thái tử Tu Bồ Đề tu quán “Năm ấm”, Năm Ấm là gì? Năm Ấm cũng gọi là Năm Uẩn, là năm thứ sâu kín của con người, gồm Thân và Tâm.
A). QUÁN THÂN:
      Là quán xác thân, cũng gọi là quán sắc.
1. Đây là sắc khổ là sao?
     Sắc là thân, đây là thân khổ, tại sao? Vì từ khi sinh ra lớn lên cho đến già chết, lúc nào cũng khổ, như đói không chịu nổi phải ăn, khát phải uống, nóng lạnh đều không chịu được; nay đau chân, mai đau mắt, lúc sổ mũi, lúc nhức đầu, khi đau bụng v.v... trăm thứ khổ não về thân như thế luôn luôn quanh quẩn không dứt, nên sắc là khổ.
2. Đây là sắc tập là sao?
      Là nguyên nhân gây ra thân sắc, do vô minh tối tăm nên tác ý khởi tâm hành động thiện ác, vì có hành động thiện ác nên tạo nghiệp lành dữ tức là có nghiệp thức, nghiệp thức đi tìm sắc tương ưng gá vào nên gọi là bào thai, đây là nguyên nhân sinh ra thân sắc.
3. Đây là sắc diệt là sao?
     Muốn không còn sinh ra thân sắc nữa, phải hết vô minh, hết vô minh sẽ không tác ý tạo hành động gây nghiệp lành dữ nữa, như vậy sẽ không có nghiệp thức, không có nghiệp thức thì không đi tìm sắc tương ưng để gá vào, nên không sinh nữa, không còn sinh nữa, tức là thân sắc diệt vậy.
4. Đây là sắc xuất yếu là sao?
     Nghĩa là khi thân sắc diệt rồi mà không có nghiệp thức thì bản thể tự tính không vào trong thân sắc, được tư do tự tại nên gọi là Niết Bàn, do đó gọi là sắc xuất yếu vậy.
B). QUÁN TÂM:
     Tâm gồm bốn thứ tinh thần là: Thụ, Tưởng, Hành, Thức.
1). QUÁN THỤ:
1. Thụ khổ là sao?
     Thụ là thọ, thụ có thọ vui thọ buồn, thọ không vui không buồn, tuy nhiên, dù thọ vui hay buồn đều là thụ khổ, vì vui thì muốn chiếm đoạt, buồn thì muốn gạt bỏ, nên đều đưa đến khổ cả. Ví dụ một món ăn, nếu người ấy thấy ngon quá, nên ăn hoài, vì ăn hoài một món như thế sẽ dễ gây bệnh, đó là thọ vui mà khổ; còn nếu người ấy ghét món đó, nhất định không những mình không thèm ăn mà cả người nhà mình cũng không có dịp để ăn, vì mình không ưa mà làm khổ người khác vậy, đó là thụ khổ.
2. Thụ tập là sao?
     Nguyên nhân của thụ là do tiếp xúc. Do tiếp xúc giữa mắt và cảnh, tai và âm thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và vật, ý và pháp, nên có thụ, đó là thụ tập.
3. Thụ diệt là sao? Nếu không có tiếp xúc sẽ không có thụ, không có thụ sẽ hết khổ, hoặc nếu mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, biết rằng người này đẹp, người kia hát hay, hoa kia thơm, món này ngon, v.v... Tất cả đều biết là như thế rồi thôi, không khởi yêu ghét, không khởi ưa thích, để nó qua đi như làn gió thoảng, nó sẽ tự quên, cảm thọ tự diệt, đó là thụ diệt.
4. Thụ xuất yếu là sao?
     Khi không còn dính mắc giữa sáu căn và sáu trần, không có một chút gì kìm giữ bám víu, thì được thung dung tự tại, tức thụ xuất yếu vậy.
2). QUÁN TƯỞNG:
1. Tưởng khổ là sao?
     Tưởng là suy nghĩ tưởng nhớ, là tri giác, là hình dung ngoại cảnh, vì cứ nhớ nghĩ những gì tốt đẹp mà hối tiếc đã qua mất, vì nhớ nghĩ những gì không vui cho mình mà thêm bực tức, nên tưởng khổ, tưởng là khổ; ví như nhớ lại oai quyền địa vị ngày xưa, nay không còn, thêm buồn tiếc thời vàng son. Hoặc có người bị hành hạ áp bức khổ sở, nay nhớ lại cảm thấy bực bội căm thù, do đó tưởng là khổ.
2. Tưởng tập là sao?
     Là nguyên nhân của tưởng, là mỗi khi ta ngồi một mình không có việc gì để làm, thường suy nghĩ tưởng nhớ đủ thứ; ngay cả khi làm việc bằng tay chân cũng vậy, chúng ta hay để cái đầu nhớ nghĩ đủ thứ việc, hoặc gặp bạn bè, thường nói chuyện xưa cũ, tất cả đều là nguyên nhân của tưởng, tất cả đều là tưởng tập vậy.
3. Tưởng diệt là sao?
     Nếu chúng ta không nghĩ tới quá khứ, không nói tới quá khứ, không gợi lên hình ảnh thuở xa xưa nữa thì không còn tưởng, đó là tưởng diệt vậy.
4. Tưởng xuất yếu là sao?
     Chúng ta quán như vậy để quên hết quá khứ xa gần, được yên ổn thanh tịnh, đó là tưởng xuất yếu.
3). QUÁN HÀNH:
1. Hành khổ là sao?
     Hành là suy nghĩ những hoạt động có ý muốn, có tác ý, do ý muốn làm việc này việc nọ, có hành là có khổ, nên hành khổ; vì làm việc nọ việc kia nên tạo nghiệp, tạo nghiệp nên có nghiệp thức, có nghiệp thức sẽ tái sinh, có tái sinh nên phải bệnh già chết, đó là hành khổ.
2. Hành tập là sao?
     Nguyên do tại sao có hành? Do suy nghĩ, tác ý, do mong muốn mà có hành động, ví như vì nghèo mà có ý muốn trộm cắp, vì trộm cắp mà bị bắt, ví như đã giàu rồi còn muốn giàu hơn, nên làm điều bất chính như hối lộ, gian thuế v.v..., đó là nguyên nhân của hành, gọi là hành tập.
3. Hành diệt là sao?
    Nếu không suy nghĩ sẽ không sinh niệm, không khởi ý muốn, không tác ý, biết đủ là đủ trên mọi phương diện, sẽ không có hành động nào cả; ví như dù nghèo ta cũng không nghĩ đến chuyện trộm cắp, chỉ kiếm sống bằng nghề chân chính, như vậy hành sẽ bị diệt.
4. Hành xuất yếu là sao?
     Khi không còn suy nghĩ, không còn điều mong muốn nào nữa, sẽ không còn hành, không có hành, ta được yên ổn ung dung tự tại, đó là hành xuất yếu vậy.
4). QUÁN THỨC:
1. Thức khổ là sao?
     Thức là sự nhận thức phân biệt khi căn tiếp xúc với trần: Mắt với cảnh, tai với tiếng, mũi với hương, lưỡi với vị, thân với xúc chạm, pháp với ý. Vì có sự phân biệt mà sinh ra yêu ghét, yêu tìm cách cho có được, ghét tìm cách gạt bỏ, tất cả đều đưa đến khổ, nên gọi là thức khổ.
2. Thức tập là sao?
      Nguyên do của thức từ đảu đến? Do sự tiếp xúc căn và trần tạo thành nhận thức phân biệt: đẹp xấu, hay dở, thơm thối, ngon dở, nóng lạnh, trơn nhám v.v... Tất cả đều do phân biệt này nọ nên có thức, đó là thức tập.
3. Thức diệt là sao?
     Khi ít tiếp xúc sẽ: có ít thức phân biệt. Nếu sáu căn tiếp xúc sáu trần không khởi phân biệt sẽ không có thức nữa, mỗi khi tiếp xúc không khen chê yêu ghét thì đến đó thức diệt vậy.
4. Thức xuất yếu là gì?
     Khi Thức đã diệt rồi đâu còn tạo nghiệp lành ác nữa, không tạo nghiệp sẽ không có nghiệp thức, không có nghiệp thức sẽ không còn tái sinh nữa, tức là thức xuất yếu vậy.
     Đến đây, chúng ta đã hoàn tất việc quán thân tâm một cách đầy đủ, một điểm nữa cần lưu ý là chúng ta thường nghe Kinh nói: Muốn đạt quả Bích Chi Phật phải quán “12 Nhân Duyên”. Nhưng theo Kinh này, Đức Phật đã chỉ cho chúng ta quán thân tâm gồm “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” một cách nhu nhuyễn cũng thành bậc Bích Chi Phật.
     Vậy những ai thấy cách quán này hợp với mình thì nên đọc cho nhu nhuyễn, và thực hành một cách kiên cố dù cho tới trọn đời vẫn không dừng nghỉ. Chúng ta tiếp tục theo dõi đoạn Kinh kế tiếp:
II). BẬC GIÁC NGỘ:
(Còn tiếp)


THIÊN TỬ TU BỒ ĐỀ
Toàn Không
(Tiếp theo)
II). BẬC GIÁC NGỘ:
     Khi ấy Đức Bích Chi Phật bay đến một ngọn núi ngồi dưới một gốc cây, rồi Ngài nhập Vô Dư Niết Bàn.
     Bấy giờ Vua Âm Hưởng bảo cận Thần đến cung của Vương tử xem Thái tử có vui chơi an ổn không? Cận Thần vâng lời Vua liền đi qua cung của Thái tử, nhưng nội thất cửa đóng chắc chắn, nên cận Thần về tâu:
“- Vương tử ngủ say an ổn, cửa cung đóng chắc chắn.”
     Nhà Vua sai đi ba lần cũng về tâu như thế, Vua liền nghĩ: “Vương tử con ta từ lúc còn nhỏ chưa bao giờ ngủ say lâu thế, huống gì ngày nay đang tuổi tráng niên lại ngủ say ư? Ta nên sang xem con lành dữ, hay con ta bị bệnh gì chăng?” Nghĩ rồi, nhà Vua liền sang nội cung của Tu Bồ Đề, khi đến ngoài cửa, bảo một người tùy tùng:
“- Ngươi thử trèo tường vào bên trong mở cửa cho ta
     Người ấy liền trèo qua tường vào trong mở cửa, nhà Vua vào xem xét, thấy giường nằm trống không, bèn hỏi mỹ nữ:
“- Vương tử hiện giờ ở đâu?”
     Các mỹ nữ tâu:
“- Chúng hạ thiếp không biết Thái tử ở đâu”.
     Vua nghe rồi liền ngã té xỉu bất tỉnh, hồi lâu tỉnh lại, Vua bảo mọi người:
“- Con ta lúc còn nhỏ mang ý niệm: “Khi lớn lên sẽ xuất gia học đạo” Nay chắc Vương tử đã bỏ ta để xuất gia học đạo, các ông nên đi khắp các ngả tìm kiếm xem Vương tử ở đâu?
     Tức thời Quân, Thần chia ra, kẻ xe người ngựa đi khắp bốn phương tìm kiếm. Bấy giờ có một đại Thần đi đến núi ấy, khi tới chân núi nghĩ rằng: “Nếu Thái tử Tu Bồ Đề xuất gia học đạo, chắc ở núi này”. Đi thêm một lúc nữa, từ xa đại Thần trông thấy có một người ngồi kết già dưới một gốc cây, đến gần hơn nữa, quan sát nhìn kỹ đúng là Thái tử, đại Thần bèn để một tùy tùng ở lại trông chừng Thái tử, rồi đích thân trở về tâu Vua:
“- Thái tử Tu Bồ Đề đang ngồi kết già dưới một gốc cây trong núi gần đây
     Vua nghe rồi liền đi đến núi đó, xa thấy Tu Bồ Đề ngồi kết già, Vua lại ngã ra bất tỉnh, tỉnh lại Vua nghĩ: “Con ta khi xưa tự thệ nguyện đến năm 20 tuổi sẽ xuất gia học đạo, nay không sai. Thiên Đế đã bảo ta: Con Đại Vương chắc sẽ học đạo””.
     Khi ấy Vua Âm Hưởng đến thẳng trước mặt Tu Bồ Đề bảo:
“- Nay con vì cớ gì mà bỏ ta học đạo?
     Bích Chi Phật im lặng không đáp, Vua lại bảo:
“- Mẹ con rất lo buồn, đợi gặp con mới chịu ăn, con nên đứng lên đi về cung cùng cha”.
     Bích Chi Phật không nói không cử động, Vua Âm Hưởng bước tới nắm cánh tay cũng không lay động. Vua liền bảo quần Thần:
“- Vương tử đã chết rồi, trước kia Vua Trời Đế Thích có cho Thiên tử tới bảo ta rằng: “Đại Vương được con nhưng khi trưỏng thành sẽ xuất gia học đạo” Nay Vương tử xuất gia học đạo, hãy đem xác Thái tử về thành hỏa thiêu.”
     Đang khi sửa soạn hỏa thiêu, có Thiên Thần hiện nửa thân hình trên hư không bảo mọi người:
“- Đây là Bích Chi Phật, đây không phải là Vương tử, cách thiêu Bích Chi Phật không phải như cách thiếu Vương tử, tại sao? Vì tôi là đệ tử Chư Phật quá khứ, chư Phật có dạy thế này: “Ở đời có 4 hạng người nên xây tháp thờ, đó là:
1- Bậc Như Lai Chí Chân Đẳng Chính Giác.
2- Bậc Bích Chi Phật.
3- Bậc A La Hán bậc Thánh đệ tử đức Như Lai.
4- Bậc Chuyển Luân Thánh Vương.
     Khi hỏa thiêu 4 bậc trên không khác nhau”.
     Vua Âm Hưởng hỏi:
“- Nên cúng dường và hỏa thiêu 4 bậc ấy như thế nào?
     Vị Thần bảo:
“- Nên làm Kim quan bằng sắt, lau rửa, dùng dầu thơm xoa, rồi dùng vải trắng quấn quanh thân, vải gấm bọc bên ngoài, đặt vào Kim quan, đậy nắp bằng sắt, đóng đinh cẩn thận. Lại dùng 100 lớp vải trắng bao chung quanh, rưới các thứ dầu thơm, đặt Kim Quan lên dàn thiêu, cúng dàng hương hoa, treo phan lọng, đánh nhạc 7 ngày đêm. Sau mới thiêu, nhặt Xá Lợi cúng 7 ngày đêm nữa, xong xây tháp tại ngã tư đường, để Xá Lợi trong đó, dùng hương hoa phan lọng tùy thời cúng dường”.
     Vua Âm Hưởng lại hỏi:
“- Do nhân duyên gì cúng dường 4 bậc này?
     Thiên Thần bảo:
“- Chuyển Luân Thánh Vương dùng chính pháp cai trị nhân dân. Tự mình không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai chiều, không nói thêu dệt, không nói ác. Chuyển Luân Thánh Vương không tham lam keo kiết, không sân hận giận hờn tật đố, không si mê tà kiến, chuyên hành chính kiến, cũng dạy người khác làm mười điều thiện, dạy người tập hành chánh kiến. Do nhân duyên này nên xây tháp thờ Chuyển Luân Thánh Vương.
     Bậc lậu tận (thói hư tật xấu đã sạch hết) A La Hán tham ái dục đã dứt, sân giận ngu si đã trừ, đã vượt qua hữu lậu (ô uế xấu xa) đến chỗ vô vi (không trái đạo lý, lấy đức độ cư xử), là ruộng tốt bạn lành của thế gian. Do nhân duyên ấy nên xây tháp thờ bậc A La Hán lậu tận.
     Bích Chi Phật không thầy tự giác ngộ, ra đời rất hiếm, được pháp báo hiện tại ra khỏi đường ác; Bích Chi Phật khiến cho người được sinh cõi Trời, do nhân duyên ấy nên xây tháp thờ Đức Bích Chi Phật.
     Đối với Đức Như Lai: Chư Phật có đủ Mười Lực, mười lực này tất cả đều không thể sánh kịp. Chư Phật còn có 4 Vô Sở Úy, ở trong đại chúng rống tiếng rống Sư tử, chuyển bánh xe pháp. Chư Phật làm mắt cho người mù, làm y vương cho người bệnh, độ người chưa được độ, khiến giải thoát người chưa được giải thoát, Chư Phật đều được Trời, Người, Thiên Ma tôn kính. Do nhân duyên ấy nên xây tháp thờ Chư Phật.”
     Vua Âm Hưởng bảo Thiên Thần:
“- Lành thay Thiên Thần! Nay tôi đã hiểu và vâng lời dạy, khiến cúng dường Xá Lợi này như Bích Chi Phật.”
     Vua Âm Hưởng cho sửa soạn các thứ vải, dầu thơm, kim quan như vị Thần đã nói, không thiếu sót. Sau khi tẩm liệm xong, dùng hương hoa, phan lọng, đàn nhạc cúng bảy ngày đêm, sau hỏa thiêu, nhặt Xá Lợi lại dùng các thứ như trên cúng trong bảy ngày đêm nữa; rồi xây tháp để Xá Lợi trong tháp, cũng dùng hương hoa các thứ tùy thời cúng dàng.
     Tỳ Kheo nên biết: nếu có chúng sinh nào cung kính cúng dường Xá Lợi Phật Bích Chi, sau khi qua đời được sinh lên cõi Trời Đao Lợi; này các Tỳ Kheo, các Thầy chớ nghĩ Vua Âm Hưởng là ai xa lạ, mà chính là Ta.
     Chúng sanh nào suy nghĩ tưởng vô thường sẽ vượt khỏi ba đường dữ, được sinh trong Trời Người, nên suy nghĩ tưởng vô thường; do suy nghĩ tưởng vô thường liền được đoạn tận ái dục, sắc ái, vô sắc ái, vô minh, kiêu mạn vĩnh viễn không còn, cũng như dùng lửa đốt cỏ cây cháy rụi sạch hết; vì thế cho nên các Thầy đem hết tâm ý nghĩ tưởng vô thường, đừng để quên mất.
LỜI BÀN:
     Khi Thiên Thần giảng cho Vua Âm Hưởng về Chư Phật có đủ Mười Lực, Bốn Vô Sở Úy, chuyển bánh xe pháp, chúng ta thử tìm hiểu thêm về những lời này.
1). Thế nào là Mười Lực?
     Mười Lực còn gọi là Mười Trí Lực, là mười sự biết như thật của Chư Phật gồm:
1. Biết những gì mắt nhìn thấy hay vô hình.
2. Biết nhân duyên nơi chốn thọ quả báo của chúng sanh.
3. Biết chúng sinh có vô số tội.
4. Biết vô số cõi, biết vô số loại giải thoát.
5. Biết trình độ trí tuệ chúng sanh nhiều ít, cao thấp.
6. Biết ý tưởng chúng sanh, tức biết tâm của chúng sinh.
7. Biết hết nhân sinh vũ trụ thành hoại.
8. Biết đường của tâm hướng đến, tức là biết sinh tử từ vô lượng kiếp.
9. Biết đường sinh tử của chúng sanh, tùy theo nghiệp đến chỗ lành dữ.
10. Biết đã dứt hữu lậu, thành tựu vô lậu, không còn thụ thân sau nữa.
Đó là: Mười Lực của Chư Phật.
2). Thế nào là Bốn Vô Sở Úy?
     Chư Phật có Bốn Vô Sở Úy gồm:
1. Như Lai nói thành Chính Đẳng Chímh Giác, người khác không thể nói được, người khác không thể chê bai được.
2. Như Lai nói đã sạch hết hữu lậu, dù Sa Môn, Bà La Môn, Trời, Thiên Ma cũng không cãi lại được.
3. Như Lai nói pháp Hiền Thánh, chấm dứt mé khổ, nếu bốn loại người trên chống đối cũng không được.
4. Như Lai nói sáu căn đắm nhiễm (nội pháp) rơi trong đường ác. Giả sử Sa Môn, Bà La Môn đến muốn nói không phải, ắt không thể được.
Đó là: Bốn Vô Sở Úy của Chư Phật.
3). Chuyển bánh xe pháp là gì?
     Là bài pháp đầu tiên của Chư Phật giảng sau khi thành đạo, giáo lý của các Ngài bắt đầu được giảng dạy lưu hành; Đối với Phật Thích Ca, đó là bài “Tứ Đế” hay “Bốn Diệu Đế”, gồm “Khổ, Tập, Diệt, Đạo” (Khổ, nguyên nhân gây ra khổ, cách diệt khổ, con đường đạo quả), Ngài giảng cho 5 vị Tỳ Kheo đầu tiên.
     Sau chót, Đức Phật bảo: “Do suy nghĩ tưởng vô thường liền đoạn tận ái dục, sắc ái, vô sắc ái, vô minh, kiêu mạn vĩnh viễn không còn”, là sao?
 4). Tại sao tưởng vô thường liền đoạn ái dục?
     Vì nếu suy nghĩ ái dục không bền không lâu, luôn thay đổi, qua nhanh như tên bắn, suy nghĩ ái dục đã qua mau, còn tạo khổ, thì sự ham muốn dục sẽ giảm sẽ dứt (dục tận).
     Nếu suy nghĩ nhiều về vô thường rồi, sự ham muốn đẹp, thơm, ngon, dễ chịu v.v... nó chỉ như gió thoảng, không còn quan trọng, không cần để ý nữa (sắc ái dứt).
     Nếu tưởng nhớ về vô thường nhu nhuyễn rồi, những sự liên quan đến danh vọng, địa vị v.v...,cũng như vang bóng một thời qua đi vào quên lãng, không còn nhớ nghĩ nữa (vô sắc ái diệt).
     Nếu nhớ tưởng vô thường luôn luôn quán chiếu thì những sự kiêu căng ngã mạn, tăng thượng mạn, tà mạn thành dư thừa không cần thiết nữa (kiêu mạn mất).
     Khi tất cả những thứ trên (ái dục, sắc ái, vô sắc ái, kiêu mạn diệt) dứt tận diệt mất, không còn manh giáp, thì minh hiện (vô minh hết); minh hiện tức là có trí huệ, có trí huệ thì được giải thoát vậy.,.


__._,_.___

Posted by: Tien Do 
__._,_.___

Posted by: Tien Do 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List