Popular Posts

Tuesday, May 29, 2012

Bắt đầu của một kết thúc cho đảng Cộng Sản Trung Quốc?

Bắt đầu của một kết thúc cho đảng Cộng Sản Trung Quốc?

Việt Nguyên

 

“Chưa bao giờ tình hữu nghị Mỹ-Trung thắm thiết như ngày hôm nay”. Tôi đã phải bật cười khi nhìn bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton, người luôn luôn có bộ mặt đăm đăm không cười, nói một câu khôi hài duyên dáng sau chuyến viếng thăm Trung cộng đầu tháng 5 năm 2012.

 

Nhà thơ T.S. Elliot có câu nổi tiếng: “Tháng 4 là tháng độc ác nhất trong năm”. Tháng 4 năm 2012 không tử tế lắm với xã hội hài hòa của Hồ Cẩm Ðào và sao quả tạ chiếu xuống phơi bày bộ mặt trái đảng Cộng Sản Trung Quốc từ trong ra ngoài.

 

Tháng 4, 2012, chẳng những bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa căng thẳng mà Trung Cộng còn phải đối phó với các quốc gia khác; các nhà đấu tranh môi sinh chiếm tòa đại sứ Trung Cộng ở Quito, cộng hòa xích đạo Ecuador, biểu tình chống Trung Cộng xây đập nước Myitsone ở Bắc Miến Ðiện, công nhân hãng dầu Trung Hoa bị bắt cóc ở Sudan và biển Ðông vẫn tiếp tục dậy sóng với sự khiêu khích của Hải quân Trung Cộng.

 

Tự hào về cách dùng quyền lực mềm mỏng, chính quyền Trung Cộng cũng đã bị phản đối mạnh mẽ ở Luân Ðôn ngày hội báo chí, họ bị các nhà văn quốc tế phản đối mạnh mẽ về vấn đề kiểm duyệt báo chí và thông tin ở Trung Hoa.

 

Biến cố Trùng Khánh

Giao đoạn chuyển tiếp yên ổn từ Giang Trạch Dân qua Hồ Cẩm Ðào không thấy đến cho tân Hoàng Ðế Tập Cận Bình và Tướng Lý Khắc Cương trong năm 2013 qua kỳ đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 18, 91 năm thành lập đảng, vào Mùa Thu năm nay.

 

Các nhà quan sát thời cuộc đã xem biến cố Trùng Khánh là biến cố quan trọng nhất kể từ biến cố Thiên An Môn năm 1989. Ngày 14 tháng 3 được nhớ là ngày đàn áp đẫm máu ở Tây Tạng trước kỳ thế vấn hội 8 thánh 8, 2008 nay lại ngày đánh dấu biến cố Trùng Khánh.

 

Với sự thanh trừng bí thư đảng Bạc Hy Lai, biến cố Trùng Khánh trùng với ngày lễ Kinh Trập của người Hoa, kéo dài từ ngày 5 đến ngày 20, mặt trời di chuyển từ kinh tuyến 345 độ đến 360 độ, thời tiết nóng, sâu bọ thức dậy. Biến cố Trùng Khánh cho cả thế giới thấy sâu bọ làm người.

 

Câu chuyện bắt đầu từ ngày 6 tháng 2, khi Vương Lập Quân cảnh sát trưởng Trùng Khánh, chạy 200 dặm từ Trùng Khánh đến Thành Ðô ở Tứ Xuyên, vào tòa lãnh sự Mỹ trú ẩn.

 

Cả hai phía Hoa Kỳ và Trung Cộng cho đến nay đều không tiết lộ chi tiết. Hoa Kỳ nói họ Vương đến tòa lãnh sự có hẹn trước và ngày hôm sau tự ý rời lãnh sự nhưng cảnh sát công an đứng đợi sẵn để bắt giam ông Vương. Quốc Hội Hoa Kỳ đã la ó, phàn nàn tòa lãnh sự đã bỏ lỡ cơ hội khai thác tài liệu họ Vương đã đem đến trong đó có nhiều chi tiết về chín ông hoàng trong Bộ Chính Trị trung ương đánh nhau tranh quyền.

 

Tất cả câu chuyện từ cảnh sát trưởng họ Vương cho đến Bí Thư Bạc Hy Lai đến bà Cốc Khai Lai vợ ông Bạc đầu độc thương gia Neil Hywood cho đến nay đều đến từ tin đồn và giống như những tin đồn của những cuộc đảo chánh “thật giả khó phân”.

 

Trong tin đồn thật có câu chuyện tranh chấp quyền hành giữa Bạc Hy Lai và Bộ Chính Trị trung ương với tham vọng thành một trong chín ông hoàng trong kỳ đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc sắp đến. Câu chuyện tham nhũng của họ Bạc, lương cán bộ có con đi học trung học Harrow ở Luân Ðôn, vào trường Oxford và Harvard, lái xe Porch, là câu chuyện bình thường của cán bộ cộng sản. “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” vừa cướp đêm lẫn cướp ngày là bí thư đảng cộng sản ai cũng rõ.

 

Chuyện buôn bán giữa bà Cốc Hy Lai với tình nhân người Anh cũng chưa có bằng cớ chính xác có tin đồn họ Vương đã đưa tài liệu vì vậy bị Cốc phu nhân hăm giết. Ông Neil Hywood, mang tiếng thương gia nhưng không tiền, nên bị nghi là gián điệp cơ quan phản gián MI6 vì lái xe Porche mang bảng số 007 nhưng tài ba không bằng James Bond nên cái chết bị nghi là đầu độc chứ không vì rượu hồi tháng 11 năm 2011.

 

Cả đời không biết uống rượu, sau khi chết xác bị thiêu ngay nên sự nghi ngờ đầu độc có thể tin nhưng chính quyền Anh phủ nhận ông Hywood là gián điệp. Tin đồn còn cho là chỉ huy quân đội Trùng Khánh Chu Dung Khang và họ Bạc âm mưu đảo chính chính quyền Bắc Kinh. Họ Bạc biến mất sau cuộc thanh trừng.

Tình, tiền, thù, chuyện không có gì lạ trong thời chế độ quân chủ chuyên chế từ Pháp với bà Medicis qua Anh với Lady McBeth cho đến Tàu đời nhà Hán 202 trước Thiên Chúa, khi Vương Thái Hậu nắm quyền, cậu vua con có nàng hầu eo nhỏ, người mỏng manh nhẹ như con chim se sẻ nhảy trên bàn tay đô lực sĩ, sau bà đầu độc giết con thành lệ truyền xuống sau nghìn năm đến thời Từ Hy Thái Hậu.

 

Bạc Hy Lai là người có hai bộ mặt. Những người ủng hộ họ Bạc gọi ông là “người hùng ngã ngựa” vì đương đầu với Hồ-Ôn, những nhà tranh đấu nhân quyền tố cáo Vương Lập Quân làm việc cho họ Bạc đã giết trên 2,000 người không đem ra tòa từ đảng viên tham nhũng hối lộ, đối lập và giết tù nhân kể cả tù nhân Pháp Luân Công bán nội tạng nhiều hơn các thành phố khác. Hai sự kiện rõ rệt sau những tin đồn: Lãnh tụ địa phương làm loạn, đạp trên luật lệ (điều không có gì lạ với những ông quan thời cộng sản) và khác biệt chính trị.

 

Trùng Khánh là một trong 4 thành phố trung ương tập quyền ở Trung Hoa ngoài Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân. Trong thập niên 1930 và 1940, Trùng Khánh là nơi chế tạo vũ khí cho Quốc Dân Ðảng, hiện nay Trùng Khánh là trung tâm kinh tế 32 triệu dân ở vùng Tây Nam Trung Hoa.

 

Mô hình Trùng Khánh bắt đầu từ năm 2007 khi Bạc Hy Lai về làm bí thư (sau khi ông bố, một trong Bát Ðại lão của Mao Trạch Ðông, mất cùng năm) được cả nước chú ý nhất là những năm sau này.

 

Hai mươi năm trước, khi Tổng Bí Thư Ðặng Tiểu Bình thăm các tỉnh miền Nam kêu gọi phải cải tổ nhanh hơn thì kinh tế đã phát triển mạnh, công ty quốc doanh được tư nhân hóa nhưng lại sinh ra thất nghiệp, lạm phát, cán bộ cướp nhà cướp đất, sự gia tăng khác biệt giữa người giàu và nghèo gia tăng. Trung Hoa phải đối diện với ba ngọn núi mới “học phí cao, giá nhà gia tăng quá mức và chi phí y tế không kham được”. Ðến thời Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo, họ chỉ lo củng cố địa vị, nói cải tổ chính trị nhưng không thực hiện, vẫn một đảng Mafia. Thủ Tướng Ôn Gia Bảo có một bộ mặt thân thiện với các chính quyền Âu Mỹ nhưng là cánh tay mặt của Hồ Cẩm Ðào.

 

Mô hình Trùng Khánh bắt đầu năm 2007, trùng với khủng hoảng kinh tế thế giới, khác với mô hình Bắc Kinh. Mô hình kinh tế Trùng Khánh nhắm vào sự đầu tư thương mại và phát triển, nhắm vào bình đẳng, cán bộ được khuyến cáo “ăn, sống và làm việc giống như dân”, chống các tội ác có tổ chức, mọi người được khuyến khích phát biểu ở các buổi họp công cộng.

 

Các quan sát viên thế giới công nhận mô hình Trùng Khánh là một cải tổ sâu rộng nhất từ ngày Mao Trạch Ðông chết năm 1978. Mô hình Trùng Khánh luôn luôn thay đổi, nhắm vào công lý, phân chia đất đai, dân được cấp bằng khoán đất, giá nhà chung cư không đắt đỏ, các công ty thương mại nhắm chiều hướng toàn cầu.

 

Ngày 18 tháng 3 năm 2012, ủy ban cải tổ Bắc Kinh do nhóm “tân tả” nhắm vào tư hữu hóa giáo dục, xe hỏa, y tế, truyền thống, điện lực, v.v... đã nhắm vào Trùng Khánh. Với dáng điệu đẹp trai, Bạc Hy Lai là một cái gai cho Bắc Kinh nhất là đối với hai bí thư.

 

Trùng Khánh tiền nhiệm Vương Dương đương kim tỉnh trưởng Quảng Ðông sẽ là 1 trong 9 ông hoàng và Hẹ Quốc Giang giám đốc kỷ luật của đảng cầm đầu cuộc điều tra vợ chồng họ Bạc.

 

Thủ Tướng Ôn Gia Bảo họp báo ngày 14 tháng 3, 2012 sau hai buổi họp ở Quốc Hội và hội nghị chính trị đã công nhận sự thành công của Trùng Khánh nhưng sau đó đổi giọng chỉ trích Bạc Hy Lai dính líu với cách mạng văn hóa. Họ Ôn không cho ký giả đặt câu hỏi.

 

Cùng ngày công an đến Trùng Khánh. Ngày 15 tháng 3, Phó Thủ Tướng Giang đến Trùng Khánh cách chức họ Bạc. Không khí chính trị giống như biến cố Lâm Bưu năm 1971. Tin tức được lựa chọn hay giả tạo được phóng ra cùng lúc, các tin tức của New York Times, Financial Times và Wall Street Journal cũng như Ðại Kỷ Nguyên (Epoch Times của Pháp Luân Công) loan tin không khác các báo và tin mạng lưới của chính quyền Trung Cộng.

 

Ðặc biệt là mạng Weibo bị đóng nhưng mạng tin chống chính quyền vẫn bị cấm của Pháp Luân Công ngày hôm đó lại không bị chận. Có lẽ đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn cho thấy bộ mặt xấu của Bạc Hy Lai giết đệ tử Pháp Luân Công nhưng ai cũng hiểu Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo đối xử độc ác với đối lập không kém Bạc Hy Lai.

 

Các nhà đấu tranh nhân quyền

Biến cố Trùng Khánh đưa bộ mặt cướp đất cướp tiền của đảng Cộng Sản Trung Quốc ra ánh sáng chưa hết dư âm thì bộ mặt cướp quyền làm người, cướp quyền sống của đảng Cộng Sản Trung Quốc lại được đưa ra công chúng trước ngày bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton đến Bắc Kinh qua vụ Luật Sư Trần Quang Thành (Chen Guangcheng).

 

Tin tức về Trần Quang Thành rõ hơn vụ Bạc Hy Lai, không phải là tin đồn. Nhà luật sư mù từ nhỏ sau một cơn sốt (có lẽ biến chứng bệnh viêm màng óc) năm nay 41 tuổi, tự học luật sau khi hành nghề Ðông y sĩ, được đảng ca ngợi đưa ra làm gương học tập nhưng đảng trở mặt bỏ tù 4 năm về tội “phá hoại tài sản công“ “tụ tập cản trở lưu thông” năm 2006. Ra khỏi tù, Trần Quang Thành bị giam tại gia từ 2010.

 

Họ Trần làm đảng cộng sản khó chịu khi yêu cầu Thủ Tướng Ôn Gia Bảo phải bảo vệ an ninh cho vợ con ông và cho Ôn Gia Bảo “một cơ hội chót cải tổ hệ thống chính trị độc đảng”. Ngày 22 tháng 4 năm 2012, Trần Quang Thành đợi đến tối lén ra khỏi nhà, leo tường trốn, trước đó ông đào hầm nhưng thất bại. Nhờ nhóm đấu tranh nhân quyền giúp, nhà đấu tranh nhân quyền cho phụ nữ và chống ép phá thai Trần Quang Thành đến tị nạn tại Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh cách 300 dặm.

 

Trần Quang Thành đã nổi tiếng năm 2007, được giải nhân quyền Ramon Magsaysay thường được gọi là giải Nobel Hòa Bình của Châu Á và là một trong 180 người, được tuần báo Time chọn, thay đổi bộ mặt thế giới. Ngày phát giải vợ của Trần Quang Thành, là Hu Jia bị lấy thông hành, điện thoại di động bị tịch thu. Giống như trường hợp của Lưu Hiểu Ba, không ai đại diện Trần Quang Thành nhận giải, chiếc ghế bị bỏ trống.

 

Sau 6 ngày thương lượng, Luật Sư Trần Quang Thành được đưa ra khỏi Tòa Ðại Sứ Mỹ đến chữa bệnh tại một bệnh viện ở Bắc Kinh và sẽ đi du học Hoa Kỳ trái với ước muốn của anh nhưng đây là một thất bại của bà Clinton. Thủ Tướng Ôn Gia Bảo được giữ mặt mũi bằng cách chứng minh cho thế giới biết Trần Quang Thành chỉ bị chính quyền địa phương quấy nhiễu, đẩy được những nhà đấu tranh nhân quyền ra khỏi nước là ước muốn của đảng cộng sản.

 

Ra ngoại quốc, theo thời gian tiếng nói các nhà đấu tranh tắt dần như trường hợp Ngụy Kính Sinh, linh hồn bức tường dân chủ, đến Mỹ năm 1997 nay ở trong bóng tối, sống nhờ trợ giúp bạn bè, tiền đọc diễn văn. Ða số những nhà lưu vong vắng tiếng vì thiếu lãnh đạo.

 

Vương Lập Quân trong cơn khủng hoảng chạy vào tòa lãnh sự, Trần Quang Thành vào tòa đại sứ có tính toán. Con đường vào tòa lãnh sự không phải là con đường tị nạn khỏi Trung Cộng, không chuyến máy bay nào có thể rời khỏi Bắc Kinh qua vòng vây cảnh sát. Trong quá khứ, chỉ có một người trốn vào tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh được đưa ra khỏi nước sau 13 tháng ở căn phòng chung cư dưới hầm tòa đại sứ.

 

(Có hai khu nhà của tòa đại sứ, một ở bên trong và một vòng ngoài dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh, khi vụ Trần Quang Thành xảy ra người ta không thấy cảnh sát bao vây chung cư bên ngoài nên đã biết Trần Quang Thành ở chung cư dưới hầm.) Giáo Sư Phương Lệ Chi (Fang Lizhi) một ngày sau thảm sát Thiên An Môn, trốn vào tòa đại sứ Mỹ.

 

Sau 13 tháng điều đình, để gỡ mặt mũi cho Ðặng Tiểu Bình, Tiến Sĩ Kissinger yêu cầu giáo sư Fang viết tờ tự khai, bản tự khai của ông không có nghĩa nhận tội, giúp Hoa Kỳ đưa ông qua Anh, từ Anh về Arizona làm giáo sư Vật lý không gian.

 

Giáo Sư Fang gia nhập đảng cộng sản, đảng viên xuất sắc nhưng cũng bị tố trong kỳ cách mạng văn hóa, đi học tập cải tạo ở vùng mỏ than, ông học lý thuyết vật lý không gian sau khi cải tạo vì chỉ có ngành này mới theo đuổi được mà không cần dùng đến vật liệu trong thời kỳ cộng sản.

 

Làm viện trưởng viện kỹ thuật khoa học ở An Huy trong thời Ðặng Tiểu Bình khi ông này chủ trương “Hiện đại hóa với đặc tính Trung Hoa” (có nghĩa là hiện đại với quyền lợi đảng, không chia sẻ đều cho mọi người) ông giáo sư đã nhái hỏi sinh viên: “Liệu các anh có tin Vật lý với đặc tính Trung Hoa?” Vì những câu nói châm chọc như vậy năm 1987 ông bị đuổi ra khỏi đảng, ngược lại ông trở nên nổi tiếng trong giới trí thức khắp nơi trong nước.

 

Giáo Sư Phương Lệ Chi, Lưu Hiểu Ba, Hồ Bình, Trần Quang Thành thuộc giới trí thức đấu tranh nhân quyền có chung một đặc điểm: Bắt đầu với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, vào đảng cộng sản rồi về sau cảm thấy cay đắng vì lý tưởng bị phản bội, họ chỉ trích chế độ rồi bị ở tù hay bị đày lưu vong nước ngoài. Riêng Giáo Sư Phương Lệ Chi, khoa học đã dẫn ông vào con đường tranh đấu nhân quyền vì năm lý do:

 

1.

 

Khoa học bắt đầu bằng sự nghi ngờ, nhờ nghi ngờ khoa học tiến bộ trong khi đám đảng viên của Mao Trạch Ðông chỉ có một niềm tin cứng ngắc Marx Lenin lỗi thời.

 

 2.

 

Khoa học dựa vào những phán đoán độc lập không phán xét một cách hồ đồ như những con người cộng sản. 3. Khoa học bình đẳng đưa đến xã hội bình đẳng. 4. Khoa học cần tin tức, cần thông tin dự kiện chính xác đầy đủ không bị giấu nhẹm như tin tức tuyên truyền cộng sản. 5. Khoa học tìm ra sự thật, sự thật được phơi bày, sự thật như nhân quyền, phổ thông ở khắp nơi không thay đổi vì chính trị.

 

Nhờ Giáo Sư Phương Lệ Chi mà từ cuối thập niên 1980 chữ nhân quyền được dân Trung Hoa biết đến và nhân quyền phổ thông từ miệng người dân qua đến mạng lưới thông tin.

 

Sau ngày thảm sát Thiên An Môn 4 tháng 6 năm 1989, Giáo Sư Phương Lệ Chi bị đảng cộng sản Trung Quốc xem là “bàn tay đen” nổi tiếng nhất trong giới trí thức cần phải bịt miệng ngược lại những năm gần đây Luật Sư Trần Quang Thành nổi tiếng trong giới bình dân.

 

Giáo Sư Phương Lệ Chi mất ở Arizona Hoa Kỳ ngày 6 tháng 4 năm 2012, ông vẫn mang trên vai bản án chống phá cách mạng.

 

Ngày bà Ngoại Trưởng Clinton rời Bắc Kinh, báo chí của chính quyền Trung Cộng hậm hực với ông Gary Locke “chính đại sứ là kẻ gây rối loạn”. Trong vụ Trần Quang Thành, ông đại sứ Hoa Kỳ kín tiếng, nhưng hình ảnh ông tân đại sứ Mỹ gốc Hoa mang ba lô, tự mua ly cà phê Starbucks ở phi trường không cận vệ không người hầu hạ khác hẳn các ông quan cộng sản ở Bắc Kinh, đã in đậm vào lòng dân Trung Hoa thèm khát dân chủ.

 

Ly cà phê Starbucks màu nhiệm đã kéo cựu Chủ Tịch Giang Trạch Dân 85 tuổi ra ánh sáng sau nhiều tin đồn đảng Cộng Sản Trung Quốc dấu tin ông đã chết.

 

Mỗi sáng trước khi đến bệnh viện tôi ghé qua Café Starbucks, nhưng tôi không ngờ ly cà phê trên tay ông đại sứ Gary Locke lại nguy hiểm cho đảng Cộng Sản Trung Quốc hơn là viên thuốc của Bạc phu nhân đầu độc ông Neil Hywood!

 

Việt Nguyên

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List