Popular Posts

Thursday, January 9, 2020

BÁT QUAN TRAI GIỚI


BÁT QUAN TRAI GIỚI
Toàn Không  
1). BÁT QUAN TRAI GIỚI LÀ GI? 
   Là phép tu hành ngắn hạn cho Phật tử tại gia, thực hành trong vòng một ngày một đêm, chữ Quan là cửa, chữ trai là không ăn sau giờ ngọ; Bát Quan Trai Giới là tám cửa ngăn không làm tám điều để thân tâm được yên ổn thanh tịnh. Tám điều ấy là: 1-Không sát sinh; 2- Không trộm cướp; 3- Không dâm dục; 4- Không nói dối; 5- Không uống rượu; 6- Không trang điểm hội họp coi hát xem truyền hình v.v…; 7-Không nằm ngồi giường ghế cao sang; 8- Ăn chay không qúa giờ ngọ. 
2). Ý NGHĨA TÁM GIỚI CẤM:                      
1. Ý NGHĨA KHÔNG SÁT SINH: 
   Tất cả các loài kể cả loài người đều tham sống sợ chết, biết vui mừng đau khổ, khi có bạn vui mừng chơi rỡn, khi thấy loài khác mạnh hơn thì sợ hãi chạy trốn; như loài cá thấy người liền bơi chạy xa, loài chim thấy người liền bay cao trốn xa, người thấy sư tử, hổ, báo, tìm cách tránh né; tất cả những hành động ấy đều vì sợ lâm nguy đến tính mạng. 
    Khi bị bắt, dù cá, chim hay người, đều vùng vẫy tìm cách trốn thoát; khi được thả, cá, chim, người đều vui mừng sung sướng không thể tả xiết. Vậy mà có người thấy con vật giẫy chết, tiếng kêu la thảm thiết trước bàn tay tử thần của con người, vẫn không xiêu lòng; có người giết để thỏa thích như săn bắn, bẫy, câu, nhìn cảnh tượng con vật dẫy dụa đau đớn mà cười sung sướng. Thật là nhẫn tâm tàn ác vô cùng! 
   Chúng ta là Phật tử, cần phải cố gắng không sát hại sinh vật. Đa số Phật tử còn ăn mặn, nên chưa giữ giới sát sinh gián tiếp được. Vậy cũng nên ăn chay một vài ngày trong một tháng, và ít ra trong ngày thọ Bát Quan Trai Giới hãy tuyệt đối giữ giới này. Được như vậy là đã giữ được trọn vẹn giới không sát sinh, dù chỉ một ngày một đêm, nhưng lợi ích lớn lao. 
2. Ý NGHĨA KHÔNG TRỘM CƯỚP: 
   Trộm cướp: là lấy của người, bao gồm rộng lớn như những vật thuộc quyền sở hữu của người khác, từ của cải tiền bạc, ruộng vườn nhà cửa, đồ đạc to nhỏ, không cho mà lấy đều là trộm cướp. Đưa thiếu, lấy thừa, quỵt nợ, giật hụi, đi trễ về sớm, bóc lột người làm, ăn hối lộ, lấy của công, trốn thuế, nhặt được của không trả lại v.v… đều là trộm cướp cả. 
   Trong đời sống hàng ngày, nhiều khi không giữ được tuyệt đối giới cấm này, chẳng hạn như bán của xấu lấy giá cao, mưu chước để được lợi một cách không ngay thẳng v.v…, có khi nhận thấy đó là bất chính, nhưng lại tự bào chữa là vì sự sống của gia đình mà làm như thế; nhưng ngày thụ Bát Quan Trai Giới, chúng ta hãy triệt để giữ giới này, ngay cả với ý nghĩ sinh khởi tham lợi trong đầu óc cũng không cho khởi lên, và còn tìm cách bố thí giúp đỡ cho người thiếu thốn. 
   Giữ được giới này, không những về hành động mà ngay cả trong tâm một cách tuyệt đối, dù chỉ 24 giờ, chúng ta đã gieo được nhân lành tốt đẹp. 
3. Ý NGHĨA KHÔNG DÂM DỤC: 
   Trong “Ngũ Giới” của người Phật tử, Đức Phật chỉ cấm “Tà dâm”, nghĩa là không được lang chạ với người không phải là vợ chồng của mình, hoặc cưỡng hiếp đàn bà con gái. Còn không “Dâm dục” là ngay cả với vợ chồng mình cũng không được gần gũi, vì dâm dục là cái nhân sinh tử luân hồi, nên người xuất gia phải dứt hẳn, dù trong ý nghĩ cũng phải diệt tuyệt mới được Đức Phật dạy: “Người muốn đoạn sinh tử đạt Niết Bàn mà không trừ hẳn dâm dục, giống người nấu cát muốn thành cơm, dù trải qua muôn kiếp cũng không thành được”. Bởi vậy, những người tu muốn thành Phật qủa phải đoạn trừ dâm dục. 
   Người Phật tử tại gia chưa thể đoạn trừ dâm dục được, nhưng giữa vợ chồng cũng phải điều độ, tiết chế dục; nhất là đối với người lớn tuổi càng phải hạn chế dục để cho thân được khỏe, tâm được trong sạch nhẹ nhàng; còn trong ngày thụ Bát Quan Trai Giới, phải tuyệt đối tôn trọng, dù ý nghĩ trong đầu cũng không cho sinh khởi; nếu triệt để giữ giới không dâm dục này, chúng ta đã gieo được nhân thanh tịnh. 
4. Ý NGHĨA KHÔNG NÓI DỐI: 
   Sự nói không đúng sự thật, nói thêu dệt thêm bớt, nói hai chiều khác nhau, nói lời độc ác, trong đời sống hàng ngày đã gây tai hại làm cho mất sự tin tưởng lẫn nhau, từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Biết bao nhiêu những chuyện lộn xộn trong gia đình, bà con, bạn bè đã phát sinh từ cửa miệng mà ra; biết bao nhiêu sự chém giết thù hằn trong nhân loại cũng từ cửa miệng mà ra. 
   Nếu trong đời sống hàng ngày chưa thể hoàn toàn giữ giới này, thì trong ngày thọ Bát Quan Trai Giới, chúng ta phải triệt để giữ giới này, ngay cả trong ý nghĩ cũng không để cho sinh khởi sự dối trá trong tâm; trong chỉ một ngày một đêm, mà chúng ta không thể giữ được giới này, sao gọi là thọ Bát Quan Trai Giới được? Vì đây là thể hiện lòng chân thật, tính thật thà. 
5. Ý NGHĨA KHÔNG UỐNG RƯỢU: 
   Không uống rượu còn bao gồm cả không dùng các chất ma túy, kích thích, vì chất rượu, ma túy, và chất kích thích làm cho đầu óc không còn minh mẫn, bị tối tăm, cuồng tâm; gia đình nào có người uống rượu, có chồng say sưa, nghiện ngập, thật là khổ cho những người xung quanh. Nào là mửa tháo dơ bẩn, công việc không cần biết tới, lại còn hay gây sự này sự nọ, đánh đập vợ con, gây gỗ chửi bới đánh lộn bạn bè hàng xóm. Nào mượn tiền người không trả, gây phiền hà cho cha mẹ vợ con, ăn trộm ăn cướp phải chịu tù đày. 
     Uống rượu và dùng ma túy, nó còn nguy hiểm hơn là uống thuốc độc, vì thuốc độc chỉ chết một đời, chứ rượu và ma túy làm tâm điên đảo cuồng si mất trí, gây tội lỗi sẽ chịu tội nhiều kiếp; bởi vậy, ngày thọ Bát Quan Trai Giới, chúng ta phải tuyệt đối giữ giới không uống rựợu, không dùng ma túy, dù chỉ nghĩ trong đầu cũng không cho sinh khởi, như thế mới đúng với ý nghĩa của việc thụ trì Bát Quan Trai Giới. 
6. Ý NGHĨA KHÔNG TRANG ĐIỂM CA HÁT: 
 (Còn tiếp)


__._,_.___

Posted by: Tien Do 
BÁT QUAN TRAI GIỚI
Toàn Không
(Tiếp theo)
6. Ý NGHĨA KHÔNG TRANG ĐIỂM CA HÁT: 
   Giới cấm này để tập cho người Phật tử thọ Bát Quan Trai Giới không theo thói buông thả để năm giác quan là “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân” đắm nhiễm năm trần là “sắc, thanh, hương, vị, xúc”. Khi năm giác quan bị năm trần cảnh lôi cuốn, người Phật tử sẽ bị dắt vào con đường luyến ái, dục lạc, làm tâm thần mê mờ; tâm mê mờ càng vô minh, càng vô minh càng ngụp lặn chìm đắm trong sinh tử luân hồi không có ngày ra khỏi. 
   Nhưng trong đời sống hàng ngày, người Phật tử tại gia còn phải tiếp xúc với đời sống xã hội, nên đôi khi vẫn có các thứ ấy; nhưng dù có như vậy, người Phật tử tại gia chỉ nên tham dự những gì có tích cách xây dựng, trong sạch và hướng thượng. 
   Ngày thụ Bát Quan Trai Giới, chúng ta phải giữ đúng giới này, không xức bôi nước hoa dầu thơm hoặc trang điểm, không hội họp, không nghe hát v.v…để tâm chúng ta được thanh tịnh; được như vậy, ảnh hưởng của nó vô cùng lợi ích và qúy báu. 
7). Ý NGHĨA KHÔNG NGỒI NẰM
     GIƯỜNG GHẾ CAO SANG: 
   Giường ghế cao sang, nệm êm đẹp đẽ, chướng rủ màn the sẽ kích thích lòng ham muốn của xác thân, tạo điều kiện cho thân tâm buông lung theo cảm giác khoái lạc. Lại nữa, khi nằm giường êm, thường ngủ lâu, ngủ quên cả giờ giấc, bỏ bê chểnh mảng việc tu tập 
   Vì hiểu rõ lời dạy của Phật nên Ngài Hiếp Tôn giả từ khi xuất gia không nằm, Thiền Sư Cao Phong khi chưa đắc đạo trong ba năm không nằm giường, chỉ nằm đất. 
   Bởi vậy, người tu hành chỉ nên nằm giường nhỏ vừa đủ để nằm, không mong cầu giường ghế cao sang; người Phật tử tại gia nên tập dần đức tính đạm bạc giản dị này.
8). Ý NGHĨA KHÔNG ĂN CHAY QÚA GIỜ NGỌ:   
    Giờ ngọ là giờ trưa từ 11 giờ sáng tới 1 giờ chiều, ăn phải xong trước 1 giờ chiều. 
   Đức Phật dạy: “Chư vị Trời ăn sáng sớm, Phật ăn giữa trưa, Súc sinh ăn không có giờ giấc tùy loài, Ngạ qủy ăn đêm tối, Người tu theo Phật phải ăn chay đúng trưa”, tại sao? Vì ăn vào giờ đó có năm lợi ích như sau: 1- Ít sinh buồn ngủ, 2- Ít sinh ngứa ngáy, 3- Ít khởi tâm sai quấy, 4- Ít sinh bệnh, 5- Tu hành dễ nhất tâm. 
   Dù vậy, người Phật tử tại gia có thể sáng ăn một chút điểm tâm chay nhẹ, buổi trưa ăn bữa chay chính, và buổi chiều dùng chút nước cháo hoặc sữa. Vì hàng ngày các Phật tử tại gia ăn  hai hoặc ba bữa mà đột nhiên ăn một bữa, có thể bị cồn cào ruột, nên châm chế chút đỉnh.
   Trước khi ăn niệm:
Tất cả đều ăn để sống còn,
Cảm ơn tôi có bữa ăn ngon,
Do công khó nhọc làm ra đó,
Nguyện mọi chúng sinh được đủ no. 
III). PHÁT NGUYỆN TU TÁM TRAI GIỚI: 
   Đức Phật dạy cách phát thề nguyện trong bộ Tăng Nhất A Hàm, quyển 1, trang 507 như sau: 
- “Nay con là ……….vâng giữ Bát Quan Trai Giới của Như Lai trong một ngày một đêm, tu giới thanh tịnh, trừ bỏ pháp ác. Nếu thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ điều ác, hoặc vì tham sân si đã tạo, đang tạo, sẽ tạo, hoặc do ác tri thức mà tạo, hoặc chẳng biết Phật, Pháp, Tăng, hoặc làm tổn thương cha mẹ và các bậc tôn trưởng. Nay con tự sám hối, nương theo pháp Phật, nương theo giới cấm để thành tựu Bát Quan Trai của Như Lai” 
- “Nay con là ……….trì trai trong một ngày một đêm, thề chẳng giết, chẳng có tâm ác hại, nguyện có tâm từ đối với tất cả chúng sanh; thề không trộm cướp xâm phạm của cải của người, giữ tâm trong sạch, thề không xúc phạm chẳng nhớ nghĩ điều dâm với người khác phái”. 
- “Nay con là ……….trì trai trong một ngày một đêm, thề không dối gạt người, chẳng nói vọng ngữ, chẳng nói thêu dệt, chẳng nói lời ác. Thề không uống rượu (hay dùng ma túy), giữ gìn cấm giới, giữ tâm ý chẳng loạn. Thề giữ trai giới, ăn đúng giờ, biết đủ, không say đắm mùi vị” 
- “Nay con là ……….trì trai giới trong một ngày một đêm, thề không có tâm ý muốn được nằm ngồi chỗ cao sang. Thề không trang điểm kiêu sang, thề không bàn luận hội họp thế gian, chẳng dự ca kịch nhạc hội, (chẳng coi nghe truyền thanh truyền hình)”. 
- “Nay con là ………. Đã thề làm tám việc lành trong một ngày một đêm, vâng giữ tu Bát Quan Trai Giới, sẽ không đọa tám nạn (là chẳng đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cõi trường thọ, nơi biên giới không người, không đủ giác quan, tà kiến, thời không có Phật hay không có Phật pháp). Không gặp ác tri thức, chẳng làm nô tỳ; thường gặp thiện tri thức, được sinh vào nhà cha mẹ lành, được sinh cùng thời có Phật, được thấy Phật, được tự nghe Pháp Phật, khiến tâm ý chẳng loạn, mau thành đạo quả”. 
   Nên nhớ phát thề nguyện, vì phúc của phát thề nguyện không thể xưng tán hết, được cam lộ, đến chỗ tối thượng. 
IV). CHƯƠNG TRÌNH TRÒN MỘT NGÀY 
Buổi sáng:   6 giờ           Lễ thọ giới
                     7 giờ           Ăn điểm tâm
                     8 giờ           Sám hối            
                     9 giờ           Xem Kinh          
                    12 giờ          Thụ trai            
                    12 giờ 40     Đi kinh hành         
Buổi chiều:  1 giờ 30      Nghỉ trưa           
                     3 giờ          Tụng Kinh    
                     4 giờ          Xem Kinh             
                     6 giờ          Dùng nước(sữa hoặc nước cháo)
Buổi tối:      7 giờ          Niệm Phật            
                     8 giờ          Học giáo lý            
                    10 giờ 15     Quán Sổ tức (hơi thở)                 \
                    10 giờ 45     Nghỉ                     
Hôm sau:     4 giờ 30      Công phu thiền         
                     6 giờ           Làm lễ xả giới       
   Hành giả nên thọ Bát Quan Trai Giới tại chùa, ít nhất là lần đầu tiên để biết nghi thức; khi đã biết nghi thức rồi có thể tự thọ lấy tại nhà, mỗi tháng nên thọ một lần; nếu thọ được nhiều chừng nào tốt chừng ấy vào các ngày mồng tám, mười bốn, ngày rằm…; tuy chỉ có 24 giờ, nhưng rất qúy báu, hơn cả một đời của người không tu hành gì cả. 
V). TRÌ BÁT QUAN TRAI
      VÀ 5 NIỆM TƯỞNG:
 (Còn tiếp)


BÁT QUAN TRAI GIỚI
Toàn Không
(Tiếp theo)
5). TRÌ BÁT QUAN TRAI
     VÀ 5 NIỆM TƯỞNG: 
    Trong Trung A Hàm quyển 4 từ trang 477 đến 494, Kinh Trì Trai, Đức Phật dạy Lộc tử Mẫu Tỳ xá Khư về ba loại Trì Trai: Trì trai của Mục đồng không có đại công đức, trì trai của Ni kiền (Khổ hạnh) không có đại công đức, và trì Tám chi Thánh trai (Trì Bát Quan Trai Giới) có đại công đức. Sau khi Đức Phật giải thích tám trai giới, Ngài lưu ý nên hành trì năm pháp niệm tưởng, đó là:
1. Niệm tưởng Phật với mười danh hiệu: 1. Như Lai (Bậc đạt chính Đẳng Chính Giác). 2. Ứng Cúng (Thọ sự cúng dường của Trời và Người). 3. Chính Biến Tri (Trí Bát Nhã biết khắp không gian và thời gian). 4. Minh Hạnh Túc (Viên mãn vạn hạnh, đầy đủ Tam Minh). 5. Thiện Thệ (Đến chỗ vi diệu, không còn sinh trong ba cõi). 6. Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ: (Biết hết nhân sinh vũ trụ, không Trời Người hay Thần Linh nào sánh bằng). 7. Điều Ngự Trượng Phu (Điều phục tất cả chúng sinh). 8. Thiên Nhân Sư (Thầy của Trời và Người). 9. Phật (Trí tuệ đầy đủ, Ba Giác viên minh, biết hết các pháp và công hạnh). 10. Thế Tôn (Tất cả phàm thánh trời người đều tôn trọng). Sau khi niệm tưởng nhớ nghĩ như thế, sẽ trừ được tham ác ô nhiễm bất thiện, niệm tưởng nhiều sẽ được tâm định. 
2. Niệm tưởng Pháp do Phật giảng dạy toàn thiện, thường hằng, cứu cánh, được biết thấy bởi chính trí; sau khi niệm tưởng nhớ nghĩ như thế, sẽ trừ được tham ác ô nhiễm bất thiện, niệm nhiều sẽ được tâm tĩnh. 
3. Niệm tưởng Thánh Tăng là người đã thành tựu Giới Định Huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, xứng đáng kính trọng, là ruộng phúc của Trời Người; sau khi niệm nhớ nghĩ như thế, tham ác ô nhiễm bất thiện sẽ tiêu diệt, nên được tịch tĩnh. 
4. Niệm Giới, duy trì giới đang thụ trì không thiếu sót, khéo thọ trì như thế, liền trừ tham ác, ô nhiễm bất thiện cũng được diệt luôn. 
5. Niệm Thiên, niệm tưởng thật sự có Tứ Thiên Vương, nếu thành tựu Tín, khi qua đời sẽ sinh nơi ấy; tôi cũng có Tín này, nhớ nghĩ mãi như thế sẽ sinh vào cõi Tứ Thiên Vương. Niệm tưởng thật sự có cõi Trời Đao Lợi, Diệm Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc, Tha Hóa Lạc. Người thành tựu tín, giới, thí, tuệ khi qua đời sinh đến các cõi Trời ấy. Tôi cũng có tín, giới, bố thí, trí tuệ, nên sau khi chết sẽ được sinh đến nơi ấy. 
    Người thụ trì Bát Quan Trai Giới và năm niệm tưởng kể trên so với người làm Vua được quyền sử dụng hết thảy của cải trân bảo tài sản của 16 nước trong toàn cõi Ấn Độ, Vua ấy được phước không bằng một phần mười sáu của người ấy. Lạc thú của Vua ở nhân gian kém xa lạc thú của Chư vị Trời, tuổi thọ ở nhân gian qúa ngắn ngủi so với tuổi thọ của cõi Trời, một ngày một đêm ở cõi Tứ Thiên Vương bằng năm mươi năm cõi trần, một ngày một đêm của cõi Đao Lợi bằng một trăm năm ở cõi trần. Cứ thế tính tăng lên gấp đôi đối với Diệm Ma, Đâu Suất v.v…Tính ba mươi ngày một tháng, mười hai tháng một năm, cõi Tứ Thiên Vương thọ 500 năm tuổi trời, cõi Đao Lợi thọ 1000 tuổi trời, cõi Diệm Ma thọ 2000 tuổi trời, cứ thế gấp đôi đối với các tầng trời cao hơn. 
6). SỰ CẦN THIẾT THỤ TÁM TRAI GIỚI: 
   Trong Tạp A Hàm, quyển 4, Kinh số 1121, trang 116 ghi:  Một thời Đức Phật ngự tại vườn Ni Câu Luật nước Ca Tỳ La Vệ, khi ấy dân chúng dòng họ Thích đi đến chỗ Phật, bấy giờ Đức Phật hỏi:
- Quý vị dòng họ Cù Đàm, trong các ngày trai giới có thọ trì và tu tập gì không?
   Trưởng giả họ Thích thưa:
- Bạch Thế Tôn, chúng con vào những ngày trai giới có khi giữ được, có khi không; tu tập công đức cũng khi có khi không.
   Đức Phật dạy:
- Như vậy là qúy vị không gặt hái được những lợi ích tốt đẹp, qúy vị là những người kiêu mạn sẽ đem lại sự buồn rầu khổ não, tại sao lại khi giữ được khi không?
   Ví dụ như người mưu cầu tài lợi, hàng ngày lợi vào gấp đôi, một ngày hai tiền, hai ngày bốn tiền, ba ngày sáu tiền, bốn ngày tám tiền, năm ngày mười tiền v.v… Như thế tiền bạc tài sản tăng lên giàu có. Nếu cứ tăng giàu mãi như thế, lại muốn tâm vui vẻ an lạc, trụ vào Thiền định khoảng mười năm, liệu có được không?
   Mọi người đều đáp:
- Bạch Thế Tôn! Không.
   Đức Phật bảo:
- Hoặc chín năm, tám năm, . . . cho đến một năm; thôi không tính năm, hoặc mười tháng, chín tháng, tám tháng, bảy tháng v.v…cho đến một tháng; thôi không tính tháng, liệu có được hai mươi ngày, mười ngày, chín ngày, tám ngày, v.v… cho đến một ngày đêm tâm an lạc vui vẻ trụ vào Thiền định có được không?
- Bạch Thế Tôn! Không
   Đức Phật dạy:
- Quý vị nên biết, trong hàng Thanh Văn, có người được Ta giáo hóa, sáng sớm giáo hóa, chiều tối có thể tăng tiến vượt bội. Do nhân duyên này, nên trong trăm nghìn vạn năm tâm an lạc vui vẻ trụ vào Thiền định, thành tựu qủa vị Thánh.
   Bấy giờ những người họ Thích thưa:
- Bạch Thế Tôn! Từ hôm nay, những ngày trai giới, chúng con sẽ thọ trì Tám trai giới, tùy sức bố thí tu tập công đức không quên . . . .,. 

__._,_.___

Posted by: Tien Do 
__._,_.___

Posted by: Tien Do 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List