Popular Posts

Tuesday, February 18, 2020

BỒ TÁT VĂN THÙ SƯ LỊ


BỒ TÁT VĂN THÙ SƯ LỊ
Toàn Không 
1). VĂN THÙ SƯ LỊ LÀ BỒ TÁT NÀO? 
    Bồ Tát Văn Thù Sư Lị (Lợi) thường gọi tắt là Bồ Tát Văn Thù, có nghĩa là Diệu Đức, Ngài là Thượng thủ của Phật Thích Ca trong hàng Bồ Tát. Trong Kinh Duy Ma Cật nói về Đại Bồ Tát Duy Ma Cật thị hiện tại cõi Ta Bà để giáo hóa chúng sinh dưới hình thức là một người bệnh; một hôm, Đức Phật Thích Ca muốn cử một đệ tử đại diện hướng dẫn bốn chúng đi thăm bệnh Duy Ma Cật. Nhưng khi được hỏi, hết thảy từ hàng đại đệ tử đến hàng Bồ Tát đều khiêm cung không dám nhận; chỉ có Bồ Tát Văn Thù nhận lời Phật trao phó, vì vậy Ngài còn được gọi là “Đại Trí Văn Thù Sư Lị Bồ Tát 
2). ĐẶC ĐIỂM CỦA BỒ TÁT VĂN THÙ: 
      Hình hay tượng Ngài thường cưỡi ngồi trên sư tử xanh, tượng trưng cho sức mạnh của trí tuệ, vì sư tử là chúa sơn lâm, một tiếng rống muôn thú đều nép phục. Bồ-tát do trí tuệ viên mãn hay thuyết pháp phá dẹp tất cả tà thuyết, nên khi chính pháp vang lên, mọi tà thuyết đều tan biến. 
     Đầu Ngài đội mũ ngọc ngũ kế, tay phải cầm kiếm báu, tượng trưng cho trí tuệ giống như bảo kiếm sắc bén, có thể chặt đứt mọi phiền não vô minh, tay trái cầm hoa sen xanh biểu trưng cho ở trong phiền não mà không ô nhiễm tham ái, trên bông hoa đặt Kinh Bát Nhã, tượng trưng cho trí tuệ rộng lớn siêu vượt thù thắng. 
     Chiếc áo giáp Ngài mang trên người gọi là giáp nhẫn nhục, che chắn các mũi tên thị phi không xâm phạm vào thân thể, giữ cho Bồ-tát vẹn toàn tâm từ bi. Bọn giặc sân hận oán thù không thể nào xúc não được hạnh nguyện nhẫn nhục của Bồ Tát trong việc thực hiện tâm Bồ-đề.
3). SỰ TÍCH BỒ TÁT VĂN THÙ: 
     Khi Bồ Tát Văn Thù chưa tu, một kiếp Ngài là con thứ ba của vua Vô tránh Niệm, tên là Hoàng tử Vương Chúng; trong dịp phụ Vương Ngài cúng dàng Đức Phật Bảo Tạng và  khuyên bảo các Vương tử làm theo, Ngài thích thú vâng làm. Đại thần Bảo Hải cũng khuyên rằng: “Nay Hoàng tử đã và đương cúng dường Phật, đó là phước đức rất lớn; Hoàng tử nên tạo nghiệp thanh tịnh, vì hết thảy chúng sanh mà cầu được trí huệ, và đem công đức ấy hồi hướng về đạo vô thượng Chính đẳng, sẽ tốt hơn cầu các phước khác”. 
      Hoàng tử Vương Chúng nghe quan Đại thần khuyên, bèn đến chỗ Đức Phật Bảo Tạng vái và nói:
     “Thưa đức Thế Tôn, tôi cúng dàng Ngài, chúng Tăng, và tu tập những điều do Ngài chỉ dạy đó. Nay tôi xin hồi hướng công đức ấy về đạo vô thượng, nguyện tu hạnh Bồ Tát dù trải qua hằng sa số kiếp, để giáo hóa chúng sinh khỏi mê muội được trí huệ.
    Tôi nguyện: chẳng vì lợi ích của mình mà cầu mong  thành đạo qủa, và vì giáo hóa chúng sinh trong mười phương; những người được tôi giáo hóa thành Phật trước tôi trong khi vị này giáo hóa chúng sinh làm sao cho tôi thấy.
    Tôi nguyện: trong khi tu hành làm vô lượng Phật sự, và đời nào cũng tu theo Lục độ là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh Tấn, Thiền định, và Trí huệ.
   Tôi nguyện: chúng sinh được tôi dạy bảo đều được thanh tịnh, được như vậy tôi mới thành Phật.
    Tôi nguyện: được cõi Phật trang nghiêm bằng tất cả các cõi Phật trang nghiêm hợp lại. Cõi ấy toàn bằng vàng bạc lưu ly, xích châu mã não, có các cây lạ hoa qúy hương thơm không đâu có, không có đất cát bụi bặm dơ bẩn.
    Tôi nguyện: trong cõi ấy, hết thảy chúng sinh đều sinh ra bằng hóa sinh, không có ái dục, không có tên đàn bà, không cần ăn uống các đồ vật chất. Mọi người đẹp tự nhiên, vui trong thiền định, được tam muội, có thần thông, đi dạo tự tại; chỉ trong thời gian một bữa ăn đi khắp mười phương cúng dàng Chư Phật.
    Tôi nguyện: trong cõi nước tôi không có phân biệt, thảy đều cao thượng, tâm trí sáng suốt, không có ba điều ác của thân, bốn điều dữ của miệng, và ba điều độc của ý.
    Tôi nguyện: trong cõi của tôi không có các sự khổ não, không có Tám chướng ngại (Là: 1- Địa ngục, 2- Ngạ qủy, 3- Súc sinh, 4- Vô sắc Thiên trường thọ, 5- Câm điếc, 6- Tà kiến, 7- Sinh thời không có Phật và pháp lưu hành, 8- Ở nơi hoang vu).
    Tôi nguyện: trong cõi nước tôi không cần ánh sáng mặt trăng mặt trời, vì các vị Bồ Tát có hào quang tự nhiên soi sáng chiếu khắp nơi nên không có đêm tối. Chỉ biết khi hoa nở là ban ngày, hoa cúp là ban đêm, còn khí hậu không nóng cũng chẳng lạnh, điều hòa trung bình không thay đổi.
    Tôi nguyện: các Bồ Tát Đẳng Giác bổ xứ làm Phật đến cõi khác, trước hết ở cõi tôi sau mới giáng sinh tới cõi ấy tùy nguyện hóa độ.
    Tôi nguyện: khi tôi thành Phật rồi hóa độ hết thảy chúng sinh trong cõi nước của tôi thành Phật hết rồi tôi mới nhập diệt.
    Tôi nguyện: khi làm Bồ Tát đạo trong các cõi Phật, thấy những trang nghiêm và những hạnh nguyện của Chư Phật, tôi đều được thành tựu như thế tất cả.
   Tôi nguyện: trong khi tu đạo Bồ Tát, các người phát Bồ Đề tâm sẽ được bổ xứ thành Phật về sau, đều sinh về cõi tôi để được giáo hóa hết thảy.
    Tôi nguyện: khi tôi thành Phật rồi, tôi biến hóa ra các hoá Phật và các hóa Bồ Tát nhiều như cát ở bờ sông bãi biển; hằng dạo chơi các thế giới mười phương mà giáo hóa, chúng sinh nghe rồi phát tâm Bồ Đề tu hành đến khi thành Phật cũng không thay đổi.
    Tôi nguyên: khi tôi thành Phật, các chúng sinh ở các cõi khác nếu thấy tôi nhớ mãi cho tới khi thành Phật cũng không quên; nếu các Bồ Tát ở các cõi khác muốn thấy tôi đều được thấy, và sự hoài nghi về đạo pháp được suốt thông hết thảy.
    Tôi nguyện: khi thành Phật rồi thọ mạng lâu dài vô cùng vô tận, các vị Bồ Tát trong cõi tôi cũng sống lâu như thế; thưa Đức Thế Tôn, tôi nguyện được như vậy, tôi mới thành Phật”. 
    Đức Bảo Tạng Như Lai nghe Hoàng tử Vương Chúng thệ nguyên kiên cố như thế, liền thụ ký rằng:
     “Hay thay! Hay thay! Ông là đại trượng phu minh mẫn sáng suốt, phát nguyện rộng lớn khó khăn, làm những việc không thể nghĩ bàn; phải là bậc trí huệ mới làm được như vậy. Ông vì hết thảy chúng sanh mà phát nguyện rộng lớn nặng nề và cầu cõi Phật trang nghiêm như thế. Nay Ta đặt tên hiệu cho ông là Văn Thù Sư Lị, trải qua vô lượng kiếp về sau, ông sẽ thành Phật ở thế giới đẹp đẽ tên là Thanh Tịnh Vô Cấu Bảo Chỉ ở về phương Nam; tất cả các sự ước nguyện của ông đều được thỏa mãn.
    Từ nay về sau, trải qua vô lượng kiếp, ông tu Bồ Tát đạo, trồng căn lành, giáo hóa chúng sanh, tùy bệnh mà cho thuốc, để chúng sanh trừ hết phiền não”. 
    Hoàng tử Vương Chúng nói: “Thưa Đức Thế Tôn, nếu sự thệ nguyện của tôi được đúng như Ngài thọ ký, xin cả mười phương chư Phật cùng thọ ký cho tôi”. 
     Nói rồi, đương lúc cúi đầu lễ Phât, mười phương chấn động, trên không có tiếng âm nhạc vang lên, các thứ hoa rơi xuống như mưa bay và ở tất cả các cõi Phật cũng thế. 
    Đức Phật Bảo Tạng nói: “Mười phương chư Phật đồng loạt thụ ký cho ông rồi đó”; Hoàng tử Vương Chúng hoan hỉ vui mừng, bèn ngồi xuống nghe thuyết pháp. 
    Từ đó về sau, Hoàng tử mạng chung, tái sinh vô số kiếp, kiếp nào cũng nhớ bản nguyện quyết tâm tu hành đạo Bồ Tát; Ngài đã thành đại Bồ Tát từ vô số kiếp và giáo hóa vô số chúng sinh. Một số đệ tử của Ngài Văn Thù đã thành Phật rồi, mà Ngài vẫn còn là Đại Bồ Tát giáo hóa chúng sinh trong mười phương thế giới vì lời thệ nguyện kiên cường khó làm xong của Ngài vậy., .




__._,_.___

Posted by: Tien Do 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List